vanchuong83
New member
- Xu
- 0
NHÀ VĂN TRẦN THỊ TRƯỜNG: KHÔNG BẢN NĂNG NÀO DẪN TA ĐẾN ĐÍCH
Nguyễn Việt Chiến
Trong số ít các nhà văn nữ nổi lên trong thời kỳ đổi mới, Trần Thị Trường là một cây bút khá sắc nét. Còn nhớ cách đây khoảng hai chục năm, cuốn tiểu thuyết “Lời cuối cho em” của nhà văn Trần Thị Trường với tranh bìa vẽ của họa sĩ Thành Chương đã gây “cơn sốt” trên thị trường xuất bản.Nguyễn Việt Chiến
Với tác phẩm đầu tay của một cây bút nữ mới trình làng, thì thành công ấy đã đưa chị “lên mây”. Bởi trong số hơn nửa ngàn nhà văn Việt Nam thời điểm ấy, mấy ai đã xây được nhà từ tiền nhuận bút cuốn truyện đầu tay của mình. Trần Thị Trường cho biết, số tiền nhuận bút đó đủ để gia đình chị xây một căn nhà mái bằng 17m2.
Nhìn lại những bước chập chững ban đầu bước vào làng văn, chị tâm sự: “Ngày ấy, lúc chưa vào nghề thì tôi còn ấu trĩ và lớn tiếng lắm. Tôi cho rằng: nếu mà viết thì phải được giải Nobel thì hãy viết, nếu không được giải Nobel thì viết làm gì! Nhưng càng đi sâu vào nghề thì tôi mới tự thấy rằng: không có bản năng nào dẫn con người đi đến một cái đích nếu không có sự học hỏi, tôi luyện và không thể đi đến đỉnh cao nếu chỉ dựa vào bản năng. Thành công đầu tiên đã đưa tôi lên mây nên tôi đã có một quãng thời gian viết khá ẩu, nhưng sau đó đồng nghiệp và bạn đọc đã thức tỉnh tôi để tôi trở lại với văn chương đích thực. Cái tôi hướng đến là ngày hôm nay ta còn muốn chia sẻ với cuộc đời nữa hay không? Và ngày hôm nay ta có điều gì muốn chia sẻ với mọi người thì ta hãy viết và tôi tự cười tôi với ý nghĩ ban đầu viết vì giải Nobel”.
Con người đa cảm với mối tình “sét đánh”
Trò chuyện với tôi, nhà văn Trần Thị Trường cho biết, hồi nhỏ chị thường hay ốm vặt. Cha chị bảo: “Con là người quá nhạy cảm, khó có thể thành công trong đời. Con người có trái tim đa cảm sống ở thời nào cũng không hợp, nếu muốn có kết quả phải biết vứt bỏ mọi vương vấn lại bên lề của con đường tới mục đích”. Chị Trường cho rằng bố nói đúng, nhưng cũng cảm thấy lời giáo huấn có gì đấy tàn nhẫn. “Tôi cảm thấy ông nói không sai. Có điều, chính cha tôi cũng không sống theo cái cách mà ông chỉ ra cho tôi. Cuối đời, ông tự nhận là kẻ thất bại. Tôi biết, chính ông cũng đâu có ra khỏi được biển xót thương mà trái tim ông đã dâng đầy. Ông càng không biết cách để thoát ra khỏi sự trăn trở triền miên vốn có của kẻ thiện. Biết cha thất bại mà tôi không muốn mình sống khác ông. Tôi yêu mến và kính trọng mọi con tim nhỏ máu cho cái đẹp và điều thiện. Và cuối cùng, tôi cũng không biết làm thế nào hơn là cầm bút để được tham dự vào tình yêu mến ấy”, nhà văn tâm sự.
Đến thăm chị ở một căn hộ chung cư cao tầng tại khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính, tôi như được hòa mình vào một không gian hội họa và sách. Bên giá sách đồ sộ là hai bức tranh sơn dầu khổ lớn, vẽ lối hiện đại, trang hoàng trên hai vách tường phòng khách đem lại một cảm giác ấn tượng, ấm áp và sang trọng. Nhà chị có khá nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng, nhưng tôi vẫn thấy thích hai bức tranh sơn dầu nói trên. Hỏi ra, mới biết đấy là các tác phẩm của chồng chị, cố họa sĩ Nguyễn Hưng Việt - một trí thức ẩn dật, theo cách nói của Trần Thị Trường: “Tôi có 2 người con thành đạt (một làm luật sư và một ở nước ngoài) và một ông chồng khó tính. Chồng tôi là một con chiên ngoan đạo, ít nói và là một họa sĩ có tài nhưng chưa bao giờ trưng bày tranh để bán…”.
Chị Trường cho biết thêm, bố chồng của chị từng là giáo sư chủng viện của Toà giám mục Hà Nội thời Pháp thuộc và từng là chủ bút tờ Trung Hòa (in cả tiếng Việt và tiếng Pháp), đã dịch Kinh Thánh và cùng một số linh mục chuyển tải thành thơ lục bát, và ông là một nhân vật đáng kể của Công giáo Việt Nam thời ấy.
Kể về mối tình sét đánh đầu tiên trong đời mình với họa sĩ Nguyễn Hưng Việt, nhà văn Trần Thị Trường giãi bày: “Chúng tôi yêu nhau từ lúc còn trẻ, vào năm 1968 - 1970 khi tôi theo học lớp hội họa quần chúng ở 68 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội do các họa sĩ nổi tiếng Trần Văn Cẩn, Phạm Viết Song, Mai Văn Hiến… giảng dạy. Lúc đó, tôi thường đến nhà chồng tôi làm các bài tập vẽ vì nhà anh ấy thuê được người mẫu nam là một nghệ sĩ ghita khiếm thị (thời điểm ấy thuê người mẫu nữ là bị bắt ngay!). Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên đối với tôi là các giá sách chạy dọc 3 bức tường nhà anh ấy, trong đó có toàn bộ sách kinh điển bằng tiếng Pháp, bìa cứng, chữ mạ vàng. Lúc ấy, kinh tế cũng rất khó khăn, nhà chồng tôi thi thoảng lại phải bán một món đồ cổ quý giá để lấy tiền ăn trong vài tháng. Hàng ngày, mọi người trong nhà (kể cả bố chồng tôi) đều phải đan len, sang sợi để kiếm sống. Tôi mê cái không khí của một gia đình trí thức cổ và chúng tôi lấy nhau. Sau khi lấy chồng, tôi sinh 2 cháu (một trai, một gái) và vẫn đi học. Sau năm 1975, chồng tôi mất việc (họa sĩ vẽ tranh cổ động, áp-phích), kinh tế gia đình khó khăn, năm 1981, tôi phải đi xuất khẩu lao động sang Bungari. Nhưng chỉ sau 1 năm ở nước ngoài, với sự tháo vát trong kinh doanh hàng may mặc, tôi trở thành một trong số ít người giàu nhất trong giới người Việt lao động xuất khẩu ở Bungari và liên tục gửi hàng về nước cho gia đình…”.
Yêu cũng đẹp và khổ đau cũng đẹp
Năm 1986, Trần Thị Trường về nước và bắt đầu nung nấu chuyện viết văn, xuất phát từ câu chuyện tình bi thảm có thực mà chị được biết về một đôi trai gái. Họ yêu nhau, nhà người con gái khá giàu, nhưng chàng trai thì nghèo tới mức không có nổi tiền để mời người yêu của mình vào một quán giải khát. Khi đến nhà cô gái chơi, thấy người yêu đi vắng, người trai này đã liều ăn cắp một chiếc máy khâu, không may bị người em họ của cô gái phát hiện. Vì quá xấu hổ, nên y đã sát hại dã man người em họ của người yêu mình, rồi mang chiếc máy khâu đi bán.
Ngay tối hôm xảy ra án mạng, y còn lấy số tiền bán máy khâu mời người yêu đi uống nước. Vụ án sau đó bị phát giác và kẻ sát nhân phải lãnh án tử hình. Cô gái đáng thương không chịu nổi sự thật cay đắng, sau đó cũng đã tự sát. Từ câu chuyện có thật trên, Trần Thị Trường đã hư cấu thành một cốt truyện khác để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Lời cuối cho em. Cuốn sách ban đầu in 1 vạn bản (sau đó in lại nhiều lần) ngay lập tức gây tiếng vang với nhiều dư luận khác nhau. Trần Thị Trường thành danh và ba năm sau trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Sau thành công ban đầu, Trần Thị Trường đi làm báo, in 4 tập truyện ngắn, và phối hợp với bạn bè thành lập một công ty chuyên tổ chức biểu diễn âm nhạc. Công ty này đã tổ chức 150 đêm diễn cho ca sĩ Ngọc Tân, cho đến ngày anh mất. Nói về Ngọc Tân, nhà văn Trần Thị Trường không giấu nổi vẻ xúc động chân thành: “Ngọc Tân có cuộc đời ca sĩ khá trầm luân và tôi đã đưa hình tượng anh ấy vào trong một cuốn truyện dài của tôi, và nói như cách nói của Ngọc Tân là anh ấy đã sống lại sau cuốn tiểu thuyết này. Ngọc Tân với đêm diễn đầu tiên Biển của thời đã mất khi anh sinh ra bên biển cả, vợ anh chết ngoài biển, và tên tuổi anh gắn liền với những ca khúc viết về biển cả. Với Ngọc Tân, tôi cảm mến, kính trọng tài năng và nhân cách của anh ấy. Tuy tôi là người phối hợp tổ chức 150 đêm diễn cho Ngọc Tân, nhưng anh ấy không bao giờ để cho tôi thiệt thòi, lỗ thì mình anh chịu, anh không bắt tôi phải gánh đỡ, nhưng hầu hết các đêm diễn đều có lãi”.
Tâm sự về nghề văn, Trần Thị Trường cho rằng: “Trong các tác phẩm của tôi, hầu hết nhân vật trung tâm là phụ nữ và tôi đồng cảm, chia sẻ với số phận của họ như trong tiểu thuyết Sóng vỗ mạn thuyền nói về công chúa Huyền Trân được nhà Trần gả cho Chế Mân, một ông vua ở phương Nam. Sau khi chồng chết, đáng lẽ phải hoả thiêu theo chồng nhưng nàng được một võ tướng nhà Trần đưa xuống thuyền, cứu thoát ra Bắc. Và trên đường vượt biển, tình yêu giữa công chúa Huyền Trân và người võ tướng này đã nảy nở và họ đã đến với nhau. Những tình tiết về mối tình trên biển này đều do tôi hư cấu trong tiểu thuyết của mình. Và tôi thuộc số các nhà văn đồng cảm và ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ khi các nhân vật này đau khổ cũng đẹp, bị dập vùi cũng đẹp, chung thuỷ cũng đẹp và ngoại tình cũng đẹp, để đem lại cho người đọc một mối thương cảm, chia sẻ với họ, vì mỗi một người phụ nữ đều có một đời sống tinh thần sâu kín riêng của họ. Khi tôi đọc những người viết trẻ hiện nay, tôi hiểu rằng nếu tôi đổi mới phong cách viết như họ thì tôi không thay đổi được nữa, nên tôi vẫn phải giữ nét viết cổ điển và thế mạnh của tôi là chia sẻ với những thân phận phụ nữ cái chất chiêm nghiệm, triết lý, hài hước của người đàn bà”.
Khi họa sĩ Nguyễn Hưng Việt qua đời, ông để lại cho vợ con một ngôi biệt thự cổ bày toàn tranh và có vườn tược khá sang trọng ở giữa làng Phùng Khoang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Giờ thì nhà văn Trần Thị Trường dọn về ở hẳn ngôi nhà yên tĩnh đó, nhưng cuộc sống của chị vẫn bị náo động bởi những công việc bề bộn mà chị đang nhận làm giúp nhạc sĩ Phó Đức Phương ở Trung tâm bản quyền tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Tôi có cảm giác, hình như chị cũng là khuôn mẫu của một người đàn bà buồn rầu, đa cảm và đầy tâm trạng trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của chị. Nhưng ngoài cuộc đời, chị lại luôn tỏ ra là một người nữ khá cứng rắn, sắc sảo và mang phong cách báo chí nhiều hơn tôi tưởng. Chị cũng từng nói với tôi: “Nghề báo đã mang lại cho nhà văn một cái nhìn đầy vốn sống tỉnh táo”. Còn tôi thì xin được bổ sung: nghề văn đã mang lại cho nhà báo một cái nhìn nhân bản và vị tha hơn, đúng như tâm sự của chị: “Ta còn muốn chia sẻ với cuộc đời thì ta hãy viết để chia sẻ với con người!”.
Sưu tầm