Lòng tự trọng của nhà văn và pháp luật nghiêm minh ?

Khởi Nghiệp

Moderator
Thành viên BQT
Xu
0
Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng nhà thơ Vũ Quần Phương (NT VQP), nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam (NVVN) nhằm có thể cắt nghĩa về hiện tượng nhức nhối này.

Là nhà thơ thuộc thế hệ trước, ông nghĩ sao trước nhiều vụ vi phạm tác quyền vừa bị phát hiện trong làng thơ, mà đều liên quan đến những người có nghề?

Lấy văn chương của người khác làm của mình thì lác đác các thời đều có, nhưng đó là những người không chuyên nghiệp và khi đó, họ chưa có ý thức về vấn đề bản quyền. Còn giờ, hầu hết những người liên quan đến chuyện đạo thơ lại đều có nghề thì quả là bất thường. Những người ấy hẳn tự thấy những tổn thất của họ trong lòng bạn đọc và đó là tổn thất lớn nhất.

Cho nên, báo chí là những người phê phán cũng nên nói nhẹ nhàng. Vì những người làm văn thơ đều nhạy cảm, dễ đau đớn và đau đớn lâu, có người nghĩ quẩn lại có hành vi đáng tiếc. Cho nên tôi nghĩ, nhất là đối với phụ nữ. nói cho họ thấy sai, chứ không nên chì chiết, miệt thị, vùi dập, để cho người ta còn vươn lên nữa! Sau lần này người ta rút kinh nghiệm, sẽ không bao giờ mắc, thì đó là thành công. Khi người ta đã nhận ra rồi thì bạn đọc cũng như bạn viết nên độ lượng. Người ta ai cũng có vợ/chồng, con cái, bạn bè, gia đình v.v… vì thế không nên nói gì làm tổn thương quá. Trong nghề cũng thương nghề một chút. Lỗi thì không thể bênh được nhưng lỗi này còn sửa được.

Thời trước, có xảy ra chuyện đạo văn tương tự không thưa ông?

Những thời khác không xảy ra như thế vì những người làm thơ hiểu được mối quan hệ trong nghề. Tế Hanh từng có bài thơ “Liễu” tặng Chế Lan Viên, Chế Lan Viên sửa toàn bộ rồi in và đề tên Tế Hanh. Nhưng Tế Hanh đều nói với mọi người đó chính là bài thơ của Chế Lan Viên nhưng lấy tên ông.

Đạo văn của người khác chính là chống lại cái đích của văn chương là đấu tranh cho sự trong sáng, cho vẻ đẹp của tâm hồn, nên người viết không bao giờ được làm. Nếu sơ suất, do vô ý thì đính chính. Những người tinh còn tránh cả âm điệu thơ của người khác. Rất đáng tiếc vì những việc đã xảy ra. Buồn không phải chỉ cho các bạn mà buồn cho cả giới cầm bút. Nghe câu thơ giống thơ Du Tử Lê tôi bỏ qua, nhưng khi thấy Phan Huyền Thư lấy thơ của Thường Đoan thì tôi buồn thực sự. Thư lấy đi rất nhiều tình cảm của tôi với cô ấy vì tôi vốn quý Thư do Thư cũng thông minh, nhưng tôi vẫn chưa dám gặp vì e, nếu nói nhẹ quá Thư sẽ coi thường, còn nghiêm quá thì sợ Thư buồn.

nha-van-phai-tu-trong-va-phap-luat-phai-nghiem-minh-.jpg

Nhà văn Vũ Quần Phương

Tài năng của những người liên quan đến các vụ việc ít nhiều đều có. Liệu có phải vì họ đã cạn kiệt tài năng, không thể làm những câu thơ hay, nên mới đạo của người khác?

Thực ra tôi đánh giá tài năng của các bạn này theo cách của tôi. Tôi chú ý nhưng chưa khen. Tôi còn chờ sự phấn đấu lớn hơn của các bạn. Hy vọng sau cú sốc này, họ sẽ có thành tựu. Lấy của người không phải do tài năng mình kém đâu. Nhiều người viết kém Thư, nhưng không ai làm thế, thậm chí, không biết làm thơ, họ cũng không làm thế!

Liệu có phải sự háo danh hay dễ dãi với bản thân là nguyên nhân dẫn dắt họ sai lầm?

Tôi cho rằng, có nguyên do nhỏ, từ một số người “nống” họ lên trong mấy chục năm qua, khiến họ “sĩ diện” lớn hơn tài năng. Chứ những người phấn đấu lâu dài mới thành tựu được thì họ thận trọng, dè dặt. Sự ủng hộ đôi khi vô lối của công luận, khiến họ không dựa vào năng lực thật của họ mà lại trông vào sự bênh che của bạn bè. Nhưng ở đây là lỗi làm người nên không thể lấy lời mà bênh được! Nhà văn phải tự biết mình, biết tài năng của mình, biết đạo đức, nhân cách, tầm vóc tâm hồn mình đến đâu. Khi chưa biết tin mình thì chưa dám nhận lỗi.

Ông có cho rằng, những vụ đạo thơ này sẽ tác động xấu đến nền văn học nước nhà không?

Trước hết, những việc này gây nỗi buồn cho giới viết văn. Công chúng cũng mất niềm tin vào giới sáng tác vốn đã mất tín nhiệm ở nhiều chỗ. Trước đây, giải thưởng văn học thường tạo được sự thuyết phục khiến người ta tìm đọc. Nay, chẳng những độc giả không tìm đọc mà còn chê. Công tác xét giải ở nhiều tổ chức khác cũng thiếu tôn chỉ mục đích, để len lỏi những yếu tố chạy chọt, mang tình cảm riêng tư vào xét giải. Nhìn chung, các giải thưởng hàng năm gần đây tác động rất kém. Ở Hội NVVN đã xảy ra vụ vi phạm bản quyền với chính tác phẩm của nhà thơ Hữu Thỉnh. Anh Thỉnh cho qua, đấy là sự độ lượng của anh ấy. Nhưng Hội không có thái độ rõ ràng, không xử lý người vi phạm là Hội không nghiêm. Những điều này làm tổn thương nền văn học và tạo thêm những vụ việc gần đây như giọt nước tràn ly.

Chúng ta đang quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, rất tốn kém và công phu, giờ xảy ra những vụ việc thế này rất khó giải thích. Ở nước ngoài thường nhờ mình chọn tác phẩm để họ dịch và việc này thường nương vào các tác phẩm được giải. Đây cũng là điều báo động cho cả các Ban giám khảo.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, văn học Việt Nam đang thời “mạt vận”. Ông nghĩ sao về nhận xét này và theo ông, làm gì để ngăn chặn tình trạng thiếu tự trọng trong làng văn?

Chữ “mạt vận” hơi nặng nhưng không phải không có lý. Nói thiếu tự trọng cũng đúng. Muốn ngăn chặn được hiện tượng này, trước hết phải có người tài, tâm huyết, tham gia thẩm định văn chương. Bên cạnh đó, đòi hỏi pháp luật, kỷ luật phải nghiêm minh, để người ta phải có ý thức sống tốt, sống trung thực. Chứ “nước đã đục thì chả biết nông sâu” thế nào, cho nên, pháp luật phải đi trước để có “nước trong”, cho nông - sâu thấy rõ.


Pháp luật đã có nhưng pháp luật chưa đi trước mà đã dẫn đến văn đàn Việt luôn như "chợ" nhiều năm qua. Buồn !

Nguồn Internet
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top