Ngôn ngữ tiểu thuyết
Ngôn ngữ là một khía cạnh trung tâm trong việc xây dựng một tác phẩm tiểu thuyết. Đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết như Bakhtin nhận định, vốn có “tính phức âm, tính phân tầng”, từ trong bản chất, “phổ biến là các hình thức kết cấu lai tạo rất đa dạng và bao giờ cũng được đối thoại hóa ở mức độ này hay mức độ khác”. Trong bài này sẽ nói đến thành phần ngôn ngữ của tiểu thuyết.
1, Ngôn ngữ tác giả
Tiểu thuyết thuộc loại hình tự sự nên nghệ thuật trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện. Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên thì: trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật. Trần thuật không chỉ là lời kể mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời ghi chú của tác giả…. Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, bộc lộ cách lý giải cuộc sống từ cách nhìn riêng và cá tính sáng tạo của tác giả.
Ở ngôi kể thứ nhất, lời trần thuật ở đây vừa là ngôn ngữ trần thuật của tác giả vừa là ngôn ngữ trần thuật của nhân vật, tức vừa là lời trực tiếp, vừa là lời gián tiếp (của nhân vật).
Ở ngôi thứ ba dưới hình thức người kể chuyện (do tác giả sáng tạo ra), lời trần thuật ở đây mang tính khách quan hoá và trung tính. Người trần thuật được chứng kiến câu chuyện và có khả năng kể lại toàn bộ câu chuyện theo cách riêng của mình. Lời trần thuật ở đây còn có nhiệm vụ tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khác quan vật chất, sự việc, con người…; tái hiện và phân tích, lý giải lời nói ý thức người khác. Lời văn trần thuật gián tiếp này (khác với lời văn trực tiếp của nhân vật) có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là gián tiếp một giọng, là lời trần thuật tái hiện, phẩm bình các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩ khách quan vốn có của chúng. Loại thứ hai là lời gián tiếp hai giọng, là lời trần thuật có hấp thu lời nhân vật, tức là trong phát ngôn của người trần thuật cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những suy tư gián tiếp của nhân vật, nó thể hiện sự đối thoại với ý thức khác của cùng một đối tượng miêu tả. Loại thứ hai này cho phép tác giả di chuyển “điểm nhìn” trần thuật và tạo nên tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ tiểu thuyết. Ngôn ngữ đa thanh trong trần thuật nhấn mạnh vào ngôn ngữ của người khác, hướng về một tiếng nói khác; chẳng hạn tiếng nói tác giả hướng về tiếng nói của nhân vật, hoặc tiếng nói nhân vật trong đó có xen lẫn giọng tác giả, hoặc là tiếng nói của nhân vật này xen lẫn giọng của nhân vật khác. Ví dụ như đoạn mở đầu trong “Chí Phèo”(Nam Cao): “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai cũng nhủ, "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ?” Đoạn văn này là ngôn ngữ trần thuật của tác giả nhưng hấp thu lời, suy nghĩ của nhân vật Chí Phèo khiến điểm nhìn dịch chuyển từ ngoài vào trong khiến cho nhân vật hiện lên đầy đủ cả ở suy nghĩ bên trong và chân thực hơn.
2, Ngôn ngữ nhân vật
Trong tiểu thuyết, nhân vật có vị trí rất quan trọng, là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Có nhân vật thì có ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật là lời trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm, là thứ ngôn ngữ được miêu tả. Đó thực chất cũng là ngôn ngữ của tác giả nhưng tác giả để cho nhân vật tự giải bày về mình. Ngôi kể của nhân vật trần thuật là ngôi thứ hai, thứ ba nhưng vẫn được trần thuật ở ngôi thứ nhất, xưng tôi trong đối thoại. Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải là một ví dụ. Thông qua đối thoại, nhà văn để cho các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, nhân một buổi gặp gỡ đêm giao thừa, trần thuật về cuộc đời của mình, phát biểu những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình. Điều này làm nên yếu tố tự truyện của nhân vật.
Trong văn học hiện đại, lời – ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có vị trí ưu trội nhất định trong tác phẩm, là phương diện quan trọng nhất của tính tạo hình khách thể trong tác phẩm tự sự.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có thể là đối thoại hay độc thoại. Đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động vào nhau; độc thoại không nhằm hướng đến người khác và tác động qua lại giữa người và người. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phản ánh hiện thực, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng là đối tượng miêu tả của tác giả hoặc chức năng thể hiện nội tâm…. Tổng hợp những chức năng đó, thông qua trần thuật, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Cùng với trần thuật tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm. Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ trần thuật của mình, làm phân hoá ngôn ngữ tiểu thuyết, đưa vào tiểu thuyết nhiều tiếng nói khác nhau, đa thanh, đa giọng điệu.
Ngôn ngữ là một khía cạnh trung tâm trong việc xây dựng một tác phẩm tiểu thuyết. Đặc trưng của ngôn ngữ tiểu thuyết như Bakhtin nhận định, vốn có “tính phức âm, tính phân tầng”, từ trong bản chất, “phổ biến là các hình thức kết cấu lai tạo rất đa dạng và bao giờ cũng được đối thoại hóa ở mức độ này hay mức độ khác”. Trong bài này sẽ nói đến thành phần ngôn ngữ của tiểu thuyết.
1, Ngôn ngữ tác giả
Tiểu thuyết thuộc loại hình tự sự nên nghệ thuật trần thuật là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện. Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên thì: trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự, là việc giới thiệu khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của người trần thuật. Trần thuật không chỉ là lời kể mà còn bao hàm cả việc miêu tả đối tượng, phân tích hoàn cảnh, thuật lại tiểu sử nhân vật, lời bình luận, lời ghi chú của tác giả…. Ngôn ngữ trần thuật do vậy là nơi bộc lộ ý thức sử dụng ngôn ngữ có chủ ý của nhà văn, bộc lộ cách lý giải cuộc sống từ cách nhìn riêng và cá tính sáng tạo của tác giả.
Ở ngôi kể thứ nhất, lời trần thuật ở đây vừa là ngôn ngữ trần thuật của tác giả vừa là ngôn ngữ trần thuật của nhân vật, tức vừa là lời trực tiếp, vừa là lời gián tiếp (của nhân vật).
Ở ngôi thứ ba dưới hình thức người kể chuyện (do tác giả sáng tạo ra), lời trần thuật ở đây mang tính khách quan hoá và trung tính. Người trần thuật được chứng kiến câu chuyện và có khả năng kể lại toàn bộ câu chuyện theo cách riêng của mình. Lời trần thuật ở đây còn có nhiệm vụ tái hiện và phân tích, lý giải thế giới khác quan vật chất, sự việc, con người…; tái hiện và phân tích, lý giải lời nói ý thức người khác. Lời văn trần thuật gián tiếp này (khác với lời văn trực tiếp của nhân vật) có thể chia làm hai loại: loại thứ nhất là gián tiếp một giọng, là lời trần thuật tái hiện, phẩm bình các hiện tượng của thế giới trong ý nghĩ khách quan vốn có của chúng. Loại thứ hai là lời gián tiếp hai giọng, là lời trần thuật có hấp thu lời nhân vật, tức là trong phát ngôn của người trần thuật cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những suy tư gián tiếp của nhân vật, nó thể hiện sự đối thoại với ý thức khác của cùng một đối tượng miêu tả. Loại thứ hai này cho phép tác giả di chuyển “điểm nhìn” trần thuật và tạo nên tính chất đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ tiểu thuyết. Ngôn ngữ đa thanh trong trần thuật nhấn mạnh vào ngôn ngữ của người khác, hướng về một tiếng nói khác; chẳng hạn tiếng nói tác giả hướng về tiếng nói của nhân vật, hoặc tiếng nói nhân vật trong đó có xen lẫn giọng tác giả, hoặc là tiếng nói của nhân vật này xen lẫn giọng của nhân vật khác. Ví dụ như đoạn mở đầu trong “Chí Phèo”(Nam Cao): “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì ? Trời có của riêng nhà nào ? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai cũng nhủ, "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này ?” Đoạn văn này là ngôn ngữ trần thuật của tác giả nhưng hấp thu lời, suy nghĩ của nhân vật Chí Phèo khiến điểm nhìn dịch chuyển từ ngoài vào trong khiến cho nhân vật hiện lên đầy đủ cả ở suy nghĩ bên trong và chân thực hơn.
2, Ngôn ngữ nhân vật
Trong tiểu thuyết, nhân vật có vị trí rất quan trọng, là then chốt của cốt truyện, giữ vị trí trung tâm trong việc thể hiện đề tài, chủ đề và tư tưởng tác phẩm. Có nhân vật thì có ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật là một trong những phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật là lời trực tiếp của nhân vật trong tác phẩm, là thứ ngôn ngữ được miêu tả. Đó thực chất cũng là ngôn ngữ của tác giả nhưng tác giả để cho nhân vật tự giải bày về mình. Ngôi kể của nhân vật trần thuật là ngôi thứ hai, thứ ba nhưng vẫn được trần thuật ở ngôi thứ nhất, xưng tôi trong đối thoại. Tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải là một ví dụ. Thông qua đối thoại, nhà văn để cho các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, nhân một buổi gặp gỡ đêm giao thừa, trần thuật về cuộc đời của mình, phát biểu những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình. Điều này làm nên yếu tố tự truyện của nhân vật.
Trong văn học hiện đại, lời – ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có vị trí ưu trội nhất định trong tác phẩm, là phương diện quan trọng nhất của tính tạo hình khách thể trong tác phẩm tự sự.
Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có thể là đối thoại hay độc thoại. Đối thoại gắn liền với việc những người nói hướng vào nhau và tác động vào nhau; độc thoại không nhằm hướng đến người khác và tác động qua lại giữa người và người. Ngôn ngữ trần thuật của nhân vật có nhiều chức năng khác nhau như: chức năng phản ánh hiện thực, chức năng tự bộc lộ của nhân vật, chức năng là đối tượng miêu tả của tác giả hoặc chức năng thể hiện nội tâm…. Tổng hợp những chức năng đó, thông qua trần thuật, nhân vật kể lại cuộc đời của mình, bộc lộ tâm tư, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời, lẽ sống, giúp người đọc lĩnh hội được tư tưởng, quan niệm của nhà văn. Cùng với trần thuật tác giả, trần thuật của nhân vật góp phần hoàn thiện bức tranh đời sống trong tác phẩm. Mỗi nhân vật đều có ngôn ngữ trần thuật của mình, làm phân hoá ngôn ngữ tiểu thuyết, đưa vào tiểu thuyết nhiều tiếng nói khác nhau, đa thanh, đa giọng điệu.