Những sai lầm khi học tiếng Anh

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
NHỮNG SAI LẦM KHI HỌC TIẾNG ANH

Bài này đúc kết những sai lầm của mình và của nhiều người khác khi học môn tiếng Anh. Xin chia sẻ cùng các bạn!

Tầm quan trọng của tiếng Anh thì ai cũng biết, mình không cần nhắc lại nữa. Ở đây mình chỉ tóm lược một số sai lầm để các bạn tham khảo, hy vọng có thể tránh được những "vết xe đổ" không đáng có.

View attachment 11585

1. Không nhìn xa trông rộng:

Có rất nhiều biểu hiện của việc không nhìn xa trông trộng trong việc học tiếng Anh. Chẳng hạn, việc lạm dụng tiếng Việt trong khi học tiếng Anh là một điển hình. Nếu bạn biết rằng tiếng Anh là một kỹ năng chứ không phải một sự tích góp từ mới, thì bạn sẽ không mắc sai lầm này. Trên lớp giáo viên cũng thường nói quá nhiều tiếng Việt. Ở các trung tâm ngoại ngữ, dưới áp lực của ông chủ trung tâm, các giáo viên thường phải lấy lòng học viên bằng cách đi tắt đón đầu sao cho học sinh dễ hiểu nhất. Mà dễ hiểu nhất thì chỉ có cách nói tiếng Việt, viết câu nào dịch câu đó. Chỉ cần học viên phàn nàn rằng thầy A dạy khó hiểu, thầy B dạy dễ hiểu, thì hôm sau người ra đi sẽ là thầy A.

Áp lực về thành tích của phụ huynh cũng không kém phần đóng góp. Con đi học tiếng Anh về mà không "xì xồ" được vài câu để ra oai với hàng xóm thì lập tức chê trường đó, trung tâm đó dạy dở. Mình có một anh bạn rất thành công trong việc dạy tiếng Anh. Thực ra anh ta không có nhiều tài năng, nhưng anh ta nắm bắt được tất cả các nhu cầu bề ngoài này, chỉ cần một đứa học sinh học lớp anh ta vài buổi thì lập tức sẽ "xì xồ" được rất nhiều câu và sẽ khen thầy dạy hay. Tuy nhiên, học mãi cũng chỉ có mấy chiêu đó và sau này học sinh sẽ thiếu kỹ năng sử dụng ngôn ngữ.

Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, học tiếng Anh là phải cảm thấy khó, khó có nghĩa là chúng ta đang tiến bộ. Và nên dùng tiếng Anh để học tiếng Anh. Nếu các bạn nhìn vào bộ giáo trình Let's go, một bộ giáo trình tiếng Anh dành cho thiếu nhi nổi tiếng thế giới, các bạn sẽ thấy rằng bộ giáo trình này sử dụng 100% là tiếng Anh. Vì sao sách tiếng Anh dành cho trẻ em lại sử dụng toàn bộ bằng tiếng Anh mà không phải là tiếng bản ngữ? Vì các giáo sư của ĐH Cambridge đã công phu nghiên cứu khả năng tiếp cận ngôn ngữ của đứa trẻ, chúng tiếp thu bằng hình ảnh dễ hơn, và sẽ loại bỏ được những tư duy không cần thiết trong sử dụng tiếng Anh. Chẳng hạn, một người học tiếng Anh thường nhìn vào quả mít, họ suy nghĩ xem quả mít trong tiếng Anh là gì, rồi sẽ bật ra từ "quả mít" bằng tiếng Anh. Sở dĩ họ làm vậy bởi vì khi họ học tiếng Anh, họ đã sử dụng tiếng Việt, có sự chen tư duy tiếng Việt vào đó. Như mình đã nói ban đầu là người học có xu hướng "lười", thầy cô bị áp lực từ nhiều phía, nên dẫn đến tình trạng này.

Phương pháp học phù hợp đó là: Với từ quả mít, chúng ta hoặc là vẽ quả mít ra bên cạnh, hoặc là diễn tả bằng từ vựng để chúng ta hoặc người khác nhìn vào sẽ hiểu đó là "quả mít"...nói chung có nhiều cách để tránh sử dụng tiếng Việt trong khi học tiếng Anh.

Việc lạm dụng tiếng Việt trong học tiếng Anh không sẽ không bộc lộ ra hậu quả trong một sớm một chiều, mà có thể nhiều năm sau, khi người học ra trường đi làm, lúc đó họ mới nhận ra vấn đề.

Vì vậy, giáo viên cũng như học sinh, cần phải "nhìn xa trông rộng", không nên vì sự dễ dàng nhất thời mà sử dụng quá nhiều tiếng Việt trong khi dạy và học tiếng Anh.

Tất nhiên, cũng không thể nào sử dụng 100% tiếng Anh. Nguyên tắc ở đây là: Tăng dần hàm lượng tiếng Anh trong dạy tiếng Anh và luôn để ở mức hơi quá sức một chút với trình độ học viên.

2. Không gắn với thực tế:

Rất nhiều người học tiếng Anh thường không gắn với thực tế, cứ nghĩ rằng học tiếng Anh là học một ngôn ngữ la lạ tận trời Tây. Đúng là như vậy, nhưng ngôn ngữ là cái sử dụng hàng ngày và ngôn ngữ chỉ là phương tiện. Học tiếng Anh hay tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác cũng là dùng để diễn đạt thông tin. Hãy sử dụng tiếng Anh vào những tình huống hàng ngày. Bạn có thể viết nhật ký bằng tiếng Anh, một cách hữu ích để nâng cao trình độ của mình.

Nên nhớ: Cần phải gắn mọi kiến thức, kỹ năng tiếng Anh vào đời sống thực sự của mình, đừng nghĩ rằng nó chỉ để dùng ở tận trời Tây.

3. Nhầm lẫn giữa bảng phiên âm quốc tế và bảng chữ cái tiếng Anh:

Đây là vấn đề rất phổ biến. Nguyên nhân là do trình độ giáo viên chưa cao, chưa chú ý vào khó khăn này. Bảng phiên âm quốc tế là một hệ thống dùng để giúp người học đọc đúng từ đó, còn bảng chữ cái là tập hợp những nguyên âm, phụ âm của ngôn ngữ đó, dùng để ghép thành các chữ khác nhau.

Theo mình nghĩ thì ở mỗi khóa học, giáo viên nên dạy lại học sinh về vấn đề này. Chẳng hạn ở lớp 6 học rồi, lên lớp 7 lại học lại, lên lớp 8 lại học lại...như vậy học sinh mới nhớ dai được.

Trên đây là một số sai lầm mà mình rút ra từ bản thân cũng như từ quá trình quan sát của người khác. Bạn nào có ý kiến thì đóng góp thêm nhé! Cảm ơn các bạn.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top