Chia Sẻ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - quan hệ tam giác đang nổi lên ở châu Á - Thái Bình Dương

Trang Dimple

New member
Xu
38
Trong khu vực châu A' - Thái Bình Dương, quan hệ quốc tế thời kỳ chiến tranh lạnh được định hình và biến thiên theo sự thăng trầm của quan hệ giữa ba cường quốc lớn - Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Chiến tranh lạnh kết thúc kéo theo sự chấm dứt quan hệ thù địch giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ. ở Châu A' - Thái Bình Dương, với việc Liên Xô tan rã và Nga đang bị kẹt trong các vấn đề nội bộ, Mỹ vẫn là nước tương đối mạnh nhất. Trung Quốc được coi là cường quốc khu vực vì có sức mạnh quân sự và tiềm lực về kinh tế. Nhật Bản, do sức mạnh to lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng về kinh tế rộng khắp thế giới, và trình độ kỹ thuật cao cũng được tính đến như một thế lực lớn của khu vực. Sau một thời gian lúng túng trong việc định hình lại chính sách đối ngoại của mình, giữa các nước này dần dần hình thành các mối quan hệ mới dựa trên cục diện quốc tế mới. Với tư cách là ba quốc gia có vai trò chủ đạo trong khu vực, cách nhìn nhận của các nước này đối với thế giới và giữa họ với nhau đang là nhân tố quan trọng quyết định tương lai của Châu A' - Thái Bình Dương.

Không nghi ngờ gì, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất khu vực cũng như trên thế giới xét theo diện tích và dân số. Từ năm 1978, Trung Quốc theo đuổi chính sách mở cửa về kinh tế và phát triển vượt bậc. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc hiện nay còn xa mới được coi là phát triển, Trung Quốc đang tiến lên với tốc độ tăng trưởng cao hàng năm. Tương ứng với tiến bộ về kinh tế, Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa trình độ quân sự với tốc độ tương tự (khoảng hơn 10% một năm), đặc biệt về không quân và hải quân. Tiềm lực kinh tế đang ngày càng lớn mạnh không chỉ tạo cho Trung Quốc khả năng tài chính để mua các vũ khi hiện đại mà trình độ công nghiệp hóa còn giúp phát triển khả năng sản xuất ra các loại vũ khí này. Bên cạnh việc liên tục hiện đại hóa lực lượng thông thường, tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc cũng là một sức mạnh quan trọng làm cho Trung Quốc trở thành một cường quốc quân sự ở khu vực.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc đã khôn khéo lợi dụng mâu thuẫn giữa Liên Xô và Mỹ vì lợi ích riêng của mình. Nhưng di sản của thời chiến tranh lạnh là luôn tồn tại thái độ nghi kỵ của các nước nhỏ trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Khi thực hiện chính sách mở cửa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Trung Quốc bắt đầu bình thường hóa quan hệ với các nước khu vực. Hiện nay, quan hệ của Trung Quốc với khu vực đang ở giai đoạn tốt nhất nhưng bao trùm lên nó vẫn là thái độ thiếu tin cậy đối với Trung Quốc.

Nhật Bản, mặc dù chỉ có trong tay một lực lượng quốc phòng nhỏ bé, nhưng được tính đến như một cường quốc khu vực do sức mạnh kinh tế và chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ sự dàn xếp an ninh nào của khu vực trong tương lai. Theo đuổi chính sách hòa bình suốt từ khi kết thúc chiến tranh thế giới II, Nhật Bản đã tự hạn chế mức chi phí quân sự không quá 1% tổng sản phẩm quốc dân. Tuy nhiên, nền kinh tế khổng lồ của Nhật vẫn làm cho họ có tổng chi phí quân sự lớn thứ hai thế giới. Gần đây, Nhật Bản tỏ ra có mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực, bất cứ hoạt động nào của Nhật theo hướng quân sự hóa đều bị các nước trong khu vực theo dõi sát vì những gì Nhật đã làm trong quá khứ đối với họ vẫn còn là những ký ức sống động.

Sau chiến tranh thế giới II, dựa trên sức mạnh kinh tế vượt bậc của mình, Mỹ đã xác lập vị trí lãnh đạo bá quyền trong toàn bộ thế giới tư bản. Ngày nay, tình hình không còn như trước nữa. Mỹ đã suy yếu tương đối so với các quốc gia khác, đặc biệt về kinh tế. Mặc dù Mỹ vẫn là nước có nền kinh tế lớn nhất, trên thế giới đang hình thành xu hướng các nền kinh tế lớn ngày càng phát triển ngang bằng nhau. Nhật Bản đã phát triển vượt bậc và có nền kinh tế lớn mạnh tầm cỡ thế giới, có thể đương đầu được với Mỹ trong lĩnh vực này. Trung Quốc, mặc dù tổng sản phẩm quốc dân trên đầu người vẫn cần phải vài năm nữa mới có thể đuổi kịp các nước mới công nghiệp hóa của khu vực, nhưng theo dự đoán, nếu Trung Quốc đạt tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người chỉ bằng 1/4 của Mỹ, họ sẽ có tổng sản phẩm quốc dân nói chung lớn hơn Mỹ , sẽ hạn chế về kinh tế và cản trở Mỹ tiếp tục đóng vai trò bá chủ như trong quá khứ. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chỉ là một cường quốc về kinh tế đơn thuần, không thể thay thế Mỹ đóng vai trò lãnh đạo bá quyền trong khu vực, Trung Quốc thì lại càng ở vị trí xa hơn nữa để có thể với tới vị trí đó. Trong số ba cường quốc này của khu vực, Mỹ được nhìn nhận như một thế lực có vai trò giữ cân bằng và ổn định, ít nhất trong giai đoạn hiện nay, phần đông các nước vẫn hy vọng Mỹ đóng vai trò lãnh đạo.

Liên minh Nhật - Mỹ, hình thức cũ, tinh thần mới.

Kết cục đột ngột của chiến tranh lạnh dường như làm chính sách đối ngoại của Mỹ mất phương hướng trong một thời gian. ở Châu A' - Thái Bình Dương, mối đe dọa từ Liên Xô, chất keo gắn bó Mỹ với các đồng minh trong khu vực không còn nữa. Liên Xô sụp đổ đã đặt Mỹ và các đồng minh Châu A' của họ trước câu hỏi liệu có cần thiết phải duy trì mối quan hệ liên minh trước đây cũng như sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực nữa hay không ? Thoạt nhìn, dường như cạnh tranh quyết liệt về kinh tế đang bắt đầu đẩy lùi vai trò quân sự ở Châu A', chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang ngày càng lớn mạnh ở mỗi nước. Trong bối cảnh này, chính quyền Bush hầu như không có phản ứng gì. Người Mỹ bắt đầu có kế hoạch rút dần quân đội khỏi khu vực. Mỹ đã nhanh chóng đi đến thỏa thuận với chính phủ Philippines đóng cửa các căn cứ quân sự Mỹ trên nước này chỉ vì áp lực từ tình hình chính trị bên trong Philippines.

Tuy nhiên, chiến tranh lạnh chẳng bao lâu đã lùi vào quá khứ. Lo ngại về an ninh lại nổi lên xung quanh các cuộc xung đột khu vực. Tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc và năm quốc gia khu vực khác bắt đầu leo thang. Tình hình cho thấy có khả năng Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự đè bẹp các đối thủ khác. Nhiều nước lo ngại Trung Quốc có thể dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc vẫn tuyên bố là một phần của mình. Cuộc diễn tập quân sự do Trung Quốc tiến hành ở eo biển Đài Loan tháng 3 năm 1996 là cơ sở để các nước lo ngại. Hơn nữa, nếu tình hình tại eo biển Đài Loan trở nên nghiêm trọng, các tuyến đường biển có tầm quan trọng sống còn đối với lợi ích của Mỹ cũng như của các nước khác ở khu vực có thể bị phong toả. Và nghiêm trọng nhất là tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Kể từ năm 1993, Bắc Triều Tiên bị phát hiện đang thực hiện một chương trình hạt nhân riêng rẽ và họ đã tỏ thái độ cứng rắn trước áp lực của quốc tế. Lo ngại tình hình đi quá xa, Mỹ quyết định không rút thêm quân đội đóng ở Nam Triều Tiên và cũng trong bối cảnh này, Mỹ đã xem xét lại lợi ích an ninh của mình ở Châu A' cũng như mối quan hệ liên minh với Nhật Bản, đồng minh chủ yếu của mình trong thời chiến tranh lạnh.

Giữa Mỹ và Nhật Bản, quan hệ đặc biệt đã được xác lập suốt trong giai đoạn chiến tranh lạnh, đó là mối quan hệ giữa người bảo trợ và người được bảo trợ. Sau thất bại trong chiến tranh thế giới II, Nhật Bản đã chọn con đường phát triển kinh tế bằng toàn bộ sức lực của mình, phó thác việc phòng vệ Nhật Bản vào tay Mỹ, nước thắng Nhật trong chiến tranh. Mối quan hệ bất bình đẳng này đã tồn tại trong một thời gian dài vì nó phục vụ cho lợi ích của cả Mỹ và Nhật Bản.

Khi chiến tranh lạnh chấm dứt, kẻ thù chung gắn hai nước trong quan hệ liên minh không còn nữa. Có lý lẽ cho rằng liên minh này không cần thiết vì trong tình hình mới tại sao Mỹ phải tiếp tục bảo vệ một nước mà nền kinh tế của họ đang trở thành thách thức với bản thân Mỹ. Nhưng nếu tính toán kỹ lưỡng, Nhật Bản có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ ở Châu A' - Thái Bình Dương. Tương lai không chắc chắn của bán đảo Triều Tiên tiếp tục đòi hỏi sự hợp tác của Nhật. Nếu kịch bản xấu nhất cho bán đảo này xảy ra, đó là, miền Bắc và miền Nam dùng quân sự để giải quyết quan hệ với nhau, lực lượng quân sự Mỹ ở Nhật Bản chắc chắn sẽ được sử dụng. Và nếu kịch bản lý tưởng xuất hiện trên bán đảo này - thống nhất hoà bình diễn ra giữa hai miền - Mỹ không còn lý do gì để duy trì sự có mặt quân sự trên đất Triều Tiên. Nhưng Triều Tiên chỉ là một mặt của vấn đề, Trung Quốc luôn là một câu hỏi lớn đối với cả Mỹ và Nhật Bản. Chắc chắn, sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực được coi là có vai trò ngăn chặn mọi khả năng Trung Quốc có thể dùng vũ lực, lúc này lực lượng quân sự còn lại trên đất Nhật lại càng có vai trò quan trọng hơn.

Về phía Nhật, chiến tranh lạnh chấm dứt cùng với sự suy yếu tương đối của Mỹ đã cho Nhật cơ hội đóng vai trò chính trị lớn hơn. Nhưng trên thực tế, Nhật Bản không được sự ủng hộ của khu vực cho một vai trò như vậy, chưa nói đến sự cứng nhắc trong chính sách trong nước của bản thân Nhật Bản. Với các nước khu vực, Nhật vẫn còn món nợ lịch sử, cơ sở để các nước này nghi ngờ và lo ngại Nhật có thể quay lại chủ nghĩa quân phiệt. Tất nhiên, lo ngại của khu vực hiện nay là đổ vỡ trong liên minh Nhật - Mỹ, diễn biến có thể buộc Nhật phát triển khả năng quốc phòng của riêng mình hoặc thậm chí có thể phát triển hạt nhân.

Tháng 4 năm 1996, Mỹ và Nhật Bản xem xét lại hiệp ước liên minh giữa họ, theo đó hai bên thỏa thuận mở rộng khu vực được đặt trong tầm hợp tác phòng thủ song phương, từ các vùng lân cận xung quanh Nhật Bản sang toàn bộ các cuộc xung đột khu vực đe dọa lợi ích của cả hai nước. Hiệp ước mới này tiếp tục cho phép lực lượng quân sự Mỹ ở lại trên đất Nhật và thêm vào đó, Nhật có vai trò cung cấp hậu cần cho quân Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp. Với hiệp ước mới, Nhật có vai trò mang tính hợp tác hơn và ngang bằng hơn với Mỹ. Theo nhiều phân tích, thoạt nhìn, liên minh này được nhằm để đối phó với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nhưng trong tương lai xa, nó nhằm để đối phó với mọi bất trắc liên quan đến Trung Quốc.

Đâu là chỗ đứng của Trung Quốc ?

Nhìn vào các vấn đề an ninh khu vực, từ các cuộc tranh chấp lãnh thổ đến vấn đề Đài Loan cũng như vai trò trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, và theo nghĩa rộng hơn, vấn đề phổ biến hạt nhân, kiểm soát vũ khí hay môi trường..., Trung Quốc là một nước có vai trò chủ chốt. Nếu xét tư cách cường quốc lớn và mức độ dính líu cao đến các vấn đề an ninh, bất kể con đường nào mà Trung Quốc lựa chọn cũng là một trong những nhân tố có tính quyết định đến việc đem lại cho khu vực hòa bình hay chiến tranh.

Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn quá độ vì quá trình hiện đại hóa kinh tế chỉ đang ở thời kỳ đầu và chế độ chính trị cũng chưa rõ ràng. Việc Trung Quốc thực hiện quá trình thu nạp Hồng Kông như thế nào khi lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc tháng 7 tới, tương lai của Đài Loan ra sao, không ai có thể dự đoán một cách chắc chắn. Nói tóm lại, tương lai của vấn đề Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị đều chứa đựng những nhân tố không thể đoán biết trước. Xét diện tích địa lý quá rộng lớn của Trung Quốc, có thể nói bản thân Trung Quốc là một vấn đề an ninh không chỉ đối với khu vực mà còn cả với toàn thế giới. Hơn lúc nào hết, Trung Quốc hiện không chỉ bị Mỹ mà cả Nhật Bản, nước chung sống với Trung Quốc trong cùng một khu vực, nhìn vào như một mối lo ngại.

Trong lịch sử, Trung Quốc vốn là một đế chế hùng mạnh nhưng cuộc đấu tranh dành vị trí cường quốc của họ ở thời kỳ hiện đại lại không mấy thành công. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ một cường quốc nào. Ngay trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Trung Quốc luôn cố duy trì các lợi ích dân tộc của riêng mình, không gắn bó chặt chẽ với bất kỳ một liên minh nào và nhìn chung luôn có một chính sách đối ngoại độc lập. Trong tương lai xa, Trung Quốc sẽ không tán thành sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực. Họ phê phán Hiệp ước Liên minh Mỹ - Nhật là để nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, Trung Quốc coi liên minh này là sự kiềm chế đối với Nhật Bản nhất là để ngăn chặn xu hướng quân sự hóa có thể có về phía Nhật. Hiện nay, khi thế giới hai cực đã sụp đổ và một thế giới đa cực đang hình thành, bất kỳ cố gắng nào dùng vũ lực để cô lập hóa Trung Quốc hay dùng Trung Quốc để chống lại nhau đều là chính sách phi thực tế.

Trung Quốc hiện nay hòa nhập với thế giới hơn bao giờ hết vì họ đang theo đuổi chính sách phát triển kinh tế thị trường. Trung Quốc dựa cả vào Mỹ và Nhật Bản như một nguồn về kỹ thuật, trang thiết bị và vốn. Trung Quốc hiện đứng thứ hai sau Nhật về thặng dư buôn bán với Mỹ và là nước được nhận viện trợ chính thức (ODA) lớn nhất từ Nhật. Mặc dù cần duy trì quan hệ tốt về kinh tế với các nước này, Trung Quốc vẫn luôn kiên trì thái độ cứng rắn trong một số vấn đề chính trị mà họ cho là can thiệp của phương Tây vào công việc nội bộ của Trung Quốc và kiên quyết đòi tách kinh tế với chính trị trong các mối quan hệ song phương. Phản ứng của Trung Quốc đối với áp lực của Mỹ về chính sách nhân quyền là một ví dụ về lập trường này. Dường như Trung Quốc không bao giờ để cho lịch sử lặp lại việc phương Tây có thể nhục mạ họ. Họ luôn có thái độ nghi kỵ với cả Nhật Bản và Mỹ. Có thể thấy quan hệ giữa các nước này với nhau bao gồm cả hợp tác và đấu tranh.

Nhận biết vai trò quan trọng của Trung Quốc, cả Nhật Bản và Mỹ đặt nước này ở vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình. Trên thực tế, hợp tác của Trung Quốc trong bất cứ vấn đề nào của khu vực đều cần thiết để có thể đi đến một giải pháp, nhận thức này là nguyên nhân quan trọng dẫn tới chính sách lôi kéo Trung Quốc tham gia có tính xây dựng vào các công việc quốc tế của cả Mỹ và Nhật, mặc dù cách thực hiện đôi lúc có khác nhau giữa họ. Nhật Bản thiên về sử dụng lợi thế kinh tế và tránh phê phán Trung Quốc về các vấn đề chính trị như chính sách nhân quyền. Nhật ủng hộ ý muốn của Trung Quốc trở thành thành viên của tổ chức buôn bán thế giới, hoan nghênh sự có mặt của Trung Quốc trong một số tổ chức kinh tế đa phương khác. Về mặt lịch sử, Nhật tỏ thái độ ân hận và đã có lời xin lỗi từ những nhân vật cao cấp. Tuy nhiên, dường như để chuẩn bị sống độc lập hơn với Trung Quốc, gần đây Nhật đã tỏ thái độ cứng rắn hơn trong một số hoạt động của Trung Quốc như phản đối Trung Quốc tiến hành thử hạt nhân, tỏ thái độ cứng rắn trong cuộc khủng hoảng giữa hai nước về hòn đảo đang tranh chấp (Senkaku) mà cả hai bên đều đòi chủ quyền, hay quan trọng hơn, Nhật Bản đã cùng với Mỹ bày tỏ sự lo ngại về cuộc diễn tập quân sự mà Trung Quốc tiến hành ở eo biển Đài Loan tháng 3/1996. Trong khi đó, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ lại phức tạp hơn, nhưng cả hai bên đều cố gắng không để cho quan hệ giữa họ đi đến đổ vỡ. Tính chất này được thể hiện trong cách xử lý khủng hoảng ở eo biển Đài Loan tháng 3/1996, việc gia hạn cho Trung Quốc qui chế tối huệ quốc (MFN), chính sách về nhân quyền, và các cuộc thảo luận khó khăn về kinh tế khác.

Cơ chế đa phương - phải chăng là con đường chung cho tất cả các nước ?

So tầm cỡ về diện tích địa lý cộng thêm tương lai không chắc chắn cả về kinh tế và chính trị, Trung Quốc được nhìn nhận như một vấn đề của toàn thế giới. Hợp tác song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia khác là hết sức quan trọng nhưng không phải đã đủ cho một tương lai an ninh của khu vực cũng như của thế giới, các cố gắng đa phương cần phải được khuyến khích. Không ai khác ngoài Mỹ, Nhật Bản phải là những nước đi đầu trong việc thực hiện chính sách lôi kéo Trung Quốc vào hợp tác khu vực. Hay có thể nói, không có cơ chế khu vực nào có thể được hình thành và hoạt động có hiệu quả nếu không có sự tham gia của ba nước lớn này. Ngoài ra, cơ chế đa phương cũng là diễn đàn trong đó các nước nhỏ của khu vực có thể đề cao tiếng nói của mình và vì thế được các nước này ủng hộ.

Không giống như Châu Âu, nơi quan hệ quốc tế đã phát triển ở mức độ cao, với các đường biên giới đã được xác định rõ và một cơ chế an ninh đa phương tồn tại trong một thời gian dài, khu vực Châu A' - Thái Bình Dương chưa từng có một hình thức nào như thế từ trước đến nay cho toàn khu vực, quá trình xây dựng cơ chế đa phương hiện nay chỉ đang ở giai đoạn khởi đầu. Trên thực tế, không ai phủ nhận lợi ích của hợp tác đa phương. Nó có khả năng tập hợp tất cả các nước tham gia thực hiện những cam kết nhất định và điều này sẽ tạo dựng lòng tin giữa các quốc gia với nhau. Nhật Bản rất quan tâm và ủng hộ hình thức hợp tác đa phương vì họ nhận thấy đây là cách tốt nhất để có thể đóng vai trò chính trị tích cực hơn mà không làm các nước khác lo ngại. Với Mỹ, cơ chế đa phương sẽ đảm bảo sự có mặt liên tục và lợi ích kinh tế của họ ở khu vực đang phát triển năng động như Châu A' - Thái Bình Dương và là nguồn hỗ trợ cho các mối quan hệ song phương liên quan đến an ninh.

Trung Quốc, trong giai đoạn hiện nay đang tỏ thái độ không rõ ràng đối với hình thức hợp tác này. Một mặt, họ kiên trì giải quyết song phương các vấn đề mà Trung Quốc trực tiếp dính líu như các cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Trường Sa. Mặt khác, họ lại tỏ ra sẵn sàng hợp tác với các cường quốc khác trong việc giải quyết các vấn đề thế giới và khu vực mà Trung Quốc không trực tiếp dính líu. Hợp tác của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, trong các cuộc thảo luận về kiểm soát vũ khí, về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, cuộc chiến tranh Trung Đông vừa qua, tất cả cho thấy khía cạnh tích cực của chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện giờ đã cải thiện nhiều về kinh tế và tiềm lực quân sự nhưng họ vẫn còn phải phấn đấu lâu dài trước khi có thể đuổi kịp tầm cỡ các nước châu âu. Trung Quốc thiên về lựa chọn một chính sách độc lập hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể thấy một số lợi ích trong hợp tác đa phương như một hình thức kiềm chế và kiểm soát Nhật trong trường hợp nước này có xu hướng tái vũ trang, và chừng nào mà Trung Quốc còn coi Nhật Bản như một mối đe dọa lâu dài của mình, và trong tương lai xa, Trung Quốc cũng quan tâm đến việc buộc Mỹ vào một diễn đàn đa phương. Tuy nhiên, có thể đối với Trung Quốc hiện nay, điều kiện chưa thuận lợi để tham gia vào các cơ chế đa phương vì Trung Quốc vẫn đang ở vị trí thứ yếu đặc biệt về kinh tế.

Thái độ không rõ ràng của Trung Quốc giải thích tại sao họ ủng hộ diễn đàn an ninh khu vực ARF lỏng lẻo. Diễn đàn này được Trung Quốc ủng hộ cũng một phần do nó được thành lập theo sáng kiến của ASEAN, vì Trung Quốc vốn nghi ngại Mỹ và Nhật Bản có ý đồ thâu tóm Trung Quốc trong một cơ chế đa phương. Mặc dù ARF hiện đang hoạt động chỉ như một cơ chế tham khảo ý kiến, tổ chức này là bước đầu tiến tới một cơ chế đa phương cho toàn vùng, con đường chung cho các dân tộc ở khu vực.

*

Nhìn lại, quá khứ với cuộc chiến tranh lạnh vẫn dường như còn ở rất gần, tuy nhiên, một trật tự mới đang hình thành trên toàn thế giới cũng như ở khu vực Châu A' - Thái Bình Dương, mà trung tâm là Mỹ, Nhật và Trung Quốc. Con đường họ lựa chọn sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn khu vực. May mắn thay, sự phát triển về kinh tế và phụ thuộc lẫn nhau đã đóng góp vào việc hình thành tầm nhìn có tính thực dụng trong giới lãnh đạo các nước này. Một nhân tố khác, chủ nghĩa dân tộc, lại thể hiện tính hai mặt. Nó giúp động viên nỗ lực xây dựng đất nước nhưng cũng có thể khơi dậy tính hận thù giữa các quốc gia vì một lý do nào đó. Quan hệ quốc tế gồm cả các nhân tố có thể phỏng đoán được và không phỏng đoán được, tương lai của mối quan hệ giữa ba nước lớn của khu vực Châu A' - Thái Bình Dương cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ

Tác giả: Nguyễn Thu Hằng.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top