Ngày xưa
Hạnh ngồi thừ ở bậc cửa. Trong nhà bà nó đang mân mê cái quả thuốc sơn đen đã lên nước bóng loáng. Những miếng cau tươi cắt gọn được bà xếp thành hàng trên mặt bàn. Vài lá trầu bị úa làm bà nó cứ tiếc rẻ, xuýt xoa mãi. Hạnh định bụng ngày mai đến nhà thằng Hiếu xin cho bà một ít. Gì chứ, trầu nhà nó thì hái cả rổ cũng được.
Một con ruồi bay vè vè trước mũi Hạnh. trong nhà, tiếng bà lẩm nhẩm những như ru ngủ. Hạnh toan đứng dậy.
- Hạnh này – Bà gọi – xem cho bà hôm nay là mồng mấy đi con!
Nó thở dài sườn sượt:
- Thì hôm qua con đã chẳng xem cho bà rồi còn gì. Hôm nay là mồng tám bà ơi. Bà đã nhớ ra chưa nào?
-à, ờ...Sao nhanh quá vậy? Bà lại cứ ngỡ mới hai mươi bẩy ta. Vài bữa nữa là giỗ cụ nội rồi đấy con ạ . Còn giỗ bà Vượng vào cuối tháng nữa. Cũng họ hàng thúc bá với nhà mình cả.
Hạnh cười thầm rồi tự hỏi: làm cách nào bà nhớ tài thế không biết .Cứ như cả ngày bà chỉ lo mỗi việc ma chay cưới xin của họ hàng. Thế thì rầu cả người. Còn nó à, có vẽ ra từng người một, dúi tận vào tay, vào mắt nó cũng chẳng biết ai với ai chứ đừng nói nhớ được ngày tháng. Nếu bà nó có điều kiện đi học chắc phải giỏi lắm vì trí nhớ tuyệt vời ấy.
Bã đã rời khỏi cái ghế bành da sờn mép, ngó ngó ra ngoài cửa sổ:
- Nắng đã lên đến cây hoè rồi kia à? Thôi để bà đi đun ấm nước rồi thổi cơm khí muộn. Mày đang ốm đấy con ạ. Rồi bà nấu cho tí cháo hành mà ăn. ở quê, cứ nhức đầu sổ mũi ăn tí cháo hành vào là khỏi hết con ạ. Chứ đâu như trên thành phố này, hơi tí là thuốc. Suốt ngày đổ thuốc vào người thì lớn sao nổi. Đấy, bây giờ mày mới còm dom dom thế này đây! Ngày xưa bằng tuổi này ấy à...
Bà lập cập bỏ trầu cau vào quả thuốc, miệng vẫn kể lể cho Hạnh nghe những chuyện ngày xửa ngày xưa. Nó nghe nhiều quá nên đâm chán, bỏ vào giường nằm. Nó thầm nghĩ: “ngày xưa thì nói làm gì !” Hạnh chợt nhớ lời hẹn đi chơi với các bạn cùng lớp nên ngong ngóng ra ngoài cửa, tự hỏi sao chúng vẫn chưa thấy đến. Nhìn thấy bà lụi cụi nồi niêu, Hạnh gắt :
-Mới chín giờ, bà thổi cơm làm gì cho nguội hết. Hôm nay chỉ có hai bà cháu ở nhà thôi. Bố mẹ cháu đi nghỉ mát đến chủ nhật mới về cơ, bà không nhớ à? Có bếp điện đấy, bà lo gì. Thổi tí tẹo là xong.- Hạnh cau có – cây phượng bố cháu trồng đẹp thế mà bà cứ nhầm với cây hoè. Chán bà quá!
- ừ, thì bà già rồi, bà hay quên vậy đấy. Thôi cứ để bà vun ít củi vụn đun nốt cho sạch bếp. Điện đóm gì! Chết như chơi ấy con ạ.Với lại nấu cơm nó cũng không thật hạt gạo, ăn dở dở, khó nuốt lắm. à đấy, lại còn chuỵện nghỉ mát với chả nghỉ ấm. Bà bảo thật nhé, trông gớm chết đi được. Thôi bà chẳng nói nữa không mày lại chê bà lẩm cẩm. Chứ ngày xưa ...
-Thôi nào bà ơi! – Hạnh rên rỉ. Nó đã phát chán những lời ca cẩm cũ kĩ của bà rồi.
- Thì bà có nói gì đâu nào – bà dàn hoà - Mọi chuyện bây giờ khác quá, bà chẳng thể nào quen được cháu ạ. Chứ cứ như ngày xưa...
Hạnh đã ngủ thiếp đi trong lời rì rầm của bà. Nó nghĩ đến việc ngày mai cả lớp sẽ được đi thăm quan Ao Vua.Tuyệt thật. Ngày mai...
*
Cô Quế sang mách mẹ nó:
- Em nhìn thấy bà mang gạo sang cho con cái Loan. Chẳng biết có được đồng nào không mà thành ra mang tiếng. Chị xem thực hư thế nào rồi bảo với bà một tiếng chứ ai lại thế.
Mẹ chép miệng:
- Đấy cô xem, có ai khổ như tôi không ? Mà bà còn thiếu thứ gì đâu lại phải làm thế. Rõ thật muối mặt với hàng xóm láng giềng.
Hạnh cãi :
- Cái Loan vay gạo bà. Bố mẹ nó đi chở gỗ trên Thái Nguyên chưa kịp về.
Cô Quế nguýt Hạnh :
- Trẻ con biết gì!
Mẹ trừng mắt quát:
- Chỗ người lớn nói chuyện còn định nói leo à? Có đi chỗ khác chơi không thì bảo?
Nó ấm ức bỏ vào phòng.
*
Bà lạch cạch hồi lâu dưới bếp. Hạnh sốt ruột vừa gõ bát đũa ầm ĩ vừa đi xuống. Trời ơi! Bà làm cái gì thế này? Bà nó đang đổ dễ đến một lít nước vào nồi thịt kho. Hạnh hoảng hốt giành lại phích nước sôi trên tay bà:
- Bà làm cái gì vậy? Thế này thì bao giờ mới cạn hết nước? Bà ơi là bà!
- ờ, thì tao đổ thêm nước để lấy cái chấm rau muống. Lại chẳng ngon bằng vạn lần nước mắm đấy à. Mà sáng ăn cơm nguội với nước thịt là hết ý đấy cháu ạ. Gớm , con gái con gứa, hét ù cả tai bà rồi.
- Bà làm thế mẹ lại mắng con cho mà xem. Hàng xóm nhìn thấy người ta lại tưởng nhà cháu bắt bà ăn uống kham khổ. Chán bà quá!
Bà gạt lửa, thủng thẳng bảo nó:
- Dào ôi. Biết đâu mà chiều thiên hạ. Ngày xưa tao ấy à...
“ Bà lại những chuyện ngày xưa!” Hạnh chán ngán bỏ lên trên nhà, mặc bà lụi cụi một mình.
*
Thằng Hùng mếu máo:
- Bà ứ thương em. Bà ki bo lắm.
Hạnh nạt nộ:
- Mày dám nói bà thế, bố về bố đánh đòn .
- Em ứ sợ . Chứ không phải à? Bà mới lĩmh lương hưu mà bà chẳng mua gì cho em. Bà chỉ mua cho mỗi thằng Hải thôi. Bà quý nó sao không sang mà ở với nó ấy!
Hạnh mắng át đi :
- Mày gào nó vừa thôi , tao cho một trận bây giờ. Cô chú nghe thấy thì sao hả? Mà mày còn thiếu thứ gì nữa ?
Thằng nhỏ khóc giẫy lên:
- Em ứ biết đâu! Em kệ bà đấy! ứ biết dâu... hu ...hu...
*
Bà nằng nặc đòi về quê.Trong lúc bà nói, bố vẫn mải dán mắt vào tờ báo thể thao:
- ừ, trận tứ hùng sẽ diễn ra vào chủ nhật tuần tới. Quả này thì thằng ý chết đứt !
Hạnh thấy bà ngồi co ro cuối giường, ý chừng sốt ruột:
- Anh cả ạ, anh xem thế nào để mai tôi về.
- Bà hay thật! Đang ở với con cháu đầy ra dấy lại đùngđùng đòi về.
Mẹ nó nói mát:
- Hay ai làm bà phật lòng?
Hạnh băn khoăn:
- Bà về bây giờ thì ở với ai? Các cô , các chú dã chuyển hết lên trên này rồi còn gì?
Bà nhìn nó ngạc nhiên;
- Sao lại không còn ai? Còn cô Nụ đấy thôi.
Hạnh thắc mắc:
- Nhưng cô Nụ chỉ là con riêng của ông. Bà làm thế nhỡ...
Mẹ nó nói dỗi:
- Con cháu bà thì bà chẳng muốn ở, bà lại đi ở với người ngoài.
Bà rân rấn nước mắt:
- Anh cả , chị cả ạ, tôi phải về thôi. Mấy hôm rày người tôi không được yên. Hay là ông ấy về, không gặp được tôi ở dưới quê nên ông ấy trách .
Thằng Hùng vừa cười vừa vỗ bụng bình bịch:
-Bà lẫn rồi. bà nói cứ y như ông còn sống ấy.
Hạnh cấu nó. ở cuối giường, bà nó bỗng ngồi lặng phắc. Hai giọt nước mắt đùng đục tự nhiên trào ra từ hai khoé mắt gìa nua.
Bố bỏ tờ báo xuống:
- Thôi được, mai con nghỉ phép đưa bà về quê. Bà có nhớ hàng xóm láng giềng thì cứ ở lại chơi dăm bữa nửa tháng rồi chúng con lại xin đón bà lên ở cùng cho có bà có cháu. Kể ra ở nhà cô Nụ thì cũng bất tiện. Mà nhà cô ấy hoàn cảnh lại khó khăn. Thôi mọi việc tuỳ bà quyết định.
Bà thở dài:
- Anh cứ đưa tôi về đã. Biết đâu...
Mẹ tôi không nói gì, vội đi ra ngoài.
*
Đám ma bà nó to nhất làng. Ô tô , xe máy về chật ngõ.
Cô Nụ cũng chít khăn trắng.Bốn đứa con cô khóc ngằn ngặt đòi bà. Mẹ Hạnh xót xa:
- Bà chỉ tổ đi ẵm con cho thiên hạ!
Bố nó thở hắt ra:
- Thôi đi!
Cô Nụ hai mắt sưng húp, chạy tới chỗ bố Hạnh:
-Bà gửi số tiền tiết kiệm này để lo chuyện hậu sự. Bà dặn chỉ làm thật đơn giản thôi. Các anh, các chị về được cả thế này là tốt lắm rồi.
Cô nhìn sang Hạnh:
- Con bố Hưng đấy à? Lớn quá nhỉ. Bà hay kể chuỵện về con lắm. à, bà nhờ cô đưa cho con đôi khuyên tai ...
Bố gạt đi:
- Thôi để lúc khác đi. Bây giờ lo tang lễ đã.
Cô Nụ ngượng nghịu cúi đầu biết lỗi rồi tất tả chạy đi. Hạnh chợt hiểu vì sao bà đã không coi cô là người dưng.
*
Mẹ gầy sụp hẳn đi. Cô Quế sang thăm cũng phải kêu lên:
- Chị soi gương xem có còn ra hình người nữa không !
Hạnh nghe giọng mẹ nằng nặng:
- Bà đi nhanh quá. Hèn nào mà bà cứ nhất quyết đòi về. Tôi cũng hơi linh cảm thấy chuyện đấy nhưng không tin vì bà còn khoẻ thế cơ mà.Thật không thể lường trước được.
Hạnh nhìn mẹ ngỡ ngàng. Mẹ cũng yêu quý bà nhưng chẳng mấy dịp được thổ lộ . Nước mắt Hạnh chực trào ra.
Tối đi ngủ, thằng Hùng lẵng nhẵng ôm lấy chân Hanh:
- ứ biết đâu, em cần bà cơ. Hôm nọ em hỏi bà: trên cây có hai con chim, một con bay đi hỏi trên cây còn mấy con. Thế mà bà lại bảo chẳng còn con nào. Em ứ chịu đâu, em cần bà cơ.
Hạnh chẳng thể nói gì với nó, dù chỉ một lời nạt nộ hay an ủi.Nó lặng lẽ ngồi vào cái ghế bành da bà thường ngồi. Cái quả thuốc sơn đen vắng tay người bụi đã bám đầy. Hạnh máy móc mở nắp ra: mấy lá trầu đã héo khô.
Bà ơi, bây giờ con đến nhà thằng Hiếu xin trầu cho bà, bà còn ăn được nữa không , bà ơi?...
*
Con Oanh lục ngăn kéo bàn học của Hạnh. Nó cười ré lên khi nhìn thấy đôi hoa tai cổ lỗ sĩ :
- Cậu kiếm ở đâu ra vậy? Trông ngộ quá nhỉ. Cho tớ mượn đi. Đội văn nghệ lớp tớ đang tập một vở kịch cho rằm Trung thu đấy. Tớ sẽ đóng vai một bà già giầu có và keo kiệt. Thêm đôi hoa tai này nữa thì hết sẩy!
- Nhưng bà tớ không phải là người như thế !- Hạnh giận giữ giật phắt lại đôi hoa tai
- Nhưng ... tớ đâu có nói bà cậu.
- Nhưng hoa tai này là của bà tớ!
Nhìn khuôn mặt căng thẳng vì sợ của Oanh, Hạnh chùng người xuống, xa xót nhớ đến bà. Cả đời bà có lúc nào nghĩ cho mình đâu...
Cây phượng mùa này đã ra hoa rồi bà ơi. Sẽ chẳng còn người thứ hai nhầm nó với cây hoè đâu bà. Giá như cháu được quay về ngày xưa, ở đó có bà...
Nguồn : Phongdiep.net