Chia Sẻ Một trong những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân đó là xây dựng được tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Hãy chứng minh qua truyện Vợ Nhăt

nang moi

New member
Tình huống độc đáo của truyện được bộc lộ ngay trong nhan đề “Vợ nhặt”. Một thứ vợ do nhặt được, nhặt một cách ngẫu nhiên (chứ không phải cưới vợ). Đây là một tình huống vừa kì quặc, vừa oái ăm, vừa vui mừng, vừa bi thảm. Trong lúc mọi người đang đói quay quắt, lo nuôi thân còn chẳng xong mà Tràng lại còn dám “đèo bòng”. Một anh nông dân xấu trai, nghèo xác nghèo xơ, lại là dân ngụ cư (bị khinh bỉ), bỗng nhiên có vợ theo về. Không quen biết, cũng chẳng cần đến ăn hỏi, cheo cưới, chỉ cần có mấy lời tầm phào và vài bát bánh đúc mà có vợ. Cái giá của một con người thật rẻ rúng.

VỢ nHẶT.jpg



Một trong những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân đó là xây dựng được tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn. Hãy phân tích tình huống của truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Bài làm tham khảo

Những người cầm bút quan niệm rằng tình huống truyện là hạt nhân của thể loại truyện ngắn. Nó là một lát cắt của đời sống nhưng nhìn vào lát cắt đó, người ta thấy được cả xã hội con người. Hay nói một cách khác, tình huống truyện là một sự kiện, hoàn cảnh đặc biệt mà ở đó tính cách nhân vật, tư tưởng nhà văn được bộc lộ rõ nét.

Tình huống độc đáo của truyện được bộc lộ ngay trong
nhan đề “Vợ nhặt”. Một thứ vợ do nhặt được, nhặt một cách ngẫu nhiên (chứ không phải cưới vợ). Đây là một tình huống vừa kì quặc, vừa oái ăm, vừa vui mừng, vừa bi thảm. Trong lúc mọi người đang đói quay quắt, lo nuôi thân còn chẳng xong mà Tràng lại còn dám “đèo bòng”. Một anh nông dân xấu trai, nghèo xác nghèo xơ, lại là dân ngụ cư (bị khinh bỉ), bỗng nhiên có vợ theo về. Không quen biết, cũng chẳng cần đến ăn hỏi, cheo cưới, chỉ cần có mấy lời tầm phào và vài bát bánh đúc mà có vợ. Cái giá của một con người thật rẻ rúng.

Tình huống nói trên của truyện đã làm nổi bật một sự thật thê thảm của người nông dân trước Cách mạng. Đó là nạn đói khủng khiếp năm 1945. Cái sự thực bi thảm đó hắt bóng đen lên từng trang viết, ám ảnh từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhà văn Kim Lân, bằng tài năng của mình, đã miêu tả nạn đói có một không hai trong lịch sử dân tộc bằng những chi tiết cụ thể, chân thật, giàu ý nghĩa nghệ thuật.

Cái đói đã tràn vào xóm chợ của những người ngụ cư từ lúc nào, làm đảo lộn cảnh sinh hoạt của xóm nhỏ tồi tàn ấy. Kim Lân đã dựng lên một bức tranh ảm đạm bao trùm lên xóm ngụ cư. Không còn tiếng trẻ con trêu đùa làm cho cái xóm xôn xao lên vào lúc chạng vạng mặt người mỗi buổi chiều khi Tràng đi làm về. Thay vào đó là hình ảnh lũ trẻ con “ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích”. Và trên con đường “khẳng khiu” luồn qua xóm chợ vào trong bến, Tràng cũng không còn vừa đi vừa tủm tỉm cười nữa mà đi “từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tang vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước”. bao quát hơn, nhà văn đã miêu tả những kẻ đói khát, những người hành khất từ những vùng Nam Định, Thái Bình “đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”. Một không khí chết chóc thê thảm bao trùm lên xóm chợ: “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Kim Lân cứ từ tốn, lặng lẽ miêu tả, vậy mà những dòng chữ của ông có sức tố cáo mãnh liệt. Tội ác tày trời ấy chính là do giặc Pháp, giặc Nhật, một mặt thi nhau vơ vét thóc gạo, mặt khác lại bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh.

Nạn đói khủng khiếp năm 1945, qua ngòi bút Kim Lân, còn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và số phận của mỗi con người. Cái đó đã đẩy những người dân lao động bình thường, cực chẳng đã, phải từ bỏ lòng tự trọng và danh dự vốn có của mình. Người đàn bà là vợ theo Tràng hiện lên như một con ma đói: “áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Chua xót hơn nữa, chuyện tỏ tình giờ đây chỉ còn trơ trọi là một câu chuyện sà vào miếng ăn. Chỉ có bốn bát bánh đúc mà theo không một anh chàng xấu trai, gặp tầm phơ tầm phào ở giữa đường. Chỉ có hai hào dầu thắp tối chuẩn bị cho đêm tân hôn mà đã được gọi là “sang”, là “hoang” phí lắm lắm. Ngay cả đến bữa cơm đầu tiên sau ngay có nàng dâu cũng thật thê thảm: “
Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”. “Niêu cháo lõng bõng, một người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn”. Cực chẳng đã, bà mẹ chồng đành phải thiết nàng dâu cái món cháo cám mà bà gọi là “chè khoán”. “Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”.

Người đàn bà đói khát bỗng dưng có nơi nương tựa, và Tràng bỗng nhiên mà có vợ - trong cảnh ngộ cụ thể của họ - là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Thế nhưng, cái đói và cái chết vẫn bám riết, đe dọa niềm vui và niềm hạnh phúc quá đỗi mong manh của vợ chồng Tràng. Không khí thê lương, ảm đạm, chết chóc như vẫn bao phủ căn nhà tuềnh toàng của họ: “ Mùi đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng và khét lẹt”. “Giữa sự im lặng của đôi vợ chồng mới, có tiếng ai khóc hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”. Và “trong đêm khuya tiếng hờ tỉ tê nghe càng rõ”.

Miêu tả cảnh nhặt vợ diễn ra âm thầm, buồn tủi, thiên truyện ngắn này đã làm nổi bật số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng. Lấy vợ, lấy chồng là một sự kiện vui mừng lớn lao trong đời mỗi con người, nhưng trong trường hợp của Tràng, niềm vui đó diễn ra dưới sự rình rập đe dọa của cái nghèo, cái đói.

Song,
giá trị nhân bản của “Vợ nhặt” không chỉ nằm ở lời kết tội đanh thép giặc Pháp và Nhật. Qua ngòi bút của Kim Lân, những con người đói khát đến mức gần kề cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, khao khát tổ ấm gia đình, vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau và không bao giờ cạn kiệt niềm tin vào tương lai, hy vọng. Người đàn bà đói rách sở dĩ tự nguyện theo không Tràng, một phần vì tìm thấy ở anh một cử chỉ hào hiệp: sẵn lòng cho một người xa lạ một miếng ăn giữa lúc người chết đói như ngả rạ. Và chính Tràng cũng không ngờ người đàn bà lại theo mình một cách dễ dàng như vậy. “Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị nói thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gọa này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng rồi sau một cái “tặc lưỡi”, Tràng đã đánh đổi tất cả để có được một người vợ, có được hạnh phúc. Cái quyết định có vẻ liều lĩnh ấy nói lên rằng, từ trong sâu thẳm của tiềm thức, con người vẫn khao khát hạnh phúc, bất chấp sự đe dọa của cái đói, cái chết. Niềm khao khát đầy tính nhân bản ấy là trường tồn, là bất diệt, và chính nhờ nó mà con người mãi mãi tồn tại trên cõi đời này.


( Sưu tầm )
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Phân tích: Tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm Vợ nhặt

1. Giải thích thế nào là tình huống truyện độc đáo: Đó là tình huống có nét khác thường, bộc lộ được nhiều vấn đề có ý nghĩa khiến độc giả phải chú ý tìm hiểu, suy nghĩ.

2. Nêu tình huống độc đáo của Vợ nhặt.

- Tình huống truyện một phần thể hiện ngay trong nhan đề tác phẩm: Vợ nhặt. Tràng nhặt được vợ như người ta nhặt được một thứ đồ vật vô chủ nào đó.

- Tràng một người xấu xí, thô kệch lại là dân ngụ cư mà lại lấy được vợ, hơn thế lại có vợ theo hẳn hoi. Lạ đời hơn Tràng lấy vợ trong lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội, chỉ bằng vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc.

- Tình huống bất ngờ, éo le, giàu kịch tính : khiến cho mọi người trong xóm ngụ cư vô cùng ngạc nhiên , bà cụ Tứ ngạc nhiên, và ngay cả bản thân Tràng cũng ngạc nhiên.

- Nhưng trong chính hoàn cảnh bi đát, tuyệt vọng đấy ba con người cùng khổ vẫn có niềm tin vào cuộc sống, họ nương tựa vào nhau, cùng nhau hi vọng và tương lai. Chỉ trong thời gian ngắn họ đã có những thay đổi mà cụ thể và sâu sắc nhất là bà cụ Tứ, một người mẹ nghèo khổ, đôn hậu và giàu lòng yêu thương.

- Tình huống truyện cũng là cách để nhà văn Kim Lân lên tiếng tố cáo xã hội thực dân phát xít gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945. Nạn đói đã khiến phẩm giá con người bị hạ thấp đến mức người ta có thể nhặt được vợ.

3. Ý nghĩa của việc xây dựng tình huống “nhặt vợ”

- Tạo cho tác phẩm có được kết cấu chặt chẽ. Các sự việc, các chi tiết khác được kể tới đều xoay quanh tình huống này.

- Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đẩy con người đến bước đường cùng, biến giá trị con người thành số không.

- Thể hiện được cái tình của người lao động nghèo và tấm lòng nhân hậu đầy yêu thương của bà mẹ.

- Nói lên được lòng ham sống, bản chất lạc quan của người lao động đang bị lâm vào cảnh khốn cùng.
 
Bài tham khảo Tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm Vợ nhặt


Tác phẩm vợ nhặt là một tác phẩm hay thể hiện thành công hình ảnh người nông dân trong giai đoạn những năm 1945 tăm tối, khi cái đói nghèo vây quanh cuộc sống lầm than, cơ cực của họ.

Sự thành công của tác phẩm do nhiều yếu tố nhưng trong đó phải kể tới tình huống truyện vô cùng độc đáo. Chính sự độc đáo của tình huống truyện làm cho truyện ngắn trở nên hấp dẫn người đọc

Giữa cái nghèo đói khốn khổ ấy, trong khi người chết như ngả rạ, xác thối giữa, khiến cho lũ quạ và diều hâu ngày đêm bu quanh xóm ngụ cư tăm tối. Những người sống thì vật vờ như bóng ma.

Người gầy còm, bủng beo vì đói rách, họ đi lại chẳng khác nào những thây ma, chỉ còn hai con mắt trố to, người teo tóp còn da bọc xương.

Trong cảnh tăm tối đó một nhân vật nghèo khổ, sống cảnh mẹ góa con côi, lưu lạc, chẳng có sự nghiệp hay học rộng tài cao gì. Tràng là một nhân vật xấu xí, thô kệch về ngoại hình, ít học, nhà nghèo. Một người như vậy nếu thời thế bình thường rất khó lấy được vợ, bởi các cô gái đều có sự tính toán riêng của mình.

Nếu họ đã chọn chồng thì phải chọn người thành công, học thức, đẹp trai giàu có. Những người như vậy mới đảm bảo cuộc sống cho họ. Mới có thể thành chỗ dựa vững chắc cho tương lai của họ sau này. Chẳng ai lại đi chọn Tràng một người chẳng có gì trong tay.

Nếu như bình thường việc cưới vợ là việc vô cùng hệ trọng trong đời người. Đúng như các cụ xưa đã nói “Tậu trâu lấy vợ làm nhà trong ba việc ấy thật là khó thay” chẳng ai lại lấy vợ như nhặt một cục gạch rơi ở ngoài đường mang về như thế.



Lấy vợ mà không biết tên vợ, không biết gốc gác quê quán vợ nơi đâu. Chỉ thông qua vài ba lần trêu đùa mà đã định gắn bó ăn đời ở kiếp với nhau. Trong khi Đức phật đã dạy “Phải tu trăm năm mới ngồi cùng thuyền, phải tu nghìn năm mới có duyên chồng vợ” vậy mà chuyện Tràng lấy vợ cứ như một trò đùa.

Bên cạnh đó, việc người chết như ngả rạ vì đói, giữa lúc cái ăn cái mặc còn không có mà lại đi cưới vợ rước một miệng ăn về nhà thì thật là dở hơi.

Chính vì vậy, khi Tràng đi với người vợ mới của mình về xóm ngụ cư nghèo khổ, lam lũ thì những ánh mắt nhìn của hàng xóm xung quanh, những tiếng xì xào bàn tán “Ai vậy? Hay vợ cu Tràng?…” “Giữa lúc đói kém này mà vác thêm một miệng ăn...” những tiếng nhỏ to đó khiến cho đôi trẻ chỉ biết lặng im đi qua.

Mẹ Tràng bà cụ Tứ cũng vô cùng ngạc nhiên khi có người đàn bà lạ ở trong nhà mình. Lúc đầu, bà con ngờ ngợ tưởng mình trông gà hóa cuốc. Sau đó, khi chắc chắn đó là vợ cu Tràng thông qua lời giới thiệu của con trai mình rằng “Đây là nhà con“. Thì bà cụ Tứ không còn nghi ngờ gì nữa, bà chợt cảm thấy tủi thân và thương cho bọn trẻ. Người ta cưới vợ trong lúc ăn nên làm ra, còn mình thì…

Nhưng rồi bà cũng vui vẻ đón nhận người con dâu này. Bà nghĩ gặp lúc hoạn nạn, khó khăn người ta mới ngó tới con mình, thì con mình mới có vợ. Nên bà thương con trai và con dâu lắm.

Bà cụ Tứ còn tìm cách động viên tinh thần cho các con của mình “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời…cứ chịu khó làm ăn biết đâu giời thương lại chẳng cho khấm khá” Những lời nói chân thành của một bà mẹ thương con. Một người phụ nữ có tấm lòng bao dung nhân hậu.

Bản chất tốt đẹp của người nông dân hiền lành của cu Tràng của bà cụ Tứ khiến cho tình huống truyện trở nên hấp dẫn độc đáo hơn. Bởi nếu họ không nhân hậu, không hiền lành thì không dễ dàng tiếp nhận một người phụ nữ lạ mặt trong lúc đói kém này.

Không chỉ có vậy, Kim Lân còn khéo léo lồng ghép những chi tiết nhỏ như trong bữa cơm đầu tiên sau khi lấy nhau ba người họ ngồi ăn một nồi cháo cám đắng ngắt nhưng ai cũng điềm nhiên ăn ngon lành. Trong bữa cơm hình ảnh người ta phá kho thóc Nhật chia cho dân nghèo, rồi hình ảnh lá cờ cách mạng cờ đỏ sao vàng hiện ra đầy ám ảnh.

Tác phẩm “Vợ nhặt” là tác phẩm thành công của nhà văn Kim Lân bởi tình huống truyện độc đáo, văn phong sâu sắc giản dị gần gũi với người dân.

( sưu tầm )
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top