Những lý do đưa đến sự tương đồng và khác biệt trong việc xác lập quyền tư hữu ruộng đất ở hai cuộc

Trang Dimple

New member
Xu
38
Những lý do đưa đến sự tương đồng và khác biệt trong việc xác lập quyền tư hữu ruộng đất ở hai cuộc cách mạng tư sản Anh Và Pháp

1 Về những điểm tương đồng


Cả hai cuộc cách mạng đều xác lập quyền tư hữu ruộng đất cho giai cấp tư sản ( ở Anh có thêm tầng lớp Quý tộc mới) bởi lẽ họ là lực lượng đứng đầu, lãnh đạo cuộc cách mạng, do đó sau cách mạng họ sẽ thiết lập chính quyền của giai cấp mình, thực hiện những quyền lợi phục vụ cho giai cấp mình.


Ở cách mạng Anh: Trước cách mạng tư sản Anh, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã xâm nhập mạnh vào nông nghiệp Anh. Để phục vụ cho sự phát triển của thương nghiệp và nền sản xuất len dạ, các lãnh chúa phong kiến đã chiếm đoạt đất đai của công xã, đuổi tá điền ra khỏi ruộng đất họ đang canh tác để lập các đồng cỏ, và đó là cơ sở của hiện tượng “rào đất cướp ruộng”, “cừu ăn thịt người” ở Anh trong những năm cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI. Sự kiện này đã dẫn đến hai hậu quả cùng tác động đồng thời đến xã hội nước Anh, đó là: nền nông nghiệp Anh chuyển dần từ phương thức bóc lột phong kiến sang phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa, làm xuất hiện một tầng lớp xã hội mới là công nhân nông nghiệp. Thứ hai là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa nảy sinh từ thế kỷ XVI đã phát triển mạnh mẽ trong nông nghiệp vào nửa đầu thế kỷ XVII. Đây là một cơ sở để quyền lợi của quý tộc mới gắn liền với quyền lợi của giai cấp tư sản; ngoài việc đẩy mạnh hoạt động “rào ruộng cướp đất”, nhiều nhà quý tộc còn đem đất đai cho nhà tư bản thuê, hình thành kiểu kinh doanh tay ba Quý tộc mới - Tư sản nông nghiệp - Công nhân nông nghiệp)


Đây cũng là thời kỳ ở Anh đã tăng nhanh dân số thành thị kéo theo sự tăng vọt nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Nhiều chủ đất nhận thấy rằng nếu tập trung đất đai thành mảnh lớn và canh tác theo phương pháp mới (sử dụng phân bón, giống mới, sử dụng nhân công tự do, trồng các loại cây mà thị trường yêu cầu cao…) thì sẽ thu lợi nhuận lớn hơn so với địa tô thu được từ nông dân lĩnh canh, do đó họ ngày càng mở rộng việc xâm chiếm ruộng đất.


Từ trong những biến đổi của nền sản xuất nông nghiệp với sự xâm nhập và phát triển mạnh của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp đã đưa đến một hệ quả quan trọng là sự xuất hiện của tầng lớp Quý tộc mới. Họ là những quý tộc địa chủ hạng vừa và nhỏ kinh doanh ruộng đất theo lối tư bản chủ nghĩa đã thuê nhân công để chăn nuôi cừu, sản xuất nông nghiệp theo cách thức của giai cấp tư sản hay đem ruộng đất cho nhà tư bản nông nghiệp thuê.


Tuy nhiên, khi việc rào đất được tiến hành thì hậu quả của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến chính quyền phong kiến. Về phía vương quyền, họ không còn những khoản thu nhập từ việc cho nông dân lĩnh canh ruộng đất đem lại, thuế thân, thuế đánh vào sản phẩm nông nghiệp bị thất thu. Hơn nữa, do qua trình cướp đoạt ruộng đất làm cho nông dân bị phá sản và phiêu bạt khắp nơi, tình trạng phân tán đó khiến cho việc xây dựng quân đội của nhà nước quân chủ chuyên chế Anh gặp khó khăn, trật tự xã hội rối ren vì nạn đói, nạn thất nghiệp, cướp bóc hoành hành… Việc rào đất cướp ruộng là do quý tộc, địa chủ chủ trương nhưng cuối cùng thì quý tộc phong kiến dần dần bị mất đất đai, càng ngày càng bị quý tộc mới và tư sản chi phối. Trước thực trạng xã hội như thế, dù ủng hộ sự phát triển công thương nghiệp nhưng quyền lợi của chính quyền và phong kiến bị động chạm thì chính quyền không thể làm ngơ. Nhà vua cùng với nghị viện đã đề ra những biện pháp ngăn chặn sự rào đất và những hậu quả do việc rào đất gây ra. Do đó bản thân chế độ phong kiến lại chính là lực lượng kìm hãm sức sản xuất phát triển, vẫn cố duy trì quyền lợi và thế lực, cố bám lấy sản xuất lỗi thời để bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình. Đó chính là lý do, là động lực để tư sản và quý tộc mới liên minh với nhau, tiến hành cách mạng tư sản, lật đổ quan hệ sản xuất phong kiến, xác lập quyền tư hữu ruộng đất, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển.


Giai cấp tư sản và quý tộc mới do có chung mục đích, chung đối tượng đã liên minh với nhau, lãnh đạo quần chúng, tiến hành cách mạng tư sản, lật đổ sự thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế. Trong quá trình tiến hành cách mạng họ là lực lượng đóng vai trò lãnh đạo. Sau năm bốn năm tiến hành cuộc nội chiến giữa Quốc hội với nhà vua (1642-1646), năm 1646, chế độ phong kiến chuyên chế do Sác lơ I đứng đầu bị sụp đổ, Quốc hội trở thành cơ quan quyền lực cao nhất. Do đó, liên minh quý tộc mới và tư sản thông qua Quốc hội dài đã thi hành những chính sách nhằm xác lập quyền tư hữu của giai cấp tư sản và quý tộc mới. Đến đây, họ đã đạt được mục tiêu và muốn dừng cách mạng, thiết lập nên chế độ quân chủ lập hiến. Thông qua Quốc hội, giai cấp tư sản và quý tộc mới đã hướng chính quyền vào việc phục vụ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.


Ở cách mạng tư sản Pháp: Bước sang thế kỷ XVIII, tuy không mạnh mẽ như ở Anh nhưng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng hình thành và ngày càng lớn mạnh trong lòng chế độ phong kiến. Cùng với quá trình đó là sự phát triển mạnh mẽ của giai cấp tư sản. Họ là giai cấp có thế lực kinh tế lớn nhất, họ muốn hướng nền kinh tế phát triển theo tư bản chủ nghĩa mà cơ sở của nó là sự phát triển của nền công thương nghiệp. Nhưng khác với nước Anh, nền nông nghiệp Pháp với tính chất lạc hậu, kém phát triển của nó không hỗ trợ được gì cho sản xuất công thương nghiệp trái lại lại còn cản trở nó. Nguyên nhân của tình trạng trên là chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến còn ngự trị. Do đó, giai cấp tư sản muốn thủ tiêu quan hệ sản xuất phong kiến, cùng với chế độ sở hữu phong kiến, xác lập quyền sở hữu của giai cấp tư sản, phát triển nông nghiệp, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế công thương tư bản chủ nghĩa.


Hơn nữa, trong xã hội phong kiến Pháp lúc bấy giờ, giai cấp tư sản là lực lượng tiến bộ nhất. Họ không chỉ có thế lực về kinh tế mà còn có tri thức hơn hẳn các đẳng cấp khác, tư sản cũng là lực lượng cách mạng nhất. Vì thế họ nắm giữ quyền lãnh đạo trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến, mong muốn thiết lập chế độ xã hội theo những nguyên tắc mới phù hợp với quyền lợi của giai cấp mình.


Trong suốt ba giai đoạn của cách mạng có thể thấy giai cấp tư sản là lực lượng đóng vai trò chủ chốt, góp phần làm nên những thắng lợi của cách mạng. Trong đẳng cấp thứ ba, giai cấp tư sản vừa có thế lực về kinh tế, vừa có tri thức hơn hẳn các đẳng cấp có đặc quyền. Giai cấp tư sản nghiên cứu khoa học, một mặt để phục vụ cho công việc kinh doanh, làm giàu của mình, mặt khác dùng làm vũ khí để đấu tranh chống lại những tư tưởng phản động, bảo thủ của quý tộc và tăng lữ. Do đó họ sớm trưởng thành trong ý thức, tư tưởng. Giai cấp tư sản khao khát giành chính quyền, tìm cách cải tổ xã hội theo những nguyên tắc mới phù hợp với quyền lợi của mình . Họ là người phát động quần chúng nổi dậy lật đổ chế độ phong kiến, lần đầu tiên đã thực hiện được việc thống nhất đất nước về mặt hành chính, đưa đến sự ra đời của dân tộc Pháp, bảo vệ nền độc lập của nước Pháp trước sự tấn công của các nước châu Âu, thi hành những chính sách tiến bộ đối với nông dân… Với vai trò to lớn ấy, giai cấp tư sản sau khi giành thắng lợi đã thực hiện các biện pháp đem lại lợi ích cho giai cấp mình.


Cả hai cuộc cách mạng đều thủ tiêu quyền sở hữu ruộng đất của nhà thờ bởi nhà thờ là đại diện cho quyền lực của nhà nước, là công cụ thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế về mặt tinh thần. Sự tồn tại của nhà thờ chỉ đem lại những tín ngưỡng và những giáo điều tôn giáo thì chẳng đem lại chút lợi nhuận kinh tế nào cho đất nước, thậm chí sự đông đảo của giới tăng lữ, sự có mặt của nhiều nhà thờ đã vô tình cướp đi những mảnh đất màu mỡ, những cơ sở sản xuất của nông dân. Dưới sự dung dưỡng của chế độ quân chủ, nhà thờ chiếm đoạt ngày nhiều đất đai và trở thành chủ sở hữu lớn về ruộng đất. Do đó trong chừng mực nhất định nó đã cản trở sự phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chống phong kiến, đồng thời tư sản và quý tộc mới cũng chống lại những đặc quyền của nhà thờ, khi cách mạng thắng lợi điều tất yếu là họ sẽ thủ tiêu quyền sở hữu ruộng đất của nhà thờ trước đó.


Hai cuộc cách mạng có những hạn chế trong việc xác lập quyền tư hữu ruộng đất bởi lẽ: đối với nông dân, tuy cách mạng Pháp có đưa ra một số chính sách tiến bộ, đáp ứng một số nhu cầu của nông dân, nhưng xuất phát từ bản chất giai cấp mà quá trình đó đươc thực hiện một cách rất hạn chế trong những năm 1789-1792.


Đại tư sản lên cầm quyền nhưng muốn dừng cách mạng nên lại thỏa hiệp với nhà vua, quý tộc phong kiến và thiết lập chế độ quân chủ lập hiến ở Pháp. Một khi chế độ quân chủ chưa bị lật đổ hoàn toàn thì cuộc đấu tranh chống phong kiến không thể triệt để. Chế độ quân chủ lập hiến bảo vệ trước hết cho quyền lợi của đại tư sản và nhà vua nên đại tư sản không thể giải quyết vấn đề nông dân dựa trên cơ sở vì quyền lợi của nông dân mà phải nhằm bảo vệ quyền lợi đại địa chủ và tư sản. Vì sự chi phối này, đại tư sản trong khi ban hành một số đạo luật giải quyết yêu cầu của nông dân lại không đề ra những biện pháp cụ thể để thực thi, nên trong thực tế nhiều đạo luật không thể thực hiện được.


Do bản chất giai cấp nên trong quá trình cách mạng, giai cấp tư sản một mặt giải quyết cho nông dân một số quyền lợi, dựa vào nông dân để thúc đẩy cách mạng phát triển, nhưng mặt khác họ muốn hạn chế những quyền lợi của nông dân.


Bản thân vấn đề ruộng đất cho nông dân dưới thời Giacôbanh – thời kỳ được coi là đỉnh cao của cách mạng Pháp, là thời kỳ đưa cách mạng Pháp đạt đến mức triệt để nhất so với các cuộc cách mạng cùng thời, cũng không thỏa mãn được hoàn toàn yêu cầu ruộng đất của nông dân. Bởi lẽ chính phủ không có và không thể có một đường lối được mọi giai cấp và mọi tầng lớp ủng hộ, bởi vì chính phủ ấy đại diện cho một liên minh phức tạp, cho nên chính sách của chính phủ ấy cũng phản ánh những mâu thuẫn về quyền lợi của những giai cấp trong liên minh ấy. Chính sự mâu thuẫn về quyền lợi làm cuộc đấu tranh trong nội bộ phái Giacôbanh tăng cường và dẫn đến sự sụp đổ của chế độ chuyên chính Giacôbanh. Trong thực tế, sự tham gia của quần chúng là cơ sở và điều kiện tồn tại của khối chuyên chính liên minh. Nhưng đó không phải là khối liên minh lâu dài và vững chắc vì trong đó vừa có người bóc lột, vừa có người bị bóc lột. Vì thế cách mạng tư sản Pháp, trong khi thừa nhận quyền tư hữu, thừa nhận sự bất bình đẳng về tài sản, cổ vũ cho sự làm giàu của giai cấp tư sản, thì không thể bảo vệ cho quyền lợi của nông dân nghèo và dân nghèo thành thị được. Sau khi đã giải phóng nhân dân khỏi gông cùm của chế độ phong kiến và chuyên chế, họ không thủ tiêu hoàn toàn bóc lột mà thay vào đó là một nền thống trị mới, nền thống trị của giai cấp tư sản.

2 Về những điểm khác biệt


Điểm khác biệt nổi bật nhất của cách mạng Pháp so với cách mạng Anh là việc xác lập quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân, nó thể hiện rõ tính tiến bộ và triệt để hơn hẳn. Trước hết là do xuất phát từ vai trò của quần chúng trong cách mạng. So với cách mạng Anh thì vai trò của quần chúng trong cách mạng Pháp thể hiện rõ nét và tích cực hơn. Cách mạng Anh do tính chất của nó ngay từ đầu là một cuộc nội chiến, một cuộc tranh giành quyền lợi giữa nhà vua và Quốc hội (dưới sự lãnh đạo của tư sản và quý tộc mới), thực chất là sự tranh giành quyền lực giữa hai lực lượng này, nên tính tích cực của quần chúng chưa phát huy cao độ. Cuộc nội chiến được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng quân đội của nhà vua và “đội quân sườn sắt” của Quốc hội do Ôlivơ Crômoen (1599-1658) lãnh đạo [11; tr.48]. Do đó, mức độ tham gia của quần chúng trong cách mạng chưa cao, cho nên khi cách mạng thành công, sức ép của quần chúng chưa lớn, Quốc hội Dài (1640-1653) đã không thi hành chính sách nào để đem lại quyền lợi cho người dân.


Ở cách mạng Pháp thì lại khác, dưới sự thống trị của chế độ quân chủ chuyên chế bảo thủ, tập quyền cao độ “vua phán và dân phải phục tùng” với một nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, đời sống của nhân dân Pháp vô cùng cực khổ. Hình ảnh người nông dân Pháp trước cách mạng đã được miêu tả như sau: “ Người ta thấy một số thú vật dữ tợn, đực và cái, rải khắp các làng xóm, sạm đen, hốc hác và rám nắng, gắn chặt vào mảnh đất mà chúng đào xới một cách cực kỳ nhẫn nại. Hình như chúng cũng có một giọng nói, và khi chúng đứng lên, người ta thấy chúng có bộ mặt người. Và quả thực chúng là người. Đêm đến, chúng rúc vào hang, sống bằng bánh mỳ đen, nước lã và rễ cây, nhờ chúng, những người khác khỏi phải gieo, cày và gặt để sống, và do đó chúng xứng đáng được hưởng thứ bánh mì mà chúng đã gieo trồng.” . Đúng theo quy luật vận động của xã hội “có áp bức, có đấu tranh”, nhân dân Pháp dưới ngọn cờ tập hợp của giai cấp tư sản đã đứng lên đấu tranh trước tiên là làm nhiệm vụ dân chủ chống chế độ quân chủ chế, sau đó là làm nhiệm vụ dân tộc bảo vệ Tổ quốc trước sự tấn công của các nước đế quốc (1793). Với vai trò to lớn của quần chúng đã buộc giai cấp tư sản phải tính đến việc giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Nhưng xuất phát từ lợi ích giai cấp mà nhiều khi tư sản tỏ ra ngần ngại, chần chừ, muốn chiếm đoạt hoàn toàn thành quả của cách mạng như thời kỳ cầm quyền của Đại tư sản lập hiến (14/7/1789-10/8/1792), của phái Girôngđanh (10/8/1792-31/5/1793)… Lúc ấy, quần chúng lại là lực lượng tạo sức ép, lật đổ chế độ phản động, thúc đẩy cách mạng tiến lên, phát triển liên tục qua ba giai đoạn, và đi đến đỉnh cao của nó là nền chuyên chính dân chủ cách mạng Giacôbanh (2/6/1793-27/7/1794). Như vậy có thể nói, chính vai trò tích cực của quần chúng nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy cách mạng phát triển và đạt đến đỉnh cao.


Ngoài ra còn có vai trò lãnh đạo của giai cấp tư sản. Trong các cuộc cách mạng tư sản đã diễn ra cho đến cuối thế kỷ XVIII, tư sản Pháp là lực lượng lớn mạnh nhất, họ là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất lúc bấy giờ, họ sớm nhận ra muốn phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa thì yêu cầu cấp bách là phải thủ tiêu chế độ sở hữu phong kiến, trước hết là với ruộng đất, do vậy, họ đã tranh thủ tập hợp quần chúng, lãnh đạo quần chúng đứng lên làm cách mạng, lật đổ chế độ phong kiến đã quá bảo thủ và trì trệ. Hơn nữa, trong giai cấp tư sản cũng có sự phân hóa, bộ phận tư sản công thương vừa và nhỏ, tiểu tư sản có quyền lợi gần gũi với nhân dân, nên trong quá trình cách mạng đã thi hành một số chính sách có lợi cho nông dân dù còn nhiều hạn chế. Trong khi cách mạng Anh, lực lượng lãnh đạo là tư sản và quý tộc mới, do sự yếu kém về chính trị cũng như địa vị xã hội, hai lực lượng này đã phải câu kết, bắt tay với nhau trong việc chống lại nhà vua. Bản thân giai cấp quý tộc Anh cũng bị phân hóa mạnh mẽ “Sự phát triển sớm quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp khiến hàng ngũ quý tộc Anh phân hóa mạnh mẽ. Sự phân hóa trong hàng ngũ quý tộc Anh là đặc điểm của nước Anh thế kỷ XVI, XVII. Có một bộ phận quý tộc chủ yếu là loại trung và loại nhỏ bắt đầu chuyển biến thành giai cấp tư sản. Quý tộc loại trung và loại nhỏ hoặc là thuê nhân công làm việc trong công trường sản xuất sản phẩm bán ra thị trường hoặc cho thuê đất đai thu địa tô tư bản chủ nghĩa. Họ xây dựng nhà máy rượu, công trường dệt len. Đó là Quý tộc mới mà quyền lợi nhất trí với quyền lợi giai cấp tư sản” . Sự non yếu của giai cấp lãnh đạo cũng là nguyên nhân đưa đến tính hạn chế, không triệt để của cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII.


Bên cạnh đó, những tiền đề về tư tưởng của cách mạng Pháp với những nhà tư tưởng tiến bộ như Môngtexkiơ, Vônte, Rútxô… đã có tác dụng động viên và định hướng cho quần chúng, dọn đường cho sự bùng nổ của một cuộc cách mạng xã hội sắp sửa diễn ra - điều mà cách mạng Anh cũng như các cuộc cách mạng tư sản khác cùng thời chưa có được. Tổng hợp những yếu tố trên đã lý giải vì sao có sự khác nhau trong việc xác lập quyền tư hữu ruộng đất cho nông dân trong cách mạng Anh thế kỷ XVII và cách mạng Pháp thế kỷ XVIII.

nguồn : diendankienthuc.net*
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top