Nhà văn và người viết

vanchuong83

New member
Xu
0
NHÀ VĂN VÀ NGƯỜI VIẾT

R.Barthes
Người dịch: Lã Nguyên


Ai nói? Ai viết? Chúng ta hiện vẫn chưa có môn xã hội học lời nói. Chúng ta chỉ biết lời nói là một hình thái quyền lực và có một nhóm người đặc biệt ở giữa hội đoàn và giai cấp nổi bật hẳn lên nhờ vào việc ít nhiều độc quyền chiếm hữu ngôn ngữ dân tộc. Lại nữa, một thời gian rất dài, gần như xuyên suốt toàn bộ chiều dài kỷ nguyên tư bản cổ điển chủ nghĩa, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, ở Pháp, độc các nhà văn, và chỉ mình họ mới là chủ nhân hiển nhiên của ngôn ngữ. Nếu bỏ ra một bên giới truyền giáo và các ông luật sư, những người chẳng bao giờ vượt quá giới hạn ngôn ngữ chức năng của mình, thì tuyệt nhiên chẳng còn ai nói cả. Thú vị là ở chỗ, trật tự nghiêm nhặt do sự độc quyền ngôn ngữ sinh ra không hẳn chỉ liên quan tới người sản xuất, mà chủ yếu bị chi phối bởi chính sự sản xuất - chẳng phải vị thế nghề nghiệp của nhà văn được kiến lập (trong ba thế kỷ, vị thế ấy đã thay đổi mạnh mẽ, từ thi sỹ - gia nô đến nhà văn - thương nhân), mà là bản thân thực thể diễn ngôn văn học, do phải tuân thủ các luật lệ tình huống, thể loại và kết cấu, vẫn giữ nguyên, gần như chẳng có gì thay đổi từ Marot đến Verlaine, từ Montaigne đến Gide (mọi sự nhúc nhích chỉ diễn ra trong ngôn ngữ, chứ không diễn ra trong diễn ngôn). Khác với các xã hội được gọi là nguyên thuỷ, nơi mà như Mauss đã chỉ ra, ma thuật bao giờ cũng được thực hiện qua nhân vật phù thuỷ, - thể thức của văn học (và đặc biệt là ngôn từ, chất liệu cơ bản của nó) bao giờ cũng quan trọng hơn nhiều so với chức năng của nó. Ở Pháp, thể thức văn học là lời văn của nó, một hệ thống nửa ngôn ngữ, bán thẩm mỹ, thậm chí vẫn giữ nguyên chuẩn mực huyền thoại: sự trong sáng.

Bắt đầu từ thời nào thì ở Pháp, nhà văn không còn là người nói duy nhất? Rõ ràng là từ thời đại Cách mạng, mà cụ thể là từ lúc xuất hiện những người sử dụng ngôn ngữ của nhà văn vào mục đích chính trị (gần đây, khi đọc một trong số các văn bản của Barnave[1], tôi đã tin chắc như thế). Thể thức vẫn y nguyên không suy suyển - đó vẫn là ngôn ngữ đại Pháp như xưa, bất chấp cái chấn động dữ dội nhất trong lịch sử nước Pháp, tổ chức ngữ vựng, hoà thanh của nó vẫn cứ được giữ gìn nghiêm cẩn. Nhưng chức năng của nó thì thay đổi, trong vòng một trăm năm, số lượng những người làm việc với chữ nghĩa không ngừng tăng lên; các nhà văn, từ Chateaubriand hay Maistre đến Hugo hoặc Zola, đã góp phần mở rộng chức năng của văn học, - trong khi vẫn là chủ nhân hợp pháp của ngôn từ được thể thức hóa, họ đã biến nó thành công cụ phục vụ cho một dạng hoạt động kiểu mới, và bên cạnh các nhà văn như vốn dĩ, bắt đầu hình thành và phát triển một nhóm người mới, chủ sở hữu của ngôn ngữ đại chúng. Họ là trí thức chăng? Vì từ ấy vang lên với rất nhiều ý nghĩa[2], nên tốt nhất, chúng tôi sẽ gọi họ là người viết. Vấn đề là thế này: rất có thể vì hiện nay chúng ta đang sống ở một giai đoạn lịch sử bất ổn, khi mà cả hai chức năng nói trên cùng tồn tại, nên tôi muốn phác hoạ đôi nét có tính chất so sánh loại hình giữa nhà vănngười viết, dẫu chỉ là so sánh ở bình diện chất liệu chung mà họ cùng sử dụng: lời nói.

Nhà văn là người thực hiện chức năng, còn người viết lại lại là người tham gia hoạt động, có thể nhận ra điều ấy qua hình thức ngữ pháp, theo đó, một đằng, là danh từ, còn bên kia, là động từ (ngoại động)[3], đối lập với nhau. Nói như thế không có nghĩa, rằng nhà văn chỉ là một bản chất thuần tuý, nhà văn cũng tác động, nhưng sự tác động của anh ta tới đối tượng của mình chỉ mang tính nội tại, nó diễn ra một cách nghịch lý ngay trên công cụ riêng của nó - ngôn ngữ. Nhà văn là người chế tạo ra lời nói của mình (nếu lấy được cảm hứng), mọi chức năng của anh ta đều nhắm vào công việc ấy. Hoạt động của nhà văn phải tuân thủ hai loại quy tắc: quy tắc nghệ thuật (kết cấu, thể loại, lối viết) và quy tắc thủ công (kiên nhẫn và lao động, sửa chữa và hoàn thiện). Nghịch lý là ở chỗ, do mục đích tự thân của chất liệu, văn học vận hành theo phép lặp thừa , giống như cỗ máy tự động được tạo ra để đồng nhất với bản thân (l'homéostat d'Ashby): với nhà văn, vấn đề vì sao thế giới lại như vậy thu hút toàn bộ vấn đề viết về nó như thế nào? Thật ngạc nhiên là trong vòng nhiều thế kỷ, cái hoạt động tự mê hoặc ấy đã hoá thành tác nhân thường trực nhắm tới việc chất chính, truy vấn thế giới: đắm mình trong những suy tư về việc viết thế nào, rốt cuộc, nhà văn tất yếu phải chạm trán với một trong những vấn đề hoàn toàn còn để ngỏ: Vì sao thế giới lại như vậy? Ý nghĩa của vạn vật là ở đâu? Cuối cùng, khi đã đạt được mục đích tự thân, lao động của nhà văn đồng thời bắt đầu trở thành nhân tố trung gian; nhà văn thấy rõ văn học như một mục đích, nhưng trong thực tế, nó lại biến thành phương tiện, văn học liên tục đánh lừa sự chờ đợi của nhà văn, và chính ở chỗ lừa gạt này, nó hợp nhất với thế giới - với cái thế giới kỳ quặc, một thế giới hiện lên trong văn học chỉ như một câu hỏi, mà chẳng bao giờ là lời giải đáp cuối cùng.
Lời nói không phải là công cụ, không phải là phương tiện của một cái gì khác; chúng ta ngày càng thấy rõ, rằng đó chỉ là một cấu trúc, nhưng chỉ mình nhà văn (theo định nghĩa) đánh mất cấu trúc của riêng mình và cấu trúc của thế giới trong cấu trúc của lời nói. Lời nói như thế, trong quá trình chế tạo (không bao giờ kết thúc), trở thành thứ giống như siêu - ngữ, hiện thực chỉ là cái cớ của nó (với nhà văn, viết chỉ là một động từ nội động); vì lẽ ấy, lời nói không có khả năng giải thích thế giới, nhưng giả dụ, nó vẫn cứ giải thích, thì chỉ là để sau đó, thế giới rồi lại sẽ hiện lên đa nghĩa. Mọi sự giải thích, khi đưa vào tác phẩm (là sản phẩm của sự chế tạo), lập tức trở thành nước đôi, mập mờ, chỉ gián tiếp nối kết với hiện thực; kết cục, văn học bao giờ cũng mang tính phi hiện thực, nhưng chính cái tính phi hiện thực ấy thường xuyên cho phép nó đặt ra trước thế giới những câu hỏi nghiêm túc, dẫu không theo kiểu thẳng thừng, ví như Balzac từng lý giải thế giới bằng tư tưởng thần quyền, nhưng rốt cuộc cũng chỉ có thể truy hỏi, chất chính nó. Cho nên, do sự lựa chọn mang tính sinh tồn, nhà văn (dẫu hoạt động của anh ta chân thành và đã được cân nhắc kỹ lưỡng đến đâu đi nữa), thường tránh hai kiểu nói: thứ nhất, thuyết giáo, vì theo bản chất của dự đồ, anh ta sẽ vô tình biến mọi sự giải thích thế giới thành sự trình diễn sân khấu, và tất yếu sẽ tạo ra tính đa nghĩa[4], thứ hai, chứng minh, bởi vì, khi đã đầu hàng lời nói, nhà văn sẽ đánh mất sự hồn nhiên. Không thể chế tạo ra tiếng reo hò - kết cục sẽ khác, nếu cái chính yếu trong sự thông báo không còn bản thân tiếng reo hò ấy, mà chỉ có sự chế tạo ra nó; khi đã đồng nhất bản thân với lời nói, nhà văn phải từ bỏ mọi quyền năng đối với chân lý, vì ngôn ngữ là như thế, nếu không mang tính ngoại động từ một cách thuần tuý, nó là một hệ thống, mục đích của hệ thống ấy (chí ít là từ thời chủ nghĩa nguỵ biện Hy Lạp cổ đại) là dung hoà sự khác biệt giữa chân lý và giả dối[5]. Tất nhiên, thay vào đó, nhà văn có khả năng lay chuyển sự vững chắc của thế giới bằng cách làm hiển lộ một cảnh tượng quay cuồng của hoạt động biến đổi vũ trụ chẳng ai thừa nhận. Bởi vậy, thật nực cười nếu đòi hỏi nhà văn phải có những tác phẩm nhập cuộc[6]. Nhà văn “nhập cuộc” có ý đồ chơi cùng một lúc ở cả “hai cấu trúc”, nhưng anh ta không thể làm được như thế nếu thiếu ngón bịp bợm, hoặc sự dối trá tinh quái mà ngài Jacques đã sử dụng để khi thì đóng vai đầu bếp, lúc lại đóng vai anh đánh xe ngựa, nhưng không thể đồng thời là người này và người kia; liệu có cần tính đi tính lại các nhà văn vĩ đại mà không “nhập cuôc”, hoặc nhập cuộc “không như thế”, và những người nhập cuộc rõ ràng, nhưng lại là những nhà văn rất tồi? Có thể đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của nhà văn, nhưng ngay ở đây vẫn cần phải giải thích. Việc nhà văn phải chịu trách nhiệm trước các ý kiến của mình không phải là cái gì đáng kể, thậm chí, ngay cả việc anh ta có tiếp thu những kết luận tư tưởng rút ra tử tác phẩm của mình với ý thức ít nhiều hay không, cũng chẳng phải là chuyện gì ghê gớm; trách nhiệm đích thực của nhà văn là làm sao để chấp nhận văn học như là thứ nhập cuộc bất thành giống như ánh mắt của Moïséen nhìn lên vùng Đất Hứa của thực tại (chẳng hạn, trách nhiệm của Kafka là như vậy). Dĩ nhiên, văn học không phải là ân huệ trời ban, mà là tổng thể những dự đồ và quyết định, nhờ chúng, con người hiện thực hoá bản thân (tức là tựa như tìm thấy bản chất) một cách trực tiếp trong hành vi nói; nhà văn chính là người muốn trở thành nhà văn. Và cũng hiển nhiên là xã hội, người tiêu dùng sản phẩm của nhà văn, sẽ biến đổi dự đồ của anh ta thành một chí hướng, công trình ngôn từ của anh ta thành tặng vật của một lối viết và các thủ pháp kỹ thuật thành một nghệ thuật. Thế cho nên mới sinh ra huyền thoại về lối viết hay [7]: nhà văn là vị tư tế ăn lương, là người bảo quản nửa khả kính, nửa khôi hài cái Thánh đường Lời nói Vĩ đại của nước Pháp, món hàng hoá thiêng liêng này (một kiểu tài sản dân tộc) được sản xuất, được đem bán và chở đi xuất khẩu trong khuôn khổ nền kinh tế thượng hạng của những giá trị tinh thần. Sự thiêng hoá công việc chế tạo hình thức của nhà văn có những hệ quả quan trọng và tuyệt nhiên không mang tính hình thức. Nhờ có sự thiêng hoá ấy mà nếu như nội dung tác phẩm tỏ ra bất tiện cho xã hội, thì xã hội (lương thiện) sẽ tránh xa cái nội dung này bằng cách chuyển nó thành một cảnh tượng thuần tuý mà người ta có thể tự do thản nhiên bình phẩm; xã hội vô hiệu hoá những đam mê cuồng nộ và những đòn đánh quyết liệt của giới phê bình - tóm lại, xã hội sẽ giang rộng cánh tay bao bọc lấy nhà văn, nhà văn “nhập cuộc” chỉ còn có thể thách thức xã hội liên tục, một cách bất lực. Sớm hay muộn, bất kỳ nhà văn nào rồi cũng phải kết nối với các thể thức xã hội của văn học - trừ phi anh ta hoàn toàn từ bỏ sự nghiệp nhà văn của mình, tức là khước tử đồng nhất hiện tồn với lời nói, mà đó lại là nguyên nhân khiến không mấy nhà văn dám chấm dứt sự viết lách, vì làm như thế thực ra là tự sát, là chết ngay trong cách tồn tại mà anh ta đã lựa chọn, trong trường hợp, nếu nhà văn im lặng, thì sự im lặng ấy sẽ tạo thành tiếng vang dữ dội giống như sự từ bỏ không thể lý giải đối với đức tin của mình (Rimbaud)[8].

Về những người viết, có thể nói, họ thuộc loại “ngoại động từ”, họ đặt ra cho mình một mục đích nào đó (chứng minh, giải thích, giáo huấn) và lời nói chỉ là công cụ để đạt được mục đích, với họ lời nói chỉ chứa đựng công việc, chứ không phải là lời nói như vốn thế. Bởi vậy, ngôn ngữ lại bị thu về vai trò tự nhiên của một công cụ giao tiếp, đại diện cho “tư tưởng”. Ngay cả khi người viết dẫu ở một mức độ nào đó có chú ý tới lối viết, thì anh ta, như một bản thể, vẫn không bận tâm với nó, hứng thú cơ bản của anh ta nằm ở chỗ khác. Người viết không thực hiện bất kỳ một hành động kỹ thuật thực sự quan trọng nào đối với lời nói; trong sự xử lý của anh ta, chỉ có một lối viết chung cho tất cả những người viết, tựa như koïnè[9], nơi các thổ ngữ cố nhiên là khác nhau (có thể xem ngôn ngữ marxiste, Kitô, hiện sinh là ví dụ), nhưng không mấy khi có sự khác nhau giữa các phong cách. Vấn đề là ở chỗ, thuộc tính quan trọng nhất của lối viết là sự hồn nhiên trong dự đồ giao tiếp của nó: người viết không thể chấp nhận, rằng cái được anh ta viết ra chỉ tập trung và khép kín trong bản thân nó, rằng giữa các dòng chữ có thể đọc được một cái gì rất khác so với cái mà anh ta muốn nói; chẳng lẽ người viết lại chịu đem lối viết của anh ta cho phép phân tâm mổ xẻ? Anh ta cho rằng, bằng lời nói của mình, anh ta đã làm sáng tỏ một cái gì đó không xác định trong thế giới, đã đưa ra cách kiến giải duy nhất, không thể đảo ngược (dù có thể vẫn chưa triệt để), hoặc thông báo một cái gì đó không thể bác bỏ (ngay cả khi đang cố gắng trình bày một cách khiêm tốn các tri thức xa lạ). Trong khi đó, với nhà văn, như chúng ta đã thấy, mọi sự đều ngược lại: anh ta biết rất rõ, rằng lời nói của anh ta chỉ là một động từ nội động, không có bổ ngữ (sự lựa chọn của anh ta là như thế và ý nghĩa công việc của anh ta là như thế), rằng bản thân nó, trong toàn bộ tính quả quyết của mình, chỉ đưa vào thế giới một cái không xác định, rằng nó hiện ra trái khuáy giống như một sự lặng thinh uy nghiêm - đa nghĩa, và rằng, chỉ nhận xét sâu sắc của Jacques Rigaut mới có thể trở thành châm ngôn về loại lời nói như thế: Và ngay cả ở những điều khẳng định của tôi cũng chỉ có các câu hỏi.

Nhà văn tựa như vị tư tế chân tu, còn người viết chỉ là một giáo sỹ thuần tuý: với người này, lời nói là hành vi mang mục đích tự thân (tức là, theo một ý nghĩa nào đó, là điệu bộ), còn với người kia, nó là hoạt động. Nghịch lý là ở chỗ, xã hội tiếp nhận lời nói ngoại động lãnh đạm hơn rất nhiều so với lời nói nội động, thậm chí, ngay cả bây giờ, khi người viết đã trở nên nhiều vô kể, địa vị trong xã hội của họ vẫn phức tạp hơn địa vị của nhà văn. Nguyên nhân ở đây trước hết là do hoàn cảnh vật chất. Việc lưu thông món hàng hoá lời nói của nhà văn được thực hiện qua những kênh đã hình thành từ nhiều thế kỷ, trong xã hội có cả một thiết chế văn học được tạo ra chỉ để quản lý loại lời nói ấy. Ngược lại, lời nói của người viết được sản xuất và tiêu thụ dưới sự bảo trợ của các thiết chế xã hội vốn được tạo ra để đảm đương một chức năng hoàn toàn khác, chứ không phải chức năng đưa ngôn ngữ vào lưu thông: trước hết, đó là Trường Đại học, thêm vào đây là các Công trình nghiên cứu Khoa học, Chính trị học v.v… Ngoài ra, còn có một nguyên nhân khác khiến cho lời nói của người viết thiếu vững chắc. Vì nó là (hay xem bản thân là) đại diện thuần tuý của tư tưởng, cho nên chất lượng hàng hoá của nó được chuyển qua dự đồ, còn nó chỉ là công cụ của dự đồ ấy. Có ý kiến cho rằng, người viết kinh doanh tư tưởng của mình mà chẳng hề nghĩ tới bất kỳ loại nghệ thuật nào,- trong khi đó, dấu hiệu huyền thoại cơ bản của tư tưởng “thuần tuý” (nói chính xác hơn, “không được ứng dụng”) nằm ở chỗ, nó được chế tạo ngoài vòng lưu thông tiền tệ; khác với hình thức (mà theo lời Valéry, có giá rất đắt), tư tưởng chẳng đáng giá gì cả, nên người ta không bán nó, mà chỉ trao tặng một cách hào phóng. Theo đó, ta còn có thể chỉ ra chí ít là hai điểm khác biệt giữa nhà văn và người viết. Trước tiên, hoạt động sản xuất của người viết bao giờ cũng vừa tự do, đồng thời, lại vừa luôn bị “thôi thúc” bởi một cái gì đó; người viết trình ra cho xã hội cái mà không nhất thiết được xã hội yêu cầu; như một nghịch lý, do được sử dụng ở nơi tránh xa các thiết chế xã hội và thị trường, lời nói của anh ta hiện lên mang tính cá nhân nhiều hơn so với lời nói của nhà văn (chí ít là ở các động cơ của mình). Chức năng của người viết là nói lập tức, nói không chậm trễ, ở mọi nơi, mọi lúc, điều mà anh ta đang nghĩ[10], anh ta tìm thấy ở chính chức năng ấy sự biện minh mạnh mẽ nhất cho bản thân; vì thế mà lời nói của anh ta trở nên sắc sảo, cấp thiết - tựa như lúc nào nó cũng vạch ra mối xung đột giữa tính không thể kìm hãm của tư tưởng với sự cổ hủ của xã hội không muốn sử dụng món hàng khi nó chưa được chuẩn hoá bằng một thể thức đặc biệt nào đó. Từ đây, a contrario[11] - lại xuất hiện sự khác biệt thứ hai: chức năng xã hội của lời nói văn học (lời nhà văn) chẳng phải là gì khác ngoài việc biến tư tưởng (hoặc lương tri, hoặc tiếng kêu của tâm hồn) thành hàng hoá. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn, xã hội có tham vọng chiếm dụng cho mình quyền sở hữu, thuần hoá, thể thức hoá sự vô thường đầy bất ngờ của tư tưởng, thế mà phương tiện giúp nó làm việc ấy lại là ngôn ngữ - kiểu mẫu của tất cả các thể thức hiện hữu. Cái nghịch lý là ở chỗ, lời nói mang tính “gây hấn” lại dễ dàng bị khuôn vào thể thức của văn học: mọi sự vi phạm các phép tắc ngôn ngữ, từ Rimbaud đến Ionesco, đều bị khép vào hệ thống một cách nhanh chóng và hoàn hảo, và những tư tưởng nổi loạn, dẫu có ý đồ biểu hiện trực tiếp (không cần trung gian) như thế nào, vẫn cứ phải giãy giụa vô ích ở khu vực bất khả xâm phạm của hình thức; sự phá phách luật lệ chưa bao giờ đạt được kết cục trọn vẹn.

Trong thực tế, mâu thuẫn vừa miêu tả ở trên không mấy khi biểu hiện dưới dạng thuần nhất. Giờ đây mỗi chúng ta thường ít nhiều dao động một cách công nhiên giữa nhà văn và người viết, hình như lịch sử đã phán quyết phải thế, theo ý chí lịch sử, liệu có phải chúng ta sinh ra quá muộn để trở thành những nhà văn kiêu hãnh với danh hiệu của mình bằng lương tri thanh thản, hay quá sớm (?) để trở thành những người viết được thiên hạ chăm chú lắng nghe? Giờ đây, mỗi đại diện của giới trí thức đều mang trong mình hai vai trò, và một trong số đó là ít nhiều “giấu mình” cho thật giỏi; trong phẩm hạnh các nhà văn, bỗng xuất hiện đức kiên nhẫn của những người viết, còn những người viết lại nâng mình lên để tham dự vào hoạt động nhà hát của ngôn từ. Chúng ta muốn viết một cái gì, nhưng chúng ta lại chỉ viết (theo ý nghĩa nội động từ của từ này) thế thôi. Tóm lại, thời đại chúng ta đã sinh hạ cho đời một kiểu lai ghép: nhà văn - người viết. Do nhu cầu, bản thân chức năng của loại nhà văn - ngưới viết này cũng trở nên ngược đời: trong đó, vừa có sự thách thức, vừa có sự cầu xin; trên hình thức, lời nói của anh ta tự do, không bị gò vào thể thức của ngôn ngữ văn học, nhưng khi đóng kín trong sự tự do của mình, nó lại tạo ra cho bản thân những quy tắc chấp nhận hình thức của “lối viết thông dụng”; bước ra khỏi hội đoàn của giới văn sỹ, nhà văn - người viết lại sa vào một hội đoàn khác, hội đoàn của giới trí thức. Ở cấp độ toàn xã hội, quần hệ mới này thực hiện chức năng bổ trợ: lối viết của giới trí thức sẽ được sử dụng làm ký hiệu nghịch lý của một thứ phi - ngôn ngữ, nó cho phép xã hội nhìn thấy ước mơ giao tiếp ngoài hệ thống (ngoài thể thức) đã trở thành hiện thực; trước mắt toàn xã hội, nhà văn - người viết thực hiện mô hình về một lối viết không có lối viết, truyền đạt tư tưởng thuần túy và trong quá trình truyền đạt ấy không có bất kỳ một thông tin thứ yếu nào. Với mô hình vừa xa xôi, vừa sát sườn ấy, xã hội tựa như chơi trò mèo - chuột , nó thừa nhận loại nhà văn - người viết bằng cách mua (không nhiều lắm) tác phẩm của anh ta, tiếp nhận anh ta như một thực tế của đời sống xã hội, đồng thời, lại giữ anh ta ở một khoảng cách an toàn, buộc anh ta phải dựa vào những thiết chế thứ cấp, thiết chế chịu sự kiểm soát của xã hội đại loại như Trường Đại học, và thường xuyên bị chỉ trích về mặt duy lý, nói theo ngôn ngữ huyền thoại, tức là chỉ trích về sự vô sinh (mà sự chỉ trích đâu chỉ dành cho một nhà văn). Tóm lại, từ quan điểm nhân học, nhà văn - người viết là truyền nhân bị ruồng bỏ và được đẩy vào xã hội bởi chính sự ruồng bỏ của Kẻ - Bị - Nguyền - Rủa. Chức năng của anh ta trong xã hội hình như có quan hệ với chức năng mà Cl. Lévi-Strauss đã gán cho Phù thuỷ[12]: chức năng bổ trợ, bởi vì cả phù thuỷ lẫn trí thức đều tích tụ trong mình căn bệnh cần thiết cho sự toàn vẹn của một xã hội lành mạnh. Và tất nhiên, chẳng có gì đáng kinh ngạc nếu xung đột ấy (hoặc khế ước, nếu muốn gọi thế) được gắn liền với ngôn ngữ, bởi vì toàn bộ bản chất của ngôn ngữ nằm ở sự nghịch lý, ở việc thể thức hoá tính chủ quan.

Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top