Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Sau 15 năm tiến hành cải cách, mở cửa với những bước đi phù hợp, Cuba đã hoàn thành nhiệm vụ “Cứu Tổ quốc, cách mạng và xã hội chủ nghĩa”, đưa đất nước thoát ra khỏi “Thời kì đặc biệt”. Kinh tế – xã hội Cuba đã có nhiều khởi sắc với nhiều thành tựu quan trọng, giúp cho CNXH tiếp tục đứng vững “nơi đầu sóng, ngọn gió”(a). Bài viết nhỏ này chỉ dừng lại ở việc nêu lên những thành tựu quan trọng trên lĩnh vực kinh tế – xã hội mà Cuba đã đạt được trong thời gian qua.
1. Về kinh tế
Thành tự lớn đầu tiên phải kể đến của cải cách kinh tế ở Cuba là sự chuyển đổi kinh tế vĩ mô. Nếu như trong những năm 1989-1993, GDP của Cuba giảm 35%, kinh tế tăng trưởng ở con số -14,9% năm 1993, thì đến năm 1994, nước này đã chặn đứng được sự suy thoái trong sản xuất, “đạt mức tăng trưởng 0,7%”, “khối lượng giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, nghĩa là trở lại mức bình quân như năm 1992. Nền tài chính quốc gia bắt đầu được lành mạnh hóa, mức thâm hụt ngân sách giảm 40% so với dự kiến. Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào đạt 1,5 tỉ USD. Hàng chục đối tác nước ngoài đã thảo luận hơn 200 dự án liên doanh. Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc giúp Cuba 10 dự án phát triển và một số dự án về đào tạo cán bộ quản lí kinh doanh với tổng số vốn 7 triệu USD”. Năm 1995 đạt 2,5%, năm 1996 vươn lên 7,8%. Năm 1998, tuy mức tăng trưởng GDP chỉ đạt con số khiêm tốn là 1,2%, nhưng đó là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Cuba vẫn giữ được khả năng phục hồi trong điều kiện hết sức bất lợi do hậu quả của chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Trong 2 năm, 2000 và 2001, trong khi kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế Mĩ Latinh suy thoái nặng nề do tác động của thảm họa khủng bố nước Mỹ, thì “Cuba là nước duy nhất trong khu vực duy trì được sự ổn định trong điều kiện bị bao vây, cấm vận và đạt mức tăng trưởng bình quân 4%”(3). Năm 2005, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là 11,8%. Năm 2006 đạt 12,5% – mức cao nhất trong lịch sử cách mạng và cũng là cao nhất trong khu vực. Trong 6 năm, từ năm 2001 đến 2006, tốc độ tăng trưởng trung bình của Cuba là 6,3%, trong đó thời kì 2001- 2003 là 2,8%; thời kì 2004 – 2006 là 9,9%. Năm 2007, đạt 7,5%, không đạt kế hoạch đề ra là 10% nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Cuba vẫn xếp thứ 5 trong số 33 nước theo đánh giá của Uỷ ban kinh tế Mĩ Latinh và Caribe (CEPAL) và Liên Hợp Quốc.
2. Về xã hội
Song song với cải cách kinh tế, lĩnh vực xã hội cũng được Đảng, Chính phủ Cuba chú trọng phát triển. Bên cạnh những nỗ lực trong việc đảm bảo những thành quả mà cuộc cách mạng đem lại, Chính phủ Cuba còn thực thi những chính sách, biện pháp mới nhằm ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Giáo dục và y tế:Ngành giáo dục Cuba đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ những năm 50 đến năm 1999, số trường đại học đã “tăng từ 3 trường lên 47 trường, tất cả đều là trường công”(17). Tỉ lệ trẻ em đến trường đạt 100%, so với những năm trước cách mạng, tỉ lệ này chưa đạt 50%. Riêng đối với trẻ em tàn tật, Cuba có tới 426 trường đặc biệt dành cho 57000 học sinh. Từ chỗ 60% dân số mù chữ trước cách mạng, đến nay, người dân Cuba đã đạt trình độ phổ cập trung học phổ thông. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, Cuba vẫn tích cực hợp tác với các nước thuộc “thế giới thứ ba” về giáo dục. Cuba đã đón tiếp, đào tạo, miễn phí cho hơn 25000 sinh viên ở châu Âu, châu Phi, Mĩ Latinh, trong đó, riêng Mĩ Latinh có tới 21000 sinh viên đang theo học. Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đánh giá Cuba là một trong những nước có nền giáo dục phát triển nhất thế giới và đã trao giải thưởng Vua Xê Đông cho Cuba vào năm 2002.
Ngày nay, nói đến Cuba, người ta hình dung đó là một “cường quốc y tế”, từ chỗ chỉ có 6000 bác sĩ được phân bổ không đều, một nửa trong số này đã bỏ chạy ra nước ngoài ngay sau khi cách mạng thành công. Đến nay, số lượng bác sĩ ở Cuba là 70000 người và 250000 y tá, kĩ thuật viên, hộ lí. Như vậy, Cuba là nước có tỉ lệ bác sĩ tính theo đầu người cao nhất thế giới với tỉ lệ 1/50.
Khi cách mạng thành công, cả nước chỉ có một trường y ở La Habana, đào tạo mỗi năm 300 bác sĩ với rất ít chuyên ngành. Ngày nay, Cuba đã thành lập 24 khoa y, với các phân hiệu ở khắp các tỉnh. Chương trình “thầy thuốc gia đình” ra đời từ năm 1984 ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần to lớn vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tỉ lệ trẻ em chết yểu đã giảm từ 60/1000 năm 1958 xuống còn 4,9/1000 năm 2006, con số này có thể sánh ngang với các nước phát triển nhất. Tuổi thọ trung bình của người dân Cuba đã tăng từ 60 lên 76 tuổi. Tổ chức y tế Liên Mỹ thừa nhận Cuba là nước thực hiện chương trình miễn dịch tốt nhất thế giới. Nhờ đó, các bệnh bại liệt, uốn ván, sởi, thương hàn, lao, đậu mùa, viêm màng não và viêm gan B đã bị loại trừ. Hiện nay, Cuba là nước duy nhất trên thế giới đã thanh toán được bệnh quai bị. Đến nay, Cuba cũng đã sản xuất các loại vắcxin chống bệnh xoắn trùng móc câu, viêm màng não B và C, ung thư. Vắcxin phòng bệnh viêm màng não B của Cuba chiếm vị trí nổi bật trên thị trường dược phẩm thế giới với số lượng khoảng 40 triệu liều được bán tại 12 nước và là dược phẩm đầu tiên của Cuba thâm nhập thị trường Mỹ.
Điều đáng chú ý là Cuba vẫn thường xuyên cử các đoàn y tế sang giúp đỡ nhiều nước ở các lục địa khác nhau. Tính đến năm 2006, Cuba hiện có gần 300000 nhân viên y tế đang làm việc, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân 69 nước trên thế giới, trong đó có các nước Mĩ Latinh. Chương trình “phẫu thuật diệu kì” do Cuba khởi xướng đã đem lại ánh sáng cho hơn 400000 dân nghèo ở nhiều nước trên thế giới.
Cùng với y tế và giáo dục, công tác an sinh xã hội cũng rất được chính phủ Cuba chú trọng. Trên địa bàn toàn quốc, “85% hộ gia đình là chủ sở hữu của ngôi nhà đang ở; 95% lãnh thổ được điện khí hóa; 95,3% dân số được dùng nước sạch; tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS là 0,03%, tỉ lệ thấp nhất thế giới (so với Mỹ là 0,6%)(18). Tỉ lệ người thất nghiệp ở Cuba đã giảm 4,15 lần, từ mức 7,9% năm 1995 xuống còn 1,9% năm 2005, mức thấp nhất của thế giới
3. Một số nhận xét
- Chính sách kinh tế mới ra đời từ năm 1993, với những cải cách thương mại được thông qua (thị trường nông nghiệp tự do, hợp pháp hóa việc thanh toán bằng đồng Đôla Mỹ, phát triển các công ty hợp doanh v.v…) đã cho phép kinh tế Cuba bắt đầu tăng trưởng trở lại vào cuối thập kỉ. Sự tăng trưởng của kinh tế Cuba là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, Cuba có chỗ dựa khá vững chắc từ chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez. Theo thỏa thuận kí kết vào tháng 12/2004 giữa hai nước Cuba và Venezuela, Cuba sẽ gửi 30000 bác sĩ sang làm việc tại nước này. Đổi lại, Vênêzuêla sẽ cung cấp 53000 thùng dầu mỗi ngày cho Cuba với giá ưu đãi. Lượng dầu mỏ quý giá từ Venezuela đã giúp Cuba giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu trên thế giới biến động theo chiều hướng bất lợi cho nước này. Hơn nữa, sự ủng hộ của Hugo Chavez còn có tác dụng “đẩy lùi nguy cơ lật đổ chế độ Cuba sau khi Chủ tịch Fidel Castro bàn giao quyền lực”. Trong tương lai gần, Chavez vẫn là một biến cố bên ngoài thiết yếu tác động đến triển vọng đối với chế độ kế nhiệm của Cuba. Mặc dù sự hỗ trợ của Venezuela ít hơn mức 5 – 6 tỉ USD trong các khoản trợ cấp hàng năm do khối Xô viết cung cấp trong suốt những năm 70, 80 của thế kỉ XX, nhưng nó là thiết yếu đối với nền kinh tế Cuba. Như vậy, Caracas đã và đang là đồng minh mang tính chiến lược đối với sự ổn định và phát triển của La Habana và La Habana cũng nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt trong việc duy trì mối quan hệ này.
Với nguồn tín dụng lãi suất thấp và thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ sinh học và công nghệ khai khoáng của Cuba, Trung Quốc cũng là nhân tố đóng vai trò đáng kể đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế Cuba.
Thứ hai, xu hướng gia tăng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cuba là niken và mía đường. Từ năm 2005, giá đường trên thế giới có xu hướng tăng trở lại do sản lượng đường thấp ở Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Thái Lan và Brazil. Tín hiệu đáng mừng này đã thúc đẩy Chính phủ Cuba khôi phục lại ngành kinh tế truyền thống nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Cùng với mía đường, giá niken trên thị trường thế giới cũng đang diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho Cuba. Từ đầu năm 2006, giá niken đã tăng tới 70%, từ 12000 USD – 13000 USD/tấn lên xấp xỉ 30000 USD/ tấn, nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích. Nguồn cung cấp hạn hẹp, nhu cầu sử dụng niken của Trung Quốc tăng nhanh (cần khoảng 10 triệu tấn vào năm 2010) để sản xuất thép không gỉ cùng với nhân tố đầu cơ đã đưa giá niken tăng phi mã. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi để Cuba mở rộng sản xuất niken phục vụ xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia với doanh thu trên 1 tỉ USD/ năm.
Thứ ba, Sự phát triển tích cực của các ngành trong chiến lược phát triển được Chính phủ Cuba đề ra từ những năm đầu tiến hành cải cách kinh tế, xã hội là du lịch và công nghệ sinh học. Công nghiệp mía đường, động lực phát triển nền kinh tế của Cuba trước đây, hiện tại chỉ còn đóng vai trò thứ yếu. Du lịch, vốn được coi là chiến lược tạm thời trong “Thời kì đặc biệt”, nay đã trở thành khu vực tăng trưởng gốc, mang tính chiến lược đối với kinh tế Cuba, với doanh thu trên 2 tỉ USD mỗi năm. Cùng với du lịch, công nghệ sinh học cũng là hướng ưu tiên phát triển của Cuba, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, với doanh thu đạt trên 1 tỉ USD mỗi năm. Nguồn thu đáng kể từ du lịch và công nghệ sinh học được Chính phủ Cuba sử dụng vào việc nhập khẩu lương thực và an sinh xã hội.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế mới ở Cuba “không gây ra sự mất bình đẳng kinh khủng do một số ít tỉ phú nắm quyền kiểm soát tài sản và nguồn lực công cộng” Ngoài ra, Chính phủ Cuba còn nắm giữ phần lớn cổ phiếu và nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, hoàn toàn khác với các nước Đông Âu để cho Mỹ và Tây Âu thâu tóm gần nhu toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, tài chính, phương tiện thông tin đại chúng và thương mại.
Điều đáng chú ý nữa là ở Cuba không hề xảy ra tình trạng ồ ạt chuyển ra nước ngoài tài sản, các khoản lợi tức. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế liên doanh ở Cuba “không tạo ra các nghiệp đoàn tội phạm có tổ chức, nắm vai trò quan trong trong bầu cử giống như ở Bungari, Balan, Rumani, Anbani và các nền dân chủ tư sản khác”.
- Cải cách kinh tế là yêu cầu mang tính tất yếu đối với tiến trình xã hội chủ nghĩa. Nguyên Chủ tịch Fidel Castro cho rằng: “Cuba không thể sống trong cái tủ bằng pha lê…, nhiệm vụ của chúng ta là phải chuẩn bị để sử dụng mọi điều kiện tích cực và tiếp xúc với thế giới chứ không ẩn mình trong tu viện”. Sau 15 năm tiến hành cải cách, kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi và phát triển, xã hội ổn định và hài hòa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Từ thực tế đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm thành công của Cuba như sau:
Một là, kiên trì cải cách và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa bằng con đường riêng của mình. Cuba đã tự đúc rút cho mình những kinh nghiệm, bài học từ việc sao chép mô hình kinh tế của Liên Xô đã từng tồn tại ở Cuba nhiều năm sau cách mạng thành công cũng như những vấn đề đã nảy sinh trong việc khuếch trương chủ nghĩa tự do mới ở một số nước thuộc “Thế giới thứ ba”. Đồng thời, những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc và Việt Nam cũng rất được quan tâm nghiên cứu. Đối với vấn đề thị trường, Cuba có thái độ và phương pháp riêng, đó là: “có thể áp dụng một số hình thức thị trường nhưng không được tuân theo một cách mù quáng những quy luật của thị trường”(24).
Hai là, Cải cách kinh tế ở Cuba luôn gắn liền với việc ổn định xã hội. Trong tình hình kinh tế khó khăn nhất, Chính phủ Cuba vẫn hứa với nhân dân rằng: “quyết không để cho một ai phải lang thang ngoài đường kiếm sống”. Trong quá trình cải cách kinh tế, Cuba vẫn đảm bảo chế độ miễn phí toàn dân đối với giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội. Việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước đã làm cho nhiều công nhân mất việc. Để đảm bảo cuộc sống cho họ, Chính phủ quy định: “những công nhân mất việc được hưởng 60% lương gốc 4 năm và khi họ kiếm được việc làm thì mức lương mới không được thấp hơn 80% lương gốc của họ trước đây”. Có thể coi đây là một kì tích, một nét rất độc đáo trong quá trình cải cách kinh tế của Cộng hòa Cuba.
Ba là, Cuba tiến hành cải cách kinh tế một cách thận trọng và có trật tự. Hoàn cảnh và điều kiện quốc tế cũng như trong nước khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các nước xã hội chủ nghĩa khác. Vì vậy, trong quá trình cải cách kinh tế, Cuba phải tiến hành những bước đi rất cẩn trọng. Trong hoàn cảnh Mỹ và các thế lực thù địch điên cuồng chống phá thì an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, không để cho kẻ thù tận dụng bất cứ kẽ hở nào. Vì thế, Chính phủ Cuba cũng hết sức thận trọng trong những biện pháp mạo hiểm có thể ảnh hưởng đến sự ổn định quốc gia. Đó cũng là lí do giải thích tại sao mức độ sâu rộng cũng như quy mô của cải cách kinh tế ở Cuba không đạt được như Việt Nam và Trung Quốc.
- Với quá trình cải cách kinh tế, Chính phủ Cuba đã thành công trong việc “Cứu tổ quốc, cách mạng và chủ nghĩa xã hội”, đưa đất nước dần thoát ra khỏi “Thời kì đặc biệt”. Song hiện nay, Cuba vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ do Mỹ cấm vận, mà còn do những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi phải giải quyết để vững bước tiến vào thế kỉ XXI.
Thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Cuba là làm sao tránh dựa quá nhiều vào Venezuela giống như Liên Xô trước đây. Ông Daniel Erikson thuộc Trung tâm đối thoại Liên Mỹ nhận định: “kinh tế Cuba tăng trưởng nhanh và nhanh hơn nhiều nước Mĩ Latinh khác…là nhờ vào giá dầu ưu đãi đang được Venezuela cung cấp với khoản trợ giá 2 tỉ USD”(27). Nếu những khoản trợ cấp này chấm dứt, nền kinh tế Cuba trong vài tuần sẽ rơi vào tình trạng suy thoái sâu sắc, kèm theo việc thiếu các sản phẩm hàng tiêu dùng và mất điện v.v… Để phát triển ổn định, bền vững, Cuba cần cơ cấu lại nền kinh tế để tận dụng được nguồn nhân lực đã đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực y tế, giáo dục mà nước này hiện đang có ưu thế nổi trội so với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Với “Nghị quyết 80” của Ngân hàng Trung ương Cuba ngày 25/10/2004, trên toàn lãnh thổ Cuba sẽ chấm dứt việc lưu hành đồng Đôla Mỹ, thay vào đó là đồng Peso chuyển đổi (CUC). Đây là biện pháp mà Chính phủ Cuba buộc phải tiến hành nhằm chống lại sức ép của Chính phủ Mỹ ngăn cản không cho nước này gửi vào ngân hàng nước ngoài đồng USD để thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế. Trong thời gian trước mắt, việc cấm lưu hành đồng USD sẽ giúp Chính phủ Cuba có toàn quyền trong chính sách tiền tệ của mình, nhưng về lâu dài “sẽ có tác động tiêu cực đối với nhân dân và có thể đối với cả Chính phủ Cuba”(28). Hệ thống tiền tệ hai giá đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi mức lương của cán bộ, công nhân viên Nhà nước được trả bằng đồng Peso thì hàng tiêu dùng trong những “bách hóa đặc biệt” lại được bán bằng đồng Peso chuyển đổi. Với mức thu nhập trung bình khoảng 20 USD/tháng như hiện nay, người dân Cuba sẽ không mua được gì nhiều cho cuộc sống của mình. Và như vậy, việc cải cách tiền lương của Chính phủ sẽ mất đi phần nào ý nghĩa của nó. Mặt khác, đồng Peso chuyển đổi có giá trị 1 USD ở Cuba nhưng không có giá trị trên thị trường thế giới. Vì thế, nó không thể là phương tiện thanh toán thương mại quốc tế.
Hơn nữa, với mức thuế 10% đánh vào mối hoạt động giao dịch liên quan đến đồng USD thì “người dân Cuba sẽ có nhiều dè dặt khi quy đổi đồng tiền của họ. Một số người dân sẽ không quy đổi tất cả USD của họ. Chợ đen sẽ quay trở lại. Nhiều điều sẽ trở nên phức tạp và ngày càng gay go hơn”
Hiện nay, loại bỏ hệ thống tiền tệ hai giá là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Để trả lại cho đồng Peso giá trị của nó, Chính phủ Cuba phải phát huy được hiệu quả nền nền kinh tế.
Tiềm năng lớn về du lịch đã biến ngành này trở thành ngành kinh tế đem lại hiệu quả nhất của Cuba từ những năm 90 trở lại đây, với doanh thu hàng tỉ Đôla mỗi năm. Tuy nhiên, cùng với thời gian, du lịch cũng gây ra những hiện tượng “méo mó” trong kinh tế: “lương của những người lao động ít hoặc không được đào tạo lại cao hơn rất nhiều so với lương của các nhà khoa học được đào tạo chuyên sâu, bác sĩ, lao động chuyên nghiệp”(30). Đồng thời, du lịch cũng làm nảy sinh các tệ nạn xã hội và các “hình thức vụng trộm phi sản xuất với thu nhập bất chính cao”.
Việc đầu tư ở cấp độ lớn và dài hạn của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng, du lịch, khách sạn, nhà hàng, trang thiết bị nhập khẩu làm cho dự trữ nông nghiệp bị đổi hướng: sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhất là sản xuất lương thực và thực phẩm giảm sút đáng kể, không đủ cung cấp cho nhân dân. Cuba trở nên lệ thuộc nước ngoài về lương thực. Trong khi du lịch đem về ngoại tệ mạnh, Cuba cũng bỏ ra hàng tỉ Đôla để nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ bên ngoài.
Y tế cộng đồng của Cuba cũng bị tác động do chính sách “xuất khẩu bác sĩ” để đổi lấy dầu mỏ từ Venezuela. Mô hình “bác sĩ gia đình” bị ảnh hưởng mạnh. Với chính sách thu hút “du lịch chữa bệnh”, vô hình trung, nền y tế Cuba đang xuất hiện hai hệ thống với tốc độ khác nhau: dịch vụ dành cho người nước ngoài phát triển mạnh, trong khi các cơ sở chữa bệnh cho nhân dân trong nước không được chú trong đúng mức.
Một thách thức nữa hiện nay của kinh tế Cuba là sự “mất cân đối lớn giữa một hệ thống giáo dục rất phát triển với một nền kinh tế còn chưa đủ chỗ làm phù hợp với việc phổ cập đại học cho toàn dân”. Nên chăng, Cuba cần điều chỉnh lại hệ thống giáo dục, tăng cường đào tạo kĩ sư quản lí và điều hành các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Bởi chính những người lao động này sẽ sản xuất ra hàng loạt mặt hàng tiêu dùng cho nhân dân, giống như các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Dưới áp lực của cuộc “chiến tranh kinh tế” mà Mỹ tiến hành gần nửa thế kỉ qua, Cuba không có điều kiện tiếp nhận các khoản tín dụng dài hạn để phát triển kinh tế. Cuba buộc phải vay nợ ngắn hạn nước ngoài với lãi suất cao từ 16% đến 20%, vì mức độ rủi ro của nền kinh tế khá cao. Hệ quả là nợ nước ngoài gia tăng. Hơn nữa, việc đảm bảo chế độ giáo dục, y tế miễn phí đối với toàn dân trong khi vẫn phải nhập khẩu lương thực, nhiên liệu với số lượng lớn và sự suy giảm của những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như đường, cà phê, xì gà v.v… đã làm cho nền kinh tế Cuba mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng sự mất cân đối trong cơ cấu xuất nhập khẩu ngày càng nghiêm trọng.
- Thành tựu của công cuộc cải cách, mở cửa đã đưa nền kinh tế – xã hội Cuba vận động theo chiều hướng ngày càng hợp lí hơn. Sự xuất hiện những yếu tố của nền kinh tế hàng hóa đã phá vỡ nền kinh tế kế hoạch truyền thống, nền kinh tế tự chủ được định hình và phát triển thay cho nền kinh tế “dựa dẫm” trước đây. Đất nước vượt ra khỏi cơn khủng hoảng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Trong số những nguyên nhân đưa đến sự thành công của cải cách kinh tế – xã hội, việc Đảng, Nhà nước Cuba nỗ lực đảm bảo ổn định xã hội trong tình hình cực kì khó khăn có thể xem là nguyên nhân quan trọng nhất, đóng vai trò nền tảng để Cuba từng bước vượt qua những thử thách của “Thời kì đặc biệt”.
Tồn tại và thách thức là vấn đề chung của bất kì cuộc cải cách nào. Đối với Cuba, những giải pháp mang tính đồng bộ sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động hơn, hợp lí hơn, cũng từ đó những khó khăn, thách thức sẽ từng bước được tháo gỡ, tạo sự phát triển ổn định và bền vững cho nền kinh tế trên bước đường cải cách.
Văn Ngọc Thành- Nguyễn Thanh Tuấn
(Nghiên cứu lịch sử, số 5 – 2009)
1. Về kinh tế
Thành tự lớn đầu tiên phải kể đến của cải cách kinh tế ở Cuba là sự chuyển đổi kinh tế vĩ mô. Nếu như trong những năm 1989-1993, GDP của Cuba giảm 35%, kinh tế tăng trưởng ở con số -14,9% năm 1993, thì đến năm 1994, nước này đã chặn đứng được sự suy thoái trong sản xuất, “đạt mức tăng trưởng 0,7%”, “khối lượng giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỉ USD, nghĩa là trở lại mức bình quân như năm 1992. Nền tài chính quốc gia bắt đầu được lành mạnh hóa, mức thâm hụt ngân sách giảm 40% so với dự kiến. Luồng vốn đầu tư nước ngoài vào đạt 1,5 tỉ USD. Hàng chục đối tác nước ngoài đã thảo luận hơn 200 dự án liên doanh. Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc giúp Cuba 10 dự án phát triển và một số dự án về đào tạo cán bộ quản lí kinh doanh với tổng số vốn 7 triệu USD”. Năm 1995 đạt 2,5%, năm 1996 vươn lên 7,8%. Năm 1998, tuy mức tăng trưởng GDP chỉ đạt con số khiêm tốn là 1,2%, nhưng đó là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Cuba vẫn giữ được khả năng phục hồi trong điều kiện hết sức bất lợi do hậu quả của chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Trong 2 năm, 2000 và 2001, trong khi kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế Mĩ Latinh suy thoái nặng nề do tác động của thảm họa khủng bố nước Mỹ, thì “Cuba là nước duy nhất trong khu vực duy trì được sự ổn định trong điều kiện bị bao vây, cấm vận và đạt mức tăng trưởng bình quân 4%”(3). Năm 2005, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là 11,8%. Năm 2006 đạt 12,5% – mức cao nhất trong lịch sử cách mạng và cũng là cao nhất trong khu vực. Trong 6 năm, từ năm 2001 đến 2006, tốc độ tăng trưởng trung bình của Cuba là 6,3%, trong đó thời kì 2001- 2003 là 2,8%; thời kì 2004 – 2006 là 9,9%. Năm 2007, đạt 7,5%, không đạt kế hoạch đề ra là 10% nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Cuba vẫn xếp thứ 5 trong số 33 nước theo đánh giá của Uỷ ban kinh tế Mĩ Latinh và Caribe (CEPAL) và Liên Hợp Quốc.
2. Về xã hội
Song song với cải cách kinh tế, lĩnh vực xã hội cũng được Đảng, Chính phủ Cuba chú trọng phát triển. Bên cạnh những nỗ lực trong việc đảm bảo những thành quả mà cuộc cách mạng đem lại, Chính phủ Cuba còn thực thi những chính sách, biện pháp mới nhằm ổn định xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Giáo dục và y tế:Ngành giáo dục Cuba đã đạt được những thành tựu đáng kể. Từ những năm 50 đến năm 1999, số trường đại học đã “tăng từ 3 trường lên 47 trường, tất cả đều là trường công”(17). Tỉ lệ trẻ em đến trường đạt 100%, so với những năm trước cách mạng, tỉ lệ này chưa đạt 50%. Riêng đối với trẻ em tàn tật, Cuba có tới 426 trường đặc biệt dành cho 57000 học sinh. Từ chỗ 60% dân số mù chữ trước cách mạng, đến nay, người dân Cuba đã đạt trình độ phổ cập trung học phổ thông. Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, Cuba vẫn tích cực hợp tác với các nước thuộc “thế giới thứ ba” về giáo dục. Cuba đã đón tiếp, đào tạo, miễn phí cho hơn 25000 sinh viên ở châu Âu, châu Phi, Mĩ Latinh, trong đó, riêng Mĩ Latinh có tới 21000 sinh viên đang theo học. Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đánh giá Cuba là một trong những nước có nền giáo dục phát triển nhất thế giới và đã trao giải thưởng Vua Xê Đông cho Cuba vào năm 2002.
Ngày nay, nói đến Cuba, người ta hình dung đó là một “cường quốc y tế”, từ chỗ chỉ có 6000 bác sĩ được phân bổ không đều, một nửa trong số này đã bỏ chạy ra nước ngoài ngay sau khi cách mạng thành công. Đến nay, số lượng bác sĩ ở Cuba là 70000 người và 250000 y tá, kĩ thuật viên, hộ lí. Như vậy, Cuba là nước có tỉ lệ bác sĩ tính theo đầu người cao nhất thế giới với tỉ lệ 1/50.
Khi cách mạng thành công, cả nước chỉ có một trường y ở La Habana, đào tạo mỗi năm 300 bác sĩ với rất ít chuyên ngành. Ngày nay, Cuba đã thành lập 24 khoa y, với các phân hiệu ở khắp các tỉnh. Chương trình “thầy thuốc gia đình” ra đời từ năm 1984 ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần to lớn vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tỉ lệ trẻ em chết yểu đã giảm từ 60/1000 năm 1958 xuống còn 4,9/1000 năm 2006, con số này có thể sánh ngang với các nước phát triển nhất. Tuổi thọ trung bình của người dân Cuba đã tăng từ 60 lên 76 tuổi. Tổ chức y tế Liên Mỹ thừa nhận Cuba là nước thực hiện chương trình miễn dịch tốt nhất thế giới. Nhờ đó, các bệnh bại liệt, uốn ván, sởi, thương hàn, lao, đậu mùa, viêm màng não và viêm gan B đã bị loại trừ. Hiện nay, Cuba là nước duy nhất trên thế giới đã thanh toán được bệnh quai bị. Đến nay, Cuba cũng đã sản xuất các loại vắcxin chống bệnh xoắn trùng móc câu, viêm màng não B và C, ung thư. Vắcxin phòng bệnh viêm màng não B của Cuba chiếm vị trí nổi bật trên thị trường dược phẩm thế giới với số lượng khoảng 40 triệu liều được bán tại 12 nước và là dược phẩm đầu tiên của Cuba thâm nhập thị trường Mỹ.
Điều đáng chú ý là Cuba vẫn thường xuyên cử các đoàn y tế sang giúp đỡ nhiều nước ở các lục địa khác nhau. Tính đến năm 2006, Cuba hiện có gần 300000 nhân viên y tế đang làm việc, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân 69 nước trên thế giới, trong đó có các nước Mĩ Latinh. Chương trình “phẫu thuật diệu kì” do Cuba khởi xướng đã đem lại ánh sáng cho hơn 400000 dân nghèo ở nhiều nước trên thế giới.
Cùng với y tế và giáo dục, công tác an sinh xã hội cũng rất được chính phủ Cuba chú trọng. Trên địa bàn toàn quốc, “85% hộ gia đình là chủ sở hữu của ngôi nhà đang ở; 95% lãnh thổ được điện khí hóa; 95,3% dân số được dùng nước sạch; tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS là 0,03%, tỉ lệ thấp nhất thế giới (so với Mỹ là 0,6%)(18). Tỉ lệ người thất nghiệp ở Cuba đã giảm 4,15 lần, từ mức 7,9% năm 1995 xuống còn 1,9% năm 2005, mức thấp nhất của thế giới
3. Một số nhận xét
- Chính sách kinh tế mới ra đời từ năm 1993, với những cải cách thương mại được thông qua (thị trường nông nghiệp tự do, hợp pháp hóa việc thanh toán bằng đồng Đôla Mỹ, phát triển các công ty hợp doanh v.v…) đã cho phép kinh tế Cuba bắt đầu tăng trưởng trở lại vào cuối thập kỉ. Sự tăng trưởng của kinh tế Cuba là do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, Cuba có chỗ dựa khá vững chắc từ chính quyền của Tổng thống Hugo Chavez. Theo thỏa thuận kí kết vào tháng 12/2004 giữa hai nước Cuba và Venezuela, Cuba sẽ gửi 30000 bác sĩ sang làm việc tại nước này. Đổi lại, Vênêzuêla sẽ cung cấp 53000 thùng dầu mỗi ngày cho Cuba với giá ưu đãi. Lượng dầu mỏ quý giá từ Venezuela đã giúp Cuba giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu trên thế giới biến động theo chiều hướng bất lợi cho nước này. Hơn nữa, sự ủng hộ của Hugo Chavez còn có tác dụng “đẩy lùi nguy cơ lật đổ chế độ Cuba sau khi Chủ tịch Fidel Castro bàn giao quyền lực”. Trong tương lai gần, Chavez vẫn là một biến cố bên ngoài thiết yếu tác động đến triển vọng đối với chế độ kế nhiệm của Cuba. Mặc dù sự hỗ trợ của Venezuela ít hơn mức 5 – 6 tỉ USD trong các khoản trợ cấp hàng năm do khối Xô viết cung cấp trong suốt những năm 70, 80 của thế kỉ XX, nhưng nó là thiết yếu đối với nền kinh tế Cuba. Như vậy, Caracas đã và đang là đồng minh mang tính chiến lược đối với sự ổn định và phát triển của La Habana và La Habana cũng nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt trong việc duy trì mối quan hệ này.
Với nguồn tín dụng lãi suất thấp và thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng cho các sản phẩm công nghệ sinh học và công nghệ khai khoáng của Cuba, Trung Quốc cũng là nhân tố đóng vai trò đáng kể đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế Cuba.
Thứ hai, xu hướng gia tăng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Cuba là niken và mía đường. Từ năm 2005, giá đường trên thế giới có xu hướng tăng trở lại do sản lượng đường thấp ở Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Thái Lan và Brazil. Tín hiệu đáng mừng này đã thúc đẩy Chính phủ Cuba khôi phục lại ngành kinh tế truyền thống nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.
Cùng với mía đường, giá niken trên thị trường thế giới cũng đang diễn tiến theo chiều hướng có lợi cho Cuba. Từ đầu năm 2006, giá niken đã tăng tới 70%, từ 12000 USD – 13000 USD/tấn lên xấp xỉ 30000 USD/ tấn, nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích. Nguồn cung cấp hạn hẹp, nhu cầu sử dụng niken của Trung Quốc tăng nhanh (cần khoảng 10 triệu tấn vào năm 2010) để sản xuất thép không gỉ cùng với nhân tố đầu cơ đã đưa giá niken tăng phi mã. Đây là yếu tố hết sức thuận lợi để Cuba mở rộng sản xuất niken phục vụ xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia với doanh thu trên 1 tỉ USD/ năm.
Thứ ba, Sự phát triển tích cực của các ngành trong chiến lược phát triển được Chính phủ Cuba đề ra từ những năm đầu tiến hành cải cách kinh tế, xã hội là du lịch và công nghệ sinh học. Công nghiệp mía đường, động lực phát triển nền kinh tế của Cuba trước đây, hiện tại chỉ còn đóng vai trò thứ yếu. Du lịch, vốn được coi là chiến lược tạm thời trong “Thời kì đặc biệt”, nay đã trở thành khu vực tăng trưởng gốc, mang tính chiến lược đối với kinh tế Cuba, với doanh thu trên 2 tỉ USD mỗi năm. Cùng với du lịch, công nghệ sinh học cũng là hướng ưu tiên phát triển của Cuba, nhằm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, với doanh thu đạt trên 1 tỉ USD mỗi năm. Nguồn thu đáng kể từ du lịch và công nghệ sinh học được Chính phủ Cuba sử dụng vào việc nhập khẩu lương thực và an sinh xã hội.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế mới ở Cuba “không gây ra sự mất bình đẳng kinh khủng do một số ít tỉ phú nắm quyền kiểm soát tài sản và nguồn lực công cộng” Ngoài ra, Chính phủ Cuba còn nắm giữ phần lớn cổ phiếu và nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, hoàn toàn khác với các nước Đông Âu để cho Mỹ và Tây Âu thâu tóm gần nhu toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, tài chính, phương tiện thông tin đại chúng và thương mại.
Điều đáng chú ý nữa là ở Cuba không hề xảy ra tình trạng ồ ạt chuyển ra nước ngoài tài sản, các khoản lợi tức. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế liên doanh ở Cuba “không tạo ra các nghiệp đoàn tội phạm có tổ chức, nắm vai trò quan trong trong bầu cử giống như ở Bungari, Balan, Rumani, Anbani và các nền dân chủ tư sản khác”.
- Cải cách kinh tế là yêu cầu mang tính tất yếu đối với tiến trình xã hội chủ nghĩa. Nguyên Chủ tịch Fidel Castro cho rằng: “Cuba không thể sống trong cái tủ bằng pha lê…, nhiệm vụ của chúng ta là phải chuẩn bị để sử dụng mọi điều kiện tích cực và tiếp xúc với thế giới chứ không ẩn mình trong tu viện”. Sau 15 năm tiến hành cải cách, kinh tế Cuba đã từng bước phục hồi và phát triển, xã hội ổn định và hài hòa, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Từ thực tế đó, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm thành công của Cuba như sau:
Một là, kiên trì cải cách và mở cửa theo định hướng xã hội chủ nghĩa bằng con đường riêng của mình. Cuba đã tự đúc rút cho mình những kinh nghiệm, bài học từ việc sao chép mô hình kinh tế của Liên Xô đã từng tồn tại ở Cuba nhiều năm sau cách mạng thành công cũng như những vấn đề đã nảy sinh trong việc khuếch trương chủ nghĩa tự do mới ở một số nước thuộc “Thế giới thứ ba”. Đồng thời, những kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc và Việt Nam cũng rất được quan tâm nghiên cứu. Đối với vấn đề thị trường, Cuba có thái độ và phương pháp riêng, đó là: “có thể áp dụng một số hình thức thị trường nhưng không được tuân theo một cách mù quáng những quy luật của thị trường”(24).
Hai là, Cải cách kinh tế ở Cuba luôn gắn liền với việc ổn định xã hội. Trong tình hình kinh tế khó khăn nhất, Chính phủ Cuba vẫn hứa với nhân dân rằng: “quyết không để cho một ai phải lang thang ngoài đường kiếm sống”. Trong quá trình cải cách kinh tế, Cuba vẫn đảm bảo chế độ miễn phí toàn dân đối với giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội. Việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước đã làm cho nhiều công nhân mất việc. Để đảm bảo cuộc sống cho họ, Chính phủ quy định: “những công nhân mất việc được hưởng 60% lương gốc 4 năm và khi họ kiếm được việc làm thì mức lương mới không được thấp hơn 80% lương gốc của họ trước đây”. Có thể coi đây là một kì tích, một nét rất độc đáo trong quá trình cải cách kinh tế của Cộng hòa Cuba.
Ba là, Cuba tiến hành cải cách kinh tế một cách thận trọng và có trật tự. Hoàn cảnh và điều kiện quốc tế cũng như trong nước khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với các nước xã hội chủ nghĩa khác. Vì vậy, trong quá trình cải cách kinh tế, Cuba phải tiến hành những bước đi rất cẩn trọng. Trong hoàn cảnh Mỹ và các thế lực thù địch điên cuồng chống phá thì an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, không để cho kẻ thù tận dụng bất cứ kẽ hở nào. Vì thế, Chính phủ Cuba cũng hết sức thận trọng trong những biện pháp mạo hiểm có thể ảnh hưởng đến sự ổn định quốc gia. Đó cũng là lí do giải thích tại sao mức độ sâu rộng cũng như quy mô của cải cách kinh tế ở Cuba không đạt được như Việt Nam và Trung Quốc.
- Với quá trình cải cách kinh tế, Chính phủ Cuba đã thành công trong việc “Cứu tổ quốc, cách mạng và chủ nghĩa xã hội”, đưa đất nước dần thoát ra khỏi “Thời kì đặc biệt”. Song hiện nay, Cuba vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ do Mỹ cấm vận, mà còn do những mâu thuẫn nội tại của nền kinh tế, đòi hỏi phải giải quyết để vững bước tiến vào thế kỉ XXI.
Thách thức lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Cuba là làm sao tránh dựa quá nhiều vào Venezuela giống như Liên Xô trước đây. Ông Daniel Erikson thuộc Trung tâm đối thoại Liên Mỹ nhận định: “kinh tế Cuba tăng trưởng nhanh và nhanh hơn nhiều nước Mĩ Latinh khác…là nhờ vào giá dầu ưu đãi đang được Venezuela cung cấp với khoản trợ giá 2 tỉ USD”(27). Nếu những khoản trợ cấp này chấm dứt, nền kinh tế Cuba trong vài tuần sẽ rơi vào tình trạng suy thoái sâu sắc, kèm theo việc thiếu các sản phẩm hàng tiêu dùng và mất điện v.v… Để phát triển ổn định, bền vững, Cuba cần cơ cấu lại nền kinh tế để tận dụng được nguồn nhân lực đã đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực y tế, giáo dục mà nước này hiện đang có ưu thế nổi trội so với các nền kinh tế khác trong khu vực.
Với “Nghị quyết 80” của Ngân hàng Trung ương Cuba ngày 25/10/2004, trên toàn lãnh thổ Cuba sẽ chấm dứt việc lưu hành đồng Đôla Mỹ, thay vào đó là đồng Peso chuyển đổi (CUC). Đây là biện pháp mà Chính phủ Cuba buộc phải tiến hành nhằm chống lại sức ép của Chính phủ Mỹ ngăn cản không cho nước này gửi vào ngân hàng nước ngoài đồng USD để thanh toán các giao dịch thương mại quốc tế. Trong thời gian trước mắt, việc cấm lưu hành đồng USD sẽ giúp Chính phủ Cuba có toàn quyền trong chính sách tiền tệ của mình, nhưng về lâu dài “sẽ có tác động tiêu cực đối với nhân dân và có thể đối với cả Chính phủ Cuba”(28). Hệ thống tiền tệ hai giá đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi mức lương của cán bộ, công nhân viên Nhà nước được trả bằng đồng Peso thì hàng tiêu dùng trong những “bách hóa đặc biệt” lại được bán bằng đồng Peso chuyển đổi. Với mức thu nhập trung bình khoảng 20 USD/tháng như hiện nay, người dân Cuba sẽ không mua được gì nhiều cho cuộc sống của mình. Và như vậy, việc cải cách tiền lương của Chính phủ sẽ mất đi phần nào ý nghĩa của nó. Mặt khác, đồng Peso chuyển đổi có giá trị 1 USD ở Cuba nhưng không có giá trị trên thị trường thế giới. Vì thế, nó không thể là phương tiện thanh toán thương mại quốc tế.
Hơn nữa, với mức thuế 10% đánh vào mối hoạt động giao dịch liên quan đến đồng USD thì “người dân Cuba sẽ có nhiều dè dặt khi quy đổi đồng tiền của họ. Một số người dân sẽ không quy đổi tất cả USD của họ. Chợ đen sẽ quay trở lại. Nhiều điều sẽ trở nên phức tạp và ngày càng gay go hơn”
Hiện nay, loại bỏ hệ thống tiền tệ hai giá là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Để trả lại cho đồng Peso giá trị của nó, Chính phủ Cuba phải phát huy được hiệu quả nền nền kinh tế.
Tiềm năng lớn về du lịch đã biến ngành này trở thành ngành kinh tế đem lại hiệu quả nhất của Cuba từ những năm 90 trở lại đây, với doanh thu hàng tỉ Đôla mỗi năm. Tuy nhiên, cùng với thời gian, du lịch cũng gây ra những hiện tượng “méo mó” trong kinh tế: “lương của những người lao động ít hoặc không được đào tạo lại cao hơn rất nhiều so với lương của các nhà khoa học được đào tạo chuyên sâu, bác sĩ, lao động chuyên nghiệp”(30). Đồng thời, du lịch cũng làm nảy sinh các tệ nạn xã hội và các “hình thức vụng trộm phi sản xuất với thu nhập bất chính cao”.
Việc đầu tư ở cấp độ lớn và dài hạn của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng, du lịch, khách sạn, nhà hàng, trang thiết bị nhập khẩu làm cho dự trữ nông nghiệp bị đổi hướng: sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nhất là sản xuất lương thực và thực phẩm giảm sút đáng kể, không đủ cung cấp cho nhân dân. Cuba trở nên lệ thuộc nước ngoài về lương thực. Trong khi du lịch đem về ngoại tệ mạnh, Cuba cũng bỏ ra hàng tỉ Đôla để nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ bên ngoài.
Y tế cộng đồng của Cuba cũng bị tác động do chính sách “xuất khẩu bác sĩ” để đổi lấy dầu mỏ từ Venezuela. Mô hình “bác sĩ gia đình” bị ảnh hưởng mạnh. Với chính sách thu hút “du lịch chữa bệnh”, vô hình trung, nền y tế Cuba đang xuất hiện hai hệ thống với tốc độ khác nhau: dịch vụ dành cho người nước ngoài phát triển mạnh, trong khi các cơ sở chữa bệnh cho nhân dân trong nước không được chú trong đúng mức.
Một thách thức nữa hiện nay của kinh tế Cuba là sự “mất cân đối lớn giữa một hệ thống giáo dục rất phát triển với một nền kinh tế còn chưa đủ chỗ làm phù hợp với việc phổ cập đại học cho toàn dân”. Nên chăng, Cuba cần điều chỉnh lại hệ thống giáo dục, tăng cường đào tạo kĩ sư quản lí và điều hành các hoạt động công nghiệp và nông nghiệp. Bởi chính những người lao động này sẽ sản xuất ra hàng loạt mặt hàng tiêu dùng cho nhân dân, giống như các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Dưới áp lực của cuộc “chiến tranh kinh tế” mà Mỹ tiến hành gần nửa thế kỉ qua, Cuba không có điều kiện tiếp nhận các khoản tín dụng dài hạn để phát triển kinh tế. Cuba buộc phải vay nợ ngắn hạn nước ngoài với lãi suất cao từ 16% đến 20%, vì mức độ rủi ro của nền kinh tế khá cao. Hệ quả là nợ nước ngoài gia tăng. Hơn nữa, việc đảm bảo chế độ giáo dục, y tế miễn phí đối với toàn dân trong khi vẫn phải nhập khẩu lương thực, nhiên liệu với số lượng lớn và sự suy giảm của những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như đường, cà phê, xì gà v.v… đã làm cho nền kinh tế Cuba mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng sự mất cân đối trong cơ cấu xuất nhập khẩu ngày càng nghiêm trọng.
- Thành tựu của công cuộc cải cách, mở cửa đã đưa nền kinh tế – xã hội Cuba vận động theo chiều hướng ngày càng hợp lí hơn. Sự xuất hiện những yếu tố của nền kinh tế hàng hóa đã phá vỡ nền kinh tế kế hoạch truyền thống, nền kinh tế tự chủ được định hình và phát triển thay cho nền kinh tế “dựa dẫm” trước đây. Đất nước vượt ra khỏi cơn khủng hoảng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Trong số những nguyên nhân đưa đến sự thành công của cải cách kinh tế – xã hội, việc Đảng, Nhà nước Cuba nỗ lực đảm bảo ổn định xã hội trong tình hình cực kì khó khăn có thể xem là nguyên nhân quan trọng nhất, đóng vai trò nền tảng để Cuba từng bước vượt qua những thử thách của “Thời kì đặc biệt”.
Tồn tại và thách thức là vấn đề chung của bất kì cuộc cải cách nào. Đối với Cuba, những giải pháp mang tính đồng bộ sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động hơn, hợp lí hơn, cũng từ đó những khó khăn, thách thức sẽ từng bước được tháo gỡ, tạo sự phát triển ổn định và bền vững cho nền kinh tế trên bước đường cải cách.
Văn Ngọc Thành- Nguyễn Thanh Tuấn
(Nghiên cứu lịch sử, số 5 – 2009)
Sửa lần cuối: