@tammatam
Đề bài: Nghị luận về hình tượng tập thể dân làng Xô Man trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Bài làm
“Rừng xà nu” là tác phẩm kết tinh vẻ đẹp truyền thống của Tây Nguyên. Vẻ đẹp đó không chỉ được thể hiện qua biểu tượng của thiên nhiên mà còn biểu hiện trực tiếp, cụ thể ở hình tượng con người. Con người được cuốn vào một vấn đề bức thiết đó là vận mệnh của cả dân tộc. Mỗi con người đã hòa nhập cái tôi vào vận mệnh chung của đất nước. Vận mệnh đã chi phối tính cách các nhân vật, nâng họ lên tầm vóc anh hùng. Điểm cơ bản tạo nên chất sử thi của tác phẩm chính là chân dung tập thể anh hùng khắc họa đậm nét.
Rừng xà nu là chuyện đánh giặc của một làng ở Tây Nguyên, làng Xô Man bất khuất. Cả làng Xô Man đã kết thành một khối, từ trong máu lửa đứng lên làm cách mạng, bảo vệ cuộc sống tự do. Già, trẻ, trai, gái, thế hệ nào, lớp nào cũng có những đóng góp xứng đáng cho cuộc đấu tranh chung
Anh Quyết là một nhà văn cách mạng, Nguyễn Trung Thành có nhận thức rất sâu sắc về tính chất toàn diện của cuộc chiến tranh nhân dân. Nói về phong trào cách mạng người miền núi, hình ảnh những người cán bộ của Đảng được giao nhiệm vụ giữ gìn và khơi lên ngọn lửa đấu tranh vì độc lập tự do. Trong
Rừng xà nu, cán bộ Quyết là một hình ảnh đẹp, có nét tương đồng với hình ảnh anh Thế, anh Cầm trong trong
Đất nước đứng lên, Anh Châu trong
Vợ chồng A Phủ trước đây trong những ngày đen tối, anh đã bám trụ lại ở làng Xô Man nhen nhúm xây dựng phong trào. Anh duy trì niềm tin vào Đảng trong lòng đồng bào dân tộc, đã bồi dưỡng giáo dục thế hệ kế tiếp. Những lời anh rủ rí với Tnú trong hốc đá giữa rừng đã trở thành lời nguyện thiêng liêng của chính Tnú: “Sau này nếu Mỹ – Diệm giết anh Tnú phải làm cán bộ thay anh”. Khi anh Quyết hy sinh lời dặn dò của anh đã được Tnú và đồng bào Xô Man ghi lòng tạc dạ. Anh chính là người lãnh đạo tinh thần cuộc khởi nghĩa sau này của làng Xô Man.
Tây Nguyên là một miền đất giàu truyền thống. Hạt giống cách mạng sở dĩ được nảy mầm và phát triển tươi tốt ở đây chính là nhờ truyền thống đó. Sức mạnh của truyền thống đã được biểu hiện qua hình tượng rất sinh động là cụ Mết. Trong một bài hồi ức chính của Nguyễn Trung Thành, tác giả viết “Ông là cội nguồn. Là Tây Nguyên của thời đất nước đứng lên còn trường tồn đến hôm nay. Ông như lịch sử bao trùm, như không che lấp đi sự đi tới nối tiếp và mãnh liệt, ngày càng mãnh liệt lớn, sành sỏi và tự giác lớn của các thế hệ sau”. Đó là cụ Mết. Đúng là không thể hình dung mọi cuộc sống chiến đấu của các đồng bào dân tộc Tây Nguyên mà lại thiếu đi hình ảnh như cụ Mết. Cụ là người chỉ huy trực tiếp cuộc kháng chiến ở làng Xô Man, một người chỉ huy sáng suốt giàu uy lực. Mỗi lời cụ Mết nói đều mang âm vang của sự từng trải, không phải là sự âm vang của một cuộc đời người mà còn của cả một dân tộc. Chúng mạnh mẽ và dứt khoát như “dao chém xuống đá, rạ chém xuống đất”; “Đảng còn núi nước này còn”, “nhớ lấy ghi lấy. Sau này tao chết rồi, bay còn sống phải nói lại cho con cháu, chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”, cụ rất có ý thức về giáo dục cho con cháu. Đã nhiều đêm bên bếp lửa nhà ưng, cụ kể cho đám thiếu nhi, lũ con nít nghe chuyện anh Tnú - niềm tự hào của nàng Xô Man và thổi vào họ lòng yêu nước, lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng. Hình ảnh cụ Mết cầm giáo chỉ huy đám thiếu niên tiêu diệt bọn lính ngụy để cứu Tnú và bắt đầu cuộc khởi nghĩa, đẹp một cách lẫm liệt. Cụ xứng đáng là trụ cột của cả làng Xô Man trong những thử thách ghê gớm nhất. Do hiểu sâu sắc điều đó khi tả cụ Mết, tác giả thường mượn những đặc tính của cây xà nu biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất làm đối tượng so sánh: “ngực cụ căng như một cây xà nu lớn còn bàn tay nặng như sắt của cụ thì sần sùi như vỏ cây xà nu. Tiếng nói của cụ cũng thật đặc biệt; nặng trịch, ồ ồ, dội vang trong lồng ngực tưởng như âm vọng của cả núi rừng.” Hình ảnh cụ Mết thực tế đã tạo thành một cơ sở quan trọng cho cái giọng trầm hùng vang vọng nhất sử thi mà tác phẩm đã có được.
Nhân vật trung tâm của truyện ngắn này là Tnú. Câu truyện của chàng thanh niên này được kể qua lời của cụ Mết. Anh là tiêu biểu cho số phận, con đường đấu tranh của dân làng Xô man. Anh là "người Stra mình", mồ côi cha mẹ, lớn lên trong sự đùm bọc của dân làng Xô man. Trong anh là những phẩm chất nổi bật. Trước tiên anh là người có lòng dũng cảm gan góc kiên cường và mưu trí. Tnú sớm đến với cách mạng trong những ngày gian khổ, ác liệt nhất. Anh là thành viên đi liên lạc và nuôi giấu cán bộ ta. Dù bọn giặc có nhiều lần răn đe hăm dọa, chúng bắt anh Xút, bà Nhan nhưng T nú vẫn không sợ mà vẫn tiếp tục tham gia. Anh vẫn cùng Mai nuôi giấu cán bộ Quyết trong rừng. Khi được anh Quyết dạy chữ, T nú thua Mai, anh đập vỡ bảng, lấy đá đập vào đầu "chảy máu dòng dòng". Khi đi liên lạc, "đầu sáng lạ lùng". T nú "không bao giờ đi đường mòn", mà cứ trèo lên cây cao xem xét rồi "cứ xé rừng mà đi", "không thích lội chỗ nước êm mà cứ lựa thác nước gập ghềnh mà băng qua". Bởi theo anh những nơi đó giặc ít ngờ tới. Một lần, bị giặc phục kích bất ngờ, anh chỉ kịp "nuốt luôn lá thư". Bị giặc tra tấn dã man nhưng anh quyết không khai. Khi bọn giặc tra khảo hỏi cộng sản ở đâu, anh còn thẳng thừng chỉ tay vào bụng nói "cộng sản ở đây này". Trên lưng anh bây giờ ngang dọc những vết chém ngày ấy. Rồi anh bị giam vào ngục Kon Tum nhưng vẫn tìm cách thoát ra để tiếp tục tham gia kháng chiến và bây giờ anh đã là một anh chiến sĩ cộng sản. Không chỉ là người dũng cảm gan góc, mưu trí kiên cường, ở anh còn sáng lên đức tính kỉ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Anh tham gia lực lượng vũ trang, nhớ nhà, nhớ quê hương, anh xin phép được về làng Xô man. Giấy phép cho anh về một đêm thì đúng một đêm sáng sớm hôm sau anh lên đường. Từ tính kỉ luật cao ấy, anh nung nấu nó thành lòng trung thành với Đảng với cách mạng. Khi bị đốt mười đầu ngón tay, anh vẫn nhớ kĩ lới anh Quyết dạy "người cộng sản không thèm kêu van, quyết không thèm kêu van" mặc dù "răng anh đã cắn nát môi anh rồi". Tnú không thèm kêu nửa lời mà luôn tâm niệm câu nói của a Quyết. Anh nhớ như in câu nói của cụ Mết "Cán bộ là Đảng, Đảng còn thì nước còn". Trái tim Tnú là một trái tim đầy yêu thương và sục sôi căm giận Với vợ con Mai, anh là người cha đầy trách nhiệm.Mấy hôm chưa đi chợ mua vải được anh xé tấm đồ ra cho Mai địu con. Chứng kiến cảnh mẹ con Mai bị bọn giặc đánh đập, anh đã bứt hết trái vả mà không hay. Mắt anh lúc ấy là hai cục lửa lớn, tay không nhưng anh vẫn xông vào xô ngã bọn giặc để cứu mẹ con Mai. Anh còn sống rất tình nghĩa với buôn làng. Với bọn giặc anh không chỉ có thù chung mà còn thù riêng của anh. Sự căm giận đối với bọn giặc đã làm động lực để anh chiến đấu. T nú là một nhân vật tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của dân làng Xô man. Anh là tiêu biểu cho thế hệ nối tiếp bước của cụ Mết trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dít và bé Heng là đại diện cho thế hẹ tiếp theo của cụ Mết và T nú, là những cô gái dũng cảm của dân làng Xô man. Dít có phong cách nổi bật là sự nhanh nhẹn, rắn rỏi và cương nghị. Khi bị giặc bắn hăm dọa, những phát đầu tiên Dít còn giật mình nhưng sau đó Dít không giật mình nữa mà nhìn thẳng vào bọn giặc. Bây giờ, Dít chững chạc trên cương vị "Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên xã đội". Cô được mọi người tin cậy và yêu thương. Dít còn nghiêm khắc hỏi giấy Tnú. Bé Heng là thành viên nhỏ tuổi nhất được miêu tả trong truyện ngắn này. Trong trang phục học làm người lính, bé Heng nhanh nhẹn tháo vát thông thạo hầm chông hố chông. Bé như là một cây xà nu mới nhú, hoàn thiện bức tranh phù điêu về con người Tây Nguyên
.
Rừng xà nu là câu chuyện của một tập thể anh hùng có những nét riêng thích hợp riêng trong cuộc đời.Tuy nhiên tất cả họ đều giống nhau ở những phẩm chất cơ bản: gan dạ, trung thực,một lòng đi theo cách mạng.Chiến công của mỗi người tuy đa dạng mà lại thống nhất. Cuốn sử vẻ vang của làng Xô Man của Tây Nguyên không phải do riêng một người viết ra mà do tất cả mọi người. Bản trường ca của đại ngàn hùng vĩ không phải chỉ trỗii lên một giọng mà là sự tổng hòa của nhiều giọng. Anh Quyết, cụ Mết, anh Tnú,chị Mai, cô Dít, bé Heng là những nhân vật tiêu biểu; nhưng bê cạnh họ, đằng sau họ còn có bao người khác nữa cũng đã chịu “ngủ yên trong đời chật”, tất cả họ đều ti đua lập côn, đều muốn đóng góp phần mình vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc. Làng Xô Man sở dĩ có thể trưởng thành “thiên la địa võng” với quân thù là nhờ có sự góp sức của mọi người. Sau khi đi lực lượng, Tnú ghé về thăm làng. Anh không khỏi ngạc nhiên về cái làng xưa của mình “ đường cũ nay chằng chịt, hầm chông hố chông, cứ mười phút lại gặp một giàn thò chuẩn bị sẵn, cần thò căn dây ná, đánh một phát chắc chặt gãy đôi ống quyển…” Sự ngạc nhiên của anh nói lên rằng: cuộc sống vẫn không ngừng đi lên, cuộc cách mạng của chúng ta không ngừng lớn mạnh. Họ đã hiểu nhau, sát cánh bên nhau, tiếp bước nhau trong công cuộc ra quân hùng vĩ của núi rừng, đất nước.
Nhân vật là linh hồn của tác phẩm, chuyển tải chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Những kì tích của mỗi nhân vật trong rừng xà nu đều thể hiện tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chân lí của thời đại. Lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của họ mãi là khúc ca hùng tráng không chỉ có tác dụng biểu dương cho tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong những năm kháng chiến mà còn có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn, khí phách cho thế hệ mai sau