• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

ThuyenNhanXaXu

New member
Xu
0
Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn


Chúng ta vẫn thấy và nghe nói lý luận và thực tiễn, vậy nguyên tắc của chúng là gì? và vận dụng nó ra làm sao?
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn


Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn bắt nguồn từ mối quan hệ giữa con người và thế giới khách quan. Con người luôn tác động tích cực vào thế giới khách quan, tự nhiên và xã hội, cải biến thế giới khách quan bằng thực tiễn. Trong quá trình đó sự phát triển nhận thức của con người và sự biến đổi thế giới khách quan là hai mặt thống nhất. Điều đó quy định sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn trong hoạt động sinh tồn của cá nhân và cộng đồng.

Giữa lý luận và thực tiễn giường như hai mặt tương đối độc lập với nhau nhưng lại có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó thực tiễn luôn luôn giữ vai trò quyết định. Để khẳng định vấn đề này Lênin đã nhận xét rằng: “Thực tiễn cao hơn lý luận (nhận thức) vì nó có ưu điểm không những có tính phổ biến mà của cả tính hiện thực trực tiếp” [ 11,230].

Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức đựơc thể hiện ở những khía cạnh sau:

Thực tiễn là cơ sở, là động lực, là mục đích và tiêu chuẩn của lý luận, lý luận hình thành, phát triển phải xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thực tiễn là cơ sở của lý luận. Xét một cách trực tiếp, những tri thức được khái quát thành lý luận là kết quả của quá trình hoạt động thực tiễn của con người. Thông qua kết quả hoạt động thực tiễn, kể cả thành công cũng như thất bại, con người phân tích cấu trúc, tính chất và các mối quan hệ của các yếu tố, các điều kiện trong các hình thức thực tiễn để hình thành lý luận. Qúa trình hoạt động thực tiễn còn là cơ sở để bổ sung và điều chỉnh những lý luận đã đựơc khái quát. Mặt khác, hoạt động thực tiễn của con người làm nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi quá trình nhận thức phải tiếp tục giải quyết. Thông qua đó, lý luận được bổ sung, mở rộng. Chính vì vậy, V.I.Lênin nói: “Nhận thức lý luận phải trình bày khách thể trong tính tất yếu của nó, trong những quan hệ toàn diện của nó, trong sự vận động mâu thuẫn của nó, tự nó và vì nó” [ 12,227]

Thực tiễn là động lực của lý luận. Hoạt động của con người không chỉ là nguồn gốc để hoàn thiện các cá nhân mà còn góp phần hoàn thiện các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội. Lý luận được vận dụng làm phương pháp cho hoạt động. Thực tiễn, mang lại lợi ích cho con người càng kích thích con người tích cực bám sát thực tiễn để khái quát lý luận. Quá trình đó diễn ra không ngừng trong sự tồn tại của con người, làm cho lý luận ngày càng đầy đủ, phong phú và sâu sắc hơn. Nhờ vậy hoạt động con người không bị hạn chế trong không gian và thời gian. Thông qua đó, thực tiễn đã thúc đẩy một ngành khoa học mới ra đời – khoa học lý luận.

Thực tiễn là mục đích của lý luận. Mặc dù lý luận cung cấp những tri thức khái quát về thế giới để làm thoả mãn nhu cầu hiểu biết của con người, nhưng mục đích chủ yếu của lý luận là nâng cao năng lực hoạt động của con người trước hiện thực khách quan để đưa lại lợi ích cao hơn, thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của cá nhân và xã hội. Tự thân lý luận không thể tạo nên những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người. Nhu cầu đó chỉ được thực hiện trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động thực tiễn sẽ biến đổi trong tự nhiên và xã hội theo mục đích của con người, đó thực chất là mục đích của lý luận. Tức lý luận phải đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tiễn của con người.

Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý của lý luận. Tính chân lý của lý luận chính là sự phù hợp của lý luận với hiện thực khách quan và được thực tiễn kiểm nghiệm, là giá trị phương pháp của lý luận đối với hoạt động thực tiễn của con người. Do đó, mọi lý luận phải thông qua thực tiễn để kiểm nghiệm. Chính vì thế mà C.Mác nói: “vấn đề tìm hiểu tư duy của con người có thể đạt đến chân lý khách quan không hoàn toàn không phải là vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính trong thực tiễn mà con người phải chứng minh chân lý” [ 17,10]. Thông qua thực tiễn những lý luận đạt đến chân lý sẽ được bổ sung vào kho tàng tri thức nhân loại; những kết luận chưa phù hợp thực tiễn thì tiếp tục điều chỉnh bổ sung hoặc nhận thức lại giá trị của lý luận nhất thiết phải được chứng minh trong hoạt động thực tiễn.

Tuy thực tiễn là tiêu chẩn chân lý của lý luận nhưng không phải mọi thực tiễn đều là tiêu chuẩn của chân lý. Thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý của lý luận khi thực tiễn đạt đến tính toàn vẹn của nó. Tính toàn vẹn của thực tiễn là thực tiễn đã trải qua quá trình tồn tại, vận động, phát triển và chuyển hoá. Đó là chu kỳ tất yếu của thực tiễn. Thực tiễn có nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Nếu lý luận chỉ khái quát một giai đoạn nào đó, một bộ phận nào đó của thực tiễn thì lý luận có thể xa rời thực tiễn. Do đó, chỉ những lý luận nào phản ánh được tính toàn vẹn của thực tiễn thì mới đạt đến chân lý. Chính vì vậy mà Lênin cho rằng: “Thực tiễn của con người lặp đi lặp lại hàng nghìn triệu lần được in vào ý thức của con người bằng những hình tượng lôgíc. Những hình tượng này có tính vững chắc của một thiên kiến, có một tính chất công lý, chính vì (và chỉ vì) sự lặp đi lặp lại hàng nghìn triệu lần ấy [ 12, 234].

Quá trình thăng trầm của chủ nghĩa xã hội thế giới cho chúng ta thấy rõ điều đó. Sau khi giành được chính quyền, những người vô sản tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hôi với cơ chế kế hoạch hoá, tập trung, bao cấp thông qua hai hình thức sở hữu là toàn dân và tập thể. Tương ứng với hai hình thức sở hữu đó là hai hình thức kinh tế quốc doanh và tập thể. Thời kì đầu chủ nghĩa xã hội đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Từ đây chúng ta cho rằng cơ chế đó, hai thành phần kinh tế đó và những lý luận ra đời trên nền tảng ấy vừa khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, vừa khẳng định lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn khoa học. Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội từ những năm 70 của thế kỷ XX dẫn đến sụp đổ một loạt nước xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ đó chứng tỏ thực tiễn của chủ nghĩa xã hội chưa bộc lộ hết, chưa phát triển toàn vẹn nên lý luận chưa phản ánh đúng hiện thực khách quan.

Tuy xét đến cùng thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý duy nhất của lý luận, nhưng vì thực tiễn luôn vận động và phát triển, đồng thời thực tiễn cũng rất phong phú và đa dạng, do đó ngoài tiêu chuẩn thực tiễn còn có thể có những tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn lôgíc, tiêu chuẩn giá trị…Song các tiêu chuẩn đó vẫn phải trên nền tảng của thực tiễn. Chính vì vậy chúng ta có thể nói khái quát thực tiễn là tiêu chuẩn của lý luận.

Qúa trình phát triển nhận thức của con người nhất thiết dẫn đến sự hình thành lý luận. Đó không chỉ là sự tổng kết, khái quát từ lịch sử nhận thức mà còn từ nhu cầu của thực tiễn. Thực tiễn phong phú đa dạng, luôn vận động và biến đổi, nhưng để hình thành lý luận, trước hết lý luận phải đáp ứng thực tiễn. Con người nhận thúc hiện thực khách quan để giải quyết những vấn đề con người quan tâm. Năng lực của con người ngày càng được nâng cao chính nhờ khả năng thông qua hoạt động phản ánh, khái quát thành tri thức lý luận. Trong sự vô cùng, vô tận của hiện thực khách quan, con người không hề choáng ngợp mà bằng mọi biện pháp để nhận thức. Loài người có khả năng trở thành chủ thể nhận thức để phản ánh sự vô tận của hiện thực khách quan, nhưng để đáp ứng hoạt động thực tiễn của con người. Đó là những lý luận mang tính phương pháp cho hoạt động cải tạo hiện thực khách quan. Mọi hoạt động của con người đều nhằm đạt hiệu quả cao. Lý luận, trước hết phải đáp ứng mục đích đó. Quan hệ giữa người với người, giữa người với tự nhiên đòi hỏi con người phải có lý luận sâu sắc về chúng. Con người hình thành lý luận chủ yếu để làm phương pháp cho hoạt động sáng tạo tri thức, phát minh sáng chế những tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt nhằm nâng cao năng lực sáng tạo của con người. Do đó hệ thống lý luận nào góp phần giải quyết đúng đắn, phù hợp mục đích của con người thì được con người quan tâm khái quát. Vì lẽ đó lý luận phải đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn.

Thực tiễn chỉ đạo lý luận, ngược lại lý luận phải được vận dụng vào thực tiễn, tiếp tục bổ sung và phát triển trong thực tiễn. C.Mác đã từng nói, người thợ xây không bao giờ tinh xảo như con ong xây tổ nhưng người thợ xây hơn hẳn con ong ở chỗ, trước khi xây dựng một công trình họ đã hình thành được hình tượng của công trình ấy trong đầu họ. Tức là hoạt động của con người là hoạt động có ý thức. Ban đầu hoạt động của con người chưa có lý luận chỉ đạo, song con người phải hoạt động để đáp ứng nhu cầu tồn tại của mình. Thông qua đó, con người khái quát thành lý luận. Từ đó những hoạt động của con người muốn có hiệu quả nhất thiết phải có lý luận soi đường hoạt động thực tiễn của con người mới trở thàng tự giác, có hiệu quả và đạt được mục đích mong muốn.

Lý luận đóng vai trò soi đường cho thực tiễn vì lý luận có khả năng định hướng mục tiêu xác định lực lượng biện pháp thực hiện. Lý luận còn dự báo được khả năng phát triển cũng như các mối quan hệ của thực tiễn, dự báo được những rủi ro có thể xảy ra, những hạn chế những thất bại có thế có trong quá trình hoạt động. Như vậy lý luận không chỉ giúp con người hoạt động hiệu quả mà còn là cơ sở để khắc phục những hạn chế và tăng năng lực hoạt động của con người. Mặt khác lý luận còn có vai trò giác ngộ mục tiêu, lý tưởng liên kết các cá nhân thành cộng đồng, tạo thành sức mạnh to lớn của quần chúng trong cải taọ tự nhiên và cải tạo xã hội. Chính vì vậy, C.Mác đã khẳng định “ vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng” [10,580].

Mặc dù lý luận mang tính khái quát cao song nó còn có tính lịch sử, cụ thể. Do đó khi vận dụng lý luận chúng ta cần phân tích một cách cụ thể mỗi tình hình cụ thể. Nếu vận dụng máy móc giáo điều, kinh viện thì chẳng những hiểu sai giá trị của lý luận mà còn làm phương hại đến thực tiễn, làm sai lệch sự thống nhất tất yếu giữa lý luận và thực tiễn.

Lý luận hình thành là kết quả của nhận thức lâu dài và khó khăn của con người trên cơ sở hoạt động thực tiễn. Hoạt động thực tiễn tuy đa dạng phong phú nhưng không phải không có tính quy luật. Tính quy luật của thực tiễn được khái quát dưới hình thức lý luận. Mục đích của lý luận không chỉ là phương pháp mà còn là định hướng cho hoạt động thực tiễn. Đó là định hướng mục tiêu, biện pháp sử dụng lực lượng, định hướng giải quyết các mối quan hệ trong hoạt động thực tiễn. Không những thế, lý luận còn định hướng mô hình của hoạt động thực tiễn. Vận dụng lý luận vào hoạt động thực tiễn, trước hết từ lý luận để xây dựng mô hình thực tiễn theo những mục đích khác nhau của quá trình hoạt động, dự báo các diễn biến, các mối quan hệ lực lượng tiến hành và những phát sinh của nó trong quá trình phát triển để phát huy các nhân tố tích cực, hạn chế những yếu tố tiêu cực nhằm đạt kết quả cao hơn.

Lý luận tuy là lôgíc của thực tiễn, song lý luận có thể lạc hậu hơn so với thực tiễn. Vận dụng lý luận vào thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải bám sát diễn biến của thực tiễn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những khiếm khuyết của lý luận, hoặc có thể thay đổi lý luận cho phù hợp với thực tiễn.
Mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn còn được làm sáng tỏ cụ thể hơn khi xem xét nó từ quan hệ giữa chủ thể và khách thể. Thực tiễn là khâu trung gian cơ bản giữa chủ thể và khách thể, thực tiễn là hình thức liên hệ thực tại khách quan nhờ đó chủ thể tự đối tượng hóa bản thân, các ý định, các mục đích của mình. Điều này cho thấy thực tiễn và lý luận không thể tuyệt đối độc lập với nhau. Bởi vì quan hệ lý luận giữa con người và khách thể không bao giờ tách rời, biệt lập với thực tiễn. Hơn nữa, lý luận bao giờ cũng phục tùng thực tiễn, phục vụ thực tiễn và lý luận bao giờ cũng phát triển trên cơ sở cải tạo thực tiễn của xã hội. Vì vậy không có sự đối lập giữa lý luận và thực tiễn, tính độc lập của lý luận chỉ là tương đối, lý luận cách mạng không phải hoàn toàn là thực tiễn cách mạng, tuy nhiên do lý luận được sinh ra bởi các nhu cầu của thực tiễn xã hội nên lý luận cách mạng trở thành một bộ phận của thực tiễn xã hội.

Tóm lại, quan hệ giữa lý luận và thực tiễn là một quá trình mang tính lịch sử xã hội cụ thể. Đây là quan hệ thống nhất biện chứng nắm bắt được tính biện chứng của quá trình đó là tiền đề quan trọng bậc nhất giúp chúng ta có một lập trường thực tiễn sáng suốt, tránh được chủ nghĩa thực dụng ,máy móc và lý luận suông. Có thể nói rằng, C.Mác là người đầu tiên đưa phạm trù thực tiễn vào nhận thức luận, nhờ đó ông đã làm nên cuộc cách mạng thực sự trong tư duy cũng như trong hoạt động. Đến Lênin đã phát triển và nâng cao vai trò của thực tiễn trong lý luận nhận thức. Lênin có công to lớn trong việc làm sáng tỏ mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, về học thuyết chân lý trên cơ sở khoa học hiện đại.

Đinh Thanh Bình - ĐH Huế

Sưu tầm bởi Thandieu2
 
Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn


Chúng ta vẫn thấy và nghe nói lý luận và thực tiễn, vậy nguyên tắc của chúng là gì? và vận dụng nó ra làm sao?

Bạn tham khảo thêm

[PDF]https://server1.vnkienthuc.com/files/860/chuyende1_3521.pdf[/PDF]
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top