Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Nét đẹp văn hóa của chiếc ao làng
Một trong những hình ảnh thân thương, ăn sâu vào trí nhớ con người ở các làng quê từ thời thơ ấu cho đến lúc về già là hình ảnh những cái ao làng. Câu "còn ao rau muống, còn đầy chum tương” nói lên một cuộc sống thanh đạm mà ung dung trong cảnh thanh bần.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, ở bên bờ ao thường diễn ra nhiều hoạt động náo nhiệt, ồn ào mà đằm thắm. Người ta tát cạn ao rồi chia phần cá cho nhau, có những người vớt từ dưới ao lên những cây gỗ xoan ngâm trong bùn từ tháng giêng để chuẩn bị làm nhà hoặc sửa nhà. Nhiều người chung nhau một con lợn và mổ thịt ngay bên bờ ao, chia thịt, luộc lòng… Người ta rửa lá dong để gói bánh chưng… thật tấp nập và nhộn nhịp. Phong cảnh cái ao thật đẹp.
Mùa xuân, các đám cưới đủ màu sắc ngả bóng xuống ao làng với những tà áo, khăn, nón xênh xang. Dáng đi của những người dự đám cưới in xuống nước như say như tỉnh. Mùa hạ, trên mặt ao có sen quỳ trắng, sen diệp hồng hoặc hoa súng…toả ra một mùi thơm nhẹ. Bên cạnh những bông hoa súng thường có những con chim cuốc đen lủi thủi. Lại có câu: “Ao cá trê, êm ả ngủ chờ sung" hoặc: "bèo lạnh cầu ao, ai đợi chờ?…" Cái ao cũng dự báo mùa thu đến: Bờ ao hiu hắt, nước trong xanh, hay: "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo".
Đó là lúc cuối thu đầu đông. Bờ ao thường được "trang điểm" bằng các loài cây quen thuộc như cây vối, cây sung, rặng cúc tần cổ tích, vương vít những đàn gà con có màu hoàng yến. Bờ ao trong sáng như ca dao. Một góc ao được bắc giàn mướp để cho những quả bầu, quả mướp rủ xuống. Những khi hoa mướp nở làm vàng rộm cả một góc ao với những cánh bướm bay đi, bay lại. Năm 1937 - 1938, ở bìa một số báo Tết có đăng ảnh một cô gái duyên dáng cùng với mấy lời chú thích: "Thoảng tiếng vàng thanh tao Bên gốc mai, bờ ao Một nàng xinh như liễu. Ngồi ngắm bông hoa đào…". Không phải chỉ có thế, cô gái đẹp trong ảnh bên bờ ao này còn đang mơ màng ngắm nhìn những đám mây phiêu lưu trên khung trời in bóng xuống mặt ao.
Khi có khách quý đến, chủ nhà lấy vó cất một vài con cá tươi, xử lý thật nhanh, uống rượu ngay bên bờ ao đó là một "bữa tiệc" khó quên. Nhưng cũng có khi ở vào hoàn cảnh: "Ao sâu, nước cả khôn chài cá" thì chủ và khách chỉ uống rượu suông với nhau cũng vẫn rất thân tình.
Ao cũng là nơi hẹn hò, gặp gỡ của trai gái trong làng. Họ hẹn hò và thề thốt với nhau bên bờ ao vào những buổi chiều tối, những đêm trăng hoặc những buổi sáng sớm. Những cuộc tình này cũng rất nên thơ và lãng mạn. Các cô gái trong lễ vu qui, qua chiếc ao làng, lòng lại bồi hồi nhớ những đêm hẹn hò. Tuổi thơ của nhiều người còn gắn liền với những kỷ niệm khó quên: "Nhớ những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao, Mẹ bắt được… chưa đánh roi nào đã khóc! " (Quê hương Giang Nam)
Họ hàng của ao có đầm, có hồ, kênh, lạch. Ao cũng có luật âm thầm mà chặt chẽ của nó. Tầng nước trên thường là cá riết. Tầng giữa có cá trắm, cá chép, cá quả cá sộp. Lớp dưới cùng là cá trê. Riêng có "cá chuối đắm đuối" thì hoạt động ở tất cả các tầng nước ở trong cái ao, xã hội cá giống hệt như xã hội loài người. Cá tranh ăn, xô xát, đánh nhau, nhường nhịn, sống có đàn…
Ao có nhiều tên tuỳ theo vị trí địa dư, dáng dấp hoặc đặc trưng riêng như: ao cầy vối, ao cây sung, ao chùa, ao đình, ao xóm, ao cây gạo, ao bèo, ao thả cá, ao thả rau cần, ao nuôi vịt, ao ngang…
Ao cũng là nơi dân làng gặp gỡ, tán gẫu để có những thông tin như: Cô A xóm Hạ sắp cưới chồng, bà B đi ra tỉnh thăm coi trai hoặc ông C lên lão bảy mươi… Một vài cô gánh lúa, nghỉ bên bờ ao, xuống ao khoả nước, nhúng cái nón xuống nước cho mát nón hoặc sẵn tay ướt vuốt tóc và vuốt lông mày để cho các chàng trai có câu ca dao: " Có rửa thì rửa chân tay, chớ rửa lông mày chết cá ao anh". Đứng ở bờ ao một mình, nhất là trong những lúc thanh vắng là có sự mong, nhớ, tơ tưởng… Như trong câu ca dao: "Đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ”: Tâm trạng con người trong lúc này là nói buồn trong cõi nhớ. Trần Phương trong tích chèo "Suý Vân giả dại" là một tay nổi tiếng về khoe khoang và nói khoác, đã nói dựng lên: "Sông Tô Lịch là ao anh thả cá". Nghĩa là ngay cả cái con sông Tô Lịch xưa rộng, dài là thế mà cũng chỉ là cái ao thả cá của nhà anh ta mà thôi.
Người phương Tây thấy từ "ao" rất thân mật với họ nên gọi biển Caspienne là cái ao của người Sa La. Người đi xa trở về, thấy chốn quê hương là đẹp hơn cả, cũng bồi hồi: “Ta về ta tắm ao ta; dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Ao nhà ta tuy không phải là đẹp lắm, nhưng nó là cái của ta, cái của mình nên nó đẹp và quý vô cùng.
Ngày xưa, hồi kháng chiến chống Pháp, đâu đâu cũng có những mẩu chuyện bi hùng gắn với cái ao làng gọi là ao kháng chiến. Đó là những cái ao được đào sâu vào bên trong thành những hàm ếch làm chỗ ẩn náu cho du kích. Từ những hàm ếch đó lại còn được đào sâu vào bên trong, xuyên vào các đường ngầm trong xóm. Cho nên, trong những trận càn hoặc những trận chiến đấu, du kích nhảy xuống ao là địch không thể tìm thấy được. Và những du kích nấp ở bờ ao lại xông lên đánh địch. Có những cái ao nhuộm máu sau những trận chiến đấu, được gọi là ao thiêng hoặc mang tên những người nữ du kích anh hùng như: ao chị Chiên, ao chị Mạc Thị Bưởi…
Người ta chê một người nào đó có cái cười nhạt như “nước ốc ao bèo" là có cái lý của nó. Vì rễ bèo cái trong ao hấp thụ mạnh mẽ những chất khoáng cần thiết để hình thành chất prôtêin trong cơ thể ốc. Do ốc thiếu chất đạm trầm trọng nên thịt ốc nhạt nhẽo. "Ăn mày đánh đổ cầu ao” là nói lên hiện tượng một người nào đó rất khó khăn mới ky cóp được một chút gì đó mà lại bị mất đi sạch sành sanh.
Với nhịp độ đô thị hoá chóng mặt như ngày nay, trong một ngày gần đây, mỗi người trong chúng ta sẽ “thèm" một cái ao, một phong cảnh, một hương vị, một chuyện Cổ tích về cái ao".
(Theo Lý Khắc Cung)