Chia Sẻ Nhật Bản năm 1997

Trang Dimple

New member
Xu
38
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,6% năm 1996, giới lãnh đạo Nhật Bản đã lạc quan tuyên bố rằng sự trì trệ kinh tế dài nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai do việc sụp đổ của nền "kinh tế trong bóng" từ đầu những năm 90 đã chấm dứt và Nhật Bản có thể tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ hơn. Điều này thể hiện rõ trong diễn văn đọc trước Quốc hội 20/1/1997 của Thủ tướng Hashimoto. ông cam kết sẽ tiến hành những cải cách chính trị và kinh tế mạnh mẽ trong năm 1997 và kêu gọi nhân dân Nhật chuẩn bị tinh thần trước một số biện pháp kinh tế khắc khổ. Hai chính sách kinh tế - tài chính chủ yếu được thi hành trong năm 1997 là cắt giảm thâm hụt ngân sách - chiếm 7% GDP - cao nhất trong số các nước G7, và tăng thuế tiêu dùng từ 3% lên 5% bắt đầu từ tháng 4/1997. Để giảm thâm hụt ngân sách, tháng 6/1997 nội các Nhật phê chuẩn kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ 200 tỉ yên trong năm 1998 trong đó có chi tiêu quốc phòng, viện trợ chính thức, chi tiêu cho các công trình công cộng và trợ cấp nông nghiệp. Đây là sự thay đổi quan trọng so với chính sách của những người tiền nhiệm ông từ năm 1992 đến nay vẫn chủ trương phục hồi kinh tế bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ. Kết quả là nước Nhật lại đứng trước một nguy cơ suy thoái mới với chỉ số kinh tế quý IV - 1997 giảm 2,7% so với quý III và tốc độ tăng trưởng kinh tế năm tài chính 97 được dự tính là 1%, chỉ bằng nữa con số dự đoán chính thức của chính phủ. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn với việc một loạt ngân hàng và công ty tài chính của Nhật, trong đó có công ty Yamaichi bị sụp đổ do không trả được nợ. Cùng với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở các nước Đông Nam á và Hàn Quốc, nhiều người lo ngại Nhật Bản sẽ bị cuốn vào cơn lốc này.

Trước tình hình đó, chính phủ Nhật buộc phải có một số biện pháp điều chỉnh mà cụ thể là giảm tốc độ hoặc trì hoãn thực hiện một số biện pháp cải cách kinh tế đã tuyên bố. Trong tháng 10, Koichi Kato, nhân vật thứ hai của Đảng Dân chủ - Tự do (LDP) đã chính thức khẳng định việc đình hoãn kế hoạch tư nhân hoá hệ thống gửi tiết kiệm qua bưu điện và bảo hiểm nhân thọ. Ngay cả kế hoạch tự do hoá khu vực tài chính được biết tới với tên gọi Big Bang cũng có nguy cơ bị hoãn lại. LDP đang nghiên cứu khả năng giảm thuế thu nhập công ty và sử dụng tiền trong ngân sách để giúp các ngân hàng bị phá sản, nói cách khác là quay lại chính sách dùng chi tiêu ngân sách để kích thích tăng trưởng.

Có ba lý do dẫn đến tình trạng yếu kém của nền kinh tế Nhật trong năm qua. Thứ nhất là hệ thống tài chính, đặc biệt là sự sụp đổ của một loạt công ty bảo hiểm nhân thọ đã làm giảm sút lòng tin của dân Nhật và do vậy họ có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Tổng mức tiêu dùng do đó không tăng và thế là một động lực kích thích tăng trưởng đã bị mất tác dụng. Thứ hai có thể là do việc chính phủ Nhật đang tiến hành nới lỏng các quy chế kinh tế và hiệu quả ngắn hạn là làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Lý do thứ ba là việc tăng thuế tiêu dùng cũng làm giảm sức mua của người dân. Trong các lý do này thì lý do thứ nhất là quan trọng nhất và có ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế Nhật Bản. Vấn đề đặt ra đối với Nhật là phải tiến hành cải cách triệt để kinh tế tài chính, nhưng như vậy sẽ động chạm đến quyền lợi của các nhóm đặc quyền trong Đảng LDP và bộ máy quan liêu. Do đó, khó có thể đánh giá lạc quan về triển vọng về triển vọng kinh tế Nhật trong năm tới. Điểm sáng duy nhất trong tình hình kinh tế Nhật năm qua là, với việc xuống giá của đồng yên so với đồng đô la, xuất khẩu của Nhật tăng lên và góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây là một điểm rất nhậy cảm trong quan hệ giữa Nhật với các bạn hàng của mình, đặc biệt là Mỹ. Sẽ là một biểu hiện thú vị của quan hệ hợp tác Nhật - Mỹ nếu phía Mỹ vẫn tiếp tục giữ tỉ giá hối đoái yên - đô la như hiện nay và chịu thâm hụt mậu dịch như là một biện pháp giúp cho nước Nhật thoát khỏi tình hình kinh tế suy thoái hiện nay.

Trong bối cảnh khó khăn kinh tế như vậy, những vận động trong chính trường Nhật Bản năm qua tập trung vào đấu tranh giữa phe cấp tiến (cải cách) và phe bảo thủ (nguyên trạng) trong nội bộ các đảng cũng như giữa các đảng. Cuộc bầu cử hội đồng nhân dân thành phố Tokyo tháng 6/1997 cho thấy có ba xu hướng phát triển của nền chính trị Nhật Bản trong thời gian tới.

1. LDP sẽ tiếp tục phục hồi tiếp theo thắng lợi của họ trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 10/1996. Hiện nay họ đã chiếm 251/500 ghế tại hạ viện và có nhiều khả năng chiếm đa số tại thượng viện trong cuộc bầu cử năm 1998, mở ra triển vọng quay lại thời kỳ trước 1993.

2. Sự suy yếu tiếp tục của Đảng Dân chủ - Xã hội (SDP) và Đảng Tân tiến (NFP). Có nhiều dự đoán cho rằng SDP sẽ sớm sụp đổ vì sự tham gia của họ vào liên minh do LDP lãnh đạo đã gây nên mâu thuẫn sâu sắc trong nội bộ đảng đặc biệt liên quan đến vấn đề sửa đổi phương châm phòng thủ Nhật - Mỹ. Rất nhiều người ủng hộ đảng này đã quay sang ủng hộ Đảng Cộng sản Nhật (CPJ). Đảng Tân tiến cũng bị rạn nứt nghiêm trọng với việc ra đi của cựu Thủ tướng Hosokawa do bất đồng quan điểm với lãnh tụ của đảng này là Ozawa. Tính đến giữa năm 1997 đã có 53 đảng viên NFP là nghị sĩ quốc hội rời bỏ đảng này và phần lớn quay lại với LDP.

3. Trong tình hình đó có nhiều khả năng những cử tri bất mãn với chính sách hiện nay của chính phủ Nhật sẽ không đi bỏ phiếu hoặc sẽ bỏ cho CPJ. Nhiều nhà quan sát cho rằng CPJ sẽ tiếp tục giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử địa phương và thượng viện sang năm. Việc Chủ tịch CPJ Myamoto từ chức ở tuổi 88 đã mở đường cho một ban lãnh đạo mới trẻ hơn và ít giáo điều hơn trong chính sách, hứa hẹn sẽ đem lại sự ủng hộ rộng rãi hơn nữa trong đảng này, nhất là trong giới trí thức và phụ nữ.

Cách đây 4 năm, khi LDP bị mất vị trí là đảng cầm quyền, đã có nhiều dự đoán cho rằng nền chính trị Nhật Bản sẽ phát triển theo hướng hai đảng giống như ở các nước phương Tây khác. Những dự đoán đó cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Ngược lại, với sự phục hồi của LDP có thể phải tính đến khả năng nền chính trị Nhật Bản sẽ do một đảng bảo thủ cầm quyền. Khả năng này sẽ trở nên hiện thực hơn nếu NFP của Ozawa ngày càng bị chia rẽ và số đảng viên là nghị sĩ trong đảng quay về hàng ngũ LDP. Một khả năng nữa cũng phải tính đến là Ozawa, được sự ủng hộ của các nguyên lão trong LDP như Nakasone sẽ sát nhập NFP vào LDP và giữ một vị trí chủ chốt trong đảng này. Chính trường Nhật Bản sẽ có những biến động mới vào tháng 12 này khi nội các Hashimoto phải đưa ra những biện pháp cụ thể về cải cách hành chính và đảng NFP tiến hành cuộc họp thường niên của mình.

Tuy gặp phải những khó khăn trong nước như vậy, năm 1997 có thể xem như một năm mà Nhật Bản có nhiều hoạt động ngoại giao tích cực, phần nào củng cố tốt hơn vị thế của mình trên trường quốc tế. Sự kiện nổi bật trong quan hệ quốc tế của Nhật Bản năm nay là việc Nhật và Mỹ đã hoàn tất việc sửa đổi phương châm phòng thủ Nhật - Mỹ được đưa ra từ năm 1978. Việc xem xét lại những phương châm phòng thủ đã được tiến hành giữa hai nước từ tháng 5/1996 như là một phần của nội dung Tuyên bố chung Nhật - Mỹ năm 1996. Nội dung chính của việc xem xét lại phương châm phòng thủ là xác định cụ thể khoảng 40 nhiệm vụ mà Nhật Bản sẽ đảm nhiệm khi có khủng hoảng quân sự nổ ra ở khu vực xung quanh nước Nhật. Đây là sự khác biệt quan trọng so với văn bản 1978 chỉ tập trung vào tình hình khi Nhật Bản bị trực tiếp tấn công. Việc mở rộng phạm vi của phương châm phòng thủ hai nước đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng việc Nhật Bản không chịu giải thích rõ cụm từ khu vực xung quanh nước Nhật có bao gồm Đài Loan hay không là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là nhân tố gây mất ổn định ở Châu á - Thái Bình Dương. Có thể thấy rằng Nhật Bản và Mỹ có lợi ích song trùng trong việc giữ ổn định - hay nói cách khác là nguyên trạng ở khu vực trong khi Trung Quốc một mặt muốn có ổn định để phát triển, mặt khác lại muốn phá vỡ nguyên trạng để trở thành một siêu cường mới, có tiếng nói quan trọng hơn trong quan hệ quốc tế. Như thế phản ứng của Trung Quốc dựa trên tính toán chiến lược lâu dài chứ không phải là từ những lo ngại trước mắt và trực tiếp mà Liên minh Nhật - Mỹ có thể gây ra cho mình. Điểm đáng lưu ý ở đây là bản thân Trung Quốc cũng không muồn những lo ngại lâu dài của mình về quan hệ Nhật - Mỹ trở thành hiện thực nên sau một loạt cuộc gặp gỡ cấp cao với Mỹ và Nhật, không thấy Trung Quốc nhấn mạnh đến vấn đề này nữa.

Học thuyết Hashimoto và quan hệ Nhật Bản - ASEAN.

Từ ngày 7 - 15/1 năm 1997, Thủ tướng Nhật Hashimoto đã tiến hành chuyến thăm 5 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Nhật Bản với khu vực này. Buôn bán của Nhật Bản với ASEAN chiếm 16% trong tổng số buôn bán của Nhật Bản năm 1996. Đồng thời khu vực này cung cấp cho Nhật Bản 10% lượng dầu và 80% khí đốt mà nước này nhập khẩu. Ngày 14/1 Hashimoto đã có bài diễn văn tại Singapore, trong đó ông nêu lên nội dung chính của "Học thuyết Hashimoto" đối với khu vực, đó là đề nghị gặp gỡ cấp cao thường xuyên (hằng năm) giữa Nhật Bản và ASEAN để trao đổi về các vấn đề an ninh, buôn bán, đầu tư và viện trợ. ông cũng kêu gọi các nước ASEAN, thông qua ARF giúp Trung Quốc trở thành một "bạn đồng hành có tính xây dựng". Tuy nhiên, đề nghị gặp gỡ cấp cao không nhận được phản ứng mặn mà của các nước ASEAN và hai bên đã thoả thuận tăng cường trao đổi chỉ trong khuôn khổ các diễn đàn hiện có như ARF, APEC chứ không tạo ra thêm diễn đàn mới. Có thể thấy hai lý do dẫn đến tình hình này. Thứ nhất, các nước ASEAN không muốn bị coi là quan hệ quá chặt chẽ với Nhật Bản vì muốn giữ cân bằng trong quan hệ với các nước lớn. Thứ hai, các nước ASEAN cũng chưa tin tưởng rằng Nhật Bản có thể đóng một vai trò quan trọng hơn ở khu vực trong bối cảnh hiện nay. Sự thiếu tin tưởng này đã được chứng minh là có cơ sở trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực. Những đóng góp của Nhật Bản mặc dù là lớn nhất nhưng đều nằm trong khuôn khổ của các tổ chức tài chính quốc tế, đặc biệt là IMF. Chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định sẽ không có sáng kiến riêng liên quan đến vấn đề này và cũng không có thái độ nhiệt tình trước sáng kiến thành lập quỹ dự phòng để giúp các nước châu á khi có khủng hoảng (sáng kiến này bị Mỹ phản đối).

Quan hệ Nhật - Việt trước ngưỡng cửa "đám cưới bạc".

Tháng 9/1998 sẽ là lúc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Việt. Có thể nói mối quan hệ này, sau nhiều thăng trầm đã đi vào giai đoạn ổn định. Chuyến đi thăm Việt Nam của Thủ tướng Hashimoto tháng 1/1997 và của Phó cục trưởng Cục phòng vệ Murata tháng 3/1997, tiếp theo đó là cuộc đi thăm đáp lễ của Thứ trưởng quốc phòng Trần Hanh đã đánh dấu sự phát triển toàn diện trong quan hệ hai nước. Vấn đề đặt ra hiện nay là thực hiện những cam kết đã thoả thuận, đặc biệt trong lĩnh vực giải ngân ODA của Nhật. Cam kết của Nhật Bản với Việt Nam sẽ được biểu hiện cụ thể trong cuộc họp Nhóm tư vấn (CG) của các nước và tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam tại Tokyo tháng 12 tới. Tuyên bố cắt giảm 10% ODA của Nhật sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với ta và vai trò của Nhật Bản trong hội nghị này sẽ là những vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Cam kết của Chỉnh phủ Nhật trong Hội nghị cấp cao Tokyo vừa qua chứng tỏ tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản cũng như sự tin tưởng của Chính phủ Nhật đối với triển vọng phát triển của ta.

Động thái trong quan hệ giữa các nước lớn và vị thế của Nhật Bản ở khu vực trong năm 1997. Một loạt chuyến viếng thăm cấp cao giữa các nước lớn đã dồn dập diễn ra vào cuối năm 1997, trong đó nổi bật nhất là chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch trung Quốc Giang Trạch Dân. Dường như đã có sự thoả thuận ngầm giữa một siêu cường hiện tại và một siêu cường đang nổi lên về những nét lớn trong quan hệ quốc tế thời gian tới. Trong bối cảnh đó có sự vận động, tập hợp lực lượng mạnh mẽ giữa các cường quốc khu vực để cải thiện vị thế của mình. Nhật Bản đã thành công phần nào trong cố gắng nâng vị trí của mình với việc đạt được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với việc Nhật Bản trở thành uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Có thể nói cùng với việc các nước lớn đang cố gắng đưa quan hệ của mình vào những khuôn khổ có tính ổn định, vị thế quốc tế của Nhật sẽ được nâng lên. Tuy nhiên với những khó khăn kinh tế, chính trị trong nước cũng như hoàn cảnh lịch sử của mình, về chính trị Nhật Bản vẫn tiếp tục là cạnh yếu nhất trong tứ giác Mỹ - Nhật - trung - Nga ít nhất là trong vòng 10 năm tới.

Một số nhận xét:

Hai sự kiện lớn của năm 1997 là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở một số nước Đông Nam á và Đông á, tập hợp lực lượng giữa 4 nước lớn Mỹ - Nhật - Trung - Nga. Đối với sự kiện thứ hai, Nhật đã có những phản ứng thích hợp và đã phần nào tăng cường vị thế của mình trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, đối với sự kiện thứ nhất, vai trò của Nhật tương đối mờ nhạt và họ đã không nắm được cơ hội này để tỏ rõ vai trò lãnh đạo trong khu vực trên hai lĩnh vực tài chính và tiền tệ mà nước Nhật được coi là mạnh nhất. Trong khi các nước Đông á, đặc biệt là Trung Quốc đang cân nhắc những cái được và mất của quá trình toàn cầu hoá kinh tế thì cam kết của Nhật đối với một hệ thống kinh tế quốc tế mở là điều rất có ý nghĩa. Để làm được điều đó, Nhật Bản phái tiến hành những cải cách kinh tế tài chính sâu rộng trong nước, quan trọng nhất là phải làm cho các hoạt động tài chính trở nên minh bạch hơn. Nước Nhật có đủ tiềm năng kinh tế để làm điều đó nhưng liệu họ có đủ quyết tâm chính trị để thay đổi hay không thì vẫn còn là một câu hỏi nếu ta xét đến tính không thể dự đoán của nền chính trị Nhật Bản./.

Tác giả: Dương Quốc Thanh.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top