• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nghĩ về lời răn 'không thầy đố mày làm nên'

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Làm sao đất nước có thể giữ vững nguyên khí quốc gia, có ngày càng nhiều hiền tài nếu không đủ những người thầy vừa có đức vừa có tài?.

Ông bà ta có câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, ý khuyên nhủ con cháu, trong ba ngày đầu tiên của năm mới, sau khi dành ngày thứ nhất chúc tết bên nội, ngày thứ hai chúc tết bên ngoại, thì ngày thứ ba là để chúc tết các thầy dạy mình.

Như vậy, tiếp sau việc mang ơn các bậc sinh thành, cao dầy “như núi Thái Sơn”, vô tận “như nước trong nguồn chảy ra”, thì người mà ta mang ơn là các thầy giáo, cô giáo, bởi cái lẽ đơn giản, theo các cụ, “không thầy đố mày làm nên”. Làm nên ở đây là làm người, là nên người.

xh-tet-thay.jpg


Học sinh Tiểu học Lê Hồng Phong, Hà Đông, Hà Nội, chúc mừng cô giáo. Ảnh: Trung Kiên.​

Yêu nước, yêu nghề

Về danh xưng ông thầy/bậc thầy, cũng cần phải nói thêm, người Việt mình, không chỉ kính trọng các thầy dạy chữ nghĩa mà còn suy tôn các thầy dạy nghề. Đến nay, vào mùa xuân, nhiều làng nghề vẫn dành đình làng làm nơi thờ phụng các vị tổ nghề, và hằng năm dân làng vẫn mở hội làng, tổ chức tế lễ, ngợi ca công đức của các vị ấy.

Xã hội từ xưa đến nay kính trọng các thầy và nghề dạy chữ, dạy nghề đến vậy, bởi vì, trong giới các thầy, có những tấm gương sáng chói không chỉ đối với người học mà còn đối với cả xã hội. Tiêu biểu cho đạo làm thầy từ ngày xưa là cụ Chu Văn An có công dạy vua và đào tạo nhiều đại thần trung hiếu.

Đến thời Pháp thuộc, vào đầu thế kỷ XX, nhiều nhà giáo mang nặng tấm lòng yêu nước, thương dân, tiêu biểu là các cụ Lương Văn Can, Trần Quý Cáp,... đã mở Đông Kinh nghĩa thục, truyền bá chủ trương duy tân khởi dựng giáo dục thực nghiệp, mong muốn đổi mới dân tộc để có cơ giành lại độc lập cho nước nhà.

Tiếp đó, đến lớp các nhà giáo Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Hoàng Đạo Kính, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước,... luôn luôn quan tâm khơi dậy lòng yêu nước cho lớp thanh thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường.

Đến thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, các nhà giáo chẳng những duy trì các trường phổ thông, phát triển các lớp bình dân học vụ mà các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Văn Giàu, Lê Văn Thiêm, Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường,… đã vượt qua những chất chồng khó khăn thiếu thốn, mở ra các lớp đại học ở vùng tự do.

Gần đây hơn, vào những năm chống Mỹ, cứu nước, trong điều kiện máy bay địch nhằm cả vào trường học để bắn phá, các nhà giáo miền Bắc vẫn vừa giảng dạy vừa chăm lo việc ăn ở và đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhiều thầy cô giáo đã xung phong đi B xây dựng giáo dục vùng giải phóng hoặc gia nhập quân đội, sát cánh cùng lớp lớp học trò chiến đấu ngoài tiền tuyến. Chính bằng tấm lòng yêu nước, yêu người, yêu nghề và hành động thực tế của mình, các nhà giáo hồi ấy đã giáo dục, rèn luyện được các thế hệ thanh thiếu niên thấm nhuần lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng làm trọn nghĩa vụ công dân.

Cũng vào những năm đó, ở các đô thị miền Nam, nhiều nhà giáo đã sát cánh cùng học sinh, sinh viên trong các cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược và chính quyền Sài Gòn.

Còn hơn hai chục năm đổi mới vừa qua, phần lớn các thầy giáo, cô giáo, tiêu biểu là các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú vẫn thể hiện rất rõ tình cảm “tất cả vì học sinh thân yêu”, trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Rõ ràng, sự mô phạm của nhà giáo là giá trị truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử và đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức dân tộc, khiến xã hội ở thời nào cũng kính trọng người thầy và coi trọng nghề thầy. Ngày nay, dù khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, phương tiện hiện đại phục vụ giáo dục rất nhiều song lời dạy của ông cha ta về vai trò và địa vị người thầy vẫn còn nguyên giá trị.

xh-tet-thay-2.jpg


Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.​

Làm sao có nhiều người tài nếu thiếu thầy có đức, có tài?

Trở lại, nghĩ kỹ về câu: “Không thầy đố mày làm nên” thì thấy, lời răn dạy con cháu của các cụ còn hàm chứa một ý tứ sâu xa, cực kỳ minh triết, rất đáng để các nhà hoạch định chính sách và điều hành hệ thống giáo dục quốc dân nghiền ngẫm.

Chúng ta thường tự hào nhắc đến những tấm bia ghi danh hàng trăm vị tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Phải đâu các vị ấy chỉ tự học mà thành tài? Chắc chắn phần lớn trong họ, nếu không muốn nói tất cả, đều đã có cơ may được thọ giáo các bậc thầy đạo cao, đức trọng, nhờ thế mà văn hay, chữ tốt để được đỗ đạt thành tài.

Chúng ta cũng hay nhắc đến câu văn bất hủ của ông Thân Nhân Trung, tiến sĩ thời nhà Lê, được khắc ở một trong những tấm bia cũng ở khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Câu văn ấy đâu chỉ đơn giản là đề cao những con người thành danh được ghi vào bia đá. Nó còn hàm ý một sự cảnh báo về nguy cơ hao hụt nguyên khí nước nhà, nếu để giảm thiểu hiền tài. Mà làm sao có thể ngày càng nhiều hiền tài nếu không đủ những người thầy vừa có đức vừa có tài?

Kể từ tháng 8/1945 đến nay, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã trải qua bốn lần thay đổi lớn, đó là những cuộc cải cách bắt đầu vào các năm 1950, 1954, 1979 và cuộc đổi mới sau Đại hội Đảng lần thứ VI.

Bên cạnh những thành công rất đáng tự hào là đào tạo nên những thế hệ thanh niên đóng góp xứng đáng vào công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, thì hệ thống giáo dục quốc dân nước ta cũng còn không ít những mặt hạn chế, thậm chí có cả những khuyết điểm.

Xét đến căn nguyên của những hạn chế, khuyết điểm trong công tác giáo dục, không thể nào bỏ qua những thiếu sót, khuyết điểm do chưa xây dựng được một đội ngũ các nhà giáo đủ sức thực hiện mục tiêu giáo dục, mà càng nghĩ sâu càng thấy, chính là vì các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục từ trước đến giờ chưa làm được thật tốt cái ý định cải cách sư phạm đi trước một bước cũng như đã để tồn đọng nhiều vấn đề chưa hợp lý trong tuyển dụng và đãi ngộ nhà giáo.

Cần đổi mới thực sự chế độ đãi ngộ nhà giáo
Dư luận xã hội hiện nay có nhiều ý kiến phê phán ngành giáo dục, trong đó có không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ giáo dục.

Đúng là đang còn một bộ phận những người được phân công đứng trên bục giảng hoặc được phân công làm việc trong các cơ quan quản lí giáo dục là chưa giữ được đạo làm thầy.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà giáo và cán bộ giáo dục đều đáng trách như vậy. Gặp và chuyện trò với nhiều nhà giáo và cán bộ giáo dục, tôi thấy rằng, số anh chị em vẫn giữ được phẩm chất người thầy vẫn đang chiếm tuyệt đại đa số trong lực lượng của ngành. Các anh chị em đó đều không chấp nhận những đồng nghiệp có những biểu hiện lệch lạc về nhân cách và đều có chung nhận thức, xã hội luôn đặt ra yêu cầu cao đối với nhà giáo và cán bộ giáo dục, chính vì tôn trọng nghề thầy và kính trọng người thầy. Song thái độ tôn trọng cũng như yêu cầu cao đối với nhà giáo và cán bộ giáo dục liệu có thể thực hiện được không, nếu như không tạo ra điều kiện cần thiết để nhà giáo và cán bộ giáo dục giữ được đạo làm thầy?

Trong công cuộc cải cách giáo dục sắp tới, để đạt được yêu cầu “đổi mới cơ bản, toàn diện và triệt để” như kết luận của Bộ Chính trị thì cần có những đổi mới thật sự về đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cũng như về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo. Không giải quyết được “vấn đề giáo viên” để nhà giáo có điều kiện giữ được phẩm chất và có năng lực cần thiết, giúp họ có động lực phấn đấu, nhằm đạt chất lượng và hiệu quả giáo dục thì dù giáo dục có cải cách hay đổi mới cũng không thể đạt được kết quả đáng kể.

Vấn đề người thầy và nghề thầy càng bức xúc khi nghĩ đến mục đích của sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay là xây dựng một nền giáo dục Việt Nam, vừa tiên tiến khoa học, vừa giữ vững bản sắc dân tộc lại biết hội nhập quốc tế một cách khôn ngoan để có thể đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người có đức, có tài, có nhân cách và có lòng yêu nước nồng nàn. Rõ ràng, nhiệm vụ nặng nề đó đang đặt trên vai những người thầy, muốn thực hiện: không thầy đố mà làm nên.

Cuối cùng, nhân dịp Tết đến Xuân về, với tư cách của một người đã từng là nhà giáo và đã có thời được giao nhiệm vụ quản lý giáo dục, tôi xin chúc các nhà giáo nêu cao hơn nữa đạo làm thầy và chúc các nhà quản lý giáo dục sớm thực hiện được điều mà thế hệ chúng tôi đã cố gắng nhưng chưa làm được trọn vẹn là xây dựng một đội ngũ nhà giáo đủ về số, cao về chất, hợp lý về cơ cấu đồng thời tạo điều kiện để nhà giáo giữ được và nêu cao đạo làm thầy.

Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước)

Theo Đất việt.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top