Trịnh Công Sơn (28 tháng 2 năm 1939 – 1 tháng 4 năm 2001) được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của âm nhạc đại chúng, Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc)[1]. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly và Hồng Nhung. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một ca sĩ và một diễn viên không chuyên. Dưới đây là những câu nói bất hủ của Trịnh Công Sơn
“Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi.Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng. Hết cuộc tình này sẽ có một cuộc tình khác. Không có ai lang chạ. Không có ai phản bội ai. Có thứ tình này có thứ tình nọ. Có tội lỗi và có thiên thần. Ðừng khen chê, bôi bác, thẩm định. Ðược yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu.”
“Tiếng nói thầm kín của một người nhiều khi suốt cuộc đời không thể nào bày tỏ. Có khi bày tỏ được thì cũng là những tiếng nói dở dang. Có người giấu bặt… Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá… Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau.”
"Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng" - Bút tích của cố NS Trịnh Công Sơn"Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi..."
"Ta biết thứ tha những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn.
Khi một người biết tự tha thứ cho mình thì đồng thời cũng phải biết tha thứ cho kẻ khác."
“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”
"Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm. "
"Một điều rất hay là khi hòa nhập với cuộc sống nơi này rồi thì mọi nỗi buồn tan biến. Sự tử tế giữa con người với con người làm mình tin rằng điều tốt là một cái gì có thể thực hiện được giữa cuộc đời này. Không có gì quan trọng cả và vì thế cũng không có gì đáng phải nản lòng."
“Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau, nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu đến đâu hãy chỉ thấy những nụ cười, những nụ cười như đoá hồng đứa bé cầm trên tay đi qua đường phố, rực rỡ một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái.”
“Tôi không bao giờ nhầm lẫn về sự khổ đau và hạnh phúc. Nhưng tôi thường rơi vào cơn hôn mê trước giấc ngủ. Ở biên giới đó tôi hoảng hốt thấy mình lơ lửng giữa sự sống và cái chết. Những giây phút như thế vồ chụp lấy tôi mỗi đêm. Khi quanh tôi, mọi người đã yên ngủ. Và tôi đau đớn nhận ra rằng, có lẽ cuộc đời đã cho ta lắm ngày bất hạnh.”
“Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu – yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.”
"Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt vàchết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến đi những giấc mơ
mộng đời không thực"
“Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của sự sống. Khi sự sống bất lực thì cái chết đến. Và cái chết hình như cuối cùng cũng chỉ là một sự ngộ nhận bất đắc dĩ của sự sống mà thôi.”
Người ta nói trên trái đất không có gì ở ngoài qui luật cả. Nhưng tình yêu hình như cũng có lúc là một ngoại lệ. Tình yêu có thể nâng bổng con người nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm kẻ háo hức. Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng định. Người ta có thể tin rằng mình được yêu và cũng có thể hiểu nhầm mình không được yêu.
Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết. Chưa hiểu hết là nói theo kiểu đại ngôn chứ thật sự là hoàn toàn không thể hiểu. Nếu có người nào đó thách thức tôi một trò chơi nghịch ngợm thì tôi sẽ mang tình yêu ra mà đánh đố. Tôi e, không ai dám tự xưng mình am tường hết nội dung phong phú và quá phức tạp của tình yêu.
Có người yêu thì hạnh phúc; có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu – yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời. Sự giả trá đó lúc biết được thì làm khổ lòng nhau biết bao nhiêu mà kể. Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết thế nào nói được. Người thật thì nằm bệnh, người giả thì nói, cười huyên thuyên. Ðời sống vốn không bất công. Người giả trong tình yêu thế nào cũng thiệt. Người thật thế nào cũng được đền bù.
Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy.
Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: “Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.
Diễm của những ngày xưa
Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây Long não lá li ti xanh mướt để đến trường.
Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.
Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những ngày nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái đi qua nhoà nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mù mịt.
Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.
Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến những phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người đi quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho một người hay cho nhiều người thì quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đi về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi còn quá cũ kỹ. Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thời giờ ngắm nhìn trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, lăng tẩm, đền đài khiến con người dễ có một phần nào hoài niệm về quá khứ hơn và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng tục luỵ. Và từ đó, Huế đã hình thành một không gian riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và mơ ước những cõi trời gần như không có thực.
Nhưng sự thật và mơ là gì? Thật ra nói cho cùng cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời khá dài lâu những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đã dệt gấm, thêu hoa những giấc mơ giấc mộng của mình.
Đó cũng là thời gian mỗi sáng tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, khi tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, truyền đi trên dòng sông để đến với những giấc mộng của mình.
Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ con người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không màu sắc, không bóng hình, chỉ có cái chết của những người già vào mùa đông quá rét mới làm sực tỉnh và bỗng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ của những vùng núi đá chung quanh.
Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng cây long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt để cuối cùng đến một nơi hò hẹn.
Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường – giấc mơ liêu trai ngày nào sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.
Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi rất xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỉ niệm. Kỉ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng vẫn phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.
Tình yêu và tiếng hát
Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa 1 cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời.
Có người đi đến với cuộc đời và ngẫm nghĩ: nếu đời sống vắng bóng âm nhạc và tiếng hát thì ta sẽ như thế nào đây? Ở đâu có con người , ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất , trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta 1 điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi, mọi người cũng sẽ mất đi, nhưng tiếng hát còn ở lại. Ở lại như chiến tích vừa buồn bã vừa huy hoàng của 1 cõi đời.
Tiếng hát thường làm nhớ nhung con người. Nhớ một con người là nhớ cả một trần gian. Cái thân thể mĩ miều của trần gian này nọ đã từng vạch ra những lối đi mờ ảo, hoang đường trong bể dâu của cuộc sống. Thân thể ấy bỗng tự thân đã biến thành thánh địa cho cuộc chiêm ngưỡng tình yêu. Âm nhạc và tiếng hát ra đời để ca tụng một gót chân, một bàn tay, những môi, mắt, má, và đôi khi một mái tóc trầm hương và sau đó là nụ cười, nước mắt của một đời người.
Tiếng hát là con đẻ của thân xác. Từ thân xác bay lên những giai điệu và lời ca. ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc, để an ủi mình. An ủi một cái gì còn ở lại và than thở một điều gì đã ra đi.
Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.
Đành vậy với tình yêu
Cho đến cuối thế kỷ này, khi mà những khám phá khoa học đã bóc trần mọi lớp vỏ huyễn hoặc của thế giới quanh ta thì con người vẫn tiếp tục hồn nhiên chất vấn mình và chất vấn nhau: Tình yêu là gì? Tình yêu có thật hay không ?
Bao nhiêu thế kỷ qua đi và tình yêu cũng thay hình đổi dạng. Đắm chìm vào những cuộc vong thân ngoạn mục, tình yêu đã hoá thân và theo từng thời kỳ, mang những khuôn mặt khác.
Tình yêu cuối thế kỷ này không còn mộng mị nữa. Những giấc mơ hão huyền đã ra đi. Con người đến với tình yêu bằng một ngôn ngữ khác. Có một thứ hình bóng của mộng du len lỏi vào giữa cái điều mà người ta gọi là tình yêu. Và cứ thế người ta lao vào cái điều “tưởng như” ấy một cách đồng bóng và đánh mất dần cái hồn phách thơ mông của những ngày đã xa xưa.
Đừng bao giờ nói một lời có tính cách khẳng định về tình yêu. Mới ngày hôm qua là như thế hôm nay đã khác rồi. Tình yêu tưởng vĩnh viễn ra đi mà không ra đi. Tình yêu vờ như ở lại mà không ở lại. Kể lại một chuyện tình thường khi là kể lại một cái gì đã mất. Nhưng cũng không hiếm những trái tim lạc hướng bỗng một hôm lại ngoạn mục quay về. Không thể nói nhiều về tình yêu mà không mắc lỗi lầm. Cứ để nó yên ở một vị trí nào đó và nhìn ngắm, quan sát hoặc chờ đợi. Tình yêu là bất khả tư nghì.
Không ai điên gì mà tự xưng mình là kẻ biết rõ về tình yêu nhất. Đau khổ cả trăm lần vẫn cứ là một đứa trẻ thơ trong tình yêu. Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim. Một trái tim kim cương không tì vết, không thách thức nhưng ngạo nghễ và thích đùa. Một thứ đùa cợt làm bằng bi hài kịch và trên sân khấu của cuôc hành trình đã làm nổ tung ra những cơn thịnh nộ của núi lửa hoặc của những mùa băng rã tuyết tan.
Dù thế nào cũng đừng phỉ báng tình yêu bởi nghĩ cho cùng nó vẫn là nguồn an ủi duy nhất. Nó là trò chơi dối trá cần thiết và qua nó chỉ có con ngưòi mới hiểu được thế nào là đau khổ để rồi có lúc phải thốt lên: Tôi buồn quá….
Tình yêu là không khoan nhượng. Cái khía cạnh ác độc của tình yêu không ai có thể đo lường được. Khi cần dập chết một cuộc tình nó sẽ không cần biết nương tay. Nó lạnh lùng thản nhiên trước cơn hấp hối của “con bệnh tình”. Vì thế xin các hoàng tử, quí công nương hãy biết kềm giữ mình khi đứng bên mép bờ hiu hắt và luôn luôn chuẩn bị sẵn cho mình một bài kinh thiền định để giữ được cõi lòng bình an, tĩnh lặng. Mọi cơn bão sẽ qua đi và trên các bờ bãi, biển đã để lại bao nhiêu là sinh vật biển cho một bữa tiệc dù muộn màng, phù du, nhưng cũng đủ để làm hồi sinh một nỗi khát sống và xoá đi những thương tích tuồng như không đáng có.
Tình yêu không có thắng bại. Ở đây không phải đấu trường mặc dù vẫn có những vết thương. Thậm chí đôi khi còn mang đến những cái chết, những cái chết không báo trước nhưng cũng nhuốm đầy đủ màu sắc tai ương, của một kiếp nạn. Những cái chết như thế không còn mới mẻ gì nữa, chỉ đủ gây ngạc nhiên thoáng qua để có dịp nhắc nhở lại một thời kỳ vàng son của triều đại lãng mạn. Thế nhưng ở đâu đó trên các vỉa hè trong lòng các đô thị, nhất là dưới ánh đèn mờ tỏ ở các ngoại ô, tiếng xì xào vẫn cứ vang lên như một ngọn gió xót thương qua các đền thờ của ảo giác. Đó cũng là lời tôn vinh phù phiếm nhằm làm thăng hoa tình yêu hầu khôi phục lại một thứ lòng tin đã bị đánh mất.
Nếu có dịp chạm vào tình yêu thì hãy thử mượn một cỗ xe chở lòng bất kính đến trước. Có thể không hẳn là lòng bất kính mà một cái gì đó gần với sự thờ ơ, lãnh đạm hoặc một phương cách lịch sự bóng bẩy phường tuồng. Đó là lá chắn cần thiết, một thứ bùa hộ mạng để chống đỡ những mũi dao vô đạo có thể gây thương tích bất ngờ trên lòng tự trọng.
Tình yêu hình như không di chuyển trên một mặt phẳng. Nó thường dẫn người trong cuộc đi qua những nơi chốn không hề dự phòng trước. Thế rồi một hôm bỗng dưng mọi chuyện cứ lệch lạc hẳn đi và người trong cuộc thấy mình không còn là mình nữa. Như trong mùa biển động, những con sóng dữ tha hồ nhảy múa và nó rút dần tinh lực của con người.
Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu. Những giấc mơ hồng, những ác mộng đen. Đôi khi có những cái bóng vô hồn ngoan ngoãn tới lui trong không gian vô hình của những câu thần chú. Khi nhóm lửa đốt lòng mình trên những mê hoặccủa lời thề nguyền thì lúc ấy chỉ còn âm binh nói chuyện với âm binh. Giấy vàng bạc bay lả tả phủ hết con đường tỉnh thức để mở ra một cõi đời son phấn ngào ngạt hương hoa mơ mơ, tỉnh tỉnh, muội muội, mê mê nhưng đầy một thứ lạc thú riêng tư, một cõi trời bay bổng.
Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.
Tôi thấy tình bạn quí hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.
Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời.
Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát. Trên mặt đất, trần gian này tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu.
Có những kẻ thấy được thiên đường. Có những kẻ thấy được địa ngục. Và có không ít những kẻ bị chọc mù đôi mắt khi đi qua tình yêu.
Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc.
Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi. Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình.
Hãy đau đớn đi. Biết đau nỗi đau của người khác và của chính mình là dấu hiệu của lòng nhân ái. Cái tín hiệu đó phát đi và mọi người nhận được.
Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng.
Không có bài hát nào nói đủ về MẸ. Mất MẸ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người..
Đừng mơ ước gì xa xôi bởi vì giấc mộng của chúng ta là có thật, hoặc có thật trong bờ cõi nhỏ nhắn nhưng đôn hậu và tình tứ này.
Đừng để hồn mình mòn đi vì những tổn thương tưởng có thật mà không thật.
Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn. Khi một người biết tự tha thứ cho mình thì đồng thời cũng phải biết tha thứ cho kẻ khác.
Ca khúc là đời sống thứ hai, sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư.
Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không.
Sự phản bội còn mạnh hơn bạo lực. Và chỉ có sự phản bội mới làm ta xa lìa nhau. Còn bạo lực thường không có một đời sống lâu dài.
Hạnh phúc là một điều không bao giờ có thật. Nếu có thật thì những nhà tiên tri vĩ đại đã không nhọc lòng bịa đặt thêm Thiên Ðường và Niết Bàn để làm gì nữa. Cái hạnh phúc ở Trần Gian chính là ý thức được khổ đau. Ðau khổ nên phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn. Bài học ấy không dề gì, bởi Cuộc Sống cho đến nay điều Thiện vẫn còn vắng bóng.
Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột.
Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người.
Đừng than thân trách phận. Đời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời.
Tình yêu có lẽ là lời nói dối uyên thâm nhất của trái tim.
Đừng tuyệt vọng vì cuộc đời hồn nhiên đôn hậu vẫn luôn luôn cho ta những ngày vui khác. Những ngày vui của đời thì thênh thang vô tận. Hết cuộc tuyệt vọng này đến một cuộc tuyệt vọng khác biết đâu cũng là một niềm vui. Một niềm vui dù không có thật thì cũng đủ an ủi trong phút chốc.
Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh vang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.
Tôi tin rằng sẽ có lúc tất cả mọi người đều cảm thấy mình thật sự hạnh phúc khi biết xoá đi cái biên giới thù nghịch trong lòng mình.
Cái chết chẳng qua cũng là một sự đùa cợt sau cùng của sự sống.
Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống.
Trong đời sống, vì sợ mất nhau mà phải dự phòng than thở trước. Than thở như dự kiến một điều bất hạnh có thể phải xảy ra. Cho nên khi nói đến sự mất mát có thể đó là sự mất mát của người khác chứ không phải của mình. Phút ấy, cái chung bỗng biến thành cái riêng và vì sao lại ái ngại không mang cái riêng để nhờ cõi chung chia sẻ cùng mình.
Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì. Có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩa bền vững: “Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.
Quên và biết quên cũng là một lẽ sống ở đời.
Biết quên nên đời bỗng nhiên biết cất tiếng hát.
Chấp nhận tình yêu là chấp nhận một thứ có có, không không, đùa đùa, thật thật. Nó vô hình tướng nhưng làm rã tan hồn phách. Không có nó thì đời sống không biết sẽ tẻ nhạt đến dường nào. Thôi thì đành có nó vậy.
Đến một lứa tuổi nào đó, chia vui và chia buồn đều có một nỗi mệt nhọc như nhau.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại.
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.