vanchuong83
New member
- Xu
- 0
MỘT HỒN THƠ CỦA ĐÁ
Sắc đẹp trong thiên nhiên có muôn ngàn vẻ. Có những vẻ đẹp dễ nhận thấy, dễ rung cảm như mây lãng đãng trôi, nước suối thì thầm róc rách, sóng biển tung bọt trắng, hoa êm dịu mỉm cười ...
Lại có những vẻ đẹp phải nhìn lâu mới thấy, phải nghĩ ngợi lâu mới rung động, như đám cỏ lau phơ phất chiều đông, đôi ba hòn đá tảng xù xì bên suối vắng, mấy nhành cây khô bị sóng đánh dập vùi ...
Rượu. Có chén mới nhấp lên môi đã thấy ngất ngây, lại có thứ rượu phải uống chậm rãi mới cảm nhận được hương men đã ấp ủ bấy nhiêu năm trời.
Làm thơ, đọc thơ hay nghe thơ là uống cái đẹp bằng rượu. Chẳng ai uống rượu giống ai vì mỗi người mỗi tâm trạng, mỗi cách ngâm nga, mỗi sự cảm nhận. Cái mình cho là hay thì người khác bảo không, cái mình hôm nay cho là hay thì một lúc nào đó lại thấy bình thường. Nàng thơ đỏng đảnh, đến rồi lại đi ...
Ngày mới gặp Trương Văn Thành, tôi không nghĩ người ấy lại làm thơ. Mái tóc xù, khuôn mặt khắc khổ có thể là của thi sĩ, nhưng giọng nói như lửa hừng hực, đọc thơ như „chém đá“ thì phải chăng là của người làm thơ?.
Thế rồi có một buổi chiều, Thành cùng với anh bạn yêu thơ Đường Kim vượt hơn trăm cây số trong cái lạnh mùa đông về Praha dự đêm thơ. Bên cốc bia đầy Thành hỏi tôi về mấy câu thơ của Cụ Thôi Hiệu: „Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ. Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, Bạch vân thiên tải không du du“ và bảo tôi bình thì tôi thấy giật mình vì đây chẳng phải tay vừa. Tôi chỉ nhớ mang máng là ngày xưa có đọc Cụ Tản Đà dịch: „Hạc vàng ai cưỡi về đâu? Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ. Hạc vàng đi mất từ xưa, Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay“, nhưng đọc theo phiên âm Hán-Việt như Thành thì tôi chịu. Đành phải đánh bài lờ „lâu ngày anh quên“, là nói cho oai vậy thôi chứ đã thuộc đâu mà bảo „quên“!.
Cũng từ đó tôi chịu lắng nghe Thành đọc thơ nhiều hơn. Mà lối đọc thơ của Thành cũng lạ, cứ có dịp là đọc, ai khen chê cũng mặc. Đọc hồn nhiên, đọc „chát chúa“. Nhưng lắng nghe mới thấy chất thơ ấy không phải là vần gieo với vần rồi ghép lại, nghe nhàn nhạt như vè, mà có ý, có tứ rõ rệt. Cái ý cái tứ trong thơ của Thành có chút gì dân dã thôn quê, nhưng dường như không mênh mang gợn sóng như lúa thì con gái mà bật lên như những viên đá đẹp nằm trên đường cái làng. Nó bắn nhẹ vào chân người, níu người ta dừng lại và chú ý.
Một hồn thơ đẹp từ đá. Những viên đá ấy là tình yêu.
Yêu Tổ quốc, có nhưng câu Thành viết hơi đao to búa lớn: „Tổ quốc lớn lên theo từng trang sử, đánh giặc ngoại xâm, dựng nước oai hùng“, nhưng lại có những câu mộc mạc „Tổ quốc trong tôi bập bềnh trôi nổi. Trong cái chăn mền, chằng đụp những vết khâu“ và „cái rổ, cái nia, cái rá, cái cồng. Câu hát ghẹo ngày xuân trẩy hội. Con tép con tôm, nụ chè, nụ vối. Bát tương bần, cà muối đọt khoai“. Chính những ý thơ thật thà như đếm ấy đã „cứu“ cả bài thơ, làm cho một đề tài to lớn trở nên gần gũi và cảm động.
Yêu Mẹ, anh mong ngày trở về để thốt lên „Bu ơi!“. Hồi tưởng lại cái ngày Mẹ tiễn anh đi: “Tiễn con bám dậu ra ngoài ngõ. Nắng xế chiều hôm, nắng cuối mùa“. Anh tưởng tượng ngày về gặp Mẹ: „Con sóng lang thang tìm về với mẹ. Bạc tóc rồi, bến hãy còn xa“. Mỗi bận tết đến, ở phương xa nhìn tuyết bay trắng trời anh lại thẫn thờ trầm ngâm nhớ Mẹ: „Mẹ tôi chắc cũng vừa thức giấc. Mặc áo choàng khăn đợi mọi người“, rồi Thành khóc (tôi biết tính Thành, khóc thật sự và hồn nhiên lắm):„Chiếc áo chị tôi lúc làm dâu, tặng mẹ vừa khi tháng lương đầu. Gió sương tóc mẹ giờ thêm bạc. Áo vẫn để dành có mặc đâu“. Bài Mẹ tôi của Thành có lẽ là hay nhất trong tập thơ. Nghệ sĩ ưu tú Kim Dung đã dành cho Thành sự ưu ái với giọng ngâm xúc động: „Tôi dõi nhìn theo bóng của Người. Trong làn sương mỏng nắng chơi vơi. Mẹ ơi, sương khói, đời dâu bể. Bòn góp nuôi con, cả một đời“.
Cái hồn thơ trong đá ấy luôn cất lên những tiếng nghẹn ngào khi nghĩ về Cha Mẹ: „Con lầm lũi giữa bốn bề tuyết trắng. Đất xứ người lặn ngụp mưu sinh“. „Môi bật máu giọt mồ hôi mặn chát. Giọt nước mắt rơi, tủi hờn cay đắng. Giữa dòng đời đen bạc, bon chen“. Tôi cũng như Thành, những năm tháng bình yên thì không sao, nhưng lúc vấp ngã thì dù mình đã lớn tuổi vẫn thấy thèm được vòng tay che chở của Mẹ Cha: „Mẹ thương con vỗ về an ủi. Cha thương con dữ dội làn roi“. Có lẽ với nhiều người bây giờ cũng thế, ngày ấy xa rồi ... Thật hạnh phúc cho những ai còn Mẹ còn Cha.
Đọc thơ Thành mới thấy tâm hồn anh cũng rất si tình: „Tôi vác cây si, đến ngõ nhà nàng. Xí một khoảng đất và trồng cây xuống đó“...
„Nàng ấy“ với mọi người đàn ông, ai mà chẳng có. Giọng thơ thủ thỉ mà gấp gáp với nhịp câu bốn chữ, nghe cứ như muốn „ăn sống nuốt tươi“ con nhà người ta: „Những ngày xa vắng. Em có biết không. Vẫn cháy trong lòng. Yêu em vô hạn“. Nhưng trong bài thơ tặng người vợ tần tảo quẩn quanh bên quầy hàng suốt nhiều năm trời chưa một lần được về chơi Praha, thì giọng thơ anh lại trìu mến, như một lời xin lỗi: „Em có gì không phải. Mối tình xưa nhắc lại. Một lần này ... thôi anh. Dợm (một từ rất hay) nước mắt vòng quanh. Ngước nhìn lên vời vợi. Con thuyền xưa ... bến đợi. Nắng ... bên thềm ... mênh mang!“.
Được làm viên sỏi trên con đường làng cho những người mình yêu đi qua là một hạnh phúc. Thành đã hạnh phúc thật sự khi hai vợ chồng anh bươn chải với một quầy hàng vẻn vẹn 12 m2 để nuôi hai con ăn học. Ngày được tin con gái đầu đỗ vào Đại học Tổng hợp Masaryk danh giá ở Brno, anh đã không cầm được nước mắt (có lẽ thế), vì anh tin chắc: „Đời của con không quẩn lại đời cha (tôi thích chữ „quẩn“). Dầm dãi nắng mưa quẩn quanh buôn bán (lại „quẩn“ nữa). Lối con đi khoảng trời tươi sáng (chưa phải là „bầu trời“). Bớt tủi hờn kiếp sống tha hương“.
Tết này, sau bao nhiêu năm bươn chải, Thành về quê để mừng thọ Mẹ già và thắp nén hương tưởng nhớ người Cha đã khuất núi. Anh muốn mang tập thơ mà bao nhiêu năm anh trăn trở suy nghĩ, khóc và viết để về biếu Mẹ. Hạnh phúc lớn đối với Thành là nghệ sĩ ưu tú Kim Dung và các nghệ sĩ Thanh Sơn, Thu Hương đã giúp anh ngâm những bài thơ ấy. Những vần thơ chứa đầy cảm xúc như bật lên từ đá được những giọng ngâm ngọt ngào làm cho êm ả, in trên nền đĩa CD đẹp do Hà Cần trình bày sẽ làm cho Mẹ anh, bạn bè và làng quê anh cảm động.
Xin được đọc hai câu kết của Cụ Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc Lâu để tặng Thành: „Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu!“. Cụ Tản Đà dịch: „Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai“.
Chúc Thành có những tháng ngày đầm ấm bên Mẹ, người thân và làng quê yêu quý.
Lễ Giáng sinh 2012, Praha.
( S ưu t ầm)