Nguyễn Duy Hiệu - "Đừng đem thành bại luận anh hùng"

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
NGUYỄN DUY HIỆU

"Đừng đem thành bại luận anh hùng"


* Lê Ngọc Trác

Nguyễn Duy Hiệu còn có tên là Nguyễn Hiệu. Ông sinh năm 1847 tại Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 1876, ông thi đỗ cử nhân. Năm 1879, đỗ phó bảng. Nguyễn Duy Hiệu được triều đình Tự Đức bổ nhiệm làm quan phụ đạo tại kinh thành Huế, được phong Hồng Lô Tự Khanh nên người đời gọi là Hường Hiệu.
Khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, Nguyễn Duy Hiệu từ quan trở về quê hương, tìm gặp những nhân sĩ, người đồng chí hướng mưu việc khởi nghĩa chống Pháp.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nguyễn Duy Hiệu cùng với các ông Trần Văn Dự, Phan Thanh Phiến, Nguyễn Hàm (Nguyễn Thành)... dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp trên quê hương Quảng Nam. Lực lượng nghĩa quân do Nguyễn Duy Hiệu lãnh đạo đã chiến đấu dũng cảm, khiến quân Pháp phải khốn đốn. Năm 1887, theo yêu cầu của những người thủ lĩnh nghĩa hội chống Pháp ở Quảng Ngãi, Nguyễn Duy Hiệu đã đưa nghĩa quân phối hợp với Quảng Ngãi để chống Pháp và lực lượng Nguyễn Thân – tay sai của thực dân Pháp. Nhưng vì lực lượng của địch quá mạnh, nghĩa quân phải lui về Quảng Nam. Tháng 8 năm Đinh Hợi (1887), Nguyễn Duy Hiệu bị giặc Pháp bắt tại núi Phước Sơn và bị giải về Huế. Triều đình Đồng Khánh dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc nhưng không lay chuyển được ý chí chống Pháp của Nguyễn Duy Hiệu. Cuối cùng, chúng phải đem ông đi xử tử. Trước khi bị hành hình, Nguyễn Duy Hiệu vẫn bình thản làm một lúc hai bài thơ tuyệt mệnh:

Lâm hình thời tác 1

Á Âu phất địch cự vô tri,
Sự dĩ đáo đầu, thế khả vi.
Nhược sử gian phong vô áo viện,
Hà nan trung đỉnh thát cường di.
Hàn Sơn kỷ đắc cô tùng bạn,
Đại hạ an năng nhất mộc chi,
Hảo bả đan tâm triều liệt thánh,
Trung thu minh nguyệt dữ ngô quy.

(Âu Á đành rằng sức khó so,
Thế còn làm được, việc dù cho...!
Giáo không đứa nối cho giặc,
Gậy đủ ta vung quật kẻ thù,
Được mấy thông già trơ núi lạnh,
Dễ đâu cột một chống nhà to.
Tấm son mang xuống chầu vua thánh,
Cùng với trăng về sáng giữa thu)
Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Lâm hình thời tác 2

Cần Vương thệ dữ Bắc Nam đồng
Vô nại khuông tương lộ vị thông.
Vạn cổ cương thường vô ngụy Tháo,
Bách niên tâm sự hữu Quan công.
Thiên thư phận dĩ sơn hà định,
Địa thế sầu khan thảo mộc cùng.
Ký ngữ phù trầm tư thế giả,
Hưu tương thành bại luận anh hùng.

(Cần vương Nam Bắc một lòng chung,
Khốn nỗi tôn phò lối chửa thông.
Muôn thuở cương thường không ngụy Tháo,
Trăm năm tâm sự có Quan công.
Non sông chia rõ do trời định,
Cây cỏ buồn trông thấy đất cùng.
Nhắn bảo nỗi chìm ai đó tá,
Chớ đem thành bại luận anh hùng.)

Bản dịch của Chu Thiên.

Qua hai bài thơ tuyệt mệnh của Nguyễn Duy Hiệu, người đời sau càng thấy rõ bối cảnh lịch sử đất nước thời bấy giờ, thấy rõ những khó khăn chồng chất mà những người thủ lãnh nghĩa quân chống Pháp, cứu nước đã trải qua. "Không thể đem thành bại luận anh hùng", mà thấy rõ những tấm lòng yêu nước tột bậc của lớp người đi trước. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho độc lập, tự do của đất nước. Nguyễn Duy Hiệu và những người lãnh đạo nghĩa hội chống Pháp ở Quảng Nam đã tô thắm truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Tên tuổi, sự nghiệp của những người yêu nước sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Lê Ngọc Trác

Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, 1999)
- Thơ văn yêu nước thế kỷ XIX (NXB Văn học, 1970)

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top