Nam Cao

minhnguyencvh

New member
Xu
0
Nam Cao- Vài nét về cuộc đời

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).Nam Cao sinh trưởng trong một gia đình nghèo, đời sống khá chật vật. Nam Cao là con trai cả của một gia đình đông anh em, có bốn em trai và ba em gái, chỉ có mình Nam Cao là người con duy nhất được theo học. Năm 1922 ông học tại trường tư ở làng sau đó học tiểu học và Thành chung ở thành phố Nam Định.

Ngày 2 - 10 - 1935 Nam Cao lập gia đình, vợ là bà Trần Thị Sen, sinh năm 1917 làm ruộng và dệt vải. Cuối năm 1935 Nam Cao theo một người cậu họ vào Sài Gòn kiếm việc làm. Ông làm đủ mọi nghề kiếm sống: phóng viên kịch bóng, viết quảng cáo, thư ký hiệu buôn, dạy học tư… nhưng rồi do bệnh tật nên phải trở về quê. Ông ôn lại vốn học cũ, thi đậu Thành chung rồi ra Hà Nội dạy học cho trường tư thục vùng Bưởi.

Năm 1940 khi phát xít Nhật sang xâm lược Đông Dương, trường bị đóng cửa, Nam Cao sống lay lắt, chật vật bằng nghề viết văn, làm gia sư. Năm 1943, Nam Cao gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật cùng với một số nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi… khi cơ sở văn hóa cứu quốc và phong trào cách mạng ở Hà Nội bị khủng bố mạnh. Nam Cao trở về quê tham gia cướp chính quyền ở địa phương và được bầu làm chủ tịch xã.

Sau đó ít lâu, Nam Cao được điều lên Hà Nội và công tác ở Hội văn hóa cứu quốc. Kháng chiến bùng nổ, Nam Cao theo đoàn quân Nam tiến vào vùng Nam Trung bộ. Năm 1947, ông lên Việt Bắc vừa làm biên tập vừa làm công việc của một cán bộ thông tin tuyên truyền. Nam Cao vinh dự được gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (1948). Năm 1950 Nam Cao nhận công tác ở tòa soạn tạp chí văn nghệ, cơ quan của hội Văn nghệ Việt Nam. Sau đó ông được chỉ định làm ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung Ương, trong thời gian này Nam Cao tham gia chiến dịch Biên giới.

Tháng 11 năm 1951, trên đường công tác vào vùng địch hậu Liên khu 3, Nam Cao bị địch phục kích, ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Nam Cao ngã xuống khi tuổi đời còn trẻ, cũng là lúc tài năng đang độ sung mãn.Cuộc đời ông lận đận từ bé, đã chịu cảnh nghèo đói lại bệnh tật, khi lớn thì vào Nam ra Bắc với đủ thứ nghề kể cả nghề mà những người tự xưng là trí thức không làm. Nhưng với tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương, đặc biệt có sự gắn bó ân tình sâu nặng với bà con nông dân nghèo khổ đã giúp ông vượt qua cám dỗ cuộc đời, vượt qua lối sống thoát ly, hưởng lạc để tự nguyện tìm đến trung thành với con người đem “nghệ thuật” phục vụ “nhân sinh”.Ngày 18 tháng 1 năm 1998 hài cốt của Nam Cao đã được chuyển về quê hương tại “ Vườn văn hiện thực Nam Cao” xã Hòa Hậu huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam.

Nam Cao là nhà văn- liệt sĩ đã được nhà nước phong tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996 cho các tác phẩm: Nhật ký ở rừng, Đôi mắt, Chí Phèo, Nửa đêm, Truyện ngắn chọn lọc (1964) -minhnguyen-
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Nam Cao- Sự nghiệp sáng tác

Lận đận trong cuộc đời, Nam Cao cũng không gặp may mắn trên con đường sự nghiệp. Năm 1936, Nam Cao thử nghiệm ngòi bút của mình qua nhiều thể loại nhưng chưa thành công. Ông lại phải đứng trước khó khăn thử thách khi mà văn học đã bước vào hiện đại hóa một cách nhanh chóng.Những sáng tạo đầu tay của Nam Cao chịu ảnh hưởng khá rõ của văn học lãng mạn với những tác phẩm thơ, truyện ngắn và kịch… ra đời đều hướng tới xu hướng nghệ thuật vị nghệ thuật thoát li thực tế, Nam Cao viết :

“ Tâm hồn tan tác làm trăm mảnh

Vương vấn theo ai bốn góc trời
Rồi để một chiều theo gió thổi
Bay lên thành những mảng mây trôi”

Với hầu hết các bút danh: Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê… phần lớn sáng tác của Nam Cao đều xoay quanh những chủ đề quen thuộc của văn học lãng mạn. Nhưng rồi thời kỳ lãng mạn qua đi, ông mau chóng trở về với cuộc đời thực vì Nam Cao nhận ra thứ văn chương lãng mạn đương thời ấy rất xa lạ với đời sống lầm than của quần chúng nghèo khổ xung quanh. Nam Cao thực sự được cắm mốc vinh quang trên con đường sáng tác theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa từ năm 1940 khi viết Cái lò gạch cũ và đến năm 1941, khi truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi do Lê Văn Trương đặt lại xuất hiện trên báo thì Nam Cao đã gây được sự chú ý của người đọc, khẳng định được mình trên văn đàn Việt Nam, và sau này Nam Cao đổi tên tác phẩm là Chí Phèo.Trong thời kỳ dạy học ở trường tư thục Kỳ Giang, Thái Bình ông viết các truyện ngắn Dì Hảo, Nửa đêm.

Năm 1942, Nam Cao trở về làng quê Đại Hoàng sáng tác và được in hàng loạt tác phẩm trên Tiểu Thuyết thứ bảy như: Cái mặt không chơi được, Nhỏ nhen, Con mèo, Những chuyện không muốn viết, Nhìn người ta sung sướng, Đòn chồng, Trăng sáng, Đôi móng giò, Trẻ con không được ăn thịt chó, Đón khách... Ông cho in các truyện thiếu nhi trên sách Hoa Mai: Những kẻ khốn nạn, Người thợ rèn, Nụ cười, Con mèo mắt ngọc, Ba người bạn. Tháng4 năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội văn hóa cứu quốc và trong thời gian này tập truyện ngắn Nửa đêm được in. Các sáng tác tiếp theo lần lượt xuất hiện trên Tiểu Thuyết thứ bảy: Mua nhà, Quái dị, Từ ngày mẹ chết, làm tổ, Thôi đi về, Truyện tình, Mua danh, Một truyện xuvonia, Sao lại thế này, Mong mưa, Tư cách mõ, Bài học quét nhà, Truyện buồn giữa đêm vui, Điếu văn, Cười, Quên điều độ, Xem bói, Một bữa no, Ở hiền, Lão Hạc, Rửa hờn, Rình trộm, Nước mắt, Đời thừa. Năm 1944 in các truyện ngắn Lang Rận, Một đám cưới trên Tiểu Thuyết thứ bảy, in truyện dài nhiều kỳ Truyện người hàng xóm trên tờ Trung Bắc chủ nhật. Tháng 10 năm 1944 Nam Cao hoàn thành tiểu thuyết Chết mònsau đổi thành Sống mòn. Ngoài ra, Nam Cao còn có một số truyện dài: Ngày lụt, Cái miếu, Một đời người, Cái bát. Ở Nam bộ, Nam Cao sáng tác: Nỗi truân chuyên của khách má hồng, Đường vô Nam, in trên tạp chí Tiên Phong. Cuối năm 1947, sáng tác và in truyện Đôi mắttrên tạp chí văn nghệ số 3. Năm 1950 viết truyện Biên giới.Nam Cao hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, cũng là lúc tài năng đang ở độ sung mãn. Với 35 năm tuổi đời và quá trình 15 năm gắn bó với văn chương, so với những tác giả cùng thời, gia tài văn chương mà Nam Cao để lại cho hậu thế không mấy đồ sộ.

Chỉ với hai tiểu thuyết “Sống mòn” và “Truyện người hàng xóm, dăm bảy chục truyện ngắn, ký và một kịch bản “Đóng góp”, dăm mười truyện ngắn cho thiếu nhi. Số lượng tác phẩm khiêm nhường nhưng giá trị văn chương luôn tỏa sáng và không vơi cạn. Là “người thư ký trung thành của thời đại” với một bút pháp riêng đầy tính sáng tạo, Nam Cao đã đặt ra trước người đọc hàng loạt vấn đề: những cảnh đời éo le, chua chát những bi kịch đau đớn vật vã. Bao nhiêu những cảnh đời ngột ngạt, tăm tối của xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám đều được Nam Cao phản ánh vào trong tác phẩm một cách sinh động. Các sáng tác của ông tập trung vào hai mảng đề tài chủ yếu: người nông dân và trí thức tiểu tư sản nghèo. Vốn gần gũi và có tình cảm máu thịt với người nông dân, cùng với tấm lòng đôn hậu ông luôn tỏ thái độ trân trọng, xót xa với những người nông dân nghèo.

Mỗi trang viết về người nông dân như một sự trả ơn, gửi gắm ân tình đến người nghèo và luôn thể hiện một tấm lòng nhân đạo. Các tác phẩm viết về người trí thức chứa đựng tâm sự, nỗi đau và niềm khao khát cháy bỏng của nhà văn, ghi lại trung thực cuộc sống quẩn quanh mỏi mòn của người trí thức tiểu tư sản đồng thời phản ánh một thời kỳ xã hội đen tối ngột ngạt trước thảm họa chiến tranh đế quốc.

- Minhnguyen-
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Nam Cao- Quan điểm nghệ thuật

Ngay từ khi xuất hiện trên văn dàn Nam Cao đã chịu ảnh hưởng khá rõ của văn học lãng mạn đương thời. Ông đi theo xu hướng “Nghệ thuật vị nghệ thuật”thoát li thực tế. Nhưng dần dần Nam Cao nhận ra thứ văn chương mơ mộng, ảo tưởng ấy rất xa lạ với đời sống lầm than của quần chúng nghèo khổ xung quanh. Nam Cao nhanh chóng trở về với cuộc đời thực. Sự chuyển biến của Nam Cao từ xu hướng nghệ thuật lãng mạn sang quan điểm hiện thực là cả một quá trình phấn đấu gian khổ nhưng dứt khoát. Để xác định cho mình một quan điểm sống và viết đúng đắn, Nam Cao đã trải qua không ít những dằn vặt, băn khoăn.

Truyện ngắn Trăng sáng đã thể hiện rất rõ điều này. Đó là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao, tuyên chiến với thứ văn chương lãng mạn tiêu cực: Xóa nhòa ranh giới giữa hiện thực với văn chương, tách rời con người nghệ sĩ và con người xã hội, với tính chất phi hiện thực của nó. Trăng sáng là bản tự thuật về diễn biến tâm lý, là quá trình dằn vặt đầy đau đớn của nhà văn để đi tới đoạn tuyệt với thứ văn chương chạy theo vẻ bề ngoài, thi vị hóa cuộc sống, coi nghệ thuật như là “cái ánh trăng xanh huyền ảo, nó làm đẹp đến những cảnh thật ra chỉ tầm thường, xấu xa”.
Nam Cao đã công khai quan điểm nghệ thuật của mình, ông viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” [tuyển tập Nam Cao, tr.319]. Ông phê phán thứ văn chương lãng mạn thoát ly, Nam Cao đòi hỏi nghệ thuật phải trở về với đời sống hiện thực, phản ánh chân thực hiện thực. Người cầm bút phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của cuộc sống.Nam Cao ý thức được nhiệm vụ nặng nề mà người nghệ sĩ phải gánh vác. Qua nhân vật Hộ, Nam Cao nhấn mạnh ý nghĩa cao quý của văn nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật: “Văn chương phải khơi những nguồn chưa ai khơi sáng tạo những gì chưa có” [Tuyển tập Nam Cao, Tr.319].

Đến đây nhà văn đã thực sự chia tay với khuynh hướng lãng mạn thoát ly để đến với khuynh hướng hiện thực.
Nam Cao cũng chỉ ra rằng: “Một tác phẩm có giá trị, phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho loài người. Nó chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” [Tuyển tập Nam Cao, Tr.327]. Ở sự đổi mới nghệ thuật, Nam Cao đánh giá rất cao sự đào sâu, tìm tòi, sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Ông cho rằng: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” [Tuyển tập Nam Cao, Tr.319]. Nó đã trở thành phương châm trong quá trình sáng tác của nhà văn. Sau cách mạng tháng Tám thì ý thức trách nhiệm đối với ngòi bút ngày càng rõ rệt hơn.

Ông quan niệm văn nghệ sĩ phải sống và viết vì Tổ quốc, nhân dân. Với trách nhiệm của người công dân yêu nước chân chính, Nam Cao cho rằng “nếu chưa cầm súng một phen thì cầm viết còn vụng về”. Đó là tư tưởng của nhà văn - chiến sĩ. Nhờ vào quan niệm sáng tác riêng của mình, Nam Cao đã tạo cho mình một chỗ đứng. Nam Cao không đặt nghề văn cao hơn mọi nghề, nhưng ông là người có suy nghĩ nghiêm túc và cẩn trọng với cái nghề mà mình theo đuổi. Nam Cao đã xây dựng cho mình một hệ thống quan điểm sáng tác độc đáo và được xem là khuôn mẫu mực thước, nó có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả những cây bút đương thời cũng như nhiều thế hệ nhà văn.

-minhnguyen-
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top