Những lá thư người cha gửi cho con gái -Jawaharlal Nehru

LÁ THƯ THỨ 21 - TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ
Chúng ta đã thấy rằng những nền văn minh cổ bắt đầu và phát triển ở Mesopotamia, Ai Cập và hòn đảo nhỏ của Hy Lạp ở Địa Trung Hải. Khoảng cùng thời gian đó ở Trung Quốc và Ấn Độ, những nền văn minh lớn cũng bắt đầu phát triển theo lối riêng của từng nơi. Ở Trung Quốc, cũng như những nơi khác, dân chúng sống tại thung lũng của những con sông lớn. Những người này được gọi là người Mogolôit, da vàng mũi tẹt. Họ làm ra những cái bình bằng đồng, sau đó bằng sắt. Họ bắt đầu đào kênh, xây dựng những tòa nhà tuyệt đẹp. Họ cũng tạo ra những loại chữ viết mới. Chữ viết này hoàn toàn khác với chữ viết tiếng Hindu của chúng ta hay tiếng Anh hoặc tiếng Urdu. Đây là loại chữ tượng hình. Mỗi chữ hay thỉnh thoảng cả một câu ngắn là một hình ảnh nào đó. Ở Ai Cập, Hy Lạp và Babylon xưa cũng từng có loại chữ viết bằng hình ảnh này. Bây giờ nó được gọi là chữ viết tượng hình của Ai Cập (hieroglyphic). Con hẳn đã thấy loại chữ viết này trong những viện bảo tàng và ở trong một số sách. Còn tại Ai Cập và phương Tây, chữ viết này chỉ tìm thấy ở những kiến trúc cổ. Ngày nay, không ai còn dùng loại chữ viết này. Nhưng ở Trung Quốc, chữ viết vẫn còn là một loại chữ tượng hình và được viết từ trên xuống dưới, chứ không phải từ trái sang phải như tiếng Hindu, tiếng Anh hay từ phải sang trái như tiếng Urdu. Ở Ấn Độ, nhiều phế tích cổ nhất có lẽ còn bị chôn sâu dưới lòng đất và đồi cát. Chúng bị dấu kín cho đến khi nào ai đó phát hiện ra và đào chúng lên. Nhưng một số di chỉ rất cổ đã được tìm thấy ở phía Bắc. Chúng ta biết rằng, cách đây lâu lắm rồi, ngay cả trước khi người Aryan đến Ấn Độ, đã từng có một nền văn minh tuyệt vời của người Dravidian. Họ thường quan hệ thương mại với những người ở nước khác. Họ gởi rất nhiều hàng hóa của mình đến Mesopotamia và Ai Cập. Đặc biệt họ còn gửi bằng đường biển gạo và những đồ gia vị như tiêu, gỗ tếch để xây dựng nhà cửa.

Người ta nói rằng một số lâu đài cổ xưa của thành phố ở Mesopotamia được làm bằng cây gỗ tếch gửi đến từ Nam Ấn Độ. Người ta cũng nói rằng, ngọc quí, ngà voi, loài công và những con dã nhân đã gởi từ Ấn Độ đi các nước phương Tây. Điều đó chứng tỏ rằng vào thời xưa việc buôn bán đã từng tồn tại giữa Ấn Độ với những nước khác. Thương mại chỉ có thể tồn tại khi con người đã văn minh. Cả hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đều có những tiểu quốc và tiểu vương quốc. Không có một tiểu quốc nào nằm dưới sự lãnh đạo của một chính phủ. Mỗi thành phố nhỏ với một số làng xã và những cánh đồng thì có một chánh phủ riêng. Chúng được gọi là những nước tự trị cỡ nhỏ. Nhiều nước trong số đó là nước thuộc chính thể Cộng Hòa ngay từ những ngày xa xưa. Không có vua, chỉ có một loại tước phẩm được bầu tại địa phương để trị vì quốc gia. Tuy nhiên, một số nước là những vương quốc nhỏ. Nhưng dù các nước Cộng Hòa này có chia thành nhiều chính phủ riêng, đôi khi họ vẫn hợp tác nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Thỉnh thoảng một quốc gia lớn nắm vai trò lãnh đạo một số nước nhỏ hơn. Ở Trung Quốc, những tiểu quốc này chẳng bao lâu đã phải dâng đất đai cho một quốc gia to lớn hơn, đứng đầu là một vị Hoàng Đế. Suốt những ngày tồn tại của đế chế này, Vạn Lý Trường Thành đã được xây dựng nên. Con đã có đọc sách về bức tường vĩ đại này, đó là một công trình khổng lồ được xây từ dưới biển lên đến tận những đỉnh núi cao ở phía Bắc để ngăn cản những bộ lạc Mông Cổ sang xâm lăng Trung Quốc. Bức tường này dài 1400 dặm[1], cao từ 20 đến 30 thước Anh[2] và rộng 25 thước Anh. Thỉnh thoảng có những tháp cao và pháo đài bên trên. Nếu một bức tường như vậy được xây ở Ấn Độ, nó sẽ trải dài từ Lahore ở phía Bắc đến Madras ở phía Nam. Bức tường khổng lồ này còn tồn tại mãi đến ngày nay. Nếu đi Trung Quốc con có thể chiêm ngưỡng công trình vĩ đại này.
 
LÁ THƯ THỨ 22 - CUỘC HÀNH TRÌNH ĐƯỜNG BIỂN VÀ BUÔN BÁN
Một tộc người thú vị khác của người xưa là người Tây Syria (Phoenicians), họ thuộc cùng chủng tộc với người Do Thái và Ả Rập… Đặc biệt họ sống trên bờ biển phía Tây của phần Á Châu nhỏ bé Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Các thành phố chính là Acre, Tyre và Sidon trên bờ Địa Trung Hải. Họ nổi tiếng vì các cuộc hành trình dài của họ bằng đường biển để buôn bán. Họ đi khắp nơi trên biển Địa Trung Hải và thẳng tới Anh Quốc bằng đường biển. Họ cũng có thể đã tới Ấn Độ. Bây giờ chúng ta thấy hai việc khởi đầu lý thú là du lịch bằng đường biển và buôn bán. Mỗi thứ trợ giúp nhau. Dĩ nhiên vào thời xưa chưa có tàu chạy bằng hơi nước và tàu máy như con thấy ngày nay. Con tàu đầu tiên chỉ là thân cây đơn giản được khoét lõm xuống. Người ta chèo bằng mái chèo, đôi khi có các cánh buồm để lợi dụng sức gió. Cuộc hành trình bằng đường biển chắc là phải lý thú và hồi hộp lắm vào thời đó. Con hãy tưởng tượng thử mình sẽ băng qua biển Ả Rập trên một chiếc thuyền nhỏ với những cánh buồm và các tay chèo. Tất nhiên lòng thuyền rất nhỏ nên người lái không thể tới lui một cách thoải mái và chỉ cần một tí gió nổi lên thôi cũng đủ khiến nó tròng trành và thường là rất dễ bị đắm. Chỉ có những người can đảm lắm mới dám mạo hiểm đi trên những chiếc thuyền nhỏ đó giữa biển khơi. Thật mạo hiểm! Đôi khi suốt nhiều tháng trời họ không nhìn thấy đất liền đâu cả. Họ không thể kiếm được lương thực ở giữa biển khơi trừ khi họ câu cá hay bắt chim. Biển cả thì đầy nguy hiểm và phiêu lưu. Ngày xưa có nhiều truyện kể về các thủy thủ và những điều lạ lùng xảy ra trên biển.
Nhưng, bất chấp hiểm nguy, người ta cứ tiếp tục cuộc hành trình băng qua các đại dương. Một số làm điều đó vì họ ưa thích mạo hiểm nhưng phần lớn vì họ yêu vàng và tiền của. Họ đi để buôn bán kiếm tiền. Thế thương mại là gì và nó bắt đầu như thế nào? Ngày nay con thấy những cửa tiệm lớn rất tiện lợi, con có thể mua bất cứ những gì con muốn. Nhưng con có bao giờ nghĩ đến những món mình mua có từ đâu không? Con mua một khăn choàng bằng len trong một cửa hiệu ở Allahabad. Nó đã được vận chuyển qua nhiều nẻo đường từ Kashmir tới và nguồn cung cấp len chính là những con cừu nuôi trên các ngọn núi ở Kashmir hay Ladakh. Kem đánh răng mà con mua có lẽ đến bằng tàu hoặc xe lửa qua nhiều nẻo đường từ Châu Mỹ. Cũng vậy, con có thể mua các món đồ làm tại Trung Quốc, Nhật Bản, Paris hay Luân Đôn. Con nghĩ thử xem mảnh vải ngoại mà con mua tại chợ ở đây từ đâu mà có? Cây bông vải trồng tại Ấn Độ, rồi được mang đi tới Anh Quốc. Một xưởng máy lớn nhận nó, làm sạch, chế tạo thành chỉ sợi rồi dệt thành vải, vải này sẽ quay trở lại Ấn Độ và được bày bán ở chợ đó. Nó phải làm một cuộc hành trình tới lui cả ngàn dặm trước khi được đem bán! Khá khôi hài phải không con? Vải được trồng ở Ấn Độ, phải đi qua bao nhiêu con đường mới tới Anh Quốc để được chế biến thành vải rồi lại đưa trở về Ấn Độ để bán. Thật là lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức. Chế tạo bông vải thành vải ngay tại Ấn Độ có phải rẻ và tốt hơn nhiều không? Con biết rằng chúng ta không mua hay mặc vải ngoại, chúng ta mặc Khaddar vì mua hàng hóa làm trong nước mình sẽ có ý nghĩa hơn biết bao. Ta nên mua và mặc Khaddar vì bằng cách này chúng ta có thể giúp đỡ cho người nghèo, khuyến khích họ xe chỉ và dệt vải. Con thấy đấy, ngày nay buôn bán đã trở nên rất phức tạp và đa dạng. Hàng hóa luôn được chuyên chở bằng tàu từ nước này đi nước khác để bán. Trong khi đó, vào thời xưa, việc buôn bán thương mại giữa các bộ lạc không hề có hoặc nếu có cũng rất ít. Con muốn có thứ gì phải tự xoay xở làm lấy. Rồi sự phân công lao động đã xảy ra như cha đã kể với con. Con người làm nhiều loại công việc và tạo ra nhiều hàng hóa hơn. Mỗi bộ lạc sản xuất một số loại hàng hóa đặc trưng của bộ lạc mình.Vì thế, lẽ tự nhiên họ phải trao đổi hàng cho nhau. Thí dụ: bộ lạc này cần giỏ ngũ cốc họ sẽ lấy một con bò của mình để đổi lấy giỏ ngũ cốc của bộ lạc kia. Dĩ nhiên vào thời đó không hề có tiền bạc. Khi vàng và bạc được tìm ra, người ta bắt đầu dùng chúng để buôn bán vì vận chuyển chúng sẽ dễ dàng hơn. Và dần dần khách hàng nẩy ra ý định trả món hàng bằng vàng và bạc. Người đầu tiên nghĩ ra điều này hẳn là người khôn ngoan lắm. Việc dùng vàng và bạc để buôn bán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lúc đó không có tiền đồng như chúng ta có ngày nay. Vàng thường được cân rồi trao cho người khác. Sau đó, tiền đồng bắt đầu phổ biến khiến cho việc buôn bán và trao đổi còn đơn giản hơn nữa. Lúc này, người ta không cần cân vàng nữa bởi vì mọi người đã biết giá trị của đồng tiền. Ngày nay tiền bạc được dùng ở khắp mọi nơi. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, tiền bạc tự thân nó chẳng tốt đẹp gì đâu? Con có nhớ câu chuyện về vua Midas không? Ông ta có vàng ở khắp nơi nhưng không thể có thức ăn! Vậy đó, tiền bạc sẽ vô giá trị nếu nó không được dùng để giúp ta có những thứ mà chúng ta cần. Thế mà, còn biết bao người thật khờ dại khi cho rằng tiền bạc là tốt, là đẹp. Họ cứ lo ki cóp tích trữ, không dám xài đến. Điều đó chứng tỏ rằng họ chẳng hiểu được tiền bạc là gì và cần được dùng như thế nào cho đúng.
 
LÁ THƯ THỨ 23 - NGÔN NGỮ, CHỮ VIẾT VÀ CHỮ SỐ

Chúng ta đã nghiên cứu các ngôn ngữ khác nhau, biết được chúng quan hệ với nhau như thế nào. Chúng ta cũng nghiên cứu xem ngôn ngữ bắt đầu như thế nào. Người ta đã tìm ra một số từ ngữ của một vài loài vật. Loài khỉ bật ra được một số tiếng kêu hay những từ đơn sơ chỉ các vật đơn giản. Con cũng có thể lưu ý những tiếng kêu la kỳ lạ mà một số loài vật tạo ra khi chúng sợ hãi hoặc để cảnh báo cho những con khác biết nguy hiểm gì đang xảy ra với chúng.

Có lẽ ngôn ngữ con người bắt đầu tương tự như loài vật. Thoạt tiên, ngôn ngữ phải là những tiếng kêu rất đơn giản như tiếng hét sợ hãi hay tiếng kêu báo động, sau cùng có thể là tiếng hò trong lao động vì khi một số người làm việc chung với nhau, họ thường cùng nhau tạo chung
một tiếng ồn. Con có lưu ý khi người ta cùng lôi kéo hay cùng nâng một vật gì quá nặng không? Dường như là nếu cùng đồng thanh hét hò thì công việc sẽ nhẹ bớt đi đôi chút. Những tiếng hò hét lao động này có thể là những tiếng nói đầu tiên mà con người đã dùng.

Dần dần những từ khác được hình thành. Đó là những từ rất đơn giản như nước, lửa, ngựa, gấu… Có thể khi ấy ngôn ngữ chỉ gồm danh từ mà chưa có động từ. Nếu một người muốn thông báo rằng anh ta vừa thấy một con gấu, anh ta chỉ biết thốt lên từ “gấu” và chỉ trỏ hệt như một đứa bé mới học nói. Vì vậy, khi đó dường như chẳng có chuyện trò đàm luận với nhau. Ngôn ngữ phát triển dần. Các câu văn ngắn hình thành, rồi đến các câu dài hơn. Có lẽ ở bất cứ thời đại nào cũng không có một ngôn ngữ chung cho tất cả những tộc người khác nhau những dĩ nhiên ngôn ngữ khi xưa ấy không thể phong phú, đa dạng như ngày nay. Cha nhớ có lần đã kể cho con rằng lúc đầu chỉ có một số ít ngôn ngữ, dần về sau ngôn ngữ mới phát triển thành những dòng họ lớn gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Trong suốt thời kỳ có các nền văn minh cổ, ngôn ngữ đã phát triển nhiều lắm rồi. Có nhiều bài ca được sáng tác và các ca sĩ đã ra đời. Không có nhiều chữ viết hay sách vở vào thời đó và vì thế người ta phải học cách nhớ nhiều hơn. Người ta đã làm thơ hoặc tạo nên những câu có vần điệu để dễ nhớ hơn. Do đó, ta thấy là thơ có điệu vần và những bài hát ngắn đã rất phổ biến ở các nước mà những nền văn minh cổ hình thành.

Các ca sĩ hoặc thi sĩ đặc biệt thích hát và ca tụng vinh quang của các vị anh hùng đã chết. Ở các thời đại này rất thích chuyện chiến đấu, đánh nhau và vì thế các bài hát thường nói về sự can đảm trong chiến trận.

Chữ viết cũng có lịch sử khởi đầu rất lý thú. Ý cha muốn nói về chữ viết Trung Hoa. Tất cả mọi chữ viết hẳn bắt đầu bằng hình ảnh. Một người muốn nói về con công sẽ cố gắng vẽ một bức tranh về con công. Dĩ nhiên không ai có thể viết nhiều bằng cách này. Dần dần các bức tranh trở nên ngày một đơn giản hơn. Và sau cùng một hệ thống chữ
cái đã được nghĩ ra và phát triển lên. Điều này khiến việc viết chữ dễ dàng hơn nhiều và quá trình tiến hóa diễn ra nhanh hơn nữa.

Những chữ số và cách đếm cũng là một sự khám phá lớn. Không có các chữ số thật khó tưởng tượng làm sao các loại hình buôn bán có thể thực hiện được. Người phát minh được các chữ số hẳn phải là một vĩ nhân. Lúc đầu, tại Châu Âu, các chữ số còn khá luộm thuộm. Con biết không, nó được gọi là những chữ số La Mã – I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X… Những số này thật rườm rà và khó sử dụng. Các chữ số mà ngày nay chúng ta dùng trong tất cả các ngôn ngữ thuận lợi hơn số La Mã nhiều. Cha muốn ám chỉ số 1,2,3,4,5,6,7,8,9,10. Những chữ số này được gọi là chữ số Ả Rập bởi vì người Châu Âu biết chúng thông qua Ả Rập. Nhưng chính người Ả Rập lại học chúng từ Ấn Độ, vì thế gọi chúng là chữ số Ấn Độ thì đúng hơn.

Những cha đang đi ngược dòng lịch sử quá nhanh. Chúng ta chưa đi tới nước Ả Rập mà!

15978122_1158994957549429_1496255043754844165_n.jpg
 
LÁ THƯ THỨ 24 - NHỮNG GIAI CẤP KHÁC
NHAU CỦA CON
NGƯỜI

Thanh niên nam nữ, ngay cả khi lớn lên, thường được dạy lịch sử theo một phương pháp khá kỳ cục. Chúng học tên các vị vua và nhiều nhân vật khác, ngày tháng của những trận đánh và những vấn đề tương tự. Nhưng chắc chắn lịch sử không bao gồm những trận đánh và sự kiện một vài người trở thành vua và các tướng lãnh. Lịch sử phải kể
cho chúng ta nghe về dân tộc của một nước: cách họ sống, những gì họ làm, những gì họ nghĩ. Nó phải bảo cho chúng ta biết về những niềm vui và nỗi buồn của họ, những khó khăn mà họ đã vượt qua. Và nếu chúng ta học lịch sử bằng cách này, chúng ta có thể học rất nhiều điều. Nếu chúng ta phải đương đầu cùng một vấn đề khó khăn hoặc phức tạp mà lịch sử đã gặp phải thì việc đọc sử có thể giúp chúng ta vượt qua nó. Đặc biệt việc nghiên cứu thời quá khứ sẽ giúp chúng ta trong việc biết được người ta đang trở nên ngày càng tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn hay hoàn toàn ngược lại.

Dĩ nhiên, người ta phải cố gắng học hỏi điều gì đó từ cuộc đời của các vĩ nhân trong quá khứ. Nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để biết được tình trạng xã hội và những điều kiện khác xung quanh những con người này là như thế nào.

Cha đã viết cho con khá nhiều bức thư và đây là bức thư thứ 24. Nhưng đến tận giờ chúng ta chỉ mới thảo luận sơ về những thời kỳ rất cổ mà chúng ta không biết nhiều. Khó có thể gọi nó là lịch sử. Nếu thích, ta có thể gọi nó là thời kỳ đầu của lịch sử hay buổi bình minh của lịch sử. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ xét kỹ những thời kỳ sau đó mà chúng ta biết nhiều hơn. Chúng ta có thể gọi đó là “những thời kỳ lịch sử”. Nhưng trước khi chúng ta gác lại nền văn minh cổ, chúng ta hãy xem sơ qua nó và tìm hiểu xem những loại người khác nhau nào đã sống vào thời kỳ đó.

Chúng ta đã thấy trong các bộ lạc xưa, người ta đã bắt đầu làm các loại công việc khác nhau như thế nào, sự phân công lao động diễn ra ra sao. Chúng ta cũng thấy lãnh tụ bộ lạc hay tộc trưởng tách rời gia đình ông ta ra khỏi những người khác, và chỉ làm phần công việc quản lý như thế nào. Ông ta trở thành một thành phần cao cấp hơn, hay chúng ta có thể nói rằng gia đình ông ấy thuộc về một giai cấp khác với những người khác. Như vậy xã hội con người lúc đó đã phân chia thành hai giai cấp: một làm công việc quản lý chỉ huy và một làm công việc lao động. Dĩ nhiên giai cấp làm phần việc quản lý có nhiều quyền lực và họ dùng quyền này để lấy càng nhiều thứ càng tốt. Họ trở nên giàu có hơn, gom góp ngày càng nhiều của cải của những người khác.


Dần dần, công việc trong xã hội phát triển đã sản sinh ra nhiều loại giai cấp, nhiều tầng lớp khác nhau. Chúng ta thấy có tầng lớp tăng lữ trong các đền thờ. Đây là những người nắm giữ vai trò rất quan trọng trong những thời kỳ này. Về sau chúng ta sẽ quay lại bàn về công việc của họ.

Tầng lớp thứ ba là các nhà buôn. Như con biết đấy, họ vận chuyển buôn bán hàng hóa từ nước này sang nước khác.

Thứ tư là các nghệ nhân thợ thủ công. Họ làm đủ mọi thứ cho bộ lạc: dệt vải, làm đồ gốm, đồ đồng, những đồ vật bằng vàng hay ngà và nhiều vật khác. Phần lớn họ định cư tại các thị trấn và các làng mạc.

Cuối cùng là những nhà nông và những người lao động làm việc trên đồng hay tại các thành phố lớn. Dĩ nhiên đây là tầng lớp đông nhất. Mọi tầng lớp khác đều cố gắng bòn rút tiền bạc và của cải của họ.
 
LÁ THƯ THỨ 25 - CÁC ÔNG VUA –
CÁC ĐỀN THỜ VÀ CÁC ĐẠO SĨ
Con đã thấy năm giai cấp khác nhau đã được hình thành như thế nào. Giai cấp lớn nhất là giai cấp của người nông dân và người lao động. Nông dân cày cấy và trồng cây thực phẩm. Nếu không có nhà nông, con người sẽ không có thực phẩm hoặc chỉ có rất ít. Vì thế họ đóng vai trò rất quan trọng. Không có họ mọi người sẽ chết đói. Những người lao động cũng làm nhiều việc có ích trên đất đai hoặc trong phố xá thị thành. Mặc dù công việc của họ quan trọng và cần thiết cho mọi người như vậy, họ chỉ kiếm được một số tiền còm cõi. Hầu hết những gì họ sản xuất ra đều qua tay người khác, đặc biệt là nhà vua và các nhà quý tộc, giai cấp của ông ta.

Ông vua và giai cấp của ông ta, như chúng ta đã biết, có thật nhiều quyền lực. Trong suốt thời kỳ của những bộ lạc xưa, đất đai thuộc về cả
bộ lạc mà không thuộc về bất cứ một người nào. Nhưng khi giai cấp của nhà vua nổi lên nắm quyền, họ nói rằng toàn bộ đất đai này thuộc về họ. Họ trở thành các địa chủ, còn những nhà nông, người thật sự làm tất cả lại trở thành kẻ tôi tớ cho chúng. Cũng thế, khi sự phân chia công việc tiếp diễn, năm sáu giai cấp sinh ra. Ông vua, dòng họ của ông ta và những người của triều đình là công việc quản lý quốc gia, chiến đấu giữ gìn an ninh trật tự. Họ thường không làm công việc gì khác.

Lớp người chiếm ưu thế thứ hai sau giai cấp của vua chúa thời xưa là những vị tăng lữ mà người ta còn gọi một cách tôn kính là đạo sĩ. Trong những lá thư cha đã gửi cho con, cha có nói rằng con người lạc hậu cổ xưa bắt đầu suy nghĩ về Thượng Đế và tôn giáo do họ không biết gì cả và họ sợ hãi tất cả. Họ tự tạo ra một vị thần linh hoặc nữ thần cai quản mọi sự vật mà họ thấy như các thần sông, thần núi, thần mặt trời, thần cây cối và cả các vị thần loài vật và nhiều thứ khác họ không thấy được mà chỉ tưởng tượng ra. Vì sợ, họ luôn luôn nghĩ rằng các thần linh muốn trừng phạt họ, dữ dằn và tàn ác. Do đó, họ luôn luôn cố gắng dàn hòa hoặc làm vừa lòng thần linh bằng cách tế lễ.

Từ đó, các đền thờ đã mọc lên. Bên trong đền thờ có một gian đặc biệt là gian cúng tế linh thiêng, nơi đó có hình ảnh vị thần mà họ tôn thờ. Họ không thể lễ bái cái gì mà họ không thấy được. Đây là một trở ngại nhỏ. Con biết rằng một đứa trẻ thường nghĩ về một đồ vật mà nó đã thấy được. Những người xưa cũng gần giống như đứa trẻ. Họ không thể lễ bái mà không có hình tượng, do đó họ phải dựng nên các hình tượng trong các đền thờ. Thật lạ lùng là những hình tượng này thường xấu xí khủng khiếp – đó là những con thú hoặc đôi khi nửa thú nửa người. Tại Ai Cập, họ đã từng lễ bái một con mèo, rồi sau đó họ thờ một con khỉ. Tại sao người ta tôn thờ những thú vật gớm ghiếc này? Thật khó hiểu. Nếu muốn tôn thờ một hình ảnh nào đó, tại sao người ta không làm cho nó đẹp đẽ lên? Nhưng có lẽ vì ý kiến cho rằng thần linh là cái gì đó làm cho con người sợ hãi, nên họ tạo ra những hình ảnh khủng khiếp này.

Vào thời đó, có lẽ người ta không quan niệm chỉ có một đấng tối cao có quyền năng tuyệt đỉnh như bây giờ. Họ tưởng tượng ra rất nhiều vị
nam và nữ thần, những vị này đôi khi còn cãi lộn với nhau. Các thành phố và các quốc gia khác nhau thường tôn thờ các vị thần khác nhau.

Các đền thờ khi ấy đầy các tăng lữ và nữ tu. Thông thường họ biết đọc, biết viết và có học thức hơn những người khác. Vì vậy, họ trở thành cố vấn của nhà vua. Những quyển sách thời xưa chính do các tăng lữ viết hoặc chép lại. Vì họ có tri thức, họ trở thành người thông thái. Họ cũng là những thầy thuốc. Và thường muốn chứng tỏ cho mọi người khác thấy mình khôn ngoan, họ dùng nhiều mánh khóe để lòe thiên hạ. Con biết đấy, con người thời đó còn ngây thơ và dốt nát, họ xem các tăng lữ này như những thầy pháp và khiếp sợ họ.

Các thầy tăng lữ sống hòa vào với nhân dân và giúp đỡ họ. Mọi người đến với họ khi người ta gặp phiền toái hoặc bệnh tật. Họ cũng nhờ các thầy tăng lữ tổ chức các lễ hội lớn. Vào thời kỳ đó chưa có lịch, người ta tính ngày tháng bằng các lễ hội. Lúc ấy, ở một vài nơi định cư, có thể người quản lý họ đầu tiên là các vị tăng lữ chứ không phải nhà vua. Sau đó, địa vị này bị các vị vua chiếm đoạt vì họ có quân đội mạnh hơn. Ở một số nơi, một người vừa là vua vừa là đạo sĩ như các Pharaohs ở Ai Cập. Thật ra các Pharaohs được xem như nửa thần nửa thánh ngay khi họ còn sống. Và khi họ qua đời, họ càng được tôn thờ như các vị thần.
 
LÁ THƯ THỨ 26 - MỘT CÁI NHÌN TRỞ LẠI
Cha hy vọng con không chán những bức thư của cha. Cha cho rằng con cần được phải nghỉ ngơi, vì thế cha sẽ không viết cho con điều gì mới. Cha chỉ muốn con ngẫm lại những gì chúng ta đã bàn qua. Chúng ta đã tóm tắt lịch sử của hàng triệu năm vào vài bức thư. Bắt đầu khi trái đất còn là một mảnh của mặt trời cho đến khi nó tách rời ra và từ từ nguội dần như thế nào. Rồi đến lượt mặt trăng được hình thành và suốt hàng bao nhiêu năm cuộc sống không hề tồn tại trên trái đất. Con có một ý niệm gì về thời gian một triệu năm không? Sự sống đã bắt đầu rất từ tốn, chậm chạp. Thật khó mà hình dung hàng triệu năm là như thế nào phải không con? Con chỉ mới lên 10 tuổi, rồi con sẽ lớn lên và già đi. Còn bây giờ con chỉ là một cô bé. Một trăm năm đối với con đã là dài khủng khiếp. Và rồi một ngàn, rồi một triệu - một ngàn lần một ngàn! Cha sợ chúng ta không thể nhập tâm điều này bằng cái đầu quá nhỏ bé của chúng ta được.

Chúng ta hãy nhớ lại xem, có phải suốt một thời gian dài đăng đẳng, trái đất không hề có sự sống? Rồi đến một thời kỳ khác, cũng dài lê thê, chỉ có những loài sinh vật biển. Và suốt hàng triệu năm, các loài thú xuất hiện và đi lang thang tự do khắp mọi nơi, không hề bị con người bắn giết săn đuổi. Cuối cùng, con người xuất hiện. Anh ta là một sinh vật nhỏ bé yếu đuối hơn tất cả. Nhưng dần dần hàng ngàn năm trôi qua, anh ta trở nên mạnh khỏe và thông minh hơn cho đến khi anh ta trở thành chủ của loài vật trên trái đất. Tất cả các loài vật khác trở thành kẻ tôi tớ cho anh ta, làm theo lời anh ta sai bảo.

Rồi chúng ta tiến đến tiếp cận với sự phát triển của các nền văn minh cổ. Chúng ta đã chứng kiến lúc khởi đầu hình thành của nó. Trong những bức thư của cha, chúng ta đã tiến đến một thời kỳ chỉ cách chúng ta bốn hay năm ngàn năm. Và chúng ta hiểu về bốn ngàn năm này hơn là hàng triệu năm về trước. Lịch sử và phát triển của loài người thật sự xảy ra trong vòng bốn ngàn năm ấy. Con sẽ đọc nhiều về nó khi lớn lên. Con nhé!

Cha của con, J.N
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top