Nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian
Trong hơn 100 năm, khoảng 20.000 người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã bị giam cầm, hy sinh tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, nơi cả thế giới bàng hoàng khi sự thật được phơi bày.
Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo - "địa ngục trần gian" (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá.
Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục thực dân dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.
Nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh... cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... từng bị giam giữ nơi đây.
Khu biệt giam phủ đầy rêu phong với 20 hầm đá khiến những ai ghé thăm đều có cảm giác rợn người.
Nơi đây cũng có khu biệt giam đặc biệt dành cho các tù nhân cách mạng nữ. Họ bị xiềng xích và tra tấn cho đến chết.
Trại giam Phú Hải còn có đầy đủ các khu vực như giảng đường, bệnh xá, nhà thờ, nhà bếp, nhà ăn. Tuy nhiên, tất cả đều được dựng lên để đối phó với các đoàn giám sát về nhân quyền của quốc tế và đánh lừa dư luận.
Trại giam Phú Tường, nơi nổi tiếng với "chuồng cọp", được xây dựng năm 1940, với diện tích hơn 5.000 m2 gồm 120 phòng giam có chấn song sắt phía trên, 60 phòng "tắm nắng" không có mái che.
Nó được chia làm 2 khu mỗi khu vực gồm 60 phòng giam, 30 phòng tắm nắng và một bệnh xá. Khu biệt giam này bị giấu kín hoàn toàn và đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động và bàng hoàng với dư luận quốc tế.
Khu phòng tắm nắng là nơi để thực dân giam giữ tù nhân giữa bốn bức tường đá, được bọc dây thép gai. Không chỉ bị tra tấn, họ còn bị lột trần quần áo, phơi nắng phơi sương cho đến chết.
Các tù nhân phải chịu đựng đủ loại hình thức tra tấn từ ngày này qua ngày khác.
Một khu bệnh xá được dựng lên nhưng cũng chỉ với mục đích duy nhất là đối phó với các đoàn giám sát nhân quyền. Đây là chiêu mà thực dân sử dụng, đối phó trong suốt thời gian cai trị hàng chục năm.
Những phòng giam có mái che được xây dựng với diện tích nhỏ, rộng 1,45m, dài 2,5m (khoảng 3,6m2). Toàn bộ tù nhân đều bị xiềng xích, ăn, ở, vệ sinh trong buồng giam.
Ngoài việc bị tra tấn, tù nhân còn bị bỏ đói. Hầu hết tù nhân bị đưa vào chuồng cọp thì cái chết coi như cận kề.
Với 120 phòng giam kiểu này, hàng nghìn tù nhân cách mạng đã bị giam giữ từ suốt năm 1940. Cao điểm, mỗi phòng có đến chục người.
Bên trên các phòng giam là hệ thống song sắt dày đặc với lối đi dành cho các cai ngục giúp chúng dễ dàng quan sát, kiểm soát mọi động tĩnh bên dưới.
Những ai có ý định hay hành động phản kháng, chúng sẽ dùng gậy và tra tấn từ bên trên. Trên trần mỗi buồng giam còn để thùng nước và thùng vôi bột. Khi tù nhân khát cai ngục sẽ đổ ào nước xuống và rắc vôi xuống mịt mù là hình phạt dành cho những ai có dấu hiệu phản đối.
Dù đã trải qua hơn 40 năm từ khi bị phơi ra ánh sáng nhưng nơi đây vẫn khiến nhiều người liên tưởng chúng như những nhà tù khủng khiếp thời Trung cổ. Câu thơ Côn Lôn đi dễ khó về/ Già đi bỏ xác, trai về nắm xương đã phản ánh sinh động, chân thực về địa ngục trần gian, nơi chứng tích còn lại vẫn khiến người đời ghê rợn. Năm 2013, nhà tù Công Đảo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: