Một số câu hỏi "Vì sao... "

  • Thread starter Thread starter hoc_tap
  • Ngày gửi Ngày gửi
Câu hỏi: Tại sao dấu giày của phi hành gia lưu lại mãi mãi trên Mặt Trăng?

Trả lời:
Dấu giày của các phi hành gia Apollo sẽ lưu lại mãi mãi trên Mặt Trăng là vì ở đấy không có gió. Cờ Mỹ để lại trên Mặt Trăng được căng ra bằng thanh kim loại là do không có gió để làm cờ tung bay.

Mặt Trăng không có khí quyển, vì vậy không có diễn biến thời tiết như ở Trái Đất. Do không có khí quyển để giữ nhiệt, phạm vi nhiệt độ trên Mặt Trăng thay đổi rất lớn, từ 100[SUP]0[/SUP]C lúc giữa trưa tụt xuống -173[SUP]0[/SUP]C vào ban đêm. Mặt Trăng không có mưa hoặc động đất để xói mòn hoặc phá vỡ các miệng hố, vì vậy chúng vẫn giữ nguyên trạng trong hàng triệu năm.

Mặt Trăng không tự phát ra ánh sáng, nhưng ban đêm trông nó sáng là vì nó phản chiếu ánh sáng từ Mặt Trời. Tuần trăng thay đổi khi Mặt Trăng chuyển động xung quanh Trái Đất, cho thấy các phần bề mặt của nó được Mặt Trời chiếu sáng.


Dữ kiện: Đôi khi ta thấy Mặt Trăng có màu cam. Hiện tượng này xảy ra khi có nhiều bụi, khói hoặc ô nhiễm trong khí quyển Trái Đất. Kích thước của các hạt ấy sẽ xác định màu mà ta nhìn thấy. Đôi khi Mặt Trăng trong có màu đỏ, cam hoặc thậm chí xanh lơ.

View attachment 8852
Cờ Mĩ trên Mặt Trăng

View attachment 8853
Dấu giày trên Mặt Trăng

Hình ảnh về màu sắc của Mặt Trăng


Xem thêm

- Mặt Trăng ra đời sau vụ đụng độ giữa hai hành tinh.
- Những bí ẩn của Mặt Trăng.
- Trái Đất - Mặt Trời - Mặt Trăng.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Gió Mặt Trời là gì?

Trả lời:
Mặt Trời luôn tỏa ra những dòng hạt mang điện, chủ yếu là proton và electron, gọi là gió Mặt Trời. Mật độ và năng lượng của dòng hạt thay đổi tùy theo mức độ hoạt động của Mặt Trời; gió Mặt Trời mạnh nhất khi Mặt Trời xuất hiện nhiều vết đen.

Gió Mặt Trời mang theo từ trường, khi gặp từ quyển Trái Đất sẽ tương tác với nhau gây ra hiện tượng bão từ và cực quang. Các dòng hạt điện tích với năng lượng bị từ trường Trái Đất giữ lại không cho chúng đi vào Trái Đất, chúng tập trung trong vành đai bức xạ, hay còn gọi vành đai Van Allen. Gió Mặt Trời cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra đuôi Sao Chổi.

Dữ kiện: Các vùng tối trên quang quyển Mặt Trời được gọi là vết đen Mặt Trời, tức là miền lạnh tạm thời gắn liền với miền hoạt động. Chính đường sức từ trường trong vết đen là nguyên nhân gây ra nên hạn chế đối lưu của dòng hạt mang điện từ lớp dưới đi vào quang quyển.

Hình ảnh về cực quang

Xem thêm:

- Khái quát về vũ trụ. Hệ Mặt Trời. Trái Đất và các hành tinh.
- Nguồn gốc Mặt Trời và các hành tinh
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Nhím có bắn lông gai không?

Trả lời:
Nhím là thú thuộc bộ gặm nhấm, chuyên ăn rễ cây, củ, quả. Trên lưng, hông và đuôi có các lông gai dài cứng rỗng mọc xen kẻ với lông mao. Nhím tự bảo vệ bằng cách dùng đuôi có gai quật vào kẻ tấn công, lông gai rụng ra và ghim vào thịt của kẻ tấn công; lông gai mới sẽ mọc lại để thay thế những chiếc đã mất.

Nhím không bắn lông gai vào kẻ thù, như một số người vẫn tưởng. Ở một số loài nhím, đầu của mỗi lông gai chìa ra các ngạnh nhọn bé tí mọc ngược. Khi các ngạnh này cắm vào thịt, lông gai sẽ rất khó lấy ra. Nạn nhân của nhím có thể chết do bị nhiễm trùng, hoặc tổn thương một bộ phận trên cơ thể. Lông gai thậm chí có thể ghim vào hàm của kẻ tấn công, khiến cho con vật đau nhức không thể mở miệng để ăn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đền hậu quả là nó sẽ chết vì đói.

Dữ kiện: Còn có một sinh vật thường bị gọi sai là nhím, đó là con dím. Dím là thú thuộc bộ Ăn sâu bọ, mõm như mõm chuột, các chi rất ngắn, lông gai ngắn bao phủ gần hết cơ thể. Dím được tìm thấy ở miền Bắc châu Âu, châu Á, miền Đông và miền Nam châu Phi, New Zealand.

Thế giới loài nhím
 
Câu hỏi: Tại sao cây thông có quả thông?

Trả lời:
Cây thông có quả thông là để giúp cho cây sinh sản. Quả thông thật ra là sự biến đổi cao của nhánh, nhằm thay thế cho hoa. Quả thông đực tách rời và hạt thông cái được mang trên cùng một cây. Chỉ có một trong vô số các vảy của quả đực là mang phấn, trong khi mỗi vảy của quả cái đều mang noãn mà trong đó các tế bào trứng được tạo ra.

Trên cây thông, quả đực có kích thước bé và vòng đời ngắn, được mang thành từng cụm ở ngọn cây. Vào thời điểm thụ phấn, vô số các hạt phấn được phóng thích và được gió phát tán. Những hạt phấn nào tình cờ đáp xuống vảy của quả cái sẽ theo ống phấn đi một phần đường để vào noãn trong một mùa tăng trưởng, thường thì mãi đến năm sau chúng mới đạt tới giai đoạn thụ phấn thực sự. Quả thông mà ta thấy chính là các hạt thông cứng có gỗ.

Dữ kiện: Cây thông núi phải có sức chịu đựng để sống sót qua mùa đông dài và lạnh giá. Chúng có vô số các lá nhỏ dạng kim với lớp phủ không thấm nước để bảo vệ cây tránh mưa và tuyết.

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Ngày Hỏa tinh dài bao lâu?

Trả lời:
Ngày Hỏa tinh, hay thời gian mà hành tinh này quay trọn một vòng trên trục của nó, dài 24,62 giờ Trái Đất. Năm Hỏa tinh, hay thời gian mà hành tinh này quay trọn một vòng xung quanh Mặt Trời, dài 678 ngày Trái Đất.

Hỏa tinh có đường kính gần bằng một nửa đường kính Trái Đất, khối lượng của nó vào khoảng 1/10 so với khối lượng của Trái Đất. Do các chuyển động tương đương của Hỏa tinh và Trái Đất xung quanh Mặt Trời, Hỏa tinh dường như chuyển động lùi trên bầu trời trong một khoảng thời gian ngắn khi hai hành tinh này gần nhau nhất.

Dữ kiện: Hỏa tinh (Mars) được đặt theo tên thần chiến tranh trong thần thoại La Mã, do nó xuất hiện có màu đỏ như lửa torng bầu trời đêm. Bề mặt Hỏa tinh được bao phủ bởi hoang mạc đá chứa nhiều oxid sắt, tạo cho dáng ngoài của nó có màu đỏ han gỉ.

View attachment 8883

View attachment 8884

View attachment 8885

View attachment 8886

View attachment 8887


Xem thêm:

- Thêm một bí ẩn trên sao Hỏa.
- Thông tin mới nhất về sao Hỏa.
- Một phần ba diện tích sao Hỏa từng là biển?
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Hành tinh nào có phạm vi nhiệt độ lớn nhất?

Trả lời:
Thủy tinh chỉ bằng khoảng 1/3 kích thước của Trái Đất, nó nhỏ hơn bất kì hành tinh nào khác trong hệ Mặt Trời, ngoại trừ Diêm Vương tinh. Thủy tinh nằm rất gần Mặt Trời và không có khí quyển thực thụ. Chính các yếu tố này góp phần làm cho bề mặt của Thủy tinh có phạm vi nhiệt độ lớn nhất so với bất kì hành tinh hoặc vệ tinh nào khác trong hệ Mặt Trời. Bề mặt của Thủy tinh hướng về phía Mặt Trời có nhiệt độ lên đến 427[SUP]0[/SUP]C, nhiệt độ này đủ để làm chảy thiết. Mặt hướng ra xa Mặt Trời có nhiệt độ tụt xuống -183[SUP]0[/SUP]C.

Khí quyển của Thuỷ tinh rất mỏng, gồm 56% oxy, 35% natri, 8% heli, 1% kali và hydro. Bề mặt Thủy tinh được hình thành theo ba quá trình: thiên thạch đập vào bề mặt tạo ra miệng hố, hiện tượng núi lửa gây tràn dung nham, và hoạt động kiến tạo nơi lớp vỏ dịch chuyển nhằm điều chỉnh sự nguội dần và co ngót của hành tinh.

Dữ kiện: Thủy tinh có lõi sắt dày 1.900km. Lớp vỏ ngoài là đá silicat dày 500km. Thủy tinh không có vệ tinh.

View attachment 8890

View attachment 8891

View attachment 8892
 
Câu hỏi: Hành tinh nào luôn tối và lạnh?

Trả lời:
Diêm Vương tinh luôn tối và lạnh, thậm chí giữa ban ngày. Đó là vì ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến hành tinh này yếu hơn 1.000 lần so với Trái Đất. Vào mùa hè, Diêm Vương tinh có khí quyển mỏng, do bề mặt ấm lên làm tan chảy một số băng và chuyển nó thành khí. Khi Diêm Vươn tinh chuyển động ra xa Mặt Trời, khí này bị đông lạnh và chuyển trở lại thành băng. Điều này có nghĩa là vào mùa đông, thời tiết của Diêm Vương tinh không phải trở nên xấu hơn, mà là hoàn toàn biến mất.

Dữ kiện: Các nhà khoa học biết rất ít về khí quyển của Diêm Vương tinh, nhưng có lẽ nó gồm chủ yếu là metan và nitro với một ít khí carbonic.

View attachment 8893

View attachment 8894
 
Câu hỏi: Vệ tinh nào đồng hành với Diêm Vương tinh?

Trả lời:
Năm 1978, Diêm Vương tinh được phát hiện là có một vệ tinh đồng hành, các nhà khoa học đặt tên vệ tinh này là Charon. Vệ tinh Charon bằng khoảng một nửa kích thước của Diêm Vương tinh và cách hành tinh này 20.000km. Charon bị giữ bởi trọng lực của Diêm Vương tinh, tạo thành một hệ hành tinh đôi. Charon chuyển động theo chiều nghịch, nghĩa là ngược chiều quay của các hành tinh và đại bộ phận các vệ tinh. Quỹ đạo của Charon hợp với mặt phẳng quỹ đạo của Diêm Vương tinh một góc 122[SUP]0[/SUP]6’, chu kì chuyển động là 6 ngày 9 giờ 17 phút.

Dữ kiện: Diêm Vương tinh chuyển động trọn một vòng xung quanh Mặt Trời mất 248,5 năm Trái Đất. Thật kỳ lạ, điều này có nghĩa là chưa đến nửa năm đã trôi qua trên hành tinh này kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1930. Một đặc điểm khác thường nữa là Diêm Vương tinh quay theo chiều nghịch so với hầu hết các hành tinh khác.
 
Câu hỏi: Hiệu ứng nhẫn kim cương là gì?

Trả lời:
Là hiện tượng xuất hiện vào lúc bắt đầu và lúc kết thúc của nhật thực toàn phần. Tại các thời điểm đó, người quan sát sẽ thấy Mặt Trời bị che khuất gần như hoàn toàn, chỉ trừ một viền sáng rất mảnh bao quanh và một đốm sáng lóe lên ở rìa của đĩa Mặt Trời, trông như viên kim cương trên chiếc nhẫn.

Hiện tượng này là kết quả của ánh sáng từ quang quyển Mặt Trời lướt qua biên ngoài cùng của vành đĩa Mặt Trăng. Do Mặt Trăng lồi lõm không đều, nên tại những nơi ứng với vùng lõm trên mép đĩa sẽ có một phần ánh sáng Mặt Trời đi qua để tới người quan sát. Thường thì vùng lõm đó có kích thước không lớn, nên ta chỉ thấy như những hạt lóe sáng đậu trên mép của đĩa tối.

Dữ kiện: Điều quan trọng là không bao giờ nhìn trực tiếp vào Mặt Trời, ngay cả trong khi có nhật thực. Ánh sáng mạnh của Mặt Trời có thể gây mù mắt.

 
Câu hỏi: Ánh sáng Mặt Trời phải mất bao lâu để tới Trái Đất?

Trả lời:
Từ Trái Đất, ta thấy Mặt Trời nhỏ bởi vì nó ở quá xa, với khoảng cách trung bình là 150 triệu km. Ánh sáng từ Mặt Trời phải mất 8 phút để tới Trái Đất. Tuy nhiên, ánh sáng này vẫn còn đủ mạnh để gây tổn hại cho mắt khi ta nhìn nó trực tiếp. Mặt Trời là sao gần nhất với Trái Đất, kế đến là Proxima, sao lùn đỏ, cách Trái Đất 4 năm ánh sáng. Do Mặt Trời ở gần Trái Đất hơn so với tất cả các sao khác, vì vậy ánh sáng mạnh của nó vào ban ngày đã ngăn cản không cho ta nhìn thấy các sao khác.

Dữ kiện: Vào giữa mùa hè, ban đêm ở miền bắc vùng Scandinavia không tối hoàn toàn. Ở cao điểm mùa hè, trục nghiêng của Trái Đất tạo cho các nước ở gần cực bắc nhận được ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn
 
Câu hỏi: Tại sao máu không chảy ngược?

Trả lời:
Tĩnh mạch là mạch máu dẫn máu trở về tim. Máu tuần hoàn trong cơ thể qua một hệ thống các mạch máu. Tất cả các tĩnh mạch, ngoại trừ tĩnh mạch phổi, đều mang máu đã nhả oxi từ các mô, qua các mao mạch, đến tĩnh mạch chủ. Tĩnh mạch có các van nhằm ngăn ngừa máu chảy ngược.

Máu chảy về phía trước ép các lá van mở ra. Nếu máu chảy ngược sẽ ép các lá van đóng lại. Các lá van trong tim hoạt động giống hệt theo cách này.

Máu cũng được trợ giúp chảy trong mạch máu bằng sự co cơ ở cánh tay và chân. Đó là lí do tại sao khi ta đứng lâu một chỗ, máu sẽ tích tụ trong chân khiến cho chân sưng phồng và đau nhức.

Dữ kiện: Hệ bạch huyết là một trong những cơ chế phòng vệ của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Hệ này gồm các mạch bạch huyết, ở nhiều điểm dọc theo các mạch bạch huyết có những chỗ phồng nhỏ, gọi là hạch bạch huyết. Hạch này hoạt động như những bộ lọc bạch huyết, ngăn chặn các vật lạ vào dòng máu
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Âm thanh được đưa vào đĩa CD bằng cách nào?

Trả lời:
Compact disk (CD) là đĩa nén, trên đó ghi lại âm nhạc, dữ liệu máy vi tính hoặc các thông tin khác được lưu trữ dưới dạng mã kỹ thuật số. Ứng dụng chính của đĩa CD là để ghi lại nhạc stereo. Đĩa dùng cho mục đích này gọi là đĩa CD audio, được nghe lại trong máy đọc đĩa CD. Đĩa CD được làm bằng chất dẻo cứng tráng kim loại mỏng và chỉ ghi trên một mặt.

Trong lúc ghi âm, micro chuyển đổi sóng âm thanh thành tín hiệu điện. Bộ đổi tương tự sang kỹ thuật số phân chia các tín hiệu này thành 44.100 phân đoạn, gọi là các mẫu, cho mỗi âm thanh phát trong một giây.

Khi đĩa CD quay trong máy đọc đĩa, một chùm tia laser chiếu xuyên qua chất dẻo ở mặt dưới của đĩa và dò theo các rãnh hình tròn. Lớp tráng bằng kim loại phản chiếu chùm laser. Cường độ phản chiếu thay đổi khi chùm laser đi vào và ra khỏi một hố lõm. Một bộ chuyển đổi ánh sáng phản chiếu thay đổi thành tín hiệu điện, được dùng để tạo ra âm thanh.

Dữ kiện: Điều biến tần số (frequency modulation), thường gọi đơn giản FM, là phương pháp truyền tín hiệu âm thanh trên sóng vô tuyến. Điều biến biên độ (amplitude modulation), hay còn gọi AM; cùng với FM là hai phương tiện chính để truyền âm nhạc và lời nói.

Một số loại đĩa phổ biến

View attachment 9267
Đĩa CD

View attachment 9268
Đĩa Bluray
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Do đâu dơi quỷ có được tên gọi của chúng?

Trả lời:
Dơi quỷ là tên đặt cho nhiều loài dơi khác nhau, đặc biệt là một số dơi ở Trung và Nam Mĩ chuyên tấn công ngựa, gia súc, chim và những động vật có vú khác để hút máu. Được biết đến nhiều nhất là dơi quỷ nhỏ nâu đỏ nhạt, cơ thể dài khoảng 8 cm. Loài dơi này có các răng của rất sắc như lưỡi dao cạo; thực quản ngắn và hẹp, không cho phép thứ gì đi qua ngoại trừ chất lỏng. Có những câu chuyện kinh dị kể về các loài dơi nguy hiểm này. Tên của chúng bắt nguồn từ các truyền thuyết mê tín về ma cà rồng, là xác chết sống lại ban đêm ra khỏi mộ đi hút máu người đang sống.


Dữ kiện: Nhiều loài dơi sống thành tập đoàn gồm hàng vạn hoặc thậm chí hàng triệu cá thể. Một số loài dơi khác sống đơn độc hoặc thành các nhóm nhỏ. Phần lớn các loài dơi ngủ ban ngày trên chỗ đậu của chúng
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Khí khổng là gì?

Trả lời:
Khí khổng là những lỗ cực nhỏ trong lá. Khi khí khổng mở, chúng để cho không khí vào và ra, đồng thời nước cũng thoát ra. Khi khí khổng đóng, nước được giữ lại bên trong lá.

View attachment 9273
1. Tế bào biểu bì; 2. Tế bào bảo vệ; 3. Lỗ khí.
Cấu tạo của khí khổng

View attachment 9271
Khí khổng (Ảnh chụp dưới kính hiển vi)

Thực vật hấp thu nước từ đất thông qua rễ. Nước này di chuyển lên thân và lá, ở đó sẽ có khoảng 90% bốc hơi qua khí khổng. Cây lớn mất hơn 800 lít nước mỗi ngày qua khí khổng trong lá. Lượng nước mất từ lá dưới dạng bốc hơi được gọi là sự thoát nước. Các quá trình khác của thực vật liên quan đến nước gồm có sự quang hợp (dùng nước để tạo ra thức ăn) và sự hô hấp (trong đó nước được tạo ra). Khi trời tối, thực vật đóng khí khổng của chúng lại.

View attachment 9272
Cơ chế đóng mở của khí khổng

Dữ kiện: Mỗi ngày, lượng nước mất đi của một cây lớn đủ để cho ta tắm 8 đợt bằng vòi hoa sen. Khoảng 99% lượng nước do rễ hấp thu bị mất qua lá trong sự thoát nước
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Hoa nào lớn nhất thế giới?

Trả lời:
Trong tất cả các hoa, hoa rafflesia (tên khoa học Rafflesia arnoldii) có kích thước lớn nhất, được tìm thấy trong rừng nhiệt đới ở Sumatra. Đó là một thực vật không có khả năng quang hợp. Lúc bình thường không thể nhìn thấy vì nó không có lá, mà chỉ sống kí sinh trên rễ của một loại dây leo nào đó ở dưới mặt đất cho tới khi xuất hiện một nụ trông như chiếc bắp cải khổng lồ. Nụ này nở thành hoa có đường kính khoảng 1m, cân nặng đến 7kg, những cánh hoa màu đỏ lốm đốm trắng giống như da thuộc và bốc ra mùi thịt thối; mùi này có tác dụng thu hút ruồi bay để thụ phấn cho hoa.


Dữ kiện: Tảo lục là thực vật nhỏ nhất, chúng tạo thành một màng mỏng màu lục nhạt thường được tìm trên các vỏ thân cây. Phải cần đến hàng tỉ tế bào tảo lục mới bao phủ được một thân cây.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Câu hỏi: Chim bói cá bắt mồi bằng cách nào?

Trả lời:
Chim bói cá là một họ chim có số lượng khá đông, được tìm thấy trên khắp thế giới. Chim bói cá có đầu to và nặng, mỏ nhọn, chân và đuôi ngắn; các ngón ngoài và ngón giữa của bàn chân được nối với nhau bằng màng da.

Chim bói cá bỏ ra nhiều giờ đậu trên cành cây gần hồ hoặc suối để quan sát cá nhỏ bơi gần mặt nước. Sau đó, đôi khi nó lượn vòng trong giây lát trên không trung rồi bổ nhào xuống chộp cá. Nó thường giữ cá bằng mỏ, nhưng thỉnh thoảng dùng mỏ nhọn để đâm cá. Sau đó, chim tung cá lên không trung, bắt lấy rồi nuốt từ phía đầu. Chim bói cá cũng ăn cua nhỏ, ếch, nòng nọc, kỳ giông và côn trùng.

Dữ kiện:
Chim bói cá đào hang trong vách dốc đứng trên bờ sông hoặc dải cát. Đường hầm được đào dài từ 1,2m đến 4,6m, ở phía cuối có hốc rộng hơn, là nơi chim làm tổ bằng xương và vảy cá.

Hình ảnh về chim bói cá mới nở và trứng chim bói cá


View attachment 9573

View attachment 9574

Xem thêm:
- Chim bói cá ngộ nghĩnh
 
Câu hỏi: Miễn dịch là gì?

Trả lời:
Là khả năng của cơ thể chống lại nhiễm bệnh nhờ có các kháng thể tuần hoàn và các bạch cầu. Miễn dịch chủ động là trường hợp các tế bào của chính cơ thể tạo ra mà vẫn giữ được khả năng sinh sản các kháng thể thích hợp sau khi bị nhiễm bệnh, hoặc khi được kích thích có chủ ý. Miễn dịch thụ động chỉ tồn tại một thời gian ngắn, được tạo bằng cách tiêm kháng thể đã làm sẵn trong kháng huyết thanh lấy từ người khác, hoặc động vật đã có miễn dịch. Trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động nhờ có kháng thể từ máu người mẹ và trong sữa non, chống được các bệnh thông thường sau khi sinh ra.

Dữ kiện: Đáp ứng miễn dịch là phản ứng của cơ thể để đáp lại sự xâm nhập của các chất mang dấu hiệu thông tin di truyền lạ, bằng cách sản sinh các bạch cầu được biết đến là lympho bào. Lympho bào chủ yếu được tạo ra trong tủy xương
 
Tại sao rắn hổ mang bành rộng cổ được?

Tại sao rắn hổ mang bành rộng cổ được?

Hổ mang là loài rắn chứa nọc độc chết người sống ở vùng Châu Á và Châu Phi. Thông thường thân hình loài rắn này tương tự như bất kỳ con rắn nào khác, nhưng chúng còn có khả năng san bằng đầu mình thành hình như mui xe.

Chính vì thế, loài rắn này còn được gọi là rắn hổ mang bành.

snake.jpg


Sở dĩ rắn hổ mang có thể bành rộng cổ mình ra được là do nó có xương sườn kéo dài, giúp rắn mở rộng da ra bên ngoài cổ, tạo thành hình như mui xe phía trước cơ thể.


Chúng bành rộng cổ ra khi gặp nguy hiểm hoặc bị kích động. Với cách này, rắn sẽ ngụy trang thân hình của mình to hơn rất nhiều bình thường giúp rắn uy hiếp kẻ thù.

Rắn hổ mang có nọc kích độc. Chúng thường tấn công khi bị khiêu khích hay đe dọa. Ai bị loài rắn độc này cắn thì chỉ khoảng 30 phút sau sẽ bị tử vong do chất độc làm suy hô hấp, dẫn đến ngạt thở và làm tê liệt hoạt động của cơ hoành. Hổ mang thường ăn chuột, chim và ếch. Đối thủ đáng gờm nhất có khả năng đánh bại hổ mang trong tự nhiên là loài cầy, chim săn mồi và con người.

Hiện nay, rắn hổ mang được phân bố ở nhiều vùng khác nhau thuộc Châu Phi và Châu Á với rất nhiều chi loài khác nhau. Trong đó hổ mang chúa là loài rắn hổ mang lớn nhất, với chiều dài tối đa 18 feet (5,4 mét), sinh sống ở nam Á, đặc biệt là ở Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Nguồn: Đất Việt
*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
VÌ SAO CHÂU CHẤU BAY THÀNH ĐÀN ?

Châu chấu dù bay ở trên trời hay đỗ dưới mặt đất vẫn duy trì tính hợp quần. Đây không phải là sở thích nhất thời, mà do thói quen đẻ trứng và nhu cầu về mặt sinh lý của chúng.

Việc châu chấu thích hoạt động thành đàn có quan hệ rất lớn đến thói quen đẻ trứng. Đến mùa giao phối, châu chấu lựa chọn vị trí đẻ trứng tương đối nghiêm khắc, thích hợp nhất là môi trường có chất đất cứng, có độ ẩm tương đối và có ánh sáng mặt trời trực tiếp. Trên những cánh đồng rộng lớn, khu vực có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này tương đối ít, do vậy, châu chấu thường tập trung đẻ trứng hàng loạt trên một phạm vi không lớn lắm. Thêm vào đó, trong khu vực nhỏ này, chênh lệch độ ẩm là rất ít, khiến cho trứng nở đồng loạt, đến mức châu chấu non vừa chào đời đã hình thành thói quen sống cùng nhau, đi theo nhau.

Mặt khác, châu chấu phải sống theo đàn cũng là do nhu cầu về mặt sinh lý. Chúng cần nhiệt độ cơ thể tương đối cao để hoạt động. Vì vậy, việc sống thành đàn sẽ giúp chúng duy trì nhiệt độ trong cơ thể. Tất cả những con châu chấu trong đàn đều có chung đặc điểm này. Bởi vậy, trước khi chúng kết đàn, chỉ cần vài con lượn vòng trên không trung, rất nhanh sau đó, những con khác dưới mặt đất sẽ cảm ứng và đồng loạt bay lên.

Nguồn: Sưu tầm*

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
VÌ SAO TRONG CÂY CÓ ĐIỆN ?


1.jpg

Các điện tích dương thường tập trung ở dễ, và âm ở ngọn cây.

Một số hoạt động sống trong cơ thể sinh vật tạo ra điện trường và dòng điện, gọi là điện sinh vật. Ở một số động vật, hiện tượng này rất rõ, ví dụ cá chình điện có thể dùng điện sinh vật để bắn chết những con mồi nhỏ. Trong cây cũng có điện, nhưng chỉ yếu hơn mà thôi.

Dòng điện trong cơ thể thực vật yếu đến nỗi nếu không dùng đồng hồ điện siêu nhạy thì khó mà phát hiện ra. Nhưng dòng điện yếu không có nghĩa là không có.

Vậy điện trong cây phát sinh như thế nào? Có rất nhiều nguyên nhân khiến cây sản sinh ra điện. Ví dụ ở rễ, dòng điện chạy từ chỗ này sang qua khác, vì sự chênh lệch điện tích do các đoạn rễ hấp thụ muối khoáng không đều.

Bây giờ chúng ta hãy quan sát quá trình hấp thụ khoáng kali clorua của cây đậu tương. Các ion của kali clorua được hút vào rễ. Clo(-) từ rễ được hút lên các tế bào ngọn, làm tăng số ion âm trên ngọn, trong khi đó, các ion dương của K+ lại tập trung ở đầu rễ. Kết quả là xuất hiện một điện thế giữa ngọn và gốc. Tuy nhiên, cường độ dòng điện trong cây rất nhỏ. Theo tính toán, tổng dòng điện trong 100 tỷ cây đậu tương mới đủ thắp sáng một ngọn đèn 100 W.

Nguồn: Sưu tầm*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top