Nguyễn Chí Thanh - sáng trong như ngọc một con người

nguyenthaihoan

New member
Xu
0
Tóm tắt tiểu sử

ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (1914-1967) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tập_tin:Hochiminhvanguyenchithanh.jpg
Tên thật: Nguyễn Vịnh, Quê quán: huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên
Năm 1934: tham gia cách mạng; vào Đảng 1937, làm Bí thư chi bộ, bí thư Tỉnh uỷ. Từ 1938-1943 bị Pháp bắt nhiều lần giam tại các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Mê Thuột; tháng 3/1945 ra tù. Tháng 8/1945: Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư xứ uỷ Trung Kỳ (lấy bí danh: Nguyễn Chí Thanh). 1950: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Nhân dân Việt Nam. 1951: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Hội đồng quốc phòng. 1959 được phong Đại tướng (một trong 2 đại tướng đầu tiên của Việt nam). 1960 - 1964: Trưởng Ban Nông nghiệp trung ương. 1965-1967: vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương cục miền Nam. Ông mất ngày 6/7/1967 tại Hà Nội trong một cơn đau tim.

1. Xuất thân từ thành phần trung nông, sớm giác ngộ cách mạng.

Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 01-01-1914 tại làng Niêm Phò tỉnh Thừa Thiên. Cha mất sớm, khi Nguyễn Vịnh mới 14 tuổi. Nhà nghèo, mới học đến lớp nhất tiểu học Vịnh phải nghỉ học để đi làm thuê giúp mẹ nuôi các em ăn học trong sự luyến tiếc của thầy giáo và bạn bè. Vịnh đi làm thuê cuốc mướn khắp hai huyện Quảng Điền và Phong Điền. Mùa lúa đang non thì Vịnh đi đạp nước, làm cỏ, đào mương. Mùa lúa chín thì đi gặt thuê. Ai thuê gì làm nấy. Vào những năm 1930-1931, Vịnh nghe nói giặc giã nội lên khắp nơi. Ngoài Vinh, bến Thủy, Nghệ an, Hà Tĩnh giặc nổi lên mạnh lắm. tây phải đem cả tàu bay, đại bác ném bom giết người cộng sản. Ở Thừa Thiên cộng sản cũng nổi lên. Người ta đồn rằng có ông Nguyễn Ái Quốc giỏi tiếng Tây, ra báo chữ tây, việt kịch vẽ tranh để chống lại tây. Vịnh tò mò muốn hiểu cộng sản là chi mà vua quan Tây, Tàu sợ đến vậy. Vịnh phải ra Huế tìm cho được tờ báo đó. Cuối cùng Vịnh cũng có trong tay tờ báo bí mật tên là "Người cùng khổ". Qua những tờ báo đó, Vịnh rất phục ông Nguyễn ái Quốc. Và Vịnh quyết định tìm gặp ông Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế.

2. Kết nạp Đảng 3 tháng đã được bầu làm Bí thư chi bộ, 3 tháng sau nữa được cử làm bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên.

Vào một ngày đầu tháng 7/1937 Vịnh được kết nạp vào đảng Cộng Sản Đông Dương. Không gì sung sướng bằng đã tìm được con đường đúng đắn cho mình đi theo cách mạng. Nguyễn Vịnh được Chi bộ giao nhiệm vụ đi tuyên truyền cách mạng ở 2 huyện Quảng Điền và Phong Điền. Để tuyên truyền cách mạng và vận động quần chúng, người cộng sản Thừa Thiên huế đã xuất bản tờ báo “Nhành lúa”. Nguyễn Vịnh đã bắt mới liên lạc, tập hợp quần chúng, xây dựng tổ chức. Nhờ hoạt động tích cực của Nguyễn Vịnh đông đảo quần chúng ở Quảng Điền và Phong Điền đã hăng hái tham gia cách mạng.
Trải qua thử thách trong đấu tranh chính trị, Nguyễn Vịnh tỏ ra là người chiến sỹ thiên phong của giai cấp công nhân. Vào đầu năm 1938 Nguyễn Vịnh được chỉ định tham gia tỉnh ủy lâm thời rồi được cử làm bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên.


3. Cuộc đấu trí giữa người tù Cộng sản và quan tòa thực dân Pháp.

Cuối năm 1938, bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – Nguyễn Vịnh bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế.
Sau khi Vịnh bị bắt một thời gian ngắn, sợ bị áp lực đấu tranh của quần chúng nhân dân, Tòa án Nam triều vội đưa anh ra xét xử. Quan tòa nguyên là một viên tuần phủ, vốn được ăn học, khoa bảng, hỏi Nguyễn Vịnh:
- Tại sao làm cộng sản?
Vịnh giõng dạc trả lời:
- Tôi đấu tranh cho dân tộc, dân chủ, dân sinh, thế là có tội à? Tôi chưa hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì thì làm cộng sản sao được? Nhưng cộng sản thương nước, thương dân thì có gì là xấu?
Người dân đứng chật trong phiên tòa nghe Vịnh nói, đề ồ lên vui vẻ, khoái chí. Chưa bao giờ họ được nghe một người bị cáo nói năng cứng cỏi, hùng hồn như thế. Quan tòa tỏ ra núng thế nói càn:
- Cộng sản gì các anh. Cộng cơm, cộng sắn thì có...
Vịnh đốp ngay:
- Dân đói thì đòi cơm, có gì là xấu? Các quan thì đã có nhiều rượu, thịt rồi...
Vị chánh án lúng túng xua tay:
- Ở đây không được nói láo!
Mọi người cười ồ. Được quần chúng cảm tình, Vịnh càng hăng hái lên, hạch lại quan tòa:
Các ông bắt tôi vì lẽ gì?
Quan tòa càng lúng túng hơn, nói như hét:
Vì chứa sách báo cộng sản.
Vịnh điềm nhiên cãi lại:
Sách báo cộng sản từ nước Pháp sang, như thế thì tòa kết tội cả chính phủ Pháp sao?
Đến nước này thì tòa hết biết nên xét xử ra sao đây, quan đỏ mặt tía tai, đập tay xuống bàn quát:
Im đi! Không được tranh cãi gì nữa. Mấy anh sẽ phải ở tù mục xương ...
Phiên tòa kết thúc. Người ta thấy Nguyễn Vịnh nhếch mép cười ...

4. Tình bạn tù, tình đồng hương, đồng chí thân thiết với nhà thơ Tố Hữu.


Nhà thơ Tố Hữu – tên thật là Nguyễn Kim Thành, người cạnh làng với Nguyễn Vịnh. Tố Hữu cũng giác nghộ cách mạng từ rất sớm và được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng từ lúc còn là thanh niên.
Trong tù, Vịnh bị giam chung xà lim với Thành và nhiều chiến sĩ cộng sản khác như: Trần Văn Trà, Phùng ngọc huệ, Trần Chí Hiền... Thành là người mê thơ phú, thích làm thơ, gặp Vịnh như một kho vốn sống của người nông dân. Vịnh lại thích ngâm ca dao, hò vè, là nguồn vốn văn nghệ dân gian truyền cho Thành biết bao cảm hứng. Phải nói là lúc sống gần Vịnh, Thành đã làm được rất nhiều bài thơ hay.
Có những trưa hè, ve sầu râm ran trên các tầng lá bàng, lá dương liễu xung quanh nhà lao Thừa Phủ. Thành nằm nghe Vịnh hò mái nhì, mái đẩy, hò khoan. Lúc đó chắc Vịnh đang nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ đồng ruộng, mùa gặt:


Rồi mùa tóoc rã rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm ...

Trước những giọng hò nhung nhớ đồng quê của Vịnh, đã làm Thành rơi nước mắt. Thành nằm lẩm nhẩm mở đầu một tứ thơ:


Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò.
Đâu gió cồn Thơm đất nhả mùi
Đâu ruồng che mát thửa yên vui
Đâu những ô mạ xanh mơn mởn
Đâu những nương khoai ngọt sắn bùi
Gì sâu bàng những trưa hiu quạnh.
Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ơi...

Thành đặt tên bài thơ là “Nhớ đồng”. Thành đã đọc cho Vịnh nghe và hỏi Vịnh có cần sửa thêm gì không? Vịnh không nói gì nhưng gật gù cảm động. Hôm sau ra khám lao động khổ sai, Thành đã nhặt lá bàng, dùng kim găm chép đưa tặng Vịnh.
Cũng tại nhà lao này, Thành đã làm nhiều bài thơ hay, trong đó có bài “Khi con tu hú”, sau này được chọn là 1 trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX.
Những người bạn tù trong phòng giam này bị kẻ thù liệt vào danh sách những người vô cùng nguy hiểm cho chế độ cai trị của chúng. Sau đó chúng đưa đi đến những nhà lao khắc nghiệt hơn như : Kon Tum, Lao bảo, Buôn Mê Thuột.

5. Dùng kế “Tẩm quất” trói người coi tù để vượt ngục

Từ năm 1939 trở về sau này Pháp đã bắt những người tù cộng sản mà chúng cho là nguy hiểm nhất ở các nhà tù khác đưa hết về nhà đày Buôn Mê Thuột. Ở đây Pháp thâm độc tuyên truyền cho người Rađê căm thù người kinh, nhằm chia rẽ Kinh, Thượng. Chúng mua chuộc, lừa phỉnh người Ra đê để họ tạo thành hàng rào bao quanh nhà tù làm tay sai cho chúng.
Cuộc sống trong tù vẫn lạp đi lặp lại như mọi ngày. Chỉ trừ khi chúa ngục cho phép ra đá bóng và việc của vịnh là hàng ngày cùng hai người bạn tù đẩy xe vào rừng lấy củi. Người lính Ra đê mang theo khẩu súng trường đi áp giải. Muốn trốn được thì phải trói được tên áp giải. Nhưng dễ gì trói được nó vì trong tay nó luôn luôn ôm khẩu súng và sẵn sàng ngoéo cò. Vịnh tính ra một kế, khi đi lấy củi mang theo một chiếc chiếu. Sau khi xe củi được sắp đầy chuẩn bị đẩy về thì Vịnh lấy chiếu trải xuống đất. Từng người một nằm sấp xuống, hai người còn lại tẩm quất cho nhau và cứ thế xoay vòng. Tên áp giải thật thà hỏi Vịnh: “Làm chi rứa” Vịnh giải thích cho nó tiếng Kinh gọi là tẩm quất, đấm bóp cho hết đau lưng , mỏi chân đế đẩy xe cho khỏe.
Mấy ngày liền ba anh em đều làm như vậy. Vịnh hỏi :
- Đơriu (tên người áp giải) muốn tẩm quất không ? nằm xuống mình đấm bóp cho khỏe. Đờ riu vốn vui tính cũng cười cười nằm xuống cho các chàng trai tù đấm bóp. Lúc đầu hắn nhột cười sằng sắn. Nhưng về sau hắn cũng khoái. Khi chất đầy củi hắn lại nhắc:
- Tẩm cho mình trước. Và vui vẻ nằm xuống chiếu. Sự việc đó diễn đi diễn lại nhiều lần, cho đến một ngày Vịnh quyết định trốn thoát. Đó là một ngày thứ bảy. Thường thì thứ bảy và chủ nhật địch hay ăn nhậu, đánh bạc, chơi gái nên canh gác có phần lơi lỏng. Vịnh và mỗi người chuẩn bị sẵn một ít muối, thuốc uống, bông băng. Vào đến rừng mọi người cố chất củi cho mau. Khi củi đã đầy, Đờ riu tự lấy chiếu trải ra và nằm sấp xuống chờ. Vịnh vừa đấm bóp vừa xoa lưng, khi Đơriu khoái chí lim dim mắt, Vịnh liền kéo hai tay Đơriu ra sau, tức thì hài bạn tù chồm lên đè cho Vịnh trói. Đơriu kêu:
- Ơ, làm chơi hay làm thiệt rứa hè? Vịnh cầm khẩu súng của Đơriu tháo quy lát, lấy đạn ra, vừa nói với Đơriu: mình không bắn người Ra đê đâu. Bọn mình ở đây lâu quá rồi, nhớ cái nhà, cái làng. Mình phải trói Đơ riu lại để “ông lớn” không phạt Đơriu. Vịnh vứt đạn vô rừng rồi trả khẩu súng lại bên cạnh Đơ riu. Theo hướng mặt trời, ba người bạn tù chạy thục mạng.
Sau khi trốn tù, Vịnh bắt liên lạc lại với các cơ sở của ta. Kẻ thù đã huy động cả hàng trăm tên mật vụ, tốn rất nhiều công sức lùng sục, rình mò quyết bắt cho được Nguyễn Vịnh. Đến giữa năm 1943, Vịnh lại sa vào tay giặc. Đưa trở lại nhà đày Buôn Mê Thuột chúng giam anh vào phòng biệt giam và tra tấn hết sức dã man nhưng anh kiên quyết không khai một lời nào. Tháng 3/1945, Nhật hất cẳng Pháp. Nhà đày mở rộng cửa cho các tù nhân được tự do.

6. Vịnh nhìn xem Nguyễn Chí Thanh là ai mà chẳng thấy ai đứng dậy.


Ngày 13/8/1945 Hội nghị Tân Trào của Đảng khai mạc. Vịnh và một số đồng chí ở Thừa Thiên được Tố Hữu đón ra dự hội nghi. Được gặp những người nổi tiếng của cách mạng như : Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc, Vịnh vui mừng khôn xiết. Tại Hội nghị Tân Trào, Vịnh đã báo cáo với Bác tình hình chuẩn bị khởi nghĩa ở miền Nam Trung bộ.
Một bất ngờ khác đến với Vịnh là lúc nghe ban Tổ chức hội nghị công bố danh sách Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đến một cái tên của một ủy viên vừa được bầu vào Trung ương là Nguyễn Chí Thanh.. Vịnh nhìn quanh xem Nguyễn chí Thanh là ai mà chẳng thấy ai đứng dậy, thì đồng chí Phạm Văn Đồng nói: “Chính anh. Đó là tên mới của anh. Đứng lên đi”. Vịnh đứng lên trong tiếng vỗ tay rào rạt. Sau này Vịnh mới biết đó là tên mà muốn giữ bí mật, Bác Hồ đã đặt cho anh. (còn tiếp).
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
7. Lính nhờ tướng cõng qua suối vì sợ ướt giày

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên đường hành quân ra trận, ba chàng nghệ sỹ Hoàng cầm, Thanh Tịnh, Mai Văn Hiến luôn bám theo bước Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Nguyễn Chí Thanh. Theo lời kể của nhà thơ Hoàng Cầm: “Hôm ấy đang đi thì gặp một con suối khá rộng, nước có chỗ sâu tới bẹn. Một anh hình như là cán bộ chỉ huy trông rất oách vì đầu đội mũ lưỡi trai, áo vét, đi đôi giày “ghệt” là những chiến lợi phẩm, anh này bèn quay sang hai bên tả hữu hỏi vừa hách dịch, vừa thân mật:
- Cậu nào cõng tớ qua suối một tí nhỉ!

Ba chàng nghệ sỹ chưa kịp phản ứng gì thì anh Thanh đã xông lên mấy bước, nói gọn ghẽ:

- Báo cáo! Để em cõng ạ.

Ba đứa chúng tôi bấm bụng cười sợ “lộ bí mật” Anh cán bộ kia ung dung ngồi rất oách trên lưng anh Thanh. Anh thanh lúc đó ăn mặc chẳng khác gì một anh lính trẻ, mới 37 tuổi, anh đi dép râu, quần xắn móng lợn. Đi được dăm bước, anh ngồi trên lưng bèn hỏi người “cần vụ”

- Cậu ở C nào nhỉ?
Anh Thanh lễ phép đáp:

- Báo cáo anh, em ở trên Tổng cục ạ.
Chúng tôi thấy anh ta có vẻ sửng sốt, bối rối vì giọng anh ta vừa dịu đi lại vừa run lên.

- Chết! Dạ, thế anh ở Tổng cục nào? Tham mưu, Hậu cần hay Chính trị ạ.

- Dạ, báo cáo anh, em ở Tổng cục Chính trị ạ.
Anh cán bộ ngồi trên lưng càng tỏ ra luống cuống.

- Dạ, thế anh ở Cục nào, phòng nào trên Tổng cục ạ?

- Dạ, báo cáo anh, em chẳng ở phòng nào, em ở tất cả các phòng.
Anh ta càng hoảng hốt:

- Ấy … dạ … thưa …thế tên anh là gì ạ?

- Dạ, báo cáo anh, em là Nguyễn Chí Thanh ạ.

- Úi giùi ui! Em lạy anh! Anh tha cho em, anh cho em xuống ạ. Và anh ta bắt đầu quẫy mạnh. Nhưng anh Thanh lại vít chặt hai chân của anh ta.

- Thí lính tráng với nhau, cõng nhau có gì đâu mà cậu lo. Cứ ngồi yên, chỗ này nước sâu lắm.

- Em lạy anh, anh cho em xuống. Anh tha tội cho em ạ. …

Qua suối, sang bên kia rồi, người anh ta khô ráo. Anh ta quỳ mọp xuống đất:

- Dạ. Anh tha tội cho em, em được nghe tên anh nhưng chưa biết mặt anh …

Anh Thanh vẫn tươi cười, vỗ vai anh ta rồi nhấc anh ta đứng lên…”
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
8. Dẹp loạn trong đêm biểu diễn đặc sắc mừng công.

Theo hồi ký của nhà thơ Hoàng Cầm, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Nguyễn Chí Thanh chỉ thị cho Đoàn văn công quân đội: “Chuẩn bị một chương trình biểu diễn đặc sắc để mừng công”. Đối tượng của đêm biểu diễn là phục vụ cho hơn 1000 cán bộ từ tiểu đoàn trưởng trở lên. Hoàng Cầm họp các cán bộ chuyên môn của đoàn sắp xếp được 9 tiết mục có giá trị và đề xuất thêm phải có một màn “quan họ”. Tiết mục quan họ được khẩn trương tập luyện.
Một tuần sau, đêm biểu diễn mừng công mở màn. Hai hàng ghế trên cùng dành cho các tướng lĩnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi chính giữa. Bên phải là Tổng chính ủy Nguyễn Chí Thanh. Bên trái là Tướng Hoàng văn Thái, Vũ Lăng, Vương Thừa Vũ, Nam Long. Từ hàng ghế thứ tư là các sư đoàn trưởng, chính ủy sư đoàn …
Trưởng đoàn Hoàng Cầm bước lên sân khấu kính chào quý khách và giới thiệu ngắn gọn. Ba hồi trống vang lên giòn giã, theo đó là bài chiến thắng Điện Biên. Tiếp đến là Hò kéo pháo, Du kích sông Thao, quê em miền trung du…Đến tiết mục “Tiếng hát quan họ”:
Đến đây thì ở lại đây
Hương trà đã đượm, trầu cay đã nồng.
Sau giọng nữ, một bè trầm, một bè cao với tiếng đàn tranh ríu rít, tôi nhìn xuống dưới thấy miệng cười tươi roi rói của đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh cùng các khuôn mặt hân hoan chờ đón tấm lòng dân tộc nghìn xưa. Sang đến Lý cây đa khán giả im phăng phắc như nín thở để từng giọt trong vắt của tiếng quê lọt vào đáy ruột gan. Nhưng từ hàng ghế thứ tư trở xuống đến vài ba hàng nữa, tôi thấy hình như các vị trung đoàn có ghé tai nhau “mách giúp, bảo giùm nhau” một cái gì đó hình như nghiêm trọng. Tốp nữ hát khổ đầu thật bay bướm, thật lẳng lơ, mắt cô nào cũng long lanh, lúng liếng. Miệng cô nào cũng như búp hoa hàm tiếu:
Yêu nhau, cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”
Còn nón quai thao thì e ấp, nửa thẹn thùng, bỡ nghỡ che mặt, nửa như mở ra mời đón người tình. Đến dáng dấp cả hai tốp nam, nữ đúng một tá những “người tình”. Đến câu:
Gió dục cái đêm đông trường
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó chờ ai”
Thì bỗng nghe như tiếng sét nổ giữa trời quang mây tạnh, từ hàng ghế thứ tư vang lên:
- Hạ màn xuống! Đả đảo !
Tiếp theo như một hồi sấm động tháng Ba, và liên tiếp sấm sét vang xuống mấy hàng ghế nữa, có hàng trăm người đồng thanh hưởng ứng:
- Đả đảo văn công ! Hạ màn xuống !
- Vứt hết đi ! Lãng mạn ! Suy đồi !
- Chim chuột nhau trên sân khấu đấy! Đả đảo!
Đồng chí Lê Khang, phó chính ủy của đoàn văn công – người được phân công chỉ huy đêm diễn giơ tay cho người hậu đài lập tức hạ màn.
Nhưng tôi vẫn hé màn nhìn xuống. Tôi thấy đại tướng Võ Nguyên Giáp có quay lại phía sau xem là “cái gì”. Nét mặt ông tướng chiến thắng vẫn bình thản. Đồng chí Nguyễn chí Thanh bước rất nhanh lên sân khấu nói như thét:
- Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không ? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế là cùng. Tổng cục nuôi đoàn văn công để văn công nuôi lại các ông, nuôi toàn thể quân đội bằng những món ăn tinh thần. Vậy mà các ông chưa chi đã đả đảo người nuôi mình. Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội của dân… Các ông thật là vô kỷ luật. Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức. Nhưng thôi, đây là tiệc ăn mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai, tôi tạm tha.. Bây giờ, ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông ấy về mà ngủ, ông nào muốn xem tiếp thì ở lại, nhưng phải có trật tự, có kỷ luật. Nào,ai về thì về đi!
Quả nhiên ông Thái Dũng, và năm, sáu người nữa kéo nhau rời khỏi hội trường.
Nhưng mấy người vừa lách qua các hàng ghế ra đến cửa thì anh Thanh gọi giật lại:
Này, các ông, các ông bỏ về hả! Được! Nhưng nhớ chiều mai tôi mời văn công đến nhà riêng diễn lại màn quan họ này, cái tiết mục mà các ông đả đảo ấy, diễn lại ở sân nhà tôi. Có cả kẹo, bánh và thuốc lá của Tây thua trận đấy. các ông nào đả đảo hay hoan nghênh tôi xin mời đến cả. Mai, các ông sẽ tranh luận và tha hộ ý kiến!
Nói dứt lời, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bước xuống, về chỗ ngồi cũ và hô to:
- Anh Hoàng Cầm! Cho mở màn diễn lại!
Những tiết mục tiếp theo, nhất là múa sạp đã chiếm lĩnh tâm hồn tất cả tướng sỹ. Hạ màn chót, sau cái múa sạp, gần chục tướng tá nhảy lên sân khấu, ôm hôn, bắt tay. Có ông còn bế bổng một diễn viên lên và nói:
- Hay, hay lắm. Xứng đáng với Điện biên....
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
8. Biệt thự sang trọng cũng trả.

Sau ngày giải phóng thủ đô (1954), Trung ương cấp cho vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh một biệt thự rộng rãi, sang trọng nằm ở đường Cổ Ngư ven hồ Trúc Bạch lộng gió. Ở không bao lâu, tướng Thanh đã tự động trả biệt thư Cổ Ngư cho Nhà nước, dọn về ở căn nhà nhỏ hơn ở trong thành Thăng Long. Tướng Thanh có nhiều khách trong nước và quốc tế đến thăm và làm việc. Thấy nhà nhỏ, Nhà nước lại cấp cho Đại tướng một biệt thự khác ở đường Lý Nam Đế. Sau khi tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, chị Cúc vợ anh trả luôn ngôi biệt thự này cho nhà nước. Bà và các con ở căn nhà nhỏ hơn.
Sự đãi ngộ của Nhà nước đối với Đại tướng ai cũng đồng tình, song đại tướng Nguyễn Chí Thanh và người vợ của ông lại rất khiêm tốn, thường đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Cuộc sống của ông đã trở thành đạo đức và phong cách Nguyễn Chí Thanh – người học trò xuất sắc của Bác Hồ xứng đáng để cho mọi cán bộ, đảng viên noi theo.

9. Xây dựng phong trào thi đua yêu nước “Gió Đại Phong, sóng Duyên hải cờ Ba Nhất”.

Cuối năm 1960, Nguyễn Chí Thanh được giao nhiệm vụ phụ trách ban Nông nghiệp Trung ương. Anh cười nói: “Khi quân đội cần thì Đảng điều vào. Khi bên ngoài cần thì Đảng điều ra. Đó là chuyện bình thường”. Nhưng trong đầu óc anh luôn trăn trở, sáng tạo, cố tìm cái mới để nhân lên thành điển hình tiên tiến, thành phong trào để động viên tinh thần thi đua yêu nước. Hồi ở trong quân đội khi đến với binh chủng pháo binh, anh đã phát hiện ra điển hình và xây dựng thành phong trào “Ba nhất”. Khi về Duyên Hải, anh đã phát hiện điển hình vế công nghiệp và phát động cuộc thi đua với Duyên hải. Lúc về Quảng Bình xây dựng hợp tác hóa nông thôn, anh đã đến Hợp tác xã Đại Phong, cùng ra đồng với nông dân, cùng hò hát, trò chuyện với xã viên. Anh đã xây dựng nên một Hợp tác xã Đại Phong tiên tiến thành lá cờ đầu về nông nghiệp trên toàn quốc.
Phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc”Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba Nhất” đã gắn liền với tên tuổi Nguyễn Chí Thanh.

11. Huyện ủy năm không

Giữa năm 1962, đồng chí Nguyễn Chí Thanh về kiểm tra công tác hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp ở huyện Thủy Nguyên. Sau khi nghe nghe huyện ủy báo cáo tình hình, anh Thanh đề ra thêm mấy câu hỏi:
1. Hỏi: Ruộng đất toàn huyện có bao nhiêu?
Trả lời: Chúng tôi chưa nắm được cụ thể (tức là không biết)
2. Hỏi: Bình quân diện tích canh tác một đầu người trong huyện bao nhiêu?
Trả lời: Chúng tôi chưa tính (tức là cũng không biết).
3. Hỏi: Hệ số sử dụng ruộng đất lên mấy lần.
Các đồng chí huyện ủy viên nhìn nhau không trả lời thẳng vào câu hỏi. Như thế cũng tức là không biết.
4. Hỏi: Từ khi thành lập Hợp tác xã đến nay, đã có lần nào ban Thường vụ huyện ủy, cả huyện ủy hay từng cá nhân huyện ủy viên bỏ công ra hai ba ngày nghe tình hình một hợp tác xã để rút kinh nghiệm?
Im lặng. Sau một lúc có tiếng trả lời “chưa”
5. Hỏi: Vụ chiêm năm nay các đồng chí đã tính toán thu nhập một đầu người bao nhiên chưa?
Trả lời: Chúng tôi chưa tính.
Sự thật sau từng câu hỏi, các đồng chí trong huyện ủy không trả lời gọn lỏn như tường thuật trên đây mà phòng họp rất xôn xao, náo nhiệt: đồng chí phó bí thư nhìn đồng chí phụ trách thuế; đồng chí phụ trách nông thôn nhìn đồng chí phụ trách chính quyền … trông qua, trông lại mỗi người một phách như như đang nhớ lại những việc đã xẩy ra từ đời Lê, đời Trần. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh toát cả mồ hôi trán, sau những phút căng thẳng. Bỗng đồng chí buột miệng nói vui:
“ Các cụ ở dưới mà làm ăn như thế thì ở trên biết làm thế nào được. Lãnh đạo mà không nắm được tình hình thì coi như không lãnh đạo. Người nông dân công việc làm ăn của họ phải tính toán từng đồng xu, hạt gạo mà chúng mình đại khái thế chết dở với nhau tuốt. Được cái là các đồng chí không biết thì nói không biết, còn tốt hơn là không biết mà cứ nói bừa, chẳng trúng vào đâu”…

12. Tướng xuất kho cứu đói.


Năm 1962, miền Bắc được mùa nhưng một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa mất mùa. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa sợ bị phê bình không dám báo cáo thật với trung ương. Hậu quả sau đó là một số nơi dân đói và đã có xẩy ra chết đói mất vài ba người.
Biết được chuyện đó, Bác Hồ và Trung ương cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Thanh Hóa kiểm tra. Đến Thanh Hóa, trời mưa tầm tã, đường về các huyện bị ngập nước. Tỉnh ủy khuyên khoan hãy đi, nhưng Đại tướng kiên quyết xắn quần nâu trên đầu gối, đội mũ cát, chống gậy lội bì bõm đến tận nơi dân đói. Đại tướng vào từng nhà, nhà nào cũng hết gạo, chuyện đói là có thật.
Đại tướng về tỉnh Kiểm tra các kho lương thực. Kho nào cũng đầy gạo. Đại tướng hỏi tại sao không xuất gạo cứu đói. Tỉnh ủy trả lời: Chưa có lệnh của Trung ương. Đại tướng chỉ thị: “Mở kho cứu đói” . Tỉnh ủy lo ngại, Đại tướng nói: “Tôi chịu trách nhiệm trước Trung ương và Chính phủ, mở kho ngay”. Thấy địa phương còn chần chừ, Đại tướng tự tay viết “Lệnh mở kho cứu đói”.
Tính kiên quyết của Đại tướng đã giải quyết công việc đúng lúc kịp thời. Nhân dân vùng đói vui mừng cảm ơn Chính phủ - Bác Hồ - Trung ương và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giúp họ qua cơn hiểm nghèo. Chuyện Đại tướng mở kho cứu đói còn lưu truyền đến bây giờ.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
13. Trở lại quân đội để vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ

Cuối năm 1963, Bộ Chính trị họp, Đảng lại điều đồng chí Nguyễn Chí Thanh trở lại quân đội, vào miền Nam chiến đấu.
Ở miền Nam lúc này Mỹ bật đèn xanh đảo chính lật độ Diệm – Nhu. GiônXơn ngày càng nhúng sâu vào Việt Nam. Mỹ đem quân ồ ạt đổ vào miền Nam. Mỹ đưa tướng 4 sao Oét mo-len – một vị tướng tài năng giàu kinh nghiệm và chống cộng khét tiếng thay tư lệnh HácKin. Mỹ chọn Nguyễn Khánh thay tướng Dương Văn Minh và hy vọng Nguyễn Khánh có thể thay đổi bộ mặt thối nát của chính thể Diệm – Nhu.
Tháng 9/1964, Bộ Chính Trị cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị vào chiến trường miền Nam làm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Trực tiếp cùng Trung ương cục có bí thư Nguyễn Văn Linh và tư lệnh Trần Văn Trà, cùng các cán bộ chỉ huy cao cấp của quân đội như: Lê Trọng Tấn, Hoàng Cầm, Trần Độ, …
Cuộc tiễn đưa anh Thanh đi chiến trường từ Bác Hồ đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính phủ, quân đội và gia đình thật là quyến luyến. Nhà thơ Tố Hữu, người bạn tù đang là uỷ viên Bộ Chính trị - phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng theo tiễn một chặng đường và làm thơ tiễn, có đoạn:

Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí, lại đồng hương
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường.

Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương
Đi đi, non nước chờ Anh đó
Tiền tuyến cần thêm? Có hậu phương...

Tại căn cứ Trung ương cục miền Nam, anh Thanh thường xuyên nắm bắt kịp thời mọi động thái mới của địch để đề ra các chủ trương biện pháp kịp thời và hiệu quả. Anh đi thực tế tìm hiểu tình hình địch kỹ càng, viết hàng loạt bài báo, bình luận, bài nói chuyện ở Trung ương cục. Anh Thanh đã đánh giá kịp thời và chính xác tình hình địch trong những năm 1965-1967 góp phần rất quan trọng để Bộ Chỉ huy thực hiện những quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chiến lước của Bộ Chính Trị.
Khi Mỹ đưa quân ồ ạt cùng vũ khí vào miền Nam, nhiều người băn khoăn liệu ta có đánh được Mỹ không và đánh bằng cách nào. Anh Thanh nói: “Chưa biết đánh Mỹ thì cứ đánh Mỹ đi, cứ đánh rồi khắc sẽ tìm ra cách đánh, khi chúng ta biết cách đánh Mỹ rồi thì chúng ta biết cách thắng Mỹ.”Sau mỗi trận đánh, anh Thanh xuống tận đơn vị thăm hỏi chiến sỹ về cách đánh và cách hạn chế thương vong khi địch dùng phi pháo hỗ trợ cho binh lính chúng. Chiến sỹ trả lời đơn giản: Muốn tránh đại bác và máy bay nó oanh tạc thì cứ áp sát vào quân nó mà đánh. Nó sẽ không dám ném bom và bắn vào quân của nó đâu. Nghe chiến sỹ nói, anh Thanh về chỉ đạo cho quân ta muốn hạn chế phi pháo của Mỹ thì bám thắt lưng địch, nắm thắt lưng địch mà đánh.

14. Ý tưởng “Đại náo Sài Gòn”
Mùa hè 1967, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội để báo cáo tình hình chiến trường miền Nam và cùng Bộ Chính Trị thiết kế và bàn định chủ trương Tổng tiến công năm 1968 sắp tới. Đây là một vấn đề lớn, ý tưởng lớn của anh đã báo cáo với Bác và Bộ Chính trị từ năm trước là muốn thắng giặc Mỹ, không thể cứ đánh du kích nhỏ lẻ mãi mà phải “Đại náo Sài Gòn”, sào huyệt chính của giặc và các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Khi Mỹ ồ ạt đưa quân vào thì ta phải có những quả đấm mạnh để đánh tan chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Thời cơ đã đến, anh phấn khởi lên đường ra Bắc.
Mấy tháng ở Hà Nội, anh hết họp hành với Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương anh lại gặp riêng các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng để bàn bạc những vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến của quân và dân miền Nam, gặp Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - Đồng Sỹ Nguyên để tìm hiểu và bàn bạc việc đẩy mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh. Xong lại đi thăm các đơn vị tên lửa phòng không đang trực chiến đánh máy bay Mỹ.
Vào hôm trước khi anh chuẩn bị lên đường trở lại miền Nam, Bác Hồ gọi anh đến cùng ăn cơm để chia tay. Cơm xong, anh lại đi gặp một vài người để bàn nốt công việc. Sau đó không hiểu sao anh Thanh quay vào Phủ Chủ tịch, ngồi dưới nhà sàn lưu luyến mãi không muốn về. Chợt anh buột miệng nói với thư ký riêng của Bác Hồ:
- Chắc không kịp anh Vũ Kỹ ạ ?
Vũ Kỳ ngạc nhiên hỏi lại:
- Cái gì không kịp?
Giọng anh Thanh bùi ngùi:
- Tôi mong giải phóng nhanh miền Nam, để đón Bác vào thăm đồng bào, đồng chí. Tôi đi lần này chắc sẽ hoàn thành việc bác giao, Chỉ băn khoăn một điều là sức khỏe của Bác …
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại, như một linh tính báo trước, trước khi đi vào Nam, anh Thanh nêu ý kiến cả hai gia đình đi dạo hồ Tây để chụp ảnh kỷ niệm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Không hiểu vì sao lần đó tôi tiễn anh Thanh lại bịn rịn và xúc động thế” …
Đại tướng Chu Huy Mân kể:
Tối ngày 4 tháng 7 năm 1967, tôi và anh Thanh ngồi nói chuyện với nhau ở thềm nhà số 5 Quảng Bá. Trên trời máy bay Mỹ thỉnh thoảng lại gầm rú. Trăng sáng, gió nhẹ, mặt nước Hồ Tây gợn sóng. Buổi nói chuyện như một cuộc sơ kết chiến tranh, đánh giá sức mạnh của Mỹ và khả năng chiến thắng của ta trên cả hai miền Nam, Bắc. Lúc chia tay, anh Thanh bảo “Mình vào Trung ương Cục xong, sau đó sẽ ra Tây Nguyên thăm bộ đội và đồng bào” … Vậy mà …

15. Ra đi đột ngột trong một cơn đau tim
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
15. Ra đi đột ngột trong một cơn đau tim.

Đêm 5 tháng 7 năm 1967, Hà Nội mất điện. Tại ngôi nhà 34 Lý Nam Đế nóng như lửa đốt, đã nửa đêm rồi mà anh Thanh vẫn không chợp mắt. Mặc dầu chị Cúc - vợ anh luôn nhắc anh cố ngủ đi sáng mai còn phải thức dậy sớm để trở lại miền Nam. Thu xếp mọi việc tạm ổn, anh đặt lưng xuống giường lại thở dài nói với Cúc:
- Cúc ạ. Chiều nay ăn cơm chỗ Bác. Bác ăn ít quá, chỉ lưng bát. Đợt này anh đi, không biết ngày về có còn gặp Bác nữa không. Bác yếu quá …
Cúc nắm bàn tay anh cảm thấy ươn ướt ở tay mình và mu bàn tay anh nóng hâm hấp. Bác sỹ Bảo nói rịn mồ hôi tay là hiện tượng của bệnh tim. Cúc nhìn đồng hồ đã hai giờ chị vẫn không ngừng quạt cho anh. Lát sau Thanh trở mình mở mắt hỏi vợ:
- Sao em không ngủ?
Cúc chưa kịp đáp thì anh đã ôm Cúc vào lòng và nói:
- Cúc ơi! Sao trong người anh thấy mệt quá
Cúc bật dậy như có điện giật, hoảng hốt:
- Để em kêu bác sỹ …
Thanh níu tay vợ ngăn lại:
- Khoan đã, anh không sao đâu. Đừng làm phiền họ.
Anh nằm yên được một lát, lại lồm cồm ngồi dậy, nói giọng hổn hển qua hơi thở nặng nhọc: “Trong người anh có cái gì đang chảy rào rào như nước tràn. Cúc xem” …
Lần này thì chị vùng dậy kêu anh Chắt đi thức bác sỹ Thuận dậy và gọi xe cấp cứu. Thuận và Chắt đưa anh ra xe và cho Cúc biết anh bị đau tim.
Khi xe đến phòng cấp cứu Viện Quân y 108, bác sỹ Thuận đề nghị đưa cáng để khiêng anh vào giường. Anh Thanh còn nói đùa: “Chú Thuận chúa hình thức, quan trọng hóa”, rồi anh đi thẳng vào buồng cấp cứu. Ở đó có Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh và bác sỹ Phạm Tử Dương ra đón anh ngay. Anh Thanh vừa ngồi xuống giường, rồi nằm xuống, tự nhiên anh phát ra tiếng “ặc”, mặt và toàn thân tím ngắt. Các bác sỹ xoa bóp ngoài lồng ngực, tim các thuốc trợ tim, điều trị cấp cứu tích cực nội khoa nhưng không kết quả. Thế là các nhà chuyên môn phải chuyển anh lên phòng mổ can thiệp ngoại khoa mở lồng ngực, kích thích trực tiếp vào tim do giáo sư Phạm Gia Thiều và bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Toản thực hiện. Ngay sau đó, Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Tôn Thất Tùng và nhiều chuyên gia tim mạch trong và ngoài quân đội đến đầy đủ để tham gia cấp cứu anh. Nhưng tim anh vẫn chỉ co bóp rời rạc. Đến 9 giờ sáng ngày 6 tháng 7 – 1967, tim anh ngừng đập và anh tắt thở hoàn toàn, với chẩn đoán cuối cùng: nhồi máu cơ tim (gây cơn đau ngực, lan xuống động mạch chủ bụng) gây chết đột ngột (mort subite).

16. Để lại niềm thương tiếc và đau xót cho nhiều người.

Đứng trứơc bốn bên linh cựu anh là các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội. Mắt Cúc mờ đi như chẳng biết có ai trong phòng. Chị thấy như chiếc quan tài đang bập bềnh trên mặt nước hồ Tây, chị ôm lấy cái chân bệ gỗ dặt chiếc quan tài mà thảng thốt: “Anh không được bỏ đất nước này mà đi. Anh không được đi trước Bác Hồ, anh phải lùi lại xếp hàng sau lưng Bác Hồ”. Mọi người chăm chú nhìn chị mà không thấy Bác Hồ đã vào đứng đó từ bao giờ. Chỉ khi ngước lên thấy hai hàng nước mắt trên má Bác Hồ thì mọi kìm nén như vỡ òa. Tiếng khóc của mọi người trong phòng tang lễ vang lên hòa trong tiếng quân nhạc “Hồn tử sỹ”- tiễn đưa anh.
Anh đột ngột ra đi, Tổ quốc mất đi một người con trung với Đảng, hiếu với dân, kiên cường bất khuất trước mọi kẻ thù. Quân đội mất đi một vị tướng văn võ song toàn, tài ba lỗi lạc, đạo đức sáng ngời. Và nỗi đau tột cùng của gia đình anh: Chị Cúc mất đi người chồng chung thủy hết mực yêu thương vợ con . Cậu Vịnh mới tám tuổi đã mất cha. Cúc nhớ lại lúc sinh cậu con trai út, hai người bàn nhau để đặt tên con, anh tâm sự với chị: “Khi Cách mạng đang trong thời gian bí mật, Bác Hồ đã đặt tên mới cho anh để che mắt giặc. Tên Vịnh mà cha mẹ đặt cho anh, bây giờ anh muốn lấy tên đó đặt cho con trai mình: “Nguyễn Chí Vịnh”. Anh mong lớn lên con mình phải giống như tụi mình – Phải biết lao động và tự vươn lên. (Đồng chí Nguyễn Chí Vịnh hiện nay là Trung tướng, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng)…
Nhà thơ Tố Hữu – người bạn tù, người đồng hương đã gắn bó suốt đời với anh, đi viếng anh về, Tố Hữu đã viết bài thơ “Một con người nói lên phẩm chất và đạo đức cao quý của anh, trong đó có đoạn:

"Anh Thanh ơi!
Anh mất thật rồi sao ?
Mới hôm qua câu chuyện ra vào
Anh hăm hở như cờ lên mặt trận
Giọng say sưa như gió thồi ào ào.

Tưởng lại đưa Anh ra chiến trường
Đường về, vó ngựa thắng dây cương
Ngày mai... Ai biết chiều nay phải
Vĩnh biệt Anh nằm dưới gốc dương!

...Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong
Lon nước, mo cơm lội khắp đồng
Ở đâu tiền tuyến, kêu Anh đến
Tay súng tay cờ, lại tiến công!

...Ôi sống như anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc một con người”.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top