MINH TRIẾT TRỐNG ĐỒNG - HỌA ĐỒ TÂM LINH DÂN TỘC VIỆT
Trống Đồng là một vấn đề có liên quan đến khảo cổ. Do đó bài trình bày về Trống Đồng của chúng tôi gồm co 2 phần chính:
Thứ nhất là Khảo Cổ Trống Đồng
Thứ hai là Minh Triết Trống Đồng
Như chúng ta biết, Trống là một cổ vật chung ở miền Đông Nam Á, gồm cả các nước Tàu, Việt, Miến, Thái, Phi, Mã Lai, Nam Dương…mà trung tâm phát xuất lớn nhất là ở Việt nam. Trống xuất hiện ngay từ thời khuyết sử như trống đất, trống gỗ, trống đồng , trống cầu mưa, trống sấm, trống vu hích, trống cầm canh…
Về cổ thư Việt, vì bị quân Tàu xâm lược lấy mất hết , không tìm được di tích.
Những sách sử từ thế kỷ 14 trở đi có nhắc đến, và rất trân trọng. Trống thường được dùng trong tế lễ, các cuộc thề nguyền rất thiêng liêng, trọng thể.
Triết gia Kim Định mô tả rất chính xác ý nghĩa tôn quý của Trống:
Sử sách xưa của Trung Hoa từ thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, đã đề cập đến trống đồng của Việt Tộc, tuy với ngụ ý xuyên tạc văn hóa, nhưng đã nói lên sự sở hữu của Việt Tộc về Trống đồng. Năm 43, khi Mã Viện đánh Trưng Nữ Vương, đã thu hết trống đồng của ta để đúc ngựa mẫu, nên trống bị quên lãng dần, chỉ còn là đối tượng của sự thờ cúng. Tuy nhiên, khi Trần Lương Trung, sứ nhà Nguyên sang nước ta, đời vua Trần Nhân Tôn (1291), có bài thơ “ Cảm sự’ trong Sứ Giao Châu tập , về Trống Đồng Việt :
Bóng lòe gươm sắc lòng thêm đắng
Tiếng rộn trống đồng tóc đốm hoa.
Nghĩa là nhớ đến trận chiến quân Nam đuổi đánh quân Mông Cổ sợ kinh khiếp đến nỗi chỉ nghe tiếng trống đồng rộn rã mà sứ giả đã bạc trắng tóc rồi! .
Về phía Tây phương, đến thời Pháp thuộc, khỏang 1885-1895 thực dân Pháp mới nhận ra trống đồng Việt là một di vật quí, tìm mua khắp nơi, và trưng bày ở các hội chợ, viện bảo tàng ngọai quốc. Bốn trống nổi tiếng nhất là: Sông Đà, Khai Hóa, Ngọc Lữ, Hòang Hạ. Hai trống Ngọc Lữ, Hòang Hạ đẹp và cổ hơn cả. Trống Ngọc Lữ ở chùa Long Đại Sơn làng Ngọc Lữ tỉnh Hà Nam. Năm 1901 trường Viễn Đông Pháp đã nhờ trung gian chánh sứ Phủ Lý lấy trống ấy về Viễn Đông Bác Cổ, Hà nội. Còn trống Hòang Hạ, tìm được năm 1932, nhân lúc khai sông gần làng Hòang Hạ, tỉnh Hà Đông., trao cho trườngViễn đông Pháp ở bảo tàng viện Finot, nay cũng ở Hà nội.
Về khảo cổ, thật ra mới đầu trường Viễn Đông Pháp lập ra năm 1900 chưa chú ý nhiều đến trống đồng. Họ tập trung vào nghiên cứu thời kỳ đồ đá ở Việt Nam như thời Hòa Bình và Bắc Sơn. Nhưng một sự kiện tình cờ xẩy ra năm 1924, một người làng Đông Sơn ra sông Mã câu cá sau trận bão lụt, thấy chiếc trống đồng nằm trên bờ sông, lấy về bán lại cho một người Pháp tên là Pajot. Sau đó trường Viễn Đông Pháp giao cho Pajot khai quật di chỉ Đông Sơn và tìm được tổng cộng 489 đồ đồng, trong đó có 20 chiếc trống loại lớn , thân hình trụ đứng thẳng, trên mặt có hình sao đúc nổi. Lọai này được Heger chuyên gia khảo cổ về trống phân lọai hạng I trong các lọai trống. Từ đó, trên thế giới chú ý và xuất hiện nhiều bài bình luận về Trống Đồng Đông Sơn. Và tên Văn Hóa Đông Sơn trong ngành khảo cổ cũng do một nhà khảo cổ người Đức Heine Geldern đặt tên trong thời gian này. Nhưng cũng từ khi Trống đồng Đông Sơn được nổi tiếng thì nhiều di chỉ trống đồng được thám quật, và Trung Quốc có sự tranh chấp chủ quyền về trống đồng với ta đã bắt đầu, khỏang năm 1950. Gần đây, các nhà nghiên cứu khảo cổ trống đồng phối hợp với các ngành khác như di truyền, hải dương, nhân chủng…thì sự tranh cãi không còn nữa. Sự thật của lịch sử về nền Văn hóa Đông Sơn đã được các nhà khảo cổ trên thế giới thưà nhận là của chủng tộc Việt. Mà Trống Đồng Đông Sơn tại Việt Nam là một đại biểu chói chang nhất.
Nói về các niên đại văn hóa, ta có thể kể sơ:
-Văn Hóa Hòa Bình: Khỏang ít nhất 10,000 năm trước Tây Lịch: Đây là thời đại đồ đá mới, người Hòa Bình đã khắc phục trở ngại thiên nhiên, chế tạo dụng cụ sản xuất, từ bỏ đời sống hoang dã, hái trái, săn bắt, Khai Sáng nền Văn Minh Nông Nghiệp tại Đông Nam Á. Người Hòa Bình còn di chuyển từ Nam lên Bắc, sau này thành người Tàu, đi qua Nam dương, Mã Lai, vượt qua Mỹ Châu…Người Hòa Bình là tổ tiên của người Việt chúng ta ngày nay.
- Thời đại Bắc Sơn: Khỏang 5000 năm truớc Tây lịch.
- Thời Phùng Nguyên: Khỏang 3000 năm truớc T.L
- Thời Đông Sơn :Khỏang 900-700 trước TL tới 200 năm sau T.L
Sự nổi tiếng của Trống Đồng Đông Sơn về mặt cổ vật quý vì kỹ thuật luyện kim thời ấy. Trống Đông Sơn là đỉnh cao của kỹ thuật hợp kim đồng, chì và thiếc, nhờ vậy đồng có độ dai bền vô cùng, có thể dát mỏng làm mặt trống mà tha hồ đánh không thủng. Các hoa văn trên trống đồng cũng là những khắc chạm độc đáo cùng với vẻ hòanh tráng của trống đồng đã làm các nhà khảo cổ quốc tế ngưỡng mộ.
Chúng tôi xin tả sơ về các hoa văn trên trống Ngọc Lữ:
Trống Ngọc Lữ có kính 79 cm, thân trống cao 63cm, tang trống ( thành trống) phình ra đường kính 86cm. Trên mặt trống ở giữa là hình mặt trời nổi cao có 14 tia sáng . Giữa các tia sáng là hình các tam giác. Từ đó chia làm 16 vòng hoa văn, mỗi vòng bao bởi HAI đường chỉ chạy song song.
Nhóm vòng thứ nhất sát vòng mặt trời, gồm hình như chim bay kiểu hình chữ S.
Nhóm vòng thứ hai, ở giữa, chia thành hai nửa bán nguyệt: một bên 6 hình, một bên 8. Triết gia Kim Định gợi ý cho chúng ta rằng có thể đây là dấu hiệu của thời thể thơ lục bát . Điều này cũng dễ đồng ý vì lục bát là lọai thơ riêng của Việt Nam.
Một nửa 7 người hóa trang thành chim tay cầm lao, giáo,kèn.
Một dàn 4 chiếc trống với 4 người đang đánh bằng chầy đứng.
Một dàn cồng chia hai, một bên 7, một bên 8, một người đánh.
Một nhà sàn hình thuyền mái cong, có một chim đậu và hai người ở trong đang múa giao tay giao chân, tức là như lối hát Lý Liên sau này.
Nửa khác trên nóc nhà có hai chim, đòan người bên chẵn bên lẻ.
Nhóm vòng thứ ba, gồm hai vòng nai và chim. Đặc biệt là cứ có một chim đứng thì một con bay, một con đuôi dài cạnh một con đuôi ngắn, một con đực đi đôi với một con cái…
Khảo cổ làm việc để ghi lại các yếu tố vật chất, như hình thể trống thuộc lọai nào, độ cao, chiều kích,hình các hoa văn trên trống liên hệ ra sao với các hoa văn của từng thời đại văn hóa, hay phân tích thành phần hợp kim, kỹ thuật đúc trống, nơi xuất phát trống của từng lọai v.v….Những công trình khảo cổ giúp cho ta có cái nhìn về khía cạnh hữu hình, hữu hạn của di vật cổ mà thôi.
Nhưng Nghệ Thuật không chỉ là những gì bộc lộ ra ngòai. Điều mà nghệ thuật diễn tả được phải là chỗ không lời, không thấy, gợi được cái cảm nghiệm vô biên, cái ý nghĩa thấm vào tận đáy lòng người, làm rung cảm mối suy tư…Do đó, lý tưởng của nghệ thuật cũng là lý tưởng của con người. Vì con người là gì? Có phải rằng chúng ta cũng chỉ là một Tác Phẩm Nghệ Thuật độc đáo, cao cả, mầu nhiệm nhất của vũ trụ ?
Như vậy, ngắm nhìn các hoa văn trên trống đồng dân tộc, nếu tâm hồn trầm lắng các vọng động, ta sẽ cảm được cái nghệ thuật ẩn tàng của trống, nghĩa là tiếp cận miền vi tế của Tâm Linh Tổ Tiên Việt.
Như vậy, Ngắm Nhìn Trống, với Tâm Tư, chính là tác động của một Công Án Thiền Tâm Linh của Đạo Việt.
Hay nói cách khác, theo Triết Lý An Vi, muốn tìm hiểu tư tưởng Tổ tiên, ta phải đặt mọi vấn đề trong cái sinh động của TÒAN THỂ nền văn hóa. Ta sẽ thấy các hoa văn trên di chỉ trống đồng liên hệ chặt chẽ với các yếu tính văn hóa chung trên các khía cạnh khác như ngôn ngữ trong huyền thọai, ca dao, tục ngữ; như con số huyền nhiệm ; hay là các phong tục, thể chế trong sinh họat làng quê Việt.
1-Mặt trời : Là yếu tố ở trung tâm trống: Điều này cũng trùng hợp với các quốc hiệu xưa của nước ta là Xích Quỷ, Viêm Việt; Xích chỉ lửa đỏ, Quỷ nghĩa là Làm Chủ,Tinh Hoa, Viêm là xứ nóng.
Như vậy, mặt trời có liên hệ với danh hiệu nước, chứng tỏ sự gắn liền với mặt trời của dân xứ nóng, nông nghiệp. Mà Việt Tộc là lãnh đạo. Thêm nữa, Việt Tộc làm nghề nông thì luôn dựa vào thời tiết, mặt trời để canh tác cho thích hợp, nên trước khi sang biểu tượng vật linh, trong giai đoạn đầu còn ảnh hưởng tâm lý bái vật, Việt Tộc đã sùng bái mặt trời như là nguồn sinh dưỡng.
2- Vật biểu chim hiện ra trong việc con người hóa trang bằng lông chim, các con chim đầy khắp vòng trống. Tinh thần nước Việt hiện ra hình chim Tiên bay múa theo chiều tay trái. Truyện Con Rồng Cháu Tiên chính từ biểu tượng của chim bay nhởn nhơ trên ruộng lúa nước từ thời còn là người văn minh tiền sử Hòa bình cả chục ngàn năm xưa .
3- Dấu tả nhậm :Tả nhậm là cài áo tay trái, nói rộng ra là trọng phía trái.Đòan người chim nai trên các vòng trống đồng đều đi về phía trái. Phía trái là dấu riêng của Việt tộc, một lần nữa, trống đồng đã ghi lai nét văn hóa độc đáo của chủng tộc. Chúng tôi có một điều cần lưu ý ở đây: Không hiểu với trình độ cảm nhận Tâm Linh siêu việt tới mức nào, mà Tổ Tiên Việt Tộc chúng ta cứ trọng hướng trái. Vạt áo bên phải, nút áo bên phải, nên khi cài nút áo mặc, người Cổ Việt dùng tay trái. Điểm đặc biệt này ngược với các sắc dân khác, như là người Hoa Hán, họ cài áo tay phải, cho nên họ có câu: “ Tứ Di tả nhậm” để chỉ sự khác biệt của dòng tộc Tứ Di- tức là tiền thân cũa dân tộc Việt. Thế mà ngày nay, với những khám phá mới nhất của khoa thần kinh não bộ học, đã chứng minh phần bán cầu não phải là tập trung của năng lực nghệ thuật, thẩm mỹ, cảm xúc. Mà như chúng ta đã biết, phần bên phải của não điều khiển các vận động bên trái của cơ thể. Như thế có nghĩa là khi sử dụng tay trái là liên hệ tới não phải, phần nghiêng về nghệ thuật, thẫm mỹ, cảm xúc- tức là Minh Triết. Như chúng tôi đã thưa ở trên, Minh Triết gắn liền với Nghệ Thuật và Nhân Sinh, và đó chính là đặc điểm của nền Minh Triết Việt.
Ngòai ra, tả nhậm còn ý nghĩa là hướng ngược chiều mặt trời, ngược chiều kim đồng hồ. Đời sống đi theo chiều kim đồng hồ là đời sống của vật thể, đo đếm, đều đặn, lạnh lùng, vô cảm, lý trí cứng rắn của ý thức phân biệt . Ngược lại với những tính chất này, là đời sống của tâm linh vô phân biệt, của cảm xúc nồng nhiệt của trái tim. Trong ngôn ngữ, văn hóa ta nói vợ chồng, nhà nước… vợ trước chồng, nhà trước nước tức là cái yếu ớt, nhỏ bé, cụ thể trước, đó là tả nhậm.
Có lẽ cũng vì cảm thức với Tiềm Thể Tâm Linh Minh Triết, nên Việt tộc trọng phía trái, còn có nghĩa là sự trọng tình cảm, thương người yếu kém trong văn hóa và đời sống Việt, còn tương quan với sự họat động của thần kinh cảm xúc. Nếu như vậy, cảm xúc, sự tương giao, hòa hợp, hay tình yêu thương của con người với thiên nhiên, vũ trụ, vạn vật, và với nhau đã nằm sẵn trong cơ cấu thần kinh não bộ. Kích động cái nguồn tiềm lực ấy lên, khơi nguồn cái dòng tâm đạo ấy lên, một trong những vận động ấy chính là tác động tả nhậm của Tổ tiên Việt Tộc? Ôi! Huyền nhiệm thay sức sáng tạo từ trực giác tâm linh của Tổ Tiên ta. Chúng ta đã tháp đôi cánh Tiên nương bay lượn trong cõi vô cùng, nên thấy ngay cái chân lý tâm linh tả nhậm của bản thể vũ trụ, nhân sinh trong khi khoa học mò mẫm bằng lý trí phải mất mấy ngàn năm mà cũng chỉ tìm được những mảnh vụn rách rời của tấm họa đồ bí mật sự sinh tồn của vũ trụ.
4-- Tính Lưỡng Hợp trên trống: con cái và đực, các đuôi chim dài ngắn xen kẽ. Con bay con đứng cũng từng cặp…Rồi đến các vòng song song chạy đều trên mặt trống để phân chia giữa những nhóm vòng hay các vòng tiếp tuyến chạy song song giữa từng vòng. Đây là hình ảnh của tính nhịp đôi củaVăn Hóa Việt, là biểu lộ tâm thức hai chiều , đã đầy khắp mặt trống. Hình ảnh này ta còn tìm thấy nơi những hòn sỏi tìm được ở Bắc Sơn ( 5000 năm trước Tây lịch)có hai dấu vạch song song với nhau. Cũng như theo các nhà nghiên cứu cấu trúc ngôn ngữ Việt , thì khỏang 80% từ ngữ Việt gồm hai chữ ghép với nhau. Thí dụ như: đi lại, ngang dọc, ăn làm, nói năng…
5- Nông nghiệp đã hiện rõ nơi các chầy đứng giã gạo của nhà nông.
6- Địa vị Con Người : Địa vị của một chủ nhân trong vũ trụ đã thể hiện trong mọi sinh họat trên trống đồng ngay giáp vòng trung tâm mặt trời. Con người xuất hiện trong các động tác của múa, hát, giao hòa . Mọi người cùng múa, cùng hát, cùng giao tay chân . Người điều động là một người của nhóm, ta thấy cảnh mọi người cùng nhau tham dự trong một Tinh Thần Công Thể, như là các phần tử trong một cơ thể. Tuyệt nhiên không hề có cảnh của mối liên hệ chủ –nô, ngay cả hình ảnh của vua quan và thứ dân cũng không có. Đây là điểm nổi bật của tinh thần Nhân Chủ đã thể hiện rõ ràng trong cảnh trên mặt trống. Mọi người bình đẳng bên nhau múa hát vang trời dậy đất trong cuộc đại diễn hành về hướng trái để hội nhập với lửa trời thiêng liêng ở trung tâm Trống Không của lòng mình.
7- Minh Triết Thái Hòa trên mặt trống . 16 vòng bao gồm 3 nhóm vòng cuả Trời, Đất, và Người . Tất cả đang an vui sinh động bên nhau.
Tất cả cái khung tâm thức lưỡng hợp, thái hòa như trời - đất, chẵn - lẻ, vuông - tròn…là cái khung họa đồ của tư tưởng dân tộc. Khung tâm thức ấy dù trải qua bao thăng trầm nguy biến, dưới ách lệ thuộc ngàn năm, qua bao âm mưu cướp sạch, tiêu hủy văn hóa Việt để con cháu không con nhớ đuợc cội nguồn, văn hóa của tổ tiên, nhưng kỳ diệu và may mắn thay, Văn Hóa chủng tộc Việt chúng ta vẫn sống còn. Để ngày hôm nay, ta còn cơ hội chiêm ngắm các hoa văn khắc ghi trên mặt trống mà nhận diện tấm họa đồ di bảo của tổ tiên. Nó hướng con người Việt tìm về nội tâm, tìm ra lẽ sống an vui hòa bình . Nó linh thiêng vì lẽ sống ấy không phải là vật chất nên không bị tiêu hủy qua bao ngàn năm tang thương. Sức sống Việt là sức mạnh của Văn Hóa, nên trường tồn, nên linh thiêng. Nên chúng ta có thể gọi tên là Họa Đồ Tâm Linh Dân Tộc Việt.
Khảo cổ đã mang lại cho ta niềm tự hào Việt Tộc, với nền văn minh lúa nước Hòa Bình.Đặc biệt nơi đây, khảo cổ đã mang cho chúng ta tiếng Trống Đồng Đông Sơn rộn rã trong từng đáy lòng con dân Việt.
Nhưng thật ra, Trống Đồng chỉ là một biểu tượng của khía cạnh Văn Minh. Nhưng còn nền Văn Hóa của Tổ tiên, chúng ta chưa có dịp tự hào vì chưa tìm cho thấu triệt, để ôn lại với nhau, truyền đạt cho nhau về ý nghĩa bức tranh Họa Đồ Tâm Linh Việt khắc ghi trên trống. Nơi đây ta sẽ thấy cả một nghệ thuật sống của đạo lý Việt : Chỉ là một chữ HÒA thật lớn lao. Minh Triết HÒA ấy bộc lộ rõ ràng : Mặt trời ở giữa trung tâm, đó là HÒA TRỜI. Như là Hòa với nguồn ánh sáng nuôi dưỡng vạn vật, sự sống cho muôn lòai. Rồi những vòng thú vật hiền lành, các con chim, nai bé nhỏ chính là vòng của đạo sống HÒA với ĐẤT. Và giữa cái cảnh trời đất mênh mông niềm hòa ái ấy, con người mới HÒA NGƯỜI với nhau.Đó là chính từ cảnh hòa hợp khắp cùng trời đất vạn vật, con người làm nên cuộc đại diễn hành thiêng liêng ca múa bên nhau với trời cùng đất. Trên trống đồng chính là cảnh “Ta cùng trời đất ba ngôi sánh, Trời - Đất - Ta đây một chữ đồng”.
Bức họa đồ ấy vẽ nên những nét căn cơ của đời sống . Nét căn cơ ấy là Bản Chất và cũng là Hành Trình của con người. Bản chất con người tóm gọn chỉ là giao điểm của tinh thần vô biên với vật thể hữu hạn. Hành trình của con người chẳng qua là cuộc hành hương về với bản gốc mình, có nhịp tiến lên thanh cao mà cũng có bước đi xuống lưu hành cùng thế tục . Đó là ý nghĩa chữ GIAO CHỈ cũa Việt tộc. Giao Chỉ là giao lại, nối kết hai Chỉ ( hai đầu mối, hai thái cực) Trời và Đất, hai đối cực làm nên con người. Cho nên nói con người là vật chất, như duy vật là “duy chỉ” chứ chưa là “ Giao Chỉ”, nên còn tách biệt phân ly thực tại hai chiều Lưỡng Hợp của Chân Lý Việt. Nói con người là linh thiêng xa rời xác thân, vật thể cũng là “duy chỉ” chứ chưa phải là ‘“Giao Chỉ”. Con người là “Giao Chỉ” có nghĩa là con người là một nơi hội tụ, ràng buộc , tương giao của trời và đất, hữu hạn với vô cùng. Trên trống đồng chúng ta thấy tinh thần “ Giao Chỉ” cùng cực.
Trời không cô lẻ, đất cũng chẳng xa rời, con người khắc ghi cái cảm thức Hòa điệu Trời - Đất -Người bằng vòng người hóa trang chim nhảy múa theo chiều minh triết tả nhậm. Chúng ta thấy tinh thần ca vũ, hóa trang với lông chim với sự thanh thóat bay bổng của cháu TIÊN. Và chúng ta cũng thấy Tiên không một mình, mà trên tang trống ( thành trống) lại có nét khắc họa cảnh chim Tiên lao thẳng vào miệng Rồng tạo thành cảnh Tiên Rồng hòa hợp sánh đôi để rồi sẽ sinh ra một bọc trăm Con Rồng Cháu Tiên mà Triết Gia Kim Định đã mô tả bằng từ ngữ rất gợi hình: “Thuyền Tình bể ái” Tiên Rồng.
Ngòai ra, chữ VĂN trong từ ngữ Văn Lang cũng cùng ý nghĩa trời đất giao thoa như GIAO của giao Chỉ. Nước ta quốc hiệu Văn Lang tức là đất nước của con người đã đạt mức độ Văn Trời -Văn Đất , tương quan với Trời cùng Đất. Trên Trống Đồng, họa đồ Con Người Giao Hòa cùng Trời Đất, ca múa những bước hòa nhịp Văn Lang, mà Triết Gia Kim Định đã đặt tên vũ điệu này là Văn Lang Vũ Bộ.
Như vậy, tìm hiểu trống đồng cổ vật quý của văn minh Đông Sơn thời Hùng Vương, cũng như các khía cạnh khác về kích thước, sự luyện kim trong kỹ thuật đúc trống…, chỉ là mới tìm hiểu cái hình thức bên ngòai, các yếu tố vật chất của trống. Nhưng khi mà chúng ta tìm hiểu thâm sâu thêm vào ý nghĩa của trống, qua các hoa văn , thì đó mới là tìm lại những gì trường cửu hơn, văn hóa hơn, nội tâm hơn, mới đúng như cái nhìn ngắm để rồi nghe được “Tiếng Vọng của Linh Hồn Việt”.
Hay nói cách khác, nếu thế giới hôm nay đang miệt mài say sưa hữu vi duy vật quá độ, xa rời yếu tính Giao Chỉ tâm linh, nên gần kề cơ nguy hủy diệt, thì tìm về ý nghĩa Minh Triết Trống Đồng chính là việc kéo con người về với cái luật quân bình tự nhiên An Vi, để sinh tồn. Nghĩa là sống với Đạo Trống . Trống dùng như danh từ, là cái trống, về hình thể bên ngòai. Mà động từ Trống là sự hư tĩnh trống không. TRỐNG chính là HƯ TÂM, theo đạo Trống là làm cho lòng trống không( cái Không dọn đường chứa đựng cái có, tương tự như Chân Không Diệu Hữu ) như tâm thức trong suốt trẻ thơ. Thiên đàng nào ở đâu xa., chính ngay tại tâm thức Giao lại Chỉ trời và Chỉ Đất, Văn lại cái Hữu hình với Siêu hình. Nơi Tâm thức Vô phân biệt hai cõi Hữu và Vô, con người đạt đến cái ngây thơ hồn nhiên của tâm hồn trẻ thơ, chính là Tâm Đạo. Cho nên, Triết Việt là đường về Nội Tâm , tiếp cận được cảnh giới siêu việt, chan hòa niềm an vui thanh tịnh, giao hòa được với bản thể sinh mệnh hai chiều đại ngã tâm linh. Do đó, Triết Việt là triết của TÂM nên rất ĐƠN SƠ mà NỀN TẢNG, chỉ vài nét chạm khắc nghệ thuật như hình Tiên Rồng HAI chiều lưỡng nghi hòa hợp, hay BA vòng đại diễn Trời- Đất- Người cũng đủ đúc cốt xây nền cái trụ cột chính của họa đồ tâm linh dân tộc Việt.
Từ đó, nếu đọc đúng được họa đồ di chúc tinh thần của tổ tiên thì con cháu được an lành, đời là cuộc diễn hành về nhất thể thiêng liêng, như hoa hướng dương hướng về mặt trời chân lý. Nếu không đọc đúng, sai một ly đi một dặm, thì phải lâm vào khổ nạn của sai lầm, bất an cả thể xác lẫn tâm hồn, đắm chìm trong thế giới đau thương và hủy diệt. Cuối cùng chúng ta nhận ra rằng trăm sự khổ đau, bất an của con người xuất phát từ tư tưởng giới hạn, vì dùng TRÍ nhiều hơn TÂM, nên chỉ thấy cái chẻ nhỏ của thực tại, chỉ thấy khía cạnh mà chưa thấy cái tòan thể. Chỉ thấy con người của cá nhân tiểu ngã, con người lý trí, con người của đòan lũ, con người của phe nhóm, con người của tôn giáo… Đó là con người còn thiển cận, nhỏ bé,hẹp hòi, nên gọi là con người
“ Duy Chỉ”. Con người “ GIAO CHỈ” là phải lớn lao hơn, cao cả hơn, là con người tự thân, tự do, đơn sơ, tinh tuyền một chữ NGƯỜI không pha tạp bất cứ sắc mầu nào. Cho nên, Triết Gia Kim Định cứ kêu thống thiết lên rằng: “ Đạo mất trước, nước mất sau”. Do đó, muốn cứu nước, cứu nhà, trước tiên ta phải tìm về Đạo Việt, Đạo GIAO CHỈ của nguồn Minh Triết Việt.
Một cách hình ảnh hơn, ta có thể nói rằng Đạo Việt chính là Đạo Trống. Có để lòng trống không, thì mới giao hòa được bao cái mâu thuẫn, chia rẽ chính bản thể của mình với vũ trụ, nhân sinh, trong bao đa đoan, đa sự của cuộc đời… Bình An và Chân Hạnh Phúc nào đến được khi ta chưa mở lòng cho Trống, cho Không.
Thật thế, Đạo Trống đã khắc ghi trên các hoa văn có con dấu ấn LƯỠNG HỢP, THÁI HÒA hay là HAI- BA , dấu chỉ đường về với Đạo. Đọc lịch sử quê hương, ta thấy biết bao thăng trầm, vinh nhục . Và mang Đạo Trống quán chiếu, ta thấy ngay tầm ảnh hưởng của bức họa đồ sinh tử của dân tộc Việt . Hôm nay, trên bước bất đắc chí phải tha hương , nói đến chuyện cứu quốc, kiến quốc, thì không thể không tìm lại một họa đồ thích hợp với căn tính Việt để xây nhà Việt, cho người Việt khỏi lâm cảnh không cửa không nhà, tinh thần bơ vơ không nơi trú ngụ. Một dân tộc có bản sắc 5000 năm không bị tiêu trầm, chắc hẳn tấm họa đồ của dân tộc ấy phải chưá đựng nổi hồn thiêng văn hóa của giống nòi. Chắc hẳn nền văn hóa ấy phải đủ sức sống mãnh liệt để hàng ngàn năm dòng máu Lạc Việt cứ tuôn đổ ra để bảo vệ nó qua bao thăng trầm. Tấm họa đồ ấy trong thời thanh bình an lạc Hùng Vương đã khắc ghi cái tâm tình, trí tuệ, đau thương của giống nòi Việt Tộc trên hoa văn của Trống Đồng mà đại biểu là Trống Đông Sơn rực rỡ một thời.
Bài tìm hiểu Triết Việt về Minh Triết Trống Đồng này của chúng tôi chỉ như một gợi ý, không có tham vọng giải thích được hết cái đạo, cái tình, cái ý, cái chí của tổ tiên. Chỉ là những phác họa lại trong muôn một, cái Hồn của đất Việt, cái Tâm của Đạo Việt, bức Họa Đồ Tâm Linh Dân Tộc Việt, để chúng ta cùng chia sẻ với nhau gia tài tinh thần của tổ tiên trao gửi lại nơi các hoa văn trên Trống Đông Sơn Gọi Hồn Dân Tộc.
Tác giả Đông Lan