• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Nguyên nhân Thất bại , bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử của công xã Pari

Trang Dimple

New member
Xu
38
NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI, BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÔNG XÃ PARI

1. Nguyên nhân thất bại của Công xã

Sáu tháng trước khi nổ ra cuộc Cách mạng ngày 18 tháng 3 và thành lập Công xã Pari, Mác đã ngăn ngừa công nhân Pháp rằng cuộc bạo động mưu toan lật đổ chính phủ lúc này sẽ là một hành động điên cuồng. Nhưng tháng 3-1871, khi thấy phong trào nhân dân có tính chất quần chúng và giai cấp vô sản nhất trí vùng dậy khởi nghĩa thì Mác theo dõi phong trào đó với thái độ hết sức chú ý của một người đang tham dự vào sự biến vĩ đại, ca ngợi công nhân Pari anh hùng, nhiệt liệt chào mừng cách mạng vô sản và coi trọng sáng kiến lịch sử của quần chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là Mác không thấy trước những điều kiện chủ quan và khách quan bất lợi cho cách mạng vô sàn Pháp lúc bấy giờ. Những điều kiện bất lợi khi đó là :

- Về khách quan, chủ nghĩa tư bản đang trên đà phát triển và lực lượng đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước trên thế giới chưa trở thành mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa tư bản.

- Về chủ quan, nước Pháp chưa có đảng của giai cấp công nhân, công nhân không được chuẩn bị, thiếu rèn luyện, phần đông không có một ý niệm thật rõ rệt về nhiệm vụ của mình và về những phương sách để thực hiện những nhiệm vụ đó.

Công xã là một trang sử ghi đậm nét những hành động anh hùng rất đáng khâm phục và đã xây dựng nên một Nhà nước kiểu mới, nền chuyên chính của giai cấp vô sản. Nhưng Công xã đã phạm một số khuyết điểm có thể coi là nguyên nhân trực tiếp đưa đến thất bại.

Sau ngày 18-3, đáng lẽ hoàn thành thắng lợi ở Pari bằng một cuộc tấn công cương quyết vào Vecxai thì Công xã đã trì hoãn và để cho chính phủ Vecxai có thì giờ tập hợp được lực lượng phản công Pari. Công xã đã thiếu kiên quyết trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản, đã quá “rộng lượng” đối với kẻ thù.

Công xã không kịp thời trấn áp, không xử trí bằng những phương pháp quyết liệt đối với bọn phản cách mạng, trừng trị quá chậm và không đầy đủ đối với báo chí phản động. Công xã ban hành sắc lệnh về những người bị bắt làm con tin sau khi bọn tướng tá của Vecxai đem hành hình không xét xử những chiến sĩ của Công xã, nhưng mãi đến thời kỳ “Tuần lễ đẫm máu”, Công xã mới áp dụng lệnh đó thì không kịp nữa.

Về mặt kinh tế, sai lầm của Công xã là không nhanh chóng tịch thu nhà ngân hàng của bọn tư sản ngay trong lúc Công xã đang rất cần tiền, lại để cho bọn phản động sử dụng tiền ngân hàng chống lại nhân dân.

Về mặt quân sự, Công xã chưa chú ý đến việc huấn luyện, tổ chức, trang bị cho các lực lượng vũ trang. Việc lãnh đạo quân sự không được tập trung mà lại có hai cơ quan phụ trách là Ủy ban quân sự của Công xã và ủy ban trung ương quân vệ quốc. Vì thiếu sự liên minh chặt chẽ giữa công nhân với nông dân nên lực lượng cách mạng không thể áp đảo được lực lượng phản động. Mặc dù công nhân đã có những cố gắng nhất định để xây dựng khối liên minh giữa lao động thành thị và nông thôn, nhưng Công xã đang bị bao vây, hơn nữa công nhân cũng chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc liên hệ với nông dân nên không thực hiện được sự liên minh đó.

2. Bài học kinh nghiệm của công xã

Công xã để lại những bài học kinh nghiệm lớn, rất quan trọng, nhất là bài học về vấn đề nhà nước của giai cấp vô sản. Qua việc phân tích nguyên nhân và khuyết điểm chủ yếu đã đưa Công xã đến thất bại, có thể rút ra những bài học lớn sau đây:

a) Công xã Pari đã cho giai cấp công nhân thấy rõ sự cần thiết xây dựng một chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân. Chỉ có chính đảng của giai cấp vô sản nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác, biết giáo dục và tổ chức giai cấp công nhân một cách bền bỉ và có phương pháp, mới có thể đánh giá tình hình khách quan và chủ quan một cách đúng đắn, vận dụng các hình thức đấu tranh thích hợp tiến đến thắng lợi.

b) Kinh nghiệm của Công xã xác nhận rằng khi giai cấp vô sản đã nắm chính quyền thì không thể nào không đập tan bộ máy nhà nước cũ để xây dựng những cơ quan nhà nước mới của giai cấp vô sản.

c) Kinh nghiệm của Công xã đã chỉ rõ giai cấp vô sản phải xây dựng nhà nước kiểu mới như thế nào. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Mác và Ăngghen đã đặt vấn đề này nhưng chưa có biện pháp giải quyết. Công xã Pari đã cho thấy rằng phải phá hủy bằng bạo lực bộ máy Nhà nước tư sản và thay vào đó một bộ máy nhà nước mới, tức là phải thay chuyên chính tư sản bằng chuyên chính vô sản, đó là kinh nghiệm căn bản nhất của Công xã Pari, là tư tưởng cơ bản của học thuyết về nhà nước của chủ nghĩa Mác-Lênin.

d) Kinh nghiệm Công xã chỉ ra rằng giành được chính quyền đã là việc khó, nhưng giữ vững chính quyền lại là việc khó hơn. Muốn củng cố chính quyền, một mặt là phải hết sức mở rộng dân chủ, tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền với quảng đại quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân, nhưng mặt khác không được lơ là cảnh giác, không thể không kiên quyết trong việc trấn áp bọn phản cách mạng, không thể không quan tâm đến việc củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.

e) Muốn giành chính quyền và muốn củng cố được chính quyền cách mạng phải không ngừng tăng cường khối liên minh công nông. Giai cấp vô sản muốn đạt được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành chính quyền thì không thể thiếu được điều kiện liên minh công nông. Sau khi giành được chính quyền lại càng phải hết sức chú trọng tăng cường khối công nông liên minh mới có thể củng cố và giữ vững được nhà nước của mình. Kinh nghiệm thực tế của Công xã Pari đã chỉ rõ rằng chính quyền đã về tay giai cấp vô sản, song vì không thực hiện được sự liên minh công nông vững chắc nên cuối cùng bị thất bại.

Trên đây chỉ là những bài học lớn về một số vấn đề cơ bản của cách mạng. Còn có thể tìm thấy ở Công xã rất nhiều kinh nghiệm quý báu về chiến lược, sách lược; về thời cơ cách mạng, về nghệ thuật quân sự, về vũ trang đấu tranh, và nhiều vấn đề khác.

Những kinh nghiệm của Công xã đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học. Do đó, Mác, Ăngghen, Lênin thường chú ý đến kinh nghiệm của Công xã Pari.

3. Ý nghĩa lịch sử của Công xã Pari

- Công xã Pari là cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản. Trong cuộc cách mạng đó, mặc dù giai cấp vô sản Pháp chưa đủ thành thục, nhưng nó đã thể hiện lực lượng của mình trong việc đánh đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và chứng tỏ rằng, giai cấp vô sản là kẻ lĩnh sứ mệnh lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản đến thắng lợi hoàn toàn.

- Công xã đã sáng tạo hình thức chính quyền mới dựa trên cơ sở dân chủ vô sản và hoạt động vì lợi ích của đa số bị áp bức chống lại bọn bóc lột. Đó thực sự là một nhà nước kiểu mới, một mẫu hình của chính quyền vô sản.

- Công xã Pari là biểu hiện cao độ của sự gắn bó chặt chẽ tính dân tộc, tính giai cấp và tính quốc tế của công nhân và những người lao động Pháp, được sự ủng hộ của phong trào vô sản châu Âu và nhân dân thế giới
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top