Những chiến thắng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc Việt Nam

tapchoi82

New member
Xu
0
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Sông Bạch Đằng là một nhánh sông dài hơn 20 km, từ Do Nghi đến Phả Lễ giữa Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), nơi đã ghi dấu chiến công của Ngô Quyền chống giặc Nam Hán; chiến công của Lê Hoàn chống giặc Tống; chiến công của Trần Hưng Đạo chống giặc Nguyên Mông. Trong đó, trận thắng giặc Nam Hán vào năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy là mốc son mở ra nền độc lập tự chủ của dân tộc ta.

Năm 931, Dương Đình Nghệ đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi được bọn quan quân Nam Hán là bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến ra khỏi nước ta. ông tự xưng là Tiết độ sứ đóng bản doanh ở thành Đại La.

Năm 937 Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Nền độc lập của dân tộc ta vừa mới giành được sau đêm trường Bắc thuộc lại bị đe dọa. Kiều Công Tiễn hoảng sợ trước sự cǎm phẫn của nhân dân, đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân cơ hội đó, Nam Hán đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Vua Nam Hán là Lưu Cung đã cử con trai là thái tử Hoằng Thao thống lĩnh quân thuỷ vượt biển tiến vào nước ta. Bản thân Lưu Cung cũng tự cầm quân đóng ở Hải Môn (Quảng Đông) để sẵn sàng tiếp ứng.

Cuối năm 938, Ngô Quyền (898-944), vị tướng giỏi đồng thời là con rể của Dương Đình Nghệ đã đem binh từ châu ái (Thanh Hoá) ra diệt Kiều Công Tiễn, trừ mối hoạ bên trong. Sau đó, ông huy động nhân dân cả nước khẩn trương bước vào cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Nắm vững tình hình cũng như đường tiến quân của địch, Ngô Quyền bàn với các tướng sĩ rằng: "Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được! Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua cũng chưa biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu và bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự không kế gì hay hơn kế ấy cả". Các tướng đều phục kế sách ấy là chắc thắng.

Ngay sau đó, Ngô Quyền đã huy động quân dân đẵn gỗ, đẽo cọc vát nhọn, bịt sắt cắm đầy lòng sông Bạch Đằng ở những chỗ hiểm yếu gần cửa biển tạo thành một trận địa ngầm, hai bên bờ có quân mai phục. Đó là một thế trận hết sức chủ động và lợi hại, thể hiện một quyết tâm đánh thắng quân giặc của chủ tướng Ngô Quyền và quân dân ta.

Hoằng Thao thống lĩnh thuỷ binh hùng hổ kéo vào cửa sông Bạch Đằng. Lúc đó nước triều đang lên ngập hết bãi cọc, Ngô Quyền cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, dụ quân giặc từ vịnh Hạ Long vào sông Bạch Đằng, rồi vờ thua chạy. Tên tướng trẻ kiêu ngạo Hoằng Thao mắc mưu, thúc quân chèo thuyền hǎm hở đuổi theo, vượt qua trận địa cọc ngầm của ta. Quân ta cầm cự với giặc. Đợi khi nước thuỷ triều rút xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho toàn quân đánh quật trở lại. Thuỷ quân giặc hốt hoảng quay đầu chạy. Ra đến gần cửa biển, thuyền địch đâm phải cọc nhọn, bị vỡ và bị đắm rất nhiều. Quân giặc phần bị giết, phần chết đuối, phần còn lại phải đầu hàng hoặc bị quân ta bắt sống. Toàn bộ đạo quân thuỷ xâm lược của Nam Hán, kể cả Hoằng Thao đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Vua Nam Hán đang điều quân sang tiếp viện cho con, nhưng nửa đường nghe tin Hoằng Thao chết trận, quân lính bị tiêu diệt gần hết, hắn kinh hoàng, khủng khiếp đành "thương khóc thu nhặt quân còn sót lại mà rút lui" (Đại Việt sử ký toàn thư). Mưu đồ xâm lược của vua tôi nhà Nam Hán đã bị Bạch Đằng Giang nổi sóng cuốn chìm.

Hai tiếng Bạch Đằng đã đi vào lịch sử. Trong tâm thức nghìn năm của người Việt Nam, Bạch Đằng đã trở thành điểm hội tụ của sức sống dân tộc, đúng như lời ngợi ca của Phạm Sư Mạnh:

Vũ trụ kỳ quan Dương Cốc nhật,
Giang san vương khí Bạch Đằng thâu.

Tạm dịch:

(Kỳ quan của Vũ trụ là Mặt trời lên tại hang Dương Cốc,
Khí thiêng của núi sông đọng lại ở chốn Bạch Đằng)
 
Đoàn quân viễn chinh hung bạo của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) thuộc đế quốc Mông Cổ đang tung hoành trên khắp các đại lục từ Á sang Âu và không có một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Thế mà khi đến xâm lăng bờ cõi Đại Việt, đạo quân bách chiến bách thắng này đã bị đánh tan tành, không còn manh giáp

1) Chống đế quốc Mông Cổ lần thứ nhất (1258):

Đạo quân của Ngột Lương Hợp Thai (wouleangotai) gồm khoảng 30 ngàn quân theo lưu vực sông Hồng tiến xuống uy hiếp phía bắc ngày 17-1-1258 rồi tràn vào thành Thăng Long một cách dễ dàng. Vua quan nhà Trần phải dời về vùng Thiên Mạc (Khoái Châu, Hải Hưng) và cho lệnh thực hiện kế hoạch "vườn không, nhà trống", khiến binh lính của đế quốc Mông Cổ không thể tìm ra được lương thực để nuôi quân và chỉ hơn 10 ngày sau, quân ta từ Thiên Mạc do Trần Quốc Tuấn điều động ngược dòng sông Hồng tiến công vũ bão vào Đông Bộ Đầu (gần Cầu Long Biên - Hà Nội) khiến địch quân phải trốn chạy về hướng tây bắc nhưng bị vị chủ tướng người thiểu số là Hà Bổng chận đánh và tiêu diệt tại Quy Hóa. Bại binh của đoàn quân xâm lược đạp lên nhau mà chạy về hướng Vân Nam, không dám quay đầu nhìn lại. Thế là vua quan nhà Trần cùng toàn quân Đại Việt đã anh dũng ngăn chận được cuộc xâm lăng của đế quốc Mông Cổ lần thứ nhất (1258).

2) Chống xâm lăng Nguyên Mông lần thứ hai (1285):

Đế quốc Mông Cổ từ đầu thế kỷ 13, đã bành trướng sức mạnh và thống trị nhiều nước từ bờ biển Thái Bình Dương đến bờ biển Hẳc Hải, đã đánh bại triều đình nhà Nam Tống, chiếm lĩnh toàn bộ Trung Quốc. Năm 1260, Hốt Tất Liệt (Koubilai) xưng vương và đến năm 1271 công bố thành lập triều đại nhà Nguyên, và đặt quốc hiệu là Đại Nguyên.

Mặc dù thắng được quân Mông, nhưng vua quan nhà Trần cũng phải chiều ý Hốt Tất Liệt để theo lệ triều cống hầu củng cố binh đội, định an xã tắc, tính kế lâu dài.

Nhà Nguyên sau khi ổn định được quyền cai trị, nhớ lại hận xưa và muốn chiếm giữ luôn lãnh địa nước Nam nên nhân khi Trần Di Ái (chú của vua Trần Nhân Tông) muốn làm phản bèn phong cho làm An Nam Quốc Vương và sai Sãi Thung dẫn 1000 quân đưa Ái về nước. Vua Trần sai quân đi đánh lũ nghịch thần. Trần Di Ái và đồng bọn bị bắt, còn Sãi Thung bị thương ở mắt rất nặng phải trốn chạy về Tàu. Vua nhà Nguyên giận lắm, bèn sai con là Thoát Hoan cùng tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân tiến đánh nước Nam.

Năm 1282, được tin nhà Nguyên mượn cớ đánh Chiêm Thành, đang chuyển quân uy hiếp nước ta, vua Trần đã cho lệnh triệu tập hội nghị Bình Than (Làng Bình Than thuộc Tổng Vạn Ti, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), gồm các vương hầu và quan lại, tướng soái cao cấp để bàn kế sách đối phó. Vua Trần Nhân Tông đã cử Trần Quang Khải giữ chức Thượng Tướng Thái Sư và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh toàn bộ quân cơ triều đình để chuẩn bị chống phá quân xâm lược.

Năm 1284, Hưng Đạo Vương truyền hịch kêu gọi tướng sĩ và ba quân một lòng một dạ quyết tâm ngăn chận quân thù. "Hịch Tướng Sĩ" này đã cổ vũ lòng hăng say, ý chí quyết chiến của toàn dân qua Hội Nghị Diên Hồng được triệu tập vào đầu năm 1285.

"Hịch Tướng Sĩ" đúng là tuyên ngôn cứu nước bằng lời lẽ thiết tha, chất chứa căm hờn (đối với quân cướp nước), và tràn đầy dũng khí, như tiếng kèn thúc quân ra trận: "Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu - nhương, gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ-mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt, mà đòi ngọc lụa, ỷ thế Vân nam vương (6) để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!"

"Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng".
(Trần Trọng Kim, Việt nam Sử Lược, nxb Đại Nam tái bản ở Hoa Kỳ không đề năm, trang 140).

Trước khí thế như chẻ tre của đoàn quân Thoát Hoan và khi thấy Hưng Đạo Vương lui quân về Vạn Kiếp, vua Trần Nhân Tông mới bảo rằng: "Thế giắc to như vậy, mà chống với nó thì dân sự tàn hại, hay là trẩm hãy chịu hàng đi để cứu muôn dân" (Trần Trọng Kim, sđd, tr. 139). Hưng Đạo Vương tâu rằng: "Bệ hạ nói câu ấy thì thật là lời nhân đức, nhưng mà tôn miếu, xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau sẽ hàng". Vua nghe nói vậy mới an tâm và quyết lòng chống trả quân xâm lược. Tuy thế, quân Nguyên đã tiến chiếm Bắc Ninh, Thăng Long, Thiên Trường và cả Nghệ An cũng bị Toa Đô chiếm đóng. Nhưng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn vẫn một lòng kiên trung, tìm kế ngăn giặc không bối rối sợ xệt, phò Trần Nhân Tông cùng tùy tùng ra Thanh Hóa.

Thời tiết bây giờ chuyển sang mùa hè, trời nóng như thiêu như đốt, lại thiếu lương thực nên quân xâm lược nhà Nguyên ngày càng bệnh tật, mệt mỏi, nhuệ khí không còn mạnh như trước. Trong khi đó, quân ta cứ lùi dần theo sách lược đã vạch để phân tán địch quân. Qua tháng 5/1285, cuộc kháng chiến chống quân Nguyên bắt đầu chuyển qua thế công, bằng trận chiến thắng hải thuyền của Toa Đô ở Hàm Tử Quan (thuộc huyện Đông An, Hưng Yên), khiến địch quân phải lùi về cửa biển Thiên Trường. Nương đà thắng lợi này, vua Trần sai Trần Quang Khải chuẩn bị binh đội để giải phóng thành Thăng Long. Trận đáng thắng quân Thoát Hoan ổ Chương Dương khiến địch quân phải bỏ Thăng Long chạy qua sông Hồng để giữ mặt Kinh Bắc (Bắc Ninh). Tại mặt trận Tây kết, Toa Đô bị quân ta bắn tên trúng và cắt thủ cấp đưa về dâng vua Trần Nhân Tông, còn Ô Mã Nhi may mắn trốn thoát được về Tàu.

Rồi tại trận Vạn Kiếp, quân Thoát Hoan đã không đương cự nỗi với đại quân của ta, phải chui ống đồng để tàn quân kéo chạy về Tàu. Thế là chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 12/1284 đến 6/1285) 50 vạn quân Mông Cổ do Thoát Hoan chỉ huy đã bị đuổi ra khỏi bờ cõi nước ta. Quân dân Đại Việt lại oanh liệt chiến thắng sự xâm lăng của Nguyên Mông lần thứ hai (1284-1285).

3) Chống xâm lăng Nguyên Mông lần thứ ba (1287-1288):

Đại Nguyên là một quốc gia hùng mạnh, chưa từng nếm mùi thất bại trên đường xâm lược thế mà Thoát Hoan, con trai của Nguyên đế Hốt Tất Liệt đã phải cùng bại binh trở về trong tủi hổ. Nhà vua tức giận, ra lệnh bãi bỏ kế hoạch xâm lăng Nhật Bản đã được chuẩn bị từ trước để dồn toàn lực vào việc phục hận vua Trần.

Tháng 12 năm 1287, Nguyên đế sai Thoát Hoan thống lĩnh đại binh hơn 30 vạn sang đánh nước ta, giã danh đưa phản thần Trần Ích Tắc về nước, lập làm An Nam Quốc Vương. Lần này cũng vẫn Hưng Đạo Vương thống lĩnh các vương hầu, chỉ huy toàn quân thủy bộ để phòng chống xâm lăng.

Sách "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của sử gia Ngô Sĩ Liên thuộc triều Lê khi đề cập đến cuộc xâm lăng lần thứ ba của quân Nguyên Mông đã kể lại:

Được tin quân Nguyên lại sang xâm lược, Trần Nhân Tông hỏi Trần Hưng Đạo: "Thế giặc năm nay thế nào?" Vị tướng thiên tài thống lĩnh toàn quân đó trả lời: "Nếu quân giặc lại sang thì quân ta đã quen đánh trận mà chúng thì sợ đi xa, lại bị thất bại của Hằng, Quân đe dọa, không có chí chiến đấu. Cứ ý thần xem thì tất thế nào ta cũng phá được chúng". Khi quân Nguyên kéo vào biên giới, Trần Hưng Đạo lại nhận định: "Năm nay, giặc đến dễ đánh!".

(Ngô Sĩ Liên, "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư", nxb khoa học xã hội, HN bản dịch, 1967, tập II, tr. 59)

Quân Nguyên chia thành ba cánh để tiến vào xâm lăng Đại Việt: Cánh từ Quảng Tây cánh từ Vân Nam sang bằng bộ binh và kỵ binh, cánh khác bằng thủy binh từ phía biển theo sông Bạch Đằng tiến vào. Hưng Đạo Vương theo chiến thuật vừa đánh để kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch, vừa tổ chức lui quân để bảo toàn lực lượng.

Tháng 2-1288, quân Nguyên vượt sông Hồng tiến công thành Thăng Long, triều đình phải tạm thời rút khỏi kinh thành, về vùng hạ lưu sông Hồng. Tháng 3-1288, lấy kinh nghiệm thất bại của lần trước, Thoát Hoan, đã ra lệnh đốt phá thành Thăng Long rồi rút về đóng quân ở Vạn Kiếp. Nhưng quân xâm lăng ở đây đã gặp phải sức chống cự mạnh của các lực lượng dân quân du kích, quân số hao hụt dần, lương thực ngày càng cạn kiệt vì chính sách "vườn không nhà trống"; lại nữa, thuyền lương tiếp tế cho quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy đã bị Trần Khánh Dư đánh đắm ở cửa biển Lục Thủy Dương. Trước tình thế vô cùng nguy khốn này, Thoát Hoan phải đi đến quyết định rút quân theo hai hướng: Ô Mã Nhi chỉ huy đội thủy binh được lệnh rút lui trước theo sông Bạch Đằng, còn Thoát Hoan đi đường bộ theo hướng Lạng Sơn mà rút về nước. Nhưng đội thủy quân của Ô Mã Nhi đã bị Hưng Đạo Vương đập tan bằng cách cho đóng cọc gỗ đẽo nhọn xuống long sông theo chiến thuật của Ngô Quyền từ thuở phá tan quân nhà Hán cuối năm 938 (thế kỷ thứ 10) cũng trên dòng sông Bạch Đằng này. Các tướng giặc như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ... đều bị bắt sống. Quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thu được hơn 400 chiến thuyến. Vô số quân giặc chết đuối đầy sông và toàn bộ thủy binh của quân xâm lược đều bị tiêu diệt.

Riêng Thoát Hoan theo đường Lạng Sơn để lui quân nhưng đã bị phục binh truy kích và cũng bị tổn thất nặng nề. Thoát Hoan trên đường chạy bộ về ải Nổi Bàng, bổng gặp quân Phạm Ngũ Lão chờ sẵn để tấn công. Tướng Trình Bằng Phi phải cố gắng bảo vệ Thoát Hoan, mở đường máu chạy ra Đan Kỷ, rồi qua Lộc Châu và theo đường tắt để về Tàu. Thế là chấm dứt mộng xâm lăng nước Đại Việt lần thứ ba của đế quốc Nguyên Mông.

Khi trở lại Thăng Long, vua Trần Nhân Tông sai mở tiệc khao thưởng tướng sĩ và cho dân mở hội ăn mừng ba ngày trời.

Dịp này, Thái Thượng Hoàng (Trần Thánh Tông) đã làm hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Non sông thiên cổ vững ân vàng).

Trong một thời gian 30 năm (1258-1288), dân tộc Đại Việt đã phải trải qua ba lần kháng chiến chống quân xâm lược từ phương Bắc. Ba lần đương đầu với một đội quân dũng mãnh của đế quốc Nguyên Mông, một triều đại đã từng xua quân dẫm nát cả một vùng đất rộng lớn từ Á sang Âu và đe dọa khống chế toàn cầu nếu không bị dân quân anh hùng của quốc gia Đại Việt quyết tâm ngăn chận và đánh bại. Sự chiến thắng lẫy lừng của vua quan nhà Trần và của toàn dân Đại Việt đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới khâm phục và kính nể, nhất là các vương triều đã từng bị giày xéo dưới vó ngựa xâm lăng của Thành Cát Tư Hãn.

Bằng sức mạnh đoàn kết của toàn dân (qua hội nghị Bình Than, hội nghị Diên Hồng), bằng sự lãnh đạo sáng suốt, anh minh của các vị vua nhà Trần, với chính sách trọng dụng người tài chân thành, cởi mở, không phân giai cấp (rất nhiều tướng sĩ xuất thân từ hàng dân dã như Phạm Ngũ Lão; từ gia nô như Nguyễn Địa Lô, Yết Kiếu, Dã Tượng..., nước Đại Việt đã tạo thành kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của toàn thế giới vào thế kỷ XIII. Và khuôn mặt cầm quân lẫy lòng sáng chói trong ba lần kháng chiến chống đế quốc Mông Nguyên đó là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà hôm nay chúng ta đang thành kính tưởng niệm nhân dịp húy nhật của Ngài

Sưu tầm!
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top