Nêu những nét chính có ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ CMT8 năm 19

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Nêu những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hóa có ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975, đồng thời phân chia giai đoạn phát triển của văn học Việt Nam trong thời kì này.

BÀI LÀM


Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỉ nguyên mới trên đất nước ta, khai sinh ra một nền văn học mới gắn liền với lí tưởng độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Đó là nền văn học của chế độ mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính đường lối văn nghệ của Đảng là nhân tố có tính chất quyết định để tạo nên một nền văn học thống nhất về khuynh hướng tư tưởng, thống nhất về tổ chức và về quan niệm nhà văn kiểu mới: nhà văn – chiến sĩ.

Công việc xây dựng cuộc sống mới, con người mới ở miền Bắc và đặc biệt là hai cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật, đem đến cho các văn nghệ sĩ chất liệu sống phong phú và cảm hứng nồng nàn để sáng tạo nên tác phẩm.

Nền kinh tế nghèo nàn và chậm phát triển, điều kiện giao lưu văn hóa với nước ngoài không lợi nhuận cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của văn học. Tuy vậy, nhờ những thuận lợi cơ bản nói trên, văn học từ 1945 đến 1975 vẫn phát triển và đạt được những thành tựu to lớn.

Văn học Việt Nam từ 1945 đến năm 1975 có thể chia làm ba thời kì phát triển và nội dung chính của từng thời kì như sau:
Từ năm 1945 đến năm 1954. Thời kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn nhỏ:


  • Năm 1945 – 1946: Văn học ca ngợi Tổ quốc và quần chúng cách mạng trong những ngày giành độc lập với những tác phẩm như Dân khí miền Trung (Hoài Thanh), Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt (Tố Hữu), Ngọn quốc kì, Hội nghị non sông (Xuân Diệu), Tình sông núi (Trần Mai Ninh)…
  • Năm 1947 – 1954: Văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tình cảm gắn bó sâu sắc với đời sống cách mạng và kháng chiến, hướng tới quần chúng nhân dân… Văn học giai đoạn này đạt những thành tựu mới trên nhiều thể loại như truyện ngắn, kí, tiểu thuyết, thơ, kịch và lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu như truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, Làng của Kim Lân, tiểu thuyết Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, tập truyện Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, các bài thơ kháng chiến của Hồ Chí Minh (Cảnh khuya, Nguyên Tiêu, Báo tiệp, …), Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu,… và đặc biệt là bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của Trường Chinh.

Từ năm 1955 đến năm 1964. Đây là chặng đường văn học trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Văn học tập trung thể hiện hình ảnh người lao động, ca ngợi những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.

Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề, nhiều phạm vi của hiện thực đời sống. Thơ cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều cảm hứng lớn từ đất nước, dân tộc trong sự hòa hợp giữa cái riêng và cái chung của nhà thơ, và đã có được một mùa gặt bội thu.

Văn học đạt nhiều thành tựu trên nhiều thể loại trong đó đáng chú ý nhất là truyện, thơ và kịch.

Từ năm 1965 đến năm 1975. Đây là chặng đường văn học chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Bắc và Nam với chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Tiền tuyến lớn miền Nam được mùa đánh giặc, được mùa văn học với những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trần Hiếu Minh, Phan Tứ, với thơ của Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Giang Nam, Thanh Hải…

Hậu phương lớn miền Bắc cũng được mùa đánh giặc, được mùa văn học với những tác phẩm truyện kí của Nguyễn Tuân, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Chu Văn,… và nhiều tập thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Xuân Quỳnh, Bằng Việt… Đặc biệt là sự xuất hiện và những đóng góp của thế hệ các nhà thơ thời chống Mĩ cứu nước.

Trong cả ba thời kì, văn học Việt Nam đều có những tác phẩm lớn và còn ghi dấu đến mãi ngày nay.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top