Một số tục, trò chơi trong lễ hội của Bắc Giang

Hide Nguyễn

Du mục số
Nằm trong vùng đất kinh Bắc xưa, Bắc Giang có nhiều lễ hội, được tổ chức vào dịp tháng giêng, hai. Trong phần hội, ngoài môn vật, các tục, trò chơi dân gian đã trở thành một nội dung không thể thiếu được, tạo nên không gian riêng của lễ hội Bắc Giang.

1. Cờ tướng:

Vào dịp đầu xuân, hầu hết lễ hội của các địa phương trong tỉnh, ngoài tiếng trống vật, không thể nào thiếu được nội dung thi đấu cờ tướng. Tùy từng địa phương, cờ tướng được tổ chức theo các hình thức: thi đấu cờ bằng bàn con, thi đấu dưới hình thức cờ bỏi và thi đấu dưới hình thức cờ người.

Cờ bỏi: Bàn cờ được kẻ trên khu đất rộng, có thể là trước sân đình. Người ta kẻ bàn cờ bằng vôi, đào lỗ thả ống nứa làm vị trí cắm các quân cờ, Quân cờ làm bằng gỗ khoảng 20cmx25cm, có cán dài khoảng 1m50. Khi chơi, có trống thúc hai bên vào trận. Luật chơi như cờ bàn, chỉ khác là người chơi phải bao quát sân rộng hơn.

Cờ người:Có thể nói thi đầu cờ người hấp dẫn nhất. Mỗi ván do 32 ngời thủ vai, mỗi bên gồm 16 chàng trai khỏe mạnh đóng quân đỏ, mỗi bên gồm 16 thiếu nữ xinh đẹp đóng quân xanh. Hai tướng (tướng ông, tướng bà) là hai người đẹp nhất được chọn trong số 32 người. Cả 32 người này đều là các chàng trai, cô giá chưa chồng, chưa vợ.

Bàn cờ là một bãi sân rộng, thường là các sân đình. Các quân cờ do người sắm vai mang trang phục đúng quy định. Trang phục quần áo xanh đỏ, chân quấn xà cạp, tay cầm giáo dài, đầu đội nón chóp ngộ nghĩnh là các chú tốt. Còn tướng mặc áo bào, chân đi hia, đầu đội mũ cánh chuồn… Các quân trên ngực và đầu sau lưng áo đều có in chữ tướng, sĩ, tượng xe… bằng chữ Hán. Các trận đấu cờ người thường thu hút đông đảo quần chúng tới xem, tạo không khí vui tươi, đa dạng, phong phú trong ngày lễ hội.

2. Tục cướp cầu, đánh phết:

Đây là một tục, một trò chơi cổ truyền thường được tổ chức vào dịp lễ hội của một số địa phương. Tùy theo từng nơi và cách chơi mà có tên gọi khác nhau như cướp cầu, bốc cầu. Nếu tranh cầu bằng tay thì gọi là đả cầu hoặc đánh phết (dụng cụ chơi thường làm bằng tre, hoặc gỗ một đầu thẳng để tay cầm, một đầu cong để móc, kéo cầu di chuyển).

Tục cướp cầu thường có ở Tiên Lục, An Hà, Đình Bảng, chùa Thông, Phúc Long, Phúc Tằng, Khám Lạng, Việt Ngọc, Lam Cốt, Phúc Hòa, Ngọc Lý… Tục đánh phết thường có ở Lương Phong, Hương Câu…
Sân chơi có khi là sân đình hoặc bãi đất rộng bên đình. Sân nhỏ chừng một sân đất, sân lớn chừng hai sào. Mỗ bên sân cho đào một lỗ rộng vừa đủ lọt quả cầu. Giữa sân có kẻ một vạch rang giới. Quả cầu thường làm bằng gỗ mít hoặc gỗ lim, đường kính chừng 50-60cm đục rỗng, ngoài sơn đỏ, kẻ vẽ rồng phượng đẹp mắt.
Tham gia chơi thường có hai phe, mỗi phe có một giáp, hoặc hai giáp (mỗi giáp gồm 10 người). Người chơi là những chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, nhanh nhẹn được làng tuyển chọn, tất cả đều cởi trần đóng khố, ngang sườn thắt bao vải, đầu chít khăn màu xanh, đỏ.

Khi chơi, hai phe vào sân, mỗi giáp đứng thành một hàng dọc trông lên cửa đình. Trước khi vào cuộc, ông cai đám (người cầm trịch) trịnh trọng trong bộ trang phục cổ truyền (khăn xếp, áo the) làm lễ tại đình. Rồi ông đọc to bài tế reo cầu trầm bổng theo nhịp chống. Sau khi ông cai đám reo cầu, trai các giáp xô nhau cướp, ngăn chặn, luồn lách, tranh cướp bằng được quả cầu ôm vào lòng, chạy đưa cầu vào lỗ của đối phương là thắng. Dân xem đứng vòng trong vòng ngoài, chiêng chống dục giã liên hồi, cùng tiếng hò reo cổ vũ của dân làng tạo lên không khí sôi động của ngày hội. Giáp thắng cuộc được làng thưởng nhưng mừng hơn cả vì năm ấy cả làng, cả giáp gặp may, bình an, làm ăn phát đạt thịnh vượng.

Đặc biệt ở làng Vân (xã Vân Hà – Việt Yên) có tục cướp cầu nước. Tục cướp cầu nước được tổ chức ở sân sâm sấp nước, vì thế cuộc đua tranh cầu rất quyết liệt và độc đáo.

3. Trò chơi kéo ếch:

Trò chơi này được tổ chức ở hội Phù Lão (Lạng Giang) vào ngày 16 tháng 2 âm lịch. Trò chơi này được tổ chức trên sân đình hay bãi đất bằng phẳng. Sân chơi là một vòng tròn có đường kính khoảng 5m, giữa sân kẻ hai đường kính giao nhau về bốn phía đông, tây, nam, bắc.

Cách chơi: 4 thanh niên khỏe mạnh, sức vóc tương xứng nhau, đóng khố, cởi trần, buộc thừng vào lưng (thừng thường được làm bằng vải mềm tết lại, các thừng này được kết nối với nhau) sau đó vào sân quỳ xuống, hai tay chống xuống đất trông như con ếch, quay đầu về 4 hướng. Khi có lệnh chơi, mỗi người cố sức kéo 3 người kia về phía mình. Nếu ai lôi được 3 người kia về phía mình và bò được ra khỏi vòng tròng là thắng cuộc. Cuộc chơi hết sức quyết liệt, đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe và sự bền bỉ, dẻo dai.


Nguồn : svhttdl.bacgiang.gov.vn
 
Đón xuân, tản mạn về truyền thống khoa cử quê hương Bắc Giang thời phong kiến


Các bậc đế vương Việt Nam thời phong kiến đều kén chọn người hiền tài để sung vào bộ máy quản lý nhà nước thông qua đường khoa cử. Không kể những khoa thi cuối cùng do triều đình nhà Nguyễn tổ chức có sự can thiệp sâu sắc của chính quyền bảo hộ thực dân Pháp thì khoa cử chính là giải pháp tối ưu cho chế độ “dĩ văn thủ sĩ” (lấy người giỏi văn ra làm quan), hay “văn quan trị quốc” (coi trọng quan văn trong việc cai trị đất nước) của nhà nước phong kiến.

38871.jpg

Sự nghiệp khoa cử xưa là nền tảng, nguồn cội phản ánh nền giáo dục nước ta được ghi nhận từ khi dân tộc ta giành được độc lập từ năm 938. Rất tiếc, ở các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê (thế kỷ 10) sử sách không ghi lại được những thông tin cần thiết để giúp người đời sau hình dung được diện mạo nền giáo dục được thai ghén, manh nha ra sao. Cho nên, nền giáo dục được nước nhà được đánh dấu từ mốc son năm 1070 với sự kiện vua Lý Thánh tông cho xây dựng Văn miếu ở phía nam Hoàng thành Thăng Long để tôn thờ đạo Khổng và làm nơi học tập chữ thánh hiền của các Hoàng tử nhà Lý. Thành tựu nền giáo dục lại được đánh giá thông qua khoa cử, cho nên mốc son lịch sử khoa cử Hán học được chính thức đánh dấu vào năm 1075, khi vua Lý Nhân tông mở khoa thi Minh kinh bác họcNho học tam trường để kén trọn người hiền tài vào bộ máy hành chính nhà nước. Trải 845 năm đến khoa thi Kỷ mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) nhà Nguyễn thì cáo chung. Xuyên suốt chiều dài lịch sử khoa cử Hán học, các triều đại phong kiến đã tổ chức được 183 khoa thi và lấy gần ba nghìn sĩ tử đỗ đại khoa trên cả nước. Trong số đó, kẻ sĩ Bắc Giang có 58 người (đứng thứ 8 trong cả nước) ở các triều đại: Triều Lý 01, triều Trần 04, triều Lê sơ 17, triều Mạc 26, triều Lê Trung hưng 08, triều Nguyễn 02.

images872045_choi-ca%281%29.jpg

Người khai khoa cho nền khoa cử Bắc Giang là Nguyễn Viết Chất, người xã Phượng Nhãn, huyện Phượng Sơn (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) đỗ hàng đệ nhất giáp ở khoa thi Mậu thìn (1088), người đăng khoa cuối cùng là Đình nguyên Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, người làng Trâu Lỗ, tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hoà (nay là thôn Trâu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà), ông thi đỗ ở khoa thi Tân sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901).

Trong số 58 nhà Khoa bảng của quê hương Bắc Giang thì có 4 vị đỗ đầu kỳ thi Đình (còn gọi là Đình nguyên), 02 vị đỗ Trạng nguyên (Đào Sư Tích, Giáp Hải), 01 Bảng nhãn, 03 Thám hoa, còn lại là đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Khoa thi nhiều sĩ tử Bắc Giang đỗ đạt nhất là khoa Mậu tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) triều Mạc có tới 04 vị, trong đó có cả Trạng nguyên (Giáp Hải, người xã Dĩnh Kế thành phố Bắc Giang ngày nay), Thám hoa (Hoàng Sầm, người xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà ngày nay) và hai vị nữa là Tiến sĩ Ngô Trang (Hiệp Hoà), Nguyễn Đình Tấn (Yên Thế). Có 4 khoa có 3 vị đỗ đại khoa và 5 khoa có 2 vị...

Thống kê phân bố các nhà khoa bảng theo địa danh hành chính cấp huyện như hiện nay thì Hiệp Hoà có 17 vị, Việt Yên 15 vị, Yên Dũng 13 vị, thành phố Bắc Giang 7 vị, Tân Yên 4 vị, Lạng Giang 2 vị. Làng quê có nhiều vị đăng khoa nhất là làng Yên Ninh (nay thuộc thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên) có tới 10 vị kế tiếp đỗ đại khoa dưới hai triều Lê - Mạc. Sau đó là làng Song Khê (Yên Dũng) có 5 vị, làng Phương Đậu (Song Mai, thành phố Bắc Giang) có 4 vị.

633783510335312500.jpg

Làng Song Khê (Yên Dũng) có 5 người đỗ đại khoa thì có hai cha con họ Đào nổi danh nhất. Người cha là Tiến sỹ Đào Toàn Bân (có tài liệu ghi là Đào Toàn Mân, hay Đào Toàn Phú) đăng đệ ở khoa thi Nhâm thìn (1352). Sau đó 22 năm, người con trai ông là Đào Sư Tích kế tiếp đăng đệ với danh vị Trạng nguyên ở khoa thi Giáp dần (1374). Chuyện dân gian kể rằng: Đào Sư Tích khi đỗ Trạng nguyên vào bái yết Thái Thượng hoàng vì đối đáp thông minh trôi chảy nên vua ngỡ ngàng mà hỏi rằng: Người thày của tân Trạng nguyên là ai? Sư Tích trả lời: Thần học hành đỗ đạt là do công lao dạy dỗ của thân phụ. Thái Thượng hoàng khen rằng: Thật là “hổ phụ sinh hổ tử”, “phụ tử đồng đăng khoa”. Qua giai thoại ấy mà người đời sau tôn vinh hai cha con họ Đào đều đỗ Trạng nguyên.



Người khai khoa cho truyền thống hiếu học, khoa bảng làng Yên Ninh là Thân Nhân Trung. Ông thi đỗ Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469). Kế sau ông có 9 người đỗ đại khoa, trong đó có 2 con trai (Thân Nhân Tín, Thân Nhân Vũ) và người cháu nội Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 28 (1487) rồi cả bốn cha con ông cháu ra làm quan đồng triều. Khi Thân Nhân Tín có người cháu là Thân Cảnh Vân đăng khoa đại khoa, vua Lê Thánh tông đã ca ngợi họ Thân bằng hai câu thơ: Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển/ Nhị thân phụ tử mộc ân vinh (Mười anh em họ Trịnh kế nhau quý hiển. Hai cha con họ Thân tắm gội ân vinh).

Cũng gia đình họ Thân, ở làng Phương Đậu có ba cha con ông cháu kế tiếp đăng khoa dưới triều đại Lê Trung hưng đó là Tiến sỹ Thân Khuê, Tiến sỹ Thân Toàn, Tiến sỹ Thân Hành...Cả ba đều giỏi việc bang giao nên đều được triều đình tuyển trọn vào các đoàn sứ bộ đi làm nhiệm bang giao, tuế cống triều đình phương Bắc.

kimhoang.jpg


Nhà khoa bảng đăng đệ cuối cùng của quê hương Bắc Giang là Đình nguyên Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuân. Ông thi đỗ Tiến sỹ ở khoa Tân Sửu (1901) rồi ra làm quan cho triều Nguyễn. Trên bước đường hoạn lộ ông luôn được trao giữ những chức quan chăm lo việc học và ông luôn chú tâm đến sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước.Bài văn sách thi Đình của ông được người đời truyền tụng bởi lời lẽ sắc bén.. Thời gian trí sĩ tại quê nhà vừa bốc thuốc chữa bệnh cứu đời ông còn biên soạn sách Đại Nam quốc sử cải lương tương đối đồ sộ được các nhà Sử học thời nay đánh giá là pho sử viết bằng chữ Hán cuối cùng và có giá trị rất lớn lao về học thuật.

Ngoài 58 vị khoa bảng được lưu danh trong bảng vàng bia đá, Bắc Giang còn có hàng trăm, hàng nghìn vị nho sinh ưu tú thi đỗ trung khoa và tiểu đăng khoa. Các vị đỗ trung khoa dưới thời Nguyễn được ghi chép đầy đủ, còn các vị thi đỗ triều đại nhà Lê trở về trước chỉ tìm được rải rác trong các thư tịch, văn bia được tàng lưu ở các làng xã tỉnh nhà mà đến nay chưa thể thống kê đầy đủ. Họ đều là những vị trí thức, có người được bổ làm quan, tham gia bộ máy hành chính của nhà nước phong kiến. Có người lận đận trên đường khoa cử, hoạn lộ đã ẩn dật ở thôn quê làm nghề dạy học, bốc thuốc cứu đời. Chính họ là những người thày khai tâm cho nhiều thế hệ Nho sinh ưu tú trước khi được vào học ở các trường bậc cao và thi đỗ Trung khoa, Đại khoa. Sự đóng góp lớn lao của các vị trí thức làng xã làm cho nền giáo dục nước nhà qua các triều đại phong kiến phát triển./.


Nguồn : svhttdl.bacgiang.gov.vn
 
Nghè Dĩnh Kế và lễ hội truyền thống


Dĩnh Kế là một xã nằm ở phía Đông thành phố Bắc Giang, giáp gianh với các xã Tân Tiến, Hương Gián (Yên Dũng), Dĩnh Trì, Tân Dĩnh (Lạng Giang), phường Thọ Xương, xã Xương Giang và hai đường Lê Lợi, Ngô Quyền thuộc nội thị. Nằm ngay bên quốc lộ 31, con đường nối thành phố Bắc Giang với miền Đông Bắc của tổ quốc.

Công trình kiến trúc nhỏ nhắn, khiêm nhường này dựng đặt giữa bãi đất cao, cây trái xum xuê, trông thật sự tôn nghiêm cổ kính, giữa nơi phố chợ. Đường xá nơi đây tấp nập người xe qua lại, nhộn nhịp cảnh mua bán đổi trao, các hoạt động kinh tế khá phong phú sôi động và sầm uất lại càng chứng tỏ Dĩnh Kế từ xưa đã là nơi đô hội, làm ruộng, cấy lúa, trồng rau màu, trồng dâu chăn tằm vốn là nghề sống chính. Song các hoạt động thủ công, đặc biệt là nghề làm bánh đa có từ rất sớm và nổi tiếng gần xa, khiến cho đời sống của người dân Dĩnh Kế ngày một nâng cao - chợ Kế, một trung tâm buôn bán, sầm uất lên từ thời Lê đã chứng tỏ các hoạt động thương mại ở Dĩnh Kế xuất hiện khá sớm và phát triển liên tục đến ngày nay. Chính nhờ các hoạt động kinh tế đa dạng, phong phú mà làm cho miền quê Dĩnh Kế luôn sôi động, quan hệ của người dân rộng mở, làng xã không bị bó hẹp, đóng khung trong những luỹ tre. Dĩnh Kế là nơi hội tụ cư dân ở nhiều nơi đồng thời cũng là nơi giao lưu năng động về kinh tế, văn hoá với các vùng miền trong nước. Đó là những nhân tố, là môi trường lịch sử xã hội làm nên một Dĩnh Kế giàu truyền thống văn hiến.

Truyền thống cộng đồng đoàn kết được thể hiện khá tập trung ở việc tôn thờ đức Cao Sơn- Quý Minh. Đây là hai vị tướng thời Hùng Vương, có nhiều công trạng trong việc phò vua giúp nước, nhân dân nhiều làng xã Việt Nam đã lập đình, đền thờ phụng. Các triều vua phong kiến Việt Nam ban sắc phong tặng hai vị tướng là thượng đẳng thần.

Nghè Dĩnh Kế là một công trình kiến trúc có quy mô nhỏ với 1 gian 2 trái, hai dĩ làm trung tâm thờ tự (nhân dân địa phương quen gọi là toà hậu cung) và 5 gian tiền tế ở phía trước.

Cũng như nhiều miền quê khác của tỉnh Bắc Giang, nghè Dĩnh Kế là trung tâm thờ tự, hành lễ và tổ chức hội lệ của nhân dân toàn xã. Hàng năm, vào dịp ngày Rằm tháng Ba âm lịch, ngày đại kỳ phúc của toàn dân, các thôn rước kiệu đặt bài vị đức thánh về nghè Cả, tổ chức hành lễ, biểu hiện lòng thành kính của mọi người đối với đức thánh. Hội lệ được tổ chức chu đáo, uy nghiêm. Để cho việc tiến hành lễ hội được chu đáo, xưa toàn xã còn dựng một đình chung (gọi là đình hàng xã hay đình Vĩnh Ninh). Đây là ngôi đình lớn bằng gỗ lim có đao cong mái uốn, trong sàn gỗ, cửa chấn song. Đây là nơi hội họp và tổ chức lễ hội của nhân dân toàn xã. Ngoài việc rước sách, hành lễ, tế, hội Kế còn có nhiều trò vui hấp dẫn như: Cờ tướng; chọi gà; đánh đu và các trờ chơi cổ truyền khác….Đặc biệt, trong lễ hội Kế còn có trò chơi cờ người và kéo chữ: Trai gái trong làng được chọn vào làm quân cờ hoặc kéo chữ phải được tập trước hàng tháng. Trước ngày mở hội khoảng 3-4 ngày, những người này tập trung nhau lại để tổng duyệt. Người tham gia chơi trò chơi kéo chữ được mặc quần áo đẹp, đầu đội nón xếp hoặc nón chóp dứa, đi giày chín long, thắn lưng nhiễu điều, vác cờ ngũ sắc đi theo hiệu lệnh trống của ông Tổng cờ cho đến khi xếp thành hình chữ: “Thiên hạ thái bình-Trình quan đại hội”. Hội Kế tháng ba là sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của nhân dân toàn xã, hấp dẫn và thu hút khách thập phương, trở thành lễ hội lớn của đời sống con người của vùng quê văn hiến, đi vào cuộc sống tự nhiên như hơi thở:

“ Đồn rằng hội Kế tháng Ba

Không đi xem hội cũng già mất thân”

Vào dịp 20 tháng 7, còn diễn ra lễ Thượng điền của nhân dân toàn xã. Ngày này 7 giáp của các thôn mang lễ vật ra tế lễ ở đình hàng xã, biểu diễn sự sùng kính trời đất, thánh thần đã phù giúp mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh.

Việc thờ phụng đức thánh của nhân dân Dĩnh Kế từ xưa đã rất tôn nghiêm sùng kính và được nhà nước phong kiến Việt Nam phong sắc, thừa nhận. Hiện nay tại nghè Cả còn lưu giữ được 10 đạo sắc của các triều vua nhà Nguyễn ban cho nhân dân trong xã phụng thờ theo lệ cũ từ trước. Nghè còn là nơi đặt thờ các vị tiên hiền khoa bảng của hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn, trong đó có những bậc đại khoa của Dĩnh Kế là Giáp Hải, Giáp Phong, Nguyễn Duy Năng. Các đồ thờ tự các tài liệu, cổ vật, nhất là bài vị, đức thánh, sắc phong của các triều vua, bia ghi các vị khoa bảng… là những nguồn tài liệu cổ vật có giá trị lịch sử cao. Mặt khác, di tích nghè Dĩnh Kế hiện đang phát huy tác dụng tích cực của một di tích lịch sử văn hoá: nơi thờ phụng tôn nghiêm các đức thánh Cao Sơn- Quý Minh và các tiên hiền khoa bảng, nơi trung tâm tổ chức hội họp và lễ hội của toàn dân với các hoạt động văn hoá tinh thần giàu chất nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top