Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Những đóng góp của C.Mác và Ăng ghen qua tác phẩm Hệ Tư Tưởng Đức
I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM
1. Nguyên nhân trực tiếp sự ra đời của tác phẩm.
+ Mùa hè năm 1845, Lútvích Phoiơbắc viết bài báo công khai tuyên bố mình là người cộng sản.
+ Mùa thu (tháng 9) năm 1845, những người “chủ nghĩa xã hội chân chính” và giữa tháng 10 năm 1845, Bauơ, Stiếcnơ đã viết nhiều bài báo chống lại chủ nghĩa cộng sản. (Brunô Bauơ là thủ lĩnh phái "Hêghen trẻ")
+ Trong thời kỳ này, những người ủng hộ C.Mác và Ph.Ăngghen vẫn còn là thiểu số trong phong trào công nhân; các phe phái đủ màu sắc của chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản đang chiếm ưu thế.
Trước tình hình đó, C.Mác và Ph.Ăngghen thấy đã đến lúc cần phải chứng minh một cách khoa học những cơ sở hệ tư tưởng của giai cấp vô sản; tuyên truyền hệ tư tưởng đó để tranh thủ những người vô sản tiên tiến trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản.
1.1. Nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho C.Mác và Ph.Ăngghen khi viết tác phẩm:
C.Mác viết (8/1846) “Tôi thấy rằng, điều hết sức quan trọng là trước khi tôi trình bày vấn đề một cách chính diện thì cần phải có một tác phẩm luận chiến chống lại nền triết học Đức và chống lại chủ nghĩa xã hội Đức (...) Điều đó là cần thiết để chuẩn bị cho công chúng tiếp thu quan điểm của tôi trong lĩnh vực kinh tế-chính trị, quan điểm này trực tiếp đối lập với khoa học Đức” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.27, tr.398-399).
+ Phê phán triệt để những quan điểm duy tâm của “triết học Đức mới” và “chủ nghĩa xã hội chân chính” (chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản Đức).
+ Trình bày một cách rõ ràng những nguyên lý của thế giới quan triết học mới và đặt cơ sở lý luận cho chủ nghĩa cộng sản khoa học.
1.2. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên là Hệ tư tưởng Đức đã đánh dấu bước tiến mới của C.Mác và Ph.Ăngghen trong việc phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa cộng sản khoa học.
2. Cấu trúc của tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức" gồm 2 tập.
Tập I: Phê phán chủ nghĩa duy tâm của phái Hêghen trẻ.
Gồm Lời nói đầu và ba chương
Lời nói đầu (chưa viết xong), C.Mác và Ph.Ăngghen trình bày tổng quát quan niệm duy vật về lịch sử và về chủ nghĩa cộng sản của mình.
Chương I: Phoiơbắc. Sự đối lập giữa quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm.
Đây là chương quan trọng của Hệ tư tưởng Đức. Trong chương này, sau khi phê phán triết học Phoiơbắc, C.Mác và Ph. Ăngghen đã đưa ra các quan điểm duy vật của mình.
Chương I lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1924 bằng tiếng Nga tại Liênxô (Viện Mác-Ăngghen). Toàn bộ bản thảo lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1932 (Viện Mác-Ăngghen-Lênin) và vào năm 1933(C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4), vào năm 1965 ("Các vấn đề của triết học", số 10-11). Năm 1966 (xuất bản riêng)- (Viện Chủ nghĩa Mác-Lênin trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liênxô) xuất bản chương I (tập 1) theo cách bố trí phù hợp với cấu trúc và nội dung của bản thảo.
Chương II: Brunô thần thánh. Phê phán Brunô Bauơ }phát triển tư tưởng của các tác phẩm "Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844" và "Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có tính chất phê phán. Chống Brunô Bauơ và đồng bọn" (1845)}
Chương III: Max thần thánh. Phê phán Max Stiếcnơ.
Tập II: Phê phán "chủ nghĩa xã hội chân chính" Đức.
“chủ nghĩa xã hội chân chính Đức” là sự kết hợp giữa triết học Đức (chủ yếu là triết học Hêghen và triết học Phoiơbắc) với những học thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng (chủ yếu là chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp).
Gồm năm chương, nhưng không tìm thấy bản thảo của chương II và III.
Chương I. C.Mác và Ph.Ăngghen tập trung phê phán những bài báo của Dem-mích và Mat-tei, đại biểu cho triết học của “chủ nghĩa xã hội chân chính”.
Chương IV. phê phán cuốn sách của G-ruyn, đại biểu chủ yếu của “chủ nghĩa xã hội chân chính”. Chương này được xuất bản năm 1947.
Chương V. phê phán cuốn sách của Cun-mam, một người của “chủ nghĩa xã hội chân chính”.
Bản thảo của "Hệ tư tưởng Đức" tuy chưa kịp xuất bản, nhưng "mục đích chính của chúng tôi là làm cho chính mình hiểu rõ- thì đã đạt được" (C.Mác/ C.Mác và Ph.Ăngghen: t.13, tr.8).
II. NỘI DUNG CỦA TÁC PHẨM HỆ TƯ TƯỞNG ĐỨC
1. Phê phán triệt để những quan điểm duy tâm của “triết học Đức mới” và “chủ nghĩa xã hội chân chính” (chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản Đức).
Nội dung lý luận chính của Hệ tư tưởng Đức được tập trung ở chương I, tập 1: "Phoiơbắc. Sự đối lập giữa các quan điểm duy vật và duy tâm"; các phần còn lại thiên về luận chiến.
1.1. Phê phán sự hạn chế của triết học Phoiơbắc. (Làm sáng tỏ thêm những hạn chế của triết học Phoiơbắc)
Những hạn chế của triết học Phoiơbắc đã được trình bày cô đọng trong tác phẩm Luận cương về Phoiơbắc (1845). Trong "Hệ tư tưởng Đức", C.Mác và Ph.Ăngghen đã cụ thể hoá và phân tích chi tiết những đặc điểm của triết học Phoiơbắc, đặc biệt là sự liên quan của hệ thống triết học đó với chủ nghĩa cộng sản.
a. Hạn chế cơ bản của Phoiơbắc nằm trong quan niệm về con người. Phoiơbắc dựa vào khái niệm "con người cộng đồng" để tự tuyên bố mình là người cộng sản.
Con người, theo Phoiơbắc, chỉ là "con người trừu tượng" mà không phải là con người hiện thực của lịch sử. Đối với những người cộng sản, con người là sản phẩm của tự nhiên và vấn đề cần xem xét ở con người hiện thực của lịch sử là hành động thực tiễn của con người nhằm thay đổi thế giới hiện có.
Trên thực tế, "con người cộng đồng" của Phoiơbắc là quan điểm về quan hệ giữa con người với nhau trên góc độ con người bao giờ cũng luôn cần đến nhau và như vậy, điều quan trọng là phải xác lập một ý thức đúng đắn về cái hiện có.
Ngược lại, đối với người cộng sản thực thụ, điều quan trọng là phải lật đổ cái hiện có ấy (Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb.Sự thật, HàNội,1980,t.1, tr.312).
b. Mặc dù công nhận "con người là đối tượng của cảm giác", nhưng Phoiơbắc chỉ nói đến quan hệ của con người trong tình yêu và tình bạn đã được lý tưởng hoá, chỉ dừng lại ở lý luận mà không xem xét con người trong mối quan hệ xã hội nhất định, trong những điều kiện sinh hoạt nhất định, trong những điều kiện làm cho con người trở thành những con người đang tồn tại và hành động thực sự.
Do vậy, Phoiơbắc không nhận ra sự cần thiết phải phê phán những điều kiện sinh hoạt hiện có của con người; không hiểu được rằng, thế giới cảm giác được là tổng số những hoạt động sống và cảm giác được của những cá nhân hợp thành thế giới ấy và như thế, khi đứng trước thực trạng của xã hội đương thời, Phoiơbắc đành lẩn trốn vào các quan niệm, khái niệm, lý tưởng hoàn toàn trừu tượng- tức là rơi vào chủ nghĩa duy tâm.
Ngược lại, khi đứng trước thực trạng của xã hội đương thời, người cộng sản nhìn thấy cả sự tất yếu lẫn điều kiện của hoạt động cải tạo thực tiễn của chính con người (Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb.Sự thật, HàNội,1980,t.1, tr.285-286).
c. Khi nói về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, Phoiơbắc có quan niệm siêu hình về một thế giới tự nhiên bất biến mà không hiểu rằng, hoạt động thực tiễn của con người đã tác động lên giới tự nhiên, tạo nên một giới tự nhiên có tính chất lịch sử "... ở Phoiơbắc, tự nhiên và lịch sử trở nên tách rời nhau, không liên hệ với nhau".
Để kết thúc phần 1.1, xin dẫn câu trích của C.Mác và Ph.Ăngghen: "Khi Phoiơbắc là nhà duy vật thì ông không bao giờ vận dụng đến lịch sử; còn khi ông có tính đến lịch sử thì ông không phải là nhà duy vật. Ở Phoiơbắc, lịch sử và chủ nghĩa duy vật hoàn toàn tách rời nhau" (C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb.Sự thật, HàNội,1980,t.1, tr.286).
1.2. Phê phán những quan điểm duy tâm của phái "Hêghen trẻ".
a. "Phái Hêghen trẻ" phê phán tất cả mọi cái, thay thế từng cái một bằng những quan niệm tôn giáo hoặc tuyên bố cái đó là có tính thần học. Phái "Hêghen trẻ" cũng như phái "Hêghen già" đều tin tưởng rằng tôn giáo, khái niệm là cái phổ biến thống trị trong thế giới hiện có (C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb.Sự thật, HàNội, 1980, t.1, tr.265).
Phái "Hêghen trẻ" khảng định cái hiện tồn là sản phẩm của ý thức và tuyên bố "đảo lộn thế giới" chỉ bằng việc đấu tranh chống lại những câu nói mà không hề chống lại thế giới hiện tồn.
b. Tiếp tục sự phê phán đã viết trong tác phẩm "Gia đình thần thánh...", C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra mưu toan của Bauơ đặt "tự ý thức tuyệt đối" lên "thực thể", coi tư tưởng là cơ sở của thế giới hiện tồn(Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, tr.84).
Như vậy, sự khác nhau giữa Bau-ơ với những người cộng sản nằm ở cách giải quyết mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, giữa nhận thức khoa học với hoạt động cải tạo thực tiễn. Khi Bau-ơ lợi dụng những luận điểm của Phoiơbắc về chủ nghĩa cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ sai lầm của Phoiơbắc và sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật nhân bản của Phoiơbắc với chủ nghĩa duy vật thực tiễn của những người cộng sản.
c. Khi phê phán Stiếcnơ- một đại biểu khác của phái "Hêghen trẻ" (Stiếcnơ cho rằng, để biến đổi thực tiễn, chỉ cần biến đổi ý thức và các khái niệm của các cá nhân mà thôi) với ảo tưởng về những con đường thủ tiêu mọi áp bức xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen khảng định rằng, không thể đập tan được mọi hình thái và sản phẩm của ý thức bằng sự phê phán tinh thần mà chỉ đập tan được những quan hệ xã hội đã sinh ra chúng; không phải sự phê phán (bằng lời nói), mà cách mạng mới là động lực của lịch sử, của tôn giáo, của triết học và của mọi lý luận khác.
C.Mác và Ph.Ăngghen cũng tập trung phê phán quan niệm của Stiếcnơ về lịch sử. Stiếcnơ cho rằng, "cái tôi" là thực tại duy nhất và toàn thế giới là sở hữu của "cái tôi". Ngoài "cái tôi" ra, tất cả mọi cái đều không tồn tại và chỉ là "bóng ma". Mọi cá nhân hành động theo nguyên tắc "không có gì cao hơn cái tôi" và dùng quan niệm đó vào việc chống lại chủ nghĩa cộng sản trong cuốn sách "Nhân vật duy nhất và sở hữu của nó" (1844).
1.3. Phê phán "chủ nghĩa xã hội chân chính" Đức.
"chủ nghĩa xã hội chân chính" là trào lưu của giai cấp tiểu tư sản đang được phổ biến rộng rãi ở Đức lúc bấy giờ. Trào lưu này phản ánh tâm trạng lo sợ của giai cấp tư sản Đức trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản và các cuộc đấu tranh giai cấp.
"chủ nghĩa xã hội chân chính" Đức có quan niệm lý tưởng hoá các chế độ tiền tư bản; gieo rắc ảo tưởng về khả năng phát triển của nước Đức lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chủ nghĩa tư bản; tuyên truyền khẩu hiệu phi giai cấp về "tình yêu và tình anh em nói chung"; phủ nhận đấu tranh chính trị và không tham gia các phong trào đấu tranh chống lại chế độ hiện đang tồn tại; coi thường cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ.
Đứng trước tình hình đó, C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: bản chất của "chủ nghĩa xã hội chân chính" nằm ở chỗ:
- Xa rời cuộc đấu tranh giai cấp và phong trào công nhân.
- Là một trào lưu tư tưởng tiểu tư sản phản ánh phong trào văn học xã hội chủ nghĩa nảy sinh ở bên ngoài những lợi ích của một đảng chân chính. (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, tr. 458)
2. Trình bày một cách rõ ràng những nguyên lý của thế giới quan triết học mới và đặt cơ sở lý luận cho chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Sự diễn giải nhận thức duy vật về lịch sử được xây dựng theo sơ đồ sau:
1) Các nguồn gốc. 2) Những quan niệm chính: sản xuất - giao tiếp - thượng tầng chính trị - các hình thái của ý thức xã hội. 3) Những kết luận.
2.1. Trong "Hệ tư tưởng Đức", lần đầu tiên các tác giả đã nêu ra nguồn gốc của sự nhận thức duy vật về lịch sử, đó là con người, hoạt động của họ, những điều kiện đời sống vật chất của con người, nghĩa là thừa nhận vai trò quyết định của sản xuất vật chất đối với các lĩnh vực còn lại của đời sống xã hội.
Hoạt động của con người bao gồm hai mặt: Mặt sản xuất (là quan hệ của con người đối với tự nhiên) và mặt giao tiếp (là những mối quan hệ giữa con người với nhau). Sản xuất và giao tiếp có mối quan hệ qui định qua lại với nhau, trong đó mặt sản xuất qui định mặt giao tiếp. Trong "Hệ tư tưởng Đức", những quan niệm quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử được phát triển toàn diện - đó là quan niệm về vai trò quyết định của sản xuất vật chất trong đời sống xã hội.
Bản chất quan niệm nhận thức duy vật về lịch sử được phát triển trong "Hệ tư tưởng Đức" được đúc kết ngắn gọn: "Như vậy, sự nhận thức lịch sử đó xuất phát từ chính nền sản xuất vật chất trực tiếp của đời sống, xem xét quá trình sản xuất và hiểu được mối quan hệ hình thức của phương thức sản xuất đó và hình thức chúng sinh ra sự giao tiếp- có nghĩa là, xã hội công dân trên những nấc thang khác nhau- là cơ sở của toàn bộ lịch sử; sau đó cần phải miêu tả hoạt động của xã hội công dân trong lĩnh vực đời sống nhà nước, và giải thích từ đó kết quả và hình thức lý luận khác nhau của ý thức, tôn giáo, triết học, đạo đức v.v. và v.v., và theo dõi quá trình xuất hiện của chúng trên cơ sở đó, nhờ vậy mà, tất nhiên, có thể sẽ miêu tả được toàn bộ quá trình về tổng thể (và cả những mối tác động qua lại giữa các mặt khác nhau của nó). Nhận thức như vậy về lịch sử, trong sự khác biệt với nhận thức duy tâm...giải thích không phải thực tiễn từ tư tưởng, mà tư tưởng được tạo ra từ thực tiễn vật chất và như vậy có kết luận sau- không phải sự phê phán, mà cách mạng mới là động lực thúc đẩy lịch sử" (C.Mác và Ph.Ăngghen: Hệ tư tưởng Đức. tr.51-52).
2.2. Trong "Hệ tư tưởng Đức", các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, lần đầu tiên đã giải thích sự biện chứng của mối quan hệ tác động qua lại và phát triển giữa lực lượng sản xuất với hình thức giao tiếp (quan hệ sản xuất).
Phát minh vĩ đại này là sự biện chứng của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, nó đưa lại chìa khoá để nhận thức được cấu trúc chung của xã hội, của hình thái xã hội (lực lượng sản xuất- quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội khác như thượng tầng chính trị - pháp luật- là các hình thức của ý thức xã hội) và qui luật chung của sự phát triển lịch sử của xã hội.
Các hình thái xã hội được xem xét ở đây được phân biệt theo các hình thức sở hữu đã, đang và sẽ thống trị trong lịch sử: Bộ lạc - Cổ đại - Phong kiến - Tư bản - Cộng sản, trong đó, sự hình thành và phát triển các hình thức sở hữu cá thể tư bản được phân biệt bằng các giai đoạn: Thủ công nghiệp - công trường thủ công - công nghiệp lớn.
C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ rõ: "Những giai đoạn phát triển khác nhau của sự phân công lao động cũng đồng thời là những hình thức khác nhau của sở hữu; nói một cách khác là mỗi giai đoạn mới của sự phân công lao động cũng qui định những quan hệ giưã cá nhân với nhau, căn cứ vào quan hệ của họ với tư liệu lao động, công cụ lao động và sản phẩm lao động" (C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập. Nxb.Sự thật, Hà nội, 1980, t.1, tr.305-306).
Công thức chính của chủ nghĩa duy vật lịch sử về mối quan hệ qua lại của tồn tại xã hội và ý thức xã hội: "ý thức...không khi nào có thể trở thành cái gì khác, ngoài sự nhận thức được tồn tại...mà sự tồn tại của con người là một quá trình hiện thực cuộc sống của họ...không phải nhận thức qui định cuộc sống, mà cuộc sống qui định nhận thức" (C.Mác và Ph.Ăngghen: "Phoiơbắc. Sự đối lập giữa các quan điểm duy vật và duy tâm", Mátxcơva, 1966, tr.29-30).
Trên cơ sở này đã cho phép chứng minh một cách khoa học về tính tất yếu của giai cấp vô sản, của cách mạng cộng sản là kết quả của sự phát triển của các mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ giao tiếp (quan hệ sản xuất) của xã hội tư bản. Phát minh vĩ đại trên cho phép sự nhận thức duy vật về lịch sử trở thành quan điểm tổng hợp và là cơ sở triết học trực tiếp của học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học.
2.3. Trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức" nêu lên:
a. Cơ sở của học thuyết mácxít về giai cấp và đấu tranh giai cấp.
b. Chỉ ra bản chất của nhà nước nói chung và nhà nước tư bản nói riêng; về cách mạng và chủ nghĩa cộng sản:
- Sự vận động của sản xuất vật chất trong điều kiện "hình thức giao tiếp" đã lỗi thời làm cho lực lượng sản xuất không thể tiếp tục phát triển và bị kìm hãm; do vậy cách mạng xã hội tất yếu sẽ nổ ra.
- Sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác thể hiện trong sự đối kháng của "hình thức giao tiếp". Sự thống trị đó được thực hiện thông qua nhà nước: "...giai cấp nào muốn nắm quyền thống trị...phải thủ tiêu toàn bộ hình thức xã hội cũ...như trong trường hợp của giai cấp vô sản- thì giai cấp ấy trước hết phải chiếm lấy chính quyền" C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1980. t.I, tr.294.
- Cuộc cách mạng cộng sản khác về chất so với các cuộc cách mạng trước đó.
c. Về chủ nghĩa cộng sản, trong sự đối lập với chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội chân chính, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng snả là một phong trào hiện thực, nó xoá bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là kết quả của những tiền đề hiện đang tồn tại" (C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyển tập. Nxb.Sự thật, Hà nội, 1980, t.1, tr.297).
d. Những nét chung về đặc điểm của xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai:
- Chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất bị thủ tiêu. Sở hữu toàn xã hội.
- Sự phân chia giai cấp bị thủ tiêu, do đó, sự thống trị của một giai cấp này đối với các giai cấp khác cũng bị thủ tiêu và nhà nước, với tư cách là công cụ thống trị sẽ không còn nữa.
- Sự phân công lao động mang tính giai cấp bị thủ tiêu, do đó không còn sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc, giữa thành thị và nông thôn.
- Mọi cá nhân đều là người tự do và phát triển toàn diện, con người làm chủ tất cả những phương tiện, điều kiện vật chất, chủ động và tự giác điều phối chúng để phục vụ cho con người.
- Xã hội cộng sản chủ nghĩa có đầy đủ mọi điều kiện để biến đổi con người thành những con người thực sự với nghĩa hoàn toàn đầy đủ của nó.
Tóm lại, tổ chức của chủ nghĩa cộng sản là có tính chất kinh tế; nó là sự sáng tạo vật chất ra những điều kiện cho sự liên hợp ấy; nó biến những điều kiện hiện có thành những điều kiện của sự liên hợp (sự liên hợp ở đây được hiểu là hình thức cộng đồng các cá nhân trên cơ sở của sở hữu xã hội vad sự liên hợp các cá nhân tự do không bị ràng buộc bởi phân công lao động; sở hữu phục tùng các cá nhân liên hợp lại- tức là toàn xã hội).
Trong Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen chưa phân biệt hai giai đoạn của hình thái cộng sản chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa). Hai giai đoạn này được trình bày một cách rõ ràng trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gôta (1875).
2.4. Trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức", lần đầu tiên nêu ra hai nguồn gốc vật chất chính cho công cuộc xây dựng xã hội cộng sản:
Đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự hình thành giai cấp vô sản cách mạng. Khi cụ thể hoá nguồn gốc thứ nhất, các tác giả của tác phẩm đã xác định nó là mức độ phát triển cao của nền sản xuất máy móc lớn: "...chỉ cùng với sự phát triển của công nghiệp lớn mới có khả năng triệt tiêu hình thức sở hữu cá thể" (tr.65).
C.Mác và Ph.Ăngghen cũng nêu lên tính hai quá trình của cách mạng vô sản: Thay đổi điều kiện sống của xã hội, đồng thời thay đổi chính con người đang thực hiện cuộc cách mạng đó (tr.50), các ông cũng lần đầu tiên chỉ ra tính tất yếu của việc giành chính quyền chính trị của giai cấp vô sản (tr.43).
Dựa trên cơ sở nhận thức duy vật - biện chứng về lịch sử, các tác giả của tác phẩm cũng nêu lên tính chất chung của học thuyết về xã hội mới- xã hội cộng sản.
Về sau, lý luận về xã hội cộng sản được bổ sung trong các tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản (1847), chín muồi trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) và cụ thể hơn trong Phê phán Cương lĩnh Gô-ta (1875).
III. Ý NGHĨA CỦA TÁC PHẨM.
1. "Hệ tư tưởng Đức" (trong dạng bản thảo) là tác phẩm luận chiến của C.Mác và Ăngghen chống lại chủ nghĩa duy tâm của những người theo phái "Hêghen trẻ" và "chủ nghĩa xã hội chân chính" tiểu tư sản Đức.
2. "Hệ tư tưởng Đức" là sự phát triển những tư tưởng cơ bản của các tác phẩm "Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844", "Luận cương về Phoiơbắc" (1845) v.v.
3. Trong bản thảo này, lần đầu tiên, một quan điểm tổng quát, một phát minh vĩ đại của C.Mác ra đời- nhận thức duy vật về lịch sử (chủ nghĩa duy vật lịch sử)- đó là cơ sở triết học trực tiếp của học thuyết về chủ nghĩa cộng sản khoa học.
4. Đây là tác phẩm đánh dấu bước tiến mới của các ông trong việc phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tuy không được xuất bản, nhưng trong quá trình sáng tạo đó, chủ nghĩa Mác đã chín muồi trong chất của thế giới quan tổng thể mới. Mọi hoạt động lý luận và thực tiễn về sau của các nhà sáng lập ra thế giới quan đó đều dựa trên thành tựu vĩ đại này./.
Phần đọc thêm:
Thuật ngữ "Hệ tư tưởng" xuất phát từ tiếng HyLạp cổ, có nghĩa là từ, khái niệm, học thuyết.
Hệ tư tưởng là hệ thống quan điểm, tư tưởng nêu ra và đánh giá các quan hệ của con người đối với tự nhiên và giữa con người đối với nhau (những vấn đề và mâu thuẫn trong xã hội, nội dung của mục đích, của chương trình hoạt động xã hội được định hướng lên việc thắt chặt hoặc thay đổi các quan hệ xã hội trong xã hội có giai cấp). Hệ tư tưởng luôn mang tính giai cấp được thể hiện trong lĩnh vực tư tưởng và phản ánh vai trò cuả các giai cấp trong xã hội và nguồn gốc lợi ích của chúng.
Thuật ngữ "Hệ tư tưởng" lần đầu tiên được nhà triết học, nhà kinh tế học người Pháp De Traxi sử dụng trong tác phẩm "Những thành phần của Hệ tư tưởng" (viết từ 1801 đến 1815) dùng để chỉ học thuyết về tư tưởng, góp phần xác định cơ sở chính cho chính trị học, mỹ học, đạo đức học v.v. Trong nghĩa đó, Mác đại diện của chủ nghĩa duy vật và trường phái duy cảm đã viết nhiều về Hệ tư tưởng. Còn trong thời kỳ Napôlêôn ở Pháp, người ta gọi những người có quan điểm tách rời thực tế trong việc giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội và thực tiễn chính trị là hệ tư tưởng.
C.Mác và Ph.Ăngghen trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức" (viết năm 1845-1846) và trong các tác phẩm về sau coi Hệ tư tưởng là:
1) Quan niệm duy tâm cho rằng thế giới là một tập hợp của tư tưởng, tư duy và các nguyên tắc (t.3, tr.12).
2) Loại hình của quá trình tư duy, mà chủ thể của nó là hệ tư tưởng không tạo ra mối liên hệ giữa cấu trúc của mình với lợi ích vật chất của các giai cấp xác định và là lực lượng kích thích hoạt động của chính mình, thường xuyên sử dụng ảo giác về tính độc lập tuyệt đối của ý thức xã hội (t.39, tr.83).
3) Từ đó xuất hiện phương pháp nhận thức duy vật về lịch sử (xem mục: chủ nghĩa duy vật lịch sử) để tiếp cận hiện thực, các phương pháp phân tích khoa học và phê phán hệ tư tưởng.
Nhận thức đó cho rằng, hệ tư tưởng là một hình thái của ý thức xã hội và phụ thuộc vào qui luật chung của ý thức xã hội: Tồn tại xã hội qui định hệ tư tưởng nhưng hệ tư tưởng vẫn có tính độc lập tương đối.
Hệ tư tưởng có tính kế thừa trong sự phát triển của chính mình. Bởi vì trong hệ tư tưởng, tập hợp các tài liệu về tư duy đã được xác định và mỗi một hệ tư tưởng mới mang nội dung phản ánh các điều kiện xã hội mới (tồn tại xã hội mới). Hệ tư tưởng có tác động ngược trở lại lên tồn tại xã hội (lên đời sống vật chất của xã hội).
C.Mác và Ph.Ăngghen không thay đổi thuật ngữ Hệ tư tưởng trong hệ thống quan điểm của mình, nhưng các ông đã tính chất hoá hệ tư tưởng, coi chủ nghĩa Mác là học thuyết khoa học về chủ nghĩa cộng sản; gắn chặt một cách có tổ chức hệ tư tưởng với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp của giai cấp vô sản. V.I.Lênin mở rộng khái niệm Hệ tư tưởng và cho rằng, các hệ tư tưởng trước Mác đều có mầm mống khoa học, nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác mới là hệ tư tưởng khoa học chân chính.
Hệ tư tưởng là một hiện tượng tinh thần, có nghĩa là hệ tư tưởng cần phải đánh giá những khái niệm tinh thần như: hệ tư tưởng khoa học hay không khoa học, là chân lý hay giả dối v.v. Mâu thuẫn giữa những hệ tư tưởng khác nhau của các giai cấp khác nhau có ý nghĩa xã hội, là sự thể hiện tính mâu thuẫn về lợi ích giai cấp.
Trong xã hội có giai cấp, hệ tư tưởng mang tính cách mạng hay tính phản động, tích cực hay tiêu cực, tự do hay không tự do, tính quốc tế hay tính dân tộc v.v (là những khái niệm của chính trị-xã hội). Những tính chất đó phản ánh giá trị bản chất của hệ tư tưởng, khả năng của hệ tư tưởng trong việc định hướng thực tiễn xã hội của giai cấp trong sự phù hợp vơí hệ thống giá trị xác định (như giá trị xã hội, giá trị chính trị v.v.)
Mối liên hệ giữa các lợi ích của các giai cấp xác định là cơ sở của các giá trị định hướng và ý thức của hoạt động xã hội mang tính nguyên tắc: Tính đảng của các hệ tư tưởng, trong đó giai cấp tiến bộ cố gắng xây dựng cho mình một hệ tư tưởng trên cơ sở sử dụng triệt để nhận thức khách quan (thí dụ giai cấp tư sản trong giai đoạn phát triển cực điểm). Sự phù hợp về lợi ích của giai cấp công nhân (chủ thể) với sự phát triển khách quan của xã hội (khách thể) là cơ sở xã hội cho sự xác định tính thống nhất của sự chuyển hoá mang tính đảng, tính giai cấp và tính khoa học khách quan đối với hiện thực trong phạm vi hệ tư tưởng của giai cấp công nhân.
Thừa nhận hệ tư tưởng có tính giai cấp không có nghĩa là giai cấp sáng tạo ra hệ tư tưởng mà hệ tư tưởng được sáng tạo bởi các nhà tư tưởng đã rút ra những kết luận trong hoạt động thực tiễn của quần chúng, của giai cấp đó. Từ những điều kiện sống của giai cấp xuất hiện không phải hệ tư tưởng mà chỉ là tâm lý xã hội. Từ đây, tạo cơ sở xác định cho giai cấp sáng tạo ra hệ tư tưởng cho giai cấp mình.
V.I.Lênin cho rằng, hệ tư tưởng khoa học không phải xuất hiện cùng với sự lớn mạnh tự phát của phong trào công nhân mà là kết quả sự phát triển của khoa học, cuả văn hoá, của các tư tưởng tiến bộ trong xã hội. Người mang hệ tư tưởng khoa học là đội tiên phong và có ý thức của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân là đảng chính trị của giai cấp công nhân. Đảng này mang hệ tư tưởng khoa học vào quần chúng, vào phong trào công nhân.
Hệ tư tưởng thể hiện mình bằng các hình thái khác nhau của các quan điểm về chính trị, pháp luật, đạo đức, mỹ học, tôn giáo (thần học) và triết học (tức là mọi hình thái của ý thức xã hội). Trong khoa học tự nhiên, tính tư tưởng được thể hiện trong các kết luận mang tính triết học, tức là quan điểm từ những phát minh của khoa học tự nhiên. Các học thuyết khoa học xã hội tự mình mạng chức năng hệ tư tưởng, bởi vì, chúng được sử dụng để giải quyết những vấn đề xã hội xuất hiện, xuất phát từ những định hướng và cơ sở tư tưởng khác nhau.
Bản thân học thuyết hệ tư tưởng là võ trường đấu tranh tư tưởng không khoan nhượng giữa các học thuyết tư bản chống lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản trên lĩnh vực tư tưởng là nhiệm vụ của mỗi người mang hệ tư tưởng mácxít./. Nguồn: Từ điển bách khoa toàn thư về triết học. Nxb. Từ điển Xôviết, Mátxcơva, 1989, tr.206
Nguồn sưu tầm