Mùa xuân nói chuyện Ca trù

Hide Nguyễn

Du mục số
Xưa kia, mỗi dịp xuân về ta lại nghe âm vang ở các đình làng, trong dịp hội xuân, nhịp trống chầu, tiếng âm vang nhấn, nháy của cây đàn Đáy, điệu ả đào lại cất lên để đón chào năm mới. Những điệu hát của đình, hát của quyền, hát nhà trò, hát nhà tơ, hát ả đào… như níu khách lãng du đi trảy hội.

Điều gì của ca trù lại làm lắng đọng lòng người như vậy. Có lẽ là lời thơ, tiếng trầm âm của đàn Đáy hay nhịp trống chầu. Chắc chắn là cả ba gộp lại: Cho đến nay, hầu hết các loại hình nhạc cổ Việt Nam đều có sự phối hợp nhịp nhàng của thơ và nhạc. Nếu trong dân gian vè, đồng dao thơ có 3 chữ hay 4 chữ hầu hết ở các bài dân ca: hát ru, hò, lý, đối ca nam nữ, chèo, hát văn là thơ lục bát (6 chữ và 8 chữ), khi hát có thêm tiếng đệm để cho nét nhạc và tiết tấu trong 2 câu thơ lục bát thay đổi ít nhiều, thơ song thất lục bát là những lời của những bài ca. Trong nhạc truyền thống bác học có thể là thơ lục bát hay thơ lục bát biến thể, lại thường được thể hiện trong lối hát ca trù có thêm các thể thơ theo đường luật ngũ ngôn, thất ngôn.


[FLASH]https://www.nhaccuatui.com/m/HApYWPgszZ[/FLASH]


Vậy là, Ca trù được sử dụng tất cả các thể thơ ấy, ngoài ra còn dùng tới thể thơ 8 chữ không có trong thi ca cổ. Thơ 8 chữ dùng cho hát nói.

Người ta nói, Ca trù là một loại nhạc thính phòng, đúng như thế vì lối, thể hát khác với ca Huế ở miền trong, ca tài tử ở miền nam. Ca trù có giai điệu thể hiện trong lối hát, thể hát, giai điệu của nó không cố định mà tuỳ theo thanh giọng của lời thơ. Những bài hát như: Gửi thư, Hát ru, Bắc phản, mưỡu.. có giai điệu khác nhau ở trong cùng một thể hát nói.

Một điều đặc biệt nữa trong Ca trù là thanh nhạc và khí nhạc đi song song với nhau và mỗi loại đều có đặc tính riêng. Trong hát Ca trù, đào nương không bao giờ há miệng tonhìn thì như mím môi, không đẩy hơi từ phổi ra như các loại dân ca khác mà phải ém hơi trong cổ, ậm, ừ mà lời ca nghe vẫn rõ ràng, tròn vành, rõ chữ. Riêng hát ở đình thì không ngân nga. Còn lối hát chơi lại phải có cách đổ hột, đổ con kiến. Đây là kỹ thuật đại diện riêng rất độc đáo, không có trong các thể loại thanh nhạc khác.

Ca nương khi hát phải dùng cỗ phách gồm một thanh tre hay mảnh gỗ gọi là bàn phách, hai chiếc dùi gỗ là phách cái và phách con. Hai dùi phách: một chiếc đầu tròn hơi nhọn, chiếc kia tròn và chẻ hai. Ngoài ra, quan niệm dùi tròn là đầu dương vật, dùi chẻ hai là âm vật. Khi gõ vào cỗ phách tạo nên tiếng mạnh, tiếng nhẹ, tiếng thấp, tiếng cao, tiếng trong, tiếng đục, tiếng dương, tiếng âm. Khi hát, tay cầm phách cái, phách con phải cho đều, tay nào đưa lên cao, tay nào xuống thấp, động tác phải nhịp nhàng, uyển chuyển như múa. Tiếng phách khi gõ vào phải rõ ràng, phân minh. Có khi gõ từng dùi, có khi gõ 2 dùi một lượt là “chát”, hai phách âm dương chen nhau xen kẽ, pha trộn, có nhịp rõ ràng mà khi nghe như không có nhịp. Người gõ giỏi có thể nghe nhịp có mà như không, thực mà như hư, hiện mà như ẩn. Vì thế, có nhiều ca nương giọng hát thì rất vang, rền và nảy nhưng không thể gõ được phách.

Đi với hát và phách của đào nương là tiếng đàn Đáy. Riêng đàn Đáy chỉ được dùng duy nhất trong Ca trù. Thùng đàn hình chữ nhật hay hình thang, mặt đàn dùng bằng gỗ cây ngô đồng. Đàn Đáy có mặt mà không có đáy, các phím đàn ở trên một cần đàn rất dài gồm 10 hay 11 phím bằng tre, phím đàn ở ngay giữa chiều dài của dây đàn. Dây đàn gồm 3 chiếc băng tơ. Theo các nhạc sỹ thì dây phím cách nhau một quãng 4, đánh dây không nhấn thì có tiếng trầm, bấm phím thành tiếng cao. Đàn đáy không có cầu đàn ở đầu đàn trước khi quấn dây vào trục, nên trên đàn Đáy có nhấn khác thường: nhấn chùm lẽ ra phải có độ cao hơn ở quãng 2 thì lại phát ra một âm đồng độ cao mà màu âm khác. Phím đàn theo ông Trần Văn Khê thì được chia theo thang âm có quãng 8 thành 7 quãng đồng đều, thể hiện dễ dàng quãng 3 trung bình giữa thứ và trưởng. Nhạc công phải đánh rõ tiếng vê, tiếng vẩy, tiếng lia, tay trái phải biết cách nhấn, rung, nhấn chùm, bấm 3 dây khi dàn chữ (dinh, dinh, dinh). Khi chân phương thì dìu dặt, khi mạnh, khi nhẹ, tạo thành nét nhạc và hồn nhạc.

Trống chầu trong Ca trù khác với trống chầu trong tuồng và hát bội, từ kích thước đến cách đánh. So với trống chèo, trống chầu gần giống trống đế của trống chèo nhưng cách đánh và chức năng thì hoàn toàn khác nhau. Trong trống chầu, dùi trống được gọi là roi chầu. Roi chầu bằng gỗ dài hơn các dùi trống khác. Người đánh trống cầm roi chầu trong tay phải, nếu gõ vào trong trống gọi là “Chát”, đánh sát trên mặt trống gọi là “Tom”. Người cầm chầu gọi là “Quan viên”, người này phải sành Ca trù, biết rõ các khổ đàn, khổ phách, biết đàn thế nào là hay, hát thế nào là “khuôn”, là “hàng hoa” và không đánh trống “bịt miệng ả đào”, lại phải nắm rõ các công thực xuyên tâm, song châu, liên châu, hạ mã, lạc nhạn để khen, chê, thưởng, phạt đúng nơi, đúng cách. Dáng ngồi của người cầm chầu, tay cầm roi, tay vịn mặt trống phải phong lưu, đài các làm sao để cho người nghe biết rõ giá trị và phát huy cách của người cầm chầu.


Chúng ta mong rằng, cứ mỗi dịp xuân về ngày nay lại được nghe tiếng Ca trù ở hội làng, khi Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp và tin rằng đó là sự thật khi mỗi người chúng ta đều quan tâm và bảo vệ Ca trù.


Nguồn : Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top