Những cảm xúc và suy nghĩ của em về Thuý Kiều qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. TÌM HIỂU ĐỀ
- Kiểu đề : Nghị luận kết hợp với bộc lộ cảm xúc.
- Yêu cầu : Phân tích và phát biểu cảm nghĩ về nhân vật Thuý Kiều qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
II. DÀN Ý
A. Mở bài
- Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã khắc hoạ được nhiều nhân vật tiêu biểu, đáng nhớ. Nhưng một trong những nhân vật đáng yêu, đáng nhớ nhất là Thuý Kiều.
- Thuý Kiều là nhân vật lí tưởng của Nguyễn Du. Thuý Kiều không chỉ tài sắc vẹn toàn mà còn là một cô gái có tâm hồn cao đẹp, có đời sống nội tâm phong phú.
- Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã chứng tỏ nàng là một cô gái có tình yêu thuỷ chung trong sáng, một người con hiếu thảo tận tình.
B. Thân bài
1. Ở lầu Ngưng Bích, Thuý Kiều phải sống trong một hoàn cảnh éo le, cô đơn rất tội nghiệp.
a) Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, bị Tú Bà ép tiếp khách làng chơi, Thuý Kiều đau đớn, tủi nhục tìm đến cái chết. Tú Bà sợ mất “ cả vốn lẫn lời “ vội khuyên can, vờ hứa hẹn sẽ gả nàng cho một người tử tế. Mụ đưa Kiều ra sống ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng, tìm mưu thâm độc buộc nàng phải tiếp khách.
b) Thuý Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, trơ trọi giữa không gian mênh mông hoang vắng :
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Cảnh non xa, trăng gần gợi hình ảnh lầu Ngưng Bích cao ngất nghểu, chơ vơ giữa một vùng trời đất. Từ trên lầu nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mù mịt. Thuý Kiều sống ở đó, sớm làm bạn với trời mây, đêm làm bạn với ngọn đèn, thui thủi một mình một bóng.
2. Trong hoàn cảnh éo le càng thấy rõ tấm lòng thuỷ chung trong sáng của Kiều.
- Những tưởng sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, bị làm nhục, bị ép uổng làm công việc dơ bẩn, Thuý Kiều chỉ còn đủ sức nghĩ đến nỗi đau khổ của riêng mình. Nhưng vượt lên trên nỗi riêng, Thuý Kiều nhớ tới Kim Trọng với một nỗi nhớ thương, day dứt :
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Nàng và Kim Trọng đã cùng thề nguyền gắn bó rồi chính nàng đã phải phụ lời nguyền, phụ chàng. Nàng xót xa nghĩ, giờ này chắc hẳn Kim Trọng vẫn đang chờ mong tin tức của nàng, đâu biết rằng nàng đã phải bán mình vào nơi hang hùm miệng rắn, một mình bơ vơ nơi góc biển chân trời. Chàng đâu biết, tình yêu son sắt, trắng trong mà nàng thề trao tặng, gắn bó trọn đời với chàng đã bị lũ buôn thịt bán người dập vùi hoen ố. Trước lúc chia tay, Kim Trọng gửi gắm, dặn dò :
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Nàng đã hứa hẹn. Nhưng nàng đã không có cách gì để giữ vẹn lời thề. Giờ đây, nàng đau đớn nghĩ, vết nhơ bẩn ấy biết đến bao giờ gột rửa cho sạch mà còn mong xứng đáng với chàng? Nàng day dứt, tự hổ thẹn vì đã phụ tình yêu, niềm tin, lòng mong mỏi, sự gửi gắm của chàng. Thấu hiểu tâm sự ấy, tấm lòng ấy của Kiều, trong màn đoàn viên, Nguyễn Du đã mượn lời Kim Trọng để thuyết phục Kiều. Rằng, Kiều đã lấy hiếu làm trinh, hành động của Kiều đã vượt qua sự khắt khe của lễ giáo đương thời để làm nên một quan niệm mới, giá trị mới của chữ "trinh" :
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến, có khi thường...
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh
Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay.
Gặp gia biến, Kiều phải bán mình chuộc cha rồi bị đày đoạ vào nơi sóng gió phũ phàng. Nhưng tận đáy lòng, nàng luôn tự giày vò mình vì đã không giữ được tình yêu chung thuỷ. Chi tiết đó đã là bằng chứng hùng hồn nhất cho tấm lòng thuỷ chung trong trắng của Kiều, dù mai đây, cuộc đời nàng mỗi ngày lại bị nhấn sâu vào vũng lầy nhơ nhớp.
3. Không chỉ thuỷ chung trong sáng, Kiều còn là một người con hiếu thảo, nhân hậu.
Bị đoạ đày về cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng trong lòng Kiều rưng rưng nỗi thương cha nhớ mẹ. Nàng xót thương vô hạn khi hình dung ra cảnh sáng sáng, chiều chiều cha mẹ nàng tựa cửa trông ngóng tin con trong vô vọng. Nàng xót xa khi cha mẹ tuổi già sức yếu mà nàng không được ở bên chăm sóc, đỡ đần. Nàng băn khoăn tự hỏi, không biết giờ đây cha mẹ ai đang chăm sóc. Ai là người trời nóng bức thì quạt cho cha mẹ ngủ, trời lạnh giá thì vào nằm trước trong giường cho ấm chiếu chăn để cha mẹ nằm ? Nàng xa nhà đến nay đã mấy mùa mưa nắng, quê hương chắc đã nhiều thay đổi. Cha mẹ mỗi ngày thêm già yếu, mà nàng thì bơ vơ lưu lạc xứ người. Nàng đau đớn khi nghĩ mình đã phụ công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ.
Trong cảnh ngộ hiện tại, Kiều là người đau khổ nhất, đáng thương, đáng được quan tâm nhất. Nhưng nàng đã quên nỗi khổ của bản thân để nhớ thương, lo nghĩ cho Kim Trọng, cho cha mẹ. Kiều không chỉ là một cô gái có tình yêu chung thuỷ, tâm hồn trong sáng mà còn là một người con hiếu thảo, một con người có tấm lòng nhân hậu, vị tha đáng trọng.
C. Kết bài
- Tình yêu thuỷ chung, tâm hồn trong trắng là nét bản chất trong tính cách của Kiều. Nhân hậu, vị tha, hiếu thảo tận tâm cũng là một nét tính cách cơ bản của Kiều. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cho chúng ta một bài học về sự hi sinh cao thượng vì tình yêu, vì những người thân thiết mà ta yêu ta quý.
- Nhân vật Thuý Kiều sống mãi cùng với tên tuổi của Nguyễn Du không chỉ vì tài sắc mà chính vì tâm hồn và phẩm cách đẹp đẽ.
Sưu tầm