Mặc dù chưa đến ngày bàn giao hồ sơ ĐKDT cho các trường ĐH, CĐ nhưng nhìn chung các địa phương đều cho biết: Số lượng hồ sơ ĐKDT năm nay giảm đáng kể, lựa chọn hàng đầu của thí sinh vẫn là nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng.
Nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng vẫn là lựa chọn hàng đầu của thí sinh.
Nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng vẫn là lựa chọn hàng đầu của thí sinh.
Theo nhận định của các chuyên gia thì do nhu cầu nguồn nhân lực khối các ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng trong thời gian tới vẫn chưa bão hòa. Trong khi đó lương thu nhập bình quân của các ngành này khá cao nên việc năm 2010 thí sinh đổ xô nộp hồ sơ ĐKDT vào khối các ngành này là điều dễ hiểu. Tuy nhiên những sự lựa chọn ngành nghề theo trào lưu như hiện nay cũng sẽ làm nguy cơ lệch cán cân nguồn nhân lực trong những năm tới.
Hội chứng mở ngành và “thả nổi” đầu ra
Có lẽ đoán trước được xu hướng của thí sinh nên năm 2010 chỉ tiêu mà các trường dành cho nhóm ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân khá rộng mở.
Cách làm kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh của các trường hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào những gì mình có (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...) và cố gắng tuyển thật nhiều để đảm bảo nguồn thu. Chính vì thế, nếu như trước kia chỉ có một số ít trường đào tạo các chuyên ngành về Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng thì vào thời điểm hiện tại có trên 2/3 số trường ĐH, CĐ trên cả nước chạy đua mở các nhóm ngành “hot” này.
Cuộc chạy đua mở ngành “hot” để hút thí sinh không chỉ diễn ra đối với các trường top trên, top giữa mà nó còn căng thẳng ngay cả đối với các trường top dưới. Thậm chí ngay cả các trường ĐH, CĐ (công lập, dân lập) ngay sau khi có quyết định thành lập cũng trình Bộ GD-ĐT xin phép mở các nhóm ngành “hot” để hút thí sinh.
Tuy nhiên khi cơ hội rộng mở cho thí sinh thì cũng là lúc nhiều “cạm bẫy” thử thách đối với chính họ. Nếu như các thí sinh có học lực khá giỏi thì sự lựa chọn số 1 vẫn là các trường có truyền thống đào tạo lâu năm và có uy tín như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân... thì trái lại đối với các thí sinh có học lực trung bình lại phải đứng giữa “rừng” trường để đắn đo cân nhắc.
Theo lời tâm sự của các sĩ tử, nếu những năm trước kia thí sinh mù mờ không biết thông tin đào tạo của các trường cụ thể ra sao thì năm 2010 do các trường thực hiện quy chế “3 công khai” nên cũng có kênh thông tin để đối chiếu và lựa chọn ĐKDT. Ngoài việc quan tâm về mức học phí của các trường, thí sinh cũng chú trọng đến chuẩn đầu ra mà các trường công bố.
Song một nghịch lý tồn tại mà không phải thí sinh nào cũng biết đó là cùng một ngành đào tạo nhưng chuẩn đầu ra của các trường lại khác nhau một trời một vực. Trong khi đó việc sinh viên có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không vẫn là một dấu chấm hỏi!
Một chuyên gia tuyển sinh nhận định, với xu hướng như hiện tại thì chắc chắn sau 5 năm nữa, nguồn nhân lực ngành Kinh tế sẽ rất lớn. Chỉ riêng các trường chuyên về khối kinh tế đã cho ra lò hàng chục ngàn sinh viên mỗi năm, chưa kể các khoa kinh tế trong các trường khác, cũng như các đối tượng học tại chức, học văn bằng hai, thạc sĩ. Với quy mô như vậy thì những sinh viên theo học các ngành “hot” năm nay sẽ khó mà có việc sau khi tốt nghiệp.
Những cơ hội bị bỏ phí
Thống kê sơ bộ bước đầu của các địa phương thì năm 2010 số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối các ngành Kỹ thuật, Tự nhiên giảm đáng kể.
Trong khi khối các ngành kỹ thuật vẫn còn có chút thế mạnh từ những ngành được coi là “hot” một thời nên vẫn hút được thí sinh ĐKDT như Công nghệ thông tin, Công nghệ môi trường… thì trái sự thăng hoa của khối ngành Kinh tế đã làm cho nhóm các ngành thuộc khối tự nhiên “tụt dốc” không phanh.
Theo lãnh đạo của trường ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia Hà Nội thì vài năm trở lại đây một số ngành khoa học cơ bản của trường “rất khó” tuyển sinh. Phần lớn các ngành khó tuyển đều liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, vất vả nhưng mức thu nhâp lại thấp nên thí sinh “ngại” đăng ký.
Theo tâm sự của một giảng viên trong trường, nếu học nhóm ngành khoa học cơ bản mà không đi theo hướng nghiên cứu thì chắc chắn mức thu nhập sẽ không cao. Song khi được tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn thì mức thu nhập chắc chắn sẽ làm cho nhiều người “choáng”. Tuy nhiên để có thể làm được trong công tác nghiên cứu đòi hỏi thí sinh phải có sự đam mê và học hỏi không ngừng.
Thực tế tại trường ĐH KHTN cũng cho thấy, không ít sinh viên tốt nghiệp từ những ngành mà thí sinh lâu nay “chê” lại có thu nhập cao chót vót khi tham gia vào công tác nghiên cứu, chẳng hạn như các chuyên ngành thuộc khoa Địa chất.
Cũng theo lời giảng viên này thì với xu hướng chọn ngành năm nay của thí sinh cho thấy công tác hướng nghiệp trong nhà trường cần phải được sớm triển khai. Nếu nhìn một cách tổng qua thì hiện nay Việt Nam đang phát triển về kinh tế nên các ngành Tài chính, Kế toán, Ngân hàng… khát nhân lực chỉ là chuyện trước mắt. Nhưng trong tương lai với sự biến đổi của khí hậu toàn cầu thì nhu cầu của Việt Nam sẽ là nhân lực trong các ngành Môi trường, Xây dựng…
Theo Dân trí.
Theo Dân trí.