• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Mạc Đĩnh Chi- Lưỡng Quốc Trạng Nguyên

Trang Dimple

New member
Xu
38

Mạc Đinh Chi (1272-1346, theo tài liệu lịch sử ghi lại) tên tự là Tiết Phu, vốn người Lao Khê, Huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, sau đó dời đến làng Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Mạc Đĩnh Chi sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nhưng không may cha mất sớm, gia cảnh bần hàn. Bù vào những thiệt thòi đó là sự thông minh xuất chúng của Mạc Đĩnh Chi và bà mẹ ông là người có tâm hồn lớn rất mực thương yêu con, tần tảo nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, một phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Đến tuổi đi học, Mạc Đĩnh Chi tỏ ra mẫn tiệp, học một biết mười, có tư chất thông minh hơn người.
170248a6ea7121eac.jpg


Đến kỳ thi đại khoa
năm Hưng Long 12 (năm 1304) ông đỗ đầu Đệ nhất giáp, tức Trạng nguyên.
Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi với tài năng và đạo đức của mình, ông dành được sự tin cậy của triều Trần, lần đầu tiên ông được vua Trần Anh Tông cử đi sứ nhà Nguyên. Mạc Đĩnh Chi đã không hổ danh là một tân Trạng Nguyên của Đại Việt với khí phách kiên cường, tin thần tự tôn tự hào dân tộc và tài văn thơ, ứng đối mẫn tiệp trước các đại thần của triều Nguyên khiến cho vua quan triều Nguyên rất vị nể và thán phục, phong cho học vị Lưỡng quốc Trạng nguyên và được các sứ thần triều Nguyên ghi chép rất trân trọng vào Bộ chính sử quốc gia.

Năm 1324, dù đã gần 60 tuổi, Mạc Đĩnh Chi được vua Trần Minh Tông tin tưởng cử đi sứ nhà Nguyên lần thứ hai, điều này chứng tỏ mức độ tin cậy tuyệt đối của vương triều Trần với Mạc Đĩnh Chi, và ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của một sứ thần. Chính nhờ có sự giao tiếp đắc nghi giúp sức nên trong khoảng hơn trăm năm ngăn được sự nhòm ngó của Trung Quốc mà tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà.

Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng thơ phú. Ông đã đi vào sử sách và đi vào tiềm thức của nhân dân từ chính tài năng văn chương của mình. Vẫn còn những giai thoại kể về tài ứng đối, thơ, phú của ông như Ngọc tỉnh liên phú (bài phú hoa sen trong giếng ngọc), Phiến Minh (bài minh về quạt)... từ khi ông làm quan triều Trần cũng như khi đi sứ nhà Nguyên.


Mạc Đĩnh Chi làm quan và hoạt động dưới 3 triều vua đời Trần : vua Trần Anh Tông (1293-1314), vua Trần Minh Tông (1314-1329) và vua Trần Hiến Tông (1329-1341). Tuy làm quan nhưng Mạc Đĩnh Chi có tiếng là liêm khiết. Ông sống giản dị, lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm của mình để phục vụ đất nước. Năm 1339, Mạc Đĩnh Chi về trí sĩ được tặng phong tước hầu.

TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI HAI LẦN ĐI SỨ

Mạc Đĩnh Chi tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ; nay là thôn Lũng Động, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là cháu nội của Mạc Hiển Tích, đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12, đời vua Trần Anh Tông (1304). Sau khi thi đỗ, ông được bổ Thái học sinh hoả dũng thư gia, sau được thăng Đại liêu ban, Tả bộc xạ, làm Nhập nội hành khiển, Tả tư Lang trung. Ông làm quan sống thanh đạm, liêm khiết nổi tiếng, được vua Trần và nhiều người mên phục.

Năm 1308, sứ nhà Nguyên là Thượng thư An Lỗ Uy sang báo tin vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Vua Trần Anh Tông đã cử ông đi sứ để đáp lễ năm đố. Năm 1324, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp Mưu sang báo việc lên ngôi và ban cho vua Trần một quyển lịch.Vua Trần Minh Tông lại sai ông đi sứ mừng vua Nguyên. Ông đã đi sứ hai lần nên những chuyện đi sứ của ông cũng khá nhiều. Nội dung các chuyện đều nhằm bộc lộ tài năng hơn người trong khi đi sứ, có chuyện được ghi trong các sách, có chuyện được lưu truyền như những giai thoại văn học.

Giai thoại 1: Câu đối qua cửa ải
Chuyện kể, trong lần Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa, mưa gió nên sứ bộ đến cửa ải Nam Quan chậm mất một ngày. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Mạc Đĩnh Chi nói mãi chúng cũng không chịu cho qua. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được thì sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi đến sáng hôm sau.. Vế ra đối viết :

- Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.

Nghĩa là :

- Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mới khách qua đường qua cửa quan.

Thật là một câu đối hiểm hóc, nội dung nói lên việc Mạc Đĩnh Chi đang cần qua cửa quan để sang Yên Kinh. Song khó ở chỗ trong 11 chữ của vế đối mà có tới bốn lần nhắc lại chữ quan.

Mạc Đĩnh Chi nghĩ vế ra quả là rất khó đối lại nhưng nếu im lặng thì mất thể diện. Ông ứng khẩu đọc lại vế đối :

- Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.

Vế đối cũng có bốn chứ đối.

Nghĩa là :

- Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.

Mọi người đều đang bí thì nghe Mạc Đĩnh Chi đọc vế đối lại. Quân lính nhà Nguyên phải chịu và mở cửa ải để ông đi qua.

Giai thoại 2: Mạc Đĩnh Chi thắng Trạng cờ Trung Hoa
Hồi đi sứ ở Yên Kinh, nhân lúc nhàn rỗi đi dạo phố, Mạc Đĩnh Chi thấy trước cửa nhà một người có treo biển tự xưng là Trạng cờ. Ông bèn vào để thử tài cao thấp. Sau khi biết Mạc Đĩnh Chi muốn thử tài mình, người Tầu nọ bèn đem bàn cờ và bộ quân bằng sừng ra tiếp. Mạc Đĩnh Chi lắc đầu và nói xin đem bộ quân bằng ngà ra để chơi mới được. Trạng cờ Trung Hoa nói :

- Bộ quân bằng ngà chỉ để tiếp vua mà thôi. Ngoài ra cũng chỉ tiếp những người hơn cờ ta thôi. Nếu mang ra đánh, ngài thua cờ tôi thì sao ? Mạc Đĩnh Chi bèn nói :

- Nếu tôi thua thì xin gửi lại ngài các đầu, còn nếu tôi thắng thì chỉ xin ngài các bảng treo chữ Trạng cờ và bộ quân băng ngà này.

Hai người chơi ván cờ đã đến ba ngày vẫn chưa phân thắng bại. Đến gần tối ngày thứ ba, thấy nước cờ của mình đã núng thế, Mạc Đĩnh Chi bèn nói xin nghỉ để đên sáng hôm sau. Đêm về, Mạc Đĩnh Chi đã dựng lại các nước cờ trong óc và nghĩ ngay ra phải đánh Tốt mới là nước cờ quyết định.

Sáng hôm sau gặp lại trạng cờ Trung Hoa, Đĩnh Chi ung dung dí ngón tay đánh ngay con tốt. Trạng cờ giật mình rồi thốt lên :

- Đúng là nước cờ thần, xin chịu thua ngài.

Trạng cờ vội gói lại bộ quân cờ bằng ngà và cái biển, xin nộp cho Mạc Đĩnh Chi nhưng ông đã từ chối mà không nhận, chỉ muốn từ nay người chơi cờ nọ nên cất cái bảng Trạng cờ kia đi.

Giai thoại 3: Thử tài lần cuối
Tương truyền trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến vua nguyên và các quan văn võ lần cuối. Vua Nguyên đã phong cho biển đề : "Lương quốc Trạng nguyên" và thấy Mạc Đĩnh Chi thật là xứng đáng. Tuy vậy, vua và các quan nhà Nguyên vẫn thử tài Mạc Đĩnh Chi một lần nữa. Lần này họ không ra vế đối nữa mà ra một câu hỏi thông thường về đời sống. Vua Nguyên hỏi :

- Từ khi đến Yên Kinh, ngày nào nhà ngươi cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái không ?

Câu hỏi thật là bất ngờ, vua không thử tài văn học mà muốn thử tài quan sát. Hằng ngày đi lại trên đường ở Kinh đô thì có biết bao nhiêu người, ai có công để ý mà đếm. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi đã điềm tĩnh trả lời :

-Muôn tâu bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại.

Vua Nguyên lấy làm lạ bèn hỏi lại :

- Nhà ngươi nói không đúng, sao lại chỉ có hai người ?

Mạc Đĩnh Chi bèn thưa :

- Muôn tâu bệ hạ, thần nói chỉ có hai người là rất đúng ạ. Vì hằng ngày, phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì danh cũng vì lợi mà thôi, như vậy rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi.

Vua Nguyên phải phục vì tài biện bác của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi nhưng lại hỏi một câu hỏi nữa :

Một cái thuyền, trên có chở ba người gồm vua, thầy dạy và cha, khi ra đến giữa sông thì bị sóng to gió lớn nên đã lật đắm . Khi ấy nhà ngươi ở trên bờ bơi ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, như vậy thì nhà ngươi cứu ai ?

Câu hỏi này thật là oái oăm và như một cái bẫy để buộc tội Mạc Đĩnh Chi. Nếu Mạc Đĩnh Chi nói chỉ cứu vua thì được chữ Trung nhưng mắc tội bất hiếu với cha mẹ và mắc tội bất nghĩa với thầy. Nếu nói chỉ cứu thầy dậy thì mắc tội với bất trung với vua và tội bất hiếu với cha.Nếu chỉ cứu cha thì mắc tội bất trung và bất nghĩa. Nếu nói không cứu ai cả thì tội bất nhân, bất trung, bất nghĩa, bất hiếu lại càng nặng.

Đắn đo suy nghĩ một lúc rồi Mạc Đĩnh Chi trả lời :

- Thần bơi ra giữa sông, chỉ cứu được một người nên gặp ai trước thì cứu ngay người đó, bất kể là vua, thầy hay cha.

Cả triều đình đều phục trí thông minh và tài ứng đối nhanh trí của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Mạc Đĩnh Chi Lưỡng quốc trạng nguyên và câu đố chết người

Khi đi sứ, Mạc Đĩnh Chi bị triều đình nhà Nguyên coi thường. Tuy nhiên, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, ông không những thoát chết mà còn được phong "Lưỡng quốc trạng nguyên".

"Há rằng trống rỗng bất tài

Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay.

Nếu ta giữ mực thẳng ngay.

Mưa sa gió táp xem nay cũng thường".

Những câu văn trong bài phú Ngọc tỉnh liên (Bông sen trong giếng ngọc) gắn liền vị trạng nguyên nổi tiếng tài năng nhưng xấu xí trong lịch sử khoa cử nước ta – Mạc Đĩnh Chi.

Theo cuốn Danh nhân Hà Nội do giáo sư Vũ Khiêu biên soạn, vị "Lưỡng quốc trạng nguyên" này sinh năm 1280 ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông tên tự là Tiết Phu. Từ nhỏ, ông đã thông minh hơn người, có tinh thần tự học cao và từng theo học Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc.

Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời”.

Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên. Ban đầu, nhà vua chê ông thấp bé, xấu xí. Vị trạng nguyên 24 tuổi bèn làm bài phú Ngọc tĩnh liên, tự ví mình như sen.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú biên soạn, vua Anh Tông xem xong, thán phục trước tài văn thơ của Mạc Đĩnh Chi, thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

4 năm sau, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên mừng vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Tại thời điểm đó, quan hệ giữa hai triều đình không mấy ôn hòa nên sứ thần thường bị làm khó.

Tuy nhiên, trong hoạt động bang giao, vị trạng nguyên trẻ tuổi của nước ta đã chứng tỏ được tài năng, khí phách.

Chuyện kể rằng, trong buổi tiếp kiến đầu tiên, thấy sứ thần Đại Việt nhỏ bé, người Nguyên tỏ ý khinh thường bèn ra câu đối: “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng – hàm ý nước lớn đủ sức thâu tóm nước nhỏ).

Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh đối đáp: “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rơi Mặt trời).

Dù tức giận, vua Nguyên vẫn phải thừa nhận câu đối của ông rất hay.

Cũng trong lần đi sứ này, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên thán phục, tự tay hạ bút phong "Lưỡng quốc trạng nguyên". Trong lịch sử bang giao hai nước, ông là người duy nhất nhận danh hiệu này.

Những chuyến đi sứ của vị trạng nguyên lỗi lạc cũng để lại nhiều giai thoại đặc sắc.

Tương truyền, khi sứ bộ Đại Việt cáo biệt triều đình nhà Nguyên để về nước, Mạc Đĩnh Chi nhận một câu đố hiểm hóc mà chỉ cần trả lời sai, ông chắc chắn mất mạng.

Họ đố: “Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học, và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy, ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?”.

Rõ ràng, đây là một trường hợp khó chu toàn trung, hiếu, nghĩa. Trước nguy cơ bị xử tử, tác giả Ngọc tỉnh liên không chút nao núng đưa ra đáp án thích hợp nhất.

“Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình”, ông nói.

Câu trả lời rất chuẩn này không chỉ thể hiện sự nhanh trí mà còn cho thấy thái độ bình tĩnh, gặp nguy không loạn của trạng nguyên nước ta.

Ngoài ra, liên quan câu chuyện đi sứ, chuyện kể rằng, sứ thần Cao Ly mến mộ tài năng, đức độ của sứ thần Đại Việt trẻ tuổi nên mời Mạc Đĩnh Chi qua Cao Ly chơi và gả cháu gái cho ông. Vị thiếp này sinh một nam, một nữ.

Sau này, ông Mạc Văn Kết, hậu duệ Lưỡng quốc trạng nguyên xác minh câu chuyện.

Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiển Tông. Nhờ tài năng, tính ngay thẳng, liêm khiết, ông được vua nhà Trần trọng dụng, hậu đãi.

Theo các nhà sử học, trong số 46 vị trạng nguyên thời phong kiến nước ta, Mạc Đĩnh Chi là một trong số những người được dân chúng khâm phục và ca tụng đồng thời sáng tạo nhiều giai thoại giàu trí tuệ nhất.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top