tunglam1982
New member
- Xu
- 0
Quê tôi không có rừng ban trắng tinh như Lào Cai, Yên Bái; không có rừng đào thắm, đào phai như Lai Châu, Điện Biên hay những vườn quất vàng ruộm của Quảng Bá, Tây Hồ (Hà Nội) – những sứ giả của thiên nhiên báo hiệu xuân về. Mà quê tôi tự hào với những nương ngô, bãi mía, có con sông Hồng cuộn chảy ngày đêm, có con đường đê bao bọc xóm làng. Và cứ mỗi độ cuối đông, khi bãi mía nương ngô còn trơ lại đất cỏ, khi con sông Hồng dập dềnh dênh nước, khi những khóm mạ chiêm đã bắt đầu bén rễ, xanh cây… thì cũng là lúc người dân bắt đầu cảm nhận được những tín hiệu của buổi giao mùa, thấy được bước chân nhẹ nhàng của nàng xuân đang khẽ khàng gõ cửa từng nhà, thấy trong lòng xốn xang những niềm vui khó tả.
Nhưng có lẽ hồi hộp, háo hức, bâng khuâng nhất là lũ trẻ chúng tôi – những “chú trống choai”, “bọn tiểu yêu” của làng khi được thầy cô cho nghỉ học, được đắm mình trong không khí nhộn nhịp, tưng bừng của ngày sắp tết. Không bị bố mẹ la mắng vì chểnh mảng việc đồng, chúng tôi được tụ tập cùng bạn bè, thỏa sức vẫy vùng trong không gian của đồng quê với những trò chơi đậm chất dân gian, nào là kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, nhảy dây, bắn bi… Suốt dọc con đường đê ngoằn ngoèo, quanh co hay dưới những triền cỏ ven đê cùng với những chú châu bò thong thả gặm cỏ là những hoạt động hồn nhiên, tinh nghịch của tuổi thơ. Nhìn lũ trẻ chúng tôi đùa vui, quậy nghịch trong không khí sắc xuân đang xâm chiếm khắp không gian, nhiều người không nén nổi cảm xúc bởi chúng tôi như đã đánh thức trong tâm trí họ về những kí ức tuổi thơ, về vùng quê yên ả, thanh bình, nơi có những đứa trẻ thơ đã góp phần làm nên không khí tết.
Nhưng có lẽ hồi hộp, háo hức, bâng khuâng nhất là lũ trẻ chúng tôi – những “chú trống choai”, “bọn tiểu yêu” của làng khi được thầy cô cho nghỉ học, được đắm mình trong không khí nhộn nhịp, tưng bừng của ngày sắp tết. Không bị bố mẹ la mắng vì chểnh mảng việc đồng, chúng tôi được tụ tập cùng bạn bè, thỏa sức vẫy vùng trong không gian của đồng quê với những trò chơi đậm chất dân gian, nào là kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh đáo, nhảy dây, bắn bi… Suốt dọc con đường đê ngoằn ngoèo, quanh co hay dưới những triền cỏ ven đê cùng với những chú châu bò thong thả gặm cỏ là những hoạt động hồn nhiên, tinh nghịch của tuổi thơ. Nhìn lũ trẻ chúng tôi đùa vui, quậy nghịch trong không khí sắc xuân đang xâm chiếm khắp không gian, nhiều người không nén nổi cảm xúc bởi chúng tôi như đã đánh thức trong tâm trí họ về những kí ức tuổi thơ, về vùng quê yên ả, thanh bình, nơi có những đứa trẻ thơ đã góp phần làm nên không khí tết.
Ký ức chuông chùa đem 30
Là vùng quê trung du thuần nông, phía sau là núi non trập trùng, phía trước là đồng bằng, sông nước, làng tôi tiếp giáp với sông Hồng với những vùng bãi rộng mênh mông. Hết chơi trên triền đê, chúng tôi lại trở về vùng bãi, chạy nhảy nô đùa trong niềm vui khôn tả. Chúng tôi xây những lâu đài cát, tạo những hình thù ngộ nghĩnh và cuối buổi bao giờ cũng là một trận đấu bóng nhựa cuồng nhiệt với những cầu thủ nhí được tập hợp từ các thôn làng.
Tết đến với tuổi thơ dường như nhanh và gấp gáp hơn bởi niềm háo hức, chờ đợi luôn thường trực trong lòng. Và một trong những niềm vui làm nên kí ức tuổi thơ tôi là những hôm được cùng mẹ đi chợ tết. Cái tên chợ quê tôi cũng thật đặc biệt: chợ Đầu Đê. Không biết cái tên giản dị ấy có từ bao giờ, chỉ biết nó gắn liền với con đê làng đã đi vào suy nghĩ, tiềm thức của bao người. Chợ họp ở triền đê và có khi tràn lên cả mặt đường trong những ngày tết với biết bao thứ mặt hàng nông sản, những gánh hàng hoa, những đồ thực phẩm, đồ trang trí… được bày bán đẹp mắt như hút hồn lũ trẻ. Vào chợ, chúng tôi như lạc vào một thế giới mới, vừa lạ, vừa quen; quen với những gương mặt người dân thân thuộc, những cô, những chú bác cùng làng; lạ với những sắc màu rực rỡ của những sản phẩm tết được du nhập ở nới khác về, nhất là những gian hàng đồ chơi, những sạp quần áo luôn là niềm thích thú, say mê, cuốn hút tuổi thơ.
Những ngày áp tết, trong khi bố mẹ, anh chị tấp nập dọn dẹp, phát quang dãy tre hàng rào, quét vôi tường nhà, sơn lại tấm cửa, dựng lên cây nêu, chuẩn bị thực phẩm đón tết, thì bọn trẻ chúng tôi cứ xuýt xoa trước bộ quần áo mới, mong sớm đến ngày mùng một được diện bộ đồ hàng hiệu khoe với bạn bè, được ông bà mừng tuổi, được theo cha mẹ đi chúc tết người thân, láng giềng. Những ngày cuối năm, gia đình nào cũng như hối hả, tất bật. Ngay từ sáng tinh mơ đã thấy những ông bố gọi nhau í ới, bàn bạc kế hoạch mổ lợn ăn chung; còn các bà, các chị lại ra cầu ao làm những công việc thân quen đãi gạo, rửa lá rong, gói bánh, rồi thắp lên ngọn lửa nấu nồi bánh chưng thơm mùi rơm rạ và đất đai quê nhà…
Với tuổi thơ tôi, hình ảnh, âm thanh ấn tượng nhất, có sức ám ảnh những năm tuổi thơ và mãi mãi sau này là tiếng chuông chùa ngân vang trong đêm giao thừa. Cái âm thanh quen thuộc mà hàng tháng tôi vẫn thấy vang lên trong ngày mùng một hay hôm rằm. Thứ âm thanh lanh lảnh, trong trẻo và linh thiêng phát ra từ ngôi chùa cổ khi các bà các mẹ hành hương khấn lễ, cầu mong sức khỏe vượng và cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Và cũng chính tiếng chuông ấy nhưng cất lên trong đêm 29 hay 30 tết lại có một sức ngân vang kì diệu, có sức mạnh lớn lao khiến không gian như tĩnh lặng, thời gian như ngừng trôi và lòng người xôn xao những xúc cảm thánh thiện. Năm nào cũng vậy, sau bữa cơm tất niên sum họp gia đình, tôi lại cùng bạn bè chạy đến ngôi chùa cổ trong niềm thấp thỏm, chờ đợi giây phút giao thừa, được nghe âm thanh vang vọng của tiếng chuông đêm. Đêm ấy người người ra đường tấp nập, họ đi trong niềm vui với những câu chuyện buồn vui của năm cũ, những lời mời, những lời tán tỉnh, hẹn hò, những cái làm quen thân mật với những gương mặt xa quê lâu ngày trở lại. Càng về khuya, dòng người càng hối hả hướng về ngôi chùa cổ kính – nơi in dấu những trầm tích lịch sử văn hóa, nơi chứng kiến những sinh hoạt cộng đồng. Ngôi chùa làng mang tên Chùa Yên Lan, nơi thờ Phật và con gái của Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa – người mẹ có 5 người con đều theo Bà Trưng đánh giặc, có công với xã tắc, gìn giữ xóm làng, bảo vệ nhân dân.
Và đúng thời khắc 0 giờ, tiếng chuông chùa đổ dồn vang xa báo hiệu thời khác chuyển giao của đất trời. Không ai bảo ai, mọi người nín lặng cảm nhận thứ âm thanh thiêng liêng vang vọng hồn núi sông, thứ âm thanh thánh thiện, trong trẻo ngân vang như khơi dậy và đánh thức trong tâm trí mỗi người về tương lai tốt đẹp với những ước mơ, khát vọng lớn lao tràn đầy lòng nhân văn, hướng thiện. Với tôi, đó không phải là thứ âm thanh thuần túy cơ học mà là âm thanh chứa đựng tình người, mang hồn núi sông, âm thanh của khát vọng, niềm tin, của tín hiệu mừng báo hiệu xuân sang. Với lũ trẻ chúng tôi, dù không thể hiểu hết được ý nghĩa sâu sa của tiếng chuông ngân nhưng thấy lòng thanh thản, phơi phới những nỗi niềm, thấy nó thật thiêng liêng, kì diệu. Mặc dù tiếng chuông đã ngừng nhưng sức ngân nga của nó vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của người dân quê. Nhiều người còn nán lại ít lâu để cảm nhận cái xốn xang bâng khuâng của tiếng chuông chùa. Những người khác lại nhanh chân vào chùa thắp nén nhang thơm, tỏ lòng công đức, xin cành lộc xuân với điều ước giản dị trong niềm thành kính, tri ân. Còn với chúng tôi háo hức được vào chùa để ngắm nhìn những bức hoành phi câu đối uy nghi, những bức phù điêu, những lọ lục bình khổng lồ, những pho tượng phật đức độ, hiền từ, và cũng như đang nhìn chúng tôi với niềm thích thú…
Dù tiếng phào đì đoàng xua đuổi tà ma, chào mừng xuân mới đã lùi xa vào dĩ vãng, thì vẫn còn đó những tiếng chuông chùa trong đêm ba mươi đã khơi dậy và thắp lên trong trái tim chúng tôi những hy vọng, mong ước về một cuộc sống thanh bình, một cuộc đời êm ấm, hạnh phúc. Để rồi trong giấc ngủ chập chờn của đêm giao thừa, tiếng chuông chùa cứa vang vọng mãi không thôi, gợi nhắc và mở ra trong tôi bao điều kì diệu về cuộc sống này thật đáng yêu, đáng nhớ…
Nguyễn Huy Phòng
Viện Văn hóa và Phát triển
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
135, Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT. 0987 805 607
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: