Nhận xét sự độc đáo của thời gian và không gian nghệ thuật Nam Cao

  • Thread starter Thread starter liti
  • Ngày gửi Ngày gửi

liti

New member
NHẬN XÉT VỀ SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT NAM CAO

PTS. Trần Đăng Xuyền.


Thời gian và không gian trong sáng tác của Nam Cao cũng như mọi hiện tượng của thế giới khách quan, khi đi vào nghệ thuật được soi rọi bằng tư tưởng tình cảm, được nhào nặng và tái tạo trở thành một hiện tượng nghệ thuật độc đáo thấm đẫm cá tính sáng tạo của nhà văn. Cảm quan về thời gian và không gian gắn liền với cảm quan về con người và cuộc đời, gắn bó với mơ ước và lí tưởng của nhà văn.


Cho tới nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc về Nam cao. Tuy nhiên, phương diện thời gian và không gian nghệ thuật chưa được chú ý và xem xét riêng.


Những nhân vật của Nam Cao sống, như thường lệ, trong thời gian hiện thực. Một trong những nét đặc sắc của thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao là đã tạo ra một kiểu thời gian hiện thực hằng ngày, trong đó các nhân vật của ông dường như bị giam hãm, tù túng, luẩn quẩn trong vòng những lo âu thường nhật (nhà cửa, miếng cơm, manh áo, thuốc men…). Các nhân vật đau buồn của Nam Cao bị hành hạ, bị giày vò, bị ám ảnh bởi cái đói, “lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng lo làm thế nào cho không chết đói”. Cả thế giới nhân vật “bị áo cơm ghì sát đất” của ông như xuội đi trong cái vòng luẩn quẩn của thời gian hàng ngày mòn mỏi.


Thời gian, trong nhiều tác phẩm của Nam Cao như là đông đặc lại. Nó tù đọng, đóng kín, xoay theo cái quỹ đạo tưởng chừng như không thay đổi. Thế giới bên ngoài dường như không bị thống trị bởi nó. Có thể nói, cùng với việc phác hoạ những chi tiết chân thực, khắc hoạ những tính cách điển hình, mô tả những quan hệ nhân sinh, Nam Cao đã sáng tạo ra trong những tác phẩm của ông một kiểu thời gian hiện thực hàng ngày luẩn quẩn với những lo âu về sinh kế, mòn mỏi về tinh thần, góp phần tạo nên hình ảnh một cuộc sống mòn bế tắc, ngột ngạt khá điển hình.


Trong nhiều tác phẩm của mình, Nam Cao đã sử dụng phạm trù hồi tưởng như là một yếu tố của thời gian nghệ thuật. Như mọi người đều biết, hồi tưởng thường xuất hiện trong quá trình sáng tạo tác phẩm theo quy luật tương phản hoặc theo nguyên tắc liên tưởng. Trong thế giới nghệ thuật của Nam Cao, hồi tưởng hiện ra từ từ, không cố ý, ngỡ như vô tình, thậm chí ngay cả khi nhà văn chủ tâm đi vào thế giới hồi tưởng của nhân vật. Nó không tồn tại một cách độc lập mà trong mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với hệ thống thời gian nghệ thuật. Hồi tưởng không đơn giản đẩy lùi ra những phạm vi thời gian của sự trần thuật, trái lại, nó tạo ra khả năng đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại và có thể nhìn thấy những viễn cảnh và những chu tuyến của tương lai.


Trong sáng tác của Nam Cao, những kỉ niệm cũ hiện lên thông qua sự hồi tưởng của nhân vật có thể trong sáng ấm áp, nhưng bao giờ cũng gợi lên một nỗi buồn. Đó là “một buổi chiều có sương bay” ngày dì Hảo đi lấy chồng (Dì Hảo). Đó là nỗi nhớ bà cô phúc hậu, mù loà, bị lãng quên, bỗng trào lên trong tâm trí đứa cháu giữa một đêm vui – đêm tân hôn - với một niềm day dứt, ân hận (Chuyện buồn giữa đêm vui).


Điền trong Trăng Sáng, Hộ trong Đời thừa, Thứ trong Sống mòn cũng thường quay về với quá khứ, với những hồi ức của mình. Đối với họ, những cảnh vật ngày hôm nay như khêu gợi những kỉ niệm của ngày qua. Và những kỉ niệm cũ hiện về chỉ làm tăng thêm nỗi buồn chán khổ đau trước mắt. Thời gian như là người bạn đường của sự khổ đau. Có thể nói, trong nhiều sáng tác của Nam Cao, nhân vật vô hình chủ yếu chính là thời gian đã mất. Hầu như trong mỗi tác phẩm của ông đều tồn tại “nhân vật” vô hình này, hoặc là hàm ý sự có mặt của nó. Với tư cách là nhà văn hiện thực, Nam Cao ý thức sâu sắc được tính không đảo ngược của thời gian. Nhiều nhân vật thuộc những tầng lớp xã hội khác nhau của ông đều nhìn thấy thời gian trôi đi một cách tàn nhẫn. Họ suy ngẫm về thời gian với sự xúc động, với niềm nuối tiếc, với tình cảm cay đắng của sự mấtmát không gì bù đắp nổi. Đối với Điền (Trăng Sáng), Hộ (Đời Thừa), Thứ (Sống mòn) thời gian như là chiếc bào bào mòn những mơ ước. Đối với Chí Phèo (Chí Phèo) thời gian không chỉ tàn phá nhân hình mà còn huỷ hoại cả nhân tính, cả tâm hồn con người. “Bây giờ thì hắn đã thành người không tuổi rồi. Ba mưoi tám hay ba mươi chín ? Bốn mươi hay là ngoài bốn mươi ? Cái mặt hắn không trẻ cũng không già ; nó không còn phải là mặt người : nó là mặt một con vật lạ. Nhìn mặt những con vật có bao giờ biết tuổi ?” Những cơn say vô tận, những việc “ức hiếp, phá phách, đâm chém, mưu hại, người ta giao cho hắn làm là chính cuộc đời hắn ; cuộc đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi.” Hắn đã mất ý thức về thời gian. Nhưng sau lần gặp thị Nở, tình cảm tự nhiên và sự săn sóc tận tình của người đàn bà tội nghiệp này đã góp phần đánh thức ý thức về nhân phẩm và cùng với nó là ý thức về thời gian của Chí Phèo : “Tỉnh dậy hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời ! Có lí nào như thế được ? Hắn đã già rồi hay sao ?”


Trong một vài tác phẩm, Nam Cao đã miêu tả viễn cảnh của tương lai. Hiện tại tối tăm, ảm đạo, còn tương lai cũng nhuốm màu xám xịt. Tương lai của dì Hảo (Dì Hảo) là sự cô đơn nghèo đói và bệnh tật. Tương lai của Chí Phèo còn khủng khiếp hơn hiện tại : “Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Đối với nhân vật người kể chuyện trong Mua nhà, tương lai bị giày vò bởi một nỗi niềm ân hận. Hiện tại đối với Thứ thật là mòn mỏi, nhưng tương lai còn thê thảm hơn nhiều. “Nhưng nay mai mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ rỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống.” (Sống mòn)


Song tương lai trong sáng tác của Nam Cao không hoàn toàn tuyệt vọng. Trong cái thế giới nghệ thuật nhuốm màu ảm đạm của ông đôi khi cũng bất chợt loé lên những tia hi vọng. Kết thúc truyện Điếu văn, Nam Cao viết : “Sự đời không thể cứ mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên bên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bè bạn sẽ nắm lấy bàn tay chúng và dắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn.” Ở đoạn kết của Sống mòn, Thứ cũng hi vọng vào một sự đổi thay : “Lòng Thứ đột nhiên lại hé ra một tia sáng mong manh : Thứ lại thấy hi vọng một cách vu vơ. Sau cuộc chiến này, có lẽ cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, công bằng hơn, đẹp đẽ hơn.” Thời kỳ này, Nam Cao cùng với những nhà văn trong nhóm Văn hoá cứu quốc hay nói tới tương lai với những tâm trạng náo nức và hi vọng, trong khi văn chương lãng mạn lúc bấy giờ thì âm hưởng chủ đạo là bi quan, tuyệt vọng với những “chiều mồ côi”, “chiều tận thế”. Những yếu tố lạc quan chủ nghĩa của dòng văn học hiện thực phê phán như thổi một luồng sinh khí mới vào nền văn học dân tộc. Đó là những yếu tố lạc quan cách mạng, “một đặc điểm có tính lịch sử độc đáo” của xu hướng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Song những tia sáng lạc quan cách mạng ấy, nhìn chung, còn rất mong manh, chưa có cơ sở chắc chắn trong thế giới quan của nhà văn, thường được “lắp ghép” một cách ngẫu nhiên vào tác phẩm, và vì thế không đủ sức xua tan không khí bi quan, ảm đạm bao trùm toàn bộ tác phẩm.


Cũng như thời gian trong thế giới quan, thời gian nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao là một tập hợp của nhiều thời gian riêng biệt. Bên cạnh dòng thời gian thường nhật, sáng tác của Nam Cao còn có thêm một dòng thời gian tâm trạng. Đối với cô bé Ninh (Từ ngày mẹ chết), thời gian ngót ba năm là quá nặng nề, là dài dằng dặc vì nó mang theo một nỗi mất mát không gì bù đắp nổi : “Bu chết đã ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu chết đã lâu lắm rồi”. Có khi thời gian mang đậm màu sắc ấn tượng : “Người u em đang ngồi vá áo dưới đất, ngay chỗ cửa ra, ngẩng mặt lên một thoáng rồi lại cúi mặt xuống im lặng vá. Thứ có cảm tưởng như thị vá, chỉ vì đêm dài quá, không sao ngủ hết, cũng như bà ngoại y thường bắt rận vào những đêm trời rét, vì không ngủ được !” (Sống mòn). Nói chung, dòng thời gian tâm trạng trong sáng tác Nam Cao thường nặng nề, chậm chạp, gây cảm giác lâu hơn, dài hơn so với thời gian khách quan vì gắn liền với tâm trạng đau buồn và bi kịch của nhân vật.


Các thời gian riêng biệt nói trên liên hệ với nhau, tạo nên nhịp điệu chung của sự vận động trong tác phẩm Nam Cao - một nhịp điệu chậm chạp, nặng nề, nhàm chán, mòn mỏi. Trong cái nhịp điệu chung ấy, đời sống các nhân vật của ông như bị tù đọng, ứ lại. Từ cảnh sống nặng nề, u uất của những Thứ, những Hộ, những Điền, những Hài… đến cảnh sống đoạ đày khốn khổ cùa dì Hảo, lão Hạc… đến cảnh sống đơn điệu, tẻ ngắt, nhàm chán của gia đình ông Học, tất cả hiện lên giống như những đường, những nét tạo thành một bức tranh tổng hợp về một lối sống mòn vừa đáng thương mà lại vừa đáng giận.


Trong hiều tác phẩm của Nam Cao, quá khứ hội tụ trong hiện tại, và hiện tại như gợi lại những hình ảnh của quá khứ. Ở đây, hiện tại và quá khứ soi sáng cho nhau, tạo nên sự cộng hưởng về cảm xúc và ấn tượng cho người đọc. Những tiếng dùi đục kêu chan chát, ghê rợn của bọn thợ dở nhà gợi lại trong tâm trí trẻ thơ của bé Ninh nỗi đau thương cũ : “Ninh đã được nghe những tiếng dùi đục ấy một lần rồi, vào cái ngày mẹ chết. Người ta đóng chiếc săng của mẹ.” (Từ ngày mẹ chết). Sự đối chiếu so sánh những cảm giác của cô gái trong quá khứ và hiện tại làm tăng thêm tính chất bi thảm của sự việc đang diễn ra. Ở đoạn kết của tác phẩm Chí Phèo, khi nghe tin Chí Phèo chết, thị Nở nhìn nhanh xuống bụng, trong óc thị thoáng hiện ra cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại. Ở đây, quá khứ, hiện tại và tương lai như hoà nhập làm một.


Đôi khi Nam Cao dường như kéo căng hoặc rút ngằn thời gian hành động được miêu tả. Bữa cỗ thịt chó của người cha (có khác chi loài cầm thú) trong truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó càng dềnh dàng bao nhiêu thì sự chờ đợi, cơn đói cồn cào của lũ trẻ tội nghiệp càng bị kéo căng ra bấy nhiêu. Thời gian ở đây bị kéo dài ra một cách quá quắt, nhấn mạnh thêm cái dư vị đắng cay của tình huống. Thời gian trong Một bữa no như cũng bị chùng xuống, trong tình huống bữa ăn chực của bà lão khiến người đọc thêm thấm thía cái cảnh ngộ trớ trêu và nỗi tủi nhục của bà già khốn khổ.


Quá trình học quét nhà của bé Hồng trong Bài học quét nhà được mô tả tỉ mỉ chậm rãi giống như những thước phim quay chậm, trong đó mỗi thước phim đều in đậm những tình cảm nhân văn.


Nhiều sự kiện trong sáng tác của Nam Cao thường xảy ra trong thời gian ốm đau của trẻ em, trong những buổi chiều mùa đông lạnh lẽo, trong mưa bão hoặc những sự kiện xảy ra lúc ban đêm. Ông thường quay về với quá khứ, lươt qua những năm tháng trong cuộc đời nhân vật của mình và chỉ dừng lại ở những thời điểm, những giai đoạn có ý nghĩa nhất. Nam Cao chú ý đặc biệt tới thời gian hiện tại, một cái thời gin hiện tại không bị chìm đi trong quá khứ, cũng không bị mờ đi vì ảo ảnh của tương lai mà hiện ra rõ ràng hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn, sâu sắc hơn, vì mang theo cả cái chiều dài và bề sâu thăm thẳm của quá khứ, hiện tại và tương lai cộng lại. Biết dừng ở thời điểm hiện tại của các sự kiện, khám phá tính chất phong phú, đa dạng của nó, điều đó gắn liền với sở trường của bút pháp Nam Cao – khám phá thế giới bên trong, thế giới tâm hồnnhân vật và lối kể chuyện theo quan điểm của nhân vật.


Nam Cao khai thác không gian nghệ thuật – cái có liên quan tới quan niệm và cảm quan của ông về thời gian, trong quá trình khám phá những tính cách, những tình huống trong đường đời của nhân vật. Trong không gian nào những hằng số thời gian này tồn tại, những lãnh địa nào phù hợp với chúng ? Thiếu câu trả lời về vấn đề này, khó có thể hiểu sâu sắc những đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực và quan niệm về cuộc đời và con người của Nam Cao.


Không gian trong sáng tác của Nam Cao trước hết là vùng nông thôn, những căn nhà nơi thôn dã, những con đường làng… Trong những mối liên hệ của thời gian và không gian, làng quê, ngôi nhà, con đường hoá ra là cơ bản và quan trọng nhất : tất cả những mối liên hệ còn lại hoặc bị chúng cuốn hút, hoặc là trở thành thứ yếu trong thế giới nghệ thuật của nhà văn.


Thành phố không phải một lần được nhắc đến, nhưng nó chỉ thoáng hiện ra như là một cai gì xa lạ, bí ẩn. Người ta hướng tới nó niềm hi vọng tìm thấy một lối thoát cho cuộc sống cùng quẫn, buồn chán và tẻ nhạt ở nhà quê. Trong sáng tác của Nam Cao, Hà Nội, Sài Gòn là nơi mà các nhân vật của ông gửi biết bao hi vọng háo hức, nhưng rồi bị chết dần, chết mòn những mơ ước ở đó, cuối cùng, như một quy luật họ buộc phải quay về quê hương đem theo cả sự nghèo đói, cả suy sụp về tinh thần lẫn thể xác.


Thường xuyên hơn cả, ta bắt gặp trong sáng tác của Nam Cao cái làng Vũ Đại (chính là cái làng Đại Hoàng quê hương ông), ngoại ô làng Thuỵ (Sống mon, nơi có cái trường tư Thứ dạy thuê để kiếm sống cùng với xóm Bài Thơ (Truyện người hàng xóm) với “những mái lá xác xơ trông tiều tuỵ như những cái nón rách trên gáy những người ăn mày ngồi xúm xít với nhau, ngủ gục cho đỡ lạnh” hiện ra như là những bức phối cảnh của làng Vũ Đại.


Khác với cái làng Đông Xá huyên náo, dồn dập tiếng trống thúc sưu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, nông thôn trong tác phẩm của Nam Cao có cái vẻ vắng lặng, hoang vu của một vùng quê xác xơ vì nghèo đói. “Một cái làng quê u tịch đôi khi chết lặng vì cái nắng trưa gay gắt của mùa hè, xao xác vào những ngày cuối chu, tả tơi vào những mùa mưa bão, quạnh vắng vào những đêm trăng.” (1) Không gian ở đây “yên tĩnh quá” đến nỗi người ta có thể nghe thấy “tiếng thở ra u ám” của những “giậu tre rậm như rừng”, thậm chí có thể nghe thấy cả “tiếng kêu rầm rĩ của những thớ gỗ trong cái kèo cái cột, hình như chúng tê mỏi mà vươn mình hay sốt ruột mà rên lên” (Nửa đêm). Cái không gian vắng lặng ấy đôi khi cũng bị khuấy lên bởi những tiếng hờ, tiếng khóc, tiếng chửi trời chửi đất, sau đó, cả làng quê lại như chìm lặng đi trong đói khát, ốm đau và tủi nhục.


Không gian trong sáng tác của Nam Cao ít được sử dụng làm nền cho những xung độ xã hội mà chủ yếu là không gian riêng tư, cá nhân, không gian sinh tồn của một làng quê cổ hủ. Trong cái không gian tù hãm như bị vây bọc bởi những luỹ tre xanh, biết bao nhân vật của Nam Cao bị cầm tù, bị đày ải, nếu không cam phận sống thệit thòi, tủi nhục như một kẻ tôi đòi (Ở hiền) thì cũng sống âm thầm nhẫn nai trong đắng cay, chua xót (dì Hảo), nếu không bị chết vì đói, vì bệnh tật (Ngèo, Điều văn) thì cũng chết khốn khết khổ vì bả chó (Lão Hạc) hay bội thực vì “Một bữa no” quá hiếm hoi (Một bữa no…)


Không gian nhà ở, căn buồng là không gian trugn tâm trong sáng tác của Nam Cao. Không gian nghệ thuật của ông được mở ra trước hết và chủ yếu ở cái không gian đời tư, gia đình này, có thể nói, không gian nhà ở, căn buồng như một áp lực thu hút các nhân vật của ông.


Chính không gian nhà ở, căn buồng (tương ứng với nó là thời gian cá nhân hàng ngày) đã tạo ra điều kiện thuận lợi cho Nam Cao khai thác triệt để cái hàng ngày của đời sống. Đời sống thật của các nhân vật hiện lên cụ thể, chân thật, sinh động trong cái không gian riêng tư, gia đình của chính mình. Trong rất nhiều tác phẩm của am Cao, những biến cố, sự kiện, những hành động, suy nghĩ v.v… của nhân vật chủ yếu diễn ra trong không gian đó (Trăng sáng, Nghèo, Từ ngày mẹ chết, Bài học quét nhà, Con mèo v.v… )


Trong không gian nhà ở, căn buồng, các nhân vật của Nam Cao đã phải đối diện với các chất văn xuôi tầm thường phàm tục của đời sống. Những tiếng “diếc lác dằn vặt, hắt hủi và khóc lóc” hằng ngày đã làm xói mòn dần những rung động, những mơ ứơc của những Điền, những Hộ, những Hài, những Thứ. Những xích mích vặt vãnh, những ghen tuông giận hờn, đố kị nhỏ nhen của Thứ, San, Đích, Oanh cũng phơi bày bằng hết trong cái không gian chật hẹp ở cái trường tư ngoại ô Hà Nội, trong căn gác xép hoặc trong cái buồng thuê của ông Học. Có thể nói, dựng lên không gian nhà ở, căn buồng, nơi diễn ra những đói khát, ốm đau, bệnh tật cùng với biết bao những cái hàng ngày vặt vãnh, tầm thường, vô vị, Nam Cao đã phản ánh chân thật cuộc sống tù đọng, ngột ngạt đến mức không chịu nổi của xã hội Việt Nam đêm trước Cách mạng Tháng Tám.


Những nhân vật của Nam Cao dường như muốn thoát ra khỏi không gian ngột ngạt, tù túng nhưng đành bất lực. Không gian cư trú như một sợi dây vô hình trói buộc con người. Hộ trong Đời thừa nhiều khi “không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước mắt, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn.” Điền trong Trăng sáng biết bao lần muốn thoát khỏi cảnh sống nheo nhóc nhưng rốt cuộc không tài nào thoát được. Trong Sống mòn, Thứ hiểu khá rõ tình trạng “Sống mòn” của mình, nhưng cam chịu vì sợ hãi trước sự đổi thay. Ngồi trên con tàu từ Hà Nội về quê, Thứ miên man nghĩ : “Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có bao nhiêu người sốn gnhư y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình.” Nam Cao cắt nghĩa chính “thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới đã ngăn cản người ta đến một cuộc sống rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn”.


Không gian nhà ở, căn buồng trong sáng tác của Nam Cao cũng chính là không gian suy tưởng. Nhân vật Thứ trong Sống mòn cho rằng : “Sống tức là cảm giác và suy tưởng, sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ, có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động…” Một quan niệm về con người như thế đã chi phối quá trình sáng tạo của Nam Cao. Trong sáng tác của ông, những sự kiện, những cử chỉ hành động của nhân vật bị đẩy xuống hàng thứ yếu, chỉ là cái cớ để nhà văn phân tích diễn biến tâm lí và quá trình tư tưởng của nhân vật (Mua nhà, Trăng sáng, Bài học quét nhà, Sống mòn…)


Không gian cá nhân bị dồn nén tới mức ngột ngạt thường xuất hiện cùng với sự cô đơn của nhân vật đã tạo điều kiện thuận lợi cho nó bộc lộ cái “bản tính cốt yếu nhất” của mình như một con người giàu suy tưởng. Dứơi những mái nhà tranh, nhân vật của Nam Cao thường miên man trong những lo toan, suy nghĩ, độc thoại nội tâm triền miên, âm thầm, chua chát. Nhiều nhân vật cứ nằm ngay trên giường mà suy nghĩ. Bà cái đĩ (Một bữa no) “nằm ẹp thành nước mắt”. Phúc trong Điều văn năm trên giường “như một cái xác trong mả lạnh, chua chát nghĩ rằng : Mình không ăn nhập gì với cảnh đùa vui của người.” Nhân vật Điều trong Nước mắt chỉ khi về tới nhà “quăng mũ, quăng áo, quăng cái thân xác mệt mỏi xuống giường” mới suy nghĩ một cách sâu sắc, thấm thía về cái khổ, nỗi uất ức của mình sau một ngày nhịn đói, về cái lí do làm cho người vợ hay mắng chửi con, hay đay nghiến, gắt gỏng với chồng và làm việc ông kí nhà ga gây sự với y buổi sáng. Ở ngoại ô làng Thuỵ, trong căn buồng thuê của ông Học, Thứ thường nằm dài trên giường suy nghĩ rất lung về cái kiếp sống mòn của mình… Có thể nói, không gian nhà ở, căn buồng là không gian chủ yếu để các nhân vật của Nam Cao suy tưởng qua các hình thức đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, thậm chí cả dòng ý thức.


V.E.Khalizev cho rằng : “Những khái niệm về không gian trong tác phẩm văn học thường có ý nghĩa khái quát” (2) Trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, không gian là hình ảnh của một cuộc sống khốn cùng, quẩn quanh, tù túng, ngột ngạt. Trong tiểu thuyết Sống mòn, không gian là hình ảnh của sự sống mòn. Thứ từ làng quê vào Sài Gòn, mơ ước đi Pari nhưng vì ốm phải về quê, rồi đi Hà Nội dạy học, nằm bẹp ở gác xép của ngôi trường tư, sau đó chuyển sang buồng thuê của ông Học, rốt cuộc lại phải trở về quê cũ, nơi xuất phát, nơi mà y cầm chắc đời y sẽ “mốc lên, sẽ rỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra”, khép kín cái vòng đời mòn mỏi, luẩn quẩn, bế tắc của mình. Nam Cao như muốn đạt ra câu hỏi day dứt muôn thuở : Liệu con người có khả năng thoát ra khỏi tình trạng sống mòn không ?


Là một nghệ sĩ bậc thầy, Nam Cao đã sử dụng linh hoạt các yếu tổ của thời gian và không gian trong quá trình sáng tạo tác phẩm của mình. Từ không gian trung tâm là nhà ở, căn buồng, không gian nghệ thuật của Nam Cao còn vươn tới cái không gian khác kể cả không gian tâm tưởng. Cùng với việc đổi thay không gian, thời gian nghệ thuật cũng được mở ra nhiều chiều nhờ những hồi tưởng, ước mơ và suy tưởng của nhân vật. Những nhân vật của Nam Cao từ thời hiện đại có thể quay về quá khứ hoặc hướng tới tương lai, thậm chí có khi xáo trộn cả không gian với thời gian. Điều đó làm cho tác phẩm của Nam Cao mới thoạt nhìn bề ngoài tưởng như rất phóng túng, tuỳ tiện, nhưng thực ra lại rất chặt chẽ bởi vì chúng được chỉ đạo nhất quán bởi lối kết cấu lắp ghép (montage) - một thủ pháp kết cấu thường gặp trong sáng tác của Nam cao – và về thực chất là bị chỉ đạo bởi lối kết cấu theo quy luật phát triển tâm lí - một thủ pháp kết cấu cơ bản nhất – chi phối hầu hết và thu hút vào trong nó các kiểu kết cấu khác, kể cả lối kết cấu lắp ghép.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top