Nhịp điệu trần thuật trong tác phẩm tự sự

vanchuong83

New member
Xu
0
[h=1] NHỊP ĐIỆU TRẦN THUẬT TRONG TÁC PHẨM TỰ SỰ
(Qua "Thảo nguyên" của Sê - khốp)[/h]
PGS. Lê Lưu Oanh


1- Nhịp điệu trần thuật là một nội dung trong lý thuyết về tự sự nói chung. Nhịp điệu trần thuật liên quan tới vấn đề kết cấu văn bản ngôn từ. Kết cấu văn bản cùng với kết cấu hình tượng làm cho việc kể chuyện phải đạt được yêu cầu tạo hình và biểu hiện, để có khả năng tái hiện bức tranh đời sống và thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả một cách tối đa [Trần Đình Sử, Phương Lựu, Lý luận văn học, T2, Giáo dục, 1987, tr.110]. Trong tác phẩm tự sự, các sự kiện (các cuộc gặp gỡ, hành động, biến cố có khả năng làm cho nhân vật hành động và biến đổi về suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức, thậm chí cả số phận) như những thành phần cơ bản của cốt truyện, thay thế lẫn nhau một cách năng động, thể hiện dòng chảy của đời sống hiện thực, góp phần làm cho cốt truyện phát triển. Có thể gọi, các sự kiện là thành phần mang tính chất động trong cốt truyện. Sự kế tiếp của chúng làm cho câu chuyện có mở đầu, diễn biến và kết thúc.

Song, việc trần thuật cốt truyện không chỉ dừng lại ở những sự kiện, mà còn chú ý tới các thành phần khác, mang tính chất tĩnh tại như các đoạn giới thiệu tiểu sử nhân vật, miêu tả chân dung, ngoại cảnh (đồ vật, môi trường, thiên nhiên), tái hiện tâm trạng, các đoạn đối thoại, độc thoại, bình luận trực tiếp của tác giả, các đoạn trữ tình ngoại đề, các câu chuyện được kể xen vào…
Dù là những thành phần tĩnh tại, nhưng như R. Barthes đã khẳng định, trong cấu trúc truyện kể, không có yếu tố thừa, cho dù sợi chỉ xâu chuỗi đơn vị cốt truyện với các đơn vị khác có thể rất dài và mong manh. Mỗi yếu tố trong tác phẩm đều mang tính chức năng tức đều có ý nghĩa. Để hiểu được một thiên tường thuật, vì thế, không có nghĩa chỉ là việc dõi theo tiến trình của cốt truyện, mà còn phải soi rọi các mạch liên kết theo chiều ngang tạo nên “sợi chỉ tường thuật” nối với trục đứng còn tiềm ẩn [R. Barthes, Nhập môn phân tích cấu trúc truyện kể, TCVHNN, 1/2003, tr.10-115]. Và theo G. N. Pôxpêlốp, thường thì các mối liên hệ bên trong của câu chuyện với các thành phần tĩnh tại như vậy “có ý nghĩa có khi còn quan trọng hơn so với mối liên hệ thời gian hoặc nhân quả của cốt truyện” [Dẫn luận nghiên cứu văn học, Giáo dục, 1985, T2, tr.61].

Với sự mở rộng các thành phần tĩnh tại, tác phẩm tự sự có điều kiện trình bày một cách trọn vẹn, đầy đặn về bức tranh đời sống cũng như sự cảm nhận của con người về nó, bởi “các đơn vị thông tin ấy đã góp phần tạo ra ảo giác về tính chân thực của những điều đang diễn ra, làm tăng chất hiện thực cho câu chuyện” [Barthes, 2003, tr.110-115]). Các thành phần tĩnh tại giúp tạo nên không khí, màu sắc, nhịp điệu, ấn tượng, cách đánh giá và cảm thụ về thế giới, làm nên nét độc đáo về giá trị thẩm mỹ của nội dung đời sống được thể hiện trong tác phẩm Sự phối hợp luân phiên xen kẽ các thành phần mang tính động và tĩnh trong trần thuật sẽ tạo nên nhịp điệu trần thuật. Sự luân phiên các thành phần đó có thể nhanh hoặc chậm, tuỳ thuộc vào bức tranh tạo hình và biểu hiện của thế giới được miêu tả. Như vậy, nhịp điệu trần thuật trước tiên thể hiện qua tốc độ trần thuật. Trong một tác phẩm, nhịp điệu trần thuật có thể lúc chậm rãi, đều đều, lúc nhanh chóng, gấp gáp. Tập một tác phẩm Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi được kể với một tốc độ chậm rãi khoan thai. Sang đến tập hai, tốc độ kể chuyện được đẩy nhanh phù hợp với nhịp điệu sôi nổi, căng thẳng, gấp gáp của những ngày Cách mạng Tháng Tám.

Nếu như người kể tập trung vào các sự kiện, nghĩa là chú ý tới thành phần mang tính động thì tốc độ trần thuật sẽ nhanh. Còn nếu dừng lâu ở các thành phần tĩnh tại, mở rộng miêu tả, bình luận với các câu chuyện xen vào thì tốc độ trần thuật trở nên chậm rãi. Theo R. Barthes, các thành phần đó đều có thể làm tăng hoặc giảm tốc độ kể chuyện, thậm chí còn kéo lui câu chuyện trở lại quá khứ [Barthes, 2003, 110-115]. Trong Truyện Kiều, có sự gối đầu chồng chéo các sự kiện, tạo nên một nhịp điệu gấp khúc đầy tan vỡ, đau đớn: Kiều Kim vừa thề thốt đã phải chia ly; Kim vừa đi xa, nhà Kiều đã gặp tai biến khủng khiếp; Kiều vừa khuyên Từ ra hàng, lập tức bị lừa đến mức phải tự tử… Phối xen với nhịp điệu gấp gáp mang tính định mệnh ấy, còn có những đoạn tả chân dung, tả cảnh, tả tình chậm rãi như những khoảng thư giãn, hứa hẹn những đổi thay mới [Trần Đình Sử, Lí luận văn học, T2, 1987, tr.112].

Nhịp điệu trần thuật còn liên quan tới việc tổ chức các yếu tố thời gian. Đó là việc xử lý mối liên hệ giữa thời gian thực tế và thời gian trần thuật. Thời gian thực tế diễn ra theo tuyến tính, theo trình tự, liên tục, đều đặn. Thời gian trần thuật có chỗ đảo trình tự, đứt đoạn, trình bày song song, lúc nhanh lúc chậm, có lúc dừng lại, đi vào một mạch rẽ nào đó. Thời gian trần thuật tạo ra nhịp điệu trần thuật so với độ dài thời gian thực tế.

Tại các thời điểm trên trục thời gian tuyến tính, tác giả sẽ tạo ra vô vàn các móc nối để phát triển, đan cài các chi tiết, hình ảnh, cảm giác, suy nghĩ. Trên những trục thời gian ấy, một quãng thời gian trần thuật (dù ở quá khứ hay hiện tại, dù dài hay ngắn) được coi như một trường đoạn nhịp thời gian cơ bản, mà mỗi trường đoạn ấy đều có những trọng âm, điểm nhấn (thường là một biến cố đặc biệt làm xao động cảm xúc và hoàn cảnh hiện tại của nhân vật) và phút lặng (kéo dài các đoạn tả cảnh, tả tình, bình luận…), và sự lặp lại mang tính định kỳ như một chủ âm (trong văn xuôi, đó có thể là việc lặp lại của một hình ảnh ẩn dụ, một biểu tượng, một môtíp, một nhân vật, một cảm xúc, một thái độ mang tính bao trùm). Mở đầu tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) là một nhịp kể bình thản bắt vào việc miêu tả mùa mưa đầu sau chiến tranh: mưa mờ mịt, nhạt nhoà, mờ mỏng, dịu như sương, êm lặng rơi không thành tiếng, tiếng thở dài của rừng rậm, tuyệt mù hư ảo… Sự chậm rãi của nhịp kể hoà cùng sự chậm rãi, êm dịu của màn mưa. Tiếp đến đột ngột như một trọng âm, điểm nhấn mạnh mẽ là những hình ảnh khủng khiếp của trận đánh mùa khô năm 1969 và cuộc gặp gỡ và chia tay cuối cùng đầy dự cảm tai hoạ của tiểu đội trinh sát trước màn tiến công vào Sài Gòn tháng 4-1975. Sau đó, lại quay về ký ức với ấn tượng lặp lại, nâng cao và xoáy sâu là những ngày mưa triền miên năm 1974 cùng một chủ âm mang màu sắc đượm buồn. Những phút lặng hồi tưởng, bắt đầu cho cuộc hành trình tìm về quá khứ của nhân vật đã làm chậm tốc độ kể chuyện. Nhịp điệu trần thuật, do đó, còn thể hiện nhịp điệu sống, nhịp điệu cuộc đời, bộc lộ qua thái độ cảm thụ – đánh giá của nhân vật và người kể chuyện.

Nhịp điệu trần thuật còn phụ thuộc vào thể loại và phương thức trần thuật. Với mỗi thể loại tự sự, mỗi tác phẩm, tác giả lại có những cách xử lý nhịp điệu chậm này một cách khác nhau với những đặc trưng thẩm mỹ riêng phù hợp với nội dung tự sự. Nhịp điệu sử thi chậm rãi, trang trọng, khoan thai. Ta hãy nhớ đến đoạn miêu tả chiếc khiên của Asin và vẻ đẹp của Hécto (Iliat – Homerơ). Về cơ bản, nhịp điệu trần thuật trong tiểu thuyết là nhịp điệu chậm, nó thể hiện một “kiểu soi ngắm cuộc sống một cách trầm tĩnh, trang trọng, khoan thai trước tính nhiều mặt rộng lớn đối với thế giới” [Pôxpêlốp, 1985, tr.13]. Nhịp điệu trần thuật trong truyện ngắn thường có tốc độ nhanh, đột ngột đẩy đến cao trào và kết thúc.

2- Thảo nguyên là một thiên truyện ngắn đặc sắc của Sêkhốp. Người ta xếp nó vào loại truyện ngắn nhưng dung lượng của nó khá dài: 110 trang (Truyện ngắn Sêkhốp, Phan Hồng Giang và Cao Xuân Hạo dịch, Nxb Cầu vồng, Mátxcơva, 1988). Truyện kể về một thằng bé lên chín tuổi, đi theo một đoàn xe ngựa chở lông cừu, từ một thị trấn nhỏ lên tỉnh học trường trung học. Con đường ra tỉnh xuyên qua một thảo nguyên rộng lớn. Hình ảnh thảo nguyên cằn cỗi, chán chường chính là hình ảnh của một nước Nga lạc hậu, cũ kỹ, buồn tẻ và ngột ngạt không sao chịu đựng nổi. Cuộc sống ấy rồi sẽ ra sao? Đó chính là câu hỏi băn khoăn, day dứt đặt ra cuối câu chuyện không chỉ cho cậu bé mà còn cho cả nước Nga lúc bấy giờ. Nhịp điệu trần thuật của câu chuyện cũng góp phần vào làm sáng rõ hình tượng và tư tưởng ấy.

Nhịp điệu trần thuật chậm tối đa do sự gia tăng của các thành phần tĩnh tại. Thời gian diễn biến chính của câu chuyện là bốn ngày. Sáng ngày thứ năm, thằng bé đã chia tay với người thân để ở lại tỉnh học. Câu chuyện được chia thành tám phần, mỗi phần tương ứng với một vài điểm dừng (khe núi, quán trọ, đống lửa trên thảo nguyên…) và một vài sự kiện nhỏ: chuyển xe, cơn giông, gặp bá tước phu nhân, sự thoắt ẩn thoắt hiện của người lái buôn Varlamốp… Tám phần đó có thể được coi như tám trường đoạn nhịp thời gian trần thuật cơ bản, mỗi phần đều thể hiện những yếu tố của nhịp điệu trần thuật như xen kẽ các thành phần động tĩnh, tốc độ trần thuật, những trọng âm, điểm nhấn, điểm dừng và sự lặp lại như những chủ âm cảm xúc.

Câu chuyện được kể rất chậm so với thời gian thực tế. Các sự kiện, như những thành phần động của tác phẩm được coi như những trọng âm, hoặc điểm nhấn của một trường đoạn, xảy ra kế tiếp với những khoảng cách khá xa trong tương quan với thời gian trần thuật. Truyện chỉ có một sự kiện lớn duy nhất, bao trùm tác phẩm là sự kiện thằng bé đi từ quê lên tỉnh (tương ứng với một sự kiện chính duy nhất trong cấu trúc truyện ngắn). Sau nhiều gặp gỡ, chứng kiến và cảm xúc, thằng bé đã thay đổi ở đoạn kết truyện: lòng buồn rười rượi, buồn lắm, Iegoruska có cảm giác… tất cả những gì nó từng sống qua, đều đã vĩnh viễn tan biến đi như hơi khói. Như vậy, các thành phần động trong truyện chỉ còn những sự kiện nhỏ như sau:
Phần I : trên đường đi, xe ngựa gặp những người thợ gặt, đàn chó khổng lồ bao vây đoàn xe, một gợi mở về ngài Varlamốp: đàn cừu của ngài.

Phần II : dường như không có sự kiện gì, mọi người ngủ trưa và lên đường dưới ánh nắng nóng nực và cháy sém.
Phần III, xe đến quán trọ, chuyện nhà chủ quán, mọi người lại nhắc đến Varlamốp bí ẩn, gặp một thiếu phụ rất đẹp: bá tước phu nhân.

Các sự kiện này không đáng kể, tuy nhiên chúng cũng gây được ấn tượng và cảm xúc cho thằng bé trong hành trình trên thảo nguyên. Sự kế tiếp của chúng theo đúng thời gian tuyến tính như đúng dòng chảy tự nhiên của cuộc di chuyển.
Điểm làm cho mạch sự kiện cũng như nhịp điệu trần thuật của truyện bị chậm lại là do người kể chuyện dừng lại rất lâu ở những thành phần tĩnh tại, mang tính giải thích, suy luận, như những điểm dừng, điểm lặng của trường đoạn thời gian.
Trước hết là những thành phần miêu tả. Người kể chuyện tập trung vào miêu tả cảnh thảo nguyên với các thời điểm và từng chặng đường: bình nguyên rộng mênh mông, dãy đồi rám nắng, những cánh đồng tiểu mạch, con đường xa tít, bầu trời chói nắng, cỏ cây sém nắng… Cảnh thảo nguyên được miêu tả chiếm đến 15/110 trang, tức khoảng hơn 14% dung lượng số trang tác phẩm. Những bức chân dung nhân vật cũng được chú ý, từ gương mặt ông cậu, ông cha xứ, phu nhân xinh đẹp đến vẻ mặt, dáng người những người làm thuê, chủ quán trọ… đều được khắc hoạ khá tỉ mỉ.

Tiếp đến là những đoạn miêu tả cảm giác của thằng bé và những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề về nỗi cô đơn, buồn chán. Rồi đến những câu chuyện xen: chuyện về những người lái buôn bị cắt cổ trên những chặng đường và các quán trọ, chuyện về tình yêu và niềm hạnh phúc của anh chàng lang thang trên thảo nguyên. Tất cả những thành phần này như những điểm dừng, làm kéo dài thời gian trần thuật. Bên cạnh đó, ta còn gặp những sự kiện, chi tiết, hình ảnh, cảm xúc mang tính lặp lại, quay vòng như những tiết tấu của nhịp điệu trần thuật: Chi tiết về hành tung bí mật của Varmalốp luôn được gợi mở, gia tăng, tạo tâm trạng chờ đợi, háo hức. Hình ảnh thảo nguyên cằn cỗi, buồn chán lặp đi lặp lại tạo nỗi buồn thê thiết. Những câu chuyện hoang đường, nửa hư nửa thực làm thêm màu thêm vẻ cho chuyến đi dằng dặc vốn rất đơn điệu, nhàm chán.
Chính những thành phần tĩnh tại này đã làm cho nhịp điệu của thiên truyện đậm chất trữ tình.
*
Mục đích cuối cùng của nhịp điệu trần thuật là để nhằm biểu hiện nhịp điệu cuộc sống. Nhịp điệu trần thuật đều đều, chậm rãi như vậy tương ứng với cảm giác của con người về một không gian – thời gian thực tế: cuộc sống mòn mỏi, chậm chạp, trì trệ, lạc hậu, nghèo nàn, xơ xác, phù hợp với một không gian – thời gian ngưng đọng như hoá đá của nước Nga xưa cũ cuối thế kỷ 19.
Tốc độ chậm của việc kể còn tương ứng với tốc độ di chuyển trên thực tế. Đó là nhịp di chuyển của một chiếc xe ngựa cũ nát, luôn kêu lọc xọc và rít lên ken két… Phương tiện thì cổ lỗ mà thảo nguyên thì rộng mênh mông, sâu thẳm, vô cùng, vô tận, không biết bao giờ mới tới nơi kết thúc. Thằng bé còn ít tuổi quá, nên nó thực sự không biết mình đi đâu và đi để làm gì. Thêm vào đó là tiết trời nóng nực, khó chịu. Vì vậy, cảm xúc bao trùm như một chủ âm của nhịp điệu trần thuật là cảm xúc buồn bã, chán chường. Dưới con mắt thằng bé, thảo nguyên thật buồn tẻ, đơn điệu và ngột ngạt với những cảm giác: sự sống lịm đi, sao ngột ngạt và buồn tẻ thế, nhìn mãi cũng chỉ có thế, không khí ngưng đọng, uể oải, bải hoải, thẫn thờ… Và đỉnh điểm của sự buồn chán ấy là cảm giác về một thời gian và không gian đã ngưng đọng và hoá đá: thời gian kéo dài vô tận, tựa hồ nó cũng đã đọng lại, ngừng trôi, tưởng chừng từ sáng tới giờ đã qua một thế kỷ.

Còn những con người sống trên thảo nguyên cũng chịu một số phận tối tăm, buồn bã. Một cuộc sống mà hiện tại luôn rất đáng buồn. Mọi tốt đẹp đều thuộc về quá khứ. Thậm chí, mọi người còn có thái độ khinh bỉ thời hiện tại, bởi nó toàn những điều không như ý, bởi họ đã cảm thấy cuộc đời thật buồn bã, đáng chán, do quá nghèo khổ, nhọc nhằn, bởi không ai hiểu ai… Tiếng hát cất lên cũng ai oán như số phận họ vậy. Anh Dothái Xôlômôn đốt hết tiền vì không biết để làm gì, Đưmốp cãi lộn vì buồn chán, ông già Pantêlây suốt ngày rên rỉ và kể toàn các chuyện không có thật, ông cậu luôn mồm kêu ca…

Nhưng ẩn dấu dưới nỗi buồn bao phủ toàn thiên truyện lại là một tình yêu đắm say cuộc sống, dù là một cuộc sống, vất vả nhọc nhằn, là một tình yêu của những trái tim nhậy cảm dù vướng bao mệt mỏi vì mưu sinh. Tình yêu đó bộc lộ qua những tâm hồn Nga nhậy cảm, yêu thiên nhiên, yêu sự sống, khát khao hạnh phúc, vẫn đó đây xuất hiện như những cơn gió mát lành thổi qua thảo nguyên nóng nực, cằn cỗi: Anh chàng làm thuê Vaxia có cặp mắt tinh tường, có khả năng nhìn thấu và tận hưởng vẻ đẹp của thảo nguyên dưới những dạng vẻ nhỏ nhoi nhất. Trái tim anh ta đã bị tổn thương khiến phải ứa lệ vì một con rắn lành vô cớ bị đánh chết. Iegoruska căm ghét những kẻ tục tằn thô lỗ. Anh chàng lang thang trên thảo nguyên hạnh phúc vì tình yêu giản dị của mình. Người kể chuyện cảm nhận được niềm hạnh phúc khoáng đạt khi nhìn ngắm bầu trời, chiêm ngưõng sức sống và vẻ đẹp của thảo nguyên vào lúc sớm mai và đêm xuống… Đây chính là những nghịch âm, như những khúc hát vui, lạc quan, tươi sáng, đệm vào bài ca thảo nguyên buồn bã, làm điểm tựa cho mọi tâm hồn, khiến con người có thể đứng vững được trong cuộc đời một cách cứng cỏi, dù số phận thật là bất hạnh, nhiều đớn đau. Tương tự như lời Biêlinxki đã từng nói về nỗi buồn trong ca khúc dân ca Nga, nhưng đó là những “nỗi buồn trong sáng”, không gì có thể bẻ gãy được.

Nhưng làm sao thoát ra khỏi cảnh sống vất vả, lầm than và đói nghèo ấy, làm bớt đi những nỗi buồn thăm thẳm mà cả thảo nguyên rộng lớn cũng không thể lấp đầy, đem lại hạnh phúc cho những tâm hồn Nga, những tâm hồn thật nhậy cảm, mong manh như tâm hồn trẻ thơ, luôn mở rộng trước tạo vật và đất trời, những tâm hồn và những con người xứng đáng được hưởng hạnh phúc? Lời kết thiên truyện là một câu hỏi để ngỏ, vút lên, tha thiết và đau đớn.
***
Người ta vẫn nói rằng, đằng sau các câu chuyện về đời sống thường ngày của Sêkhốp, bao giờ cũng chứa đựng những suy tư lớn lao, khát vọng cháy bỏng về số phận nhân dân và tương lai đất nước. Điều đó đã được minh chứng qua chính câu chuyện Thảo nguyên này.
Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top