Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Những quan điểm đánh giá về triều Nguyễn
Trong lịch sử vương triều Nguyễn là vương triều khá đặc biệt: công cũng có mà tội cũng có. Hiện nay các nhà sử học cho rằng cần có sự phân biệt rõ ràng: không thể lấy cái công để che lấp cái tội, không thể lấy cái tội để che lấp cái tiến bộ, cái công . Tuy nhiên, trong hiện thực vẫn có những luồng tư tưởng khác nhau khi đánh giá về triều Nguyễn.
* Những quan điểm bênh vực, ca ngợi triều Nguyễn
- Trong các cuốn sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: Đại Nam Thực Lục tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam thực lục tục biên.… đã hết sức ca tụng công lao to lớn của Nguyễn Ánh – Gia long trong việc phục quốc, sáng lập quốc gia thống nhất, đánh bại vương triều Tây sơn và sự nghiệp của các vua kế tiếp là Minh mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trong việc xây dựng và củng cố vương triều ngày càng lớn mạnh, có kỷ cương, nề nếp. Quan điểm chính thống được kế thừ và phát triển trong nhiều công trình nghiên cứu thời Pháp thuộc.
- Thời kỳ trước cách mạng tháng Tám, Trần Trọng Kim trong cuốn Việt Nam sử lược cũng cho rằng: Dưới triều Gia Long, Việt Nam đã trở thành nước cường đại chưa từng thấy từ trước đến nay. Nhìn chung, trong khoảng một thế kỷ dài 1802 – 1884 triều Nguyễn đã có công lao lớn đối với lịch sử dân tộc.
- Nhiều nhà viết sử ở Sài Gòn trước 1975cho rằng với triều Nguyễn lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, chế độ quân chủ chuyên chế đã phát triển đến mức cực thịnh và toàn diện.
- Khi giải thích Việt Nam bị mất vào tay Pháp thì một nhà viết sử có tiếng ở Sài Gòn là Phạm Văn Sơn cho rằng Việt Nam mất vào tay Pháp là một tất yếu lịch sử, nhà Nguyễn mất nước với phương Tây vì văn minh nông nghiệp của Á Đông hết sức lạc hậu và yếu kém mà văn minh cơ giới của phương Tây lại rất mạnh.
- Có nhiều ý kiến cho rằng nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền . Đặc biệt thời Gia Long và thời Minh Mạng, đây là 2 triều đại đã thực hiện công cuộc cải cách hành chính đơn giản,hợp lí và hiệu quả.Cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng trở thành 1 luận án tiến sĩ lịch sử. PGS.TS.Nguyễn Minh Tường: viết về cải cách Minh Mạng trong thời kì quân chủ,chưa 1 giai đoạn nào về mặt hành chính có thể qua được thời Minh Mạng.
- Có khá nhiều nhà nghiên cứu của lịch sử Việt nam hiện đại như GS Phan Huy Lê đã cho rằng nhà Nguyễn đã để lại 1 di sản lớn lao nhất,đó là giang sơn đất nước trải rộng trên 1 lãnh thổ thống nhất từ Bắc chí Nam, gần tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện nay,bao gồm trên đất bộ và biển,kể cả Trường Sa,Hoàng Sa,,,
- Có người cho rằng, nhà Nguyễn sau 9 đời chúa và 13 đời vua,mặc dù cũng có những khiếm khuyết như nhờ người Phương Tây ,hay Xiêm chống lại Tây Sơn, hay là Tự Đức trực tiếp để đất nước rơi vào tay Pháp,nhưng về khách quan,các vua triều Nguyễn đều có tinh thần dân tộc...Điều này thể hiện rõ trong ý thức khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và qua hàng 100 năm bảo vệ được biên cương của Tổ Quốc trước các thế lực hùng mạnh,luôn luôn có tư tưởng bành trướng ở phương Đông (ý nói là Trung Quốc).
- Ông Dương Trung Quốc - Tổng thư kí hội sử học Việt Nam cho rằng:Nhà Nguyễn là 1 triều đại có đủ năng lực để kiểm kê,quản lí toàn bộ quốc gia..
*Những quan điểm phê phán triều Nguyễn
Quốc sử quán triều Nguyễn hết sức ca ngợi công lao của vương triều. Nhưng vào đầu thế kỉ XX, Khi nhà Nguyễn tồn tại dưới chế độ thực dân đã có xu hướng phủ nhận sạch trơn toàn bộ công lao của nhà Nguyễn. Cụ thể là:
- Phan Bội Châu đã phê phán triều đình Huế là bạc nhược, đê hèn.
- Từ 1945-1975 ở miền Bắc khi đất nước còn tập trung sức lực đánh Mĩ thì khuynh hướng chủ đạo là phê phán triều Nguyễn coi Gia Long là kẻ cõng rắn cắn gà nhà. Chế độ nhà Nguyễn là chế độ phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng này trở thành 1 quan điểm chính thống cho việc biên soạn sách cho Đại học và phổ thông. Ngay trong cuốn Lịch sử Việt Nam của ĐHSP, LSVN của Hoàng Văn Lân, Ngô Thị Chính cũng đi theo lối mòn trên đây,thậm chí khi bàn về việc nhà Nguyễn đối phó với thực dân Pháp, các cuốn sách này cho rằng: nhà Nguyễn không muốn và không đủ khả năng tập hợp lực lượng dân tộc, nhà Nguyễn bị coi là 1 kẻ thống trị cũ cấu kết với kẻ thống trị mới là thực dân Pháp áp bức,bóc lột nhân dân ta từ 1884-1945.Quan điểm trên đây không chỉ thể hiện trong giới khoa học thậm chí còn được chỉ đạo từ bên trên.
- Năm 1971, ủy ban khoa học xã hội Việt Nam đã biên soạn cuốn sách LSVN gồm 8 chương: trong chương viết về Tây sơn và triều nguyễn đã lên án gay gắt triều đại này,cho nhà Nguyễn được dựng lên bằng cuộc chiến tranh phản cách mạng, là một triều đại tối phản động,chính quyền nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc.Chính vì khiếp sợ trước phong trào nông dân mà triều Nguyễn không dám chống Pháp mà bắt tay với giặc chống lại phong trào nông dân. Riêng Tự Đức bán rẻ đất nước cho thực dân Pháp.Quan điểm này chi phối cả 1 số giáo sư trong các trường Đại học như:Nguyễn Phan Quang khoa sử trường ĐHSPHN quy toàn bộ trách nhiệm mất nước thuộc về nhà Nguyễn.
- Ngoài những tư tưởng chính thống,1 số luận án tiến sĩ trong những năm gần đây vẫn chưa thoát khỏi những lối mòn cũ,cực đoan. Ví dụ như luận án tiến sĩ của Đỗ Bang (chủ tịch hội khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế ) không chỉ lên án các chính sách triều Nguyễn về đối nội, đối ngoại mà còn trách triều Nguyễn không biết duy tân đổi mới,bảo thủ lạc hậu,dẫn đất nước tới sự thất bại trước sự xâm lược của thực dân Pháp.
* Những quan điểm đánh giá triều Nguyễn có cả tích cực và hạn chế.
Từ cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ XX trở lại đây, công cuộc nghiên cứu về chúa nguyễn đã được triển khai và đạt được nhiều thành tựu theo xu hướng tư duy khách quan, trung thực. Đã có khoảng 20 hội thảo bàn về vấn đề này. Điển hình nhất là Hội thảo tại Đại học Sư phạm Hà Nội và Hội thảo về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn tháng 10/ 2008 tại Thanh Hóa, đã cung cấp rất nhiều nguồn sử liệu phong phú, đa dạng nhằm tiến tới nhận định chung về triều Nguyễn nói riêng và tiến trình của lịch sử Việt Nam nói chung.
- GS. Trần Quốc Vượng: ông có bài viết trên tạp chí sông Hương tại Huế thẳng thắn chỉ rõ các khiếm khuyết của những người làm sử khi lấy tư tưởng của cá nhân để áp đặt vào khoa học.
- Ý kiến của GS. Phan Huy Lê thì cho rằng: Cho đến nay tuy có ý kiến trái ngược nhau về các chúa nguyễn và vương triều Nguyễn nhưng đã đi đến sự thống nhất đó là phân tích công tội rõ ràng: nhà Nguyễn có những ngược điểm không thể khắc phục được cũng như các vương triều chung trên toàn thế giới như quan liêu, bảo thủ, cố chấp. Nhưng nhà Nguyễn cũng có rất nhiều ưu điểm không thể phủ nhận trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Vì thế khi nghiên cứu triều Nguyễn chúng ta phải đứng ở vị trí khách quan, trung thực, phải thấy được tích cực, hạn chế của vương triều này, đặc biệt phải tuân thủ tính lịch sử. Khi xem xét, đánh giá vương triều Nguyễn phải đặt triều Nguyễn trong bối cảnh của thế giới: khi chế độ phong kiến đang suy tàn và thế giới tư bản chủ nghĩa đang phát triển. Ở mỗi giai đoạn lịch sử của vương triều này cần phải xem xét một cách khách quan cả mặt tích cực, hạn chế của nó. GS. Văn Tạo cũng đồng ý với quan điểm của Phan Huy Lê, Ông cho rằng: cái gì mà triều Nguyễn làm được phải trả lại cho họ, không nên lấy cái tội che lấp cái công, cái công che lấp cái tội. Chúng ta không nên phủ nhận một cách sạch trơn những gì mà triều Nguyễn đã làm được.
+ Chính trị: Hệ thống hành chính được củng cố qua cải cách của Minh Mệnh.
+ Kinh tế: không thể phủ nhận công cuộc khai hoang của triều Nguyễn, không thể phủ nhận cách thức quản lý tài sản quốc gia của triều Nguyễn, không thể phủ nhận công tác trị thủy, đắp đê phòng lụt, sự phát triển dân số thúc đẩy công thương nghiệp ở các tỉnh phía Nam.
+ Giáo dục: mặc dù vẫn duy trì giáo dục khoa cử nhưng không thể phủ nhận nhà Nguyễn đã tạo ra được một đội ngũ quan lại đức độ và tài năng như: Nguyễn Công Trứ, Đào Tấn, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát.
+ Y học: không thể không nói đến hải thượng lãn ông Trương Hữu Chát.
+ Văn hóa: những công trình văn hóa còn tồn tại được Unesco công nhận do triều Nguyễn bảo tồn, xây dựng và phát triển.
Bên cạnh những yếu tố tích cực nói trên,nhà Nguyễn vẫn còn nhiều hạn chế như sau:
+ Kinh tế: tô thuế nặng nề, bế quan tỏa cảng, sản xuất chậm phát triển, đời sống nhân dân ít cải thiện, đói kém xảy ra triền miên, những đề nghị của Phạm Phú Tứ, Nguyễn Trường Tộ không lọt vào tai.
+Về chính trị: quá là lạc hậu,cơ chế quản lí xã hội là theo kiểu Tống Nho, sao chép luật lệ của Mãn Thanh cổ hủ lạc hậu khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng căng thẳng.
+Quân sự: không thể tiếp tục duy trì và phát huy các yếu tố làm nên sức mạnh của nhân dân và dân tộc như triều đại trước.Các yếu tố đó là: trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận.
+ Chính sách đối nội,đối ngoại tiêu cực làm hạn chế sự phát triển của sản xuất đặc biệt là chính sách bế quan tỏa cảng, duy trì quá lâu dài, làm cho sức đề kháng của dân tộc ngày càng mai một, không đủ sức đối phó với thực dân Pháp. Nhà Nguyễn khi còn chưa bị thực dân Pháp xâm lược,do các chính sách của mình làm cho cơ thể quá yếu ớt như:chính sách cấm đạo hà khắc làm cho khối đoàn kết dân tộc bị dạn nứt,còn khi phải trực tiếp đối phó với cuộc xâm lược của phương Tây đã mắc nhiều sai lầm về chiến lược,chiến thuật.
- Một số quan điểm của nhà sử học gần đây nhất cho rằng:
+ Việc tồn tại nhà Nguyễn là 1 quy luật khách quan,là 1 hiện tượng lịch sử mà đã là 1hiện tượng lịch sử là đúng.
+ Ngay cả việc nhà Nguyễn thắng Tây Sơn cũng là 1 điều hợp quy luật.
+ Việc triều Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn với tư cách chống lại phong trào Tây sơn chỉ đúng khi 3 anh em Nguyễn Nhạc,Nguyễn Huệ ,Nguyễn Lữ còn là lãnh tụ của phong trào nông dân, còn khi Nguyễn Nhạc lên ngôi vua trở thành Trung ương Hoàng Đế, sau đó phân cho 2 em làm Đông định vương và Bắc bình vương, từ Phú Xuân trở ra. Giai đoạn chúa Nguyễn chống Tây Sơn tồn tại trong thời gian ngắn.Sau đó là xung đột của phe phái tập đoàn phong kiến.
+ Việc Nguyễn Ánh thắng Tây sơn là điều tất yếu vì lúc đó 3 anh em nhà Tây Sơn không quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của nhân dân,nhất là khi Quang Trung qua đời, nội bộ nhà Tây sơn lục đục ,suy yếu. Lực lượng của Nguyễn Ánh mạnh hơn nên thắng thế.Yếu tố nước ngoài - sự can thiệp của tư bản Pháp là rất hạn chế, mà thua chủ yếu là do Tây Sơn.
+ Còn Tự Đức để nước ta rơi vào tay Pháp là bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nhau:cả yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là thời đại đang thắng thế của tư bản phương Tây.Việc Nhật Bản thoát khỏi ách thống trị của tư bản Phương tây không phải là 1 trường hợp phổ biến.Thái Lan giữ nền độc lập trung lập tương đối là có những lí do riêng về địa chính trị,kinh tế nước này quy định.Việt nam không có vị thế như Thái Lan.
Để thoát khỏi ách thống trị của TB phương tây ngoài yếu tố tự lực,tự cường,còn có phần trăm may mắn nào đó,cũng khôngthể sử dụng 1 con bài,1 phương pháp duy nhất là đấu tranh vũ trang để bảo vệ độc lập dân tộc mà pải kết hợp niều yếu tố, phương thức đấu tranh khác nhau.Vì thế khi mà giải thích nước ta bị mất nước pải coi trọng 2 yếu tố chủ quan và khách quan.
Như vậy ta thấy,trong thực tế vẫn tồn tại nhiều quan điểm nhận thức khác nhau, tựu chung lại có 3 luồng ý kiến sau: những quan điểm ca ngợi, bênh vực triền Nguyễn; những quan điểm phê phán triều Nguyễn và những quan điểm có cả tích cực và hạn chế.
NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG