Người xưa xử lý sai phạm trong thi cử

Bút Nghiên

ButNghien.com
Người xưa xử lý sai phạm trong thi cử

Từ xưa, để có nhân tài, người ta thường tuyển chọn thông qua con đường thi cử. Nếu tính riêng các kỳ thi Nho học ở Việt Nam từ 1075 đến 1919, nước ta đã chọn được hàng chục trạng nguyên, hàng nghìn tiến sĩ. Tuy nhiên, từ thời xa xưa đó, cũng đã nảy sinh không ít những hiện tượng tiêu cực trong khi thi, chấm thi, tuyển chọn. Pháp luật xưa đã xử lý rất nghiêm minh những sai phạm này.

Tội nhận hối lộ để làm sai lệch kết quả

Tại khoa thi Hương năm Quý Sửu (1673), Tham chính Thanh Hóa là Vũ Vĩnh Hồi cùng chú ruột là Tiến sĩ Vũ Bật Hải đã “ăn tiền bạc, gửi gắm sĩ tử trong bốn kỳ thi”. Ngô Sách Dụ là Phủ doãn Phụng Thiên coi việc trường thi ngầm đem sách vở và văn cũ vào trường, cho người nhà viết thay quyển thi, trà trộn đưa vào chấm lấy đỗ, ăn tiền theo giá đã thỏa thuận trước. Sự việc bị phát giác, Vũ Vĩnh Hồ và Ngô Sách Dụ đều bị tội đồ (đày đi xa).

Năm Giáp Dần (1674), Tham chính Nghệ An là Lương Khoái khi bị phát hiện đã ức hiếp sĩ tử để lấy tiền bạc liền bị giáng chức xuống làm Đông các hiệu thư (coi việc giấy tờ ở văn phòng nhà vua).

Tội chấm đỗ cho con của quan trên không đúng trình độ

Tại khoa thi năm Bính Tý (1696), Ngô Sách Tuân là Hộ khoa cấp sự trung được cử đi làm giám thị ở trường thi Thanh Hóa. Trước khi vào Thanh Hóa, Ngô Sách Tuân có đến gặp Tham tụng Lê Hy (là người Thanh Hóa). Lê Hy nói với Sách Tuân rằng quyển thi của con mình được đóng bằng giấy Thanh Hóa, xin Tuân “lưu ý” hộ. Sách Tuân đã đưa riêng quyển thi của con Lê Hy cho khảo quan xem lại, lấy đỗ. Khi ấy có Đề điệu Ngô Hải biết chuyện nhưng im lặng, không báo cáo lên cấp trên. Vụ việc bị Tham chính Phan Tự Cường phát giác, triều đình khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (thắt cổ), Ngô Hải bị bãi chức.

Năm Ất Dậu (1825), Hữu Tham tri bộ Hình là Nguyễn Hữu Nghi và Thượng bảo tự khanh là Hoàng Quýnh được điều đến kiểm tra trường thi Nghệ An. Khi ấy đốc học và một số quan lại các phủ huyện đã ghi tên những thí sinh là người thân quen của họ nhưng thi hỏng để đưa vào nội trường lấy đỗ. Những người được đỗ hương cống sau đó lại tập hợp để uống rượu và tổ chức đánh bạc.

Nguyễn Hữu Nghi và Hoàng Quýnh biết chuyện đó nhưng không tâu báo lên quan trên. Vài tháng sau, trấn thần Nghệ An là Vũ Xuân Cẩn mới trình báo sự việc. Kết quả, Nguyễn Hữu Nghi bị giáng xuống là chánh bát phẩm thư lại, Hoàng Quýnh bị cách chức đày đi Quảng Bình cho lập công chuộc tội. Các khảo quan nội trường và học quan cùng các quan phủ huyện đều bị giáng chức hoặc chịu phạt. Các hương cống và sinh đồ đã hỏng thi mà được đỗ đều bị đánh trượt. Vũ Xuân Cẩn biết mọi chuyện sai trái nhưng không trình báo kịp thời, cũng bị giáng chức làm Thiêm sự.

Tội chữa lại bài thi của thí sinh khi chấm thi


Tại khoa thi Hương năm Tân Sửu (1841), hai viên quan chấm sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Nhạ đã lấy muội đèn để chữa lại bài thi, gồm 24 quyển. Sự việc bị phát giác và được giao cho bộ Lễ và Viện Đô sát tra xét. Cao Bá Quát và Phan Nhạ thú nhận chỉ “sính bút làm càn” chứ không phải do ai dặn dò, gửi gắm.

Vua Thiệu Trị đã dụ rằng: Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng. Bọn Quát lại dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ bọn Quát chữa văn đến 24 quyển, tự mình hoặc phê lấy đỗ, hoặc phê lấy bỏ đi, cũng có chỗ câu văn chữa vào lại không bằng câu văn của người làm trước; hoặc giả là do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, có thể khoan tha cho tội xử tử.

Vậy đều cho đổi làm giảo giam hậu. Bùi Quỹ là Chánh chủ khảo và Trương Tiến Sỹ là Phó Chủ khảo có lỗi vì không biết trông nom mà phát giác ra nên đều cho đổi cách chức, được lưu lại làm việc. Giám khảo Phan Văn Nhã và Trương Hảo Hợp không biết kiểm soát, phát giác ra đều phải giáng cấp lưu lại làm việc”.

Tội hai bài thi có nội dung giống nhau

Khoa thi năm Bính Thìn (1856), Chủ khảo Phan Thanh Giản phát hiện hai bài thi ở cùng một “vi” (khu vực thi) có nội dung giống nhau, liền cho niêm phong và gửi lên bộ Lễ. Vua Tự Đức dụ “Văn lý giống nhau một hai câu là chuyện thường của học trò, không cần xét kỹ. Nay hai quyển ấy, câu này câu kia giống nhau như một người làm ra, hoặc là nhòm trộm ăn cắp, hoặc là mượn người làm thay”. Rồi Vua ra lệnh cho bộ Lễ xét kỹ thì thấy quyển của Phan Khắc Kiệm gượng ép trong cách gieo vần, thơ không thành luật, bài phú không nói ra ý đầu bài, chứng tỏ nguời làm quyển thi đó không phải thực học. Quyển kia là của Cử nhân Trần Gia Huệ. Hai người chơi thân với nhau, lại ngồi thi cùng một “vi”, vậy có nhiều khả năng Huệ đã “gà bài” cho Kiệm. Kết quả là hai quyển ấy phải truất bỏ, Trần Gia Huệ và Phan Khắc Kiệm đều phải phạt 50 roi, đình lương một năm. Những người lính canh gác khu vực thi đó cũng bị phạt 40 roi vì tội không chu đáo.

Tội làm náo loạn trường thi

Tại khoa thi năm Ất Dậu (1825), Nguyễn Thiên Điều không làm được bài liền cầm đầu một nhóm sĩ tử ở vi Tả reo hò ầm ĩ. Ba vi Hữu, Giáp, Ất cũng náo động. Các quan coi thi phải điều lính đến mới dẹp yên. Việc được tâu lên, Vua Minh Mệnh dụ rằng: “Nhà nước vẫn sẵn lòng đãi học trò. Nay gặp thịnh điển kén chọn nhân tài, bọn ấy đáng ra phải tự ganh đua dùi mài kinh sử, sao lại có kẻ tối tăm hung hãn lẫn lộn vào trong đó, buông tuồng càn bậy như thế. Nếu không xét trị thì sao thay đổi được thói kiêu bạc ấy. Việc làm náo động trường thi, tội ở kẻ chủ xướng, trẫm quyết không vì một hai người ngu tối mà giận lây sang người vô tội. Bọn ngươi nên nói ra kẻ chủ xướng thì sớm định tội được, khỏi lỡ kỳ thi. Nếu cứ một mực đùn đẩy hàm hồ thì sẽ bắt giam để xét đến cùng, đến lúc ấy thì ma quỷ cũng không trốn thoát được”.

Nguyễn Thiên Điều thú tội, bị khép vào tội giảo giam hậu (giam chờ thắt cổ), những sĩ tử khác đều được tha. Các quan trường thi và các quan địa phương vì tâu báo chậm sự việc cũng bị phạt; các đốc học, giáo thụ, huấn đạo… cũng bị giáng chức vì “không nghiêm túc dạy bảo học trò”. Sau đó, Thiên Điều được giảm tội, chỉ bị sung vào lính.

Tội đem tài liệu vào phòng thi

Kỳ thi năm Bính Tuất (1826), Đặng Tế Mỹ mang sách vào phòng thi, bị phát giác nên bị đóng gông một tháng, sau đó bị đánh 100 trượng và bị đuổi khỏi trường thi. Những người phát hiện ra Mỹ gian lận được thưởng 3 lạng bạc.

Tại khoa thi năm Đinh Dậu (1897), Phan Bội Châu đã lọt vào trường nhì (đệ nhị trường) là trường sẽ thi mấy bài phú vốn là sở trường của ông. Một người bạn là Trần Văn Lương vốn rất khâm phục lực học của Phan Bội Châu nhưng nghĩ ông vẫn có thể quên nên nhét vào tráp mấy quyển sách. Phan Bội Châu hoàn toàn không biết gì. Sáng ra, sĩ tử kéo nhau vào trường thi, khi qua cửa lính gác đòi kiểm tra lều chõng và tráp. Phan Bội Châu tỏ vẻ rất tức giận và nói xẵng: “Tao đậu đầu xứ tỉnh Nghệ ba lần, đời nào tao thèm mang sách vào”. Người lính gác không chịu, nhất định đòi kiểm tra. Thật không ngờ, có mấy quyển sách nằm ở góc tráp. Phan Bội Châu điếng người, không nói được câu nào. Sau đó chịu án “Hoài hiệp văn tự, chung thân bất đắc ứng thí” (mang sách vở vào trường thi, suốt đời không được thi nữa).

Chuyện này quả thật oan uổng cho Phan Bội Châu, nhưng tình ngay lý gian không thể giải thích được. Nhưng cũng chính việc này mà ông trở thành nổi tiếng. Nhiều người biết và thông cảm với ông. Một số đã tích cực vận động và minh oan ở kinh đô Huế. Kết quả là Vua Thành Thái đã ban dụ huỷ bỏ án này. Sau đó, tại khoa thi năm Canh Tý (1900), Phan Bội Châu đã đậu giải nguyên.

Trộm nghĩ, ngày nay việc mang tài liệu vào phòng thi và quay cóp, thi hộ và thi thuê, xin điểm, mua điểm và mua bằng đang có chiều hướng gia tăng, làm cho tài năng và nhân cách bị huỷ hoại, kỷ luật học đường và công bằng xã hội bị đảo lộn, thì bài học của người xưa để lại vẫn có giá trị lắm thay.

Nguồn: VNN​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top