View attachment 5264
Bốn mươi tuổi chưa người nối dõi
Lý Thánh Tông đi tới chùa Dâu
Chắp tay thành kính nguyện cầu
Ban Hoàng Thái Tử con đầu mừng vui.
Dân háo hức đi lui đi tới
Trống với cờ mở hội đón vua
Thế mà chuyện thật như đùa
Có cô con gái quê mùa chẳng xem.
Miệng vẫn hát không chen xa giá
Tay cứ làm tất tả, nhanh nhanh
Xứng danh con gái nhà lành
Cây lan tựa gốc kết thành phu thê.
Yêu vì nết đón về cung cấm
Sống cuộc đời nhung gấm ước chi ?
Thánh Tông ban hiệu Nguyên Phi
Khi sinh Càn Đức vui gì vui hơn ?
Rồi bọn giặc trêu vờn mãnh hổ
Gây chiến tranh để khổ dân mình
Nhà vua quyết định thân chinh
Giao quyền nhiếp chính mặc tình Ỷ Lan.
Kìa cứu đói, trợ hàn kịp lúc
Cấm giết trâu lập tức thi hành
Chuộc ngay con gái nhà lành
Công ơn " Bà Tấm " bay nhanh trong ngoài.
Vua luẩn quẩn đánh hoài không thắng
Định lui quân : sợ chẳng bằng nàng
Quyết tâm dụ giặc ra hàng
Để không thua kém ,bẽ bàng Ỷ Lan.
Lòng hướng thiện họp bàn xây dựng
Miếu với chùa phật chứng thành tâm
Ăn chay niệm Phật âm thầm
Thượng Dương thái hậu giết lầm giết oan
Cùng Thái Úy kết đoàn đánh Tống
Phận má hồng mở rộng ước mơ
Làm cho lũ giặc bơ phờ
Cút ngay ra khỏi cõi bờ nước ta.
Ngồi buồn buồn giở ra sách sử
Đời Linh Nhân chuyện cũ chép vào
Tỏ ra cho hết thấp cao
Ơn công thái hậu đời nào dám quên?
Linh Hương Vũ
Chú Thích :
Là một phụ nữ sáng danh trong lịch sử nước nhà, Nguyên phi Ỷ Lan, ngoài tài trị quốc, an dân bà còn có công trong việc chống xâm lược, chấn hưng Phật giáo.
TRUYỀN KỲ VỀ CÔ GÁI ĐỨNG TỰA GỐC LAN
Cho đến nay, tên thật của bà cũng chưa được xác định rõ. Có sách ghi là Lê Thị Yến, có sách chép là Lê Thị Yến Loan, hay Lê Thị Mệnh… Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng chỉ ghi các tên hiệu “Ỷ Lan phu nhân”, “thần phi”, “Nguyên phi” và “Hoàng thái hậu”, trong đó có đoạn: “…Vua (tức Lý Thái Tông) tuổi lớn,40 chưa có con trai, sai chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, đến sau Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh thái tử Càn Đức, tức Nhân Tông (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai, con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, cho đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân…)”.
Chính sử chỉ ghi có vậy, xong truyền kỳ về cô gái hái dâu (hay cắt cỏ) vào cung vua Lý được dân gian thêu dệt khá sinh động:
Một sớm mùa xuân vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành), dân làng mở hội nghênh giá. Thánh Tông hoàng đế cùng hòa vào dân chúng trong hội làng đông vui. Trai gái, già trẻ các làng đều ra rước vua. Đoàn xa giá của vua đi đến đâu, các làng lân cận nô nức, đổ xô về phía ấy. Duy chỉ cô thôn nữ xinh đẹp của làng Sủi vẫn điềm nhiên hái dâu, xem việc ngự giá của vua không có quan hệ gì đến mình. Lý Thánh Tông thấy làm lạ, bèn cho đòi người con gái có vẻ “kiêu căng” đang đứng bên nương dâu kề gốc lan ấy đến trước kiệu rồng để hỏi. Cô gái ung dung nhẹ nhàng đến quỳ tâu: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, có đâu dám mong đi xem rước và nhìn mặt Rồng "
Vua thấy cô gái ăn mặc quê mùa, nhưng cử chỉ đoan trang, lời nói dịu dàng, đối đáp phân minh, lễ nghĩa khác hẳn những người con gái mà vua đã từng gặp. Yêu vì sắc, trọng vì nết nên vua cho cô gái theo long giá về kinh đô. Cô thôn nữ được đón về cung vua ấy là Yến cô nương xinh đẹp, nết na của làng Siêu Loại (Sủi). Nhờ “thông minh vốn sẵn tính trời”, được học tập, trau dồi, Yến cô nương đã trở thành một cung phi “nổi danh tài sắc một thời”, kinh sử làu thông, văn chương uyên bác. Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến, sau khi nàng sinh Thái tử Càn Đức thì được phong làm Ỷ Lan phu nhân, đánh dấu kỷ niệm về người con gái “đứng tựa gốc lan” năm nào.
Bình tán về sự kiện này, hậu thế có người cho rằng việc Yến cô nương đứng riêng ra một chỗ chẳng phải điểm nhiên, hay thờ ơ gì, mà chỉ cốt để nhà vua chú ý tới mình nhiều hơn. Còn việc cô đang “hái dâu”, hay “cắt cỏ” gì đó, thì cũng là để nhấn mạnh về nguồn gốc dân giã, hay lam hay làm như cô Tấm trong cổ tích mà thôi
HAI LẦN BUÔNG RÈM NHIẾP CHÍNH
Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trước khi đi, nhà vua tin cậy trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan nguyên phi. “Trận này, vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến Châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa vui vẻ, trong cõi yên tĩnh, tôn sùng Phật giáo, nhân dân gọi bà là Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì!”. Lần đi đánh nữa, lần này đánh được”.
Năm Nhâm Tý (1072) tháng riêng mùa xuân, Lý Thánh Tông mất, Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi, tức vua Lý Nhân Tông. Khi ấy vua mới lên 7, “tôn mẹ là Ỷ Lan nguyên phi lên làm Linh Nhân hoàng thái phi; mẹ đích là hoàng hậu Thượng Dương Dương thị làm hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”. “Để chấn hưng văn hóa, Linh Nhân Hoàng thái hậu đã cho xây Quốc Tử Giám vào năm 1076 và mở khoa thi Nho học đầu tiên để chọn người hiền tài
Trước họa quân Tống kéo sang xâm lược, vua Lý Nhân Tông lúc ấy chưa quá 10 tuổi, Ỷ Lan đã bỏ qua hiềm khích cũ, điều Lý Đại Thành đang chấn ải Nghệ An về trao lại chức Thái sư, cùng ông lo việc binh lương chuyển ra tiền tuyến. Chiến thắng vang dội trên dòng sông Như Nguyệt (1076) đã buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập năm 1077, ngoài tài cầm quân của vị anh hùng kiệt xuất Thái úy Lý Thường Kiệt, thì không thể không kể đến công lao to lớn của Hoàng thái hậu Ỷ Lan.