Một số đề văn lớp 9 và gợi ý trả lời

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
1/ Vận dụng kiến thức về những biện pháp tu từ từ vựng đã học để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong ví dụ sau:

Mặt trời của bắp thì nằm lưng đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
(Nguyễn Khoa Điềm)

Yêu cầu trả lời

- Chỉ ra phép tu từ ẩn dụ qua hình ảnh “mặt trời” ở câu hai.

- Phân tích ý nghĩa của những hình ảnh ẩn dụ:

+ Người con là cuộc sống, là tương lai, là hi vọng, cổ vũ, động viên mẹ vượt qua gian lao vất vả -> con là mặt trời của mẹ -> thế hệ cách mạng tương lai của đất nước.

- Biểu hiện tình cảm yêu thương sâu nặng của người mẹ Tà-ôi.
 
2/ chỉ ra phân tích tác dụng của các từ láy trong đoạn thơ sau của Nguyễn Du:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
(Truyện Kiều)

Yêu cầu trả lời


Học sinh chỉ ra các từ láy: “nao nao, nho nhỏ, sè sè, dàu dàu” vừa gợi hình vừa gợi cảm.

- Cảnh vật hoang vu buồn tẻ.

- Sự linh cảm về những điều buồn có thể đến.

Sự cảm thông của Kiều, đa cảm trước số phận bị bỏ rơi của người dưới nấm mồ vô chủ.
 
3/ Giải thích nghĩa của những thành ngữ sau: “Nói băm nói bổ, nói như đấm vào tai, nói úp nói mở, đánh trống lảng, mồ loa mép giải, nói như dùi đục chấm mắm cáy”.

Cho biết mỗi thành ngữ liên quan đến những phương châm hội thoại nào?

Yêu cầu trả lời

- Nói băm nói bổ: nói bốp chat, xỉa xói, thô bạo -> phương châm lịc sự.

- Nói như đấm vào tai: nói gay gắt, trái ý người khác, khó tiếp thu -> phương châm lịch sự.

- Mồm loa mép giải: lắm lời, đanh đá, nói át người khác -> phương châm lịc sự.

- Nói như dùi đục chấm mắm cáy: nói không khéo, thô cộc, thiếu tế nhị -> phương châm lịch sự.

- Nói úp nói mở: nói lấp lửng, mập mờ, ỡm ờ, không nói ra hết -> phương châm cách thức.

- Đánh trống lảng: né tránh, không muốn tham dự vào một truyện nào đó, không muốn đề cập đến vấn đề mà người đối thoại đang trao đổi -> phương châm quan hệ.
 
4/ Xác định và phân tích giá trị của các phép tu từ có trong các đoạn thơ sau:

a.
Đau lòng kẻ ở người đi
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
(Nguyễn Du)

b.
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
(Nguyễn Duy)

Yêu cầu trả lời

Mỗi câu viết thành một đoạn ngắn có ý cơ bản sau:

a. Nói quá: thể hiện nỗi đau đớn chia li khôn xiết giữa người đi và kẻ ở.

b. Nhân hóa - ẩn dụ - so sánh: phẩm chất siêng năng của tre như con người Việt Nam.
 
5/ Phân tích cách dùng từ xưng hô. Thái độ của người nói trong câu chuyện sau:

Chuyện kể rằng có một danh tướng trên đường đi kinh kí, một hôm đi ngang qua trường học cũ của mình, ông ghé vào thì gặp lại người thầy đã từng dạy ông lớp Một. Ông lính cẩn thưa:

- Thưa thầy, thầy còn nhớ em không? Em là…

Người thầy giáo hoảng hốt:

- Thưa ngài, ngài là…

- Thưa thầy, với thầy em vẫn là đứa học trò cũ. Em có được những thành công như ngày hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào…

Yêu cầu trả lời


- Vị tướng tuy đã trở thành một người nổi tiếng, có quyền cao, chức trọng nhưng vẫn gọi thầy cũ của mình là “thầy”, xưng “em”. Cách xưng hô đó thể hiện sự kính cẩn và lòng biết ơn của vị tướng đối với người thầy của mình.

- Người thầy giáo cũ lại rất tôn trọng cương vị hiện tại của người học trò cũ nên gọi là “ngài”.

- Cả hai thầy trò đều tuân thủ phương châm lịch sự trong hội thoại “xưng khiêm hô tốn” và đều đối nhân xử thế thấu tình đạt lí.
 
6/ Xác định và phân tích giá trị của các phép tu từ có trong đoạn thơ sau:

a.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
(Chinh phụ ngâm khúc)

b.
Bàn tay ta làm nên tất cả,
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
(Hoàng Trung Thông).

Yêu cầu trả lời


Mỗi câu viết thành một đoạn văn ngắn có ý cơ bản sau:

a. Điệp ngữ: nhấn mạnh không gian xa cách mênh mông bát ngát giữa người đi và kẻ ở, từ đó tô đậm nỗi sầu chia li, cô đơn của người chinh phụ.

b. Hoán dụ: bàn tay để chỉ con người.

Nói quá: “sỏi đá cũng thành cơm” – sức mạnh của quyết tâm xây dựng đất nước sau chiến tranh.
 
7/ Cho từ: “ nói móc, nói ra đầu ra đũa, nói leo, nói mát, nói hớt”.

Hãy giải thích cho biết mỗi từ ngữ trên chỉ cách nói liên quan đến phương châm hội thoại nào?

Yêu cầu trả lời


Giải nghĩa

a. Nói dịu nhẹ như khen nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách là “nói mát”.

b. Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói là “nói hớt”.

c. Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý là “nói móc”.

d. Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là “nói leo”.

e. Nói rành mạch, cặn kẽ có trước có sau là “nói ra đầu ra đũa”.

Các từ ngữ trên chỉ những cách nói liên quan đến phương châm lịch sự a, b, c, d , và phương châm cách thức e.
 
8/ Phân biệt những từ sau và đặt câu với những từ đó:

a.
Nhuận bút / thù lao.
b. Tay trắng / trắng tay.
c. Kiểm điểm / kiểm kê.
d. Lược khảo / lược thuật.

Yêu cầu trả lời


Phân biệt nghĩa của từ:

a. Nhuận bút: tiền trả cho người viết một tác phẩm, Thù lao: trả công để bù đắp và lao động đã bỏ ra. Nghĩa của từ “thù lao” rộng hơn từ “nhuận bút”.

b. Tay trắng: không có chút vốn liếng của cải gì, trắng tay: đã có nhưng bị mất hết tiền bạc, của cải… đến mức hoàn toàn không còn gì.

c. Kiểm điểm: xem xét, đánh giá lại từng cái hoặc từng việc để có một nhận định chung, kiểm kê: kiểm lại từng cái, từng món để xác định lại số lượng và chất lượng của chúng.

d. Lược khảo: nghiên cứu một cách khái quát về những cái chính, không đi vào chi tiết, lược thuật: kể, trình bày tóm tắt.
HS tự đặt câu hợp lý.
 
9/ Phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
(Hữu Thỉnh – Sang thu)

Yêu cầu trả lời


Viết thành một bài văn ngắn hoàn chỉnh với các nội dung cơ bản sau:

· Mở bài.

- Giới thiệu tác giả.

+ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, thuộc theesheej nhà thơ trưởng thành trong khác chiến chống Mĩ.

+ Hữu Thỉnh viết nhiều, viết hay về mùa thu, trong đó có bài Sang thu. Mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh đẹp và mang vẻ đặc trưng của miền đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

- Giới thiệu đoạn thơ.

Từ sự ngỡ ngàng, sững sờ khi nhận ra thu đã về với những dấu hiệu rất riêng, rất đặc trưng, tác giả chuyển sang xem xét thêm cảm giác sang thu kia có đích thực không. Điều đó thể hiện qua khổ thơ:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.

· Thân bài.

- Cả đoạn thơ là cảm xúc về mùa thu, mở ra trong cái nhìn xa hơn, rộng hơn. Sự vận động của giao mùa được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của tạo vật.

- Các biện pháp nghệ thuật và yếu tố ngôn ngữ cần phân tích:

+ Nghệ thuật nhân hóa: sông dềnh dàng, chim vội vã, mây vắt nửa mình sang thu => thiên nhiên có hồn, sống động, gợi cảm.

+ Các từ láy: dềnh dàng, vội vã => hình tượng hóa, cụ thể hóa các đặc điểm của sinh vật (sông, chim) mùa thu.

+ Phép đối: Sông được lúc dềnh dàng / chim bắt đầu vội vã => cấu trúc chặt chẽ mà tuyệt đẹp như thơ cổ => cảm nhận rất tinh tế của nhà thơ về sự thay đổi của thiên nhiên đất trời lúc giao mùa.

+ hình ảnh đám mây vừa thực vùa hư là sản phẩm của trí tưởng tượng tuyệt vời mà tác giả đem lại cho người đọc.

· Kết bài.

- Khẳng định: khổ thơ đẹp về mặt tạo hình, tinh tế về cảm nhận, đem đến cho người đọc những cảm giác, cảm nhận mới lạ về mùa thu.
 
10/ Vận dụng những phương châm hội thoại đã học để giải thích vì saonguowif nói đôi khi phải dùng những cách nói như:

a. Nhân tiện đây xin hỏi;

b. Cực chẳng đã tôi phải nói; tôi nói điều này có gì không phải anh bỏ qua cho; biết là làm anh không vui, nhưng…; xin lỗi, có thể anh không hài lòng nhưng tôi cũng phải thành thực mà nói là…

Yêu cầu trả lời


Đôi khi người ta phải dùng cách diến đạt như vậy vì:

a. Khi người nói muốn hỏi một vấn đề nào đó không thuộc đề tài đang trao đổi, tránh để người nghe hiểu lầ mình không tuân thủ phương châm quan hệ.

b. Khi phải nói điều dễ gây mất lòng người nghe, người nói thường sử dụng cách nói như trên để đảm bảo tuân thủ phương châm lịc sự.
 
11/ Trong những tổ hợp từ sau đây, tổ hợp nào là thành ngữ, tổ hợp nào là tục ngữ?

a.
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
b. Đánh trống bỏ dùi.
c. Chó treo mèo đậy.
d. Được voi đòi tiên.
e. Nước mắt cá sấu.

Giải thích ý nghĩa mỗi thành ngữ, tục ngữ đó.

Yêu cầu trả lời


Các thành ngữ:

- Đánh trống bỏ dùi: làm việc không đến nơi đến chốn.
- Được voi đòi tiên: lòng tham vô độ, được cái này lại đòi cái khác.

- Nước mắt cá sấu: hành động giả dối được che đậy tinh vi.

Tục ngữ:

- Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng: hoàn cảnh sống, môi trường xã hội có ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách con người.

- Chó treo mèo đậy: muốn giữ gìn thức ăn, với chó thf phải treo lên, với mèo thì phải đậy lại (muốn bảo vệ mình có hiệu quả thì phải biết tùy cơ ứng biến, tùy từng đối tượng mà có cách xử lí tương ứng).
 
12/ Vận dụng kiến thức về phép tu từ để phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ trong đoạn thơ sau:

Ngày ngày mặt trời đi qua đi trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
(Viễn Phương)

13/ Hãy xác định hiện tượng chuyển nghĩa của từ “đầu” trong các câu sau:

a. Đầu xanh có tội tình chi

Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi. (Nguyễn Du)
b. Súng bên súng đầu sát bên đầu. (Chính Hữu)

c.
Đầu súng trăng treo. (Chính Hữu).

Yêu cầu trả lời


a. Chỉ tuổi trẻ (chuyển theo phương thức ẩn dụ)
b. Chỉ những con người cùng chung chí hướng (chuyển theo phương thức ẩn dụ).
c. Chỉ bộ phận trên cùng của cây súng (chuyển theo phương thức hoán dụ).
 
14/ Đọc các ví dụ sau và trả lời câu hỏi:

a. Mặt trời là thiên thể trung tâm của hệ mặt trời. (Vũ Bội Tuyến).
b. Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa. (Huy Cận).

c. Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. (Viễn Phương)
- Trường hợp nào mặt trời là thuật ngữ?
- Trường hợp nào mặt trời được dùng làm phép tu từ?
- Từ mặt trời thứ nhất trong thơ Viễn Phương có phải là thuật ngữ không?

Yêu cầu trả lời

- Từ “mặt trời” ở câu a là thuật ngữ.
- Từ “mặt trời” ở câu b là nhân hóa, câu c là ẩn dụ.
- Từ “mặt trời” thứ nhất trong thơ Viễn Phương là từ ngữ thông thường.
 
15/ Phân tích giá trị biểu đạt của ngôn ngữ và các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi.
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
(Bằng Việt – Bếp lửa)

Yêu cầu trả lời


Viết thành bài văn ngắn hoàn chỉnh với các nội dung cơ bản sau:

· Mở bài

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm : với những hình ảnh thơ đẹp đẽ, ngôn ngữ thơ giàu cảm xúc, Bằng Việt đã viết về bà qua hình ảnh “bếp lửa”. Bài thơ “Bếp lửa” được tác giả viết khi đang học ngành luật bên Liên Xô, nhớ về bà và những kỉ niệm gắn bó suốt thời thơ ấu.

· Thân bài

- Giới thiệu đoạn thơ:

Hình ảnh bà và bếp lửa trở lại, là biểu tượng cho tình yêu thương và sự sẻ chia và có sức nâng đỡ lì lạ trong cuộc đời cháu.
“Mấy chục năm rồi… bếp lửa”

- Các biện pháp nghệ thuật và giá trị ngôn ngữ cần phân tích.

+ Điệp từ: “nhóm” - nhấn mạnh việc làm của bà.
+ Từ láy: “ấp iu” - gợi sự chăm sóc.
+ Các từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm: ôi, kì lạ, thiêng liêng – gợi cảm xúc mãnh liệt về bà và bếp lửa.
+ Hình ảnh ẩn dụ: “nhóm” dậy cả tâm tình tuổi nhỏ.
+ Câu cảm thán giúp bộc lộ cảm xúc chân thành cảu cháu.

· Kết bài

Hình ảnh bếp lửa tỏa sáng trong thơ, trong hồi ức của cháu và có sức sống mãnh liệt, nâng đỡ tâm hồn, tiếp thêm nghị lực cho cháu trên dài rộng đường đời.

16/ Điền vào dấu … nội dung thích hợp:

Cách trau dồi vốn từ:
1. ………….
2. ……………..
3. ……………

Yêu cầu trả lời

Điền nội dung thích hợp vào dấu …
1. Nắm đầy đủ và chính xác nghĩa của từ.
2. Cách dùng từ
3. Tang vốn từ
 
17/ Trong câu ca dao sau đây:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta.

Khi trò chuyện với trâu trong bài ca dao trên, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì ? Em có cảm nhận gì về phép tu từ được sử dụng ?
Yêu cầu trả lời

- Cách xưng hô của người đó với trâu là phép nhân hóa (trò chuyện vơi vật như với người).
- Cách xưng hô như vậy thể hiện thái độ thân mật, tình cảm gắn bó và tầm quan trọng cảu con trâu đối với nhà nông.
 
18/ Cho các nhóm từ đồng nghĩa sau:

a. Độc ác, hung ác, tàn ác, ác, dữ, hung …
b. Đánh, phang, quật, phết, đập, đá…
c. Sợ, kinh, khiếp, hãi, sợ hãi, kinh hãi, kinh sợ, kinh hoàng…
- Tìm nét nghĩa chung của mỗi nhóm từ?
- Đặt câu với một từ trong một nhóm và thử thay thế bằng các từ khác trong nhóm.

Yêu cầu trả lời


· Nét ngĩa chung của mỗi nhóm từ:
Nhóm a: phẩm chất xấu của con người (trong mối quan hệ với người khác).
Nhóm b: hoạt động của con người – bằng tay hoặc bằng phương tiện – tác động đến đối tượng khác.
Nhóm c: trạng thái tinh thần tieu cực của con người trước sức mạnh vô hình hoặc hữu hình nào đó.
· HS tự đặt câu, thử thay thế bằng các từ khác rồi giải thích vì sao có thể thay được hoặc không thay được.
 
19/ Chỉ ra câu đơn trong đoạn trích sau:

Tôi bổng thẫn thờ, tiếc không nói nổi. Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá. Mưa xong thì tạnh thôi. Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố […]. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tọi vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán sôi sáng có cái mủng đội trên đầu…
Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Nhưng cái đó ở thật xa… Rồi bỗng chốc, sau cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như song trong tâm trí tôi.
(Lê Minh Khuê – Những ngôi sao xa xôi)

Yêu cầu trả lời


Các câu đơn trong đoạn văn là:
- Tôi bỗng thẩn thờ, tiếc không nói nổi.
- Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá.
- Mưa xong thì tạnh thôi.
- Những cái đó ở thật xa.

20/ Viết đoạn văn có sử dụng các phép liên kết phân tích những cảm xúc của nhà thơ trong đoạn thơ sau:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim. (Viến Phương – Viếng lăng Bác).

Yêu cầu trả lời


· Về hình thức
- Đảm bảo là một đoạn văn hoàn chỉnh có các phép liên kết và phương tiện liên kết.
- Lời văn gợi cảm thể hiện tình cảm chân thành của người viết.
- HS chỉ rõ (gạch chân) các phép liên kết và phương tiện liên kết đã dùng.
· Về nội dung – trình bày được các ý sau:
- Tập trung để làm nổi bật cảnh trong lăng Bác và cảm xúc khi nhìn thất Bác
- Khung cảnh và không khí thanh tĩnh như ngưng kết cả thời gian và không gian ở bên trong lăng được tác giả miêu tả rất đẹp “Bác nằm trong lăng… dịu hiền”.
- Tâm trạng đau nhói với một cảm giác: Bác không còn nữa (nỗi đau được biểu hiện cụ thể, trực tiếp).
 
21/ Quan hệ về nghĩa giữa các vế trong các câu ghép sau đây là quan hệ gì?

a. Anh mong được nghe một tiếng “ba” của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi.
b. Giá mà anh ấy còn, anh ấy sẽ làm them được bao nhiêu việc nữa.
c. Vì nó ham chơi nên nó không được học sinh tiên tiến năm học này.

Yêu cầu trả lời


a. Quan hệ tương phản
b. Quan hệ điều kiện – giả thiết
c. Quan hệ nguyên nhân – kết quả

22/ Kể tên các thành phần chính, thành phần phụ của câu; nêu dấu hiệu nhận biết từng thành phần?

Yêu cầu trả lời


a. Thành phần chính và dấu hiệu nhận biết chúng:

Thành phần chính của câu là thành phần bắt buộc phải có mặt trong câu để câu có cấu tạo hoàn chỉnh và diễn đạt được một ý trọn vẹn.

- Chủ ngữ là thành phần chính của câu nêu lên sự vât, hiện tượng có hoạt động, trạng thái, đặc điểm… được miêu tả ở vị ngữ. chủ ngữ thường trả lời cho câu hỏi “Ai?”, “Con gì?” hoặc “Cái gì?”.

- Vị ngữ là thành phần chính của câu có khả năng kết hợp với các phó từ chỉ quan hệ thời gian và trả lời câu hỏi: “Làm gì?”, “Làm sao?”, “Như thế nào?” hoặc “Là gì?”.

b. Thành phần phụ và các dấu hiệu nhận biết chúng:

- Trạng ngữ: Đứng ở đầu câu, cuối câu hoặc đứng giữa chủ ngữ và vị ngữ nêu lên hoàn cảnh về khồn gian, thời gian, cách thức, phương tiện, nguyên nhân, mục đích… diễn ra sự việc nói ở trong câu.

- Khởi ngữ: thường đứng trước chủ ngữ, nêu lên đề tài của câu nói, có thể thêm quan hệ từ “về, đối với” vào trước.

23/ Từ mối cặp câu đơn sau đây, hãy tạo ra các kiểu câu ghép chỉ các kiểu quan hệ nguyên nhân, điều kiện, tương phản, nhượng bộ bằng quan hệ từ thích hợp.

a. Quả bom nổ tung lên và nổ trên không. Hầm của Nho bị sập.
b. Quả bom nổ khá gần. Hầm của Nho không bị sập.

Yêu cầu trả lời


a. Nguyên nhân - kết quả:

Vì quả bom nổ tung lên và nổ trên không nên hầm của Nho bị sập.
· Điều kiện – kết quả:
Nếu quả bom nổ tung lên và nổ trên không thì hầm của Nho bị sập.
b. Tương phản
Quả bom nổ khá gần nhưng hầm của Nho không bị sập.
· Nhượng bộ
Hầm của Nho không bị sập, tuy quả bom nổ khá gần.
 
24/ Viết bài văn ngắn phát biểu cảm nghĩ về bốn câu thơ đầu của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, trong bài văn sử dụng các phép liên kết đã học.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sông đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Yêu cầu trả lời


· Về hình thức

- Đảm bảo là một bài văn hoàn chỉnh có các phép liên kết và phương tiện kiên kết.
- Lời văn gợi cảm thể hiện tình cảm chân thành của người viết.
- HS chỉ rõ (gạch chân) các phép liên kết và phương tiện liên kết đã dùng.

· Về nội dung

- Mở bài: giới thiệu được tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

- Thân bài:

+ Cảnh biển đêm trong cảm quan của Huy Cận thật độc đáo và thú vị.
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập của.
+ Hình ảnh so sánh vừa độc đáo “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” vừa độc đáo vừa gây ấn tượng mạnh.
+ Hình ảnh nhân hóa “sóng đã cài then đêm sập cửa” gợi ra trước mắt người đọc một khung cảnh vừa rộng lớn vừa gần gũi với con người.
+ Trong khung cảnh vừa bí ẩn, vừa kì vĩ ấy đoàn thuyền đánh cá lên đường ra khơi với không khí đầy hứng khởi.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
+ Con người bắt đầu một đêm lao động bằng câu hát gợi sự say sưa, yêu đời, yêu cuộc sống.

- Kết bài

Người đọc cũng vui như người lao động

25/ Câu nói của anh Sáu trong đoạn trích sau đây có hình thức kiểu câu nào xét theo mục đích nói? Anh Sáu dụng nó để làm gì?
Chỗ nào trong lời kể của tác giả giúp ta xác định điều đó?

Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm vung tung tóe cả mâm. Giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:

- Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?
(Nguyễn Quang Sáng – Chiếc lược ngà).

Yêu cầu trả lời

- Câu nói của anh Sáu: “Sao mày cứng đầu quá vậy, hả?” có hình thức của câu nghi vấn. Nó được dùng để bộc lộ cảm xúc.
- Điều này được xác nhận trong câu văn đứng trước của tác giả “Giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên:…”.

26/ Viết một đoạn đối thoại giữa em và một người bạn nói về việc các bạn trong lớp còn nói chuyện riêng trong giờ học (có sử dụng tường minh và hàm ý).

Yêu cầu trả lời


- Học sinh viết một đoạn đối thoại hoàn chỉnh khoảng 10 -12 lượt lời, nội dung bàn về việc nói chuyện riêng trong giờ học.
- Trong đoạn văn sử dụng các câu có hàm ý, gạch chân các câu đó.

27/ Kể tên và nêu dấu hiệu nhận biết các thành phần biệt lập của câu:

Yêu cầu trả lời


· Thành phần biệt lập và dấu hiệu nhận biết chúng:
- Thành phần tình thái: được dùng để thể hiện cách nhìn của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu.
- Thành phần cảm thán: được dùng để bộc lộ tâm lí của người nói (vui, buồn, mừng, giận).
- Thành phần gọi đáp: được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp.
- Thành phần phụ chú: được dùng để bổ sung một số chi tiết cho nội dung chính của câu.
· Dấu hiệu để nhận biết các thành phần biệt lập là: chúng không trực tiếp tham gia vào sự việc được nói trong câu.

28/ Trong đoạn trích sau đây, những câu nào là câu nghi vấn? chúng có được dùng để hỏi không?

Bà hỏi:

- Ba con, sao con không nhận?
- Không phải. – Đang nằm mà nó cũng dẫy lên.
- Sao con biết là không phải? Ba con đi lâu, con quên rồi chứ gì ?
(Nguyễn Quang Sang – Chiếc lược ngà).

Yêu cầu trả lời


· Câu nghi vấn trong đoạn trích :
- Ba con, sao con không nhận ?
- Sao con biết là khồng phải?
· Các câu nghi vấn trên được dùng để hỏi.

29/ Trò chơi điện tử là môn tiêu khiển hấp dẫn, nhiều bạn vì mãi chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy viết bài văn ngắn nêu ý kiến của em về hiện tượng đó. Trong bài có sử dụng các phép liên kết đã học.

Yêu cầu trả lời


· Yêu cầu về hình thức
- Đảm bảo là một đoạn văn hoàn chỉnh có phép liên kết và phương tiện liên kết.
- Lập luận chặt chẽ, lời văn chính xác, có sức thuyết phục.
- HS chỉ rõ (gạch chân) những phép liên kết và phương tiện liên kết đã dùng.
· Yêu cầu về nội dung : trình bày được các ý sau
- Nêu vấn đề nghị luận: giới thiệu được trò chới điện tử hấp dẫn đối với học sinh hiện nay.
- Phân tích nguyên nhân, hậu quả : ban đầu có thể chỉ là chơi cho vui, lâu dần thành ham mê. Hiện nay có rất nhiều học hinh trong trường học vì mãi chơi điện tử mà sao nhãng học hành ảnh hưởng không tốt tới cả việc học và đạo đức của học sinh.

- Đề xuất khắc phục, rút ra bài học.

30/ Viết bài văn ngắn phát biểu cảm nghĩ về bốn câu thơ đầu của bài thơ « Đoàn thuyền đánh cá » của Huy Cận, trong bài có sử dụng phép liên kết đã học.

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sông đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Yêu cầu trả lời


· Yêu cầu về hình thức

- Đảm bảo là một bài văn hoàn chỉnh, có các phép liên kết và phương tiện liên kết.

- Lời văn gợi cảm thể hiện cảm xúc chân thành của người viết.

- HS chỉ rõ (gạch chân) các phép liên kết và phương tiện liên kết.

· Yêu cầu về nội dung – trình bày được các ý sau :

- Mở bài : giới thiệu được tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

- Thân bài :

+ Cảnh biển vào bên trong cảm quan của Huy Cận thật độc đáo và thú vị
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập của.
+ Hình ảnh so sánh vừa độc đáo “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” vừa độc đáo vừa gây ấn tượng mạnh.
+ Hình ảnh nhân hóa “sóng đã cài then đêm sập cửa” gợi ra trước mắt người đọc một khung cảnh vừa rộng lớn vừa gần gũi với con người.
+ Trong khung cảnh vừa bí ẩn, vừa kì vĩ ấy đoàn thuyền đánh cá lên đường ra khơi với không khí đầy hứng khởi.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
+ Con người bắt đầu một đêm lao động bằng câu hát gợi sự say sưa, yêu đời, yêu cuộc sống.

- Kết bài

Người đọc cũng vui như người lao động.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top