Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
NGHI THỨC TANG LỄ TRUYỀN THỐNG
Khi một người trong gia đình nằm xuống, người ta xé miếng vải trắng, quấn lại như một hình nộm rồi buộc lên chiếc gậy, đặt trên bàn thờ gọi là “phồn bạch”. Hồn người chết nương vào mấy miếng vải trắng này. Người ta đưa vào miệng người chết một nhúm gạo cuối cùng của dương thế gọi là “phẩm hàm”. Người chết được mặc áo quần mới và đẹp, được liệm bằng một tấm vải trắng. Người chết đã liệm được đặt vào áo quan đúng giờ “lành”. Áo quan đặt giữa nhà, phía dưới bàn thờ và được kê trên hai chiếc mễ gỗ. Trên mặt áo quan có bát cắm hương, nến và một bát cơm đầy có quả trứng luộc. Sau khi người chết được đặt vào áo quan và đóng kín lại, gia đình làm lễ “phát tang”. Những người trong gia đình chít khăn sô, mặc áo sô, thắt dây lưng lá chuối hoặc mang khăn tang...
Theo một quy định có từ lâu, chỉ cần nhìn là biết ngay người chít khăn hoặc mặc áo có quan hệ thế nào với người chết. Con trai người chết lại có thêm chiếc gậy để chống (nếu là bố thì con trai có gậy tre, nếu là mẹ thì chống gậy gỗ vông). Các cây cối trong vườn cũng được buộc vào cành một miếng giấy bản trắng hoặc một miếng vải trắng hẹp bản để cây cối cũng nhớ thương, tiễn người ra đi.
Sau lễ phát tang, cả gia đình đứng quanh quan tài. Phường bát âm nổi kèn trống, tấu lên bài “Con nhạn lạc đàn” nghe ai oán, rồi rúc lên những hồi kèn pha rất bi ai. Cả nhà oà lên khóc lóc, kể lể tuỳ theo tâm trạng biểu thị tình cảm của người khóc đối với người chết. Họ kể lể những điều buồn thảm, nhớ nhung thật sinh động. Nào nỗi niềm tử biệt sinh ly, nào nỗi cô đơn buồn thương da diết của người sống đối vớingười chết. Có nơi giữ tục thuê người khóc mướn. Đó là một, hai người đàn bà đứng tuổi, từng trải, có cuộc đời éo le, nặng lòng với cuộc đời, rất tự nguyện đi “thương vay, khóc mướn”. Họ có “nghiệp vụ” nên kể lể ra đủ chi tiết làm mủi lòng mọi người. Họ khóc và kể về cuộc đời người đã khuất và sự vắng mặt của người ấy sẽ đem lại những cay đắng và tổn thất đối với người sống. Họ kể lể, lên bổng xuống trầm, gần như hát, có điệu có vần.
Chỉ cần thay đổi đi chút ít là có thể thành những dòng văn thơ. Ví dụ như khóc cho người chị khóc cậu em trai độc nhất như sau: “Thế là từ đây xa rồi, mỗi người đi mỗi ngả. Bây giờ không biết làm sao, thương nhớ nhau làm sao ”. Người ta sửa lại thành:
“xa qua rồi em, người mỗi ngả
Bây giờ không biết nhớ thương nhau...”
Trên bàn thờ và trên nắp áo quan, nến thắp sáng, khói hương nghi ngút. Bạn bè, họ hàng lần lượt đến phúng viếng người chết. Họ trao cho tang chủ một số tiền hoặc một chút lễ vật rồi vái người chết ba vái. Mọi người chung ý nghĩ: “nghĩa tử là nghĩa tận” thù hận cũng được bỏ qua.
Khách vái xong, vợ và con của người chết túc trực bên linh cữu quỳ xuống tạ lại ba vái tỏ lòng cảm ơn và kính trọng.
Nghi trượng đưa người chết đến mộ phần gồm:
1 Bàn để bài vị ghi tên, tuổi người chết;
2 Một bàn minh tinh thể hiện vị trí xã hội của người chết;
3 Một nhà táng bằng giấy nhiều màu sắc che ngoài áo quan và sẽ được đốt đi sau khi đã chôn áo quan xuống đất áo quan đặt trên một cái kiệu có đầu rồng do nhiều người khiêng.
Linh cữu được khiêng từ từ, nhịp nhàng theo sự chỉ huy của một ông già cầm haimảnh tre gõ vào nhau gọi là gõ xinh, cùng với dàn nhạc bồng bềnh, trôi nổi, nỉ non và buồn thảm. Linh cữu qua đình, chùa phải được khiêng hạ thấp xuống để kính chào. Khi ra khỏi làng phải chào cổng làng một lần cuối.
Đi sau linh cữu là vợ, con của người chết. Con trai chống gậy tre, lưng còng xuống vì gánh nặng nhớ thương mà cũng là do gánh nặng sắp tới sẽ đến với anh ta. Sau đó là con dâu, con rể, cháu chắt, họ hàng.
Cháu chít khăn trắng, chắt chít khăn vàng, chút chít khăn đỏ áo tang lươm bươm, không may lại với nhau mà chỉ có mấy cái dải buộc. Đầu tóc của con cháu đê bù xù, không chải.
Ngay sau đàn con, cháu là phường nhạc gồm 8 người rồi đến một đoàn các bà vãi ăn mặc nâu sồng, có đeo tràng hạt có 108 hạt. Tay mỗi người cầm một nén hương. Đầu đội chung một mảnh vải vàng thật dài có in những dòng chữ nhà Phật. Các bà đọc câu “Nam mô A di đà Phật”, đọc kinh, kể công ơn cha mẹ, kể cả về những sự gian nan đau khổ của kiếp người.
Huyệt để đặt áo quan xuống đã được đào từ trước theo sự chỉ dẫn của thầy địa lý. Sau khi chôn cất xong, bài vị có tên người chết được rước về nhà, đặt lên giường thờ, gần bài vị của tổ tiên. Hồn người chết đã nhập vào bài vị để con cháu thờ cúng. Người ta đánh dấu phía đầu ngôi mộ. Trước lúc đó, có nhà sư lần tràng hạt, tụng kinh, cầu cho linh hồn người chết được thanh thản nơi thế giới bên kia. Sau mấy lần cầu, cuối cùng nhà sư nhúng cành cây nhỏ vào chiếc chén có nước rồi vẩy ra xung quanh làm bắn lên những giọt nước “cành dương,” Nhà sư cố tình đi xa ra chừng vài mét để gia đình khóc những tiếng khóc giã từ lần cuối. Mọi người ra về.
Ba ngày sau, gia đình ra thăm mộ, thắp hương, nến, cúng rượu thịt, xôi, hoa quả rồi về nhà cùng ăn một bữa cơm với nhau gọi là làm lễ “ba ngày”.
Ngày nay, xã hội đã thay đổi về nhiều lĩnh vực, trong nếp sống văn hoá mới, nghi thức tang lễ ở nước ta vừa có sự kế thừa những nét truyền thống của dân tộc vừa có sự tiếp thu ảnh hưởng những tiến bộ của phong tục văn hoá phương Tây.
( Theo Lý Khắc Cung - Hà Nội , văn hóa và phong tục )