Những thói quen vô tình khiến bạn mệt mỏi

Áo Dài

Cô gái Việt Nam
Thành viên BQT
Có những thói quen sinh hoạt tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra lại góp phần "bào mòn" sức khoẻ tinh thần của bạn một cách thầm lặng. Theo chia sẻ của Tyson Lippe - Bác sĩ tâm thần ở Heading Health, Austin, Texas (Mỹ); bạn nên xem nguồn năng lượng của mình như một chiếc cốc có lỗ ở đáy. Có hai cách để làm chiếc cốc luôn có đủ nước: đó là đổ thêm nước vào, hoặc là làm cái lỗ ở đáy cốc nhỏ lại. Cách ví von này mô tả việc bên cạnh những việc cần thiết như ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập luyện, bạn nên "làm nhỏ lỗ thoát năng lượng" bằng cách hạn chế tối đa những việc dưới đây.

USER_SCOPED_TEMP_DATA_orca_share_media1633439169082_6851140440638985054.jpeg

Ảnh: Sưu tầm
Dưới đây là những thói quen vô tình khiến bạn mệt mỏi

1. Nhập tâm quá mức vào một bộ phim cảm xúc.

Khi theo dõi một bộ phim hay, chúng ta thường có xu hướng thích một nhân vật nào đó và đồng cảm với vai diễn của họ. Đồng cảm và thấu hiểu là một kỹ năng đáng được rèn luyện để nâng cao trí tuệ cảm xúc. Tuy nhiên, bác sĩ tâm thần Leela R. Magavi ở California cũng khuyến cáo rằng: những bộ phim hay, những chương trình truyền hình gây xúc động mạnh có thể khiến người xem mệt mỏi tinh thần, đặc biệt khi bạn nhập tâm quá mức và tưởng tượng bản thân đang trải qua những cảm xúc và sự kiện tương tự nhân vật trong phim.

Cách khắc phục: Nên hạn chế "nhập vai" những bộ phim cao trào cảm xúc hoặc giới hạn thời gian xem mỗi tuần để cân bằng cảm xúc và năng lượng của cơ thể.

2. Thời gian giữa các bữa ăn bị kéo dài

Khoảng cách giữa các bữa ăn của bạn thường kéo dài bao lâu? 4 tiếng, 6 tiếng hay hơn 8 tiếng? Cơ thể thường tích trữ một số carb trong gan để sử dụng khi lượng đường trong máu thấp, chẳng hạn như giữa các bữa ăn. Nhưng nếu bạn để thời gian giữa các bữa ăn quá dài (quá 3-6 giờ), dẫn đến cảm giác thèm ăn các loại thực phẩm hàm lượng carb cao, đẩy lượng insulin trong cơ thể tăng cao. Khi mức insulin đạt đỉnh, lượng đường trong máu giảm xuống và dẫn đến cảm giác kiệt quệ về thể chất.Cách khắc phục: Mang sẵn theo một số món ăn nhẹ như bánh, kẹo, các loại hạt... để ăn giữa các bữa ăn chính.

3. Lên một kế hoạch xa tầm với

Lập kế hoạch là một thói quen hữu ích, nhưng nếu bạn luôn lên những kế hoạch khó đạt được hoặc một kế hoạch đòi hỏi nhiều thời gian để hoàn thành thì bạn sẽ trở nên kém linh hoạt trong chính kế hoạch này. Hệ quả là nó tạo ra cảm giác lo âu, căng thẳng khi bạn vẫn chưa kịp xoay sở và thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả. Lâu dài hơn, nó tác động tiêu cực đến tốc độ xử lý của não bộ, tinh thần kiệt quệ và động lực thực hiện kế hoạch sẽ ngày càng giảm dần. Cách khắc phục: Bạn có thể lập những kế hoạch dài hạn, nhưng cũng đồng thời chia nhỏ ra những mục tiêu ngắn hạn để bạn có đủ động lực, thời gian và khả năng đạt được những mục tiêu đó. Hãy dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân, thư giãn để bảo toàn năng lượng cho cả một kế hoạch dài hạn.

4. Làm việc trên một chiếc bàn lộn xộn

Làm việc trong một môi trường lộn xộn có thể gây ra sự mất tập trung, khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc, thậm chí đòi hỏi bạn đầu tư nhiều năng lượng hơn bình thường.

Cách khắc phục: Sắp xếp lại không gian làm việc thật gọn gàng và "chill" để bạn có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui khi làm việc.

5. Lướt quá nhiều tab trên máy tính

Đôi khi chúng ta thường có thói quen mở nhiều tab để thuận tiện cho việc tiếp nhận thông tin, nghiên cứu nhiều thứ trong cùng một lúc. Tuy nhiên đây không hẳn là một thói quen có lợi cho tâm trí. Việc mở quá nhiều tab không chỉ làm cạn kiệt pin của máy tính mà còn khiến bộ não của bạn hoạt động quá mức. Theo Rana Mafee, nhà thần kinh học tại Chicago, việc lướt từ tab này sang tab khác khiến bạn lầm tưởng rằng mình đang hoàn thành một khối lượng công việc lớn và năng suất, nhưng thực tế thì bạn đang giải quyết công việc kém hiệu quả.

Cách khắc phục: Vạch ra mục tiêu của bạn và chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất trong một thời điểm nhất định. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ nên mở 1-3 tab trên màn hình máy tính của mình. Bằng cách này, bạn sẽ rèn luyện được khả năng tập trung và cân bằng cảm xúc trong cuộc sống.

6. Nghe và gọi điện thoại liên tục

Công việc của bạn bắt buộc phải thực hiện rất nhiều cuộc gọi trong ngày? Các cuộc gọi liên tục và kéo dài sẽ vắt kiệt cảm xúc và khiến bạn đuối sức, bởi vì hệ thần kinh của bạn liên tục phải xử lý thông tin. Sau khi kết thúc một cuộc gọi, bạn thường phải mất ít nhất 20 phút để hoàn toàn lấy lại sự bình tĩnh và tập trung, theo nhà thần kinh học Rana Mafee ở Chicago. Cách khắc phục: Nếu bạn có quyền chủ động, hãy phân bổ thời gian gọi điện của mình giãn đều ra trong ngày để tâm trí của bạn thực sự sẵn sàng. Hoặc nếu bạn không thể chủ động, hãy dành vài giây để kiểm tra xem cuộc gọi này có cần phải nghe ngay lập tức không trước khi quyết định nhấc máy.

7. Bỏ dở công việc giữa chừng

Khi công việc đưa bạn vào một guồng quay không lối thoát, trong khi thời gian của bạn lại có hạn; bạn thường có xu hướng bỏ dở công việc đang làm và nhảy vào một việc khác để đánh lừa não bộ rằng bạn đang "năng suất". Khi đó, não bộ của bạn sẽ gặp khó khăn vì nó phải tăng cường thời gian xử lý thông tin, mất tập trung vì bị chi phối bởi quá nhiều công việc. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, nguồn năng lượng dự trữ của bạn sẽ cạn kiệt.Cách khắc phục: Sắp xếp thời gian và công việc theo ma trận theo phương pháp Eisenhower để quản lý công việc hiệu quả hơn. Ngoài ra, chuyên gia khuyên bạn nên sớm giải quyết các việc vặt thay vì để nó dồn lại và khiến bạn phân tâm.

8. Ngồi sai tư thế

Theo Naueen Safdar, giám đốc y tế tại tổ chức EHE Health cho biết, ngồi sai tư thế có thể làm cạn kiệt mức năng lượng của bạn bằng cách gây áp lực nhiều hơn lên cơ, khớp và dây chằng của cơ thể. Điều này dẫn đến việc cơ thể bạn phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để bù đắp cho sự cạn kiệt đó, dẫn đến mệt mỏi.Cách khắc phục: Ngồi thẳng lưng và chọn cho mình một bộ bàn ghế tiêu chuẩn để đảm bảo rằng bạn luôn có tư thế ngồi lý tưởng cho sức khoẻ.

9. Hít thở nông

Thở là hành động giúp ta duy trì sự sống và ta luôn thở như một hành vi tự nhiên. Tuy nhiên có vẻ như chúng ta có xu hướng thở không đúng cách, đặc biệt là khi ta hoảng loạn, phân tâm, căng thẳng và nghĩ ngợi quá mức. Những hơi thở nông làm giảm lượng oxy mà cơ thể hấp thụ, đồng thời làm trầm trọng thêm sự lo lắng và gây ra mệt mỏi.Cách khắc phục: Dành thời gian để tập hít thở đúng cách, sử dụng cơ hoành để có một hơi thở sâu. Bạn có thể tham khảo theo cách sau: Hít hơi từ từ vào bằng mũi trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây và thở ra từ từ trong 6 giây; lặp lại động tác này ít nhất 6 lần và cảm nhận sự thư thái.

10. Ngủ với đèn sáng

Bạn có thường bật đèn sáng khi ngủ? Một điều thú vị là nếu bạn tiếp xúc với ánh đèn quá sáng vào ban đêm sẽ khiến não bộ "lầm tưởng" rằng thời điểm đó vẫn là ban ngày. Điều này có thể làm bạn khó ngủ, gây rối loạn chu kỳ giấc ngủ và dẫn đến mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém và mệt mỏi.

Cách khắc phục: Hãy giảm dần độ sáng của đèn vào ban đêm và nhớ tắt đèn khi đi ngủ. Giấc ngủ và cơ thể sẽ rất biết ơn hành động này của bạn.

Tham khảo: 12 Mindless Habits That Are Secretly Exhausting You (HuffPost). Bổ sung & hiệu chỉnh: Đội ngũ ezCareMe.

Hi vọng với bài viết trên đây sẽ giúp bạn nhận ra những thói quen này để điều chỉnh và khắc phục nhé. Nó sẽ giúp bạn cảm thấy có năng lượng và không mệt mỏi nhiều nữa. Khắc phục được những thói quen này sẽ tạo điều kiện cho bạn phát huy tốt đa năng lực của bản thân cho công việc và cuộc sống. Chúc bạn luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc, bạn nhé !
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top