vanchuong83
New member
- Xu
- 0
NHÀ THƠ XUÂN HOÀNG VỚI TẬP THƠ TÌNH CỦA "hAI CON SÓNG" (MAI VĂN HOAN)
Mai Văn Hoan
Thời đang dạy ở trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình (1973 -1979), tôi có nghe mang máng chuyện tình của nhà thơ Xuân Hoàng (1925-2004), nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình, với một cô gái xinh đẹp quê ở vùng biển. Lúc đó, nhà thơ đã ngoài bốn mươi, còn nàng nghe đâu mới mười tám tuổi. Thực lòng là tôi cũng bán tin, bán ngờ. Giới văn nghệ sĩ vốn hay thêu dệt. Tôi đã từng nghe nhiều chuyện tương tự như thế. Nhưng vì tò mò nên khi đã kết thân với nhà thơ, một hôm trong quán nhậu tôi tìm cách gợi chuyện và không ngờ được nhà thơ tin cậy kể hết sự tình...Mai Văn Hoan
Đó là những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại (1965 - 1968). Giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền bắc. Hội Văn nghệ Quảng Bình tổ chức một số trại viết để giúp anh chị em văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tác, kịp thời động viên quân dân tỉnh nhà hăng hái sản xuất, chiến đấu. Lần ấy, trại viết được tổ chức tại vùng biển Quang Phú. Nhà thơ Xuân Hoàng tình cờ gặp người đẹp trong một buổi chiều dạo chơi. Nàng nhận ra ngay nhà thơ mà nàng hằng mến mộ. Số là khi nàng đang học ở cấp 3 Bố Trạch, nhà trường có mời nhà thơ về nói chuyện. Buổi nói chuyện ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người con gái yêu thích văn chương.
Sau này, nhà thơ nhớ lại: Đường ra khơi phải qua động cát vàng/ Chính chỗ ấy lần đầu ta gặp gỡ... (Con đường gió). Nàng kể cho nhà thơ về hoàn cảnh của mình: Sắp sửa thi tốt nghiệp cấp 3 thì nàng bị thương, phải nằm viện suốt mấy tháng trời. Biết chuyện, nhà thơ hết sức thương nàng. Cứ chiều chiều, sau khi cơm nước xong, nhà thơ hẹn nàng ra bờ biển hóng mát, chuyện trò. Xuân Hoàng không ngờ nàng có giọng ngâm thơ rất truyền cảm. Tình yêu nảy nở giữa nhà thơ và người đẹp lúc nào không biết. Càng ngày họ càng quyến luyến bên nhau. Hai người có những giây phút thật lãng mạn: Chỉ một bước là chân kề mép sóng/ Biển và bờ, ở giữa chúng ta đi…(Biển và bờ). Những đồi cát ven biển miền Trung mọc rất nhiều cây tứ quý. Hoa tứ quý màu tím hồng, có năm cánh, nở quanh năm. Mối tình lãng mạn của nhà thơ với người đẹp thắm màu hoa tứ quý. Xuân Hoàng mượn hoa để nói về nàng: Dịu dàng, mỏng mảnh, thơ ngây/ Không ngào ngạt lắm, chỉ say say lòng… Người đẹp nổi bật lên giữa một khung cảnh hết sức nên thơ: Em đi trong nắng đỉnh đồi/ Xung quanh em mát bao lời của hoa… (Hoa tứ quý). Cái nắng giữa đỉnh đồi dương như cũng dịu lại trước vẻ đẹp của em và hoa. Và hai người dắt tay nhau trước sự ngơ ngác của những chú còng gió: Anh nhìn em tay lặng nắm bàn tay/ Em bẻn lẻn cúi đầu cho má đỏ/ Ôi, đâu phải chuyện buổi đầu gặp gỡ/ Chất men gì mà cứ buộc lòng say? (Hoang dại). Còn chất men gì nữa! Chỉ có chất men ấy mới đưa lại những cảm giác thật tuyệt vời, làm cho tâm hồn con người luôn ở trong trạng thái lâng lâng như đang bay bổng trên chín tầng mây. Nhà thơ độc thoại với chính mình: Đêm biển ấy là đêm gì, hỡi nhớ?/ Xin nói rằng: Đêm của xứ Liêu Trai! ( Đó là khi...). Trong những tháng năm bom đạn mà có những “đêm Liêu Trai” như thế thì còn gì bằng! Nhưng bom đạn kẻ thù không đáng sợ. Điều đáng sợ hơn là những lời đàm tiếu. Ở vùng quê, chuyện trai gái cầm tay nhau thân mật như thế là có “vấn đề”. Và họ tha hồ thêu dệt, đồn thổi. Bởi thế, hai người phải luôn đề phòng: Anh muốn đưa em về thăm lối cũ/ Em lắc đầu: thôi, trở lại làm chi!/ Biển đang động, ở ngoài kia, lắm gió/ Ta theo đường dừa rợp mát mà đi... Nàng dùng cách nói ẩn ý để nhắc nhở nhà thơ. Trong thâm tâm, nhà thơ cũng rất nhiều e ngại: Em đâu biết chính lòng anh cũng dặn/ Chớ nên tìm phương gió nổi mà qua! (Con đường gió). Rồi vào một buổi chiều mùa đông ở ngã ba sân bay, họ chia tay nhau: Chiều chia tay, ngã-ba-sân-bay/ Ấn tượng cũ trong nhau còn đậm nét/ Tóc lộng gió trên đỉnh đồi giá rét/ Em quay về: lối biển đục bờ mây…Nhà thơ ngẩn ngơ nhìn theo bóng nàng khuất dần sau động cát vàng: Chiều chia tay em nào có hay đâu/ Chính là lúc anh thương đời sâu nhất/ Chiều chia tay, cũng là chiều gió bấc/ Anh bạc đầu theo những cánh hoa lau…(Chiều chia tay)...
Trần Nhật Thu kể lại: “Dạo ấy...không hiểu sao Xuân Hoàng làm nhiều thơ đến thế. Ngoài những bài thơ đánh giặc hào sảng, anh lại có những bài thơ tình đượm buồn đến nao lòng”. Xuân Hoàng còn trao cho Trần Nhật Thu cuốn vở học trò chép dày đặc những bài thơ tình nhờ giữ giùm. Cũng theo lời kể của Trần Nhật Thu: “Đêm đêm, dưới hầm sâu, bên ngọn đèn dầu tù mù, tôi đọc những bài thơ tình hết sức trong sáng và cảm động của anh. Và không hiểu từ lúc nào những bài thơ ấy thấm vào máu thịt của mình” (Anh bạc đầu theo những cánh hoa lau - Trần Nhật Thu). Cuốn vở học trò chép dày đặc những bài thơ tình mà Xuân Hoàng nhờ Trần Nhật Thu cất giùm đó chính là tập thơ tình của Hai con sóng. Tôi may mắn đọc bản thảo tập thơ bằng nét chữ bay bướm của tác giả. Mấy năm sau, Xuân Hoàng có dịp trở về chốn xưa: Tìm nhà em: nhà đã dời chỗ khác!/ Cái nền cũ: dãy na cằn xơ xác/ Vườn bán rồi, cây liễu rũ lơ thơ…Đó là tâm trạng chàng Kim khi trở lại vườn Thuý: Đành ra biển, một mình ngồi lặng lẽ/ Nhìn những cánh buồm lãng đãng chiêm bao... (Chốn cũ). Xuân Hoàng bồi hồi nhớ lại: Cái buổi ấy thơ dịu dàng như lụa/ Anh hồn nhiên và em rất đa tình/ Trăng thì biếc, cát thì vàng đến lạ/ Hoàng hôn lành và mơ mộng bình minh/ Càng thấy nhớ nụ hôn đầu thanh sạch/ Trước biển trời, tươi mát một màu xanh... (Cái buổi ấy).
Chỉ tiếc là cho đến nay tập thơ tình của Hai con sóng vẫn đang còn ở dạng bản thảo. Thời Xuân Hoàng ở Huế, mấy lần tôi giục anh công bố Hai con sóng nhưng nhà thơ cứ chần chừ. Phải đặt tập thơ tình của Hai con sóng vào thời điểm 1965-1968 mới thấy hết sự táo bạo của nhà thơ. Hơn hai mươi năm sau (1985), lần đầu tiên nghe Trần Nhật Thu kể và đọc một số đoạn trong tập thơ tình của Hai con sóng, nhà thơ Chế Lan Viên hết sức “kinh ngạc” (chữ dùng của Trần Nhật Thu). Một tập thơ quý như thế mà chưa được công bố, thật tiếc lắm thay!
Sưu tầm