Những ngày đầu tiên của nước Việt Nam mới

Bút Nghiên

ButNghien.com
ĐỌC LẠI "NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA NƯỚC VIỆT NAM MỚI"
(Trích "Những năm tháng không thể nào quên"
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)



Tác giả cuốn hồi kí "Những năm tháng không thể nào quên" là vị Đại tướng lỗi lạc từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn song hành với những chặng đường lịch sử của dân tộc trong thế kỷ XX. Nhưng với tinh thần khiêm tốn, trong cuốn hồi kí, Đại tướng không nhằm tự thuật về cuộc đời của mình mà chủ yếu tái hiện lại những sự kiện quan trọng, những biến cố có tính bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam hiện đại, từ những ngày sôi nổi khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám, đến những ngày gay go, ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trên cơ sở những sự kiện lịch sử, Đại tướng đã có những bình luận đánh giá khái quát, sâu sắc, làm rõ những nỗ lực to lớn của Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám để giữ vững nền độc lập, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, khẳng định vị thế của nước Việt Nam mới.

Để hồi tưởng lại những ngày đầu của nước Việt Nam mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuất phát từ điểm nhìn là bối cảnh đất nước năm 1970, thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn gay go ác liệt, nhưng thế và lực của nước ta đã khác xa 25 năm trước: "Thời kỳ làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua". Đại tướng khẳng định rằng "ngày nay, mọi hành động kẻ cướp của chúng trên bán đảo Đông Dương này, đều trở thành những bước đi phiêu lưu và không tránh khỏi bị trừng phạt. Mỗi tội ác của chúng gây ra tại đây đều động tới lương tri, tới tình cảm của hàng trăm triệu con người, ở các miền khác nhau trên trái đất". Ngày nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định một vị thế xứng đáng trên trường Quốc tế. "Đã rất xa, cái ngày mà người nước ngoài không sao tìm ra nước Việt Nam trên những tấm bản đồ". Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời giữa lửa đạn ác liệt, lập tức được sự hân hoan chào đón của cả loài người tiến bộ từ lâu đã trông chờ. Dân tộc ta đã khẳng định thế đứng hiên ngang trước mọi kẻ thù tàn bạo.

Với tâm thế tự hào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hồi tưởng lại thời điểm "nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới sinh, nằm giữa bốn bề hùm sói, phải tự dốc sức mình đấu tranh dũng cảm mưu trí, phải tìm mọi cách để sống còn". Mọi hoạt động của Đảng vẫn tiến hành theo phương thức bí mật. Chính quyền cách mạng thành lập nhiều ngày "vẫn chưa được nước nào công nhận". Tình hình kinh tế hết sức khó khăn, hàng hoá khan hiếm nghiêm trọng. Kho bạc giành được từ chính quyền cũ chỉ có hơn một triệu bạc rách đang xuống giá, đời sống của nhân dân rất thấp, nạn thất nghiệp tăng nhanh, đồng bào còn thiếu đói; đã thế, quân Tưởng vào đem thêm dịch chấy rận. "Cuộc xâm lăng của giặc Pháp nổ ra sớm tại Nam Bộ, làm cho tất cả những khó khăn trên thêm càng trầm trọng". Trong hoàn cảnh như vậy, ta phải làm gì để xây dựng xã hội mới. Theo Đại tướng, đây là "một công việc còn khó khăn hơn là phá bỏ nền móng của xã hội cũ".

Trước cơn sóng gió, mới thấy rõ bản chất vững vàng của người cầm lái con thuyền đất nước. "Vấn đề đặt ra cấp bách lúc này là phải củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng". Đảng và Chính phủ đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời, để đưa đất nước vượt qua giai đoạn chất chồng khó khăn thử thách. Việc làm trước hết là phải giải tán chính quyền cũ của thực dân, phong kiến, xây dựng bộ máy chính quyền mới. Chính phủ quyết định sẽ mở tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra quốc dân đại hội, tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp từ Trung ương cho đến địa phương. Bản dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân đóng góp ý kiến. Thi hành những chính sách mới về kinh tế, văn hoá, giáo dục: Chính phủ quyết định địa chủ phải giảm tô 25%, xoá bỏ những món nợ lâu đời, ban hành chế độ lao động ngày tám giờ, quyền lợi của công nhân phải được đảm bảo. Thuế thân và các thứ thuế vô lí khác đều bị bãi bỏ. Việc học chữ quốc ngữ trở thành bắt buộc và không mất tiền, bỏ tiền thi và tiền học ở tất cả các bậc học. Trong tình hình tài chính khó khăn, Chính phủ chỉ còn trông cậy vào sự đóng góp tự nguyện của đồng bào. Chính phủ lập Quỹ Độc Lập và Bác đã kêu gọi đồng bào cả nước tích cực hưởng ứng Tuần lễ Vàng. Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã quyên góp được hai mươi triệu đồng và ba trăm bảy mươi ki lô gam vàng. Kết quả lớn lao này đã khẳng định niềm tin, sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào cả nước dành cho Đảng, Chính phủ và Bác Hồ.

Qua hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nổi bật lên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cầm lái vĩ đại tài ba và tâm huyết, đã đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua cơn sóng to gió lớn trong những ngày đầu của nước Việt Nam mới. Ấn tượng sâu sắc về Hồ Chủ tịch hiện ra trong những trang hồi kí là sự toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, đất nước của Bác. Đại tướng nhận xét về Bác rằng: "Ở Người, mọi vấn đề, mọi chuyện của Đảng, của nước, của dân đều trở thành những rung động sâu xa trong tình cảm". Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc bấy giờ là phải củng cố và xây dựng chính quyền cách mạng vững mạnh, phải xác định rõ mối quan hệ giữa những người làm việc trong bộ máy chính quyền mới với nhân dân. Do vậy, Bác Hồ đã viết thư cho Uỷ ban nhân dân và Bác xác định "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng là đầy tớ của dân". Bác Hồ đã kêu gọi "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm". Hồ Chủ tịch chỉ rõ: làm những việc đó là "để mưu cầu hạnh phúc cho dân". Theo tác giả, "Hạnh phúc cho dân" đó là mục đích của việc giành lấy chính quyền và giữ vững, bảo vệ chính quyền ấy. "Đó là lý tưởng của Người. Đó cũng là tấm lòng của Người". Vì thế, Bác đã viết trong thư gửi cho các Uỷ ban nhân dân rằng: "Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập ấy cũng không có nghĩa lí gì". Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của những người làm việc tại cơ quan chính quyền như: trái phép, cậy thế, tư túng, kiêu ngạo… và trong thư, Bác cũng đã nhấn mạnh: "Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà phải nói: chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng …". Trong tư cách là vị lãnh đạo cao nhất, Bác đã viết bài tự phê bình cho đăng lên các báo, trong đó, Bác đã chỉ ra những khiếm khuyết trong bộ máy chính quyền như: "cái tệ tham ô nhũng lạm chưa quét sạch" và nói rất thành thật rằng: "Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi …" Với những đường lối, chủ trương đúng đắn sáng tạo, Bác Hồ đã đưa con thuyền Tổ quốc vượt qua những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ hạnh phúc của nhân dân. Vì những lẽ đó mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Đồng bào ta đã nhận thấy ở Bác Hồ hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước, của Cách mạng, của chính quyền mới, chế độ mới".

Những trang hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp cho người đọc hình dung được toàn cảnh diễn biến lịch sử đầy những khó khăn chồng chất vào những ngày tháng đầu của nước Việt Nam mới thành lập. Từ đó mà thấy rõ năng lực lãnh đạo vững vàng của Chính phủ, thấy được vai trò lãnh đạo tài ba và phẩm chất đạo đức, tình cảm trong sáng cao thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tinh thần học hỏi, đọc lại những trang hồi kí về một thời không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi chúng ta vừa tự hào về quá khứ dân tộc, đồng thời ý thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của thế hệ đang làm chủ đất nước ngày nay, cần "ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng" như Bác Hồ từng nhắc nhở, và phải nhớ "hạnh phúc cho dân" là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.


( Theo TỐNG NGUYỄN )​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top