Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
NHỮNG NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM VỀ SỰ BIỂN ĐỔI CỦA KINH TẾ CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á THỜI THUỘC ĐỊA
Sự biến đổi về kinh tế các nước Đông Nam Á thời kì thuộc địa đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của bộ môn Đông Nam Á học ở nước ta trong thời gian qua, nhất là từ thập niên 90 của thế kỷ XX lại nay, đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhìn nhận, xem xét lại những thành tựu đã đạt được để tạo lập cơ sở cho việc hoạch định công tác nghiên cứu trong tương lai. Tuy nhiên, do hạn chế về tư liệu và do điều kiện lịch sử của thời kì cận - hiện đại mà những nghiên cứu về vấn đề này ở Việt Nam chưa có được một cái nhìn toàn diện. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bước đầu điểm lại một số công trình nghiên cứu ở Việt Nam về sự biến đổi của kinh tế Đông Nam Á thời kì thuộc địa, trên cơ sở đó đưa ra những suy nghĩ bước đầu của mình về nguồn tư liệu, tài liệu cũng như về công tác nghiên cứu vấn đề này.
1. Những ghi chép về tình hình kinh tế Đông Nam Á thời kì thuộc địa
Sự biến đổi của xã hội Đông Nam Á thời thuộc địa nói chung và về kinh tế nói riêng đã được các nhà nghiên cứu trên thế giới chú ý. Đầu tiên phải kể đến là những ghi chép, lưu trữ của các chính quyền thực dân mà quan trọng nhất là hệ thống các văn bản, chính sách của chính quyền thuộc địa. Các nước phương Tây hiện có rất nhiều tư liệu thuộc loại này. Hà Lan có kho lưu trữ về Indonesia, Pháp có kho lưu trữ về Đông Dương tại tỉnh Aixen. Họ cũng có những tư liệu về Thái Lan ở Paris. Người Anh có những trung tâm tư liệu về Mianma, Malaysia, Sinhgapo, Brunay. Người Mĩ cũng có một hệ thống tư liệu quý về Đông Nam Á, đặc biệt là về thời kì thuộc địa của Philippin. Ở Nhật Bản, tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyôtô cũng có một hệ thống tư liệu quý về khu vực này. Hiện nay, ở Singapo và Malaysia đã xây dựng những trung tâm quốc gia lưu trữ tài liệu thời thuộc địa, trong đó nhiều tài liệu quý của thời kì này đã được tập hợp, phân loại và công bố. Ở Việt Nam, có hai trung tâm lưu trữ quốc gia lưu giữ các loại tài liệu thời thuộc địa (I và II) ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những nguồn tài liệu quý giá bậc nhất. Qua đó, các nhà nghiên cứu có thể thấy được sự thống trị của tư bản phương Tây ở Đông Nam Á và sự biến đổi của nền kinh tế khu vực này trong thời kì thuộc địa.
Do hạn chế về tài liệu nên trước hết chúng tôi xin đề cập đến những tư liệu của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương. Tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, các tài liệu của Pháp được lưu trữ, xếp hạng và phân loại theo các phông như phông Phủ Toàn quyền Đông Dương, phông Phủ Thống sứ bắc Kì, phông Sở Tài chính Đông Dương, phông Sở trước bạ, tài sản và tem Đông Dương… Trong các phông hồ sơ đó, có rất nhiều tài liệu về các lĩnh vực như khai mỏ, đường sắt, vận tải bộ và đường không, bưu điện, thương mại, kĩ nghệ, du lịch, lao động, khai thác thuộc địa, chế độ ruộng đất, nông lâm, giao thông đường thuỷ, tài chính, thuế gián thu, công chính… Ngoài ra, còn có một bộ phận các công báo và ấn phẩm pháp quy như Công báo Đông Dương, Công báo Bắc Kì, Công báo Trung Kì… Đây cũng là một bộ phận tài liệu rất lớn, phản ánh khá đầy đủ hoạt động của chính quyền thuộc địa Đông Dương về chính trị, quân sự, dân sự, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài chính, văn hoá, giáo dục…
Như vậy, những hồ sơ tài liệu về hoạt động của chính quyền thực dân ở Đông Nam Á từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX đã ghi nhận các chính sách và hoạt động của chính quyền thuộc địa trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá. Đây là những tư liệu gốc có giá trị bậc nhất đối với nhà nghiên cứu.
2. Những nghiên cứu về sự biến đổi của kinh tế các nước Đông Nam Á thời kì thuộc địa
Do điều kiện lịch sử của thời cận - hiện đại mà những nghiên cứu của các nước Đông Nam Á về vấn đề trên chưa nhiều. Trong thời kì thuộc địa, mối liên hệ giữa các nước Đông Nam Á rất hạn chế nên chưa có những nghiên cứu về nhau. Còn những nhà nghiên cứu phương Tây chủ yếu là học giả nước nào thì nghiên cứu về thuộc địa của mình mà chưa chú ý trên bình diện toàn khu vực. Sang đến thời kì độc lập, do phát triển theo những con đường khác nhau và nhất là trong bối cảnh chiến tranh lạnh nên các nước Đông Nam Á vẫn chưa thể có được mối quan hệ hữu nghị. Điều đó làm cho các công trình nghiên cứu giữa các nước Đông Nam Á với nhau rất sơ sài. Hầu hết, các nhà nghiên cứu đều tập trung tìm hiểu chính sách thống trị của thực dân phương Tây với từng nước Đông Nam Á. Có thể nói, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một chuyên khảo nào đề cập đến sự biến đổi của kinh tế các nước Đông Nam Á thời kì thuộc địa một cách có hệ thống.
Từ những năm 20 – 30 của thế kỉ XX đã có một số công trình trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề đã nêu. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên những chính sách bóc lột về thuế khoá, độc quyền buôn bán, cướp đoạt ruộng đất, khai mỏ của thực dân Pháp ở Đông Dương. Là một nhà cách mạng, quan điểm của Nguyễn Ái Quốc là tập trung vạch trần những tội ác, thủ đoạn bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương và các thuộc địa khác. Trong tác phẩm “Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám - Tập 2, Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử” GS. Trần Văn Giàu đã điểm qua những chính sách khai thác của thực dân Pháp ở Đông Dương. Tuy vẫn theo xu hướng phán xét sự bóc lột hà khắc của chính quyền thực dân nhưng ông cũng đánh giá là “…Pháp đã lần lần tạo ra được một số cơ sở vật chất, cơ sở kĩ thuật (bến tàu, cầu đường, dây thép, nhà máy, xưởng sửa chữa…) cho một cuộc đầu tư quy mô lớn. Hệ thống đường bộ, đường sắt xuyên Đông Dương, kênh đào được hoạch định, khởi công và hoàn thành từng bộ phận trong thời gian lịch sử từ cuối thế kỉ XIX đến trước Chiến tranh thế giới. Phần nhiều các xí nghiệp, nhà máy, công ty thương mại, ngân hàng quan trọng nhất Đông Dương cũng đều được dựng lên trong thời gian này... Điều mới mẻ là sự xuất hiện các thành thị…”(1).
GS. Đinh Xuân Lâm, trong bài viết “Nông thôn Việt Nam trong thời kì cận đại” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (NCLS) số 232 – 233, đã phân tích những chính sách của thực dân Pháp đối với nông thôn Việt Nam. Việc chiếm đoạt ruộng đất đã làm phá sản hàng loạt nông dân Việt Nam, biến họ thành tá điền hoặc công nhân nông nghiệp. Việc hàng hoá công nghiệp của Pháp tràn vào cũng bóp chết nhiều ngành nghề thủ công. Ông cũng nhận định rằng việc phát triển nền kinh tế hàng hoá ở nông thôn Việt Nam làm tan rã nền kinh tế tự nhiên nhưng không đưa tới việc xây dựng một nền kinh tế mới ở Việt Nam. Tầng lớp phú nông ra đời nhưng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ và bị hạn chế khả năng tích luỹ. Tư sản Việt Nam cũng chỉ chiếm một tỉ lệ không đáng kể. Vì vậy, trong lòng nông thôn Việt Nam xuất hiện những mâu thuẫn kinh tế - xã hội ngày càng sâu sắc. Trong bài viết “Hải Phòng với hoạt động đầu tư của tư bản Pháp từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX”, GS. Đinh Xuân Lâm cũng điểm qua những biện pháp mà tư bản Pháp đã đầu tư và phát triển công – thương nghiệp ở Hải Phòng. Trước hết là việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết bị kinh tế để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất khai thác ở Hải Phòng như xây dựng hệ thống đường bộ nối cảng Hải Phòng với các đô thị và các vùng nông thôn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, xây dựng đường sắt Hải Phòng – Côn Minh, hệ thống điện thoại liên tỉnh Hải Phòng – Hà Nội được đưa vào khai thác từ 1906. Tiếp đến là việc phát triển các ngành công nghiệp ở thương cảng này như xây dựng nhà máy xi măng, sợi, phốt phát, gạch ngói, đồ sứ, xay xát, rượu bia, hoá chất…, nhất là công nghiệp đóng tàu và lọc quặng.
Cũng với vấn đề chính sách bóc lột của tư bản Pháp ở nông thôn Việt Nam, PGS. Nguyễn Văn Kiệm có bài “Thuế, địa tô và nợ lãi và tác động của nó đối với nông dân Việt Nam” cung cấp thêm những tài liệu để hiểu rõ những chính sách bóc lột về thuế khoá của tư bản Pháp đối với người nông dân Việt Nam(2).
Cùng với chủ đề nghiên cứu kinh tế Việt Nam thời thuộc địa còn có các tác giả như: Tạ Thị Thuý với các bài viết “Sự phát triển của ngành dịch vụ vận tải trong những năm 20 của thế kỉ XX” (NCLS 370), “Công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ hai của người Pháp (1919 - 1930) (NCLS 374 - 375), “Thương nghiệp Việt Nam trong những năm 20 của thế kỉ XX” (NCLS 357); Vũ Thị Hoà với “Khoa học kĩ thuật nông nghiệp ở Hà Nội thời Pháp thuộc” (NCLS 389 - 390), Nguyễn Ngọc Cơ – Lê Thị Hương “Quá trình thăm dò, khai thác chế biến quặng kim loại ở Cao Bằng thời Pháp thuộc” (NCLS 383 - 384); Nguyễn Văn Khánh - Tạ Kim Thanh “Mấy nhận xét về kinh tế hàng hoá ở Hà Nội thời kì thực dân Pháp đô hộ và tạm chiếm” (NCLS 368). Nhìn chung, những bài viết này đã cố gắng nêu lên những chuyển biến của các ngành kinh tế Việt Nam dưới thời Pháp thuộc. Bên cạnh việc nhìn nhận những tác động tích cực của chính sách đầu tư của tư bản Pháp, các tác giả vẫn thống nhất ở chỗ khẳng định những tiến bộ đó là nằm ngoài ý muốn chủ quan của chính quyền thực dân, là nhằm mục đích phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa.
Một hướng nghiên cứu nữa để tìm hiểu những biến đổi của nền kinh tế Đông Nam Á thời thuộc địa là xem xét vai trò của người Hoa trong nền kinh tế khu vực, tiêu biểu như PGS.TSKH. Trần Khánh với “Vai trò người Hoa trong nền kinh tế các nước Đông Nam Á”, Nguyễn Thanh Hải – “Vai trò của người Hoa trong nền nông nghiệp hàng hoá Thái Lan – giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX” (Kỉ yếu Hội thảo Đông Phương học Việt Nam lần 2, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003). Các tác giả đã phân tích sự phát triển kinh tế của người Hoa trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, khai mỏ, ngoại thương ở các nước Đông Nam Á thời kì thuộc địa. Qua đó cung cấp cho người đọc những cái nhìn đa diện hơn về các chính sách đầu tư, khai thác của tư bản phương Tây. PGS.TSKH. Trần Khánh cũng nhận định: “Cùng với tư bản phương Tây, tư bản người Hoa đã đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành cơ cấu kinh tế và chủ nghĩa tư bản dạng thuộc địa tại các nước Đông Nam Á”(3).
Có thể dễ dàng nhận thấy, các công trình sử học nghiên cứu về Đông Nam Á thời kỳ thuộc địa ở Việt Nam còn chịu sự chi phối của quan điểm truyền thống, quá coi trọng đấu tranh giai cấp, chiến tranh cách mạng, chưa chú ý nhiều đến mặt đời sống, sản xuất, văn hóa – kỹ thuật, tư tưởng… vốn tồn tại rất phong phú, đa dạng. Cùng với công cuộc đổi mới, đã xuất hiện những ý kiến đề xuất quan điểm nghiên cứu khách quan hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này cũng mới dừng lại ở mức độ đưa ra những quan điểm nghiên cứu tổng quan, việc triển khai các quan điểm thành những công trình cụ thể còn chưa được tiến hành. Năm 1993, trên cơ sở xem xét khái quát một số vấn đề về sự phát triển của các nước ASEAN, GS. Vũ Dương Ninh đã đưa ra nhận định: “Phương thức cai trị thuộc địa của bọn thực dân là sử dụng một cách hỗn tạp mọi biện pháp thống trị dã man nhất của các nhà nước chủ nô, phong kiến và tư bản. Nhưng về mặt khách quan, nó cũng du nhập vào các nước châu Á lạc hậu một phương thức sản xuất mới, một chế độ kinh tế - xã hội mới và hệ thống hành chính mới. Giai cấp tư sản dân tộc ra đời trong điều kiện lịch sử ấy mang theo những đặc điểm riêng của nó, vừa tiếp nhận, vừa chống đối ảnh hưởng phương Tây”(4). Đồng thời, khi lý giải nguyên nhân phát triển của các nước ASEAN (Lúc bấy giờ là ASEAN 6), GS. Vũ Dương Ninh cũng đã chỉ ra một nguyên nhân mang tính phương pháp luận quan trọng, đó là “Tính liên tục trong quá trình xây dựng”. Cụ thể: “Việc chuyển từ chế độ thuộc địa thành các quốc gia độc lập đã đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong đời sống chính trị các nước. Về phương diện kinh tế, các nhà nước độc lập đều phấn đấu xây dựng một nền kinh tế dân tộc phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Song về cơ bản, nền kinh tế này vẫn tuân theo những qui luật kinh tế hàng hóa, gắn liền thị trường trong nước với thị trường ngoài nước. Điều đó có nghĩa là không có sự đảo lộn lớn về quan hệ sở hữu, không có sự gián đoạn trong mối liên hệ với thị trường…”(5).
Theo hướng này, trên cơ sở xem xét nhận thức luận của K. Marx về sứ mạng lịch sử của chủ nghĩa thực dân, trong một loạt các bài viết của mình, PGS. Nguyễn Văn Hồng đã phê phán quan điểm “chỉ chú trọng mặt phá hoại, lên án những cái xấu xa của chủ nghĩa thực dân tư bản”. Theo ông, “hàng trăm năm dưới ách thống trị thực dân, dù bị phá hủy, cả cái có giá và cả trở lực “sức ì của truyền thống” (retarding forces) ngay cả nếp sống dù thói quen, tập quán nhưng phản khoa học của các dân tộc lạc hậu, thì bản thân sự “phá hoại xã hội châu Á” cũng không phải hoàn toàn là không có mặt tích cực, tạo mặt bằng cho công cuộc xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa tư bản thực dân tuy có mặt kìm hãm, phá hủy song ta phải thấy mặt nó đã kích thích, vun trồng một xã hội mới, nhập kỹ thuật sản xuất kinh doanh, đầu tư nâng cao sản xuất xã hội và cả tư tưởng tự do dân chủ được truyền bá”(6).
Công trình đầu tiên được xem là tổng hợp đầy đủ nhất về sự biến đổi kinh tế Đông Nam Á thời thuộc địa là cuốn “Lịch sử Đông Nam Á”, của các tác giả GS. Lương Ninh, GS.TS. Đỗ Thanh Bình, PGS.TS. Trần Thị Vinh. Công trình này đã giành chương thứ 8 trong 14 chương của cuốn sách để đi vào phân tích những chính sách thống trị của thực dân phương Tây với các nước Đông Nam Á trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thuế khoá… Với quan điểm khá khách quan, các tác giả đã nhận định: “Chính sách khai thác thuộc địa của các nước thực dân ở Đông Nam Á là toàn diện. Về khía cạnh kinh tế, chủ nghĩa thực dân có đầu tư và khai thác. Sự đầu tư đó (cả về cơ sở vật chất như cơ sở hạ tầng, hay đặt nền móng cho các quốc gia này bước vào xã hội công nghiệp, hoà nhập với thị trường thế giới; hoặc trong lĩnh vực nghiên cứu khu vực nhiệt đới như nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới…) tạo cơ sở để sau này Đông Nam Á có bước đệm phát triển, nhất là các thuộc địa của Anh…”(7). Mặc dầu vậy, theo quan điểm chủ yếu của nhóm tác giả này, mặt tích cực và xây dựng đó là nằm ngoài ý muốn chủ quan của chính quyền thực dân, sự đầu tư đó cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích khai thác.
Đối chiếu với các công trình của các học giả nước ngoài ta thấy: trong các công trình thông sử về Đông Nam Á, giới nghiên cứu Việt Nam tuy có một vài điểm khác nhưng về cơ bản không có sự mâu thuẫn, cách biệt lớn đối với vấn đề đánh giá vai trò của thực dân trong sự biến đổi kinh tế thời thuộc địa. Cùng đồng quan điểm với nhóm tác giả “Lịch sử Đông Nam Á” do GS. Lương Ninh chủ biên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc như Lương Anh Minh, Lương Chí Minh, Chu Nam Kinh, Triệu Kính đã biên soạn cuốn sách “Đông Nam Á cận – hiện đại (1511 - 1992)”. Cũng áp dụng phương pháp viết thông sử, công trình đã chú trọng phân tích sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân, quá trình thực dân hóa các quốc gia Đông Nam Á, sự biến đổi về kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia này, cuộc đấu tranh phản đế phản phong và sự phát triển của khu vực từ sau Chiến tranh thế giới II đến những năm 1990. Trong 19 chương của cuốn sách, các tác giả giành trọn chương thứ 8 để trình bày sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc và sự phát triển của kinh tế thuộc địa Đông Nam Á. Nhìn chung, quan điểm của nhóm tác giả Trung Quốc cũng không khác mấy quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam: xem những chính sách thống trị của tư bản phương Tây ở Đông Nam Á tuy có mặt xây dựng nhưng chủ yếu vẫn là khai thác, bóc lột(8).
Cuốn “Lịch sử Đông Nam Á” của D.G.E. Hall, được NXB Chính trị Quốc gia tổ chức dịch và phát hành năm 1997 cũng viết theo phương pháp thông sử. Xuất phát từ quan điểm của người phương Tây, Hall đánh giá khá cao vai trò của tư bản phương Tây đối với nền kinh tế Đông Nam Á, xem những chính sách cai trị của họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nước Đông Nam Á sớm có thể phát triển và hội nhập với thế giới hiện đại sau khi giành được độc lập: “Các thế lực đế quốc đã cung cấp một khối lượng vốn và kĩ năng công nghệ mà nếu không có chúng thì sẽ không bao giờ có được sự phát triển đến mức quan trọng về kinh tế như hiện nay của các lãnh thổ “thuộc địa”… Việc họ nghiên cứu về nền nông nghiệp nhiệt đới và điều tra về những vấn đề có tầm quan trọng cơ bản khác đã tạo ra nền móng vững chắc để có thể xây dựng sự thịnh vượng và các tiêu chuẩn sống cao hơn”(9).
3. Một vài nhận xét bước đầu
Thời kì thuộc địa là một thời kì hết sức quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á. Nó gắn liền với những vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đối với lịch sử khu vực, trong đó sự chuyển biến của nền kinh tế các nước Đông Nam Á là một vấn đề hết sức thú vị. Điểm qua một số nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề trên ta thấy: Các tư liệu của chính quyền thuộc địa và các tài liệu liên quan đã được phân loại, xếp hạng, lưu trữ và công bố (chủ yếu là về Đông Dương). Nhiều công trình đã tập trung phân tích các chính sách đầu tư khai thác của tư bản phương Tây ở các nước Đông Nam Á; đánh giá hệ quả của các chính sách đó; so sánh được sự khác nhau về chính sách thống trị giữa các nước tư bản; sự biến đổi của kinh tế ở các địa phương, các vùng, các quốc gia trong khu vực… Về cơ bản, cho đến nay, giới sử học Việt Nam cũng đã thống nhất khi đánh giá dưới tác động của những chính sách đầu tư khai thác của chủ nghĩa thực dân, nền kinh tế các nước Đông Nam Á đã có nhiều chuyển biến. Những yếu tố của kinh tế tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng được xây dựng khá quy mô. Đó cũng là điều kiện tốt cho nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục phát triển trong các giai đoạn độc lập sau đó. Các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng thống nhất trong việc nhận định rằng, những biến chuyển đó hoàn toàn không phải ý muốn chủ quan của các chính quyền thực dân mà chỉ là nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa.
Có thể nói, đến nay đóng góp của các nhà sử học Việt Nam trong việc nghiên cứu chủ đề này chủ yếu ở hai phương diện: Thứ nhất, các nhà sử học Việt Nam đã dần xác lập được quan điểm nghiên cứu khách quan, khoa học hơn. Điều này thể hiện sự trưởng thành của các nhà sử học Việt Nam về nhận thức lịch sử khu vực nói chung, cũng như những vấn đề lịch sử khu vực cụ thể, trong đó có vấn đề kinh tế thời thuộc địa, nói riêng. Quá trình trưởng thành này biểu hiện rõ trong sự phát triển về phương pháp luận mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng: nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á nói chung, sự biến đổi kinh tế Đông Nam Á thời thuộc địa nói riêng, cần phải được tiến hành chủ yếu và đồng thời trên hai cấp độ, bình diện chính: cấp độ / bình diện từng quốc gia của khu vực và cấp độ / bình diện toàn khu vực. Cả hai bình diện, cấp độ này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng với nhau. Thứ hai, với tư cách là một thành viên của khu vực, việc nghiên cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử kinh tế của dân tộc ta, nhất là trong thời kỳ thuộc địa, tự thân nó đã là sự đóng góp lớn cho việc nghiên cứu những biến đổi kinh tế Đông Nam Á thời thuộc địa.
Qua việc khảo sát tư liệu cũng như các công trình nghiên cứu về kinh tế Đông Nam Á thời kỳ thuộc địa, có thể nói đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có một công trình sử học nào đề cập đến vấn đề trên một cách đầy đủ và có hệ thống. Chúng ta vẫn thiếu một cái nhìn toàn khu vực cũng như chưa hiểu sâu sắc những vấn đề cụ thể của các quốc gia cụ thể trong khu vực. Do hạn chế về tư liệu nên những nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam về sự biến đổi của nền kinh tế các nước Đông Nam Á khác trong thời kì thuộc địa chưa được đầy đủ và sâu sắc. Chúng ta chưa có điều kiện tiếp xúc với những nguồn tư liệu gốc từ phía các nước phương Tây, trừ Pháp. Một công trình tập thành vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi phải có sự hợp tác của nhiều nhà khoa học trong khu vực và trên thế giới. Căn cứ vào thực tế của tư liệu và của công tác nghiên cứu, chúng tôi cho rằng: yêu cầu trước mắt của vấn đề này là cần tiến hành thu thập, xây dựng và tiến tới xuất bản một hệ thống tài liệu gốc liên quan đến từng chủ đề nghiên cứu cụ thể. Đầu tiên, có thể là những tài liệu có ở Việt Nam để lấy đó làm cơ sở cho việc quan hệ, trao đổi với các nước trong khu vực, các nước có liên quan (Pháp, Anh, Hà Lan, Mĩ…) và sau đó tiến tới xây dựng, xuất bản những tài liệu gốc về vấn đề này ở các nước khác. Đây là một trong những biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu chủ đề này nói riêng, nghiên cứu Đông Nam Á nói chung.
Trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, vấn đề thuộc địa là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Sau khi vươn lên dẫn đầu văn minh nhân loại, các nước phương Tây đã cưỡng bức tất cả các nước Á, Phi, Mĩ latinh đi theo quỹ đạo kinh tế tư bản chủ nghĩa. Những nước hội nhập thành công như Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng. Những nước còn lại phải trải qua một thời kì đấu tranh gian khổ mới giành được độc lập và mất hàng thập kỉ mới hội nhập được với nền kinh tế thế giới. Ở Đông Nam Á, những thuộc địa của Anh có được một cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh, có được mối giao thương khá rộng mở với nền kinh tế thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để các nước này phát triển trong thời kì độc lập. Hy vọng là trong không khí cởi mở của thời đại toàn cầu hoá, chúng ta sẽ có những đánh giá xác đáng hơn về thời kì thuộc địa.
Chú thích
(1) Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám - Tập 2, Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, NXB T. P Hồ Chí Minh, 1993, tr. 15, 18.
(2) Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hoá – Thông tin, 2003, tr. 304 – 329.
(3) Trần Khánh, Vai trò người Hoa trong nền kinh tế Đông Nam Á, NXB Đà Nẵng, 1993, tr. 153.
(4) Vũ Dương Ninh, Một số vấn đề về sự phát triển của các nước ASEAN, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tr. 18.
(5)Vũ Dương Ninh, Một số vấn đề về sự phát triển của các nước ASEAN, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1993, tr. 35 – 36.
(6) Nguyễn Văn Hồng, Mấy vấn đề về lịch sử châu Á và lịch sử Việt Nam – Một cách nhìn, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.88, 89.
(7) Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr. 248.
(8) Lương Anh Minh, Lương Chí Minh, Chu Nam Kinh, Triệu Kính, Đông Nam Á cận hiện đại (1511 - 1992), NXB Đại học Bắc Kinh, 1994, bản tiếng Trung
(9) D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 1145.
Văn Ngọc Thành(*) – Trần Anh Đức(**)