Lặng nghe tích sử ngày xưa
Trạng nguyên lưỡng quốc để thưa với đời
Chuyện xưa xin kể mấy lời
Đốt đèn đom đóm người ơi có tường ?
Về miền quê trạng Hải Dương
Nghe chuyện đi sứ yêu thương ,tự hào
Khen người trí dũng , tài cao
Cả triều Nguyên ấy ai nào sánh ngang ?
Ải quan thưa chuyện khẽ khàng
Làm quan giữ cổng bẽ bàng một phen
Trí , tài đã xếp hàng trên
Chớ đùa với trạng ... kêu rên có ngày
Thả ra câu đối thử tài
Qua cửa ải trễ *mời ngài đối cho
Đối được thì chớ có lo
Còn không đối được ta cho đứng ngoài (1)
Đĩnh Chi đối lại chẳng sai
Ra câu đối dễ có ai không tường ?
Nhưng mà đối lại chẳng thường
Thôi thì phần trước tôi nhường cho ông ! (2)
Vào triều trạng lại lập công
Vua Nguyên đỏ mặt phục ông chữ tài
Nước to hiếp nhỏ rõ sai
Quan trạng đối lại một hai phân bày (3)
Trăng cung sao đạn bắn ngay
Mặt trời rơi xuống khi ngày khuất xa
Vua Nguyên tấm tắc ngợi ca
Khen người giỏi đối để ta phục tài (4)
Những ngày đi sứ lai rai
Vào phủ tể tướng chê bai tranh người
Nhìn tranh quan trạng cả cười
Tiểu nhân - quân tử ai người đứng chung ?
Cành trúc tỏ chí anh hùng
Còn như chim sẻ hãi hùng tiểu nhân
Xé tranh trạng chẳng ngại ngần
Làm cho tể tướng bội phần phục uy (5)
Quyết dồn trạng đến thế nguy
Vua Nguyên phán hỏi , xét suy tới cùng
Quân - sư - phụ ... Ấy hãi hùng
Nếu rơi xuống nước đường cùng cứu ai ? (6)
Đĩnh Chi tỏ rõ một hai
Gặp ai trước nhất cứu ngay tức thời
Vua Nguyên phán bảo đôi lời
" Trạng nguyên lưỡng quốc " đời đời vinh danh
Kể nghe tích sử hùng anh
Nhắn đàn em nhỏ nhanh nhanh học người
Tu nhân ra dáng con người
Luyện tài là để rạng ngời tổ tông
Tích xưa
Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346), tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, Chí Linh, nay là Nam Sách (Hải Dương). Bẩm sinh ông tướng mạo xấu xí: người lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô... người làng thường bảo đó là con khỉ tinh nghiệm vào. Nhưng bù lại, ông rất thông minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng lanh lợi, thần đồng. Vì nhà nghèo, giống như Nguyễn Hiền thuở nhỏ, Đĩnh Chi không thể đến lớp cùng bè bạn mà chỉ đứng ngoài lớp học nghe thầy giảng bài. Đêm đến, không có đèn thắp sáng, cậu bé phải bắt đom đóm rồi cho vào vỏ quả trứng để có ánh sáng học bài.
Thử thách văn chương đầu tiên là, do trời mưa nên Sứ bộ đến cửa ải Pha Lũy (nay là ải Nam Quan) bị trễ. Quan trấn ải phía Trung Quốc không chịu mở cổng thành, song vì biết danh tiếng ông, nên thử tài bằng câu đối:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan
Nghĩa là: Qua cửa quan trễ, cửa quan đóng, mời khách qua cửa quan
Ông đã đáp lại:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối
Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước
Quan giữ ải phục tài, lập tức mở cửa ải đón sứ bộ và tiếp đãi rất long trọng.(1) ,(2)
Khi đến Yên Kinh, thấy Mạc Đĩnh Chi người thấp bé, nên người Nguyên tỏ ý khinh khi. Trong buổi tiếp kiến đầu tiên người triều Nguyên đã ra câu đối:
Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố
Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vừng trăng. Hàm ý là đại quốc đủ sức đốt cháy nước nhỏ.
Mạc Đĩnh Chi đã đối lại:
Nguyệt cung tinh đan, hoàng hôn xạ lạc kim ô
Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rơi mặt trời.
Lời đối khiến vua Nguyên tức, nhưng phải thừa nhận là chuẩn không cần chỉnh.(3),(4)
Khi Tể tướng triều Nguyên mở tiệc chiêu đãi sứ bộ Việt, ông thấy trong phủ Tể tướng có bức tranh thêu chim sẻ vàng đậu trên cành trúc rất đẹp. Đĩnh Chi kéo con chim sẻ xuống xé nát ra, người Nguyên hỏi cớ sao? Ông nói:Cổ nhân có vẽ mai và tước, chưa thấy vẽ trúc và tước (sẻ). Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, bức trướng thêu này là đưa tiểu nhân đặt lên trên quân tử, nên tôi vì Thánh triều mà trừ mối tệ ấy đi(5)
Khi Sứ bộ bái biệt vua Nguyên để về nước, thì họ ra câu đố hiểm hóc:
Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?
Vào thời kỳ đó, trả lời sai sẽ bị tội phanh thây, chém đầu hoặc lưu giữ lại, dẫn đến nước Việt mất nhân tài. Nhưng ông đã trả lời:
Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhẩy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình.
Câu trả lời chuẩn, nên ông không bị phiền phức và được ra về(6)
Lhv