Những nhánh sông lan tỏa từ một dòng

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
Sự hiện diện của cộng đồng người Việt trên khắp thế giới không ngừng lớn mạnh và nằm trong ba chiều di dân: (1) từ Việt Nam sang các nước ngoài, (2) từ các nước ngoài trở về Việt Nam và (3) di chuyển giữa các nơi khác bên ngoài nước Việt Nam.




Cải lương - một loại hình sân khấu đặc sắc của Nam Bộ.

Người Việt cũng như các dân tộc di trú và di dân khắp các châu lục trên thế giới chịu yếu tố “đẩy – kéo” (Push and Pull factors), góp phần ổn định đời sống, đồng thời đóng góp vào môi trường sống của cộng đồng người Việt một cách tích cực tại nước đang cư trú.

Hiện nay, những đóng góp đáng kể của những người gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới về mặt khoa học, kỹ thuật và kinh tế là một sự thật không thể chối cãi.

Những kiến thức quý báu để cải thiện đời sống hằng ngày, đưa vào quy trình phát triển cộng đồng, là một tác lực từ trí tuệ Việt ở khắp nơi.

Các chuyên gia gốc Việt này đang tích cực đóng góp trong các tổ chức, công ty, cơ quan trên thế giới, tạo thành một danh sách khá dài. Tuy nhiên, tôi nhận thấy còn một yếu tố khác cần được quan tâm: Văn hóa Việt Nam. Đó là niềm tự hào của các dòng tộc Việt Nam đang luân chuyển đến khắp nơi như nhiều nhánh sông của một dòng sông lớn.

Văn hóa là một tổng hợp nhiều trạng thái “sống” của con người. Con người Việt Nam bước ra khỏi quê hương mình cần nắm giữ và thể hiện không những tính “Việt” mà còn đặt nó lên vị trí hàng đầu.

Trong văn hóa ứng xử, người ta luôn tìm cách ứng xử có văn hóa. Ấy là niềm tự trọng bản thân, cũng là niềm tự hào dân tộc trong lúc phải đối ứng thường xuyên với một nền văn hóa khác, văn hóa mới hơn ở nơi mình cư trú.


Đang lúc sinh sống ở nước ngoài, người Việt luôn có sự tự hào về văn hóa gốc của mình, vì nó đi kèm với hình thể, ngôn ngữ, ăn, mặc, và hành vi ứng xử đặc trưng.


Dù ở bất cứ lĩnh vực chuyên môn nào, người Việt luôn luôn cảm thấy văn hóa Việt Nam là vị thế che chở, là bóng mát, là dòng sông êm đềm trôi theo hoàn cảnh mới. Họ cảm thấy an toàn hơn nhờ vào cái văn hóa gốc này khi phải hòa nhập vào xã hội xa lạ, nhất là trong những ngày đầu định cư.

Tuy vậy, tự hào dân tộc không có nghĩa là chọn sự độc tôn văn hóa, vì như nhà Nhân loại học Claude Lévi-Strauss (thuộc Académie française) nhận định: “Không một nền văn hóa nào có thể độc tôn - vì nó luôn luôn được thoát sinh từ sự hòa hợp giữa nhiều nền văn hóa” (Aucune culture n’est seule; elle est toujours donnée en coalition avec d’autres cultures)[1]. Sự giao thoa ấy là điều kiện tất yếu để nó được bảo vệ, tồn tại và phát triển trong cộng đồng.

Những hình thức thể hiện nghệ thuật ấy chính là tiếng nói cụ thể, đa dạng hơn qua những cuộc biểu diễn. Ví dụ, một bài dân ca, một bản đàn, một buổi ngâm thơ trong sinh hoạt biểu diễn của người Việt tại châu Âu, châu Úc, châu Mỹ… từ lâu nay đã trở thành một thông lệ. Sinh hoạt này được tổ chức dưới nhiều hình thức lớn nhỏ khác nhau tùy vào hoàn cảnh ở mỗi địa phương.

Ngoài việc phổ biến, phát huy văn hóa Việt Nam trong cộng đồng của mình gồm nhiều lĩnh vực hội họa, âm nhạc, văn chương, thi ca…, sứ mạng lớn hơn sẽ nhằm vào mối tương tác văn hóa nghệ thuật giữa cộng đồng Việt Nam (cũng như các đơn vị nghệ thuật đến từ trong nước) đối với sinh hoạt văn hóa của nước sở tại.

Ví dụ, riêng chúng tôi từ hơn 30 năm qua tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm đem văn hóa âm nhạc Việt Nam đến với cộng đồng của mình ở châu Âu và Mỹ, hòa lẫn vào dòng âm nhạc các dân tộc, đôi khi xem là “thiểu số”, nhưng có những đóng góp tích cực vào “dòng nước chính” (mainstream).

Trong khi ấy, đồng bào mình ở khắp nơi vẫn luôn xem văn hóa là món ăn tinh thần tối cần thiết. Những giao lưu nhộn nhịp hiện nay ở các nơi có người Việt Nam sinh sống thường được thấy qua biểu diễn âm nhạc, phát hành sách báo, thể hiện các nghi lễ truyền thống (ngày Tết cổ truyền Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, nghi lễ Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo theo phong cách Việt Nam…).

Trong một bức thư gửi đến tôi nhân buổi vinh danh tại Phòng Vàng (Gold Room) tại Nhà Trắng với danh hiệu National Heritage Fellow – Di Sản Quốc Gia (1997), Tổng thống Bill Clinton viết:

“This prestigious award, our nation’s highest honor in the traditional arts, recognizes both the excellence of your work and your unique achievements as an artist” (Giải thưởng cao quý này - danh dự cao nhất của quốc gia chúng ta trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống - công nhận sự tuyệt đỉnh của công trình và sự đạt đích nghệ thuật của một nghệ sĩ như anh) [2].

Tôi đã nhận danh dự ấy như một người Mỹ không bao giờ quên nguồn gốc Việt của mình và “kính cẩn chuyển danh dự ấy về cho tổ tiên của tôi ở quê hương Việt Nam”[3]. Âm nhạc Việt Nam đã thành công, chính thức được công nhận như thành tố văn hóa của nước Mỹ.

Tôi cũng không quên ấn tượng của các buổi biểu diễn của nghệ sĩ piano Mỹ Margaret Baxtresser lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn (Hà Nội, 1994), đoàn Nhã Nhạc và Ca Huế tại National Folk Festival 1995 tại bang Massachusetts, hay buổi biểu diễn giữa tôi và Mallarmé Chamber Players chào mừng Hiệp định thương mại Việt – Mỹ tại thủ đô Washington (2001).

Hàng ngàn người đến dự và vỗ tay nồng nhiệt là một khích lệ lớn đối với văn hóa của cả hai phía.

Từ lúc ấy, nhịp cầu đã được bắt; các đoàn nghệ thuật trong nước bắt đầu sang giới thiệu múa rối nước, dân ca, cải lương, chèo, hát bội, và hiện nay là ca nhạc mới (popular music).

Đồng thời văn hóa và âm nhạc cũng đã đi vào thính đường hơn 20 trường đại học Mỹ và các nước khác. Đây là những dấu hiệu tích cực về văn hóa trong môi trường giáo dục. Số lượng khán thính giả, sinh viên học tập văn hóa càng đông hơn.

Cộng đồng người Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới đã và đang ổn định đời sống lớn mạnh. Tôi thiết nghĩ, nhìn từ góc độ nhân văn, con người Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, đặc sắc, và đặc biệt cần phải làm sáng tỏ trên bình diện thế giới.

Muốn cho văn hóa được phát huy, dù sống xa Tổ quốc, chúng ta không nên mong cầu rằng mình phải ở một địa vị nào đó, hoặc ai đó giao phó công tác mình mới thực hiện, mà mỗi thành viên hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc bằng trách nhiệm bản thân bật sáng nền văn hóa dân tộc cao cả đến cộng đồng bạn.


Bằng ngôn ngữ đẹp, tư duy sâu sắc, phương pháp hữu hiệu và phương tiện hiện đại, chúng ta có thừa khả năng làm đẹp, làm giàu cho dòng văn hóa Việt Nam trong mỗi cộng đồng Việt Nam trên thế giới.


Nguyễn Thuyết Phong tốt nghiệp tiến sĩ ngành dân tộc nhạc học thế giới (Ethnomusicologie) tại Học viện Sorbonne (Paris) năm 1984, ông sang Mỹ phụ trách giảng dạy âm nhạc châu Á ở hơn 20 trường đại học, là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia Mỹ.

Trong thời gian ở Mỹ, ông được mời đến 50 bang và hơn 40 đại học để giảng dạy về âm nhạc các dân tộc trên thế giới. Những bài giảng về âm nhạc Việt Nam của GS.TS Nguyễn Thuyết Phong có sự cuốn hút đặc biệt bởi ông không chỉ am hiểu về lý thuyết mà còn có thể chơi đàn rất hay.

Ngoài đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt là các loại nhạc cụ luôn được các sinh viên học một cách say mê, ông còn có thể chơi được hơn 20 nhạc cụ truyền thống của Nhật, Thái Lan, Trung Quốc…

Năm 1997, tại Nhà Trắng, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong là người trẻ tuổi nhất trong 11 nghệ sĩ của nước Mỹ được tôn vinh là di sản quốc gia Hoa Kỳ.

Tháng 5/2001, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong được ghi tên và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển Âm nhạc Thế giới The New Grove.


[1]Lévi-Strauss. Race et Histoire. Folio - Essais 1987: 70.


[2]Trích thư của Tổng thống Mỹ Bill Clinton gởi GS.Nguyễn Thuyết Phong ngày 15/8/1997.

[3]Phát biểu trên đài truyền hình và truyền thanh ABC ngày 15/8/1997.


GS-TS. Nguyễn Thuyết Phong - Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Mỹ tại Việt Nam

Bài tham luận của GS. TS Nguyễn Thuyết Phong tại Hội nghị Việt kiều lần thứ nhất, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội được đăng lại trên Báo Hồn Việt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top