Chia Sẻ Một số nét về quan hệ kinh tế Mỹ - Nhật - Trung trong giai đoạn hiện nay

Trang Dimple

New member
Xu
38
Quan hệ kinh tế Mỹ - Nhật - Trung trong bất kỳ giai đoạn nào, đặc biệt kể từ thập kỷ 70 tới nay luôn là trung tâm chú ý của tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và của các nước khu vực châu A' - Thái Bình Dương (TBD) nói riêng, bởi vì những quan hệ kinh tế này ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách kinh tế đối ngoại của từng quốc gia. Xuất phát từ ý tưởng đó, bài viết này cố gắng tổng kết các mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc trong thời gian gần đây.

1. Quan hệ kinh tế Mỹ - Nhật Bản:

Quan hệ giữa Mỹ - Nhật - Trung , theo ông Lý Quang Diệu là những yếu tố quyết định tương lai của khu vực châu A'- Thái Bình Dương và tương lai của thế giới, trong đó quan hệ Mỹ - Nhật đóng vai trò quan trọng nhất. Bất kể là Mỹ hay Nhật, khi vạch chính sách đối với châu A', điều họ cân nhắc trước tiên là quan hệ Mỹ - Nhật hoặc quan hệ Nhật - Mỹ chứ không phải là quan hệ Mỹ - Trung hay Nhật - Trung.

Năm 1993, khi trình bày dự án về "Cộng đồng kinh tế Châu A' - Thái Bình Dương" tại hội nghị Seatle, tổng thống Clinton nói rõ quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản là hạt nhân trong chính sách của Mỹ với cộng đồng Thái Bình Dương, còn chính phủ Nhật thì luôn coi quan hệ Nhật - Mỹ là hòn đá tảng trong quan hệ đối ngoại của Nhật Bản.

Sự thâm nhập và nương tựa lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Nhật Bản khăng khít đến mức không thể tách rời được. Mỹ là thị trường xuất khẩu và là nơi đầu tư lớn nhất của Nhật Bản, cũng là nơi cung cấp kỹ thuật mới, sản phẩm kỹ thuật và thông tin cho Nhật Bản.

Sản xuất của hai nước chiếm 40% thế giới, nhiều vấn đề lớn trong nền kinh tế thế giới phải cần đến sự hợp tác mạnh mẽ của hai nước mới có thể giải quyết được. Do vậy, dù trong khu vực Châu A' - Thái Bình Dương hay trên phạm vi toàn cầu, Mỹ và Nhật Bản đều có lợi ích chung rộng rãi và có nhu cầu hợp tác với nhau, điều này tạo cơ sở thiết lập mối quan hệ kinh tế lâu dài giữa hai nước.

Tuy vậy, trong tình hình hiện nay, giữa hai nước đang có những mâu thuẫn kinh tế lớn. Một là vấn đề thâm hụt trong cán cân buôn bán hết sức gay gắt, một nửa mức thâm hụt hàng năm của Mỹ là với Nhật Bản. Hai là cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Nhật Bản nhằm giành quyền chủ đạo kinh tế ở khu vực Châu A' - Thái Bình Dương.

Do vậy trong một thời gian tương đối lâu dài sau này, xu hướng phát triển kinh tế Mỹ - Nhật là hợp tác, bất đồng, mâu thuẫn, xung đột. Nhưng mâu thuẫn và xung đột chỉ nằm trong giới hạn của nó chứ không thể dẫn tới chiến tranh kinh tế Mỹ - Nhật.

Thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Nhật Bản rất lớn. Năm 1992, mức thâm hụt là 49 tỷ USD. Năm 1993, con số này lên tới 60 tỷ USD. Chính vì vậy, Mỹ đã tuyên bố áp dụng các biện pháp trả đũa đối với Nhật Bản theo điều luật "Super 301", theo đó Mỹ sẽ tăng thuế đối với các hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm của ngành viễn thông. Tuy nhiên, những biện pháp cứng rắn này cũng vẫn không mang lại hiệu quả nhiều vì nó đi ngược lại những nguyên tắc của GATT, và vì phản ứng của nhiều nước về cơ bản có lợi cho Nhật Bản.

Năm 1994, mức thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ đối với Nhật Bản vẫn rất lớn (khoảng gần 66 tỷ USD). Mỹ chiếm tỷ trọng 23% hàng nhập khẩu và 30% hàng xuất khẩu của Nhật. Do đó, mục tiêu của Mỹ là phải giảm mức thâm hụt này xuống. Mỹ và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận là Nhật phải mở cửa cho các mặt hàng chế tạo của Mỹ sang Nhật Bản (trong đó 2/3 là ô tô và phụ tùng ô tô). Đồng thời, trước đó còn có 8 hiệp định song phương cho phép các công ty Mỹ thâm nhập thị trường Nhật Bản. Hầu hết, các hãng sản xuất ô tô nổi tiếng của Mỹ như Chrysler, Ford, General Motor đã dự tính số xe bán vào thị trường Nhật sẽ tăng 4-5 lần trong vòng năm năm tới. Thêm vào đó, chương trình kinh tế trọn gói của chính phủ Nhật Bản với 137 tỷ USD nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của Nhật Bản dưới tác động của đồng yên tăng giá so với đồng USD đã trở nên rất có lợi đối với các nhà xuất khẩu Mỹ. Do đó, kể từ sau quý 2/1995, nhập siêu của Mỹ với Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (kể từ 1991). Nhập siêu của Mỹ đã giảm, còn 13,32 tỷ USD. Riêng xuất khẩu ô tô của Nhật sang Mỹ giảm 13,6%.

Từ nhiều năm nay, đồng USD, Yên và DM vẫn là những đồng tiền nòng cốt trên thị trường ngoại hối. Đồng thời do đồng Yên ngày càng được quốc tế hóa và ngân hàng Nhật Bản mở rộng hoạt động ra nước ngoài, nên quan hệ hối đoái dựa trên đồng USD và yên cũng ngày càng trở thành trung tâm của sự chú ý.

Trong năm 1993, mặc dù kinh tế Mỹ có phục hồi, nhưng đồng Yên lại ngày càng lên giá so với đồng USD. Đó là do Nhật Bản đã đẩy mạnh xuất khẩu và có số thặng dư buôn bán với nước ngoài rất lớn. Đồng thời do cuộc khủng hoảng của hệ thống tiền tệ Châu Âu tháng 7/1993 khiến cho các đồng tiền trong hệ thống dao động bất ổn định, nên những kẻ đầu cơ tiền tệ coi đồng Yên là an toàn hơn, đã đẩy giá đồng Yên tăng vọt. Tháng 3/1993, tỷ giá của đồng USD so với đồng Yên là 124 Yên/1 USD, tháng 4/1993, tỷ giá này là 110 Yên/1 USD và tháng 6 chỉ số này đã tới 105 Yên/1 USD. Sau khi Nhật công bố kim ngạch xuất siêu tháng 7/1993 tăng lên và Mỹ công bố kim ngạch nhập siêu tăng lên thì tháng 8/1993 tỷ giá này đã đạt tới mức kỷ lục là 100 Yên/1 USD tại thị trường Tokyo.

Đồng Yên lên giá gây nhiều khó khăn cho kinh tế Nhật Bản. Chi phí sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tính theo USD tăng cao, khiến cho xuất khẩu của Nhật bị tụt xuống và tỷ lệ tăng trưởng nền kinh tế giảm sút đúng vào lúc nền kinh tế Nhật Bản bị suy thoái kéo dài. Do đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã phải mua vào mỗi ngày 1 tỷ USD để ghìm giá đồng Yên nhưng kết quả không đạt được bao nhiêu.

Đồng thời, từ nhiều năm nay, chính phủ Mỹ thực hiện chính sách nâng cao giá của đồng Yên so với đồng USD, nên họ đã làm ngơ không can thiệp khi đồng Yên tăng giá, chỉ đến khi đồng Yên tăng giá đến mức kỷ lục so với đồng USD vào tháng 8/1993 thì Mỹ mới tung ra hơn 100 tỷ yên để thu về hơn 1 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ rằng tỷ giá 100 Yên/1 USD là mức thấp nhất của USD so với đồng Yên mà Mỹ có thể chấp nhận được. Bởi vì nếu giá USD so với Yên tụt xuống dưới mức 100 sẽ có nguy cơ dẫn đến bùng nổ cuộc khủng hoảng thị trường tiền tệ thế giới và các nước sẽ bán tháo chứng khoán Mỹ, khiến Mỹ phải nâng cao lãi suất gây ảnh hưởng bất lợi đối với việc phục hồi kinh tế của mình.

Cuối năm 1994, tỷ giá USD so với Yên là khoảng 95 Yên/1 USD, do đó nhiều dự báo cho rằng sự sụt giá của đồng USD và tăng giá của đồng Yên đã đến giới hạn chót mà các ông chủ của chúng còn chịu đựng được. Sớm muộn thì họ cũng phải tìm mọi cách để vực đồng USD dậy và kìm giữ tốc độ tăng giá của đồng Yên. Đó là lý do giải thích tại sao giữa năm 1994, các ngân hàng trung ương của G-7 đã hai lần can thiệp để nâng đỡ đồng USD nhằm bảo vệ thị trường tiền tệ thế giới. Nhưng cuối năm 1994, đầu năm 1995, cuộc khủng hoảng tài chính Mêhicô bùng nổ, buộc Mỹ phải cho Mêhicô vay 40 tỷ USD để ổn định tình hình kinh tế đã làm cho đồng USD đang giảm giá lại giảm giá hơn nữa. Tháng 4/1995, đồng Yên đạt mức tăng giá chưa từng có trong hơn 50 năm qua, tỷ giá là 84 Yên/1 USD. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã vội nâng lãi suất lên 0,75% để làm dịu bớt sự lo ngại về lạm phát và ổn định lại đồng USD. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã phải họp khẩn cấp để bàn biện pháp đối phó với tình hình đó, vì đồng Yên lên giá quá cao gây phương hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nhật Bản mới bắt đầu phục hồi.

Tại sao lại có tình trạng đồng Yên tăng quá cao như vậy ? Có mấy lý do sau đây:

a) Chủ trương của Mỹ muốn trừng phạt Nhật trong cuộc chiến tranh thương mại.

b) Sự suy yếu thực sự của bản thân đồng USD do cuộc khủng hoảng tài chính Mêhicô gây ra.

c) Ngân hàng Nhật Bản bán quá nhiều USD dự trữ để lấy Yên nhằm tái thiết lại đất nước sau cuộc động đất Hanskin.

d) Các nhà đầu cơ tiền tệ quốc tế, từ đầu năm 1995 hy vọng kinh tế Mỹ sẽ phát triển, do đó đã nắm giữ nhiều USD, đến khi một loạt sự kiện bất lợi với USD xảy ra đã vội vã bán tống USD đi, gây tình trạng dư thừa.

Tuy nhiên, kể từ sau tháng 4/1995, khi cuộc khủng hoảng tài chính Mêhicô dịu đi nhờ sự phối hợp và can thiệp của G7 trên các thị trường tiền tệ quốc tế, đồng USD đã tăng giá 20% so với đồng Yên. Và từ đó tới nay đồng USD đang có xu hướng tăng giá dần. Đến ngày 31/10/1996, đồng Yên đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 42 tháng qua trên các thị trường tiền tệ New York, London, Tokyo : 114 Yên/1 USD. Việc đồng USD tăng giá mạnh so với đồng Yên sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng xuất khẩu của Mỹ và có thể làm tăng thâm hụt mậu dịch của Mỹ. Do đó, nhiều nhà tiền tệ cho rằng trong thời hạn ngắn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên can thiệp để nâng đỡ đồng Yên.

2. Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc

Ngày nay, Mỹ đã thấy được vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, ủng hộ chính sách mở cửa của Trung Quốc và cho rằng sự ổn định phồn vinh của Trung Quốc sẽ có lợi cho sự ổn định và phát triển của khu vực Châu A' - Thái Bình Dương và cũng thuận lợi cho việc mở rộng hợp tác kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc. Đồng thời Mỹ cũng lo sợ sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc sẽ phương hại đến lợi ích của Mỹ và Mỹ cũng cảm thấy khó dự đoán chính xác xu thế phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Nói chung, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là xử lý các mối quan hệ xuất phát từ góc độ chiến lược toàn cầu, an ninh rồi mới đến lợi ích kinh tế.

Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Mỹ sau Nhật Bản, và là bạn hàng có tiềm năng nhất trong số các nước APEC. Năm 1994, tổng kim ngạch buôn bán giữa Mỹ và Trung Quốc là 50 tỷ USD thì Mỹ bị nhập siêu 28 tỷ USD, đến năm 1995 kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng lên gần 60 tỷ USD, nhưng thâm hụt của Mỹ so với Trung Quốc tăng lên ít, tổng mức thâm hụt là 32 tỷ USD, chiếm gần 30% mức thâm hụt của Mỹ (Kinh tế Thế giới, 1995, tr.104, Thời báo Kinh tế Việt Nam số 45 ngày 6/4/1996) và dự kiến năm 1996, con số này sẽ là 45 tỷ USD (Thời báo Kinh tế ngày 22/6/1996). Hơn thế nữa, căng thẳng mậu dịch Mỹ - Trung Quốc về vấn đề hàng giả, (Mỹ tố cáo Trung Quốc vi phạm bản quyền tác giả) bùng nổ từ tháng 8/1994 còn trầm trọng hơn nhiều so với việc Mỹ nhập siêu của Trung Quốc. Nhưng đến tháng 2/1995, Trung Quốc và Mỹ đã ký kết hiệp ước về quyền sở hữu trí tuệ (IPR) theo đó Trung Quốc hứa tích cực tấn công vào những cơ sở làm hàng giả. Thế nhưng, theo Mỹ, trong năm 1995, các công ty Mỹ đã bị thiệt 2,3 tỷ USD do một số cơ sở sản xuất của Trung Quốc ăn cắp bản quyền và làm giả hàng của Mỹ. Do đó, giữa tháng 5/1996, Mỹ đã công bố một danh sách các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc bị phạt thuế trị giá khoảng 2 tỷ USD. Lệnh trừng phạt này sẽ có hiệu lực từ ngày 17/6 nếu phía Trung Quốc không có những biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền và làm hàng giả.

Trung Quốc, gần như cùng một lúc cũng đáp lại bằng các biện pháp trả đũa là đánh thuế bổ sung 100% và các biện pháp hạn chế khác đối với các hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 1,5 tỷ USD cũng có hiệu lực từ 17/6.

Tiếp sau đó, ngày 10/11/1996, Trung Quốc đã thông báo lệnh tạm thời cấm nhập khẩu một số hàng của Mỹ gồm hàng dệt, nông sản và rượu. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 10/12/1996 nhằm trả đũa việc Mỹ đơn phương cắt giảm cô-ta nhập khẩu hàng dệt của Trung Quốc.

Cứ như vậy từ ba năm nay, tranh chấp thương mại giữa hai nước lớn này vẫn âm ỉ và thỉnh thoảng lại bùng lên dữ dội. Tuy nhiên, cho đến nay, những lời tuyên bố của các đại diện thương mại hai phía trong các cuộc đàm phán gần đây nhất cho thấy thái độ thương lượng của hai bên đều rất tích cực, do đó chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không xảy ra. Bề ngoài hai nước tỏ ra căng thẳng với nhau, song bên trong cả hai đều muốn dàn xếp và đều tìm cách tránh đi một cuộc chiến tranh kinh tế. Bởi vì một yếu tố quan trọng là lợi ích cơ bản của hai nước khiến họ phải cần đến nhau; cả hai đều củng cố vai trò to lớn trong mối quan hệ này đối với sự ổn định và phát triển của toàn thế giới nói chung và của khu vực Châu A' - Thái Bình Dương nói riêng.

Trung Quốc là thị trường khổng lồ với tiềm năng to lớn về sức mua, do đó, để phát triển, tất cả các nước phương Tây chứ không riêng gì Mỹ đều phải cạnh tranh quyết liệt để khai thác thị trường này. Cho nên sẽ là không khôn ngoan nếu Mỹ đẩy Trung Quốc vào thế kẹt, để Trung Quốc chỉ còn một lối thoát là phải chống trả quyết liệt bằng mọi giá.

Hơn nữa, bằng trừng phạt Trung Quốc, Mỹ có thể giảm bớt phần nào thâm hụt mậu dịch của mình, song sẽ ảnh hưởng tới công ăn việc làm của hàng trăm ngàn công nhân Mỹ, tới hoạt động làm ăn của các công ty Mỹ (hiện đã đầu tư tới 20 tỷ USD) ở Trung Quốc, cũng như sẽ ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế của Mỹ với Hồng Kông và Đài Loan là những bạn hàng và đồng minh đáng tin cậy của Mỹ. Xuất phát từ tình hình như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher đã nói : "Mỹ không thể làm ngơ trước thực lực của Trung Quốc và cũng không muốn biến Trung Quốc thành kẻ thù tiềm tàng, mà Mỹ muốn Trung Quốc là nước có quan hệ tốt đẹp với mình".

Về phần mình, Trung Quốc muốn Mỹ phải công nhận tầm quan trọng và đòi Mỹ phải đối xử bình đẳng với Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc có thái độ cương quyết và sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" với Mỹ trong cuộc tranh chấp thương mại, song cũng không muốn căng quá mà luôn tỏ ra sẵn sàng đàm phán, để ngỏ khả năng cho một giải pháp. Bởi vì, rõ ràng Mỹ là một siêu cường luôn có ảnh hưởng rất lớn trong những quyết định của các tổ chức quốc tế.

Về đơn xin gia nhập WTO của Trung Quốc (nộp từ năm 1986) sẽ rất khó được chấp nhận nếu không có sự đồng ý của Mỹ. Hiện nay, Mỹ đang cố gắng giúp Trung Quốc trở thành thành viên của WTO trong vòng 2 năm tới, bởi theo Mỹ, đưa Trung Quốc vào WTO và gắn họ vào các nghĩa vụ quốc tế chính là vì lợi ích của bản thân nước Mỹ. Và Mỹ cũng đề ra thời kỳ quá độ để Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn của một thị trường và hệ thống thương mại mở mà WTO yêu cầu. Đáp lại thiện chí của Mỹ, Trung Quốc cũng đã có một số việc làm, như hạ thuế suất, xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu một số hàng và tiến tới một đồng tiền có thể chuyển đổi được (Tin Kinh tế 06/11/1996).

Hơn nữa, đối với Trung Quốc, thị trường Mỹ và những cánh cửa được mở ra từ đó cũng hết sức cần thiết để Trung Quốc duy trì sự tăng trưởng kinh tế của mình. Đây cũng chính là lợi ích chiến lược mà phía Trung Quốc luôn phải cân nhắc trên bàn thương lượng.

Chính vì thế, tuy bề ngoài hai bên căng thẳng với nhau, song họ vẫn tìm cách giải quyết các vấn đề về quan hệ kinh tế một cách êm thấm nhất. Thời gian qua, ngoài các cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Bill Clinton và chủ tịch Giang Trạch Dân tại các hội nghị quốc tế, bộ trưởng ngoại giao của hai nước đã gặp nhau hàng chục lần. Ngoài ra, hai nước còn trao đổi thường xuyên các đoàn đại diện thương mại để thương thuyết về các vấn đề này. Đồng thời, ngay trong quá trình xảy ra tranh chấp, tổng thống Mỹ vẫn kiên quyết ủng hộ việc gia hạn qui chế tối huệ quốc cho Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, ngoài việc luôn tỏ ra sẵn sàng thương lượng với Mỹ, họ còn có thái độ tích cực hơn trong việc thực thi hiệp ước bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

3. Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Nhật Bản:

Cũng giống như Mỹ, Nhật Bản cũng thừa nhận vai trò kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên thế giới và cũng rất lo ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ đe dọa lợi ích của họ. Hiện nay, Nhật Bản và Trung Quốc đang ngấm ngầm ganh đua với nhau về vị trí dẫn đầu trong khu vực Châu A' - Thái Bình Dương. Sự phát triển của Trung Quốc có thể làm Nhật Bản sảy chân hoặc ngược lại biến Nhật thành một quốc gia hùng mạnh. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn buộc phải có một thái độ thận trọng hết mức, bởi lẽ những kịch bản khác nhau có thể xảy ra ở Trung Quốc đòi hỏi Nhật phải có nhiều tính toán chiến lược. Căn cứ vào thực tế đang diễn ra thì sự phát triển kinh tế có tính chất bùng nổ của Trung Quốc đang tạo ra những mối đe dọa đối với Nhật Bản.

a. Nói đến những mối đe dọa điều đầu tiên phải kể tới là thương mại. Năm 1985, Nhật Bản đạt được mức thặng dư kỷ lục 5,9 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc. Điều đó dấy lên những cuộc biểu tình lên án "Cuộc xâm lăng lần thứ hai của Nhật Bản vào Trung Quốc". Thế là sau năm 1986, mức thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Nhật giảm xuống còn 0,85 tỷ USD. Tức là trong một năm giảm xuống 6 lần; chưa có một đối tác thương mại nào của Nhật Bản đạt được một kết quả như vậy. Bởi vậy, có thể nói rằng, mặc dù Trung Quốc là một thị trường tuyệt vời của Nhật Bản, nhưng Nhật đã gặp phải ở thị trường này một chính sách mang tính dân tộc chủ nghĩa nặng nề như của chính Nhật Bản và một quyết tâm chính trị muốn đa dạng hóa các bạn hàng thương mại của mình. Các đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản tại thị trường Trung Quốc là những nước công nghiệp hóa mới ở Châu A', do ở thị trường này họ có những mạng lưới hiệu quả không kém các công ty nổi tiếng của Nhật nhờ số Hoa kiều lập nghiệp ở các nước đó, cũng như nhờ vào chủng loại phong phú các mặt hàng, hợp thị hiếu và rẻ hơn, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thị trường Trung Quốc. Trong thời kỳ từ năm 1992 đến 1994, Trung Quốc đã chuyển từ bạn hàng thương mại thứ năm lên hàng thứ hai của Nhật Bản. Trong năm 1995, quan hệ trao đổi giữa hai nước đã lên tới 55 tỷ USD so với 46,2 tỷ USD năm 1994, trong đó Trung Quốc chỉ còn nhập siêu 0,5 tỷ USD. Đối với Trung Quốc, thị trường Nhật Bản ít được coi trọng hơn thị trường Mỹ vì từ Mỹ, Trung Quốc thu được một khoản thặng dư thương mại rất lớn.

b. Điểm thứ hai cần đề cập, đó là sự xuống cấp của môi trường. Với các cơn mưa axít do gió Tây đẩy từ lục địa sang, rừng thông ngày càng vắng bóng trên bờ biển của Nhật Bản đối diện với Trung Quốc. Do đó, Nhật đã coi việc trợ giúp kỹ thuật cho Trung Quốc là một yếu tố quan trọng để bảo vệ môi trường của mình. Kể từ 10 năm nay, Trung Quốc là nước được hưởng nhiều nhất viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản. Nhật đã dành nhiều khoản ODA cho Trung Quốc với những điều kiện ngoại lệ. Một nửa số viện trợ ODA cho Trung Quốc là từ Nhật Bản, vượt rất xa so với hai nước viện trợ hào phóng khác cho Trung Quốc sau Nhật là Pháp chiếm 6% và Italia chiếm 3% tổng viện trợ ODA của Trung Quốc. Từ năm 1974 tới năm 1994, Trung Quốc đã nhận 1600 tỷ Yên (16 tỷ USD) dưới dạng ODA của Nhật và sẽ nhận được 580 tỷ Yên (5,8 tỷ USD) cho giai đoạn 1996-1998. Ngoài ra, Trung Quốc còn là nước được hưởng nhiều các khoản cho vay ưu đãi nhất từ Ngân hàng phát triển Châu A' (ADB), một tổ chức tài chính mà Nhật Bản có tiếng nói quyết định.

Vậy với lượng ODA lớn như vậy của Nhật cho Trung Quốc, liệu Nhật có áp đảo được Trung Quốc trong các cuộc thương lượng không ? Điều đó quả thật không chắc chắn bởi các lý do sau đây :

Thứ nhất, sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng nước ngoài của Trung Quốc ít hơn rất nhiều so với phần lớn các nước đang phát triển khác. Mức trả nợ hàng năm của Trung Quốc chưa tới 10% GNP, tức là mới chỉ bằng một nửa mức mà các nhà kinh tế coi là ngưỡng cửa của nguy hiểm.

Thứ hai, nếu Nhật muốn sử dụng ODA để áp đảo Trung Quốc thì Trung Quốc coi đây là một hành động khiêu khích thực sự, hơn nữa họ không thiếu cơ hội để nhắc lại với Nhật Bản rằng sự viện trợ của Nhật Bản cho Trung Quốc chỉ là một hình thức bồi thường chiến tranh mà thôi. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ làm cho các công ty của Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc phải trả giá đắt cho hành động đó. Thêm vào đó, kinh nghiệm đau đớn của vấn đề quần đảo Kuril cũng nhắc nhở Nhật Bản rằng sức mạnh kinh tế không biến chuyển trực tiếp và nhanh chóng sang lĩnh vực chính trị. Và một bằng chứng mới về điều này là việc họ phải chứng kiến sự ngạo mạn của Trung Quốc vào năm 1995 khi Nhật Bản toan tính phản đối hết sức dè dặt các cuộc thử hạt nhân của Trung Quốc.

c. Điểm thứ ba Nhật Bản phải lưu ý là sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc sẽ buộc hàng hóa của các ngành công nghiệp thế hệ thứ hai và thứ ba của Nhật phải cạnh tranh khốc liệt với loại hàng này của Trung Quốc, thậm chí còn khốc liệt hơn việc cạnh tranh với các hàng hoá cùng loại của các nước mới công nghiệp hóa ở châu A

Tác giả: Nguyễn Anh Tuấn.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top