Chia Sẻ Nhà Trần kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ lần I (1258)

ĐINH HỒNG

New member
Xu
0
Cuộc kháng chiến chống Mông -Nguyên lần thứ nhất đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong nhiều thế hệ sau. Mãi đến cuối thế kỉ XIII vua Trần Nhân Tông - người anh hùng chống Nguyên còn viết:
“Bạch đầu quan sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”
(Người lính già đầu bạc.
Mãi kể chuyện Nguyên Phong).


Nhà Trần kháng chiến chống xâm lược Mông Cổ lần I (1258)
Guyúc (Quý Do) chết năm 1248, nhưng mãi đến 1251 Mông Cổ mới lên ngôi đại hãn. Mông Ke ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Năm 1252 Mông Cổ sai Khubilai (Hốt Tất Liệt) đánh chiếm Đại Lý (rồi đổi tên là Vân Nam) lấy đó làm bàn đạp mở cuộc tiến công vào Đại Việt.

Theo kế hoạch định trước thì quân Mông Cổ sẽ đánh chiếm Nam Tống theo 4 hướng tiến công. Khubilai chỉ huy một cánh quân đánh chiếm Ngạc Châu (Hồ Bắc). Một cánh quân do Tôgatrai chỉ huy đánh xuống Kinh Châu. Mông Kha chỉ huy 4 vạn quân đánh xuống Tứ Xuyên, và Uriangkhađai (Ngột Lương Hợp Thai) chỉ huy cánh quân từ Đại Lý đánh thẳng xuống Đại Việt, từ đó đánh vào Ung Châu (Quảng Tây), Quế Châu (Quảng Tây) rồi tiến lên hợp quân với Khubilai ở Ngạc Châu.

Vậy là cánh quân của Uriangkhaiđai phải thực hiện hai nhiệm vụ: đánh chiếm Đại Việt và từ Đại Việt đánh lên Nam Tống. Chiếm được Đại Việt còn có ý nghĩa lớn sau này cho đế quốc Mông Cổ là lập được bàn đạp cho các cuộc viễn chinh xuống Đông Nam Á. Nguyên sử cho biết: ''Ngột Lương Hợp Thai vào Giao Chỉ định kế ở lâu dài”.
Chiếm được Đại Việt là mục tiêu chiến lược của kế hoạch Mông Kha và đó cũng là cố gắng rất lớn của chúng. Sau khi chiếm được Đại Lý, quân số Mông Cổ chỉ còn hơn 2 vạn người. Chúng còn dùng thêm hơn 2 vạn hàng binh của tên vua đầu hàng Đoàn Hưng Trí sáp nhập làm ''quân tiên phong". Tổng số quân xâm lược do Uriangkhađai chỉ huy có thể tới 4 vạn.


Xuống gần biên giới nước ta, chúng dừng quân và cho sứ giả đưa thư vào Đại Việt đe dọa và dụ hàng. Nhưng 3 lần liên tục cử sứ giả vào Đại Việt, cả ba lần không thấy sứ giả trở về.

Thường xuyên theo dõi tình hình và biết rõ âm mưu xâm lược của quân Mông Cổ, nhà Trần đã chuẩn bị kháng chiến. Tháng 9 - 1257 chủ trại Quy Hóa (dọc hữu ngạn sông Hồng) cho người cấp báo về triều đình tin sứ giả Mông Cổ đến. Tháng 10, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho các tướng điều quân thủy bộ lên miền biên giới Tây Bắc và ra lệnh cho cả nước khẩn trương chuẩn bị đánh giặc. Các sứ giả Mông Cổ láo xược đều bị tống giam ở kinh đô Thăng Long.

Không thấy sứ giả về, Uriangkhađai quyết định tiến công. Y sai Trếch Trếch Đu (Triệt Triệt Đô) và một tướng khác chia quân làm 2 đạo tiến theo tả ngạn và hữu ngạn sông Thao. Đường tả ngạn qua vùng đất các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang ngày nay xuống Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ). Đường hữu ngạn qua vùng đất Quy Hóa (Lào Cai, Yên Bái) cùng xuống Bạch Hạc. Hai đạo quân nhỏ này chỉ là quân đi trước thăm dò, dẫn đường. Theo sau là đạo quân khác do con trai của Uriangkhađai là AJu (A- thuật) chỉ huy. Và cuối cùng là đạo quân do chính Uriangkhađai tiến sau.

Tháng 1 - 1258, hai đạo quân Mông Cổ đi trước cùng đến hội quân ở Bạch Hạc. Sau đó chúng theo đường bộ, hướng về Thăng Long đến Bình Lệ Nguyên. Ở Bình Lệ Nguyên (có lẽ là vùng Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) nơi có sông Cà Lồ chắn ngang, vua Trần Thái Tông đã lập phòng tuyến chặn giặc.

Thấy quân ta dàn trận bên sông, Aju vội cho người quay lại báo tin với Uriangkhađai thúc quân tiến xuống. Ngày 17- 1- 1258 chúng kéo đến Bình Lệ Nguyên.

Uriangkhađai tiến sát bên kia sông đang tìm cách vượt qua. Y chia quân làm 3 đợt. Đội tiền phong do Trếch Trếch Đu chỉ huy vượt qua sông sang trước. Uriangkhađai dẫn đội trung quân sang sau. Còn Khai đu và Aju dẫn hậu đội vượt sông cuối cùng.
Quân Trếch Trếch Đu vượt sông lên đến bờ bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Vua Trần Thái Tông tự mình đốc thúc tướng sĩ, xông vào trận mạc cùng binh sĩ trực tiếp chiến đấu. Tướng Lê Tần (được gọi Lê Phụ Trần) dũng cảm cưỡi ngựa xông vào trận giặc.
Địa hình Bình Lệ Nguyên khá thuận lợi cho kỵ binh Mông Cổ phát huy sở trường của chúng. Trận địa của ta bị lấn dần. Những tên lính Mông Cổ thiện xạ bắn vào voi của ta. Voi hoảng sợ lồng quay lại trước sức tiến công của chúng. Quân ta rời trận địa đến sách Cụ Bản thì có quân tiếp viện của tướng Phạm Cụ Chích tiếp đến. Phạm Cụ Chích đem quân ngăn chặn giặc, và ông hi sinh, nhưng quân Trần đã rút lui an toàn. Nhà vua xuống thuyền ở bến Lãng Mĩ. Quân Mông Cổ đứng trên bờ bắn theo. Lê Tần lấy ván thuyền che cho nhà Vua. Thuyền quân ta theo sông Cà Lồ xuôi về Phủ Lỗ. Âm mưu cướp thuyền, chặn đường rút lui và bắt sống vua Trần của địch hoàn toàn thất bại. Uriangkhađai nổi giận, đổ mọi tội lỗi lên đầu tướng tiên phong. Trếch Trếch Đu hoảng sợ, uống thuốc độc tự tử.


Hôm sau (18- l- 1258) vua Trần cho phá cầu Phủ Lỗ và bố trí quân lập thế trận bên hữu ngạn sông ngăn địch. Đến Phủ Lỗ, Uriangkhađai thúc quân vượt sông, đánh vào trận địa quân ta. Quân ta rút lui về Thăng Long.

Cố thủ không được, triều đình quyết định rút lui khỏi kinh đô để bảo toàn lực lượng. Bà Linh Từ quốc mẫu, vợ thái sư Trần Thủ Độ chỉ đạo việc sơ tán các cung phi và gia đình các tướng, các quan lại về vùng sông Hoàng Giang (Lý Nhân, Hà Nam). Quân đội và nhà vua thì lui về vùng sông Thiên Mạc (Duy Tiên, Hà Nam). Thăng Long yên tĩnh trống không. Quân Mông Cổ tiến vào một kinh đô vắng lặng. Chúng sục sạo khắp nơi, chỉ thấy trong nhà ngục những sứ giả mà Uriangkhađai đã phái vào Đại Việt trước đây đang gục đầu trên mặt đất. Sách Nguyên sử loại biên chép: "Ngột Lương Hợp Thai kéo quân vào đô thành thấy 3 người sứ sai sang trước đang bị giam trong ngục, người nào cũng bị những thanh tre bó chặt vào mình, sát hằn đến da, khi cởi trói ra thì một người đã bị chết". Bọn giặc điên cuồng tàn phá kinh thành giết hại những người ở lại.

Về phía giặc, vào Thăng Long hoang vắng, gặp khó khăn về hậu cần, chúng đánh ra vùng xung quanh kinh đô để hòng cướp bóc lương thực. Nhưng ở đây cũng bị nhân dân các hương ấp chống cự quyết liệt. Tiêu biểu nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ làng xóm của nhân dân Cổ Sở (Yên Sở, Hoài Đức, Hà Tây). Nghe tin giặc kéo đến, nhân dân Cổ Sở đã tự tổ chức lực lượng vũ trang đào hào bao quanh làng, dựng luỹ chiến đấu. Khi giặc kéo đến làng, kị binh không vượt qua được hào, lại bị cung nỏ bắn ra. Chúng phải rút lui, chịu thất bại. Thắng lợi của nhân dân Cổ Sở là thắng lợi của chiến tranh nhân dân địa phương đang mở rộng xung quanh kinh đô Thăng Long. Lực lượng quân xâm lược Mông Cổ đã thất bại đầu tiên trước những cuộc chiến đấu từ xóm làng, hương ấp. Chỉ sau mấy ngày vào Thăng Long, quân Mông Cổ hoàn toàn mất hết nhuệ khí chiến đấu. Đã không có lương ăn, lại bị các làng xóm xung quanh chống lại, Uriangkhađai và bọn tướng lĩnh đều hoảng hốt đến cực điểm. Nắm vững thời cơ, triều đình nhà Trần quyết định phản công giải phóng Thăng Long.

Ngày 29- 1- 1258 Trần Thái Tông cùng nhiều tướng lĩnh đem binh thuyền từ sông Thiên Mạc ra sông Hồng tiến tới Thăng Long. Quân ta đổ bộ lên Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng khoảng từ dốc Hàng Than đến dốc Hòe Nhai, quận Ba Đình- Hà Nội) tập kích doanh trại địch.

Địch bị đánh bật khỏi kinh thành. Uriangkhađai cho quân rút theo đường cũ theo hữu ngạn sông Hồng trở về Vân Nam. Đến trại Quy Hóa, quân giặc lại bị nhân dân miền núi dưới sự chỉ huy của trại chủ Hà Bổng đổ ra đón đánh. Quân Mông Cổ bị thiệt hại nặng, hoảng sợ, cắm đầu chạy thoát thân không dám nghĩ đến chuyện cướp bóc đốt phá như khi mới tiến vào Đại Việt. Nhân dân ta bấy giờ mỉa mai gọi chúng là ''giặc Phật''.
Uriangkhađai thúc tàn quân chạy ra khỏi biên giới sang Vân Nam, dừng chân tại thành Áp Xích (Côn Minh). Đợt viễn chinh của Mông Cổ sang Đại Việt đến đây hoàn toàn thất bại. Uriangkhađai tướng thân tín của đại hãn Mông Ke, từng đánh Liêu, từng theo hãn Ba Tu đánh Ba Lan, Hunggari, mà đã có thời, bọn quý tộc Mông Cổ tôn xưng y là viên tướng bách chiến bách thắng nhưng nay đã thua trận trên đất Đại Việt.
Theo nhà sử học Rasít Uđin thì cánh quân của Uriangkhađai tuy không lớn, nhưng có đến 50 thân vương, trong đó có Abisca con Thành Cát Tư Hãn. Đạo quân hùng mạnh nhiều tướng tài như vậy chỉ được ở Thăng Long có 9 ngày.
Kinh thành sạch bóng quân thù, ngày 5- 1- 1258 là ngày tết nguyên đán năm Mậu Ngọ. Trong buổi thiết triều, Trần Thái Tông phong thưởng cho các tướng lĩnh có quân công. Lê Tần và Hà Bổng là người đứng đầu, Hà Bổng được phong tước hầu. Cuộc kháng chiến chống Mông -Nguyên lần thứ nhất đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong nhiều thế hệ sau. Mãi đến cuối thế kỉ XIII vua
Trần Nhân Tông - người anh hùng chống Nguyên còn viết:
“Bạch đầu quan sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”
(Người lính già đầu bạc.
Mãi kể chuyện Nguyên Phong).


Hãy bấm Thích và Chia sẻ để mình đăng bài nữa nhé!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2




385px-chongquannguyenlan2_500.jpg

Lần thứ hai 1284-1285

Hội nghị Bình Than, hội nghị Diên HồngTháng 10, vua Trần Nhân Tông ra Bình Than đóng ở vũng Trần Xá, họp vương hầu và trăm quan, bàn kế công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu. Thánh Tông lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm phó đô tướng quân, thái úy Trần Quang Khải làm thượng tướng thái sư. Khi ấy, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ 6 chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân" (tức là "phá giặc mạnh, báo ơn vua") và tham gia đánh trận, lập được nhiều chiến công.



Tháng 7 năm Quý Mùi (1283), vua Trần sai trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương sang Nguyên, gặp thái tử A Thai, bình chương A Lạt (hay A Lý Hải Nha tức Ariq-Qaya), ở Hồ Quảng, hội 100.000 quân ở các xứ định sang năm vào đánh Đại Việt.

Tháng 10 năm 1283, vua Nhân Tông thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận. Tiến phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị.

Tháng 8 năm Giáp Thân (1284), Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác. Tháng 11, Thánh Tông sai Trần Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ (nước Nguyên) xin hoãn binh.

Tháng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn Trấn Nam Vương Thoát Hoan (Toghan), bình chương A Lạt đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp. Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi nên quyết chiến hay tìm kế hòa với giặc. Các phụ lão đều nói "Đánh!"

Thoát Hoan, Toa Đô tiến binh

Ngày 26, quân Nguyên đánh vào các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng. Quân Trần đánh địch không nổi, lui về đóng ở bến Vạn Kiếp. Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hung Đạo Vương để chống quân Nguyên. Hưng Đạo Vương chia quân đón giữ ở Bắc Giang.

Ngày mồng 6 tháng giêng năm 1285, tướng Nguyên là Ô Mã Nhi đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại, quân Trần thua trận. Ngày 12, quân Nguyên đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân Đại Việt, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát" bằng mực vào cánh tay, tức lắm, giết hại rất nhiều. Quân Nguyên đến Đông Bộ Đầu. Ngày 13, quân Trần lại giao tranh với quân Nguyên. Ngày 28, Hưng Đạo Vương bàn xin Trần Quang Khải chặn đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An.



Mồng 1 tháng 2, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu Trần Kiện và liêu thuộc là Lê Trắc đem theo quân đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh. Thổ hào Lạng Giang là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, tập kích quân Nguyên ở trại Ma Lục. Gia nô của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn chôn Kiện tại đó. Thượng hoàng Thánh Tông sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan để lung lạc và tranh thủ thêm thời gian đối phó với địch.

Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng[1] đánh nhau với quân Nguyên ở bãi Đà Mạc (nay là bãi Mạn Trù) bị bắt. Quân Nguyên hỏi ông: "Có muốn làm vương đất Bắc không?" Ông thét to: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc", rồi bị giết.



Thế quân Nguyên rất mạnh, hai vua phải đi thuyền nhỏ đến Tam Trĩ Nguyên, sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn để đánh lừa giặc.

Ngày mồng 1 tháng 3, hai vua Thánh Tông và Nhân Tông bỏ thuyền đi bộ đến Thuỷ Chú. Lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức huyện Thuỷ Đường) vượt biển Đại Bàng (cửa Văn Úc ngày nay) vào Thanh Hóa. Thượng vị Văn Chiêu hầu Trần Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên. Nguyên soái Toa Đô đem quân đến Chiêm Thành, hội với quân Nguyên ở châu Ô Lý (Quảng Trị ngày nay) rồi cướp châu Hoan, châu Ái (Thanh Hóa - Nghệ An), tiến đóng ở Tây Kết (khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày nay).



Quân Trần phản công

Tháng 4, vua Nhân Tông sai Chiêu Thành Vương, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh quân Nguyên ở bến Tây Kết. Quân Trần do Trần Nhật Duật chỉ huy giao chiến đánh thắng quân Nguyên ở Hàm Tử Quan (nay là xã Hàm Tử huyện Văn Giang, Hưng Yên).

Các quân đều hội đủ. Ngày mồng 3 tháng 5, hai vua Trần đánh bại quân Nguyên ở phủ Trường Yên. Ngày mồng 7, Toa Đô từ Thanh Hoá tới. Ngày mồng 10, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương. Quân Nguyên tan vỡ, rút chạy qua sông Lô. Ngày 17, Toa Đô và Ô Mã Nhi lại từ biển đánh vào sông Thiên Mạc, muốn hội quân ở kinh sư, để chi viện cho nhau. Du binh Nguyên đến huyện Phù Ninh, viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc cùng em là Hà Chương đã lập mưu đánh bại


Ngày 20, hai vua Trần tiến đóng ở Đại Mang Bộ. Tổng quản quân Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Hôm đó, quân Đại Việt đánh bại quân Nguyên ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Toa Đô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hoá, hai vua đuổi theo nhưng không kịp, bắt được hơn 5 vạn quân Nguyên đem về, Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát.

Hưng Đạo Vương lại đánh bại quân Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, quân Nguyên chết đuối rất nhiều. Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân Đại Việt lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết. Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào một ống đồng, chạy trốn về bắc. Đến Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên tan vỡ.



thaochay_cua_thoat_hoan_206-1285_500.jpg


Thoát Hoan tháo chạy năm 1285

Tháng 6, ngày mồng 6, hai vua Trần trở về kinh sư, thượng tướng Trần Quang Khải làm thơ rằng:

Đoạt sáo Chương Dương độ

Cầm hồ Hàm Tử quan

Thái bình tu trí lực

Vạn cổ thử giang san.

Tạm dịch:

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy ngàn thu
 
Các sách sử không ghi rõ ngày tháng quân Mông Cổ vượt biên giới đánh sang ta, nhưng căn cứ vào các chặng đường hành quân của quân Mông Cổ, vào diễn biến của các trận đánh trên chiến trường Đại Việt, và căn cứ vào việc tháng 8 năm Đinh Tỵ (1257), Ngột Lương Hợp Thai còn cử sứ giả sang nước ta, thì có thể đoán định quân xâm lược tiến vào Đại Việt khoảng tháng 12 năm 1257. Ngột Lương Hợp Thai sai tướng Triệt Triệt Đô (1), cùng một số tướng đem quân đi tiên phong, chia thành nhiều cánh, mỗi cánh khoảng 1.000 người, do một tướng chỉ huy.
Về phía Đại Việt, chủ trương kháng chiến của triều đình nhà Trần đã trở thành quyết tâm của cả nước. Sử cũ của ta không thấy chép việc thành lập Bộ Thống soái lãnh đạo cuộc kháng chiến, nhưng qua diễn biến các trận đánh, và các vị tướng chỉ huy các trận đánh ấy, chúng ta cũng phần nào biết được thành phần nhân sự của Bộ Thống soái đó. Dưới đây, chúng tôi xin phác hoạ một vài gương mặt tiêu biểu trong Bộ Thống soái của cuộc kháng chiến vào năm 1258 ấy.

Người đầu tiên cần nhắc tới đó là Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264), Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, hưởng thọ 71 tuổi, triều Trần truy tặng ông là Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương. Nhân sự kiện này, sử thần phong kiến nhận định về ông như sau: “Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được Nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua” (2). Thông tin do sử cũ cung cấp cho chúng ta biết, với cương vị Thái sư, Tể tướng đứng đầu triều đình, trong vòng 40 năm, từ năm 1225 đến 1264, Trần Thủ Độ thực sự lãnh đạo mọi công việc quân quốc trọng sự của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Cho nên, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất vào năm 1258 này, Thái sư Trần Thủ Độ, mặc nhiên giữ vai trò là Tổng chỉ huy của cuộc chiến đấu. Người xưa từng ví ông như lương đống của triều đình, như cột đá giữa dòng nước chảy xiết, tưởng cũng không lấy gì là quá đáng. Chính trong những giờ phút nguy cấp nhất của cuộc chiến đấu một mất một còn giữa ta và địch, không ít kẻ tỏ ra dao động, thậm chí run sợ, như trường hợp Thái uý Trần Nhật Hạo chẳng hạn. Khi vua Trần Thái Tông hỏi về kế đánh giặc, Trần Nhật Hạo đã hoảng sợ đến nỗi, chỉ ngồi trên thuyền, lấy tay chấm nước viết hai chữ “Nhập Tống” (tức chạy vào đất Tống) lên mạn thuyền. Y cũng không còn biết cánh quân Tinh Cương mà y chỉ huy ở đâu. Ngược lại, Thái sư Trần Thủ Độ, người tướng già mưu lược (bấy giờ ông đã bước vào tuổi 65), đã hơn 40 năm cầm quân đánh giặc, lúc này càng tỏ rõ sự kiên định, sự từng trải về vai trò của mình. Khi vua Trần Thái Tông hỏi ý kiến, Trần Thủ Độ đã trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” (3).

Trước câu nói thể hiện tinh thần kiên quyết đánh giặc, lòng tin tưởng sắt đá vào thắng lợi và cũng là thể hiện ý chí của toàn dân tộc mà Thái sư Trần Thủ Độ là người đại diện, sử gia Ngô Sĩ Liên, sống ở thế kỷ XV tỏ ra vô cùng khâm phục. Chính vì lẽ đó, ông đã phê phán rất nghiêm khắc sự hèn yếu của Trần Nhật Hạo. Ngô Sĩ Liên viết: “Trần Nhật Hạo là đại thần cùng họ với vua. Giặc đến, khiếp sợ, hèn nhát, không có kế sách chống giữ, lại còn kiếm cách xui vua mình chạy đi nhờ nước khác, thì dùng hắn làm tướng làm gì” (4).

Người giữ vai trò hết sức quan trọng trong Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến chỉ đứng sau Thái sư Trần Thủ Độ, đó là vua Trần Thái Tông (1218 – 1277). Bước vào cuộc kháng chiến chống giặc Mông Cổ, Trần Thái Tông ở vào tuổi 40, cái tuổi “cưỡng sĩ”, như người xưa từng nói. Đó là cái tuổi, người đàn ông đã đủ độ chín chắn và mạnh mẽ kể cả về thể lực lẫn trí lực. Vua Trần Thái Tông, vốn là người có cá tính và dũng cảm. Trước đây, ngay từ năm 1241, “vua từng thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãy chạy trốn” (5). Còn trong cuộc chiến với đội quân hùng mạnh Mông Cổ, vua Trần Thái Tông không một chút e ngại. Sử cũ cho biết: “Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn” (6). Việc vua Trần Thái Tông đích thân tham gia chỉ huy nhiều trận đánh, có mặt ở cả những nơi nguy hiểm, đem lại niềm tin tưởng cho quân sĩ, và là niềm tự hào cho dân tộc.

Trong hàng ngũ lãnh đạo cuộc kháng chiến, một nhân vật thứ ba xếp ngay sau Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông, phải kể đến là tướng Lê Tần. Lê Tần, tức Lê Phụ Trần là một đại tướng của ta trong trận Bình Lệ Nguyên nổi tiếng. Đây là trận chiến đấu đầu tiên giữa quân dân Đại Việt và bọn giặc Mông Cổ ở cách cửa ngõ Thăng Long chừng hơn 40 km, về phía Bắc. Bấy giờ quân Mông Cổ tấn công ào ạt. Vua Trần Thái Tông dấn thân vào giữa làn mưa đạn, đốc chiến. Tướng Lê Tần gan dạ hiên ngang cưỡi ngựa vào trận giặc, sắc mặt bình tĩnh, không một chút bối rối. Nhưng rồi, trước sức mạnh tạm thời của quân giặc, trận địa của ta bị lấn dần. A Triệt đã lệnh cho những tên lính thiện xạ Mông Cổ bắn vào voi của quân ta làm cho voi hoảng sợ, lồng trở lại. Lúc ấy, có người khuyên vua Trần đứng ở nhà trạm để tiếp tục chỉ huy chiến đấu và quan sát trận địa. Trước mũi nhọn tấn công của giặc, Lê Tần, vị tướng dũng cảm kiêm mưu sĩ tài ba, biết rằng quân ta chưa thể đương nổi với địch trong điều kiện này, nên ông “cố sức can vua: Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế” (7). Vua Trần Thái Tông bèn nghe theo lời can ngăn ấy. Vua rút về đến bến Lãnh Mỹ, thì xuống thuyền. Trong khi đó, giặc Mông Cổ đã đuổi tới nơi, đứng trên bờ dùng tên bắn loạn xạ về phía vua. Tướng Lê Tần, nhanh trí, lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên của giặc. Vì thế, vua Trần Thái Tông an toàn, xuôi về Phù Lỗ, rồi về Kinh thành Thăng Long. Sau này, khi định công phong tước cho những người có công trong cuộc kháng chiến, Lê Tần được thăng chức Ngự sử đại phu. Vua lại đem Công chúa Chiêu Thành (tức Lý Chiêu Hoàng) gả cho Lê Tần. Trong niềm vui chiến thắng, vua Trần Thái Tông xúc động nói với Lê Tần: “Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn vê sau” (8). Với tài năng và mưu trí của mình, Lê Tần còn được vua Trần Thái Tông giao cho trọng trách làm Chánh sứ sang Mông Cổ, ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc (9).

Ngoài ba nhân vật vừa kể trên, sử cũ còn cho biết: “Tháng 9 năm Đinh Tỵ (1257), lệnh Tả, Hữu tướng quân đem quân thuỷ bộ ra ngăn giữ biên giới, theo sự tiết chế của Quốc Tuấn” (10). Nhưng sau đấy, sử cũ không ghi chép gì thêm về đội quân phòng giữ biên giới ấy hoạt động và chiến đấu như thế nào khi quân Mông Cổ tiến vào Đại Việt. Và, vai trò của Trần Quốc Tuấn, một vị tướng trẻ tuổi của cuộc kháng chiến lần thứ nhất này, cũng chỉ được sử cũ dành cho vài dòng ấy, sau đó không thấy nhắc gì đến ông nữa. Có thể đoán định, vào thời kỳ đó, Trần Quốc Tuấn mới chừng 20 tuổi, còn Thái tử Trần Hoảng (tức vua Trần Thánh Tông sau này) còn quá trẻ, mới xấp xỉ 20 tuổi, vì vậy việc tham gia chiến đấu của các ông, phải chăng chỉ là những bước thực tập để tích luỹ kinh nghiệm trận mạc cho sau này? Các ông chưa thể có mặt trong Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến được.

Một người tuy không ở trong Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến, nhưng có công rất lơn đóng góp vào chiến thắng quân xâm lược Mông Cổ là Linh Từ Quốc mẫu, phu nhân của Thái sư Trần Thủ Độ. Khi quân Mông Cổ chuẩn bị tấn công chiếm Thăng Long, bà được giao toàn bộ công việc đưa vợ con, gia đình các vương hầu, hoàng tộc tạm rời khỏi Kinh đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận công lao ấy của bà như sau: “Đến khi người Nguyên (đúng ra là Mông Cổ - NMT) tắt đường vào cướp, kinh thành thất thủ, Linh từ ở Hoàng Giang, giữ gìn Hoàng Thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc cướp, lại khám xét thuyền các nhà có chức giấu quân khí đều dựa vào việc quân” (11).

Trong kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên lần thứ nhất năm 1258, có thể nói Trần Thủ Độ và Bộ Thống soái lãnh đạo kháng chiến đã hoàn thành xuát sắc chức trách mà lịch sử đã đặt lên vai họ. Khi bàn về nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến dưới triều Trần, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết một cách cô đọng như sau: “Ưu điểm vượt trội nhất của cuộc kháng chiến đời Trần là mưu cao, mẹo giỏi” (12).

Cái “mưu cao, mẹo giỏi” đó là: qua cuộc đọ sức đầu tiên với giặc tại mặt trận Bình Lệ Nguyên đã nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu của quân Mông Cổ. Trần Thủ Độ và Bộ Thống soái lãnh đạo kịp thời rút kinh nghiệm và đi đến một quyết định đúng: Tạm thời tránh nhuệ khí ban đầu của giặc, cơ động lực lượng và làm cho giặc bị tiêu hao, mệt mỏi, để đến khi có thời cơ thuận lợi thì tập trung đánh một đòn quyết định.

Tư tưởng quân sự do Thái sư Trần Thủ Độ và Bộ Thống soái lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ năm 1258 đề ra và thực hiện thành công có một giá trị hết sức to lớn, đó là những kinh nghiệm đánh giặc vô cùng quý báu cho quân dân Việt Nam, từ xưa cho đến nay. Những kinh nghiệm ấy là nền móng để hình thành nên tư tưởng chiến lược: “lấy đoản binh chống trường trận”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhàn chế nhọc”, thực hiện kế “thanh dã” (vườn không nhà trống), hoặc cho giặc tạm chiếm Kinh đô, để bảo toàn lực lượng của mình… mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và triều đình nhà Trần đã tổng kết và áp dụng thành công trong hai lần kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), sau này.

Cuối cùng cần nhận rõ rằng: Câu nói của Thái sư Trần Thủ Độ trong lần kháng chiến đầu tiên: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” biểu hiện khí phách anh hùng của các vị tướng nhà Trần. Câu nói ấy có sức sống lâu dài và bất diệt. Khí phách của Trần Thủ Độ được vị Tổng Chỉ huy của hai cuộc kháng chiến sau là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nhắc lại với một câu chữ khác: “Trước chém đầu thần, rồi sau hãy hàng”.

Có thể khẳng định: Quân dân Đại Việt anh hùng đã chiến thắng được đội quân xâm lược hùng mạnh Mông Cổ, bởi họ có được sự lãnh đạo của Bộ Thống soái kiên cường, khí phách, đứng đầu là Thái sư Trần Thủ Độ hết sức anh hùng và mưu trí.

Chú thích

1. Nguyên sử. phiên âm Cọcọkdu là Triệt Triệt Đô, có cách phiên âm là Trê Trếch Đu.

2. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học xã hội, H. 1998, tập 2, tr 33, 34.

3. Như trên, tr 28.

4. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr 28.

5. Như trên, tr 18.

6. Như trên, tr 17.

7. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr 27 - 28.

8. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd. tập 2, tr 29.

9. Như trên, tr 29.

10. Như trên, tr 27.

11. Như trên, tr 31.

12. Trường Chinh: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Nxb Sự thật, H. 1964. Tr. 8
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top