• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nhạc Jazz - Lịch sử và các thời kỳ phát triển

Hide Nguyễn

Du mục số
Nhạc jazz từ đâu đến?

Những tập tục văn hóa và âm nhạc truyền thống Tây Phi theo chân những người nô lệ đến Mỹ và phát triển qua nhiều thời kỳ, đó là nguồn cội của nhạc jazz...

Posted Image

Những năm 1700

New Wolrd những năm 1700 đang còn thịnh trị chế độ nô lệ. Tầng lớp chủ nô đối xử hà khắc và man rợ, coi những người nô lệ của mình không bằng loài vật, nhất là những người thuộc bộ lạc Tây Phi bị xiềng xích và đem bán như những đồ vật rẻ tiền. Những người nô lệ Tây Phi phải lao động nhọc nhằn, sinh hoạt trong điều kiện cực nhục, bị nghiêm cấm cả việc trò chuyện và tụ tập đông đúc.

Để phản kháng chế độ bất công và giải toả mối uất hận tinh thần, họ tìm đến âm nhạc. Chính âm nhạc đã trở thành phương tiện cứu cánh trong đời sống cơ cực bần hàn của những người nô lệ da đen Tây Phi. Họ giao lưu và chuyển tải những thông tin bí mật bằng âm nhạc, và trên hết, nghệ thuật âm nhạc là phương cách hữu hiệu để họ giải toả nỗi niềm, tâm tư, tình cảm, nỗi buồn tha hương và khát vọng tự do của mình.

Những tập tục văn hóa và âm nhạc truyền thống Tây Phi theo chân những người nô lệ góp mặt tại New Wolrd, tại “Thế giới mới” này: đó là những câu hò đối đáp khi lao động, là những câu chuyện truyền khẩu do một người khởi xướng và đám đông hưởng ứng, là những giai điệu buồn mênh mang của những bài dân ca tôn giáo có tên gọi là Spiritual, trái ngược với những giai điệu thê lương là những tiết tấu mạnh mẽ sôi động, dữ dội của những nhạc khí gõ trong vũ điệu lễ hội.

Dần dần sinh hoạt văn hóa của những người nô lệ Tây Phi trở thành một phần nền tảng của nghệ thuật âm nhạc châu Mỹ, được biết dưới tên gọi nhạc jazz.

Vào những năm 1800

Nước Mỹ được xem là “vùng đất hứa”. Dân châu Âu đổ xô đến miền đất xa lạ này với hy vọng tìm kiếm cơ may làm giàu để đổi đời. Và thế là, những phong tục tập quán trong sinh hoạt văn hóa của các dân tộc châu Âu cũng “di cư” cùng họ tới đất Mỹ xa xôi.

Các thành phố và bến cảng ở Mỹ vang lên không ngớt những điệu nhảy Quadrille của người Pháp, điệu nhảy cuồng nhiệt Flamenco của người Tây Ban Nha, điệu Jig vui nhộn, ngộ nghĩnh của người Ailen, điệu Valse thanh lịch, quý phái của dân tộc Đức… Và chính phong cách “đa quốc gia” ảnh hưởng sâu đậm lên nền âm nhạc Mỹ.

Xu hướng kết hợp hai nền âm nhạc châu Phi và châu Âu rất được ưa chuộng. Cuộc hôn phối âm nhạc này cho ra đời loại nhạc mới gọi là "Ragtime”, đó là sự phối hợp tài tình giữa giai điệu du dương và mênh mang buồn của cộng động người da đen với phong cách nhạc nhảy sôi nổi từng bừng có cấu trúc mạch lạc, khúc triết của các dân tộc da trắng châu Âu. Chiếc nôi đón nhận sự ra đời của Ragtime là Missouri. Những năm cuối thế kỷ 19 rất nhiều nhạc sỹ đến Missouri để phát triển và hoàn thiện tài danh âm nhạc của mình. Một trong những nhà soạn nhạc Ragtime thành công là Scott Joplin.

Cũng từ truyền thống nhạc Spizitual, dòng nhạc Blues bắt đầu hình thành khoảng đầu những năm 1890. Qua phong cách Blues các ca sỹ mặc sức phô diễn khả năng giọng hát của mình tới tận cùng để lột tả sức sống mãnh liệt của nội tâm và sự sâu thẳm của các trạng thái xúc cảm.

Những năm 1900

Bến cảng New Orleans đón nhận âm nhạc của tất cả các dân tộc đến đây nhập cư. Trước tiên phải kể đến người Pháp, họ là những người khai phá và thành phố New Orleans là thuộc địa của Pháp vào những năm 1700. Sau đó một thời gian nó thuộc quyền cai trị của Tây Ban Nha. Tới đầu thế kỷ 19 thành phố tiếp tục đón nhận những kẻ đi khai phá đến từ Anh Quốc, Ailen, Scotlen, Đức và Ý..

Cư dân ở New Orleans có nguồn gốc từ nhiều nền văn hóa khác nhau hội tụ lại. Sự giao thoa giữa các nền âm nhạc cho ra đời một thể loại âm nhạc mới gọi là “Jazz”. Tên gọi “Jazz” chính thức xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20. Nhạc Jazz bao gồm nhạc Mỹ gốc châu Phi hòa quyện với nhạc dân tộc các nước châu Âu, cùng với nhạc Blues, nhạc Rigtime, nhạc nhà binh và một số thể loại khác tạo nên.

Những năm 1920

Sau 2 thập niên, một thế hệ mới đến tuổi trưởng thành. Những thanh niên này dịch chuyển lên phương Bắc nhằm tìm kiếm những cơ hội mới tại các thành phố như Chicago, New York. Nhạc Blues và nhạc Jazz là những “hành trang văn hóa” mà họ mang theo bắt đầu lan tỏa tại các thành phố phương Bắc nước Mỹ.

Tâm lý giới trẻ có nhiều chuyển biến phức tạp sau những năm đại chiến thế giới thứ nhất. Họ phản đối những quan điểm cổ điển của thế hệ cha mẹ. Các hộp đêm mọc lên như nấm. Thanh niên đắm mình trong những điệu Blues và Jazz sinh động và cuồng nhiệt. Cải cách trang phục được các cô gái nhiệt liệt tán thưởng, mốt cắt tóc ngắn với những chiếc váy ngắn cũn cởn như một thách thức nổi loạn, phản kháng của giới trẻ với những “cấm kỵ” xưa cũ.

Sự suy thoái của chiến tranh không kéo dài. Sau những năm 20, nền kinh tế được cải thiện và có chiều hướng phát triển nhanh chóng. Lần đầu tiên máy quay đĩa hát và máy thu thanh tràn ngập thị trường. Nhạc Jazz thoát khỏi địa vị thấp kém, xoàng xĩnh trong các hộp đêm rẻ tiền, góp tiếng nói trên làn sóng của đài phát thanh, và góp mặt trong các vũ trường và khách sạn sang trọng.

Những năm 1930

Posted Image

Nước Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng. Đời sống người dân hết sức khó khăn. Điều kiện giải trí theo sở nguyện bị xếp xó. Radio trở thành phương tiện hầu như duy nhất giữ vai trò trung tâm giải trí. Mọi người đành thoả mãn đam mê âm nhạc bằng cách nhún nhảy, khiêu vũ theo những điệu Jazz vang lên êm dịu và uyển chuyển được phát trên đài gọi là “Big band swing”. Swing là những điệu nhạc phổ biến nhất thập niên 1930 - 1940. Sức hấp dẫn của Swing giúp người dân giải trí một cách nhẹ nhàng và quên đi phần nào những cực nhọc vất vả của thời kỳ “đại suy thoái”.

Trong những năm này, ở một thành phố khác của Mỹ, thành phố duy nhất dường như thoát khỏi thời kỳ “đại suy thoái” - Kansas - tiền bạc chảy vào những chốn ăn chơi, cờ bạc, rượu chè, ma túy. Cuộc sống về đêm ở những chốn này trở thành nguyên nhân để nhạc Jazz được ưa chuộng. Một thứ nhạc Swing buông thả và tự nhiên chủ nghĩa trở nên quyến rũ trong những hộp đêm nhan nhản khắp thành phố. Kansas hút các nhạc sỹ nhạc Jazz thất nghiệp ở nơi khác về đây kiếm sống, vì thế chẳng bao lâu sau, đời sống của nhạc Jazz ở Kansas trở nên sôi động không kém gì New York hay Chicago.

Những năm 1940

Đại chiến thế giới thứ 2, hàng triệu người Mỹ gốc Phi bị tổng động viên ra mặt trận và đầu quân vào phục vụ trong quân đội. Nạn phân biệt chủng tộc và ngược đãi người da đen xảy ra khắp nơi và trên mọi phương diện, kể cả trong âm nhạc: những nghệ sỹ Jazz tài năng người da đen bị thất sủng, các ban nhạc Jazz của người da trắng được thành lập.

Những năm 1950

Chuyển sang thập niên 50, những phương tiện giải trí của người Mỹ chuyển hướng qua truyền hình và phim ảnh. Nhạc Jazz đối diện với sự cạnh tranh mới, các phòng khiêu vũ còn lại không nhiều, nhường chỗ cho chương trình truyền hình Milton Berle giới thiệu Elvis Presley với thể loại mới hơn ”Rock’n' roll”ra đời, được thế hệ trẻ đón nhận sôi nổi.

Những năm 1960 về sau

Trong suốt những năm 60, phong trào đòi nhân quyền của những người Mỹ gốc Phi nổi dậy khắp nước Mỹ. Các công ty sản xuất đĩa nhạc và các câu lạc bộ của người da trắng đã khống chế sự phát triển nghệ thuật và nguồn thu nhập tài chính của những người da đen. Một số nghệ sỹ da đen tách ra hoạt động tự do, tiếp tục cho ra đời những thứ âm nhạc phức hợp, mạnh mẽ, sinh động và dần dần đưa nhạc Jazz đi theo những hướng mới.

Sau thập niên 60, nhạc Jazz phát triển mạnh, có sức lan toả ra toàn cầu như một loại nhạc đại diện cho tự do. Sự cộng sinh kết hợp với sự chuyển hóa đã khoác lên mình nhạc Jazz tấm áo choàng mới, số phận mới, địa vị mới, nhạc Jazz đón nhận vị trí xứng đáng hơn và trở thành một hình thức nghệ thuật có tầm vóc quốc tế…

Số phận của một loại hình thức nghệ thuật có thể biến động không ngừng. Tìm cách phân loại và định nghĩa chúng thường tỏ rõ sự hạn chế và thiếu chính xác. Thêm vào đó, “tên hiệu” có thể giới hạn sự chọn lựa và đem lại sự mỏi mệt cho chúng ta. Nên chăng, hãy thưởng thức và học hỏi thứ nghệ thuật làm bạn đam mê bằng nhiều cách và các phương tiện khác nhau!


Theo PGS TS Nguyễn Minh

[FLASH]https://www.nhaccuatui.com/m/-vnfqTBIK5[/FLASH]

-----------

Một số chuyên gia âm nhạc cho rằng nhạc Jazz là một quà tặng tuyệt vời nhất của châu Mỹ đối với nền âm nhạc thế giới. Thể loại nhạc này bắt nguồn từ chính cuộc sống của những người Mỹ - Phi.


Gần đây, có rất nhiều bộ phim chiếu tại các kênh truyền hình Mỹ nói về lịch sử của nhạc Jazz và các thời kỳ phát triển của nó. Các nhà làm phim thông qua những bộ phim để nói về sự ra đời một thể loại âm nhạc mới của những người da đen, người lai da đen và người Mỹ da trắng.


"Jazz" là sự hòa trộn của ba dòng nhạc Swing, Bebop và Fusion. Nhạc Jazz đem đến cho người nghe nhiều cảm xúc khác nhau, lúc buồn vui, khi trầm lắng sôi động. Riêng với thể loại nhạc này, các nhạc công chính là người sáng tác những bản Jazz mới bằng cách vừa chơi nhạc, vừa ngẫu hứng thổi hồn mình phiêu lãng qua những nốt nhạc. Mỗi lần họ chơi, bản nhạc dường như có một sức sống mới mẻ hơn tùy vào cảm xúc của họ. Các nhạc công nhạc Jazz thực sự khiến cho khán giả đi từ những bất ngờ này đến những bất ngờ khác, rất thú vị, cuốn hút bằng sự phá cách trong các giai điệu truyền thống và những xúc cảm lớn trong từng khoảnh khắc bay bổng, phiêu du, da diết lạ kỳ.


Nhạc Jazz có từ thế kỷ 19. Người Mỹ - Phi bắt đầu phát triển thể loại nhạc này vào cuối những nǎm 1880. Từ âm nhạc của người Mỹ da đen và những bài hát buồn về những năm tháng sống cuộc đời nô lệ, họ đã tạo ra thể loại nhạc Blue. Bên cạnh nhạc Blue, nhạc Ragtime (nhạc ractim của người Mỹ da đen) cũng có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của nhạc Jazz. Thể loại nhạc này vào những nǎm 1890 rất được ưa chuộng tại miền Nam nước Mỹ.


Các nhạc sĩ người Mỹ - Phi và những người lai da đen ở New Orleans, Louisiana là người phát triển thể loại nhạc Jazz vào đầu những năm 1900. Các nhạc công này trong những buổi trình diễn tại các lễ kỷ niệm và cuộc diễu hành ngày hội đã ngẫu hứng sáng tạo thêm vào những bản nhạc đã viết từ trước. Thể loại nhạc khởi xuất từ New Orleans này thường được gọi là nhạc Jazz cổ điển, Jazz truyền thống hay còn gọi là nhạc Jazz Dixieland. Từ New Orleans, các nhạc sĩ như Jelly Roll Morton, Sidney Bechet và King Oliver đã đưa nhạc Jazz đến nhiều nơi khác. Từ đó, nhạc Jazz ngày càng được ưa chuộng và được thế giới biết đến.


Các nhà sử học thường gọi những nǎm 1920 là thời đại nhạc Jazz hay còn gọi là thời kỳ hoàng kim của thể loại nhạc Jazz Mỹ. Trong thời kỳ này, lớp thanh niên ở miền Tây đã tạo ra một thể loại nhạc mới. Người ta gọi đây là thể loại nhạc Jazz phong cách Chicago. Sau đó, thể loại nhạc Jazz có tên gọi là Swing cũng trở nên rất phổ biến ở Mỹ.


Sau Thế chiến II, nhạc Jazz phong cách swing không được ưa chuộng nữa. Người ta đã thay đổi sở thích để đến với những thể loại nhạc mới lạ. Một trong những loại nhạc đó là bebop, hay còn gọi là nhạc pop. Thể loại nhạc này xuất hiện vào đầu những năm 1940, do những nhạc sĩ trẻ như nhạc công chơi kèn trompet Dizzy Gillespie, tay kèn saxaphone Charlie Parker, nghệ sĩ dương cầm Thelonious Monk và Bud Powell khởi nguồn. Sau đó, Bebop dần trở nên phố biến. Thể loại nhạc này có những biến tấu đem lại cho người nghe nhiều điều bất ngờ.


Cho đến những nǎm 1950, nhạc cool Jazz cũng rất phổ biến. Tay kèn Saxophone Lester Young và tay ghi-ta Charlie Christian là những người đầu tiên khởi nguồn loại nhạc này. Các nhạc cụ của cool jazz đem lại những giai điệu âm thanh nhẹ nhàng du dương hơn nhạc bebop.


Thời kỳ này người ta rất yêu chuộng nhạc Jazz. Có khá nhiều câu lạc bộ nhạc Jazz xuất hiện và các đĩa nhạc Jazz bán rất chạy. Việc đưa ra những đĩa nhạc có thời lượng dài hơn đã thu hút được nhiều người khiến nhạc Jazz càng trở nên nổi tiếng. Với những đĩa nhạc này, người ta có thể nghe một bản nhạc dài hay nhiều bản nhạc ngắn mà không phải thay đổi đĩa nhạc. Buổi hoà nhạc Jazz lớn nhất nước Mỹ đã được tổ chức tại Newport, Rhode Island vào năm 1950. Ngày nay, những buổi hoà nhạc như thế được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới.


Trong thời kỳ những nǎm 1950, nhạc Jazz phát triển theo các xu hướng khác nhau. Nhạc sĩ chơi nhạc cổ điển Gunther Schuller đã viết những bản nhạc kết hợp nhạc jazz hiện đại với những âm thanh hoà phối của nhạc cổ điển.


John Coltrane vào thập kỷ 60 đã khởi nguồn một thể loại nhạc mới. Anh đã kết hợp nhạc Jazz cùng với nhạc Ấn Độ. Nhưng một thể loại nhạc mới có tên gọi rock & roll cũng khởi sắc vào thời kỳ này và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Khắp thế giới đâu đâu người ta cũng nghe nhạc rock của Elvis Presley và của ban nhạc nổi tiếng Beatles. Thể loại âm nhạc mới này đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến nhạc Jazz.


Vào thập kỷ 70, nhạc jazz đã có những ảnh hưởng của Rock. Sự phát triển của các nhạc cụ điện tử góp phần tạo nên sự kết hợp này.


Nhạc Jazz quay trở lại với những âm thanh tryền thống của nó vào thập kỷ 80. Tay kèn trumpet Wynton Marsalis chính là người tiên phong trong phong trào này. Dòng nhạc Jazz này kết hợp các dòng nhạc swing, bebop và cool jazz.


Ngày nay, các nhạc công nhạc Jazz chơi rất nhiều thể loại nhạc mang phong cách Jazz. Âm nhạc của họ có sự pha trộn của phong cách swing và bebop do vậy nghe giống như nhạc rock & roll hay như âm nhạc của những người cao bồi miền tây nước Mỹ.


Tư liệu sưu tầm.
 
Gary Bartz - nghệ sĩ saxophone nhạc jazz giành giải Grammy tới New York lần đầu tiên năm 1958 để theo học Trường nhạc Julliard. "Đó là cơ hội rất thuận lợi cho âm nhạc tại New York, tại thời điểm kết thúc kỷ nguyên bebop", Bartz nói. "Charlie Parker đã qua đời 3 năm trước đây nhưng nhóm nhạc của Mile lại đang ở trong thời kỳ hoàng kim của nó, Monk giảm sút tại Five Spot, còn Ornette Coleman chỉ xuất hiện ở thị trấn...''.



Vào khoảng giữa thập niên 60, nghệ sĩ saxophone alto này bắt đầu biểu diễn khắp nơi trong thành phố với nhóm nhạc Max Roach/Abbey Lincoln và nhanh chóng xây dựng cho mình vị thế là một âm thanh alto đầy hứa hẹn. "Trong những ngày đó, chúng tôi thường tới một nơi tĩnh lặng trong nhiều tuần chỉ để tiếp tục làm âm nhạc", Gary nói. "Những điệu nhảy ponca như muốn xen vào mọi sinh hoạt của chúng tôi. Âm nhạc luôn xuất hiện trong tất cả, mọi người lúc nào cũng như gục xuống bởi sự cống hiến cho âm nhạc. Chúng tôi không hề nghĩ tới bản thân với những gì chúng tôi viết bởi sau tất cả, âm nhạc không thuộc về riêng ai. Nó thuộc về mọi người, về tất cả mọi người".

Với tiếng vang trong lần ra mắt đầu tiên ở New York, Bartz nhanh chóng gia nhập nhóm Jazz Messengers của Art Blakey. Cha mẹ Gary có riêng một câu lạc bộ tại Baltimore, North End Lounge. Khi cha anh thuê Blakey biểu diễn, Gary đã nắm lấy cơ hội lấp vào chỗ trống của người chơi kèn sax trong ban nhạc. Sau buổi biểu diễn đêm đó, chàng trai trẻ Bartz chính thức gia nhập nhóm. Năm 1965, anh thực hiện thu âm đầu tay của mình trong album Soulfinger của Blakey.

Từ năm 1962-64, Gary gia nhập workshop của Charles Mingus và bắt đầu tập luyện thường xuyên với các thành viên, trong đó có Eric Dolphy. Năm 1968, Bartz kết giao với McCoy Tyner, góp mặt trong các album kinh điển Expansions và Extensions của Tyner. Làm việc với McCoy có ý nghĩa đặc biệt với Bartz bởi mối quan hệ gắn bó của người đứng đầu ban nhạc với John Coltrane - người được Gary ca ngợi là người có ảnh hưởng sâu sắc. Gary tiếp tục biểu diễn và thu âm với McCoy tới tận bây giờ.

Trong hai năm đầu làm việc với Tyner, Gary cũng đã lưu diễn cùng Max Roach và thỉnh thoảng thu âm cho hãng Atlantic của Max. "Max có mối ràng buộc đó với Charlie Parker," Bartz tuyên bố. "Charlie Parker chính là lý do khiến tôi chơi alto saxophone." Bartz đã nhận được một lời mời từ Miles Davis năm 1970; làm việc cùng nghệ sĩ huyền thoại này là sự thử nghiệm đầu tiên của Gary trong lĩnh vực nhạc cụ điện tử. Một lần nữa nó cũng xác nhận sự khao khát của anh trong mối liên hệ bền chặt hơn, ngang bằng hơn với Coltrane.

Ngoài quan hệ hợp tác với Miles đầu những năm 70 - bao gồm cả việc tham gia vào Lễ hội Isle of Wight lịch sử tháng 8/1970 - Bartz còn bận rộn với đoàn diễn NTU Troop của riêng anh. Nhóm nhạc được gọi tên từ ngôn ngữ Bantu : NTU có nghĩa là đồng nhất trong mọi thứ - thời gian và không gian, sự sống và cái chết, hữu hình và vô hình.

Bartz đã thu âm như một người đứng đầu nhóm nhạc từ năm 1968, và tiếp tục công việc suốt nhữngnăm 70. Thời gian này, anh đã phát hành các album được ca ngợi như ANOTHER EARTH, HOME, MUSIC IS MY SANCTUARY, và LOVE AFFAIR. Năm 1988, sau thời gian 9 năm gián đoạn giữa những phát hành solo, Bartz bắt đầu thực hiện thứ âm nhạc mà theo nhà phê bình Gene Kalbacher mô tả là "những khía cạnh sống còn để mở ra kỷ nguyên mới" trong các album như MONSOON, WEST 42ND STREET, THERE GOES THE NEIGHBORHOOD, và SHADOWS.

Bartz tiếp tục trình làng những tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc năm 1995 với album đầu tay tại Atlantic, THE RED AND ORANGE POEMS - một tiểu thuyết âm nhạc bí ẩn, cũng là album sáng giá của Gary, tiếp tục là với THE BLUES CHRONICLES: TALES OF LIFE - một cuộc thử nghiệm trong sức mạnh âm nhạc để xoa dịu, thách thức, khuấy động một đám đông đầy rẫy những điều kỳ dị, hay làm lay động suy nghĩ của một người...

Phát hành mới nhất, LIVE AT THE JAZZ STANDARD. VOL. 1 - SOULSTICE, đã chứng minh sự phát triển liên tục của Gary với tư cách một nhà soạn nhạc, một lãnh đạo ban nhạc, một bậc thầy của alto và soprano saxophone. Với hơn 30 thu âm ở vai trò đứng đầu (cũng như hơn 100 thu âm ở vai trò nghệ sĩ khách mời), Gary Bartz thực sự đã giúp mình đứng vững ở tầm các danh nhân nhạc Jazz.

( Theo Internet ).
 
Người ta thường nói rằng: “Có nhiều kiểu nhạc jazz khác nhau bởi lúc thì nghe giống nhạc cổ điển châu Âu, khi thì lại giống nhạc country, lúc lại như nhạc Latin hoặc nhạc rock. Có khi nó lại mang âm hưởng của rất nhiều thể loại nhạc được chơi ở nhiều nơi trên thế giới”...

Tuy nhiên, theo nhận định của một nhà nghiên cứu về nhạc jazz - tiến sỹ Bill Taylor, một nghệ sỹ nổi tiếng, nhà nghiên cứu nhạc jazz và là cố vấn nghệ thuật của Trung tâm Kennedy thì: “Jazz là âm nhạc cổ điển Mỹ. Đây chính là cách người Mỹ chơi nhạc”.

Nhạc jazz là một thể loại nghệ thuật của người Mỹ có nguồn gốc từ châu Phi, được sản sinh từ cộng đồng những người nô lệ da đen châu Phi bị bắt và đem bán sang châu Mỹ từ những thế kỷ trước. Nhạc jazz là phương tiện biểu hiện và diễn đạt mọi tâm tư tình cảm của cộng đồng người da đen sống trên đất Mỹ, đây cũng chính là sản phẩm trực tiếp của di sản âm nhạc Mỹ gốc Phi.

Nói đến nhạc jazz, chúng ta không thể không nhắc tới nhạc blues bởi nhạc blues là nền tảng của ngôn ngữ nhạc jazz với sự phân tiết và ngữ điệu, nó cũng có xuất xứ từ cộng đồng người da đen. Phong cách thể hiện nhạc blues và jazz có chung một cội nguồn từ những bài ca tôn giáo, những bản hợp xướng của đạo Tin Lành. Ngoài ra, ragtime cũng được xem là một trong những dạng thức đầu tiên của nhạc jazz với những đặc trưng về đảo phách, ứng tác, ứng tấu và sử dụng nhiều tiết tấu đan tréo nhau...

Cùng với sự pha trộn nhiều phong cách khác nhau của các dòng nhạc blues, country, ragtime... Trong suốt hơn 90 năm qua, nhạc jazz luôn là một thể loại nhạc có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc thế giới, đặc biệt vào những năm 1920-1930 của thế kỷ trước, thời kỳ được xem là kỷ nguyên của nhạc jazz.


Những tên tuổi luôn gắn liền với dòng nhạc jazz trong suốt bao nhiêu năm qua kể từ khi ra đời cho đến nay đó là: Luis Amstrong (nghệ sỹ kèn trumpet); King Oliver (chỉ huy dàn nhạc); Duke Ellington (nghệ sỹ piano); Jemes Rushing (ca sĩ); Enla Fitgerald (ca sĩ); B.B. King (nghệ sỹ guitar), Laura Fygy (ca sĩ)...

Trong nhạc jazz, phong cách thể hiện của từng nghệ sỹ không phụ thuộc vào bài vở, thành phần dàn nhạc, nhìn chung, sự “phóng khoáng trong khuôn khổ”, tính hài hước và sự điêu luyện của mỗi nghệ sĩ sẽ giúp họ thể hiện thành công các bản nhạc jazz.

Như quí vị đã thấy, thông thường, thành phần dàn nhạc của dòng nhạc jazz thường ít hơn dàn nhạc giao hưởng, nhưng có khi lại nhiều hơn nhóm nhạc rock. Những nhạc cụ chơi trong nhạc jazz thường là những nhạc cụ của châu Âu nhưng cách diễn tấu lại mang phong cách Mỹ. Sự sắp xếp trong dàn nhạc jazz thường theo các nhóm:

Nhóm Kèn: gồm các loại kèn trumpet, cornet, trombone, saxophone, clarinette.

Nhóm Gõ: gồm bộ trống và các nhạc cụ gõ.

Ngoài ra còn có các loại nhạc cụ khác như piano; banjo; guitar; contrebass...

Nhạc jazz không chỉ thành công và thu hút người nghe trong lãnh vực của mình, từ những năm 1920-1930, đã xuất hiện jazz-symphonic (jazz-giao hưởng) mà tiêu biểu là nhạc sĩ Mỹ G.Gershwin; Ivling Berlin; Robert Bermann đã tạo nên những hiệu quả bất ngờ, mở ra một phong cách mới trong thể hiện của dàn nhạc giao hưởng.


Trong nhạc jazz, khái niệm về sáng tác luôn gắn liền với người thể hiện, nó gần như là sự sáng tạo tại chỗ. Một giai điệu, một nét nhạc có thể bị lãng quên ngay sau khi người nhạc công đã trình tấu nó. Tuy nhiên ngày nay, các nghệ sĩ chơi nhạc jazz thường có những sự “thể nghiệm” độc đáo nhằm liên kết giữa các dòng nhạc, phá bỏ những quan niệm của những dòng nhạc mang đặc tính riêng như nhạc cổ điển...



Như đã nói ở trên, sự ra đời của dàn nhạc jazz-symphonic không chỉ là một sự sáng tạo độc đáo, nó còn là một bước ngoặt trong kỹ thuật trình tấu đối với các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng, họ không chỉ điêu luyện trong các tác phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn và hiện đại mà còn phải nhạy bén thích nghi với phong cách nhạc jazz trong tác phẩm của các nhạc sĩ Mỹ mà tiêu biểu là George Gershwin, Leonard Berstein, Tim Rice...


Sưu tầm.
 
Jazz là một thể loại nhạc có nguồn từ Hoa Kỳ. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Những đặc điểm này được nhận thấy trong kiểu cách chơi nhạc Jazz của những nghệ sĩ người Mỹ. Dòng nhạc Jazz đã phát triển từ loại nhạc vui nhộn và nhạc blues trong thời gian đầu của thế kỷ 20, và tiếp tục phát triển với những huyền thoại như: Duke Ellington, Miles Davis, Herbie Hancock..., và phát triển lớn mạnh cùng với các thể loại nhạc khác như nhạc cổ điển, nhạc Rock, hip-hop... Các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng: Louis Armstrong, Miles Davis, John Coltrane...

__ Trong suốt những năm đầu tiên phát triển của đất nước Mỹ, chế độ sở hữu nô lệ được coi là một chuẩn mực. Nô lệ bị ép buộc đến từ châu Phi phải làm việc vất vả trong các đồn điền của người Mỹ. Những nhạc công và những tài năng âm nhạc trong số đó đã học được rất nhanh nền âm nhạc vốn có sẵn của phương Tây, cùng lúc đó, âm nhạc phương Tây cũng đã có không ít bài học về âm nhạc Phi châu. Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc hơn phương Tây rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Thổ dân châu Phi rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ. Hơn nữa, một số những người Mỹ da đen mới cũng thể hiện mình thông qua nét âm nhạc truyền thống của họ. Vì cách xa quê hương nên âm nhạc truyền thống một phần cũng không thể thể hiện chính xác được vì rất nhiều lý do, ví dụ như không được sử dụng các nhạc cụ châu Phi truyền thống. Có thể hiểu như một ban nhạc rock của các nghệ sỹ châu Phi khi biểu diễn ở Mỹ không được sử dụng bất cứ một cây guitar điện, một dàn trống… Tuy vậy, ban nhạc này vẫn đủ nội lực để có thể sử dụng các nhạc cụ có sẵn tạo ra âm nhạc của mình và điều này là chính xác đối với các nô lệ da đen ở Mỹ. Bên cạnh việc tìm các nhạc cụ mới, các nhạc sỹ châu Phi cũng đã mở rộng mình để tìm hiểu âm nhạc của phương Tây. Sự mở rộng này là khởi nguồn nảy mầm của nhạc jazz. Những ca từ, giai điệu, nhịp điệu, và cả văn hoá Tây phương không ít thì nhiều cũng đã dần thấm vào những người da đen. Tất nhiên, các nhạc sỹ da trắng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều khi nghe nhạc của người da đen. Thời gian trôi qua, và sự trao đổi âm nhạc này đã tạo ra Jazz. Một số các nghệ sỹ đã nổi lên vào thời điểm này như Don Redman (saxophone), Bix Beiderbecke (trumpet), Fletcher Henderson (band leader), Jelly Roll Morton (piano/composer), và Kid Ory (trombone/composer). Một nghệ sỹ đã trở nên chín chắn và được mọi người thán phục vào thời kỳ này là Louis “Satchmo” Armstrong (trumpet). Armstrong đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhạc Jazz, vì vậy nhiều người gọi ông là “cha đẻ” của Jazz.

Muốn thêm thông tin thì có thể vào trang web https://louis-armstrong.net

Vào thời của Armstrong, các nhạc sỹ gọi ông là “Pops” như là dấu hiệu của sự kính trọng. Armstrong là nghệ sỹ solo lớn đầu tiên trong lịch sử nhạc Jazz và những nốt nhạc phiêu du của ông đánh dấu một bước ngoặt trong Jazz với việc xuất hiện những khúc solo ngẫu hứng mà trước đây là của một nhóm nhạc sỹ. Satchmo cũng là người đầu tiên đã định lại nhịp điệu của Jazz bằng cách bỏ tính cứng nhắc trong Ragtime, áp dụng nhịp 8 nốt du dương, và làm cho người nghe cảm tưởng những nốt nhạc của ông luôn đi sau nhịp của bản nhạc. Tất cả những thay đổi này khiến người nghe có cảm giác thư giãn và được gọi về sau là Jazz swing. Armstrong mang đến một cách nghĩ mới, âm nhạc của ông được dựa trên một cấu trúc chặt chẽ và không phải chỉ là một nét tô điểm thêm cho bản nhạc mà trái lại là một giai điệu riêng dựa trên các hợp âm đã có sẵn(khái niệm âm nhạc này vẫn còn được áp dụng cho các khúc ngẫu hứng hiện nay). Bên cạnh tiếng trumpet đầy cảm xúc của mình, Armstrong có một cách hát ảnh hưởng rất nhiều đến các ca sỹ hát Jazz. Ông đã phổ biến một lối hát Jazz không thành lời (scat). Trong lối hát này, các ca sỹ hát ngẫu hứng các âm tiết thay cho các từ.


Tổng hợp .
 

Trung tâm Jazz Lincoln đã công bố tên tuổi những nghệ sĩ bậc thầy nhạc jazz được đưa vào Đại sảnh vinh danh nhạc jazz Nesuhi Ertegun năm 2005 bao gồm: Count Basie, Roy Eldridge, Ella Fitzgerald, Benny Goodman, Earl Hines, Johnny Hodges, Jo Jones, Charles Mingus, King Oliver, Max Roach, Sonny Rollins và Fats Waller. Buổi lễ thường niên lần thứ hai này sẽ diễn ra vào ngày 8/9 tại Đại sảnh Frederick P. Rose, thuộc Trung tâm nhạc Jazz Lincoln. Nghệ sĩ biểu diễn và những người tham dự sẽ được thông báo trước về sự kiện.


William "Count" Basie
Một Hội đồng thẩm định quốc tế gồm 58 người với các nhạc sĩ, các học giả, các nhà sư phạm từ 17 quốc gia được giao trách nhiệm đề cử và lựa chọn các nghệ sĩ jazz cuối cùng. Tiêu chuẩn giới thiệu vào Đại sảnh dựa trên khả năng chuyên môn và sự đóng góp của các nghệ sĩ cho quá trình phát triển và duy trì nhạc jazz. Đại sảnh vinh danh Jazz Nesuhi Ertegun ra đời kể từ khi Ahmet Ertegun và vợ ông, Micawas (thành viên Uỷ ban Trung tâm jazz Lincoln) nhằm bày tỏ sự tôn kính với người anh đã khuất - cũng là thành viên Atlantic Records, Nesuhi Ertegu.

Những gương mặt được đưa vào Đại sảnh vinh danh là: Louis Armstrong, Sidney Bechet, Bix Beiderbecke, John Coltrane, Miles Davis, Edward Kennedy "Duke" Ellington, John Birks "Dizzy" Gillespie, Coleman Hawkins, Billie Holiday, Thelonious Monk, Jelly Roll Morton, Art Tatum, và Lester Young. Cuộc triển lãm đa truyền thông bao gồm cả lễ Vinh danh sẽ diễn ra vào ngày 8/9 và mở cửa cho công chúng tham quan bắt đầu vào ngày 9/9.

"Các nhạc sĩ jazz vĩ đại này đặt những chuẩn mực mới cho nhạc khí và biểu diễn vocal trong thế kỷ 20. Tác phẩm của họ có giá trị như một kho di sản tạo nên sức mạnh nhạc jazz và ảnh hưởng của họ trong giới nhạc sĩ và khán giả được khắc sâu trong lịch sử của thể loại nhạc này", Wynton Marsalis - Giám đốc Nghệ thuật Trung tâm Jazz Lincoln nói.

Còn Ahmet Ertegun thì phát biểu. "Thật vinh dự được đánh giá cao nhóm các nghệ sĩ Jazz nổi bật, những người đã cống hiến cuộc sống của họ để sáng tạo nhạc jazz vô tận. Trung tâm đã tạo ra một không gian để tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi có thể tới để nghiên cứu về nghệ thuật jazz và những nghệ sĩ huyền thoại này là những người đã thành danh ở đó''.

"Mùa vinh danh 2005-2006 'Jazz from Coast to Coast,' là một trong những hoạt động kỷ niệm công lao của các nhạc sĩ jazz tiên phong, những người đã sáng tạo ra âm nhạc, tới những thời điểm và vị trí đã định hướng cho nó, và để những con người đó tiếp tục biểu diễn và nâng cao chất lượng nhạc jazz tới ngày hôm nay", Derek E. Gordon, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành Trung tâm Jazz at Lincoln tuyên bố. ''Chúng tôi đánh dấu sự khởi đầu với nghi lễ giới thiệu vào Đại sảnh vinh danh Nesuhi Ertegun Jazz rất quan trọng này, để công nhận các nghệ sĩ, tất cả những người hiện thân cho sự phong phú trong truyền thống nhạc jazz".

Đại sảnh vinh danh Nesuhi Ertegun Jazz được nhóm Rockwell thiết kế và ra mắt công chúng năm 2004. Nơi này cũng được lắp đặt hệ thống đa truyền thông kết hợp một viedo treo tường, những kios tương tác, các tấm thẻ từ và hệ thống âm thanh đặc sắc của nhạc Jazz. Cách bài trí tự nhiên của Đại sảnh vinh danh nhấn mạnh vào tính mềm dẻo và sự ứng biến của jazz, với các vật liệu tận dụng như gỗ và đồng thau, đặc trưng của nhạc khí jazz.

Buổi lễ bổ nhiệm vào Đại sảnh vinh danh Nesuhi Ertegun Jazz năm 2005 do Bloomberg và Movado hào phóng bảo trợ.

Nesuhi Ertegun (1917 -1989)

Là con trai của cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, Nesuhi Ertegun sinh ra ở Istanbul và sau đó lớn lên ở Thuỵ Sĩ, Paris, London và Washington, D.C. Một người sưu tầm thu âm jazz và blue tâm huyết, năm 1994 Ertegun chuyển tới Los Angeles, nơi ông tiếp tục một quãng thời gian dài trong Jazzman Record Shop và các hãng thu âm Jazzman, Crescent. Trong số những người ký hợp đồng đầu tiên cho ông là huyền thoại New Orleans - nghệ sĩ kèn trombon Kid Ory. Ertegun trở thành người biên tập của tạp chí Record Changer, thực hiện các thu âm cho hãng Contemporary và dạy nhạc jazz cho các đề tài nghiên cứu ở UCLA – hướng đi chính thức được công nhận đầu tiên của thể loại này trong nước.

Năm 1954, Nesuhi gia nhập hãng Atlantic Records của em trai ông. Chuyển tới New York, ông đã mở mang một lĩnh vực album và chịu trách nhiệm xây dựng bảng phân công jazz đặc biệt của hãng - sản xuất cho John Coltrane, Ornette Coleman, Ray Charles, Charles Mingus, Modern Jazz Quartet, Herbie Mann, cùng nhiều người khác. Năm 1971, tiếng tăm mang tầm quốc tế của Nesuhi đã dẫn tới việc thành lập WEA International (hiện nay được biết tới như Warner Music International). Ông cũng là một Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các nhà sản xuất Phonogram và Videogram (I.F.P.I.).

William "Count" Basie (1904-1984)

Trong lĩnh vực piano, Count Basie có thể làm "ảo thuật" một cách trơn tru chỉ từ một nốt nhạc đơn. Là người đứng đầu dàn nhạc, ông có thể lãnh đạo 14 thành viên ban nhạc khiến họ có thể chơi độc lập. Khi ban nhạc của ông xuất hiện rầm rộ ở thành phố Kansas, Missouri giữa Great Depression, dường như công chúng nơi ấy đã biết thế nào là sức mạnh của từng điệu nhảy jazz dậm chân mạnh sôi động, hào hùng.

Roy Eldridge (1911-1989)

Roy Eldridge là nghệ sĩ biểu diễn kèn đồng tinh tuý - hùng mạnh, can đảm và đầy sinh lực đua tranh. Một đấu sĩ với chiếc kèn co, ông đã phối hợp xúc cảm mãnh liệt của Louis Armstrong với quyền điều khiển vô song của quãng âm cao hơn cho những nghệ sĩ trumpet. "Suốt cuộc đời, tôi thích tranh đấu", Eldridge nói.


Ella Fitzgerald (1917-1996)

Ngọt ngào, trong sáng và đáng tin cậy, chất giọng của Ella Fitzgerald chính là nhạc cụ của bà. Bà là một nghệ sĩ trình diễn bậc thầy của nước Mỹ. Ira Gershwin nói chưa bao giờ ông biết những ca khúc của mình hay như thế nào cho đến khi ông được nghe bà hát những ca khúc đó. Nhưng bà còn có thể cất cánh trên những đường bay táo bạo về sức tưởng tượng của bản nhạc jazz không lời đã thách thức hầu hết các nghệ sĩ kèn co đầy sáng tạo ngang hàng với bà. Giác quan có nhịp điệu của bà thật quá rõ ràng với biệt danh "Lady Time" do Lester Young đặt cho. Gần như cả thế giới biết tới bà như " Người đàn bà lỗi lạc nhất của ca khúc".

Sưu tầm.
 
Tốt gỗ tốt cả nước sơn

Những năm đầu thiên niên kỷ, nhạc jazz cũ xưa già cỗi đột nhiên được khoác chiếc áo trẻ trung lịch lãm. Jazz vốn là dòng nhạc tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Các tên tuổi jazz lẫy lừng thường không đẹp mắt. Nina Simone, Billie Holiday, Louis Armstrong đều không thể xem là đẹp và sức thu hút của họ được thể hiện qua giọng hát ám khói, qua cái thần khi trình bày ca khúc… Tuy nhiên khi gỗ hơi hơi tốt được phủ một lớp sơn tốt thì món hàng hút khách hơn nhiều, đặc biệt là khách hàng trẻ.

t14279.jpg


Khi George Michael và Robbie Williams hát lại nhạc xưa qua 2 album Songs from the last century và Swing when youre winning, người nghe chợt phát hiện ra một kho tàng nhạc xưa lắc xưa lơ nhưng vẫn rất hấp dẫn với người nghe ngày nay nếu khéo tiếp thị. Vậy là lần lượt những gương mặt búng ra sữa điển trai như Michael Buble, Peter Cincotti, Matt Dusk hát lại các ca khúc cách họ cũng vài ba thế hệ. Am nhạc ngày nay tiếp cận công chúng trước hết vẫn bằng mắt và qua các kênh truyền hình nên vẻ ngoài thu hút của các ca sĩ này tạo thuận lợi rất nhiều trước khi người ta thật sự nghe họ hát.

Dĩ nhiên, xu hướng này không chỉ diễn ra trong các nam ca sĩ mà còn lan rộng đến những giọng hát nữ. Diana Krall là gương mặt xinh đẹp của jazz tìm được thành công cả về thương mại lẫn nghệ thuật, khơi dậy sự chú ý với các giọng hát jazz nữ khác như Jane Monheit, Stacey Kent… Tương tự, sự thành công của Norah Jones cũng khiến người ta biết đến sự tồn tại của một thế hệ các cô gái trẻ trung hát jazz như Renee Olstead, Madeleine Peyroux… Nếu như Norah Jones thành công hơn với những sáng tác mới bên cạnh The nearness of you và Cold cold heart cũ xưa thì Renee Olstead trộn lẫn các bản nhạc kinh điển như Someone To Watch Over Me, What A Difference A Day Makes, Summertime với nhạc R&B mới hơn hay các bài hits thập niên 70. Madeleine Peyroux hát lại cả nhạc Pháp xưa như J"ai deux amours (bài hát từng được nhắc đến trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng).

Bên cạnh đó, cuộc thi tiếng hát truyền hình American Idol cũng ít nhiều khơi dậy di sản nhạc Mỹ với những bài kinh điển. Các gương mặt non choẹt của cuộc thi đều phải trải qua các tuần lễ hát nhạc theo chủ đề như “Motown”, “big band” hay các tên tuổi xưa Elvis Presley, Neil Sedaka, Barry Manilow… Anh chàng đẹp trai có mái tóc hung đỏ John Stevens với album Red chính là gương mặt xuất thân từ American Idol mùa giải thứ 3.

Không chỉ với jazz, nhạc cổ điển, thính phòng cũng có được vẻ tươi mới với Russell Watson, Josh Groban, Mario Frangoulis, Vittorio Grigolo. Dĩ nhiên, người nghe opera khó tính, tam đại gia giọng tenor là Luciano Pavarotti, Placido Domingo và Jose Carreras mới đáng nghe nhưng với công chúng phổ thông, Il Divo đang là cái tên nổi bật nhất. Il Divo xuất hiện trong những dịp lễ lạc quan trọng như cuộc thi Hoa hậu thế giới, sắp tới đây là lễ khai mạc World Cup, ăn mặc cực kỳ lịch lãm, giọng hát sang cả được đào tạo cẩn thận, nhả ngọc phun châu từ những bản nhạc cổ điển quen thuộc cho tới các bài hát mới như Unbreak my heart (Toni Braxton), Hero (Mariah Carey)… Il Divo được tổ chức giống như mô hình một boyband vốn thịnh hành trong thập niên 90. Với kinh nghiệm quản lý của ông bầu Simon Cowell (từng phát hiện các tên tuổi như Westlife, 5ive… và hiện đang rất thành công với các show tìm kiếm tài năng American Idol và X factor), Il Divo cực kỳ thành công với các chiêu thức tiếp thị khéo léo, xuất hiện đúng thời điểm boyband đã bão hòa đến mức ngán ngẩm… Nối tiếp Il Divo có các nhóm nhạc khác có mẫu hình tương tự như nhóm G4 (từ show X factor), Amici Forever, Opera Babes…

Dù giới phê bình có chau mày trước các sản phẩm mới này nhưng suy cho cùng, các nghệ sĩ trẻ trung này đã có công tiếp thị các dòng nhạc vốn kín cổng cao tường thoát khỏi tháp ngà đến với số đông công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Nếu không nhờ họ, chắc ít 8x nào biết đến Nella Fantasia của Ennio Morricone, Nessun dorma của Puccini hay các tác phẩm cổ điển của Beethoven, Rachmaninov…

Michael Buble

t14276.jpg


▫ Sinh ngày 9.9.1975 ở Canada
▫ Thành công lớn nhất với album Its time
▫ Xuất hiện trong mẩu quảng cáo Starbuck
▫ Rất giống diễn viên Matt Dillon

Peter Cincotti

t14277.jpg


▫ Sinh ngày 11.07.1983 ở Mỹ
▫ Bên cạnh giọng hát và vẻ đẹp trai chết người, Peter còn là một tay chơi piano cừ khôi
▫ Có một vai nhỏ trong phim Beyond the sea, bộ phim về ca sĩ Bobby Darin
▫ Là nghệ sĩ trẻ nhất xếp đầu bảng xếp hạng Billboard dành cho nhạc jazz truyền thống

Matt Dusk

t14278.jpg



▫ Sinh năm 1981 ở Canada
▫ Album đầu tay Two shots đạt đĩa vàng ở Canada
▫ Đĩa đơn đầu, Two shots of happy, one shot of sad, được sáng tác bởi Bono và The Edge, 2 thành viên của nhóm U2
▫ Cuối năm nay sẽ phát hành album Back in town, ghi âm với dàn nhạc giao hưởng 58 người

Jane Monheit

t14281.jpg


▫ Sinh ngày 3.11.1977 ở Mỹ
▫ Năm 98, ở độ tuổi 20, Jane đã đoạt giải nhì cuộc thi giọng hát của viện đào tạo nhạc jazz Thelonious Monk
▫ Phần trình bày Somewhere over the rainbow của cô có trong phim Sky Captain and the World of Tomorrow

Stacey Kent

t14282.jpg


▫ Sinh ngày 27.03.1968 ở Mỹ
▫ Chuyển đến London sống sau khi tốt nghiệp trung học
▫ Chiến thắng giải British Jazz awards năm 2001 và BBC Jazz awards 2002 cho giọng hát hay nhất
▫ Đang là người giới thiệu chương trình nhạc jazz trên BCC Radio 3
▫ Được mời xuất hiện trong The Parkinson Show và tiệc sinh nhật lần thứ 70 của Clint Eastwood

Renee Olstead

t14283.jpg


▫ Sinh ngày 18.06.1989 ở Mỹ
▫ Từ 8 tuổi đã đóng phim và quảng cáo. Xuất hiện trong các phim The insider, End of days, 13 going on 30.
▫ Năm 2002 xuất hiện trong loạt phim truyền hình Still standing.
▫ Trình diễn trong buổi hòa nhạc Live 8 ở Berlin


Tư liệu sưu tầm.
 
Lịch lãm và trẻ trung nhạc jazz

Jazz được coi là nhạc cổ điển của Mỹ nhưng giống như “sư huynh” nhạc blues, jazz không có vẻ hào nhoáng của tính cách Mỹ. Nhắc đến jazz, nhớ đến những gương mặt da đen xấu xí (hẳn ngoài giọng hát ra, ít ai dám khen Louis Armstrong, Nina Simone, Sarah Vaughan là đẹp), những câu nhạc ngẫu hứng mà nếu bắt chơi lại lần nữa, không thể nào đánh y chang.

Dù khởi thuỷ là loại nhạc để nhảy, được trình diễn bởi các big band chơi swing nhưng jazz dần loại bỏ tính chất dance và đưa sự ngẫu hứng lên hàng đầu. Sau rất nhiều thăng trầm, nhiều thể loại mới xuất hiện (một số tìm cách kết hợp như jazz rock của các band Steely Dan, Chicago) đầu thiên niên kỷ mới, jazz trở lại, không chỉ trong máy nghe nhạc của dân sành mà còn trên kệ đĩa các cửa hàng bán đĩa phổ thông. Một thế hệ quý ông, đúng hơn là quý anh vì họ còn rất trẻ tuổi, đang mang lại cho jazz một làn gió mới, trẻ trung và thông thoáng.

Jamie Cullum: phá cách nhất


t16390.jpg


Dân nghe jazz bảo thủ sẽ ít nhiều bị sốc khi nghe bài đầu trong album mới của Jamie Cullum mang tên Catching tales phát hành tháng 10/2005. Get your way là track nhạc mà Jamie cộng tác với Dan the Automator (producer hip-hop từng đứng sau nhóm nhạc ảo Gorillaz), trộn nhịp điệu hip-hop với dàn kèn big band và tiếng piano lăn tăn.

Dù vẫn có những bản jazz như Photograph, I only have eyes for you nhưng những âm thanh điện tử, phá cách vẫn len lỏi trong đĩa. Trong đĩa này, Jamie có cover lại bài Catching the sun của nhóm Britpop khá nổi tiếng là nhóm Doves. Có điều nếu đã theo dõi Jamie từ lâu, sẽ chẳng ngạc nhiên với anh chàng khi chơi cover luôn biến bài jazz chuẩn thành bản modern rock! Tập guitar và piano năm 8 tuổi, Jamie phát hiện ra jazz từ ông anh Ben và bắt đầu hâm mộ những dương cầm thủ jazz nổi tiếng như Oscar Peterson và Dave Brubeck.

Thời niên thiếu, Jamie sống ở Paris, trình diễn trong các jazz club và có được album đầu tay năm 19 tuổi. Giống như Norah Jones, Jamies tỏa sáng khi không quá cố gắng để làm hài lòng dân cuồng jazz thứ dữ, đây chắc chắn không phải là đối tượng chính của anh. Ơ album Twentysomething năm 2003, Jamie dụ dỗ jazz fan đến với the Neptunes (cặp producer đắt hàng nhất hiện nay của hip-hop và R&B) khi chơi lại Frontin của Pharrell Williams và cả High and dry của Radiohead.

John Stevens: trẻ trung nhất

t16418.jpg


Gương mặt non choẹt với cặp mắt xanh biếc nhưng John thường đóng bộ veston và thích loại nhạc búng tay, nhịp chân xưa lắc xưa lơ. Có người nói John sinh “lộn tiệm, nhầm thời” nhưng biết làm sao được, đối với John, “it dont mean a thing if it aint got that swing” (tên một bản jazz lừng danh của Duke Ellington).

Với album Red, cậu trai 17 tuổi này muốn chứng tỏ với nước Mỹ “jazz, big band và swing không thể chết, những loại nhạc này là bất hủ và nếu khéo, sẽ cuốn hút người nghe ở mọi lứa tuổi.”

John tham dự American Idol mùa thứ 3, một mùa thiếu hẳn những giọng hát nam. So với các thí sinh nam khác như George Huff hay Matthew Rogers, John thu hút người xem (cũng là người quyết định thí sinh có được “ở lại” hay không) nhờ xử lý được quyển bí kíp “great American songbook” (những bài hát kinh điển của nền âm nhạc Mỹ) vốn đang “hot” nhờ Rod Stewart và nhiều ca sĩ khác. John còn chinh phục người xem, từ cô gái trẻ đến bà cụ già nhờ vẻ nhút nhát dễ thương.

Giọng hát của John không đặc trưng, mô phỏng Frank Sinatra, Dean Martin, Bobby Darin và đặc biệt cách tổng hợp của 3 giọng hát trên từ Harry Connick Jr. Album được đặt tên Red bởi “Red” cũng là biệt danh của John, bắt nguồn từ mái tóc hung đỏ. Ở Red, John không chỉ hát lại những bản jazz mà còn 1 bản của Beatles, bài Here there and everywhere và đặc biệt là bản This love cover lại của Maroon 5.

Michael Buble: chững chạc nhất

t16392.jpg


Được sự hỗ trợ của David Foster (producer cho những thành công lớn nhất của Celine Dion, Whitney Houston), Michale Buble có album đầu tay hơn trễ tràng, năm 25 tuổi. Album mang chính tên anh phát hành năm 2003 chơi lại từ kinh điển Fever, The way you look tonight cho đến Kissing the fool của George Michael, Crazy little thing called love của Queen, How deep is your love của BeeGees đã được sự đón nhận tích cực từ giới phê bình.

Trước khi tung ra album thứ 2 tên Its time, Michael có đủ tự tin để tung ra đến 3 đĩa Totally Bublé (đĩa nhạc phim Totally blonde trong đó Michael đóng vai một ca sĩ trong hộp đêm, được đặt tên lại để “hưởng xái” từ tiếng tăm đang lên của Michael), Let it snow(EP nhạc Giáng sinh) và Come fly with me (CD/DVD các phần ghi âm live trong chuyến lưu diễn khắp thế giới của Michael).

Nếu như các tay hát jazz trẻ khác mau chóng dồn các sáng tác của chính mình vào album thứ 2 thì Michael chỉ viết mỗi một ca khúc Home trong đĩa Its time. Nhưng bên cạnh đó, chất trẻ của Michael cũng được thể hiện một cách dè dặt khi anh thử nghiệm ở địa phận của R&B với các bài Try a little tenderness hay How sweet it is.

Bài hát Heineken quen thuộc Quando cũng được Michael phối lại và hát chung với Nelly Furtado. Thành công của bài Home gợi ra một viễn cảnh Michael Buble - nhạc sĩ nhiều hơn ở các album sau.

Peter Cincotti: đẹp trai nhất

t16393.jpg


Nếu như John Stevens năm 8 đến 11 tuổi mỗi sáng thức dậy đều nghêu ngao hát Frank Sinatra thì Peter ngay từ năm 3 tuổi đã được tặng cây dương cầm đồ chơi và 4 tuổi thì bắt đầu học bài “phím đen phím trắng” đầu tiên. 7 tuổi, Peter được diễn chung với Harry Connick Jr. và năm 12 tuổi chuyển sang biểu diễn chuyên nghiệp. Thoạt đầu Peter chỉ biểu diễn piano nhưng đến một ngày đẹp trời nọ vào năm 99 chợt phát hiện ra mình hát cũng không kém cỏi gì nên anh kiêm thêm nghề ca sĩ. Album đầu tay phát hành năm 2003 với nhà sản xuất danh tiếng Phil Ramone, đáng mê mẩn nhất là bài Sway (khi xưa hát bởi Dean Martin), bên cạnh đó là sự nối kết giữa Fool on the hill của Beatles và Nature boy của Nat King Cole trong một track nhạc. Peter cũng không quên bước xuất phát là từ chiếc piano nên đã tấu lại Spinning wheel của nhóm Blood, Sweet & Tears. Album thứ 2 mang tên On the moon xếp hạng 2 trên Top nhạc jazz của Billboard. Đĩa này không chỉ những bài hát standard mà Peter đưa thêm đậm hơn những sáng tác của chính mình, dậm thêm chất funk và soft rock vào hoà âm. Đây là album đầu tiên của Peter đạt được đĩa vàng ở Pháp.

Dĩ nhiên, vẻ lịch lãm vẫn không thể giấu được sự trẻ trung và thêm vào đó là vẻ phớt đời rất cuốn hút của các giọng hát trẻ này. Đeo cravat nhưng mặc áo sơ mi bỏ ngoài trông rất “phủi”, đầu tóc có lẽ không dùng dầu gội siêu mượt nên gió thổi rối bù, khởi đầu chơi toàn cover nhưng dần “tự ái dân tộc” đưa nhiều sáng tác của chính mình vào đĩa nhạc, một chút Frank Sinatra, một chút James Dean, những gì bạn có là thế hệ jazzmen mới thời @.


Tư liệu sưu tầm.
 
Jazz singer - Các giọng ca nam hàng đầu
bởi Phi Tuyết

Đối với đa số dân chơi âm thanh trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, CD, LP (đĩa than) của các jazz singer bao giờ cũng là một những chương trình âm nhạc phổ biến rộng rãi nhất và được ưa chuộng nhất. Không cần là một audiophile, không cần quá am hiểu âm nhạc hay thông thạo tiếng Anh, chúng ta cũng dễ dàng đoán được jazz singer chính là ca sĩ hát jazz.

Thoạt nghe thì khái niệm jazz singer có vẻ hết sức bình thường. Mọi thể loại âm nhạc thuộc thể loại popular (đại chúng) đều cần đến các giọng hát: pop, rock, blues… Jazz cũng là một trong số đó. Thế nhưng, ở ngay tại nước Mỹ – quê hương của jazz, từ nhiều thập kỷ qua, người ta đã đặt ra một câu hỏi được xếp vào dạng khó trả lời: Ca sĩ hát jazz là gì? (What’s jazz singer). Một số người cho rằng, jazz singer chỉ cần hát theo lối scat (hát không thành lời) là đủ, số khác đơn giản hơn, lên sân khấu nhún nhảy là xong. Điều đó có nghĩa, jazz vốn không cần thiết phải có ca sĩ.


cole2.jpg


Nhưng cũng còn những ý kiến khác và dưới đây là một định nghĩa được coi là khá hợp lý. Jazz singer là người ứng tác phong cách của mình vào ca khúc thông qua lời hát, nhịp điệu, sự trầm bổng của các nốt nhạc một cách ngẫu hứng. Sự khác biệt giữa một jazz singer và pop singer (ngay cả với các nhạc công cũng vậy) là jazz singer không bị gò vào “khuôn” của sự trình tấu. Mục đích của họ không phải tái hiện lại bản nhạc một cách chính xác nhất – mà là bộc lộ được hết cảm xúc ở ngay thời điểm trình bày. Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các jazz singer đẳng cấp thể hiện các ca khúc mỗi lúc, mỗi nơi một khác, ngay cả các nhạc công trong ban nhạc cũng như vậy. Nếu một jazz singer chỉ biết hát đúng theo bản nhạc thì người đó sẽ không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ những quán bar tầm thường để trở thành một ngôi sao lớn. Jazz là ngẫu hứng. Không có sự ngẫu hứng, xin đừng lai vãng tới lãnh địa của jazz.

Thập niên 1920 - 1950

Để thuận tiện cho việc tìm hiểu, xin được chia các jazz singer thành hai nhóm nam và nữ riêng biệt. Mặc dù jazz đã phát triển mạnh mẽ từ những năm cuối thế kỷ 19 nhưng cũng phải tới tận thập niên 1920 các jazz singer mới chính thức góp mặt cùng ban nhạc. Tuy Louis Amstrong và Bing Crosby là những nam ca sĩ hát jazz quan trọng nhất trong giai đoạn này nhưng rõ ràng họ không phải người đầu tiên. Cái tên chiếm được vinh dự đó là Cliff Edwards (biệt danh khác là Ukulele Ike), một tay chơi ukulele (guitar Hawaii) và kazzo (sáo ca-du) thiện nghệ, tuy nát rượu nhưng lại có giọng hát đầy màu sắc. Cliff Edwards cũng là ca sĩ đầu tiên trình bày ca khúc When You Wish Upon A Star trứ danh trong vở nhạc kịch Pinochio năm 1940. Người tiếp theo là Don Redman – cũng là ca sĩ đầu tiên ghi âm lối hát scat cùng Fletcher Henderson trong bản My Papa Doesn't Two-Time No Time năm 1924.

cliffedwards.jpg


Tuy nhiên, ai cũng biết là Louis Amstrong mới là giọng ca quan trọng bậc nhất. Ông hát theo cách ngắt nhịp của một cây kèn trumpet, chất giọng khàn đặc trưng “không giống ai” đã để lại nhiều ảnh hưởng lên các tài danh cùng thời và sau này như Bing Crosby, Ella Fitzgerald hay Billie Holiday… Ngay sau Amstrong là Bing Crosby – người đã mang ảnh hưởng của Amstrong sang lãnh địa pop, một ông vua không ngai của những bản tình ca êm dịu. Chất giọng baritone (nam trung) của Bing Crosby đã “cứu cả thế giới khỏi những cậu trai trẻ hát giọng tenor (nam cao) vào cuối thập niên 1920”. Bước sang kỷ nguyên swing, mặc dù các giọng nữ tỏ ra lấn lướt hơn nhưng nước Mỹ vẫn sản sinh ra những nam ca sĩ hàng đầu: Jimmy Rushing, Billie Ekstine và đặc biệt là Frank Sinatra. Ông hát với nguồn cảm hứng jazz mãnh liệt dù chưa bao giờ thực sự là một jazz singer. Các ca khúc của ông như Fly Me To The Moon, Stranger In The Night… được không biết bao nhiêu thế hệ sau này trình bày lại. Cũng không thể bỏ qua Nat King Cole, vốn là một nhạc công piano – với chất giọng trầm ấm, đã mang lại cho người nghe những tuyệt tác như Unforgetable, Quizas hay Autumn Lveaves… Cũng như Frank Sinatra, ông rất thành công bên lãnh địa pop và hơn thế, còn sinh hạ được một cô con gái tài năng - đó là ca sĩ Natalie Cole.

Thập niên 1950 - 2000

Thập niên 1950, lối hát scat trở nên phức tạp hơn rất nhiều và đại diện tiêu biểu phải kể đến Dizzie Gillespie, Joe Carroll hay Babs Gonzales… Các nhóm hát jazz cũng chiếm được vị trí quan trọng trên nhạc đàn nhờ sự nỗ lực của Dave Lambert và Annie Ross. Khi Ray Charles lấy tinh thần của jazz pha trộn với gospel, soul và R&B thì cũng đã có những Jimmy Witherspoon, Ernie Andrews, Joe Williams trôi nổi trong cả hai lãnh địa jazz và blues, còn Chet Baker, với vẻ quyến rũ như của một cậu trai mới lớn cùng những bản ballad sâu lắng đã biến mình thành “kẻ đánh cắp trái tim” (heartrob) của không biết bao thính giả nữ. Cho tới nay, ca khúc My funny Valentine của ông vẫn được xếp vào hàng kinh điển và được các thế thệ sau này trình tấu lại theo nhiều phong cách khác nhau. Cùng với Chet Baker là Billie Ekstine – người có giọng baritone “ấm áp như ánh nắng hè và ngọt như mật”. Phải nói rằng chính Billie Ekstine mới là người để lại nhiều ảnh hưởng lên các thế hệ giọng nam hát ballad đi sau, trong đó có cả Earl Coleman và Johnny Hartman (năm 1963, Hartman đã có lần hợp tấu cùng tay kèn trumpet hàng đầu John Coltrane và các tác phẩm của họ đều được xếp vào hàng kinh điển).

Hai giọng ca hát jazz nam hàng đầu trong thập niên 1960 phải kể đến Oscar Brown Jr. và Mose Allison. Lối hát với giọng điệu châm biếm cay độc các vấn đề xã hội thời bấy giờ được cả nước Mỹ ưa thích. (Khi đó, jazz cũng đã bay sang châu Âu nhưng chỉ mạnh ở các ban tam tấu, tứ tấu chứ không phát triển được cùng các jazz singer. Các câu lạc bộ có tiếng ở London và Thuỵ Điển chính là nơi jazz bám gốc rễ và phát triển thành một trường phái mới mà sau này người ta gọi là jazz châu Âu, có phong cách khác hẳn với jazz Mỹ. Nếu jazz Mỹ thiên về sự đơn giản, bình dân thì jazz châu Âu ngược lại, rất màu mè, kiểu cách và có chút gì đó sang trọng, trưởng giả). Bên cạnh đó là Leon Thomas và Pharoah Sanders – nhưng nhà tiên phong cho thể loại fusion (jazz - rock) với ca khúc kinh điển The Creator Has A Master Plan. Thập niên 1970 – 1980 là quãng thời gian jazz phải nhường chỗ cho cơn bùng nổ của rock ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, rồi tiếp theo là sự lấn át của trào lưu disco, funk, punk, pop…


Bing_Crosby3.jpg


Không còn thấy sự xuất hiện của một tài năng thực sự nổi bật nào trong đội ngũ các nam ca sĩ. Phải tới tận giữa thập niên 1990 mới thấy có Kevin Mahogany xây dựng lại sự nghiệp trên nền tảng truyền thống của Joe Williams, Kurt Elling là phiên bản mở rộng của Mark Murphy… Bước sang thế kỷ 21, cùng với sự hồi sinh mạnh mẽ của jazz là một loạt giọng ca nam hàng đầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các giọng ca đương đại này chưa xuất hiện nhiều, chúng ta chỉ có thể đếm ra vài cái tên tương đối xuất sắc và được giới audiophile tìm nghe như Harry Connick Jr với album Only You, Ingram Washington – một người Mỹ có chất giọng baritone đầy quyến rũ lưu lạc sang tận Hà Lan và lập nghiệp ở đó với hai album xuất sắc: Embrace You và What A Different A Day Make, Leon Cohen với tông giọng bass cực khoẻ, có thể xuống được những nốt thấp nhất. Cũng rất vui mừng khi có sự xuất hiện của những chàng trai, tuổi mới đôi mươi, thậm chí còn măng sữa như Bill Gilman cũng đã đam mê và theo đuổi nghiệp hát jazz với phong cách và kỹ thuật diễn tấu rất chững chạc, đàng hoàng.

Tại Việt Nam, rất khó mua được đầy đủ các giọng ca kể trên, nhưng với các tên tuổi lớn như Louis Amstrong, Bing Crosby, Frank Sinatra, Nat King Cole, Dizzie Gillespie, Chet Baker hay các ca sĩ đương đại như Ingram Washington và Leon Cohen thì việc tìm CD của họ cũng không phải điều khó khăn.


Tư liệu sưu tầm.
 
Các nữ hoàng nhạc Jazz
bởi Tiểu Phụng Hoàng
Gần như tất cả dân chơi âm thanh ở Việt Nam (và cả trên thế giới) đều mê jazz, và trong kho CD đồ sộ của rất nhiều người thì các giọng jazz nữ lại chiếm đa số. Thực sự là vậy. Thử dạo một vòng qua các cửa hàng CD quen thuộc của các audiophile mà xem, đập vào mắt bạn sẽ là hằng hà sa số đĩa của rất, rất nhiều giọng ca hàng đầu, từ Ella Fitzgerald hồi thập niên 1930 cho tới các tên tuổi đương đại như Diana Krall, Stacey Kent hay Cassandra Wilson…


Quả thực là trong hơn 80 năm qua, làng nhạc jazz thế giới luôn trong tình trạng dư thừa nữ ca sĩ. Bắt đầu từ thập niên 1920, phái yếu bắt đầu xuất hiện trong các ban nhạc jazz với vẻ duyên dáng và tao nhã của một người hát – chứ không phải một nhạc công. Và tình trạng này chỉ được thay đổi vào thập niên 1990, khi ngày càng nhiều nữ ca sĩ bước lên sân khấu vừa hát vừa tự đệm đàn, như Diana Krall, Patricia Barber, Norah Jones… Trong thế giới nhạc jazz, không nhất thiết phải có một chất giọng thật đặc biệt mới có thể nổi tiếng. Một ca sĩ hát jazz đỉnh cao – nam cũng như nữ - phải là người thể hiện được cảm xúc, sự thăng hoa của mình với âm nhạc, chứ không phải chỉ biết chinh phục người nghe bằng giọng hát thiên phú hay kỹ thuật điêu luyện.


Thập niên 1920 - 1940

Với người Mỹ nói chung, lịch sử (chưa hoàn thiện) của các nữ ca sĩ hát jazz chỉ cần tóm gọn trong 4 chữ - cũng là 4 cái tên: Bessie, Billie, Ella và Sassy. Bessie Smith, nữ hoàng nhạc blues (Empress of the Blues) gần như độc chiếm cả thập kỷ 1920. Sau khi Mamie Smith “khởi động” nên cơn say mê blues trên toàn nước Mỹ, các nữ ca sĩ – những người trước đó chỉ biết gắn liền với các sân khấu tạp kỹ hay hội chợ bắt đầu đổ xô vào phòng thu. Giữa đám đông hỗn độn đó nổi lên Ma Rainey, Ida Cox và Alberta Hunter, và trên nữa là Bessie Smith. Giọng ca mạnh mẽ đầy ma lực của bà đã làm đảo lộn các phòng thu kể từ năm 1923, trải qua hàng chục năm vẫn còn nguyên sức hấp dẫn đối với nhiều thế hệ người nghe. Toàn bộ tác phẩm của Bessie Smith đã được hãng Columbia tập hợp vào bộ 10 CD, có thể dễ dàng mua được tại website www.amazon.com

ella_fitzgerald_762653_1_.jpg


Kỷ nguyên swing bắt đầu vào giữa thập niên 1930 đã sản sinh ra rất nhiều nữ ca sĩ xuất sắc trôi nổi trên cả hai lãnh địa jazz và pop. Tuy nhiên, ai cũng biết hai cái tên nổi bật nhất khi đó phải là Billie Holiday và Ella Fitzgerald (đều đã được giới thiệu trên TVTD). Billie Holiday có chất giọng rất “mèo hen”, nghe về đêm đôi khi thấy lạnh người, cách phân nhịp của bà hết sức khéo léo, và bà biết cách điều chỉnh giai điệu của ca khúc sao cho phù hợp với âm vực hẹp của mình. Nghe Billie hát, nhiều người đã phải thốt lên, dường như bà đang sống trong các ca khúc của mình. Cuộc đời đầy biến động của Billie khá ngắn ngủi, giai đoạn thành danh của bà kéo dài từ năm 1935 – 1952. Ngược với Billie, Ella Fitzgerald có âm vực rộng đến kinh ngạc, hơn cả nhiều ca sĩ opera, giọng hát lại trẻ trung và giàu sức sống, vì thế, dường như âm nhạc của bà luôn có sự vui nhộn, lạc quan, dù đó là các ca khúc u sầu như Lust Life hay Love For Sale. Thực sự là bà hạnh phúc khi được hát. Chính điều này đã khiến Ella mặc nhiên trở thành Nữ hoàng của ca khúc (The first Lady of songs). Người ta nói về bà đơn giản như sau: chưa nghe Ella hát coi như chưa nghe jazz. Sự nghiệp của Ella kéo dài từ thập niên 1940 – 1990, có thể coi là một mình một cõi, không ai với tới đẳng cấp của bà.

Resized to 61% (was 1072 x 904) - Click image to enlarge
HolidayBThelady_1_.jpg



Thập niên 1940 – 2000

Những cái tên khác cần được nhắc đến trong kỷ nguyên swing là Anita O’Day, Helen Humes, Lee Wiley, Maxine Sullivan và Peggy Lee. Cho tới cuối kỷ nguyên này, Dinah Washington và Sarah Vaughan xuất hiện và tạo nên những ấn tượng cực kỳ đặc sắc. Từ năm 1945 – 1958, Dinah Washington cho cả thiên hạ thấy bà là một ca sĩ đa năng hoàn hảo: từ jazz, blues, R&B tới pop và nhạc tôn giáo, lĩnh vực nào Dinah cũng gặt hái được thành công. Giọng hát đặc biệt giàu tâm trạng của Dinah giúp cô tiêu thụ được nhiều triệu đĩa (LP), đặc biệt với ca khúc để đời What A Difference A Day Make năm 1959 (ca khúc này đã được rất nhiều ca sĩ cover lại theo các phong cách khác nhau).


Còn Sarah Vaughan (Sassie), kể từ giữa thập niên 1940 cho tới năm 1990, lúc nào bà cũng được xếp vào đội ngũ ca sĩ hát jazz hàng đầu. Sarah được coi là người thấu hiểu dòng bebop nhất (qua các album ghi âm cùng Charlie Parker và Dizzy Gilespie), và bà cũng được coi là bà hoàng của những bản ballad. Nghe Sarah hát những bản ballad như My Funny Valentine hay Lover Man trong một đêm mưa, một người nghe đa sầu đa cảm có thể bật khóc được. Nổi tiếng ngang với Sarah còn phải kể đến Nina Simone – người có chất giọng “khàn như thuốc lào”, người đã làm cả nước Mỹ phát cuồng lên với album Little Girl Blue hồi năm 1959. Không chỉ hát jazz, Nina còn được coi là tên tuổi số 1 của dòng soul (như Aretha Franklin), người đầu tiên hát ca khúc xưa cũ The House of Rising Sun để rồi sau này nó trở thành bất tử qua sự trình tấu của ban The Animals. Nina cũng là người đã hát lại bản Ne me quitte pas và được dân Pháp tán thưởng không kém Jacques Brel – người đầu tiên hát nó. Ne me quitte pas chính là bản If You Go Away, từng được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam hát với phần lời Việt đẹp như thơ: Người yêu nếu ra đi/Một hôm nắng lên cao/Xin hãy mang đi theo/Cả tia nắng trong veo…

Resized to 46% (was 1420 x 1416) - Click image to enlarge
ninaSSONS_1_.jpg



Cùng với Sarah và Nina là những giọng ca hàng đầu khác như Carmen Mc Rae, Stan Kenton, Abbey Lincoln, Astrud Gilberto… Jazz không phát triển được trong hai thập thập niên 1970 – 1980, chỉ có một vài tên tuổi nổi bật là Natalie Cole, Dee Dee Bridgewater (chủ yếu ở Pháp), Banu Gibson… Thể loại âm nhạc này chỉ hồi sinh trong khoảng 8 năm trở lại đây, và hiện đang phải đối mặt với một thách thức lớn. Đó là việc thiếu chất liệu để chuyển thể thành jazz một cách hoàn hảo – thật khó diễn tả được các pop đương đại theo phong cách của jazz. Cassandra Wilson – một tài năng trẻ sau nhiều năm vật lộn với funk đã tìm cho mình hướng đi riêng bằng cách pha trộn các ca khúc country-blues cổ với world music và sau đó hoà chất jazz vào. Hay như Dianne Reeves, cho tới nay chất jazz của cô vẫn trăn trở giữa R&B, pop, world music – dường như cô chưa tìm thấy điểm dừng dù đã cho ra đời các album rất xuất sắc.

Sarah_Vaughan_1.jpg


Bên ngoài nước Mỹ

Cho tới nay, rõ ràng Mỹ không còn là thánh địa của jazz nữa. Từ châu Âu sang châu á, lục địa nào cũng có rất đông các ban nhóm chơi jazz, các ca sĩ hát jazz. Ngày nay, cả nước Mỹ vẫn thích nghe jazz của Diana Krall – con hoàng oanh đến từ Canada và phải thừa nhận cô là một trong những nghệ sĩ jazz đương đại xuất sắc nhất. Mảnh đất láng giềng của quê hương nhạc jazz còn sản sinh ra một Chantal Chamberland rất đáng để tự hào. Stacy Kent – một người New York chính hiệu, da trắng, xinh đẹp, bỏ sang London hát jazz theo phong cách đặc sệt châu Âu và không hề có ý định trở về. Và ngay tại xứ sở sương mù cũng đã có một Carol Kidd thành danh từ nhiều năm qua.


North Sea Jazz hay Ronnie Scott ở London là những địa danh mà bất cứ nghệ sĩ jazz tài danh ở châu Âu nào cũng muốn được lui tới. Một trong những album mà audiophile nào ở nước ta cũng có là The Latin Touch – của Laura Fygi – ca sĩ đến từ Hà Lan. Toàn bộ album của bà có thể tìm mua dễ dàng ở Việt Nam, bên cạnh đó là một DVD đặc biệt ghi hình buổi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Hà Lan – thật sự hấp dẫn và độc đáo. Đan Mạch thì có Inger Marie Gundersen, còn nước Pháp thì tự hào với Patricia Barber – luôn hát với phong cách jazz đặc quánh như cafe đen. Nhật Bản là đất nước có người nghe và chơi nhạc jazz đông nhất châu á, và những Emi Fujita hay Lisa Ono từ lâu đã quen thuộc với các audiophile Việt Nam. Nhưng được ưa chuộng hơn nữa lại là Jacintha – một giọng ca tuyệt vời đến từ Singapore. Cô mang đến cho người nghe một thứ jazz tinh tuyền, thuần chất như của những năm 1950 – 1960 với album hàng đầu Here To Ben. Ngoài ra còn có Susan Wong, Jhena Lodwick – nhưng người hát với ít nhiều phong cách jazz pha folk…


Tư liệu sưu tầm.
 
Cha đẻ của nhạc jazz là… một bệnh nhân tâm thần

Bệnh lý tâm thần của Charles "Buddy" Bolden có thể là nguồn gốc dẫn tới sự hình thành một thể loại nhạc mới, nhạc jazz. Do không làm chủ được động tác của mình, ông đã biến tấu thể nhạc ragtime của người da đen thành nhạc jazz, rất được ưa chuộng ngày nay.

Đó là kết luận của Giáo sư bác sĩ Sean Spence, Khoa Tâm thần, Đại học Sheffield (Anh), đưa ra tại hội thảo thường niên của Đại học Tâm thần Hoàng gia.



Charles Bolden sống ở đầu thế kỷ 20. Ông nổi tiếng với tiếng đàn cornet mạnh mẽ. Nhạc của ông mang nặng màu sắc nhạc blue, nhưng gần gũi với thể loại ragtime. Ông đứng đầu một ban nhạc nổi tiếng với những thành công vang dội vào khoảng 1900-1906. Lối chơi nhạc của ông rất được ưa chuộng. Có khi Bolden đã chơi cùng lúc cho 8 ban nhạc.

Nhưng tới năm 1906, sức khỏe tâm thần của ông bắt đầu giảm sút và tới năm 1907, sau khi tấn công mẹ đẻ và mẹ vợ trên đường phố, ông được đưa đến một bệnh viện tâm thần ở ngoại ô New Orleans (Mỹ) và được điều trị tại đó cho tới khi qua đời (24 năm sau). Bolden được chẩn đoán là mắc bệnh sa sút trí tuệ sớm, sau này được gọi là tâm thần phân liệt.

Mặc dù không một băng nhạc nào của Bolden còn được lưu giữ tới ngày nay, ông vẫn được coi là người đã sáng lập nên dòng nhạc jazz. Thể loại nhạc này chính thức được công nhận năm 1917.

Từ ragtime đến nhạc jazz

Theo Giáo sư Spence, nếu không mắc bệnh tâm thần phân liệt, Bolden có thể đã không bao giờ ứng tác. Nếu không có sự thay đổi phong cách này, nhạc ragtime sẽ vẫn cứ là nhạc ragtime chứ không chuyển thành nhạc jazz. Theo giáo sư, căn bệnh tâm thần khiến tay của Bolden trở nên vụng về. Có thể do không điều khiển được các nút bấm trên kèn nên ông phải ứng tác. Bolden cũng không biết đọc nốt nhạc, vì vậy ông vừa chơi vừa ... sáng tác. Giáo sư Spence đi đến kết luận: Nhạc jazz đã xuất hiện từ những cố gắng của một nghệ sĩ bị bệnh tâm thần.


Sưu tầm
 
Người ta thường nói rằng: “Có nhiều kiểu nhạc jazz khác nhau bởi lúc thì nghe giống nhạc cổ điển châu Âu, khi thì lại giống nhạc country, lúc lại như nhạc Latin hoặc nhạc rock. Có khi nó lại mang âm hưởng của rất nhiều thể loại nhạc được chơi ở nhiều nơi trên thế giới”...

Tuy nhiên, theo nhận định của một nhà nghiên cứu về nhạc jazz - tiến sỹ Bill Taylor, một nghệ sỹ nổi tiếng, nhà nghiên cứu nhạc jazz và là cố vấn nghệ thuật của Trung tâm Kennedy thì: “Jazz là âm nhạc cổ điển Mỹ. Đây chính là cách người Mỹ chơi nhạc”.

Nhạc jazz là một thể loại nghệ thuật của người Mỹ có nguồn gốc từ châu Phi, được sản sinh từ cộng đồng những người nô lệ da đen châu Phi bị bắt và đem bán sang châu Mỹ từ những thế kỷ trước. Nhạc jazz là phương tiện biểu hiện và diễn đạt mọi tâm tư tình cảm của cộng đồng người da đen sống trên đất Mỹ, đây cũng chính là sản phẩm trực tiếp của di sản âm nhạc Mỹ gốc Phi.

Nói đến nhạc jazz, chúng ta không thể không nhắc tới nhạc blues bởi nhạc blues là nền tảng của ngôn ngữ nhạc jazz với sự phân tiết và ngữ điệu, nó cũng có xuất xứ từ cộng đồng người da đen. Phong cách thể hiện nhạc blues và jazz có chung một cội nguồn từ những bài ca tôn giáo, những bản hợp xướng của đạo Tin Lành. Ngoài ra, ragtime cũng được xem là một trong những dạng thức đầu tiên của nhạc jazz với những đặc trưng về đảo phách, ứng tác, ứng tấu và sử dụng nhiều tiết tấu đan tréo nhau...

Cùng với sự pha trộn nhiều phong cách khác nhau của các dòng nhạc blues, country, ragtime... Trong suốt hơn 90 năm qua, nhạc jazz luôn là một thể loại nhạc có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc thế giới, đặc biệt vào những năm 1920-1930 của thế kỷ trước, thời kỳ được xem là kỷ nguyên của nhạc jazz.

Trong ban nhạc jazz, mỗi nhạc công là một phong cách thể hiện riêng, có bao nhiêu nhạc công là có bấy nhiêu phong cách chơi jazz. Một yếu tố quan trọng của nhạc jazz là “swing”, có nghĩa là “ứng tác - ứng tấu ngẫu nhiên”. Nó tạo nên yếu tố thứ hai của nhạc jazz trong phong cách thể hiện. Đặc biệt, không thể giải thích cặn kẽ về “swing” mà chỉ có thể cảm nhận được nó, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thể hiện của nhạc công, tài nghệ “ứng tác - ứng tấu ngẫu nhiên” của mỗi nhạc công được xem như một cuộc “hội thoại”, bên đối bên đáp, phối hợp nhịp nhàng ăn ý, tạo nên những bất ngờ và đầy thú vị cho người nghe.

Những tên tuổi luôn gắn liền với dòng nhạc jazz trong suốt bao nhiêu năm qua kể từ khi ra đời cho đến nay đó là: Luis Amstrong (nghệ sỹ kèn trumpet); King Oliver (chỉ huy dàn nhạc); Duke Ellington (nghệ sỹ piano); Jemes Rushing (ca sĩ); Enla Fitgerald (ca sĩ); B.B. King (nghệ sỹ guitar), Laura Fygy (ca sĩ)...

Trong nhạc jazz, phong cách thể hiện của từng nghệ sỹ không phụ thuộc vào bài vở, thành phần dàn nhạc, nhìn chung, sự “phóng khoáng trong khuôn khổ”, tính hài hước và sự điêu luyện của mỗi nghệ sĩ sẽ giúp họ thể hiện thành công các bản nhạc jazz.

Như quí vị đã thấy, thông thường, thành phần dàn nhạc của dòng nhạc jazz thường ít hơn dàn nhạc giao hưởng, nhưng có khi lại nhiều hơn nhóm nhạc rock. Những nhạc cụ chơi trong nhạc jazz thường là những nhạc cụ của châu Âu nhưng cách diễn tấu lại mang phong cách Mỹ. Sự sắp xếp trong dàn nhạc jazz thường theo các nhóm:

Nhóm Kèn: gồm các loại kèn trumpet, cornet, trombone, saxophone, clarinette.

Nhóm Gõ: gồm bộ trống và các nhạc cụ gõ.

Ngoài ra còn có các loại nhạc cụ khác như piano; banjo; guitar; contrebass...

Nhạc jazz không chỉ thành công và thu hút người nghe trong lãnh vực của mình, từ những năm 1920-1930, đã xuất hiện jazz-symphonic (jazz-giao hưởng) mà tiêu biểu là nhạc sĩ Mỹ G.Gershwin; Ivling Berlin; Robert Bermann đã tạo nên những hiệu quả bất ngờ, mở ra một phong cách mới trong thể hiện của dàn nhạc giao hưởng.

Nhạc jazz là một thứ ngôn ngữ không theo những khuôn mẫu chuẩn mực của âm nhạc cổ điển. Nghệ thuật nhạc jazz là một loại nghệ thuật sống động, không thể giải thích bằng lời, không thể phân tích theo kiểu phân tích tác phẩm của dòng nhạc cổ điển. Những nhạc công chơi nhạc blues và jazz thường là những người có năng khiếu bẩm sinh về dòng nhạc này, đặc biệt là các nhạc sỹ da đen vùng Bắc Mỹ. Hiện nay, hầu hết ở các nước trên thế giới đều có “Hội nghiên cứu nhạc jazz”, thậm chí nó đã trở thành một môn học chính thức, một khoa đào tạo chính qui trong nhiều trường dạy nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt ở châu Âu, nó như một sự kết hợp tinh tế giữa các dòng nhạc từ thuở sơ khai đến ngày nay.

Trong nhạc jazz, khái niệm về sáng tác luôn gắn liền với người thể hiện, nó gần như là sự sáng tạo tại chỗ. Một giai điệu, một nét nhạc có thể bị lãng quên ngay sau khi người nhạc công đã trình tấu nó. Tuy nhiên ngày nay, các nghệ sĩ chơi nhạc jazz thường có những sự “thể nghiệm” độc đáo nhằm liên kết giữa các dòng nhạc, phá bỏ những quan niệm của những dòng nhạc mang đặc tính riêng như nhạc cổ điển...

Một đặc điểm nổi bật cần nhấn mạnh là “tính đồng nhất” trong âm nhạc da đen ở Mỹ. Như chúng ta đã biết, trên thế giới có rất nhiều trường phái và thể loại âm nhạc như: cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, hiện đại, pop, rock, hòa tấu thính phòng... thì người da đen ở Mỹ không có sự phân biệt ấy. Với họ, chỉ có “chơi” và “hát” nhạc theo phong cách da đen bằng ngôn ngữ blues, jazz và swing theo kiểu truyền khẩu, tạo nên một tổng thể hợp nhất, một đặc trưng nổi bật của nền âm nhạc Mỹ.

Như đã nói ở trên, sự ra đời của dàn nhạc jazz-symphonic không chỉ là một sự sáng tạo độc đáo, nó còn là một bước ngoặt trong kỹ thuật trình tấu đối với các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng, họ không chỉ điêu luyện trong các tác phẩm âm nhạc cổ điển, lãng mạn và hiện đại mà còn phải nhạy bén thích nghi với phong cách nhạc jazz trong tác phẩm của các nhạc sĩ Mỹ mà tiêu biểu là George Gershwin, Leonard Berstein, Tim Rice...


Theo -Ths. Hoàng Điệp-
 
Như biển cả nguyên sơ...

Hiện tượng jazz là không thể tránh, không thể phủ nhận, đáng kể, mênh mông. Tất cả chúng ta đều được hưởng lộc từ nó, dù chúng ta muốn hay không. Nó đánh dấu, trên con đường quay lưng lại hoặc xa lánh các truyền thống hàn lâm cùng các khái niệm giả cổ điển, một giai đoạn vô cùng quan trọng.


albumcoverColemanHawkins-KenBurnsJazz.jpg


Đột nhiên nó đã giải phóng nhịp điệu khỏi sự chi phối thận trọng; nó đã phá vỡ cái khuôn qui ước về đối âm; nó đã bẻ gãy, làm vụn nát, đập tan cái đường cong quen thuộc của giai điệu; nhất là nó đã biểu dương trở lại cái tinh thần ứng tấu đồng thời đã mất từ thời những nhà thơ trữ tình phương bắc nước Pháp thế kỉ 12, 13; nó đã triển khai theo cách thế quả thật là phi thường cái nghệ thuật của người diễn tấu. Ngày nay chúng ta có thể đòi hỏi nơi những người diễn tấu khí nhạc các kì tích mà trước đó chúng ta chẳng thể trông đợi cũng như mơ tưởng tới.

Và tôi không muốn nói tới những kiệt tác thực sự dị thường về âm nhạc thuần tuý mà nhạc jazz đã làm nảy sinh, không phải là trong vương quốc của những nhạc sĩ giao hưởng hoặc trữ tình, mà trong chính vương quốc của nó, mênh mông như biển cả. Biển cả! Chính là biển cả, cái nguyên tố đó trong tất cả những thứ khác đã đặt vào tay tôi một sự so sánh thật biểu cảm. Như biển cả nguyên sơ, nhạc jazz tới và lui và đu đưa, và ôm ghì, và vỗ, và vuốt ve, và bao bọc chúng ta trọn vẹn. Có thể điều đó chính là bản chất của cái ảnh hưởng đầy quyến rũ mà nhạc jazz gây được trên những người nghe cuồng nhiệt và đang khoa chân múa tay, chen chúc nhau và xô đẩy nhau trên bờ biển jazz.

Phạm Kiều Tùng dịch

Henri Sauguet, Le Jazz exalte l’individualisme, Arts, 1960, in lại trong Panorama de l’Art Musical Contemporain, Claude Samuel, Ed. Gallimard, 1962, các trang 155-156



Sưu tầm.
 
GS Mart Stewart (Khoa lịch sử, ĐH Western Washington) cùng phu nhân - nhà văn, dịch giả Lý Lan - đã đến toà soạn Tia sáng trò chuyện thân mật về vấn đề toàn cầu hóa thông qua một hiện tượng văn hóa thú vị của thế kỉ XX mà ông hết sức say mê: Nhạc Jazz.

1. Ở Mỹ
hiện có rất nhiều kênh radio chuyên phát nhạc Jazz và Jazz đã được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường đại học ở Mỹ. Dầu vậy, số lượng người nghe Jazz và say mê Jazz chắc chắn không thể nhiều bằng số lượng người nghe Britney Spears. Theo tôi, đó là điều tất yếu. Nghe Jazz tương đối khó. Trong khi Pop dụ dỗ và "nịnh tai" thì Jazz lại thách thức tâm hồn người nghe. Nhạc pop có tính tiêu khiển mạnh mẽ hơn Jazz rất nhiều trong khi đó Jazz lại có tính hướng thượng. Và tôi cũng nhớ đến một câu chuyện về Chick Corea, một nghệ sĩ da trắng chơi Jazz fusion rất nổi tiếng. Trong những năm 70 của thế kỉ trước, trong một buổi hòa nhạc, khi có người hỏi anh ấy về số phận của Jazz, Chick Corea trả lời đại ý rằng Jazz sẽ trở thành âm nhạc cổ điển của tương lai. Ở thời của mình, chưa chắc đã có nhiều người biết đến Mozart hay Beethoven. Hoặc ít nhất, chắc gì có ai nghĩ rằng họ sẽ trở thành bất tử. Số phận của Jazz cũng sẽ là như thế. Đến một ngày, nó sẽ trở thành kinh điển. Tôi đồng cảm với cái nhìn lạc quan của Chick Corea. Một ngày nào đó, Jazz cũng sẽ trở thành một thứ âm nhạc cổ điển mới của thế kỉ XX bởi lẽ, trong bản chất của thể loại âm nhạc này đã tiềm ẩn tố chất của điều đó và hơn thế nữa, số phận của Jazz chính là một hình mẫu của một tiến trình nổi bật nhất của thế kỉ XX: toàn cầu hóa.

2. Jazz chính là một sản phẩm của toàn cầu hóa. Tổ tiên xa xưa của Jazz là âm nhạc lao động và âm nhạc tôn giáo - negro spiritual, gospel – của người da đen. Đến đầu thế kỉ XX, cũng chính người da đen là những người đã làm một cuộc pha trộn giữa nhạc blues, ragtime và âm nhạc châu Âu để khai sinh ra Jazz. Có lẽ chính vì nguồn gốc pha trộn và "địa vị" xuất thân như thế nên cho đến giờ, chưa có một lời giải thích thật sự thuyết phục cho cái tên Jazz. Vậy là Jazz chính là sản phẩm của một cuộc gặp gỡ và pha trộn văn hóa trên một vùng đất mới. Toàn cầu hóa là một tiến trình tự nhiên đã diễn ra một cách nổi bật từ mấy trăm năm nay, tuy nhiên, phải đến thế kỉ XX, toàn cầu hóa mới bắt đầu trở thành một vấn đề thời sự nóng bỏng bởi sự gia tốc khủng khiếp của nó nhờ sự hỗ trợ của những phương tiện kĩ thuật hiện đại. Điều này cũng đúng với Jazz. Theo nhiều nhà nghiên cứu về Jazz thì tiến bộ kĩ thuật đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến Jazz trở thành một thể loại có tính toàn cầu. Chính những nhạc cụ biểu diễn và những phương tiện truyền bá hiện đại đã khiến cho Jazz trở thành một thứ âm nhạc được phổ biến trên toàn thế giới rất nhanh. Với một bức tranh, người ta có thể cảm nhận ở những thời điểm khác nhau. Nhưng với một bản Jazz thời kỳ sơ khai lại khác, nó chỉ là một sản phẩm phù du. Công nghệ ghi âm đã khiến Jazz "bất tử hóa". Tất nhiên nghe Jazz "sống" vẫn là một lạc thú.
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến Jazz trở nên phổ biến là khoảng từ 1930 trở đi, các ban nhạc Jazz bắt đầu đi lưu diễn nhiều nơi. Trên hành trình ấy, Jazz đã vay mượn và thu nhận những yếu tố ngoại lai để làm phong phú chính mình. Chính quá trình thoát khỏi ranh giới tồn tại có tính địa phương tiếp xúc và đối thoại với bên ngoài để làm mới chính mình mới là một hình ảnh điển hình của toàn cầu hóa. Theo con đường ấy, Jazz đã dần chiếm địa vị quan trọng trong đời sống văn hóa ở Mỹ. Trong khoảng 40 năm gần đây, các đại học Mỹ đều có dạy Jazz nhưng nổi tiếng nhất là ở Berkeley nơi đã có người Việt đến học Jazz. Chính những du học sinh học đó đã mang theo nền văn hóa của nước mình và làm phong phú cho Jazz Mỹ.

3. Trước thập niên 60 – 70
của thế kỉ trước, Jazz là một thể loại underground, một thể loại nhạc "ngoài lề". Sau đó, chính phủ Mỹ có chủ trương giúp các Jazz band ra biểu diễn nước ngoài, đặc biệt là đến châu Phi để thuyết phục họ đứng về phe Mỹ. Như vậy, việc toàn cầu hóa âm nhạc, ở một khía cạnh, có vấn đề chính trị. Thật cay đắng, mỉa mai là những nghệ sĩ Jazz Mỹ trước đó rất nghèo khó nhưng lại được chính phủ Mỹ đưa ra các nước khác như một hình mẫu tiêu biểu của văn hóa Mỹ và nước Mỹ. Tất nhiên Jazz quá hay, và người ta yêu Jazz mà không nhất thiết phải yêu nước Mỹ. Ở Éthiopie, một nước nghèo, trong những năm 60, người ta mê Duke Ellington như điếu đổ. Và từ đây, xuất hiện một hiện tượng đặc biệt: Jazz được "xuất khẩu" sang châu Phi vì mục tiêu chính trị, thế nhưng những người châu Phi lại tiếp nhận Jazz như loại âm nhạc "nội địa" được sáng tạo bên ngoài châu lục này. Đó cũng là thời điểm Jazz mở cửa tiếp nhận những ảnh hưởng của nhiều phong cách âm nhạc trên thế giới, của nhạc châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, để trở thành loại nhạc toàn cầu với những tour biểu diễn vòng quanh thế giới của các nghệ sĩ và nhóm nhạc Jazz. Từ đó bắt đầu khuynh hướng World jazz pha trộn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới vào Jazz. Ở Việt Nam, theo như tôi biết thì hai cha con các ông Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc là những người kiên trì khuynh hướng này. Ở Mỹ, trong những năm 1970, Miles Davis đã vay mượn Rock&Roll để sáng tác Jazz. Ông là nghệ sĩ Jazz lớn nhất ở Mỹ. Ông tạo ra một thứ nhạc pha trộn Rock&Roll và những hình thức âm nhạc khác sử dụng âm thanh điện tử tổng hợp. Ông sử dụng đồng thời nhiều loại nhạc cụ. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, nhiều nhạc sĩ Jazz bắt đầu dùng nhạc cụ điện tử. Ý thức khám phá, thám hiểm trong lĩnh vực Jazz đã khiến Miles Davis tìm tòi những phương tiện, những ảnh hưởng từ những nền âm nhạc ngoại lai. Trong bản thân việc trình diễn âm nhạc của nhạc sĩ đã có sự toàn cầu hóa.

4. Vì sao Jazz lại lan tỏa nhanh đến vậy?
Có lẽ trước hết bởi một chân lí vô cùng xưa cũ: âm nhạc cuối cùng phải là âm nhạc, tài năng của người nhạc sĩ là điều quyết định. Âm nhạc phát triển bằng giá trị tự thân của mình. Âm nhạc có tính hấp dẫn toàn cầu. Điểm thứ hai là tính linh hoạt của Jazz, Jazz vừa là ban nhạc tập thể nhưng lại có khoảng trống cho từng cá nhân ứng tác (improvisation). Việc Jazz phát triển cùng với quá trình toàn cầu hóa chính là nhờ tính mở thuộc về bản chất của Jazz. Jazz hàm chứa một tiềm năng lật đổ, phản kháng âm thầm. Năm 40, Charlies Parker lấy những hình thức nhạc truyền thống, tháo ra, ráp lại tạo thành bebop music. Thứ âm nhạc ấy có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Ông lấy nhạc truyền thống châu Âu, tách ra, ráp lại theo một hòa âm (harmonie) mới. Từ giai đoạn đó về sau người ta thường chia thành Classic jazz và những loại Jazz có tính cách tân. Có những nhạc sĩ cổ điển như Charlies Parker, Miles Davis, Dizzy Gillespie... mà những người sau chỉ việc ứng tác, ứng biến ra thêm trên những bản nhạc của họ.

5. Năm 2000,
lần đầu tiên đến Việt Nam, khi nghe âm nhạc truyền thống Việt nam, tôi thấy rằng những giai điệu của dân ca Việt Nam có thể dùng nhạc cụ Jazz để biểu diễn. Tìm hiểu kĩ hơn, tôi biết rằng đã có những nghệ sĩ Việt Nam cách tân Jazz theo hướng đó. Sau đó tôi phát hiện ra câu lạc bộ của cha con ông Minh, Đắc. Họ đã làm việc đó và làm rất tốt. Vài năm sau, năm 2003 khi tôi quay lại Việt Nam, ở đây đang có một festival Jazz. Trong Festival đó có nhiều người trẻ, và cả những người Âu trình diễn Jazz. Nhìn xuống khán giả tôi cũng thấy rất nhiều người trẻ. Nhiều buổi biểu diễn diễn rà vào ban ngày. Có thể, họ đã bỏ công việc để đi xem. Nhìn họ nói chuyện về âm nhạc, giao lưu với nhạc sĩ, hào hứng và thú vị, tôi tin vào sức sống của Jazz trên đất nước này. Đó cũng chính là một hình ảnh cụ thể của toàn cầu hóa về văn hóa.

6. Không chỉ có vậy, nhạc Jazz còn là một thành tố góp phần vào những thay đổi tích cực của xã hội. Ở Mỹ, nhạc Jazz gắn với những thay đổi về địa vị của người da đen trong xã hội. Nó góp phần xóa nhòa ranh giới đen – trắng. Năm 1920, Bix Beiderdecke và L. Amstrong, một trắng một đen, gặp nhau. Hai người cùng chơi nhạc và thứ âm nhạc đó được cả người da đen và người da trắng yêu thích. Đó là một thứ âm nhạc đa sắc tộc. Tuy Jazz là nhạc của người da đen nhưng cũng có cả những người da trắng tài hoa chơi Jazz. Trong nhạc của Minh và Đắc chơi có cả nhạc Jazz của người da trắng. Điều thú vị là nhiều người ở ngoài nước Mỹ coi Jazz là nhạc của người da đen nhưng thực ra đó là một thứ âm nhạc đa sắc tộc. Jonh McLaughlin vừa chơi với Miles Davis vừa chơi với các nhóm nhạc Ấn Độ và biểu diễn ở Nhật Bản. Ông này là người da trắng. Khi lên sân khấu người Nhật không cho ông lên vì họ nghi ngờ tài năng của ông ta. Vậy nên nếu như nguyên thủy Jazz là âm nhạc của người da đen thì giờ đây, nó không còn là thế nữa. Thật khó để nói Jazz hay cuộc đấu tranh vì quyền của người da đen cái nào là tiền đề của nhau nhưng rõ ràng, hai điều đó có mối quan hệ thật gắn bó. Một trong những lí do mà thanh niên Mỹ trong thập niên 60 thích nghe Jazz, Blues vì phong trào đấu tranh cho người đen rất mạnh.

Hãy trở lại điểm bắt đầu. Tôi vẫn tin rằng, Dù ngày nay, số người nghe Jazz có thể không nhiều như số người nghe nhạc Pop nhưng tôi vẫn không tin rằng Jazz có thể biến mất. Tôi vẫn nhớ khi tôi còn nhỏ, không radio, không internet, chỉ một lần duy nhất, tôi được nghe Modern Jazz Quarter biểu diễn ở làng. Lần ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn tin rằng Jazz có khả năng giáo dục con người. Và ngày nay, nhiều nghệ sĩ Jazz đang nỗ lực cho điều đó. Là một nghệ sĩ Jazz lớn, có giọng hát đặc biệt, ông đã tiến hành các nghiên cứu về nguồn gốc nhạc Jazz từ thời Louis Amstrong, Ông bắt đầu làm những chương trình trên Radio, đưa nhạc Jazz đến dạy cho dân. Với những người như Wynton Marsaliss, chúng ta tin rằng, rồi một ngày kia Jazz sẽ trở thành một thứ âm nhạc cổ điển của thế kỉ XX.



Nguồn: tạp chí Tia Sáng
 
3838-Dresden%20Elbufer%201.jpg

This is my town where I'm living and i love it, although...




:ops:


ShowControls=1 ShowDisplay=0 ShowStatusBar=1 autostart=1 autorewind=0 ShowPositionControls=1>


(Click PLAY and enjoy your stay)

Đã bao lần mình muốn ngồi lại một mình, để viết nên những dòng cảm xúc trong một không gian tĩnh lặng. Viết về một dấu ấn tuy nghe có vẻ bình thường như mọi sự việc khác xảy ra trong cuộc sống. Nhưng có vẻ như cái vẻ bề ngoài "xô bồ" ko tin tưởng đã chen lấn nhiều cơ hội nhiều lần, nhiều lần để lấy lại cái cảm giác thật mà mình đã có vào thời điểm ấy.

Tối nay 11 giờ, tuyết ngoài đường đã phủ hầu hết tạo nên một bề mặt phẳng lì, con đường vì thế dường như vô tận và yên tĩnh lạ thường... 1 thời điểm tốt để nghe lại Canival Town của Norah Jones đây! Phải chính cái bài hát này. Giai điệu của nó cực kỳ đơn giản, đều đều, đều đều. Chính vì nó đều đều như vậy cùng giọng ca lúc trầm ấm đột nhiên dâng cao lên 1 khoảng không và dịu ngọt chìm xuống. NÓ TẠO CẢM GIÁC BÌNH YÊN thật sự !!! Mình nghĩ rằng đấy chính là cái hay đặc biệt nhất của bài hát này, 1 bài hát mình chưa bắt gặp cảm giác tương tự trong phần còn lại của Album thứ 2 Feels Like Home, và sự thành công của Norah nói chung.

Hôm ấy mình vào trung tâm một mình, chẳng biết làm gì, đi loanh quanh. Khu trung tâm Alt Markt Gallery có vẻ bình thường đã ồn ào, nay lại vào kỳ giáng sinh lại càng ồn ào hơn. Người người qua lại, phong cách Châu Âu thì luôn luôn Race Condition rồi.

Ngồi đó mà xem! Tất cả như 1 thước phim cuộc sống quay nhanh trước mặt. ào ào

Một nốt, rồi 2 nốt. Tưng tưng...
Round and rooooound carousel
He’s got you under its spell
Moving so fast going no where

Thật ko thể tin được, cái thứ âm nhạc gì vậy? Nó phát ra từ cái loa nhỏ gắn trên trần. Cứ một khoảng lại có 1 cái loa như vậy. Mà nó lại văng lên chính ngay lúc này. Ngay tại khu trung tâm này. Mọi thứ dường như quay chậm lại, chậm lại, rất chậm. Bạn có cảm giác như thước phim mà bạn đang xem không còn ở tốc độ 24 hình trên giây nữa, mà từ từ, từ từ và buông thả. Nói ra nghe buồn cười nhưng cuộc sống cũng cần những khoảng buông lỏng như vậy, chìm xuống trong không gian chỉ có riêng bản thân và nhấm nháp cái hư không đó.

Bài hát ngắn ngủi 12 câu kết thúc, giật bạn dậy và kéo bạn quay về lại với thực tại. Cảm giác về bản thân đến lúc này là "tồn tại" "mình thật sự tồn tại ư?" "Đúng như vậy bạn tồn tại!"

Up and down Ferris wheel
Tell me how does it feel
To be so high
Looking down here
Is it lonely, lonely, lonely
Did the clown make you smile
He was only your fool for a while
But now he’s come back home
And left you wandering there
Is it lonely, lonely, lonely


Nguồn : Tapchoamnhac.net
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top